Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Cố Cả Léopold-Michel Cadière

LÉOPOLD-MICHEL CADIÈRE (1869-1955)
NGƯỜI CÓ CÔNG LỚN ĐỐI VỚI NGÔN NGỮ HỌC, VĂN HÓA VÀ SỬ HỌC VIỆT NAM
(Dựa trên tài liệu của Tòa Tổng Giám Mục Huế và công trình nghiên cứu của GS Lê Ngọc Bích, VN, về Léopold-Michel Cadière)


Trước 1945, xe lửa chạy suốt từ Sài Gòn ra Hà Nội theo thông lệ, chỉ dừng lại ở các ga lớn của các thành phố, tỉnh lỵ quan trọng chứ không ngừng ở các trạm nhỏ. Nhưng có một làng nằm giữa đoạn đường Đông Hà (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình) là làng Di Loan, thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã được Toàn Quyền Đông Dương cho phép thiết lập một ga tạm nhỏ và xe lửa chạy suốt bắt buộc phải dừng lại đó trong 5 phút để cho một nhà thông thái, một nhà văn hóa kiêm sử gia và cũng là nhà ngôn ngữ học, bước lên tàu để ra Hà Nội họp tại trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d'Extrême Orient) hàng tháng: Đó là Linh Mục Léopold- Michel Cadière thường gọi là Cố Cả.

Chỉ vì một người mà Toàn Quyền đã ra lệnh thiết lập một trạm xe lửa thì người đó chắc chắn phải là một bậc vị vọng, đáng kính và rất danh giá như thế nào? Thế nhưng ông chỉ là một nhà tu hành, đến Việt Nam ngày 23 tháng 12 năm 1892 và đã chết tại Việt Nam ngày 10 tháng 7 năm 1955, với 63 năm phục vụ cho đất nước nầy không những về phương diện tôn giáo, xã hội mà còn có công lớn trong lãnh vực nghiên cứ về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Việt Nam nữa.

Trên các tập san của trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l'École Francaise d'Extrême Orient: BEFEO) và Tạp chí Châu Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis Du Vieux Huế:BAVH) trước 1945, ngày nay được dịch là "Những Người Bạn Của Cố Đô Huế"... thường xuất hiện những bài nghiên cứu của Ông về các lãnh vực Ngôn Ngữ Học, Sử Học cũng như Văn Hóa Việt Nam rất giá trị đã được các nhà bác học, giáo sư, học giả trên thế giới cho là "khuôn vàng thước ngọc", được trích dịch, trích dẫn và làm tài liệu nghiên cứu cũng như giảng dạy trong các đại học...Ông am hiểu Pháp Văn (vì là tiếng mẹ đẻ của ông) am hiểu La Tinh (vì là một Linh Mục), Hán Văn, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ (tiếng Việt), thông thuộc sử sách Việt Nam và Trung Hoa, thông thuộc các địa danh, biết cả văn hóa lịch sử của 3 nước Đông Dương và nhất là rất giỏi tiếng Việt, kể cả tiếng lóng, tiếng địa phương...Tạp chí "Mission Étrangère de Paris" ghi nhận rằng từ năm 1898-1955, trong 57 năm, ông đã viết tất cả 245 đề tài nghiên cứu đủ mọi vấn đề...

Rất tiếc, từ hậu bán thế kỷ 20 về sau, vì hoàn cảnh chiến tranh, vì sự thay đổi trong ảnh hưởng văn hóa từ Pháp chuyển qua Mỹ rồi Nga, Hoa,v.v...nên ngày nay, các thế hệ trẻ rất ít người biết đến sự nghiệp văn hóa của ông, nhất là công ơn của ông đối với nền văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Là một người học sách của ông, tiếp cận những nguồn tài liệu và công trình nghiên cứu của ông gần nửa thế kỷ nay, chúng tôi tự nhận mình cũng là một trong các môn sinh hàm thụ của ông. Và, sau khi chờ đợi các bậc đàn anh có điều kiện và tư cách để nói về ông, nhưng chưa có vị nào làm công tác đó...nên hôm nay, chúng tôi xin mạo muội viết đôi dòng về ông. Nếu có điều gì sai sót, kính mong các bậc thầy, các bậc đàn anh chỉ giáo và bổ túc cho. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

I.THỜI THƠ ẤU CỦA LÉOPOLD-MICHEL CADIÈRE
Ông sinh ngày 14 tháng 2 năm 1869 trong một gia đình sống về nghề chăn nuôi trồng trọt, hấp thụ một nền giáo dục Công Giáo, bản chất hiền lành mộc mạc và ngoan đạo của xứ Sainte-Anne-des-Pinchinats, kế cận Aix-en-Provence là một xứ thơ mộng thuộc vùng cửa sông Rhône, Đông Nam nước Pháp. Nơi đây thuộc khí hậu miền Địa Trung Hải tương tự như vùng Nam California, Hoa Kỳ, với bầu trời luôn xanh trong, thường khô ráo, ít mưa, mùa Hè mát mẻ, mùa Đông ấm áp, là nơi lý tưởng cho khách du lịch và tuổi già. Gia đình bên ngoại và cha mẹ đều là người dân quê lâu đời của vùng nầy.

Ông học chương trình tiểu học tại trường làng, khoảng 12 tuổi, gia đình ông về sinh sống tại thành phố Aix và gởi ông vào học tại trường Trung học Bourbon. Khoảng 13,14 tuổi thì cụ thân sinh qua đời. Sau đó ông vào tu học tại Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện tại Aix thuộc tu hội Saint Sulpice (Xuân Bích). Từ Saint Sulpice, ông tình nguyện nhập Hội Truyền Giáo Ba Lê (Mission étrangère de Paris) và chịu chức Linh Mục vào ngày 04 tháng 9 năm 1892, mới 23 tuổi. Ông được xem là một người thông minh xuất chúng ngay từ hồi còn trẻ.

II.TÌNH NGUYỆN ĐẾN PHỤC VỤ GIÁO HỘI VIỆT NAM
Ngày 26-10-1892, ông rời nước Pháp lên đường qua Việt Nam. Ông đã đến Đà Nẵng ngày 3 tháng 12-1892 gặp thời tiết mưa bão, ẩm ướt nên mãi đến 10 ngày sau ông mới đến Huế (22-12-1892). Hôm sau, 23-12-1892, ông được Đức Giám Mục Caspar (Đức Cha Lộc, 1880-1904) tiếp kiến. Ngài nhận thấy ông là một nhà thông thái trẻ và rất có năng khiếu về ngôn ngữ.

GIÁO SƯ TẠI CHỦNG VIỆN
Từ tháng 01-1893 ông được bổ nhiệm là giáo sư tại Tiểu Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng) thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Qua năm sau, vào tháng 10-1894, ông được gọi về Huế phụ trách môn Thần học tín lý cho các Thầy tại Đại Chủng Viện Phú Xuân (Kim Long, Huế) vừa mới xây cất xong. Tuy nhiên khả năng của ông không phải ở chỗ dạy học hay nghiên cứu trong các thư viện mà chính là tiếp xúc với người địa phương.

CHA XỨ
Từ Tam Tòa đến Bồ Khê (Quảng Bình)
Tháng 10-1895, ông được Đức Giám Mục Huế cử đi làm Cha Xứ Tam Tòa, Quảng Bình. Đây là một xứ đạo nằm bên bờ sông Nhật Lệ, cạnh thị xã Đồng Hới, nơi có Lũy Thầy do Đào Duy Từ xây dựng thời chúa Nguyễn để chống lại họ Trịnh vào thế kỷ 17. Những di tích phong phú về lịch sử ở vùng nầy đã hấp dẫn ông. Chính nơi đây ông đã phát hiện một bia đá ghi lại sự tích chiến tranh thời Trịnh - Nguyễn. Công trình nghiên cứu của ông đã được giải thưởng của Viện Khoa Học Pháp và Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã đăng bài nghiên cứu nầy vào năm 1906.

Ở Tam Tòa được một năm thì ông được lệnh đến làm Cha Xứ Cù Lạc (10-1896). Đây là một xứ đạo nhỏ bé, nghèo nàn nằm phía hữu ngạn Nguồn Son, một phụ lưu của sông Gianh, còn gọi là Câu Lạc, thuộc tổng Cao lao, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông lo xây nhà ở, trường học, dạy giỗ con chiên, hoạt dộng bác ái, gây được cảm tình của nhiều người làm cho số giáo dân gia tăng rất nhanh đến năm 1902, Đức Giám Mục Caspar đã chia xứ này thành hai xứ là Cù Lạc và Bồ Khê. Ông phải rời Cù Lạc đi nhận xứ mới Bồ Khê, một vùng quê dân trí thấp kém và nghèo nàn. Đây là một vùng đá vôi rộng lớn, nước độc, đa số dân bị bệnh sốt rét...Chỉ trong hai năm, ông đã làm cho Bồ Khê tươi sáng hẳn lên. Đây là một vùng phong cảnh rất đẹp, nước xoi mòn các lớp vôi mềm, còn lại những ròng đá cứng, đỉnh núi nhọn lởm chởm, địa thế hùng vĩ; sông ngầm chảy trong núi tạo nên những hang động thạch nhũ. Năm 1898, ông đã khám phá ra động Phong Nha thuộc vùng nầy, là một nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Gần 8 năm ở Cù Lạc và Bồ Khê, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu về ngôn ngữ địa phương cũng như địa lý, lịch sử của vùng này.

Trở về Trí Bưu (Quảng Trị)
Ngày 28-6-1904, ông được lệnh về làm Cha Xứ Trí Bưu kiêm Quản Hạt Dinh Cát (Quảng Trị). Đây là một vùng đất lập nghiệp thuở ban đầu của nhà Nguyễn, năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa đã đóng quân ở Ái Tử và lập dinh trấn gọi là Dinh Cát. Từ cuối thế kỷ 16, các nhà truyền giáo đã đến vùng nầy. Một trong những người Công Giáo đầu tiên là Bà Minh Đức Vương Thái Phi (còn có tên là Bà Maria), là vợ của chúa Nguyễn Hoàng. Về sau Bà nầy vào ở tại Kim Long, Huế và chết tại đây khoảng 1648-1649 (cuối đời chúa Nguyễn Phúc Lan, đầu đới chúa Nguyễn Phúc Tần). Chính nơi đây, Léopold-Michel Cadière đã nghiên cứu về các di tích của chúa Nguyễn trước thời Gia Long. Các địa danh như Ái Tử, Trà Liên, Trà Bát, Dinh Cát, Miếu Bông (vào thời Vĩnh Tộ, nhà Lê 1620-1628),v.v...đã một thời được nhắc nhở qua sử sách. Song song với các di tích lịch sử thời các chúa Nguyễn còn có nhiều di tích của người Chàm như Trung Đơn (Hải Lăng), Dương Lệ (Triệu Phong),v.v. Sống ở vùng nầy như cá gặp nước nên ông tha hồ mà tìm tòi, học hỏi.

Tại Trí Bưu, ông đã sửa sang trường học, xây nhà thờ, lập nhà tu Mến Thánh Giá, nuôi trẻ mồ côi,v.v...La Vang chỉ cách Trí Bưu có 7 cây số, ngày xưa thuộc Cha Xứ Trí Bưu, cứ ba năm có một lần Đại Hội La Vang và mỗi năm vào dịp Tết lại có hành hương "kiệu minh niên" nên ông đã góp công nhiều trong việc tổ chức các đại hội nầy (dịp 9 tháng 8-1910).


(Còn tiếp)

Nguồn: www.haingoaiphiemdam.com

Không có nhận xét nào: