Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

Tin Mừng Về Tính Dục Và Hôn Nhân

TIN MỪNG VỀ TÍNH DỤC VÀ HÔN NHÂN
Giải đáp những câu hỏi thẳng thắn về Giáo huấn của Giáo hội

CHRISTOPHER WEST
Nhóm Tâm Biển chuyển sang tiếng Việt từ cuốn
GOOD NEWS ABOUT SEX & MARRIAGE
Answers to your honest questions about Catholic Teaching
của CHRISTOPHER WEST
Freedom Publishing, Melbourne, Australia, 2003
Lời Giới Thiệu
Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người chỉ còn là một bản thể không thể hiểu nổi đối với chính mình. Cuộc sống con người sẽ vô nghĩa, nếu tình yêu không được bày tỏ, không được gặp gỡ, nếu con người không cảm nghiệm tình yêu và làm cho tình yêu trở thành của riêng mình, không thông dự một cách mật thiết vào trong tình yêu. Đây chính là lý do tại sao Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc lại “mạc khải trọn vẹn Con Người cho con người”.
Đức Gioan Phaolô II [1]

Lớn lên trong Giáo Hội Công giáo trong những thập niên 1970 và 1980, tôi có nhiều câu hỏi cũng như nhiều phản đối về những giáo huấn của Giáo hội về tính dục. Một khi những kích thích tố (hormones) của tôi bùng lên thì hầu như mọi điều tôi được dạy bảo về việc “giữ lòng trong sạch” đều bay qua cửa sổ hết. Thế nhưng, qua vài năm sau, tôi đã phải trả giá đắt cho lối sống tính dục của tôi.

Khi còn là sinh viên đại học năm thứ nhất, tôi thấy mình rất đỗi băn khoăn và đau khổ về căn tính đàn ông của mình. Tôi không thể phủ nhận là chính tôi đã chuốc lấy cho mình nhiều đau đớn và rối loạn này qua những thái độ và cư xử tính dục của mình. Lối sống lang chạ tràn lan trong cư xá đại học lại làm tăng thêm sự vô nghĩa của tất cả cái căn tính ấy.

Những mẫu chuyện “chinh phục tình dục” chúng tôi kể cho nhau nghe (và dĩ nhiên là được phóng đại) đang khi là sinh viên năm đầu đại học làm tôi càng ngày càng suy nghĩ nhiều hơn về sự bỉ ổi mà đàn ông có thể thực hiện. Vì qua mỗi “cuộc chinh phục” là có một phụ nữ bị xài xể và ruồng bỏ. Nhưng dường như chẳng có ai buồn để ý tới.

Tôi bị xúc động mạnh vào đêm tôi chứng kiến một cuộc hãm hiếp có xếp đặt trước trong một cư xá sinh viên (mà đây lại là một trường Công giáo). Cái kinh nghiệm này đã ám ảnh tôi: làm sao mà một người đàn ông có thể đối xử với một người phụ nữ chẳng ra gì cả, chỉ như một “đồ vật” cho những trò chơi tính dục của họ? Tuy nhiên, càng tự hỏi câu này liên quan đến điều tôi chứng kiến, tôi càng thấy tôi phải hướng câu hỏi này về chính bản thân tôi.

Tôi chưa bao giờ hãm hiếp ai, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi đâu có khác gì nhiều so với người nọ trong cách tôi cư xử đối với phụ nữ trong tư tưởng và thái độ của tôi? Chẳng phải là tôi cũng dùng bạn gái tôi để chơi bời sao? Rốt cuộc, khi tôi thực sự thành thật với chính mình, thì tôi phải kết luận rằng tôi cũng chẳng tốt gì hơn tên hiếp dâm kia.

Trong lúc lùng sục tận đáy sâu tâm hồn này, tôi đã tức tối với Thiên Chúa. Tôi khăng khăng: “Ngài đã cho mấy tên đàn ông những kích thích tố này! Dường như chúng đã gây hoạ cho con và mọi người khác con quen. Con phải làm gì với chúng đây? Con muốn biết sự thật! Cái tình dục này là cái quái gì? Làm thằng đàn ông có ý nghĩa gì?”

Lời thưa chuyện với Chúa ấy đã thúc giục tôi tìm kiếm để khám phá ra sự thật về tính dục. Đức Kitô đã nói, “Hãy tìm, thì sẽ gặp” (Mt 7,7). Cho nên tôi đã đi tìm.

Vắn tắt lại câu truyện dài này, cái mà tôi cuối cùng đã tìm thấy được chính là những bài viết của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đây là một người đã nhận định lại và đã trình bày lại những giáo huấn của Giáo hội về tính dục và hôn nhân với một sự hiểu biết uyên thâm và hết sức độc đáo. Công trình của Ngài giàn dựng cho một “cuộc cách mạng” tính dục mới, hứa hẹn sẽ mang lại điều mà cuộc cách mạng (tính dục) trước đã không thực hiện được: (đó là) sự thoả mãn đích thực của cái khát vọng đang lèo lái tất cả chúng ta - để yêu thương và được yêu thương.

Thực ra, đóng góp của ĐTC Gioan Phaolô II vào những giáo huấn của Giáo hội về tình dục và hôn nhân rộng lớn đến nỗi hai phần ba giáo huấn Giáo hội Công giáo nói về những đề tài này đều phát xuất từ triều đại Giáo hoàng của ngài. Tuy nhiên công trình của ĐTC hoàn toàn không được người Công giáo bình thường biết tới. Một khi những hiểu biết sâu sắc của ĐTC được nhận thức xứng đáng, thế giới chúng ta sẽ thấy được sự hồi phục của hôn nhân và gia đình, và sự dựng xây một nền văn minh sự sống đích thực. Tôi tin rằng sẽ là mùa xuân mới mà ĐTC thường nhắc tới.

Chỉ trong vòng vài tháng, tôi đã đọc ngấu nghiến hết toàn bộ cuốn Thần học Thân xác [2] của Đức Thánh Cha (ĐTC), Tông Huấn về Gia đình Kitô Giáo trong Thế Giới Mới (Familiaris Consortio) [3], và cuốn Tình Yêu và Trách Nhiệm [4]. Những điều tôi đọc được đã làm tanh bành trái tim tôi. Có thể nói, vị Giáo hoàng độc thân già nua này đã thọc sâu vào được những thổn thức sâu kín nhất của con người tôi, và giúp tôi hiểu được chúng.

ĐTC đã có thể giải thích những lý do đằng sau những ý nghĩa của những giáo huấn Công giáo bằng một cách thức mà qua đó bày tỏ được vẻ đẹp tuyệt vời của cái căn do Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã tạo dựng chúng ta, là nam là nữ. ĐTC đã biến đổi tận gốc cách tôi nhìn tôi trong cương vị một người đàn ông, cách tôi nhìn người phụ nữ, cách tôi hiểu Giáo hội và Thiên Chúa. Tóm lại, ĐTC đã thay đổi quan điểm của tôi về mọi thứ. Rồi tôi hiểu rằng tôi cần dùng hết thời gian còn lại của cuộc đời tôi để học hỏi tư tưởng của vị Giáo hoàng này và chia sẻ nó cho người khác.
Giờ đây, là một nhà giáo toàn thời gian (full-time) chú trọng vào những giáo huấn của Giáo hội về tính dục và hôn nhân, tôi thường xuyên nói chuyện với nhiều cử toạ khác nhau về những vấn đề này. Bất kỳ nơi nào tôi đến, người ta hay đặt ra những câu hỏi chân tình và sắc bén về những giáo huấn này của Giáo hội. Họ nêu lên những vấn đề và những phản đối đang đè nặng lên tâm hồn và đang ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của chính họ và của những người thân yêu. Những thắc mắc và những phản đối này đáng được lời giải đáp chân tình, không vòng vo, và thông suốt – xoáy vào lãnh vực sâu kín nhất của đời sống con người nhằm giúp họ hiểu được những giáo huấn mà người ta cho là “độc đoán” hay”cổ hủ” của Giáo hội.

Vì tôi lấy từ kinh nghiệm riêng tôi và từ điều tôi học được từ ĐTC Gioan Phaolô II để giải thích những giáo huấn của Giáo Hội, chắc không tránh khỏi là có người phản ứng: “Tôi đã học trường công giáo suốt cả đời mà sao chưa bao giờ nghe thấy điều này. Tại sao vậy?”. Những người khác nói mà nước mắt lưng tròng: “Giá mà tôi biết điều này sớm hơn một chút trong đời tôi, có lẽ tôi đã không phải đau khổ vì bao nhiêu là lỗi lầm.”

Cuốn sách này được lọt lòng từ những cuộc trao đổi trên. Đây là một cuốn sách mà những người như chính bạn đã giúp tôi biên soạn. Tôi đã thu góp lại những câu hỏi và những phản đối từ những người còn độc thân, những cặp đang đính hôn, những đôi tân hôn, và những đôi vợ chồng đã cưới nhau 10, 20, ngay cả 40 năm hay hơn nữa: từ những người Công giáo, Tin lành, và những người không cùng niềm tin; từ những cặp vợ chồng hạnh phúc lẫn những cặp không hạnh phúc và từ những người đã đau khổ vì ly dị. Tôi trình bày tất cả những điều đó ra đây và lần lượt đề cập đến từng phần một.

Theo như các bài Giáo lý của ĐTC Gioan Phaolô, chương thứ nhất trình bày những nền tảng kinh thánh cho kế hoạch về tính dục và hôn nhân của Thiên Chúa. Những chương kế tiếp được chia ra theo đề tài và được trình bày theo dạng câu hỏi và trả lời. Mục đích là trình bày sao cho dễ hiểu hết sức có thể những điều mà mọi người muốn biết. Cho dù thắc mắc của bạn không được nói đến cách trực tiếp, bạn vẫn có thể có những công cụ cần thiết để đạt được một câu trả lời của huấn giáo truyền thống Công giáo.

Rất có thể một số bạn đọc muốn tìm những câu trả lời mau lẹ cho những thắc mắc riêng biệt. Cũng tốt thôi, nhưng nên lưu ý rằng mỗi chương đều được viết dựa vào chương trước đó. Để thu thập được toàn vẹn bức dung hoạ, bạn đọc nên đọc từng chương một. Tôi cũng mạnh dạn khuyến khích bạn đọc dành thời giờ để đọc những chú giải. Ngoài những tài liệu tham khảo, những chú giải thường chứa đựng thông tin hữu ích, kể cả những tài liệu phụ thêm và cách thức đặt mua những tài liệu đó.

Nguyện ước tâm thành của tôi là dù bạn đang ở vào bất cứ tình trạng và giai đoạn nào trong đời, cuốn sách này sẽ giúp bạn trong công cuộc tìm kiếm để biết, hiểu, sống và cảm nghiệm sự thật tốt đẹp về tình yêu con người. Vì đó là nơi chúng ta tìm thấy được hình ảnh của sự linh thánh, nếm cảm trước về thiên đàng - sự thoả mãn tột cùng của tất cả những mong ước sâu xa nhất của chúng ta.

Christopher West

[1] Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người (Redemptor Hominis), số 10.
[2] Thần học Thân xác (Thtx.) là tựa đề chung được đặt cho sưu tập 129 bài giáo lý của Đức Gioan Phaolô II trong những buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hằng tuần trong khoảng thời gian từ 5/9/1979 đến 28/11/1984. Trong đó, qua nghiên cứu phân tích những đoạn văn kinh thánh nói về thân thể, tính dục, hôn nhân, và ơn gọi độc thân, Đức Gioan Phaolô trình bày một hiểu biết sâu xa về bản vị con người (nhân vị) và ý nghĩa của cái chúng ta gọi là “tình yêu hôn nhân” mà trước đây chưa bao giờ được nói đến một cách rõ ràng. Phần nhiều những hiểu biết sáng suốt này được trình bày trong chương một của tập sách này. Những chương tiếp theo cũng được rút ra khá nhiều từ công trình này.
Toàn bộ những bài giáo lý này được Nhà Xuất bản Nữ tử Thánh Phaolô cho in lần đầu hợp thành bốn cuốn mà giờ đây đã tuyệt bản (Original Unity of Man and Woman, Blessed Are the Pure of Heart, The Theology of Marriage and Celibacy, and Reflections on Humanae Vitae). Những trích dẫn trong sách này được lấy từ bản dịch trên. Một bản dịch Thần học Thân xác với chút ít khác biệt mới đây cũng đã được Nhà Xuất bản Nữ tử Thánh Phaolô xuất bản đóng thành một cuốn. Muốn đặt mua, xin xem phần Nguồn tài liệu ở cuối sách, ở đó có các số điện thoại của các đại lý. Cũng nêu thông tin về một bộ sưu tập băng dĩa có tựa đề “Naked Without Shame, (Trần Truồng mà Không Xấu Hổ)” mục đích để giúp cho những hiểu biết thông sáng có tính cách mạng này có thể tới được với khán thính giả rộng lớn hơn.
[3] Tài liệu này được viết vào năm 1981 tiếp theo sau Thượng Hội Đồng GM về Gia đình. Đó là một trình bày xuất sắc và dễ hiểu của Giáo huấn Giáo hội về tính dục, hôn nhân, và đời sống gia đình. Từ đây trở đi, trong phần chú thích chúng tôi sẽ qui chiếu về tài liệu đó với tên là Tông Huấn Gia Đình (THGĐ).
[4] Karol Wojtyla (Gioan Phaolô II), Love and Responsibility (Tình Yêu và Trách Nhiệm, TY và TN) (San Francisco: Ignatius, 1993), 43). Cuốn sách này lần đầu tiên được in ở Ba Lan vào năm 1960, mười tám năm trước khi Karol Woityla trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Dựa trên nhiều năm đối thoại và làm việc mục vụ với các thanh niên nam nữ, cũng như những cặp mới đính hôn và những đôi vợ chồng, cuốn sách đã xem xét kinh nghiệm con người bình thường để minh chứng rằng Giáo huấn luân lý Công giáo về tính dục và hôn nhân phù hợp hoàn toàn với phẩm giá của con người.
Một trường phái triết học “nhân vị”, như người ta thường gọi triết học của Đức Gioan Phaolô, nhận thức rằng con người nhân vị là chủ thể mà hướng về chúng chỉ có thái độ đích thực là tình yêu. Một con người nhân vị không bao giờ chỉ là một đối tượng để người ta sử dụng. Ngài lập luận rằng cái chủ trương không chấp nhận những đòi hỏi của đạo đức tính dục công giáo chắc chắn sẽ biến người ta thành đồ vật để sử dụng.

Chương Một
Mầu nhiệm Cao Cả
Đặt nền Tảng

“Mầu nhiệm cao cả”, là mầu nhiệm Giáo hội và nhân tính trong Đức Kitô, không hiện hữu tách biệt khỏi “mầu nhiệm cao cả” được bày tỏ trong thực tại “một xương một thịt”… của hôn nhân và gia đình.
Đức Gioan Phaolô II [1]

Giáo huấn của Giáo hội về tính dục và hôn nhân là tin mừng. Chân lý này phải được nhấn mạnh từ đầu. Là tin mừng vì đó là chân lý về tình yêu, và tình yêu chân thật là sự toàn thiện của con người.

Nhưng giáo huấn của Giáo hội về tính dục và hôn nhân cũng là tin thử thách, vì chân lý về tình yêu thì luôn có thử thách.

Khi chúng ta tìm thấy ý nghĩa thực sự của tính dục, chúng ta đụng tới cái cốt lõi của con người chúng ta trong cương vị là người nam và người nữ. Chúng ta gặp những ước muốn và khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta và, cùng lúc, những lo sợ sâu thẳm nhất, những vết thương, những ích kỷ, cũng như tội lỗi. Thử thách chính là chỗ này: chúng ta phải đối diện với sự thật của bản tính con người của chúng ta - cái tốt và cái xấu - nếu chúng ta muốn khám phá sự thật về tính dục của chúng ta. Đương nhiên việc này sẽ dẫn chúng ta tới thập giá. Vì chính Thiên Chúa, bằng cách bày tỏ chân lý tình yêu, chỉ rõ cho chúng ta ý nghĩa của sự sống.

“Yêu nhau như Thầy vẫn yêu thương các con” (Ga 15,12). Những lời của Đức Kitô này tóm tắt ý nghĩa của sự sống và ý nghĩa của tính dục con người. Ở cốt lõi của nó, luân lý tính dục là sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa qua thân thể chúng ta. Đó là lý do mà ĐTC Gioan Phaolô II có thể nói rằng nếu chúng ta sống theo sự thật về tính dục của chúng ta, chúng ta làm tròn chính cái ý nghĩa của hiện thể và sự hiện hữu của chúng ta. [2]

Tuy nhiên nói ngược lại cũng đúng. Nếu chúng ta không sống theo sự thật về tính dục thì chúng ta sẽ đánh mất hoàn toàn ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta. Chúng ta chối bỏ niềm vui và hạnh phúc thật sự.

Cho nên, những tranh luận về luân lý tính dục không chỉ là do những quan điểm đạo đức khác nhau, những chú giải khác nhau về Kinh Thánh, hay quyền của Giáo hội đối với lương tâm cá nhân. Không, chúng đi sâu hơn thế nữa. Tại gốc rễ của nó, những tranh luận về luân lý tính dục là những tranh luận về ý nghĩa của sự sống.

Giáo hội không ngừng công bố rằng Đức Kitô đến trần gian không những chỉ bày tỏ cho chúng ta ý nghĩa của sự sống, nhưng còn ban cho chúng ta ơn sủng để khắc phục những sợ hãi, đau thương, ích kỷ và tội lỗi để chúng ta sống theo ý nghĩa đó. Tình yêu chân thật có thể có được. Đó là lời hứa mà Giáo hội nêu ra cho chúng ta trong những giáo huấn về tính dục và hôn nhân. Đây là tin mừng. Đây là tin lớn lao.

Nhưng nếu là “tin lớn lao”, thì tại sao quá nhiều người lại tranh luận về giáo huấn của Giáo hội? bạn có thể hỏi. Chúng ta cần phải thành thật ở đây. Người ta tìm ra nhiều điểm trong giáo huấn của Giáo hội để tranh cãi, nhưng nếu ai đó có điều gì khó chịu với Giáo hội Công giáo, thì điều đó luôn là tính dục. Hoặc là giáo huấn của Giáo hội về ngừa thai (“Mau lên nào, hiện đại hoá theo thế giới tân thời!”), ly dị và tái hôn (“Bạn có thể vô tình tới mức độ nào?”), hay chỉ truyền chức linh mục cho đàn ông (“Bằng chứng cụ thể là Giáo hội đàn áp phụ nữ”), những tranh cãi đó thường dựa trên những bất đồng ý kiến của chúng ta về tính dục.

Đó là lý do chúng ta cần phải đi tới một sự hiểu biết sáng suốt về điều Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta về bản chất tính dục con người. Trong khi ý kiến rất được ưa chuộng cho rằng quan điểm Kitô giáo về tính dục rất là tiêu cực, thì điều chúng ta thực sự khám phá ra bằng suy niệm dựa trên Kinh thánh là tính dục trong kế hoạch của Thiên Chúa tuyệt vời hơn bất cứ ai có thể mơ tưởng đến. Điều đó thật đúng là không thể tin được, nghĩa là quá cao siêu. Chỉ có đức tin mới có thể tin được “mầu nhiệm cao cả” này.

1. Vị trí thiết yếu của Tính dục trong Kế hoạch của Thiên Chúa
Do đó tính dục không phải là chuyện bên lề. Thực vậy, ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng, ơn gọi vào “tình yêu hôn nhân” bày tỏ qua tính dục của chúng ta là “yếu tố căn bản của sự hiện hữu của con người trên thế giới”. [3] Không gì có thể quan trọng hơn điều đó. ĐTC còn quả quyết rằng chúng ta không thể hiểu Kitô giáo là gì nếu chúng ta không hiểu sự thật và ý nghĩa của tính dục của chúng ta.[4]

Từ đầu tới cuối, Kinh Thánh chính là một câu chuyện về hôn nhân. Câu chuyện bắt đầu bằng hôn nhân của ông Ađam và bà Evà trong sách Sáng Thế và kết thúc với “đám cưới của Con Chiên” - đám cưới giữa Đức Kitô và Giáo hội trong sách Mạc Khải. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người được mô tả như là tình yêu của một người chồng dành cho vợ mình. Trong Tân Ước, Đức Kitô là hiện thân của tình yêu này. Người đến như một Tân Lang từ trời xuống để kết hợp với Tân Nương của Người - với chúng ta.

Đúng vậy, kế hoạch của Thiên Chúa từ muôn đời là “kết hôn” với chúng ta – là kéo chúng ta vào trong sự hiệp thông mật thiết nhất với Người. Thiên Chúa muốn bày tỏ kế hoạch muôn đời này cho chúng ta bằng một cách mà chúng ta không thể nào quên sót được, vì thế Người đóng dấu ngay trong chính hữu thể của chúng ta là nam và nữ. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn nói cho người trần gian chúng ta biết Người là ai, chúng ta là ai, ý nghĩa của sự sống là gì, lý do Người tạo dựng chúng ta, chúng ta phải sống làm sao, và ngay cả cái vận mệnh sau hết của chúng ta tất cả những điều ấy hầu như được gói ghém trong sự thật và ý nghĩa của tính dục và hôn nhân. Đây là điều thật quan trọng.

Chúng ta cùng đào sâu hơn.
(Còn tiếp)
-----
[1] Gioan Phaolô II, Thư cho các gia đình, số 19.
[2] x. Thần học thân xác (Thtx.), 16/1/1980
[3] x. Thtx., 16/1/1980
[4] x. Gioan Phaolô II, Thư cho các Gia đình, số 19
Nguồn: Website Giáo phận Nha Trang

Không có nhận xét nào: