8. Sự Cứu Chuộc Tính dục chúng ta trong Đức Kitô
Đang khi âm vang của ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa còn đọng lại trong lòng chúng ta, thì lối giao tiếp méo mó giữa đàn ông đàn bà này đã trở thành thực trạng của chúng ta. Buồn thay, đối với nhiều người, họ chỉ biết có thế. Họ chấp nhận nó như là quy luật. Rốt cuộc, “đàn ông vẫn là đàn ông”, và “đàn bà sẽ mãi là kẻ cám dỗ”, có phải vậy không?
Thưa, không phải vậy! Đức Kitô đến để phục hồi lại cái ý định tình yêu nguyên thuỷ của Thiên Chúa trên trần gian. Đây là tin mừng của Kinh thánh. Qua sự hoán cải liên tục tâm lòng, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự cứu rỗi của tính dục chúng ta.
Đây là điều mà Đức Kitô thách thức chúng ta trong Bài giảng trên núi khi Người nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5,28) (Dĩ nhiên lời của Người áp dụng giống nhau cho cả đàn ông lẫn đàn bà). Giống như để nhấn mạnh cái tầm quan trọng của tội này, Người liền thêm, “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.” (Mt 5,29-30).
Hoả ngục được mô tả là sự thiếu vắng tình yêu của Thiên Chúa. Sự thèm khát tính dục cũng như vậy. Đó là chính là lý do tại sao tình yêu Thiên Chúa rất quan trọng.
Vậy chúng ta phải làm gì? Nếu chúng ta nhìn vào cái kinh nghiệm chung của con người thì dường như mọi người đều bị Đức Kitô kết tội. Đúng vậy. Nhưng chúng ta nên nhớ, Đức Kitô đến thế gian không phải để kết tội chúng ta, nhưng để cứu rỗi chúng ta. (Gioan 3,16-18).
Suy niệm về những lời này của Đức Kitô, Đức Gioan Phaolô II đặt câu hỏi “Chúng ta nên sợ cái nghiêm khắc của lời Chúa [Kitô] hay là nên đặt tin tưởng vào nội dung cứu rỗi và quyền năng của lời ấy? [14] “Cái quyền năng của chúng được dựa vào lời của người đã thốt ra những lời: “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Gioan 1,29).
Đức Kitô xoá tội trần gian bằng cách nào? Bằng cách trao tặng món quà trọn vẹn, chung thuỷ, và phát sinh hoa trái là thân thể Người cho Hiền thê, tức Giáo hội, trên thập giá. Và bằng cách thổi hơi Chúa Thánh Thần xuống trên nhân loại (Gioan 20,22).
Lặp lại lời Đức Gioan Phaolô II, tội lỗi và sự chết đã đi vào lịch sử con người qua trọng tâm sự hiệp nhất của ông Ađam và bà Eva. [15] Cũng thế, sự cứu rỗi và sự sống mới đã đi vào lịch sử con người qua cái trọng tâm sự hiệp nhất của Ađam và Eva Mới, đó là Đức Kitô và Giáo hội. Ngay sau khi ông Ađam và bà Eva sa ngã, chúng ta được tiên báo việc cứu chuộc này trong đoạn Tiền Tin Mừng (protoevangelium). Nói với con rắn, Thiên Chúa phán: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).
Chúa Giêsu là Ađam Mới, con của “người đàn bà” sẽ đập tan đầu con rắn. Là cái mô hình cho Hiền thê – Giáo hội, Đức Maria biểu hiệu cho Eva Mới. [16] “Hôn nhân” mang tính cứu chuộc của Đức Kitô với Giáo hội được báo trước tại tiệc cưới Cana (Gioan 2,1-11) và hoàn hợp trên Thập giá trên đồi Canvê. [17]
Khi Đức Maria đến báo cho Chúa Giêsu biết là tiệc cưới đã cạn rượu rồi, Chúa Giêsu trả lời: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Gioan 2,4).
Nước lã biến thành rượu tại Cana báo trước hình ảnh máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Kitô trên đồi Canvê (Gioan 19,34). Là hình ảnh của bí tích Rửa tội và Thánh Thể, máu và nước biểu tượng cho chính sự sống của Thiên Chúa xuất phát từ cạnh sườn của Ađam Mới như là Eva Mới được sinh ra. (Nên nhớ rằng chữ “xương sườn” được sử dụng trong sách Sáng Thế là cách chơi chữ của từ “sự sống). Và như ông Ađam đầu tiên, Ađam Mới cũng gọi Eva là “bà” (St 2,23 và Gioan 19,26).
Chương trình sáng tạo, như các nhà thần học hay nói, được tóm lược lại – nghĩa là, lặp lại, tóm tắt – trong công việc của Đức Kitô. Người nam và người nữ đã được tái sinh. Tình yêu vĩnh viễn của họ cho nhau đã được tái tạo. (xem bảng dưới đây).
-----
[14] x. Thtx., 9/10/1980.
[15] x. Thtx., 5/3/1980.
[16] GLHTCG, số 411.
[17] Rất cần ý thức rằng hôn nhân của Ađam và Eva Mới là một hôn nhân “mầu nhiệm”. Hôn nhân này xảy ra bên ngoài lãnh vực tương quan máu huyết và hệ tộc như chúng ta thường hiểu. “Ađam-Kitô” và “ Eva-Maria” phải được hiểu như là kiểu mẫu của “người nam” và “người nữ”. Vậy thì không có lý do gì để bối rối do việc chính mẹ của Đức Kitô theo xác thịt và máu huyết lại là người, hiểu theo cách nào đó, đại diện cho hết thảy chúng ta như là Tân Nương mầu nhiệm của Đức Kitô (x. GLHTCG, số 773). Hơn nữa, khi Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu biết Maria như là Eva Mới, ở Cana cũng như ở Núi Sọ, Người không nhắc đến Bà như như là mẹ nhưng như là “người đàn bà” – một chú giải về Sách Sáng thế 3,15.
8. Sự cứu chuộc Tính dục... (tt)________________________________________
“Người nữ” đứng dưới Thánh giá đại diện cho tất cả chúng ta, cả nam lẫn nữ. Tất cả chúng ta được gọi là Hiền thê của Đức Kitô. [18] Hy sinh bản thân Ngài cho chúng ta, Đức Kitô trao lời “đính hôn”. Chúng ta chỉ cần nói tiếng xin vâng bằng cách hiến dâng bản thân chúng ta - trọn vẹn bản thân chúng ta - lại cho Ngài. Đây mới chính là sự sống đầy tính bí tích của Giáo hội.
Thật ra, Sách Giáo lý diễn tả bí tích Rửa tội là sự “tắm rửa ngày cưới”. [19] Ở đó, khi chúng ta kết hợp vào sự hy sinh của Đức Kitô, chúng ta rửa sạch tội lỗi chúng ta bằng nước qua Ngôi Lời (Ep 5,26). Hơn nữa, vì đã được hiệp nhất (hay kết hôn) với Ngài qua bí tích Rửa tội, thì khi chúng ta đón nhận thân thể Đức Kitô trong Thánh Thể là chúng ta cưu mang, như một tân nương, sự sống mới trong chúng ta - sự sống trong Chúa Thánh Thần.
Nếu như lòng ham muốn làm mờ mắt người nam và người nữ không thấy được chân tính của họ và làm méo mó những ước muốn tính dục, thì sự sống mới này trong Chúa Thánh Thần lại cho phép người nam và người nữ yêu nhau như họ được mời gọi từ lúc ban đầu. Qua các bí tích chúng ta có thể biết và cảm nhận được cái quyền năng có tính chất biến đổi của tình yêu của Đức Kitô.
Đây là tin mừng. Đây là tin vĩ đại. Vâng, chúng ta đã bơm sai xăng vào trong máy của chúng ta và đã phải gánh chịu hậu quả khốn đốn. Nhưng Thiên Chúa không nói, “Đồ dại dột. Ta đã nói rồi mà.” Không! trong lòng thương xót vô biên của Ngài, Ngài tu bổ máy lại cho chúng ta và bơm miễn phí cho chúng ta lượng xăng mà chúng ta cần. Ngài không bỏ chúng ta chìm đắm trong tội lỗi nhưng thương ban cho chúng ta ơn cứu độ. Chúng ta chỉ cần làm như một tân nương, đón nhận quà tặng lớn lao này.
-----
[18] Như Đức Gioan Phaolô II nói: “Tất cả mọi hữu thể nhân loại – cả nam lẫn nữ - đều được mời gọi qua Giáo hội, trở thành ‘Hiền thê’ của Đức Kitô. … Bằng việc ‘trở thành Hiền thê’ tức là mang tính ‘nữ giới’, trở nên một biểu tượng cho toàn thể những gì là “nhân bản” (Mulieris Dignitatem (Phẩm giá người phụ nữ), số 25). Ở chỗ khác trong cùng văn kiện ngài nói: “Từ quan điểm này, người phụ nữ là đại biểu và khuông mẫu của toàn thể nhân loại: người nữ đóng vai nhân tính thuộc về mọi hữu thể nhân bản, cả nam lẫn nữ” (số 4).
[19] GLHTCG, số 1617.
9. Một Vấn Đề Đức Tin
Đúng thật chính vì người nam và người nữ quay lưng lại với Thiên Chúa đã làm méo mó mối tương quan giữa họ, nên việc phục hồi lại sự thật và ý nghĩa của tính dục con người đòi hỏi một sự trở về tận cội nguồn với Thiên Chúa. Quỉ Satan đã thuyết phục chúng ta rằng Thiên Chúa không thương yêu chúng ta, rằng Người ẩn lánh chúng ta. Để xoá tan mọi nghi ngờ, Thiên Chúa đã trở thành một người giữa chúng ta và đã dâng hiến chính bản thân làm tặng vật muôn đời trên thập giá cho chúng ta.
Vì thế mỗi người chúng ta cần phải tự vấn: Tôi có tin vào quà tặng của Thiên Chúa không? Tôi có tin vào tình yêu vô biên của Người dành cho tôi không?
Do đó, sống sự thật về tính dục của chúng ta thực ra là một vấn đề đức tin. Chúng ta có tin vào Kinh thánh hay không? Chúng ta tuyên xưng rằng Đức Kitô đã đến để cứu rỗi và hoà giải chúng ta với Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, chúng ta tuyên xưng nhưng chẳng bao giờ suy nghĩ đến điều này.
Bạn nên tự hỏi: Tôi có thực sự tin Đức Kitô đã đến cứu tôi khỏi tội lỗi không? Tôi có thực sự tin rằng, với sự giúp đỡ của hồng ân Thiên Chúa, tôi có thể vượt qua những yếu đuối, ích kỷ và ham muốn xác thịt để yêu thương những người khác như Đức Kitô đã yêu tôi không? Nói cách khác, tôi có thực sự tin rằng Đức Kitô có thể cứu độ tôi, ngay cả cái tính dục của tôi không?
Chống cưỡng lại những dị dạng tội lỗi của dục vọng và sống theo sự thật là một cuộc đấu tranh cam go, ngay cả đối với những người có nền nếp giáo dục luân lý vững chắc. Nói cách khác, cuộc đấu tranh này dẫn chúng ta vào điểm mấu chốt của trận chiến đạo đức (xem Ep 6,12) mà chúng ta là những Kitô hữu phải xung trận nếu chúng ta muốn chống lại sự xấu – trong thế giới và trong cả chúng ta – và yêu thương người khác như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Thắng trận chiến này đòi hỏi đức tin vào Đức Kitô, đòi hỏi sự dấn thân, lòng quyết tâm, sự thành thật với chính mình và người khác, và sự sẵn sàng hy sinh và kiềm chế những tham muốn ích kỷ của chúng ta. Tình yêu không phải là sợ hãi những điều đó; tình yêu là những thứ đó.
Đúng vậy, giáo huấn của Giáo hội về tính dục mang nhiều thử thách, cái thử thách của Kinh thánh, cái thử thách tin tưởng vào Đức Kitô và vác Thánh giá theo Người. Vâng, chúng ta yếu đuối. Tự chúng ta, chúng ta không có chút hy vọng nào để đương đầu với thử thách này.
Nhưng thử thách này dành cho ai? Phải chăng dành cho những người nam và nữ đang làm nô lệ cho những yếu đuối của họ? Thưa không! [Thử thách ấy] dành cho những người nam và nữ đã được giải thoát để yêu nhờ quyền năng của cây Thập giá. [20] Chúng ta đừng nên làm mất đi quyền năng của cây Thập giá nhưng hãy tin tưởng vào tin mừng. Chúng ta hãy tin rằng trong Đức Kitô, mới có thể có được tình yêu đích thực – tình yêu đem lại ý nghĩa cho hữu thể và hiện hữu của chúng ta. Đó là điều mà Giáo hội không ngừng công bố cho mọi người.
-----
[20] Thánh Phaolô nói thật hay bằng cách nào mà thập giá đã làm cho chúng ta khỏi tội và bằng cách nào mà Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta yêu thương trong Thư gởi tín hữu Roma các chương 6, 7, và 8. Cũng nên xem thêm chương 5 trong thư gởi tín hữu Galata.(Còn tiếp)
Nguồn: Website Giáo phận Nha Tranghttp://www.gpnt.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét