Người Công giáo và giáo dục Kitô giáo trong môi trường xã hội hôm nayVietCatholic News (07 Apr 2009 00:49)
Lời Chủ Chăn tháng 5.2009
1. Người Công giáo và niềm tin kitô giáo
Dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh cũng như trong đời sống của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô, người công giáo tin rằng Đấng Tối Cao, Đấng Chí Thánh Chí Tôn, là Thiên Chúa nhất thể tam vị. Tin rằng Ngôi Cha là Tình Yêu. Tin rằng Thiên Chúa Cha yêu thương loài người đến độ gởi Người Con Một là Đức Giêsu Kitô, là hiện thân Tình Yêu, đến làm người sống với loài người, để những ai tin vào Người Con nầy thì được sống muôn đời. Tin rằng Chúa Cha cũng gởi Thánh Thần của Ngài, là Thần Khí sự sống và là nguồn lực Tình Yêu, đến với mọi người, để những ai đón nhận Thánh Thần thì được sống dồi dào.
Cốt lõi niềm tin kitô giáo là xác tín Thiên Chúa là Cha trên trời giàu lòng yêu thương. Và vì yêu thương, Ngài ban cho ta cả kho tàng hồng ân cứu độ. Hồng ân trọng đại nhất là Người Con Một và Thánh Thần của Ngài, cùng Lời Chúa và các Nhiệm tích. Do đó, người công giáo chân chính là người cảm nhận những gì mình có, - sự sống và đạo làm người, gia đình cùng mọi sự an lành và mọi điều thiện hảo trong cuộc sống -, là quà tặng của Người Cha đầy lòng thương yêu. Đối với người công giáo, sống niềm tin kitô giáo là đáp trả lại tình thương vô biên của Cha trên trời với tấm lòng thảo kính tuân hành ý Ngài. Tôn ý của Ngài là người người sống yêu thương chan hoà trong gia đình, coi mọi người anh em đồng bào và đồng loại là con một Cha, là anh em một nhà, và chia sẻ cho nhau mọi hồng ân Chúa ban cho, trước tiên là hồng ân đức tin, là cánh cửa mở vào kho tàng hồng ân cứu độ.
2. Người Công giáo và luật của Đạo Chúa
Luật tối thượng của Đạo Chúa là mến Chúa yêu người. Luật nầy trước tiên được ghi khắc ngay trong bản chất con người được Thiên Chúa tạo thành theo hình ảnh của Ngài là Tình Yêu. Luật thành văn đến sau, nhằm giúp con người ý thức về nguồn gốc của mình là con Cha trên trời, về bản chất của mình là yêu thương.
Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội công giáo, cách đây 20 thế kỷ, nhiều người trong xã hội bấy giờ đã nhận ra các tín hữu tiên khởi hợp thành một cộng đoàn yêu thương và cộng sinh, nhờ thế mà trong cộng đoàn không có ai thiếu thốn, đói khổ, bị bỏ rơi. Cách đây gần 500 năm, khi ông bà tổ tiên đón nhận Đạo Chúa mới đến trên đất nước Việt Nam, đồng bào chúng ta đã chứng kiến Đạo Chúa là sức sống mới, là sức mạnh của tình yêu mới nối kết các tín hữu tiên khởi trong tình huynh đệ tương thân tương trợ và đùm bọc lẫn nhau. Và vì thế, họ đặt tên cho Đạo mới là Đạo yêu thương. Ngày nay, cũng chính nhờ sức mạnh của tình yêu mới đó, có những cộng đoàn công giáo ngay trong Thành phố nầy, cùng chung sức khắc phục cách có hiệu quả tình trạng nô lệ sự dữ và tội lỗi, tình trạng suy thoái trầm trọng của đời sống luân lý và đạo đức trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nay, tại những cộng đoàn đó, mọi người sống trong tình liên đới huynh đệ, trong một hoà khí tự do và an lành hơn. Những nơi đó, trước đem lại sự sợ hãi cho cộng đồng, nay trở thành điểm tựa đáng tin cho nhiều người.
Từ đó, người ta không còn dừng lại ở định nghĩa người công giáo là người đi nhà thờ, song người công giáo là người cảm nhận được Cha trên trời yêu thương, đồng thời là người biết sống tình huynh đệ liên đới với mọi người, không phân biệt giai cấp người giàu hay nghèo, sang hay hèn, học thức hay thiếu học, bạn hay thù, lành hay dữ.
3. Người Công giáo và hai loại tình yêu trong cuộc sống gia đình và xã hội
Cách đây 2 năm, nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc, tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với một số chức sắc trong cộng đồng dân Chúa tại Trung Quốc. Các vị đó có nêu lên một vấn đề trong lịch sử truyền giáo tại Trung Quốc, và phân ra hai loại nhà truyền giáo. Loại một là những nhà truyền giáo quan tâm tìm hiểu văn hoá bản xứ, trân trọng văn hoá đó, và góp phần tạo khả năng và thuận lợi cho việc phát huy nền văn hoá đó. Loại hai là những nhà truyền giáo không quan tâm tôn trọng văn hoá bản xứ, đồng thời áp đặt trên người dân bản xứ những gì xa lạ từ thế giới bên ngoài. Loại nầy bị coi là một chướng ngại cho sự phát triển của đạo Chúa cũng như của Giáo Hội công giáo nơi bản xứ.
Tôi có chia sẻ những suy nghĩ và nhận định của tôi: lịch sử và cuộc sống xác minh rằng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, xưa cũng như nay, có hai loại tình yêu thương. Loại một là tình yêu tôn trọng và đồng cảm, mở đường và trợ lực cho sự tăng trưởng của đối tượng được yêu thương. Loại hai là tình yêu mang tính gia trưởng, chuyên chế và áp đặt đối với đối tượng được yêu thương. Loại hai nầy làm đình trệ sự phát triển của đối tượng được yêu thương, dù là con người hay gia đình hay dân tộc.
4. Người Công giáo bước theo Đức Giêsu Đấng cứu độ, để đi đến sự sống mới
Trong cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã loan Tin Mừng cứu độ và phục vụ cho sự sống con người. Vào cuối đời, Ngài đã tự nguyện đón nhận khổ nhục và cả cái chết của kiếp trần ai. Từ đó, nhờ sức mạnh vô biên của tình yêu thương, Ngài đã biến khổ nhục và cái chết của kiếp người, từ một nhục hình và một ngõ cụt, trở thành cửa ngỏ dẫn mọi người vào con đường cứu độ đưa đến sự sống mới, sự sống dồi dào trong tự do và hạnh phúc lâu dài.
Bước theo con đường cứu độ Chúa đã mở ra, người công giáo cũng cần phải tự nguyện trải qua cái chết ngay trong kiếp sống nầy, để đi đến sự sống mới. Chết ngay trong kiếp sống nầy, cốt yếu là chết đi cho lòng tham sân si là tà tâm, để mở rộng chánh tâm cho tình yêu mới được lớn lên và toả sáng. Tình yêu mới mà Chúa đổ vào lòng ta, mang tính vị tha và liên đới, quảng đại và bao dung đối với mọi người anh em đồng bào và đồng loại. Khi thoát khỏi động cơ ích kỷ hẹp hòi của lòng tham sân si, tình yêu mới sẽ là tình huynh đệ vị tha và liên đới, sẽ không còn mang tính đối kháng là tính đưa đến thái độ phân biệt đối xử và thù nghịch giữa những người anh em đồng bào và đồng loại.
5. Người Công giáo Việt Nam chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010 tại Việt Nam
Để chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010 kỷ niệm 350 năm hình thành Giáo Hội công giáo trên đất nước chúng ta, và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, người công giáo VN, thừa hưởng truyền thống đạo hiếu của dân tộc VN, đồng thời đã đón nhận niềm tin kitô giáo, vừa là quà tặng của Cha trên trời, vừa là gia sản vô giá cha ông chúng ta để lại, cần chung sức đền đáp công ơn nầy.
Đền đáp, một mặt, bằng cách dành thời gian nhìn lại, dưới ánh sáng niềm tin kitô giáo, những nếp nghĩ và thái độ ứng xử, những cách nói và lối hành văn, cả trong kinh sách từ xưa, nay không còn phù hợp với nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, đồng thời nhận ra những thiếu sót, những lệch lạc, những sai trái, đối với tôn ý của Cha trên trời, đối với luật Chúa dạy sống bác ái huynh đệ, đối với mọi người là con một Cha và anh em một nhà, để điều chỉnh và bổ sung, đền bù và đổi mới. Vả lại, con đường sám hối và đổi mới là con đường vượt qua những bất cập, những giới hạn nhân loại, để tìm đến nguồn ánh sáng và sức sống mới từ Tin Mừng cứu độ Chúa Giêsu Kitô. Đó cũng là con đường thắp sáng lên trên đất nước Việt Nam ngọn lửa tình yêu cứu độ mà Đức Giêsu đã mang vào thế giới nầy từ gần 2000 năm nay.
Đền đáp, một mặt, bằng cách dành thời gian nhìn lại, dưới ánh sáng niềm tin kitô giáo, những nếp nghĩ và thái độ ứng xử, những cách nói và lối hành văn, cả trong kinh sách từ xưa, nay không còn phù hợp với nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, đồng thời nhận ra những thiếu sót, những lệch lạc, những sai trái, đối với tôn ý của Cha trên trời, đối với luật Chúa dạy sống bác ái huynh đệ, đối với mọi người là con một Cha và anh em một nhà, để điều chỉnh và bổ sung, đền bù và đổi mới. Vả lại, con đường sám hối và đổi mới là con đường vượt qua những bất cập, những giới hạn nhân loại, để tìm đến nguồn ánh sáng và sức sống mới từ Tin Mừng cứu độ Chúa Giêsu Kitô. Đó cũng là con đường thắp sáng lên trên đất nước Việt Nam ngọn lửa tình yêu cứu độ mà Đức Giêsu đã mang vào thế giới nầy từ gần 2000 năm nay.
Đền đáp, mặt khác, bằng cách tích cực tham gia đời sống và sứ vụ mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo Hội của Ngài. Sự hiện hữu của Giáo Hội Chúa Kitô trên trái đất nầy là vì xã hội loài người, vì sự sống của mọi người, của mọi dân tộc. Do đó, sứ vụ của Giáo Hội là bước theo Chúa Kitô yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá của mọi người anh em trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay. Sứ vụ đó còn là tạo khả năng và thuận lợi cho mọi người mở rộng tâm trí và đổi mới hướng sống của mình, từ quy ngã và duy vật chất đến hướng thượng và hướng tha.
6. Người Công giáo chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ trong xã hội hôm nay
Trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ mà Chúa Kitô trao cho Giáo Hội, cơ bản là nỗ lực góp sức xây bốn viên đá nền hay bốn trụ cột cho những ngôi nhà gia đình và xã hội đang được xây lên trên trái đất còn ngổn ngang nhiều gian dối và bất công, nhiều hận thù và bạo lực, nhiều thiếu hụt và đói khổ về mặt vật chất, tinh thần cũng như tâm linh.
Bốn viên đá nền hay bốn trụ cột đó là bốn giá trị nền tảng từ Tin Mừng Chúa Kitô. Bốn giá trị nền tảng từ Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô là: một là chân lý, hai là công lý, ba là tình bác ái huynh đệ liên đới và đại đồng, bốn là sự an bình và hoà bình. Xây bốn trụ cột đó có nghĩa là chung sức thể hiện cùng chiếu toả đủ cả bốn giá trị nền tảng đó, trong đời sống gia đình, đời sống giáo hội, và đời sống xã hội hôm nay. Bốn giá trị nền tảng đó sẽ là bốn trụ cột vững chắc chống đỡ những mái nhà nhân loại.
Lịch sử loài người xác minh bốn trụ cột được xây bằng chất liệu những giá trị nền tảng từ Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô, có khả năng bảo đảm cho ngôi nhà gia đình trở nên một mái ấm vững chắc, cho ngôi nhà dân tộc cũng như ngôi nhà thế giới đượm tình huynh đệ tương thân tương trợ và trở nên vững bền trong chân lý, công lý và hoà bình. Lịch sử các chế độ trong xã hội loài người tự cổ chí kim cũng xác minh những trụ cột được xây bằng những sản phẩm do tham vọng hay trí khôn của con người sáng chế ra qua các thời đại, đều không làm cho những ngôi nhà được xây lên trên mặt đất nầy mang tính trường tồn trong tự do, an bình và hạnh phúc thật.
+ ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Nguồn: http://vietcatholic.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét