Bài 4. PHẬN HOÀNG VƯƠNG GIỮA CÕI TỤC
Linh đạo là để thức tỉnh con người. Từ đó tôi tự hỏi làm sao các gia đình thức tỉnh về ơn gọi cao cả đích thực của mình. Làm thế nào để các gia đình nhận ra ánh sáng nơi chính mình, họ không hèn kém như họ tưởng. Họ thật sự là đại bàng của trời cao mà cứ ngỡ và sống như phận chú gà trong góc vườn nhà, như câu chuyện “chú đại bàng” của cha Anthony de Mello sau đây:
Có người nọ nhặt được quả trứng đại bàng, đem bỏ vào ổ gà đang ấp trong chuồng. Chú đại bàng con nở ra và lớn lên cùng lứa với đàn gà con.
Cứ thế suốt đời đại bàng con chỉ làm những việc mà lũ gà con vẫn làm, và cứ tưởng mình là một gà con. Nó cũng bới đất tìm sâu bọ, cũng kêu cục tác như các ả gà mái và cũng quen đập cánh bay lên cao chừng hơn nửa thước. Thời gian thấm thoát trôi, đại bàng ta rồi cũng già. Bữa kia, nó trông thấy một con chim tuyệt đẹp bay phía trên nó trong bầu trời lồng lộng thênh thang. Với dáng vẻ uy nghi dũng mãnh, cánh chim ấy nhẹ nhàng băng giữa cuồng phong, chỉ lâu lâu mới khẽ vỗ nhịp đôi cánh vàng mạnh mẽ của mình.
Đại bàng ta nhìn lên kinh hãi. Nó hỏi “cái gì vậy?”. Một bạn gà của nó trả lời: “Đó là đại bàng – vua của các loài chim. Đại bàng thuộc về trời cao, còn bọn mình thuộc về mặt đất. Bọn mình chỉ là loài gà”.
Cứ vậy, đại bàng ta sống và chết như một chú gà vì nó vẫn đinh ninh mình chỉ là gà.
Gia đình phản chiếu chính tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Cách riêng, các gia đình Kitô giáo là bí tích của Tình yêu vĩnh cửu ấy.
“Yếu tính và nhiệm vụ của gia đình xét cho cùng được xác định bởi tình yêu. Bởi thế, gia đình đón nhận sứ mạng bảo vệ, mạc khải và thông truyền tình yêu, là tia sáng phản chiếu sống động và thực tế cũng như tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người và tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo hội Hiền thê của Người” (FC 17).
1. Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi
Thật vậy, chúng ta hãy nghe Thiên Chúa nói khi Ngài sắp sáng tạo con người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh, giống như chúng ta.” (St 1,26). Và “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thiên Chúa không phản chiếu chính mình nơi con người như một cá vị nhưng như một cộng đoàn. Chuyện con người là hình ảnh, giống Thiên Chúa không hệ tại ở bản thể cho bằng là nơi việc làm: Thiên Chúa sáng tạo (creation) sự sống, còn con người được sáng tạo nên có khả năng sáng tạo sự sống mới theo nghĩa là sinh sản (pro-creation) một con người mới, tức là “đồng sáng tạo” với Thiên Chúa . Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài trong viễn tượng một Giao ước mới. Cấu trúc giao ước ấy đã được ghi sẵn nơi tính chất bổ túc cho nhau giữa người đàn ông và người đàn bà. Sự kết hợp vợ chồng giống như và tương ứng với tặng phẩm của Tạo Hóa. Khi bà Evà sinh đứa con đầu lòng, bà đã thốt lên: “Tôi đã có được một con người bởi Đức Chúa” (St 4,1). Trong tặng phẩm sự sống con người mới đó có bàn tay can thiệp sáng tạo của Thiên Chúa ! Đỉnh cao của Giao ước ấy chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Vị Hôn Phu của Hội Thánh, Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Sự kết hợp nên một xương một thịt của người đàn ông và người đàn bà là hình ảnh tiên báo có tính tiên tri của một mầu nhiệm (bí tích) lớn lao. Đó là sự kết hợp của Đức Kitô và Hội Thánh. Đối với đôi bạn Kitô hữu, sự kết hợp yêu thương của họ không chỉ là hình ảnh, nhưng còn là chính “hiện thực” của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi giữa trần gian. Hôn phối của họ là bí tích, nghĩa là một dấu chỉ hữu hiệu nhìn thấy, nghe thấy, chạm tới được!
Tình yêu vợ chồng và tình yêu gia đình không chỉ là một hình ảnh của tình yêu của Đức Kitô và của Hội Thánh, nhưng là chính thực tại sinh động của tình yêu ấy, một thực tại mang tính bí tích. “Đôi vợ chồng thuộc về nhau, đó là một hình ảnh thực (vì là dấu chỉ bí tích) của mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh của Người” (FC 13). Điều đó có nghĩa là tình yêu vợ chồng và tình mẫu/phụ tử của đôi vợ chồng hàm ẩn trong đó một thực tại vượt xa chính bản thân họ vô hạn, đó là “dấu chỉ hữu hình của chính tình yêu Thiên Chúa” (FC 14).
Với bí tích hôn phối, đôi vợ chồng nhận ra ân sủng của tình yêu của họ, nhận ra Đấng là Tác Giả, là Hôn Phu của tình yêu của họ, như là cứu cánh siêu việt của tình yêu ấy. Họ khám phá ra mình ở trong một kế hoạch thần linh không chỉ liên hệ đến tương lai của họ nhưng còn liên hệ đến tương lai của nhân loại và cả tương lai của Thiên Chúa. Việc đôi vợ chồng hiến thân hoàn toàn cho nhau hàm ẩn trong đó một sự mở ra với một kẻ thứ ba, là đứa con, nhưng cũng hàm ẩn cách sâu xa hơn sự mở ngỏ ra trước một ngôi vị thứ ba thần linh, là Chúa Thánh Thần, được hiến ban cho đôi bạn như hoa trái tình yêu họ dành cho nhau. Thánh Thần Thiên Chúa là chính sự phong nhiêu của Tình Yêu nội tại Ba Ngôi đã thành một ngôi vị, chính Ngài cũng hoàn tất sự hợp nhất của đôi vợ chồng bằng một ân ban, là một con người và là sự nối kết họ lại với nhau. Thế nên, có một sự phong nhiêu thiêng liêng của hôn nhân Kitô giáo, vốn luôn đi kèm với tình yêu hôn nhân đích thực, là khả năng cụ thể sáng tạo một con người mới. Sự phong nhiêu thiêng liêng này làm chứng Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ gia đình và nhập thể trong lịch sử nhân loại qua Giáo hội tại gia.
Một khi đã trở thành “icôn” (biểu tượng bí tích) trong trật tự “tạo thành mới” nhờ công trình cứu độ của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, gia đình muốn nói rằng sự hiệp thông tình yêu của đôi bạn Kitô hữu là một mạc khải và hiện thực sống động của sự hiệp thông vĩnh cửu của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.
Tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi là nền tảng cuối cùng của gia đình xét như một thực tại có tính Hội thánh.
Thế nhưng, trên bình diện hiện sinh, “Hội thánh tại gia”, cũng đồng thời gồm những con người mỏng giòn và tội lỗi, sẽ không thể thể hiện mình như là một bí tích của Tình yêu tinh tuyền nếu không siêng năng tham dự các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Bí tích tuyệt đỉnh, và Bí tích Hòa Giải.
2. Tội lỗi nghịch cùng bí tich hôn nhân
Tội lỗi là gì? Tội là từ chối Thiên Chúa Yahvê không chấp nhận Ngài là Chúa của Giao ước. Hình thức rõ nhất của tội lỗi là thờ ngẫu thần, giới răn cấm đầu tiên của Thập Giới, mà các tiên tri thường xuyên trách mắng dân và đôi khi được coi như là nguồn gốc của tất cả mọi tội (Xh 20,3; Am 2,4 tt; Kn 14,22-31; Rm 1,18.32). Thánh Kinh, khi đồng hóa lòng ham muốn (concupiscentia) với ngẫu tượng, cho thấy ở chiều sâu đó chính là tội thiếu “đức tin” làm hư hỏng mối quan hệ của con người với Thiên Chúa, không trung thành với Giao ước.
Tội lỗi hiển lộ trước hết như một sự thiếu vắng “lòng kính sợ Chúa”, xúc phạm đến tình yêu của Ngài, như một “hành vi chống lại Thiên Chúa” (Tv 51,5-6). Tội lỗi làm “gãy vỡ mối quan hệ cá nhân giữa con người với Thiên Chúa, chứ không đơn thuần chỉ là vi phạm một trật tự luân lí hay xã hội, lấy mất đi sự hiệp thông với Chúa, và như thế giao phó số phận con người vào trong tay họ, phó mặc họ cho chính họ định đoạt. Tội lỗi của đôi vợ chồng đầu tiên, nguyên mẫu của mọi cặp vợ chồng khác, là chính sự từ chối Giao ước.
1/ “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?”. Đức Giêsu bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19,6-8).
Câu trả lời của Đức Giêsu chạm tới điều cốt yếu nhất: phải khôi phục lại quan hệ với Thiên Chúa và với anh em. Vì “ma quỉ, kẻ đã dụ dỗ con người ngay từ đầu, đã chia rẽ họ với Thiên Chúa, chia rẽ con người với nhau” (San Massimo Confessore, Epist.2 PG 91, 96-397). Con người phạm tội đã chống lại Thiên Chúa, từ khước quyền uy tuyệt đối của Ngài trên cuộc sống mình, chối từ tình yêu trọn vẹn và không chịu vâng phục Ngài.
Lời rao giảng của Đức Giêsu nhằm đặt con người tội nhân đối diện với toàn thể thực tại, là Thiên Chúa, và mời gọi họ trở lại hiệp thông hoàn toàn với Ngài. Rao giảng về ơn tha thứ và lòng thương xót Chúa Cha nhằm tới mục đích này. Sứ mạng của Chúa Giêsu cốt yếu hệ tại ở việc chiến thắng tội lỗi trong xác thịt, để giao hòa thế gian lại với Thiên Chúa và giải thoát con người khỏi tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.
Thực tại tội lỗi trong đời sống hôn nhân Kitô giáo xuất phát từ sự chối bỏ bí tích, chối bỏ tình yêu bí tích ơn gọi của đôi vợ chồng Kitô hữu. Tự phân ly điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người cũng chối bỏ uy quyền, tình yêu, không vâng phục Thiên Chúa.
2/ “Ngươi chớ ngoại tình”
“Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9). “…có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.” (Mt 19,12).
Nước Trời đòi hỏi những người tín hữu dấn thân đi xa hơn giới răn cấm ngoại tình. Họ cần một con tim khao khát sự trong sạch. Đức Giêsu nói: “Thầy bảo thật cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Con người, sau khi nguyên tổ sa ngã đã mất sự nguyên tuyền nguyên thủy, cũng đánh mất luôn ý nghĩa của thân xác vốn được dựng nên để sống hiệp thông các ngôi vị. Con người làm hư hỏng ngôn ngữ quà tặng của thân xác, khi hạ thấp thân xác xuống chỉ còn ham muốn chiếm hữu ích kỷ chỉ để thỏa mãn một nhu cầu tính dục. Như thế, tha nhân bị đối xử chỉ như một đồ vật để thỏa mãn ham muốn mất trật tự của thân xác. Đức Giêsu lên án sự ham muốn xác thịt này đâm rễ trong lòng con người, làm nguy hại đến sự hiệp thông ngôi vị.
3/ Tội lỗi của đôi bạn Kitô hữu mâu thuẫn với ơn gọi sống tình yêu bí tích của họ. Yếu tính sâu xa của tội lỗi họ, hôm nay cũng như từ muôn đời, là chối bỏ Giao ước với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là bỏ quên hay xem nhẹ chiều kích đối thần của hôn nhân, là đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa Kitô ở trung tâm của tương quan vợ chồng và dửng dưng với Chúa Thánh Thần, Đấng hợp tác thâm sâu với tình yêu của họ. Một hình thức đầu tiên của tội này, tội nghịch cùng bí tích, là từ chối không chịu đón nhận bí tích khi hai người đã rửa tội quyết định kết hợp đời sống với nhau mà không cưới xin, hoặc khi họ quyết định chỉ làm đám cưới dân sự. Sự từ chối bí tích cũng có thể được biểu lộ qua sự chểnh mảng hoặc hoàn toàn không còn đến với Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể nữa.
3. Sám hối trở về với sự phong nhiêu (fertility) bí tích của hôn nhân
Thiên Chúa luôn mời gọi con người sống hiệp thông với Ngài. Nhưng con người tội nhân, kẻ đã “bị bán làm tôi cho tội lỗi” (Rm 7,14), đã tự ý chấp nhận mang lấy ách đam mê tội tình. Thế nên, muốn đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa con người tội lỗi của chúng ta phải làm một cuộc “trở lại” (epistréphein), một cuộc hoán cải suốt cuộc đời với tâm tình sám hối ăn năn (metanoéin). Nghĩa là, vừa có sự thay đổi đời sống thực tế bên ngoài vừa có một sự biến chuyển nội tâm. Chúa Giêsu mời gọi “hãy sám hối và tin vào Phúc âm” (Mc 1,15). Lời mời gọi này gồm cả hai mặt ấy. Phép Rửa tội ghi nhận sự thống hối ăn năn và đã ghi dấu một lần dứt khoát ơn tha tội. Thế nhưng, thân phận con người dù đã được rửa tội vẫn mỏng giòn, vẫn có khả năng sa ngã phạm tội. Bởi thế, họ cần một bí tích và nhân đức thống hối như một sự kéo dài ơn trở lại của bí tích rửa tội.
Đối với đôi bạn Kitô hữu, sự sám hối trở về, phải vừa thực tế vừa thiêng liêng, buộc họ phải thực hiện những chọn lựa đạo đức phù hợp với ý muốn của Đức Kitô và trong sự hiệp thông trong Thánh Thần. Ngày nay, những mục tiêu riêng của đời hôn nhân (hợp nhất, trung thành và mở ngỏ cho sự sống) cần phải được sống đến mức làm nổi bật sự ưu việt của tính bí tích, tức là đôi bạn và gia đình của họ phải sống làm sao chiếu tỏa ánh rạng ngời thiêng liêng. Họ không chỉ là một cộng đoàn “được cứu độ” đón nhận tình yêu của Chúa Kitô, mà còn hơn thế nữa, được gọi để chuyển thông tình yêu của Chúa Kitô đến cho anh em mình nghĩa là trở thành một cộng đoàn “cứu độ”. Một gia đình truyền giáo.
Sự sám hối của đôi bạn trở về với tình yêu Chúa Kitô đồng thời giả thiết đôi bạn phải cởi mở cụ thể và thường xuyên đối với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, vì thiếu Ngài sẽ không thể có sự thánh thiện, cũng như sự hiệp thông và truyền giáo. “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Sự phong nhiêu (fertility) mang tính bí tích và truyền giáo của đôi bạn và gia đình là công trình của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là hiệu quả của một thái độ duy ý chí, duy luân lý hay do hoạt động mục vụ ráo riết. Chúa Thánh Thần là nhà nghệ sĩ đại tài nắn đúc đôi bạn Kitô hữu theo tình yêu Chúa Kitô, vị Hôn Phu của Hội Thánh. Chính Ngài làm cho đôi bạn trở nên một tặng phẩm của sự phong nhiêu của Ngài, để gia đình trở nên đền thánh và biểu tượng bí tích (icône) rạng rỡ của Ba Ngôi Rất Thánh.
Kinh nghiệm sự hiệp thông trong Thánh Thần thường kèm theo một niềm vui thiêng liêng sâu xa. Đó là dấu hiệu của sự hiệp nhất với Thiên Chúa và là nguồn mạch của sự phong nhiêu thiêng liêng của đôi vợ chồng Kitô hữu. Đôi vợ chồng trao hiến cho nhau chính bản thân mỗi người, chính điều đó phát sinh niềm vui, bởi không chỉ vì giống hình ảnh Thiên Chúa , mà còn vì nó thực sự và khiêm tốn hàm chứa “Tặng Phẩm” thần linh: Chúa Thánh Thần, nơi bản thân Ngài là sự sống luôn sum sê, Tình yêu luôn dư tràn ra mãi1. Sự ân cần, lòng quảng đại, niềm vui thỏa phát sinh từ đó. Tặng phẩm, là đôi vợ chồng, khi ấy chiếu sáng lên và làm hiển lộ sự hiện diện của Đấng Ban Tặng Sự Sống.
Nếu niềm vui của tặng phẩm là nguồn mạch chiếu sáng ánh rạng ngời mang tính bí tích, thì điều ngược lại làm khô cằn giao ước hôn nhân. Tội lười nhác như là một nỗi buồn và bất bình trái ngược với sự nhiệt thành của tình yêu, một tình yêu do Thần Khí ban tặng. Sự lười lĩnh, uể oải trong đời sống vợ chồng, còn được gọi là “con quỉ giữa ban trưa”, có thể biểu hiện qua một vài dấu hiệu như chỉ biết nhìn vào mình, hay buồn chán, thiếu kiên định, chỉ thích tìm của mới lạ, bỏ bê gia đình, thiếu quan tâm đến con cái, v.v… Đôi bạn cần chiến thắng tật xấu này bằng sự cầu nguyện, thống hối và hy sinh khổ chế. Đó không khác gì triều thiên của các bậc tử đạo. Tình yêu toàn hảo là tình yêu chịu đóng đinh, nhưng đồng thời cũng là niềm vui hoàn hảo theo thánh Phanxicô Assisi.
Cuộc chiến đấu của đôi bạn để dành được sự phong nhiêu thiêng liêng trong Đức Kitô phải đi ngang qua thử thách của thời gian, sự nhẫn nại và sự trung thành thực tế. Yêu một người là cho người ấy thời gian, cho không giới hạn, vì giá trị vô hạn của một con người, một nhân vị, vượt trên sự hữu hạn của thời gian. Một tình yêu triệt để vững bền như thế là một ánh quang phản chiếu tình yêu Thiên Chúa chiến thắng sự chết trong Đức Giêsu Kitô.
------------------------------------
1 VON BALTHASAR, Teologica, III: Lo Spirito della verità, Milano 1992, 131.
Ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM
1 VON BALTHASAR, Teologica, III: Lo Spirito della verità, Milano 1992, 131.
Ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM
Nguồn: http://hdgmvietnam.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét