Hồi ký Bà ANNA TRƯƠNG THỊ CHÀ (28.01.1951 - 07.09.2021)


 

HỒI KÝ

Saigon, ngày 26 tháng 4 năm 2017                              

PHẦN MỞ ĐẦU

Lẽ ra cuốn hồi ký nầy đã viết cách đây 2 năm, kể từ sau ngày lễ Hồng ngọc tức kỷ niệm 40 năm thành hôn của vợ chồng tôi. Nhưng có lẽ do vui quá tôi cứ nhởn nhơ sống và lần lữa cho tới ngày một cơn bạo bệnh bùng nổ có nguy cơ thập tử nhất sinh khiến tôi hoảng sợ.

Do quỹ thời gian còn lại quá ngắn nên tôi không thể chần chừ nữa. Giờ đây tôi nghĩ : Phải nhớ lại quãng đời đầy gian lao cũng như có lúc an bình hạnh phúc để ghi lại hầu cho những người thân yêu của mình phần nào biết được ông bà, cha mẹ mình đã có một cuộc sống ý nghĩa và vinh quang trong một thời gian  dài mấy mươi năm.

Để  có thể theo dõi trình tự theo dòng thời gian và thuận tiện cho việc ghi chép tôi chia phần hồi ký nầy thành 3 giai đoạn :

I/ GIAI ĐOẠN NIÊN THIẾU :  1957 – 1970 :Từ lớp 5 tiểu học đến khi tốt nghiệp Trung học ( Tú Tài )

II/ GIAI ĐOẠN TRƯỞNG THÀNH :  1970 - 1974  :Từ khi vào đại học đến khi ra trường.

III/ GIAI ĐOẠN LẬP THÂN : 1975 -2017 :Từ khi lập gia đình cho đến hiện tại.

Với một lối diễn tả mộc mạc, chân thật, tôi mong rằng những người thân yêu của tôi sẽ cảm thông và yêu thương tôi hơn khi đọc những dòng hồi ký nầy.

 

I/ GIAI ĐOẠN NIÊN THIẾU :

Từ khi học lớp 5 tiểu học đến khi tốt nghiệp trung học đệ nhị  cấp ( Tú Tài ).

Năm 1957 tôi vào học lớp 5 tại trường Tiểu học Chí Hòa. Mặc dầu đã mấy mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ rõ ràng ngày đầu tiên đi học : Ba tôi chở tôi trên chiếc xe đạp , Tôi ngồi phía sau tay ôm chiếc cặp da to hơn tôi vì lúc đón tôi ốm  nhom ốm nhách .Đến trường ba dắt tay đưa đến tận lớp học và kỹ càng dặn dò tôi sau khi tan học không được đi đâu cả mà phải đứng đợi ba đến đón vì đi một mình sẽ bị lạc ( và tôi đã bị đi lạc thật).

 Khi nghe ba hồi trống tan trường vang  lên, học sinh ào ào túa ra cổng như đàn ong vỡ tổ. Lúc đó tôi quên mất lời dặn của ba theo chân các bạn ùa ra cổng sau của trường và cứ thế đi ra đường. Sau nầy mới biết đó là đường Hòa Hưng nằm gần cổng trước khám Chí Hòa. Khi đang đi, một cơn mưa bất chợt đổ xuống. Tôi hoang mang, sợ hãi, mất định hướng, không biết lối nào để tiếp tục đi. Tôi khóc bù lu bù loa. Tuy vậy, tôi vẫn còn đủ bình tĩnh chặn một chị đi xe đạp, có lẽ vừa đi làm về và nói với chị : “ Chị ơi ! Chị làm ơn chở em ra Bảo Sanh Viện Thái Bình ở đường Lê Văn Duyệt ( nay  là CMT8) vì em bị lạc đường rồi.”

Chị ấy lấy chiếc cặp của tôi để đằng trước xe và bảo tôi ngồi sau yên xe để chị chở đi. Tôi vội vàng ôm chặt đôi guốc rồi leo lên phía sau xe. Chị chở tôi ra đến bệnh viện và hỏi tôi có biết đường về nhà không ? Tôi trả lời chị : “  Em biết, vì  mỗi khi má em sinh các em, ba em đều dẫn em đi thăm tại đây, riết rồi quen ( lúc đó tôi đã có 3 đứa em : Lý, Mai và Dũng đều sinh tại đây nên tôi rất rành bệnh viện nầy. Tôi xuống xe và  cám ơn chị rối rít, chị  ấy nhìn tôi ái ngại rồi đạp xe đi. Tôi mừng vui khôn xiết vì từ đây đã biết đường về nhà. Khi về đến nhà, tôi ngạc nhiên vì cảnh nhà vắng vẻ không thấy ai cả. Chỉ có bác hàng xóm là bác Mười đang bế em Dũng lúc đó mới 9 tháng. Hai em Lý và Mai thì đang ngồi khóc đàng sau bếp. Thấy tôi, bác Mười la lớn :”Con Chà mầy về rồi à? Ba má mầy đi cớ bót rồi đó”. Đúng lúc đó ba má tôi và một vài người hàng xóm đi thất thểu về , nhận ra tôi ướt lướt thướt như con chuột, họ la lên mừng rỡ :”Nó về đây rồi” rồi xúm vào thay quần áo cho tôi mà không la mắng một lời nào. Kể từ đó cho đến 5 năm ở bậc tiểu học, ba tôi không bao giờ để tôi một mình nữa.

Cuộc sống ấm áp và hạnh phúc của gia đình từ từ trôi qua cho đến năm 1959  tôi có thêm em Ngân. Trong năm nầy, gia đình có sự thay đổi lớn : Ba quyết định xây lại ngôi nhà vách ván, mái lá thành một ngôi nhà mái ngói khang trang để chị em tôi có nơi ăn ngủ, học hành tử tế hơn. Ngày hoàn thành ngôi nhà, chị em chúng tôi mừng vui quá sức vì từ nay đã có bàn ghế ngồi học, lại còn có giường 2 tầng để ngủ riêng từng đứa chứ không còn ngủ chung, tối nào cũng giành mền, gối và cự cãi tùm lum.

Năm 1961 tôi học lớp nhất, má tôi sinh thêm em Hùng. Lúc từ nhà bảo sanh về em bị chứng gì mà cả thân hình lở loét, khóc cả đêm không ngủ. Ba má tôi cực khổ vô cùng để chăm sóc em cho đến hơn 3 tháng, tự dưng em khỏi bệnh. Trong thời gian em Hùng bệnh, tôi là chị cả nên cũng rất cực nhọc khi phải phụ má tôi trong công việc chăm sóc  các em và dọn dẹp nhà cửa. Phần khác lại còn phải lo bài vở học vì đây là năm cuối bậc tiểu học, phải thi tốt nghiệp nữa nên thời gian của tôi không còn bao nhiêu, không còn vui đùa, bày trò như trước nữa.

Cuối năm tôi tốt nghiệp tiểu học và thi vào đệ thất trường  nữ trung học Gia Long. Trường Gia Long là một trường nữ trung học công lập rất nổi tiếng tại Saigon nên số lượng học sinh ghi tên dự thi rất đông nên rất khó chen chân vào. Phần đông các thí sinh dự thi đều đã trải qua nhiều lần ứng thí , tôi vì mới dự thi lần đầu nên bị trượt. Ba tôi quyết định cho tôi học tại trường Nguyễn Bá Tòng là một trường tư thục do các sư huynh công giáo đảm trách, rất có tiếng tăm tại Saigon lúc bấy giờ. Đây là một ngôi trường rất lớn do một linh mục làm hiệu trưởng. Cha hiệu trưởng rất nghiêm khắc, trước mỗi  buổi học và trước khi ra về học sinh đều phải đọc kinh cầu nguyện theo tục lệ công giáo. Tôi rất thích các buổi đọc kinh như vậy. Có lẽ vì vậy mà sau nầy tôi lập gia đình với người công giáo, gia nhập vào đạo công giáo và tôi đã được hưởng rất nhiều ơn Thiên Chúa trong suốt cuộc đời tôi.

Học được  gần hết năm, có lẽ vì ba tôi lo không kham nổi học phí suốt 7 năm trung học nên cho tôi theo học lớp luyện thi đệ thất tại trường trung học Kiến Thiết ở đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu. Đến tháng 7 năm 1963 tôi ghi tên dự thi đệ thất Gia Long lại lần nữa. Lần nầy rất cam go vì số thí sinh dự thi rất đông trên 5.000 người mà nhà trường chỉ chọn có 700 học sinh thôi.

Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày, thí sinh phải thực hiện 4 bài thi : Toán, văn, khoa học thường thức và sử địa. Kết quả sẽ được niêm yết sau 2 tuần. Thật may mắn, lần nầy tôi được trúng tuyển. Khi nghe các bạn trong xóm báo tin đậu tôi bất ngờ không dám tin vì có rất nhiều người thi 2,3 lần vẫn bị rớt. Tôi nghi ngờ cho đến khi các bạn nói đúng tên tuổi, ngày sinh và số phiếu báo danh vì tên Chà của tôi không có người trùng, tôi mới tin.

Nói đến cái tên xấu xí của tôi, tôi phải kể lại nguồn gốc để mọi người hiểu và thông cảm cho ba má tôi trong việc đặt tên nầy vì không muốn tôi phải chết như anh chị tôi trước đây. Nguyên là trước đây tôi có 3 anh chị : một chị gái  và 2 anh trai sinh lần lượt vào các năm 1945, 1947 và 1948 nhưng cứ đến 5 tháng tuổi thì tất cả đều mắc một chứng bệnh về hô hấp không chữa được mà qua đời. Vì thế đến khi tôi sửa soạn chào đời năm 1951, ông ngoại tôi ở Phú Mỹ, Định Tường lên Saigon khuyên ba má tôi khi sinh ra, phải đem cho người khác bồng về nhà họ một ngày coi như đã cho họ, sau đó qua xin lại.

Ba tôi lúc đó là công nhân hỏa xa, làm việc tại ga xe lửa Chí Hòa. Cùng làm với ba tôi có một ông gác dan người Ấn Độ rất thương ba má tôi. Ông có 7 người con trai mạnh cùi cụi không bệnh tật gì cả. Ông đồng ý ẳm tôi về nhà, lấy áo quần của đứa con nhỏ nhất mặc cho tôi, pha sữa cho tôi bú. Tôi ở nhà ông một ngày, sau đó ba tôi sang nhà ông ẳm tôi về.

Để giúp tôi sống sót và cũng để ghi nhớ ơn ông, ba tôi đặt tên CHÀ cho tôi, cái tên xấu xí ấy để giữ lại mạng sống cho tôi. Khi lớn lên tôi nhiều lúc mang mặc cảm với cái tên có một không hai ấy ghê gớm lắm, nhưng riết rồi cũng quen. Nhờ cái tên đặc biệt ấy mà khi đi thi Tú Tài I,II do đám bạn bè báo tin, tôi không cần đi xem kết quả cũng biết mình đậu, kể cũng vui.

Khi tôi nhập hoc vào trường Gia Long, má tôi sinh thêm một em gái nữa là Hảo. Khi Hảo ra đời, ba tôi ngã bệnh phải nằm điều trị tại bệnh viện Đồn Đất ( giờ là BV Nhi Đồng 2 ) ở đường Nguyễn Du, quận I, Saigon. Diễn tiến bệnh mỗi ngày một tăng mà bác sĩ không tìm ra căn nguyên, ba tôi bị nhức đầu khủng khiếp cả ngày lẫn đêm. Ông ngoại tôi lại một lần nữa lặn lội lên Saigon và khuyên má tôi sắp đặt cho em Hảo để người khác nuôi thì  ba tôi sẽ khỏi ngay vì ba tôi tuổi Tý, con chuột, em Hảo tuổi Mẹo, con mèo, hai tuổi khắc nhau, con mèo luôn tấn công con chuột, nên ở chung một nhà ba tôi sẽ chết. Đúng là số trời đã định, lúc đó dì Hai tôi, chị má tôi lập gia đình hàng chục năm rồi nhưng không có con, nhận em Hảo làm con nuôi. Sau ngày đầy tháng dì Hai đón em Hảo về quê nuôi.

Trong năm 1963 chiến sự ở miền Nam gia tăng khốc liệt, từ Saigon về quê phải đi đò qua sông, đạn bắn như mưa tưởng chừng như không đi được, nhưng nhờ trời thương dì Hai và em Hảo cũng về đến quê nhà bình an. Đến nay em Hảo đã 54 tuổi rồi. Qua năm 1964 mẹ sinh thêm một em trai nữa là Út Minh . Tính chung nếu anh chị em đầy đủ là 11 người.

Thời gian theo học ở trường Gia Long thật như cuộc sống của người tu trì vì mọi nếp sống sinh hoạt, học tập đều rất nghiêm khắc. Nhưng nhờ được rèn luyện trong một môi trường khắt khe mà sau nầy tôi có được cuộc sống kỷ cương, thiện hảo. Ban tối không có chuyện tự do đi chơi hay cặp kè bồ bịch như học sinh thời nay. Ba má tôi quản lý con cái rất nghiêm nhặt.

Trong 7 năm trung học, tôi có 4 đứa bạn rất thân đi đâu cũng có  nhau. Các bạn trong lớp gọi bọn chúng tôi là nhóm “ ngủ long công chúa” gồm có Thái Thị  Huệ, Vũ Thị Oanh, Đặng Thị Lê Hải, Mai Thị Anh Thư. Chúng tôi cùng học với nhau tại trường Gia Long suốt 7 năm trời từ khi  vào đệ thất đến lớp đệ nhất vì sau khi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, chúng tôi cùng chọn ban A nên lên lóp đệ tam cũng học chung cho đến lóp đệ nhất, thi Tú Tài 2.

Sau khi tốt nghiệp trung học, chúng tôi mỗi người đi một đường, đến năm 1975 thì không còn gặp nhau nữa.

Từ năm 1963 đến năm 1968 là khoảng thời gian rối ren nhất trong sinh hoạt chính trị tại miền Nam. Các cuộc bãi khóa của sinh viên - học sinh nổ ra để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm và các nội các sau đó lôi cuốn một số lớn sinh viên – học sinh tham gia. Trong trường Gia Long các chị lớp lớn cũng tổ chức bãi khóa, chúng tôi lớp nhỏ cũng bị lôi kéo tham gia biểu tình, liệng bàn ghế ra sân. Có hôm bị cảnh sát phong tỏa cả 4 cổng : Phan Thanh Giản, Ngô Thời Nhiệm, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị  Điểm. Những ngày nầy nhà trường đóng kín cổng trường để bảo vệ cho học sinh mặc cho phụ huynh lo lắng còn chúng tôi thì reo hò vui thích vô cùng.Cuối  cùng việc đảo chánh đã thành công, chấm dứt bãi khóa và chúng tôi lại tiếp tục cắp sách đến trường.

Biến cố Mậu Thân 1968 xảy ra khi tôi vừa thi xong Tú Tài I , đang học lớp Đệ Nhất để chuẩn bị thi Tú Tài 2, chúng tôi phải nghỉ học vài tuần trong khi chờ đợi chính phủ ổn định an ninh trật tự. Đây là thời gian khủng hoảng tinh thần nhất, ban đêm chúng tôi không dám ngủ say vì lúc nào cũng sợ VC pháo kích. Con dân Saigon, nhà nào cũng phải đào hầm trú ẩn trong nhà thực hiện bằng bao cát của quân đội chất lên làm hầm. Ban đêm tất cả gia đình chui vào đó trú ẩn cho chắc ăn.

Nhà tôi nằm gần Biệt Khu Thủ Đô, quân vụ thị trấn và các căn cứ quân sự của Biệt Động Quân, Công binh, Quân cụ, Trại Hoàng Hoa Thám của nhảy dù, Bộ Tổng Tham Mưu, Phi trường Tân Sơn Nhất là các mục tiêu pháo kích của VC. Cách vài ba đêm lại nghe tiếng đạn pháo kích nổ ầm ầm.

 

II/ GIAI ĐOẠN TRƯỞNG THÀNH :

Tháng 6 năm 1970 kết thúc năm học cuối cùng để chuẩn bị thi Tú Tài 2 còn gọi là Tú Tài toàn phần. Tôi vui sướng dệt nhiều mộng ước. Đầu tiên cả nhà bàn cho tôi thi vào trường Đại Học Sư Phạm nhưng tôi không thích nghề nầy vì khi ra trường phải đi về các tỉnh phục vụ. Tôi rất sợ khi phải xa gia đình vì từ nhỏ tới lớn tôi luôn được ấp ủ trong mái ấm gia đình nên rất sợ khi ra đời. Tôi có nguyện vọng ghi danh vào trường Đại Học Văn Khoa vì tôi rất thích văn chương. Trong  xóm tôi cũng có vài bạn chọn văn khoa nên gia đình cũng chiều ý tôi cho học văn khoa với các bạn đỡ lo hơn khi học khoa khác. Sau năm học thứ nhất, không biết ba tôi suy nghĩ gì, ông nhờ người bạn xin cho tôi đi làm công chức Cục Công Binh có trụ sở đặt tại trại Đào Duy Từ, đường Nguyễn Tri Phương.  Ngày đầu tiên đi làm tôi được bố trí phục vụ tại phòng nhân viên do Đại úy Phan Như Thạch làm trưởng phòng.  Đ/U Thạch là một sĩ quan cốt cách nhưng lại có tâm hồn quá lãng mạn tuy đã có gia đình và 2 con.  Đây là lần đầu tiên trong cuộc  đời tâm hồn tôi bị chao đảo vì sự ngộ nhận ngây thơ về tình yêu khi mới 20 tuổi . Nhưng may mắn thay, biến cố nầy kịp thời chấm dứt khi tôi ghi tên thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh mà tôi sẽ kể sau nầy.

Trong thời gian làm việc ở Cục Công Binh tôi cũng quen biết nhiều với các nhân viên các phòng ban khác. Mỗi buổi sáng ba tôi đưa đi làm, trưa ở lại ăn cơm ở câu lạc bộ, chiều về bác Lê Sĩ Nghiêm cho quá giang về đến chợ Hòa Hưng từ đó tôi đi bộ về nhà. Ngoài bác Nghiêm vào cỡ tuổi ba tôi còn có bác Đồng Đình Lâm phụ trách thống kê nhân sự của Cục, bác Vĩnh Cẩn về lương bổng nhân viên, bác Tiến, kế toán trưởng, anh Huỳnh Hữu Thạch, chị Diệp và một chị nữa mà tôi quên mất tên làm thư ký đánh máy, chị Nguyễn Thị Nguyệt sinh năm 1945 là thư ký, chị Phan Thị Thành sinh năm 1940 em của Đại Tá Năm ở chi cục Tạo Tác Vĩnh Long, hai chị nầy vẫn còn độc thân.

Qua một thời gian làm việc, tôi nhận thấy họ không được đoàn kết vì có lẽ cả hai đều chú ý đến ông Đ/U trưởng phòng. Sau nầy họ thường kiếm chuyện với tôi vì thấy ông Đ/U dành cho tôi sự chăm sóc đặc biệt như hay mua quà cho tôi hoặc mua tặng tôi tiểu thuyết của nhà văn Mai Thảo vì biết tôi thích đọc nhà văn nầy. Ngoài ra thỉnh thoảng ổng cũng lái xe đưa tôi lên Bộ Tổng Tham Mưu mượn danh đi công tác nhưng thực tế là đưa tôi đi chơi. Con gái ai lại không thích được chiều chuộng như vậy ?

Một thời gian sau, vào một buổi trưa sau khi đi ăn cơm về, tôi bất ngờ thấy Đ/U ngồi một mình trong phòng mà không về nhà ăn cơm như thường lệ. Khi đó tôi đã bước vào phòng rồi nên không quay ra được, đành phải vào mở tung hết các cửa sổ, mở quạt ào ào, mở luôn cửa chính rồi thản nhiên ngồi vào bàn đọc sách như thói quen vẫn làm thường ngày, xem như không có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau ông Đ/U tiến đến bàn tôi và cái giọng Huế ấm áp của ông rót nhẹ vào tai tôi :” Em ngước mặt lên để tôi có việc muốn nói với em “ (Số tôi lấy chồng phải dân miền Trung). Lúc đó cả người tôi nóng bừng lên. Tôi bất động và lo sợ không biết việc gì sẽ xảy ra nhưng ông chỉ đưa cho tôi cuốn tiểu thuyết của Mai Thảo có đề tựa là “Tóc mai” và một khung hình nhỏ bằng vàng hình trái tim. Tôi đem về nhà giấu vào tủ quần áo , sau nầy bị lạc mất tìm không ra.

Mở trang đầu sách tôi đọc thấy 2 câu thơ :

“ Tóc mai sợi ngắn sợi dài,

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”

và ông ký tên bên dưới.

Hai câu thơ nầy ám ảnh cả một đoạn đời dài, cho tới khi lấy chồng, đôi khi vẫn nằm mơ thấy lại sự việc như  vừa mới xảy ra hôm qua mà thôi.

Kể từ khi ông Đ/U tỏ cho tôi biết ý định để ý đến mình, tôi cảm thấy bất an tuy đôi lúc cũng xao xuyến mỗi lúc chợt thấy ánh mắt của ông ta nhìn tôi trìu mến. Điều nầy cũng cũng gây nên sự chú ý của 2 chị Nguyệt và Thành vì trực giác của phụ nữ trong lãnh vực tình cảm rất nhạy bén. Họ càng tỏ ra bực tức, ghen tỵ với tôi và thường buông ra những lời nói bóng gió đối với tôi. Tôi rất khó chịu vì điều nầy nhưng không biết than thở, san sẻ cùng ai. Về  nhà tâm sự với má cũng không tiện, san sẻ với em Lý lại càng không được vì nó nhỏ hơn tôi 1 tuổi, tính khí cương cường, cứng cỏi như con trai, ít khi 2 chị em tâm sự với nhau. Thời gian đó  kéo dài chừng 3,4 tháng thì một dịp may xảy đến cho tôi. Ba tôi cho tôi biết trường Quốc Gia Hành Chánh  đang tổ chức thi tuyển vào lớp Tham Sự khóa 5 cho toàn miền Nam. Nhà trường sẽ tuyển chọn lấy 100 sinh viên trong số thí sinh thi tuyển toàn quốc : 70 sinh viên dành cho các thí sinh gốc công chức và 30 sinh viên dành cho thí sinh tự do.

Trường QGHC là trường trực thuộc  Phủ Thủ Tướng, hàng năm tuyển sinh các ban Cao Học và Đốc Sự mỗi ban 100 sinh viên để cung ứng cho nền hành chánh quốc gia. Riêng với Ban Tham Sự tùy theo nhu cầu công vụ từng giai đoạn sẽ tuyển các lớp mới với 100 sinh viên. Các sinh viên trúng tuyển khi vào học sẽ được hưởng quyền lợi ưu đãi của quốc gia là được hưởng lương công chức chính ngạch trong suốt khóa học. Đây là một đặc ân mà quốc gia dành riêng để đào tạo đội ngũ rường cột của quốc gia điều hành nền hành chánh sau khi tốt nghiệp, khác với các trường đại học khác trong hệ thống giáo dục quốc gia, các sinh viên chỉ được hưởng học bổng mà thôi. Các sinh viên gốc công chức, nếu trúng tuyển, khi theo học sẽ được hưởng quy chế là được hưởng trọn mức lương hiện tại ở đơn vị mình phục vụ. Vậy là, nếu trúng tuyển tôi sẽ vừa được đi học vừa được lãnh 7.000 đồng là mức lương mỗi tháng tôi lãnh tại Cục Công Binh cho tới khi mãn khóa. Nên biết rằng giá một lượng vàng vào cuối năm 1970 là 35USD, tỷ giá hối đoái 1USD = 278$ tính ra một lượng vàng có giá 9.725$, với mức lương nầy tôi có thể mua được 8 chỉ vàng hiệu Rồng Vàng là thương hiệu nổi tiếng thời đó.

Có một ưu tiên nhà trường dành cho những sinh viên tốt nghiệp từ  thủ khoa đến hạng 5 sẽ được giữ lại làm việc tại trường và sẽ lần lượt được gửi đi tu nghiệp ngoại quốc để trở về phục vụ cho quốc gia. Nắm bắt cơ hội nầy, tôi viết đơn dự thi và xin ông trưởng phòng ký chuyển đơn để nạp hồ sơ dự thi, ông ta giữ đơn của tôi cả tuần lễ rồi mới ký.

Tôi đi thi trong tâm trạng phập phồng , hồi hộp vì tổng số thí sinh toàn quốc là hơn 4.000 người mà nhà trường chỉ lấy 100 sinh viên mà thôi, tỷ số trúng tuyển là 1/40 thật khó khăn vô cùng. Nạp hồ sơ xong, đến ngày thi tôi xin phép nghỉ để đi thi. Môn thi gồm 3 đề tài : một về kinh tế, một về lịch sử và một về sinh ngữ. Về kinh tế, đề tài đưa ra là làm một tiểu luận về kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện tại. Tôi chẳng biết gì về kinh tế cả, nhưng ở nhà tôi có thói  quen đọc tạp chí phổ thông từ hồi học lớp 3 và cũng siêng đọc báo hàng ngày để biết tin tức từ chuyện xe cán chó đến thời sự trong và ngoài nước nên tôi cũng múa bút được vài trang giấy. Đề tài về lịch sử vốn là món ruột của tôi hồi còn trung học nên tôi viết dễ dàng. Đến môn sinh ngữ, thí sinh được chọn sinh ngữ Pháp hoặc Anh văn, tôi chọn Anh văn vì hồi trung học, sinh ngữ chính (sinh ngữ 1) là Anh văn. Nội dung đề tài là trình bày về tương lai sau khi mãn khóa sẽ có ước mơ gì. Tôi cố viết thật ngắn gọn và súc tích vì tôi hiểu viết nhiều chắc sẽ viết bậy và viết sai văn phạm là điều chắc chắn.

Sau khi thi, tôi cầu khẩn Trời Phật cho tôi được đậu (lúc đó tôi chưa phải là tín đồ công giáo) để có thể thoát ra khỏi nơi làm việc càng sớm càng tốt. Trong khi chờ đợi kết quả thi tôi vẫn phải đi làm bình thường. Tôi cứ nghĩ chỉ có mình tôi muốn chuyển công việc nhưng ngờ đâu hơn 1 tháng sau ông xếp của tôi cũng thông báo cho toàn phòng biết là cuối tháng ông sẽ được biệt phái sang Bộ Lao Động để thực hiện một chương trình về thống kê dân số lao động VN do Hoa Kỳ tổ chức mà ông đã xin Bộ Tổng Tham Mưu tham gia và đã được chấp thuận. Thế là cả ông và tôi cùng thực hiện một cuộc chạy trốn ngoạn mục và từ đó mọi chuyện chỉ là một kỷ niệm không vui cũng chẳng buồn.

Bây giờ nói đến chuyện đi học ở trường QGHC mới thật là nan giải. Sau khi thi phải gần đến hai tháng mới có kết quả chính thức nhưng oái oăm thay tôi và cô Nguyễn Thị Bạch Yến ( đang định cư ở Úc) lại nằm trong danh sách đậu dự khuyết, điều nầy có nghĩa là trong vòng 1 tháng sau khi khai giảng  nếu có 2 người không trình diện nhà trường mới gọi đến chúng tôi. Khi tôi nhận giấy báo trình diện nhà trường nhập học thì khóa học đã khai giảng hơn 1 tháng rồi, lúc đó tôi mới lò dò vào lớp. Thật là bỡ ngỡ vì tất cả đều xa lạ . Lớp trưởng là một anh nhân viên cơ hữu của nhà trường trúng tuyển đợt nầy tên Hoàng Đình Đào. Anh nầy đã làm cho tôi choáng khi trình diện lớp không phải vì anh ta đẹp trai mà vì anh ta có một phong cách bụi bụi như hình ảnh của Dũng Đakao trong tác phẩm của Duyên Anh với mái tóc tém luôn đeo cặp kính đen, sau nầy tôi mới biết anh là cựu sĩ quan công binh chiến đấu ( lại công binh nữa) bị thương mất một mắt. Anh ta mang quần bó chẽn, giày mỏ vịt là mốt thời trang đang thịnh hành lúc bấy giờ. Thật tình cảm giác ban đầu của tôi là không có ấn tượng đẹp về con người nầy, tuy nhiên sau nầy anh ta lại trở nên bạn thân của vợ chồng tôi sau ngày đất nước bị cưỡng chiếm.

Vì nhập học trễ nên thời gian đầu tôi thật sự vất vả. Giáo trình, tài liệu học tập đều đã được phân phát cho sinh viên rồi , tôi vào sau không có nên phải mượn để photo lại. Tôi còn nhớ lúc đó anh Vũ Tiến Thắng có 2 quyển giáo trình chính trị học, anh Thắng đã tặng cho tôi 1 quyển và anh đã ký tên “Thân tặng” đàng hoàng.

Cuối tháng tôi về lại Cục Công Binh lãnh tháng lương cuối cùng đồng thời làm thủ tục chuyển lương về trường QGHC. Bác Đặng Độ là kế toán trưởng của Cục giới thiệu với tôi bác có đứa cháu gọi bác bằng chú tên Đặng Đình Vĩnh cũng đang theo học khóa TS5 như tôi . Vào lớp tìm tên Đặng Đình Vĩnh, khám phá ra đó là một cậu công tử bột. Vậy mà sau nầy anh ta cũng quậy tới bến, có 3 vợ , hiện đang định cư ở Úc. Bạn bè lớp tôi định cư ở Úc có Ngô Văn Đượm, Bạch Yến, Ngọc Dung, Kim Châm , thỉnh thoảng họ về nước, anh chị em đồng môn hội ngộ vui chơi tá lả. 

Học vừa hết 1 năm , lớp phân chia thành nhiều nhóm để sinh hoạt, học tập chung.

Tôi được phân vào nhóm do lớp trưởng Hoàng Đình Đào làm trưởng nhóm, chúa quậy. Trong nhóm tôi thuộc thành phần hiền nhất lại chăm học nên luôn dẫn đầu các môn học của nhóm. Trong nhóm tôi có người tên Nguyễn Văn Thông, sau nầy là ông xã của tôi, rất thông minh và chúa quậy không khác chi nhóm trưởng.

Năm học thứ 2 không được êm xuôi vì tình hình chính trị rối loạn. Vào tháng 3/1972 xảy ra chiến cuộc “ Mùa hè  đỏ lửa”  ở Quảng Trị nên anh Thông phải về quê để giúp đỡ gia đình di tản chiến nạn vào Đà Nẵng. Lúc nầy nhà trường tập trung sinh viên học chính trị và thành lập Liên đoàn sinh viên QGHC tỏa ra các Quận, huyện, Khu phố, liên gia để làm công tác chiến tranh tâm lý đến người dân trong nội đô Saigon. Hướng dẫn và giải thích cho dân hiểu về Hiệp Định Paris, chuẩn bị tinh thần để đón nhận HĐ Paris. Vì thế việc học tập bị gián đoạn từ tháng 3/1972 cho đến hết học kỳ I. Sang học kỳ 2 chúng tôi chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp vào cuối năm. Thời gian nầy việc học theo nhóm được thực hiện thường xuyên nên tôi tiếp xúc với anh Thông nhiều hơn trong học tập, từ đó tình cảm chúng tôi nẩy nở và phát triển cùng với sự cổ vũ của các bạn trong nhóm, chúng tôi khắng khít với nhau hơn.

 

III/ GIAI ĐOẠN LẬP  THÂN :

Ngày mãn khóa càng đến gần, tôi càng bối rối vì không biết rồi đây chọn nhiệm sở thế nào? Có thuận tiện không hay lại phải đi về địa phương? Rồi đây chúng tôi có còn ở gần nhau không hay mỗi người một ngã? Vì hiện nay nhu cầu công chức ở các tỉnh rất nhiều.

Hôm phái đoàn Tổng Nha công vụ do anh Bùi Hoàng Minh, chánh sở nhân viên, một người bạn của anh Thông dẫn đầu, đến chủ tọa lễ bốc thăm chọn đơn vị. Họ tuyên bố Khóa nầy có 5 sinh viên được chọn ở lại phục vụ tại trường QGHC, phần còn lại sẽ về Bộ Nội Vụ rồi bốc thăm đi các tỉnh. Năm sinh viên được chọn ở lại trường là Vũ Thị Cúc, Đoàn Thị Huyền Trâm, Trương Thị Chà, Nguyễn Văn Thông và Hoàng Đình Đào .

Khi người phát ngôn viên của Tổng Nha  công vụ xướng danh từng người lên chọn đơn vị, không khí  hội trường QGHC rất ồn ào, sôi động vì tâm trạng ai cũng hồi hộp bồn chồn. Khi xướng tên Nguyễn Văn Thông cả lớp òa lên vỗ tay, đập bàn rầm rầm gào thét vì ai cũng chắc chắn anh Thông sẽ chọn Bình Tuy vì gia đình đang ở đó. Đó cũng là hy vọng của trưởng lớp Phạm Văn Phẩm, vì nếu Thông chọn tỉnh Bình Tuy thuộc Bội Nội Vụ, suất ở lại trường QGHC sẽ về tay Phẩm vì Phẩm là người sẽ kế tiếp. Tôi cũng hồi hộp không kém vì hôm trước ngày chọn nhiệm sở, có người ở Tòa HC Bình Tuy đang giữ chức vụ Trưởng Ty Tài Chính đến xin anh Thông đổi chỗ về Bình Tuy cho anh ta về Saigon. Không khí lúc đó thật là sôi động vì đây là chiếc ghế cuối cùng để ở lại Saigon . Bên Nha Công Vụ hối thúc. Sau vài phút ngập ngừng cuối cùng anh Thông lên ghi tên mình vào cột QGHC, cả lớp đều ngạc nhiên, bỡ ngỡ chỉ có mình tôi sung sướng vô cùng.

Ngày hôm sau chúng tôi trình diện GS. Viện trưởng và chờ đợi nhận quyết định bổ nhiệm. Tôi được phân công làm việc tại Chi vụ Thực Tập. Chi Vụ nầy trông coi việc thực tập cho sinh viên và nhận và đánh giá các luận văn tốt nghiệp của các lớp mãn khóa. Anh Thông được bố trí làm tại thư viện nhà trường.

Việc lựa chọn làm chung một đơn vị vun trồng cho tình cảm chúng tôi ngày càng thêm khắng khít, gắn bó với nhau hơn.

Đầu tháng 1/1975, ngày 1/1/1975 chúng tôi tổ chức lễ đính hôn, một sự kiện trọng đại trong đời tôi, tôi vẫn nhớ mãi đến tận ngày hôm nay. Sau đám hỏi, gia đình tôi gặp biến cố lớn: Lý, đứa em gái kế tôi , mắc phải căn bệnh nan y, bệnh ung thư não cấp tính đưa vào điều trị tại bệnh viện Cơ Đốc và đã ra đi vĩnh viễn vào ngày 28 tết. Cả nhà bàng hoàng, má tôi rơi vào cơn hoảng loạn tinh thần không ổn định, lúc tỉnh lúc mê.

Sau ngày chôn cất em Lý, tình hình chiến trận biến chuyển trầm trọng. Trong tháng 3 và tháng 4/1975 các cuộc đụng độ lớn nổ ra khắp các mặt trận, từ vùng hỏa tuyến đến tận miền Nam VNCH. Ngày 30/4/1975 Saigon thất thủ.

Chế độ mới  sàng lọc dân chúng, đưa thành phần sĩ quan và công chức từ cấp trưởng ty, phó quận đi học tập cải tạo và những người không phải gốc Saigon và thành phần tư sản đều bị trục xuất ra khỏi Saigon hoặc phải đi kinh tế mới. Anh Thông phải về Bình Tuy sinh sống với gia đình trong khu tỵ nạn Tân Hà, Láng Gòn, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy. Vào cuối tháng 5 ba chồng ở Bình Tuy bị đưa đi học tập cải tạo ở trại Huy Khiêm, Lạc Tánh. Gia đình mất liên lạc không ai biết để đi thăm nuôi. Chính quyền xã Tân Hà quản thúc anh Thông không cho đi ra ngoài địa phương. Đến đầu năm 1976, dịp tết nguyên đán, anh Thông xin phép huyện cho đi Saigon để đón tôi về Bình Tuy. Anh Thông cùng với bác Bính, đại diện gia đình được phép đi 3 ngày. Bác Bính thay mặt ba chồng tôi trình bày hoàn cảnh hiện tại của gia đình vì ba anh Thông đi cải tạo không biết đến bao giờ mới về nên xin  ba mẹ tôi chấp thuận cho tôi được về Bình Tuy chung sống. Ba mẹ tôi đồng ý . Hai gia đình ấn định vào ngày mồng 2 tết Bính Thìn sẽ tổ chức lễ cưới đơn giản tại Saigon rồi đón tôi về Bình Tuy, vì trong dịp tết xã nghỉ việc nên không cần phải xin phép.

Ngày mồng 2 tết  gia đình tôi cộng thêm chú Bảo , em ba tôi là cán bộ ở miền Bắc vào thăm ba tôi, đại diện gia đình tôi mời bà con lối xóm tham dự bữa tiệc thành hôn đơn giản để chúc phúc cho vợ chồng tôi. Sáng hôm sau, chúng tôi tạm biệt gia đình để về Bình Tuy. Ba mẹ tôi và các em lưu luyến bịn rịn tiễn đưa tôi vì chúng tôi không thể ở lại lâu sợ xã biết đến sự vắng mặt lâu ngày sẽ nhiều phiền toái. Tôi ngậm ngùi giã từ cha mẹ và các em trong nước mắt thổn thức.

Đến Bình Tuy thì trời đã tối nhung trong nhà đã tập trung đầy đủ bà con nội ngoại và anh em trong xóm đến chúc mừng hạnh phúc vợ chồng tôi. Mặt khác họ cũng tò mò đến để xem mặt cô dâu trẻ Saigon như thế nào khiến tôi thật sự vui mừng và xúc động khôn xiết với tình cảm bà con đối với tôi.

Sau vài ngày làm quen với cuộc sống mới, anh Thông đưa tôi đến thăm cha Mỹ, cha chánh xứ họ Tân Hà, xin cho tôi học đạo và học giáo lý hôn nhân theo luật của giáo hội công giáo trước khi làm phép rửa tội và phép hôn phối. Tôi được rửa tội vào  dịp lễ Phục Sinh và thánh lễ hôn phối được cử hành sau đó một cách trang nghiêm ấm áp với sự hiện diện của gia đình và một vài thân hữu. Ông Nguyễn Cao Đẳng, chủ tịch hội đồng giáo xứ và bác Bính là 2 nhân chứng theo luật giáo hội. Một bữa tiệc nhỏ được tổ chức tại nhà để đánh dấu ngày hạnh phúc của chúng tôi. Những lời chúc mừng của bà con thân thuộc là nguồn động viên cho chúng tôi trong cuộc sống tương lai sau nầy. Ngày qua tháng lại tôi dần dần quen thuộc với nếp sống sinh hoạt của gia đình: sáng thức dậy sớm thổi cơm cho mọi người mang theo vào làm rẫy khi vừa tờ mờ sáng, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua thức ăn chuẩn bị cho bữa ăn chiều khi mọi người trở về từ nương rẫy có bữa cơm nóng canh sốt sau một ngày quần quật vất vã với đất đai, trồng trọt. Gia đình quây quần bên mâm cơm đạm bạc nhưng ấm áp, hạnh phúc.

Đến một hôm tự nhiên tôi không thức dậy nỗi rồi mệt nhọc không nấu nỗi nồi cơm chuẩn bị đi rẫy. Anh Thông phải ở nhà săn sóc tôi. Càng ngày tôi thấy mình càng yếu đi, không ăn uống gì được, phải mời ông Lượng là y tá còn sót lại trong khu khẩn hoang lập ấp đến khám bệnh, lúc đó tôi mới biết rằng đó là triệu chứng của người mang thai. Tôi vừa mừng lại vừa lo vì trong gia đình lúc đó rất khó khăn, tiền bạc không có. Thời vụ, mùa màng chưa tới mà thu hoạch thì bấp bênh vì trong gia đình không ai có kinh nghiệm về làm nông cả. Trong khu Tân Hà lại không có trạm xá hay bệnh viện gì cả vì di dân vừa mới đến chưa kịp xây dựng công trình công ích thì đã mất nước rồi.

Vào tháng thứ 6, má tôi lặn lội từ Saigon ra thăm, thấy tình cảnh khó khăn nầy, má tôi đưa tôi về Saigon để chăm sóc lo cho khi sinh nở thuận buồm xuôi gió, mẹ tròn con vuông. Ngày 29/10/1976 tôi chuyển dạ, đau bụng dữ dội. Má đưa tôi vào bảo sanh viện Thái Bình, một bệnh viện phụ sản tư nhân ở gần nhà, nơi trước đây má tôi đã từng sinh anh chị em tôi. Nhưng bất hạnh thay, chính quyền mới đã đóng cửa nhà bảo sanh nầy rồi nên má tôi đưa tôi vào bệnh viện Từ Dũ . Trường hợp sản khoa của tôi thuộc loại khó vì thai nằm ngang, bác sĩ phải tìm cách xoay thai nhi lại cho thuận chiều rồi dùng máy hút ra. Y tá thông báo tôi đã sinh một bé trai. Tôi quá xúc động và vui mừng tìm cách báo cho gia đình ở Bình Tuy. Nhưng chồng tôi không vào được. Phải 1 tháng sau, dịp đầy tháng chồng tôi mới vào để thấy mặt con. Anh đặt tên là Nguyễn Vĩnh Linh, cái tên gợi nhớ về miền quê cha đất tổ của dòng họ.

Ngày tháng trôi qua, cháu lớn dần trong vòng tay thân yêu của ông bà ngoại và các cậu, dì. Năm 1979 cháu được 3 tuổi, anh Thông tìm cách vào Saigon sum họp gia đình và tìm kế sinh nhai vì ở vùng kinh tế mới không có triển vọng nuôi được gia đình và nuôi dạy con.

Một người quen với ba tôi ở miền Bắc vào giới thiệu về sông Buông ở miền Hắc Dịch để khai thác trồng mì vì ở đó toàn là đất cát. Sau vài ngày cơm đùm gạo bới về đó khảo sát địa thế, thấy toàn là cát, khô cằn không màu mỡ như ở Bắc Ruộng, rất khó canh tác nên đành bỏ cuộc. Về lại Saigon ba tôi nhờ một ông cán bộ miền Bắc khác giới thiệu làm ở một tổ may banh xuất khẩu ở đường Nguyễn Thông gần nhà, tiền công rẻ mạt không đủ để trang trải cuộc sống nên sau vài tháng phải nghỉ việc. Một người bạn QGHC là Hoàng Đình Đào có vợ là nhân viên thuế vụ quận I phụ trách thuế chợ Bến Thành, thầu được việc giữ xe ở chợ nên 2 anh em ra đó giữ xe. Công việc vất vả nhưng vui vì là anh em san sẻ cho nhau cũng đủ ăn.

Năm 1982  nhờ một cô giáo bạn của tôi giới thiệu làm ở tổ sản xuất đường tinh chế ở 123 Bà Huyện Thanh Quan. Khi nhận việc, thật là ngỡ ngàng vì người phụ trách cơ sở đó lại là một người đàn em ở cùng làng thân thiết từ trước. Anh em gặp lại mừng tủi . Thật là khôi hài, đôn đáo chạy chọt mọi nơi mà không biết phe ta đang sống phây phây ở giữa Saigon, hoạt động tại nơi trước đây là trụ sở của Caritas Việt Nam của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận Nhưng rồi không được bao lâu, chính quyền lại quốc hữu hóa trụ sở đó. Anh em chạy về thuê một phòng trong ngôi chùa ở đường Trương Minh Giảng nay là Lê Văn Sỹ , phường 14, quận Phú Nhuận , đăng ký sản xuất xà phòng lấy tên là Kim Long. Hoạt động chừng hơn nữa năm thì tan rã đường ai nấy đi vì không có lợi nhuận.

Năm 1984 may mắn được người bạn thân của anh Thông là Bùi Kim Sơn đang là chuyên viên của công ty Direximco giới thiệu vào làm cho một tổ hợp chế biến nông sản của người Hoa ở đường Tân Hòa Đông, quận 6. Đến đây đời sống đã khá lên nhiều, không phải vất vả nắng mưa nữa, vì anh làm kế toán nên thong dong hơn nhiều.

Khi Vĩnh Linh được 4 tuổi, năm 1980, tôi thi đậu vào trường Sư Phạm Mẫu Giáo Thành Phố. Ra trường năm 1982, được phân phối về Phòng Giáo Dục quận 10, gần nhà. Từ đó gia đình dần dần ổn định, có việc làm chắc chắn trong  khi bạn bè còn khốn khổ vì công ăn việc làm: người đạp xích lô, bơm mực bút bi, đẩy xe bán trái cây, bán thuốc lá lẻ , sửa đồng hồ bên vĩa hè, lề đường... Việc chăm sóc cháu Linh đươc thuận lợi hơn.

Năm 1976 ông nội cháu Linh được trả tự do sau gần 1 năm rưỡi học tập cải tạo về sinh sống ở Bình Tuy, sau đó gia đình bị trục xuất, phải đi kinh tế mới Bắc Ruộng. Nhưng thật bất hạnh, sau ngày về đoàn tụ chưa được bao lâu, sức khỏe ông ngày càng yếu.

Tháng 9/1980 tôi sinh cháu gái thứ 2, đặt tên là Nguyễn Thị Hiền Lương theo như ý nguyện của ông nội. Hiền Lương là tên một làng nằm cạnh sông Bến Hải trên con đường quốc lộ I dẫn về quê nội ở Cửa Tùng.

Tháng 3/1981 sức khỏe dần cạn kiệt, ông nội phải vào Saigon chữa bệnh. Sau 1 tháng chạy chữa, đi từ bệnh viện nầy qua bệnh viện khác mà tình trạng bệnh không được cải thiện, ba chồng tôi lịm dần và qua đời vào ngày 9/4/1981 tại căn phòng trên lầu tôi được cấp ở số 397A đường CMT8 là nơi trường Mầm Non P23 tôi làm hiệu trưởng. Không có chỗ để quàng thi hài, tôi vô cùng bối rối,  tính hết kế vẫn không tìm ra giải pháp, tôi đành liều lĩnh quàng xác ở căn phòng dưới đất và thông báo nhà trường đóng cửa cho học sinh nghỉ học. Chúng tôi tổ chức việc an táng đầy đủ theo nghi thức công giáo. Sau khi hoàn tất việc chôn cất tôi mới làm đơn kiểm điểm với phòng giáo dục. Tôi bị kỷ luật nhưng không bị cho thôi việc.

Khi cháu Hiền Lương được 2 tuổi, tôi được chị Tuy, vợ anh Bình là bạn thân của anh Thông hướng dẫn tôi mua bán quần áo cũ ở chợ Tân Bình. Sáng sớm anh Thông chở tôi bằng xe đạp ra chợ mua quần áo cũ, về nhà giặt sạch, mông má lại cho tươm tất, gọn gàng, ủi cho thẳng. Qua hôm sau đem ra chợ bán lại cho khách. Phải nói đây là một hành động táo bạo và liều mạng của tôi vì trong giờ làm việc, tôi bỏ trường để buôn bán chợ trời. Nhờ ơn trên che chở nên tôi không bị gì, tai qua nạn khỏi.

Sau vài tháng lăn lộn chợ trời, đồ cũ cũng hết. Chị Tuy và tôi xoay ra buôn bán thuốc tây cho bạn hàng tỉnh ở lề đường chợ Tân Bình. Lúc nầy thuốc tây là hàng hiếm, con buôn các tỉnh đổ về Saigon săn hàng. Vợ chồng tôi sáng sớm đạp xe rảo qua các cửa hàng thuốc tây ở các quận trong thành phố mua đủ các loại thuốc từ chai thuốc đỏ, iot, alcool, thuốc trị ghẻ, cảm, sốt, nhức đầu, đau bụng bán cho người mua ở tỉnh, chỉ thỉnh thoảng quay về trường xem tình hình rồi lại đi. Tôi rất biết ơn giáo viên của tôi, họ đã thông cảm mà không tố cáo tôi với phòng giáo dục. Bây giờ mà có tình trạng nầy là bị đuổi luôn không lôi thôi gì cả.

Buôn bán như thế được chừng một năm, tôi thấy nguy hiểm quá nên thôi không làm nữa, hơn nữa cháu Hiền Lương ốm o èo uột quá nên bắt buộc phải ở nhà chăm sóc cháu. Anh Thông một mình bươn chải mua bán đắp đổi cộng với tiền lương ba cọc ba đồng của tôi cũng tạm sống qua ngày.

Khi cháu Hiền Lương được 2 tuổi, tôi mang thai đứa thứ 3 rồi sinh cháu Kinh Luân trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo. Lúc nầy nhà trường chuẩn bị xây cất lại, tôi phải chuyển về phường khác làm việc với chị hiệu trưởng mới Hoàng Mộng Lìn vang danh cực kỳ khó tính. Giáo viên trong quận đều sợ khi nghe đến tên chị. Những năm đầu cộng tác với chị thật là khổ sở nhưng vì hoàn cảnh gia đình tôi phải chấp nhận. Hơn nữa chị cũng giúp đỡ cho gia đình tôi được tá túc một phòng trong điểm 149 Tô Hiến Thành để giải quyết chỗ ở khi phải trả lại địa chỉ 379A CMT8 để sửa chữa.

Tá túc tại đây được 6 năm, bên doanh trại quân đội sau lưng đòi lại nhà. Tôi không hiểu sao quận lại chấp thuận trả vì nhà trường không nằm trong doanh trại và lúc nầy nhà nước đang có chủ trương ưu tiên cho giáo dục. Các ngài ở quận toan tính gì đây?!!!

Sau khi mất điểm 149 Tô Hiến Thành, gia đình tôi được phòng giáo dục cấp cho 1 ở phòng nhỏ phía sau nằm phía sau hẻm ở điểm 133/I/12 Tô Hiến Thành. Điểm nầy trước đây là một biệt thự của 1 ông Trung Tá nằm trong trại Đào Bá Phước, khu gia binh của Bộ chỉ huy Biệt Động Quân. Phòng quá nhỏ và chật, chúng tôi phải cất lên 2 cái gác mới đủ cho gia đình 5 người tá túc. Phía dưới là nhà bếp, nhà vệ sinh và phòng khách tí tẹo vừa đủ kê một bộ bàn ghế.

Đến năm 2001 nhà trường lại bị phá bỏ để xây lại, gia đình tôi lại lâm cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. Tôi làm đơn lên phòng giáo dục xin sắp xếp bố trí cho gia đình tôi một nơi ở để tôi yên tâm công tác. Gặp lúc chung cư C9 nay là chung cư Hòa Bình ở chợ thuốc tây giải tỏa vừa mới xây xong đang bán lại cho người dân. Tôi xin được giải quyết cho một phòng. Sau mấy tháng xét duyệt và thời hạn đập phá ở số 133/I/12 Tô Hiến Thành thực hiện, phòng giải quyết cho gia đình tôi được mua trả góp trong vòng 20 năm một căn hộ ở tầng 5 chung cư Hòa Bình với giá 200 triệu đồng. Nhờ đó từ đây gia đình tôi mới có chỗ ở ổn định.

Trước khi về ở chung cư, năm 2001 gia đình tôi tổ chức đám cưới cho Nguyễn Vĩnh Linh tuy nhỏ nhưng cũng tươm tất. Rước dâu ở nhà gái đường Trần Văn Đang khu cống bà Xếp đến nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng. Thánh lễ cử hành long trọng do cha Huệ, cha đỡ đầu của Linh chủ tế. Tiệc cưới được tổ chức tại khu bảo tàng chiến tranh đường Hoàng Văn Thụ, tổ chức ngoài trời với 60  bàn có đủ bà con, thân nhân hai bên nội ngoại. Vợ của Linh là Bùi Cát Thụy, cô giáo mẫu giáo. Sau đám cưới hai cháu về ở với gia đình tôi tại 133/I/12 Tô Hiến Thành. Đến năm 2003 có cháu  gái đầu là Nguyễn Thụy Cát Linh. Năm 2006 sinh đứa thứ 2 tên Nguyễn Vĩnh Thụy, cả hai gia đình đều rất vui mừng. Lớn lên cháu cao ráo, mạnh khỏe và là tuyển thủ của đội bóng rổ quận 10.

Mùa hè năm 2002 lần đầu tiên tôi được xuất ngoại qua Singapore và Malaysia do phòng giáo dục quận 10 tổ chức cho các hiệu trưởng Mần Non tham quan. Chúng tôi được giới thiệu danh lam thắng cảnh của Singapore và Kuala Lampur. Sau đó vào mùa hè năm 2004 sở giáo dục TP.HCM tổ chức cho hiệu trưởng các cấp tham quan Thailand tôi thâu nhận được nhiều kiến thức về văn hóa và ẩm thực Thailand. Đến năm 2007 cô Hồng ở Dallas, Mỹ, giám đốc một công ty may tổ chức cho công nhân du lịch Trung Quốc, vợ chồng tôi được mời tháp tùng tham quan Thượng Hải, Bắc Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, Vạn Lý Trường Thành, thưởng thức món vịt quay Bắc Kinh trứ danh ngay tại xứ sở của món ăn nầy, tham quan bến Thượng Hải và tháp truyền hình Minh châu Phương Đông nổi tiếng thế giới. Chúng tôi đến Bắc Kinh vào ngày 1/1, trời  rét, nhiệt độ dưới 0, áo lạnh đem theo không chịu nổi cái rét cô Hồng phải dẫn chúng tôi vào siêu thị mua thêm áo ấm dày mới chịu nổi cái rét ở Bắc Kinh.

Vài năm sau, năm 2010 vào dịp Noel cô Hồng lại mời vợ chồng tôi đi du lịch Mỹ. Nhưng khi phỏng vấn tôi bị rớt chỉ có anh Thông đi mà thôi. Sang năm 2011 tôi phỏng vấn lại và được chấp thuận. Tôi qua Mỹ ở 5 tháng sau đó anh Thông qua lần 2  đón tôi về vì có đám cưới của cháu Khôi.

Vào tháng 11/2017 vợ chồng tôi đi Myamar nhân dịp tông du của ĐGH Phanxico đến Myamar được chiêm ngưỡng Ngài khi Ngài duyệt qua dòng người đông đúc đón tiếp Ngài. Thật là một diễm phúc trong cuộc đời của tôi không có dịp thứ 2 nữa.

Khi tôi viết những dòng nầy vào mùa hè năm 2021, cháu Vĩnh Thụy đã học xong lớp 9 và Cát Linh đã đổ trung học phổ thông và đang dự tuyển vào đại học.

Năm 2009 cháu Hiền Lương lập gia đình. Người chồng tên Nguyễn Phước Luật là kỹ sư quê Cần Đước, Long An làm việc cho một công ty thép nước ngoài tại Saigon. Đám cưới được tổ chức long trọng tại nhà thờ giáo xứ Thánh Giuse. Tiệc cưới tổ chức tại nhà hàng Hồ Kỳ Hòa. Cháu sinh đứa gái đầu năm 2011 tên là Nguyễn Phúc Quỳnh Lâm. Đứa thứ 2 cũng là gái sinh năm 2015 tên là Nguyễn Phúc My Lam. Hai cháu rất dễ thương và xinh đẹp.

Năm 2015,  hôn lễ của cháu Kinh Luân và Mai Thị Thanh Tâm được cử hành tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Tiệc mừng được tổ chức tại nhà hàng White Palace đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình. Cô dâu quê quán tại tỉnh Bình Dương là bạn học Bách Khoa của cháu Luân. Hiện giờ đã sinh được 2 cháu trai là Mai Nguyễn Kỳ Minh và Nguyễn Mai Kỳ Dương.

Như vậy chúng tôi đã có 6 cháu trai gái nội ngoại thật đề huề. Cảm tạ ơn Chúa đã gìn giữ và ban nhiều hồng ân cho gia đình tôi.

Nhưng thật không ngờ vào năm 2016 khi gia đình chuyển về căn nhà mới mà vợ chồng Luân mua ở hẻm 908 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, tôi mắc bệnh ung thu buồng trứng phải giải phẫu cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng tại bệnh viện Từ Dũ. Nằm bệnh viện hơn 10 ngày trong tháng 11/2016 mới bình phục.

Kể cả lần di chuyển nhà về Quang Trung nầy, tôi đã phải dời đi tất cả 7 lần từ khi chồng tôi trở lại Saigon.

Đầu tiên tôi trở lại Saigon sau khi về Bình Tuy năm 1976, tôi trở về với ông bà ngoại ở hẻm 457 Cách Mạng Tháng 8. (Lần 1)

Năm 1979 khi chồng tôi về Saigon tôi xin phòng giáo dục Q.10 cho tôi được tá túc một phòng trên lầu không sử dụng lớp học tại 397A CMT8, P.13, Q.10 cho gia đình, đồng thời bảo vệ tài sản nhà trường vì nhà trường không có bảo vệ. Trong thời gian nầy tôi sinh cháu Hiền Lương năm 1980. Đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều biến cố trong gia đình: Tôi bị mổ ruột thừa, cùng lúc đó ông nội các cháu bệnh nặng vào bệnh viện năm 1981, sau đó qua đời phải quàng tại đây. (Lần 2)

Năm 1983 điểm nầy xuống cấp phải phá bỏ xây lại. Tôi phải chuyển về điểm 21 Tô Hiến Thành giữ chức vụ hiệu phó chuyên môn. Hiệu trưởng là chị Hoàng Mộng Lìn. Tình thế lúc nầy thật là nan giải vì khi trả lại trường ở 397A CMT8 , ở điểm mới chỉ có 1 lớp học ở tầng trệt nên tôi không có nơi trú ngụ. Tôi mạo muội xin chị Lìn cho phép tôi sử dụng 1 phòng thừa ở điểm 149 Tô Hiến Thành để ở. Đây nguyên là cầu tiêu bỏ hoang từ năm 1975, diện tích 3x5m. Anh Thông phải sửa sang, dọn dẹp lại và làm thêm một cái gác phía trên mới đủ chỗ cho gia đình 5 người trú ngụ. (Lần 3)

Với tiền lương giáo viên và thu nhập bấp bênh của anh Thông không đủ nuôi 5 miệng ăn. Tôi phải tìm kế làm thêm bằng cách bỏ mối đường cát của tổ hợp anh Thông làm cho các cơ sở làm bánh ngọt mỗi ngày 10kg. Lợi tức làm thêm cũng đủ tiền chợ cho gia đình. Sau chừng 1 năm, cơ sở bánh ngọt nầy phá sản không có tiền trả nợ cho tôi. Họ gán 1 xe bán bánh trừ nợ. Tôi ôm chiếc xe đó cải tạo thành xe bán thuốc lá. Buổi chiều sau khi nhà trường đóng cửa tôi đẩy xe ra trước cổng trường ngồi bán thuốc lá lẻ cho khách qua đường. Nếu bán được 3,4 gói, các cháu mới có tiền ăn sáng. Vì thế khi có người mua cả gói tôi rất mừng. Nhưng cũng có khi xui xẻo, khách kêu mua 1 gói, đưa xong họ không trả tiền mà rồ xe chạy mất. Thật là tàn nhẫn. Vốn đã ít mà bị trường hợp nầy mấy mẹ con tôi sững sờ buồn vô hạn.

Sau nầy khi đi chợ  Bàn Cờ mua hàng tôi bất chợt gặp một cô bạn cũ bán tạp hóa trong chợ. Tôi mừng quá hỏi có việc giúp tôi kiếm thêm tiền chợ không? Vì lúc nầy có 3 đứa con nhỏ khó khăn quá. Cô ta đưa cho tôi các mẫu túi nylon đủ kích cỡ từ nhỏ đến lớn, nếu tôi có thể cung cấp mỗi thứ vài Kg để cô đóng hàng bán lẻ cho khách hàng mua đường, muối, đậu các loại. Tôi mừng quá vô Chợ Lớn mua hàng nhưng tiền lời không có bao nhiêu. Một hôm đang đứng mua hàng ở chợ Bàn Cờ tình cờ nhìn thấy người giao hàng mối túi nylon, tôi chạy theo anh ta hỏi địa chỉ. Anh cho biết khu Phú Bình quận 11, là nơi sản xuất loại hàng nầy. Từ đó tôi thêm nghề bỏ túi nylon. Nghề nầy cũng khá vất vả nhất là lúc gặp mưa phải cố che hàng cho khỏi ướt, anh Thông phải cố đạp xe về nhà càng sớm càng tốt. Có những lúc nhà bị cúp điện tối thui, các cháu sợ hãi ngồi túm lại với nhau ở góc phòng trong tiếng sấm sét ì ầm thật tội nghiệp vô cùng. Lúc nầy Linh đã biết bắc dầu nấu nước quậy bột bích chi , bỏ thêm tí muối rồi 3 anh em ăn cho đỡ đói.

Trong thời gian nầy, anh Thông làm việc cho công ty xuất khẩu nông sản Ngô Gia ở đường Liên Tỉnh 5, quận 8. Vừa đi làm anh ghi danh học thêm lớp bồi dưỡng kiến thức luật XHCN, khóa bổ túc dành cho trí thức miền Nam do bộ tư pháp tổ chức tại trường cán bộ ở đường Lê Văn Duyêt đối diện với lăng Ông, Bà Chiểu.

Mãn khóa năm 1989, tôi tổ chức một buổi tiệc nhỏ ở nhà để các bạn chung vui với gia đình tôi. Cầm mảnh bằng cử nhân luật XHCN hầu hết bạn học đều chọn nghề luật sư để sinh nhai. Nhưng muốn vào luật sư đoàn lúc đó cần phải có tiền để đóng lệ phí gia nhập: ở tỉnh phải tốn 1,2 cây vàng, ở Saigon phải 4,5 cây. Gia đình tôi không có tiền nên đành chịu. Nhưng cũng thật may, nếu hành nghề luật sư thì khốn khổ vì tòa án có nghe lời bào chữa của luật sư đâu, toàn là án định sẵn. Thành ra luật sư chỉ kiếm tiền ở các dịch vụ ly hôn, thừa kế và những công việc pháp lý lặt vặt thôi. Sau nầy họ được mở văn phòng luật sư thì khấm khá hơn.

Đầu năm 1990  phòng giáo dục thông báo trả điểm 149 Tô Hiến Thành cho doanh trại quân đội ở phía sau để họ xây cất lại. Một lần nữa tôi lại phải ra đi. Lần nầy về ở số 133/I/12 Tô Hiến Thành. (Lần 4 ).

Năm 2001 sau đám cưới Linh và được mua căn hộ ở Chung Cư C9 tôi lại phải đưa gia đình về đó. Ở đây tôi được may mắn xuất ngoại nhiều lần: Singapore, Malaysia, Thailand, Myarmar và lần đi Trung Quốc cùng với cô Hồng em anh Thông và đi Mỹ .(Lần 5)

Năm 2015 Kinh Luân mua 1 căn nhà ở hẻm 908 đường Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp tôi bán nhà ở chung cư về ở với Luân.(Lần 6).

Sau đó vợ chồng Luân mua 1 miếng đất ở số 496/63/58 Dương Quảng Hàm, P.6, Q. Gò Vấp có diện tích 168m2 (12x8m) và bắt đầu xây cất công trình một trệt, 2 lầu vào tháng 6/2017. Căn nhà được hoàn thành vào ngày 28 Tết năm Đinh Hợi 2018, gia đình lại chuyển về đây. (Lần 7).

Một quá trình thay đổi nơi cư trú kéo dài hơn 32 năm, thật vất vả cho một kiếp người.

Vào tháng 8/2019 một cơn bạo bệnh lại đến, tuy rằng bệnh nầy đã được báo trước vài năm trước đây nhưng tôi vẫn cố níu kéo để tiểu đường không sớm biến chứng qua suy thận bằng cách uống thuốc duy trì do bác sĩ cho được vài năm. Đến tháng 8/2019 phải nhập viện cấp cứu ở bệnh viện 115, mổ khẩn cấp để chạy thận vì hai quả thận không lọc được nữa. Bác sĩ mổ một đường truyền ở động mạch cổ thẳng đến tim để lọc máu. Phương pháp nầy sử dụng trong 2 tháng trong khi chờ đợi vết mổ chính ở động mạch cánh tay mở cùng lần ở cổ lành cho phép truyền dịch để lọc máu thông thường ở bệnh lọc thận. Vết mổ nầy sẽ dùng thường xuyên sau nầy mỗi khi chạy thận. Từ đây tôi phải chạy thận suốt đời cho đến khi chết. Đó là cuộc sống chung thân khổ sai. Nhưng đối với tôi đó là cuộc sống chung thân êm ái!!  Tôi không lo lắng buồn phiền vì đây là bản án êm ái nhẹ nhàng vì được tất cả mọi người trong gia đình tận tình yêu thương, lo lắng chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ. Cháu Hiền Lương lo nấu cơm hay cháo để đem vào bệnh viện, ông xã tôi đi theo chăm sóc, đút từng muỗng cơm khi ăn vì thời gian chạy thận tôi phải nằm trên giường không tự ăn được một mình. Cháu Kinh Luân chăm lo đời sống vật chất tinh thần cung cấp tài chánh đầy đủ để mua thuốc và các phụ liệu dùng cho việc lọc thận phải mua ngoài như quả lọc và dây lọc cũng như chở đến bệnh viện lượt đi. Sau khi đã lọc xong ra về, cháu Linh có nhiệm vụ đưa về nhà. Như vậy tôi không phải lo lắng gì cả. Tôi giữ tinh thần lạc quan để có thể duy trì sức khỏe ổn định vững vàng cho việc chữa bệnh nan y nầy.

Đầu năm 2020 gia đình tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành hôn của chúng tôi tại nhà thờ giáo xứ Bến Cát với sự tham dự của bà con nội ngoại, thân hữu, bạn bè và chị Quyển ở Mỹ về chung vui. Một bữa tiệc thân mật tổ chức tại nhà hàng Luxury Palace trong bầu không khí vui tươi  đầm ấm với sự phụ họa của các giọng ca tiếng hát của các giáo viên cũ của tôi và của con cháu, bạn bè trong gia đình. Tôi rất mãn nguyện sau một chặng đường dài 45 năm với bao lo toan vất vả nhọc nhằn hôm nay gặt hái được hoa trái kết quả tốt đẹp vượt xa sự mong ước. Tôi xin dâng Thiên Chúa lời nguyện cám ơn Ngài đã ban nhiều hồng ân cho gia đình tôi và mong ước được sống an bình cho đến khi được Ngài gọi về.

Đến đây tôi xin kết thúc tập hồi ký nầy. Xin cám ơn tất cả mọi người đã quan tâm theo dõi, giúp đỡ gia đình tôi trong quãng đường tôi đã đi qua. Cám ơn các con tôi đã chăm nom, săn sóc chu đáo tôi trong thời gian bệnh hoạn nầy và cuối cùng là người bạn đời đã túc trực bên tôi những lúc khó khăn và trong những ngày sắp tới. Xin cám ơn tất cả./.

                                               Saigon, ngày 07 tháng 08 năm 2021

                                                                                                            Trương Thị Chà

Không có nhận xét nào: