20/11/2008 10:55 (GMT + 7)
Thư của một phụ huynh gửi cô giáo mầm non với những trăn trở, suy tư và gửi gắm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Xin cô thứ lỗi, vì vào lúc mà cả xã hội đang ồn ào nói lời cảm ơn cô và đồng nghiệp thì tôi lại nói lên mong muốn của mình về công việc của cô đối với con tôi.
Bởi tôi nghĩ rằng, chăm sóc và giáo dục cháu cùng chúng bạn là công việc của cô và đồng nghiệp. Đã là công việc, cô đương nhiên phải làm tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Rồi phụ huynh, thông qua nhà trường, sẽ trả công cho cô. Nếu trường này trả chưa xứng đáng, cô có quyền tìm đến một trường khác xứng đáng hơn với cô. Còn nếu cô chờ được trả công "xứng đáng" rồi mới làm "tương xứng", tôi tin rằng cô sẽ không bao giờ tìm thấy một trường nào trả công "xứng đáng" cả. Vì chừng nào cô chưa tận tâm, không ai biết cô xứng đáng với mức công như thế nào. Vì chừng nào cô chưa tận tâm, cô sẽ không thể tiến bộ về những kỹ năng nghề nghiệp, yếu tố tiên quyết để cô được đãi ngộ tốt hơn.
Tôi cũng tin rằng, không chỉ nhà trường sẽ trả công cho cô, mà cuộc đời cũng sẽ trả công cho cô, không chỉ là tiền bạc. Đôi khi, tôi gặp những độc giả đã quen hoặc mới quen, họ nhắc lại những bài báo cũ của tôi với một sự trân trọng. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của một người làm nghề. Trước khi chuyển tới trường này, con tôi cũng đã nhận được sự dạy dỗ và chăm sóc tốt của một cô giáo mầm non. Vợ chồng tôi vẫn nhắc tới cô ấy với một sự trân trọng, và vẫn dạy con mình nhớ tới cô ấy. Chắc hẳn cô giáo đó khi biết được điều này cũng sẽ cảm nhận được hạnh phúc của một cô giáo dạy trẻ, và tôi tin cô cũng sẽ có cảm nhận ấy, nếu ở tình huống tương tự.
Nhưng đó có thể chưa phải là tất cả kết quả của sự tận tâm cống hiến. Vì với tư cách như một người làm việc tận tâm, cuộc sống sẽ mở ra cho cô những cơ hội lớn lao mà lúc này đây chúng ta có thể chưa lường hết được.
Không chỉ giới hạn là việc "lọt vào mắt xanh" của những "ông chủ" tốt hơn, sự tận tâm giúp cô tìm hiểu thế giới xung quanh bọn trẻ sâu sắc hơn, qua đó cũng giúp cô khám phá thế giới được nhiều hơn, và tìm thấy những cơ hội tốt hơn, có thể không còn giới hạn ở việc dạy bọn trẻ nữa. Tôi cũng đã tìm được cơ hội phát triển sự nghiệp của mình từ chính nghề viết của mình, khi một trong những độc giả của tôi đã mang đến cho tôi cơ hội hợp tác. Cô không có độc giả của mình, nhưng có những phụ huynh của mình...
Đó là vài lời tâm sự của tôi, một trong những phụ huynh của cô. Còn bây giờ là những mong đợi của tôi về việc dạy con mình. Tôi mong đợi vì không tin là cô và nhà trường này biết tất cả về giáo dục bọn trẻ. Bởi nếu biết được những điều căn bản thôi thì thế hệ trẻ bây giờ đã không phát triển lệch lạc đến thế.
Tôi mong rằng cô và đồng nghiệp không chỉ "trông trẻ", mà còn bảo vệ, chăm sóc, và dạy dỗ các cháu. Những sinh linh còn bé bỏng của loài người xứng đáng và cần được nâng niu nhất trong thế giới này. Vì chúng là bước khởi đầu của việc hình thành những con người cao quý. Và vì chúng chưa có khả năng tự vệ, tự chăm sóc, và tự học hỏi một cách có định hướng.
Thật dễ dàng để đánh, đe nẹt chúng. Nhưng cách đưa chúng "vào khuôn khổ" như vậy chắc chắn để lại những hậu quả nặng nề. Vết thương trên cơ thể, nếu có, chỉ là chuyện nhỏ so với vết thương tinh thần để lại cho chúng: sự sợ hãi. Nếu chúng là những đứa có thiên hướng nhút nhát, chúng sẽ càng nhút nhát, tự ti, thụ động hơn. Nếu chúng là những đứa trẻ có cá tính, sự sợ hãi sẽ bị đảo ngược thành sự bướng bỉnh, sự căm giận, và luôn tìm cách phản kháng tiêu cực.
Đất nước chúng ta sẽ ra sao, nếu những công dân của nó sau này phần đông là những kẻ bị động và cam chịu, phần còn lại thì thành những kẻ nổi loạn?
Chúng cần được chăm sóc, để ăn đủ những thứ mà cơ thể chúng cần (chúng chưa ý thức đầy đủ được điều đó), vui chơi một cách an toàn và khoẻ mạnh. Thế hệ chúng tôi đã phải hứng chịu tình trạng suy dinh dưỡng vì không có cái để ăn. Và còn đáng tiếc hơn nếu bọn trẻ thời nay cũng lại suy dinh dưỡng ngay cả khi thừa mứa thức ăn. Không một đất nước nào trở nên mạnh khoẻ khi những công dân của chúng ốm yếu.
Chúng cũng rất dễ nhiễm những thói hư tật xấu một cách tự phát (trớ trêu thay, còn dễ hơn cả học những điều tốt), nên rất cần tới sự định hướng của cô và đồng nghiệp. Nhưng mong cô hãy thuyết phục chúng, thay vì mặc định cái gì là tốt, cái gì là xấu. Chúng sẽ hiểu (bọn trẻ thông minh hơn chúng ta tưởng rất nhiều), và khi đã hiểu thì chúng sẽ biết ứng xử trong những trường hợp tương tự.
Tôi mong rằng cô và đồng nghiệp không chỉ dạy cháu và chúng bạn học múa, học hát, mà quan trọng hơn là học làm người. Những bài hát cũng cần được chọn lọc để nuôi dưỡng tình cảm và nhân cách của cháu. Đừng bắt chúng hát ca ngợi (những) người mà chúng không biết là ai, vì điều đó chỉ nuôi dưỡng sự sáo rỗng, giả tạo, và vô cảm cho các cháu. Hãy dạy bọn trẻ những bài hát ca ngợi tình yêu con người, thế giới xung quanh ở những hình thức cụ thể và gần gũi nhất, như với bố mẹ, ông bà, bạn bè, và với chính các cô.
Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu con người sống trong tình yêu, sự bao dung, và tránh xa sự ghen ghét, đố kỵ. Vì vậy, mong cô hãy dạy chúng biết yêu thương, biết chia sẻ, và biết tha thứ. Trước hết, bằng chính tình yêu và sự rộng lượng của cô với các cháu. Đừng xúc phạm các cháu mỗi khi chúng mắc lỗi, vì điều đó không chỉ làm cháu bị tổn thương mà còn khuyến khích sự giễu cợt của những đứa trẻ xung quanh, đẩy bọn trẻ tới sự xa lánh nhau. Cũng đừng đề cao việc so sánh giữa những đứa trẻ khác nhau (bằng cách xếp hạng chẳng hạn), vì điều đó khuyến khích sự ganh đua và làm nảy mầm tính đố kỵ. Nếu cần phải đánh giá chúng, hãy thay cho việc xếp hạng bằng xếp loại, chẳng hạn.
Nhưng tôi cũng mong cô và đồng nghiệp dạy con mình biết trả đũa, biết phản kháng và biết đương đầu khi cần thiết. Không phải lúc nào những người và sự việc xung quanh cũng tốt đẹp. Khi đó, cần phải biết đấu tranh để giành lại lẽ phải, không chỉ là cho cá nhân mình mà là để cho công lý được thực thi. Một xã hội không thể có công lý, nếu các công dân của nó không khát khao và không dám đấu tranh vì công lý.
Tôi không đòi hỏi những điều xa vời, bởi vì chính tôi đang dạy con mình như thế. Nhưng mà thời gian chúng ở trường để giao tiếp với các cô và chúng bạn còn nhiều hơn thời gian chúng giao tiếp ở nhà với bố mẹ, và nếu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì... Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự hợp tác, và hơn thế là sự giúp đỡ, của cô và đồng nghiệp.
Còn sự cảm ơn, nó chỉ chân thành khi tôi thể hiện vào lúc cô đã hoàn thành công việc của mình.
Hồng Ngọc
Nguồn: http://tuanvietnam.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét