Có một số giáo xứ theo tập quán tốt tổ chức những buổi giảng cổ võ sự tưởng nhớ đến chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô còn đang thanh luyện để nên trọn lành xứng đáng vào nước Thiên Chúa. Mới nghe vấn đề thì dễ, cho là chuyện không có gì quan trọng trong đời sống Kitô giáo. Phải! Nếu không nhìn trong viễn tượng đức tin, thì vấn đề sẽ bị coi là huyền thoại. Nhưng dưới ánh sáng đức tin, thì vấn đề to lớn quá! Luyện ngục có một nơi chốn không? Kỳ hạn của nó ra sao? Chắc chắn nó có thứ kỳ hạn khác với kỳ hạn của thời gian, vì nếu không như vậy thì nó không có. Các đẳng linh hồn được thanh luyện thế nào? Chắc chắn đó là một tình trạng phi không gian, phi thời gian, và nó tạo điều kiện xứng đáng để linh hồn gặp Thiên Chúa hoàn hảo. Công đồng chung Tridentino dạy phải cẩn ngôn khi mô tả các hình phạt trong luyện ngục. Chắc chắn vấn đề khổ không được tính theo đơn vị thời gian: năm và tháng. Có một cách tinh luyện nào đó khác hơn. Vì vậy, cần sự cầu nguyện, cầu bầu để Thiên Chúa lòng thành lo liệu. Sự tinh luyện là do Thiên Chúa và đưa đến hiệp thông với Thiên Chúa. Thần học Tây phương nặng về pháp lý nên chú trọng khía cạnh trừng phạt của Thiên Chúa, bởi vì hễ có ác, có tội thì phải đền, phải tinh luyện bằng hình phạt. Trái lại, thần học Đông phương, ngã về thần bí, quan niệm luyện tội như cô dâu trau chuốt dung nhan để nhập hôn lễ. Do đó Thiên Chúa tinh luyện các Đẳng theo cách thức tình yêu của Người. Vậy luyện ngục là một tình trạng hân hoan cho phần rỗi và nỗi đau khổ là cần thiết để các linh hồn trở nên kiều diễm xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngày nay ta thấy quan niệm thần học của Đông phương hấp dẫn hơn. Nghĩa là luyện gục không phải là “Hoả ngục bỏ túi”, cũng không phải là trung gian giữa thiên đường và hoả ngục. Nó là điều kiện đòi buộc kẻ chưa được tinh luyện hoàn toàn phải có để được Nước Trời. Quan niệm Tây phương cũng không đáng bác bỏ hẳn, vì nó gợi hứng cho sự phải hoàn tất. Vấn đề của các Đẳng là hoàn tất chứ không còn tăng trưởng nữa. Cái chết đã chấm dứt cấu trúc con người và đặt nó ở thể chung kết. Bây giờ nhờ luyện tội, các Đẳng mỗi người tiến đến tình trạng tốt hơn tuỳ theo dĩ vãng sống của mình trên dương thế. Mỗi người lo hoàn tất nhân cách của mình căn cứ vào sự phong phú nơ bản tính nhân loại mà nó thủ đắc được trong thời gian sống tại thế. Luyện ngục là đoạn cuối cùng của con đường cho phép mỗi người tạo ra những thành quả riêng cho mình. Người còn sống mà can thiệp cho các Đẳng là biểu lộ mối quan tâm muốn đóng góp vào sự phát triển của mỗi người, nghĩa là làm cho mình được hoàn tất bên kia cái chết. Điều đó làm nổi bật lên tình liên đới nối kết các chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô” (xin xem bản dịch Từ Điển thần Học Kitô Giáo – mục Purgatoire – Giorgio Cozzelino – Tr.378).
Đại cương thần học về luyện ngục là như vậy. Các bài giảng trong tháng các Đẳng phải nhấn mạnh tính liên đới của người còn sống với các Đẳng trong nhiệm thể Chúa Kitô, đồng thời phải nhấn mạnh sự cần thiết phải can thiệp bằng lời cầu nguyện của người sống cho các Đẳng. Vả lại, nếu các Đẳng là người ruột thịt, như cha mẹ, ông bà của người sống, thì đây là vấn đề hiếu thảo mà nền tảng bổn phận đặt trên giới thứ bốn. Nhưng tinh thần tháng các Đẳng, ngoài khía cạnh hiều thảo, chẳng những dựa trên tình liên đới trong nhiệm thể Chúa Kitô, mà còn căn cứ trên luật yêu người, là cách thể hiện thiết thực của luật mến Chúa. Chắc chắn khi ở luyện tội, các Đẳng đau khổ vì chưa tự hoàn tất để trọn vẹn hiệp thông với Thiên Chúa. Người sống băn khoăn, lo lắng cầu nguyện, ăn chay, bố thí, xin lễ cho các Đẳng thì đó là cách biểu lộ đức yêu người tốt nhất. Yêu người là điều kiện Chúa Kitô đưa ra để con người được vào Nước Trời. Vậy cứu vớt các Đẳng là hành vi cực kỳ làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì đó là cách thực thi cụ thể lề luật vĩ đại nhất của Kitô giáo là Mến Chúa và Yêu người. Các bài giảng trong tháng các Đẳng tối thiểu phải chứa chất nội dung thần học đó về luyện ngục, về các Đẳng. Vả lại chỉ có tinh thần đó mới là linh hồn của những ngày giỗ (ta quá biết thực chất các ngày giỗ diễn ra thế nào). Ôi! Biết bao người sống có kẻ thân thương qua đời mà không cúng giỗ, cũng không xin lễ, bố thí, ăn chay, cầu nguyện. Ôi! Tội nghiệp biết bao những “cô hồn các Đẳng”, nếu các chủ chăn và các giảng giả không hô hào giáo dân của mình tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ (những người đã quá cố).
Hoàng Xuân Việt
Hoàng Xuân Việt
Trích trong tác phẩm "Hùng Biện Thánh"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét