Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Cố Cả Léopold-Michel Cadière (2)


PHÁT HIỆN CÁC TÀI LIỆU LỊCH SỬ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆT NAM TẠI CÁC THƯ VIỆN ÂU CHÂU
Ngày 4 Tháng 12-1910, nhân dịp về Pháp chữa bệnh, ông được Giám Đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội nhờ tìm kiếm một số tài liệu lịch sử liên quan đến sự giao thiệp giữa các chúa Nguyễn và người Âu Châu trong các thế kỷ 16, 17, 18...Ông đã gặp được tại Roma bản chép tay cuốn từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (thế kỷ 17) và những thư từ trao đổi giữa Nguyễn Phúc Ánh và các sĩ quan Pháp vào cuối thế kỷ thứ 18, những liên hệ giữa Nguyễn Phúc Ánh và Đức Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), bút ký của Giáo sĩ Bénigne Vachet về xứ Đàng Trong...

HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA: THÀNH LẬP HỘI "ĐÔ THÀNH HIẾU CỔ"
Từ năm 1913-1918, Léopold Cadière được cử làm Tuyên Úy Trường Pellerin tại Huế. Thời gian nầy ông đã cùng bạn bè trong giới trí thức Pháp và Việt tại Huế thành lập Hội "Đô Thành Hiếu Cổ" (Association des Amis du Vieux Huế: Hội Những Người Bạn Của Cố Đô Huế) vào năm 1914, và xuất bản Tập San "Đô Thành Hiếu Cổ" (Bulletin des Amis du Vieux Huế: Tập san Những Người Bạn của Cố Đô Huế, gọi tắt là B.A.V.H) mục đích hoạt động văn hóa.

Đây là một Tạp chí Khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó sau Tập San của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l'École Francaise d'Extrême Orient: BEFEO) chuyên viết về các vấn đề văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo, phong tục, mỹ thuật, ngôn ngữ,v.v...Trước 1914, chưa có một Tâp san nào nghiên cứu về Huế có giá trị như B.A.V.H và về sau, những nhà nghiên cứu về Huế vẫn phải dựa vào nó... Những nhà trí thức, nhân sĩ ở Huế thời đó đã cộng tác với B.A.V.H như các cụ Tôn Thất Hân (Thượng Thư), Nguyễn Hữu Bài (Thượng Thư), Nguyễn Đình Hòe, Đào Thái Hanh, Lê Văn Miến (Họa sĩ), Tôn Thất Sa (Họa sĩ), Nguyễn Tiến Lãng, Đào Duy Anh... Người Pháp có: Dumontier, Reyssoneaux, Henri Cosserat...Các Linh Mục Pirey, Morineau, Chapuis, Delvaux...

CHA XỨ DI LOAN (QUẢNG TRỊ)
Nhiệm vụ chính của ông là truyền giáo nên mặc dù hoạt động văn hóa, ông vẫn phải làm nhiệm vụ tôn giáo của mình. Tháng 9-1918, ông được bổ nhiệm về làm Cha Xứ Di Loan (hay Di Luân), quê hương của Đức Giám Mục Lê Hữu Từ thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, là một nơi đông dân, gần Tiểu Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng), là cơ sở Công Giáo lâu đời và cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử thời các chúa Nguyễn...Ông vừa là Cha Xứ Di Loan vừa là Hạt Trưởng vùng Đất Đỏ (Gio Linh, Vĩnh Linh), vẫn đi thăm các giáo xứ, sinh hoạt tôn giáo mục vụ, giảng dạy cho con chiên. Ở đâu ông cũng chủ trương nâng cao dân trí, giúp các nữ tu dòng Mến Thánh Giá học văn hóa, học nghề để tự túc, tổ chức trồng dâu nuôi tằm, sản xuất tơ lụa, sản phẩm của Di Loan được nổi tiếng khắp Việt Nam, Đông Nam Á và cả ở Pháp nữa.

Tại Di Loan, ông có lập ra một vườn sưu tầm các thứ cây vùng nhiệt đới quý hiếm đem về trồng. Trong số từ 160 - 180 loại cây thì có khoảng 10 loại mà giới thực vật học thế giới chưa hề biết. Ông đã đặt tên cho các loại cây đó. Ông đã công bố trong một tài liệu "Các loại cây cỏ ở Quảng Bình" (Fougères du Quảng Bình) đăng trong Revue Indochinois tập VI (1906) tr.647-660. Tiến Sĩ Chris de Bâle đã có một chuyên khảo về các loại cây do L.Cadière tìm ra.

Cũng trong thời gian nầy, ông được mời vào Viện Viễn Đông Bác Cổ với tư cách là thành viên hoạt động. Mỗi tháng, ông phải từ Di Loan ra Hà Nội họp. Vì thế Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương đã cho phép lập trạm xe lửa gần Di Loan để ông có thể lên tàu suốt Sài Gòn - Hà Nội để dự họp cho kịp giờ.

THUYẾT TRÌNH VỀ "GIA ĐÌNH VÀ TÔN GIÁO VIỆT NAM" TẠI PHÁP
Tháng 3-1928, nhân dịp về Pháp, ông đã tham gia "Tuần Lễ Dân Tộc Học Tôn Giáo" tổ chức tại Luxembourg. Tại đây ông đã thuyết trình về đề tài:"Gia Đình và Tôn Giáo Việt Nam". Ông vẫn tiếp tục đến các thư viện của Hội Truyền Giáo Paris, thư viện Roma, Vatican...để tìm các tài liệu lịch sử liên quan đến Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes và Giáo Sĩ Gaspar Luis, thuộc Dòng Tên ở Macao ngày xưa...

BỊ NHẬT BẮT GIAM 5 THÁNG
Sau hai năm ở Pháp, ông trở lại Di Loan vào đầu năm 1930. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, ông cùng với các Linh Mục người Pháp bị Nhật bắt giam tại Huế trong 5 tháng. Khi Việt Minh cướp chính quyền, ông được tự do và trở về Di Loan.

BỊ VIỆT MINH BẮT GIAM TRÊN 7 NĂM
Đêm 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông bị Việt Minh bắt tại nhà thờ Di Loan đưa ra giam giữ tại Cầu Rầm (Vinh) cùng với 6 Linh Mục người Pháp khác thuộc Giáo phận Huế. Tại Vinh, ông bị quản thúc trong một ngôi nhà đơn sơ, tự canh tác, trồng rau, làm vườn để sống và tất nhiên là thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là thuốc men, quần áo. Một số đã chết tại Vinh. Ngày 13 tháng 6 năm 1953, ông và 14 vị Linh Mục ngoại quốc còn sống sót sau năm 1947, được chính quyền Việt Minh ở vùng kháng chiến trả tự do và trả về cho chính phủ Pháp. Nhưng ông đã xin ở lại Việt Nam. Ông đã yêu cầu chính quyền Việt Minh trả ông về Tòa Giám Mục Huế. Ông và các bạn khác được đưa vào Quảng Bình rồi vào Huế. Đức Giám Mục Gioan Baotixita Urrutia (Đức Cha Thi) muốn cho ông và các Linh Mục người Pháp khác về Pháp chữa bệnh, nhưng ông từ chối và chỉ muốn ở lại Huế để được chết ở Việt Nam như ý nguyện của đời truyền giáo của ông.

VIẾT HỒI KÝ VÀ SỐNG ÂM THẦM CHO ĐẾN HẾT ĐỜI
Thời gian sống tại Vinh (cuối 1946 đến 13/6/1953), ông viết "Souvenirs" (Hồi Ký). Ông đã nhận ra được rằng:

"Tôi cảm ơn Chúa đã cho tôi những năm tháng thoát khỏi mọi công việc để chuyên tâm cầu nguyện".

Thời gian nầy ông đã sống đúng nghĩa của một người tu hành, trung thành với đức tin của mình.

Năm 84 tuổi (1953) ông về Huế, sống tại Tòa Giám Mục âm thầm, chỉ những ai quen biết và thân tình với ông mới lui tới thăm viếng mà thôi. Hằng ngày, ông đọc kinh cầu nguyện, dâng Thánh Lễ...

Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm chịu chức Linh Mục (1942), ông đã nói rằng:

"Tôi đã hiểu người Việt vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã nghiên cứu tiếng Việt ngay từ khi mới đến đây và tôi hiện nay vẫn tiếp tục nghiên cứu (...)Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng lễ nghi tôn giáo, phong tục người Việt, tôi yêu mến người Việt. Tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh xuất sắc và tinh thần linh lợi (...) Tôi yêu mến người Việt cũng vì họ trải qua nhiều đau khổ" (Nguyệt San Nguồn Sống, địa phận Huế, số 1 ra ngày 15-7-1958 tr.45: bài "Hoài Niệm Cố Cả" của Ngọc Quỳnh).

GIÂY PHÚT CUỐI
Vào tuổi 86, ông không còn đủ sức đi lại, giao thiệp, chuyện trò với mọi người một cách bình thường nữa. Ông nằm liệt giường kể từ ngày 6 tháng 7 năm 1955 tại nhà hưu dưỡng các Linh Mục, 37 đường Phan Đình Phùng, Huế. Ba ngày sau thì ông mất (10 tháng 7 năm 1955). Ông được an táng trong vườn của Đại Chủng Viện Phú Xuân (Kim Long) nay là Đại Chủng Viện Xuân Bích, Huế.

Về ngày mất của ông, theo tài liệu của Tòa Tổng Giám Mục Huế ghi là ngày 10 tháng 7 năm 1955, trên bia mộ chỉ ghi năm sinh và năm mất. Nhưng các LM người Pháp bạn của ông như Georges Lefas (nguyên giáo sư trường Thiên Hữu Huế trước 1975) và Louis Malleret, ghi là ngày 6 tháng 7 năm 1955.

KẾT LUẬN
Trên 63 năm sống tại Việt Nam, ông đã đóng góp vào việc nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, lịch sử Việt Nam rất lớn. Trong phạm vi một vài trang báo, chúng tôi không thể nói hết được và cũng không thể khai thác hết được tất cả những tài liệu hiện có trong tay.

Chúng tôi chỉ biết bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ một nhà tôn giáo, nhà tu hành, nhà đạo đức, nhà văn hóa, khoa học, sử học đáng bậc thầy, đã hy sinh đời mình vì lý tưởng, vì niềm tin tôn giáo, đã yêu thương đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam một cách chân thành. Điều đó đã làm cho chúng tôi vô cùng cảm động và yêu thương con người và sự nghiệp văn hóa và đạo đức của ông. Ông đã để lại cho người Việt Nam gồm đủ mọi thế hệ sau ông một kho tàng văn hóa, lịch sử vô giá, giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc tìm lại nguồn gốc văn hóa, lịch sử của dân tộc mình.

Nguồn: www.haingoaiphiemdam.com

Không có nhận xét nào: