Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Tin Mừng Về Tính Dục Và Hôn Nhân - 4


8. Sự Cứu Chuộc Tính dục chúng ta trong Đức Kitô
Đang khi âm vang của ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa còn đọng lại trong lòng chúng ta, thì lối giao tiếp méo mó giữa đàn ông đàn bà này đã trở thành thực trạng của chúng ta. Buồn thay, đối với nhiều người, họ chỉ biết có thế. Họ chấp nhận nó như là quy luật. Rốt cuộc, “đàn ông vẫn là đàn ông”, và “đàn bà sẽ mãi là kẻ cám dỗ”, có phải vậy không?

Thưa, không phải vậy! Đức Kitô đến để phục hồi lại cái ý định tình yêu nguyên thuỷ của Thiên Chúa trên trần gian. Đây là tin mừng của Kinh thánh. Qua sự hoán cải liên tục tâm lòng, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự cứu rỗi của tính dục chúng ta.

Đây là điều mà Đức Kitô thách thức chúng ta trong Bài giảng trên núi khi Người nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5,28) (Dĩ nhiên lời của Người áp dụng giống nhau cho cả đàn ông lẫn đàn bà). Giống như để nhấn mạnh cái tầm quan trọng của tội này, Người liền thêm, “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.” (Mt 5,29-30).

Hoả ngục được mô tả là sự thiếu vắng tình yêu của Thiên Chúa. Sự thèm khát tính dục cũng như vậy. Đó là chính là lý do tại sao tình yêu Thiên Chúa rất quan trọng.

Vậy chúng ta phải làm gì? Nếu chúng ta nhìn vào cái kinh nghiệm chung của con người thì dường như mọi người đều bị Đức Kitô kết tội. Đúng vậy. Nhưng chúng ta nên nhớ, Đức Kitô đến thế gian không phải để kết tội chúng ta, nhưng để cứu rỗi chúng ta. (Gioan 3,16-18).

Suy niệm về những lời này của Đức Kitô, Đức Gioan Phaolô II đặt câu hỏi “Chúng ta nên sợ cái nghiêm khắc của lời Chúa [Kitô] hay là nên đặt tin tưởng vào nội dung cứu rỗi và quyền năng của lời ấy? [14] “Cái quyền năng của chúng được dựa vào lời của người đã thốt ra những lời: “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Gioan 1,29).

Đức Kitô xoá tội trần gian bằng cách nào? Bằng cách trao tặng món quà trọn vẹn, chung thuỷ, và phát sinh hoa trái là thân thể Người cho Hiền thê, tức Giáo hội, trên thập giá. Và bằng cách thổi hơi Chúa Thánh Thần xuống trên nhân loại (Gioan 20,22).

Lặp lại lời Đức Gioan Phaolô II, tội lỗi và sự chết đã đi vào lịch sử con người qua trọng tâm sự hiệp nhất của ông Ađam và bà Eva. [15] Cũng thế, sự cứu rỗi và sự sống mới đã đi vào lịch sử con người qua cái trọng tâm sự hiệp nhất của Ađam và Eva Mới, đó là Đức Kitô và Giáo hội. Ngay sau khi ông Ađam và bà Eva sa ngã, chúng ta được tiên báo việc cứu chuộc này trong đoạn Tiền Tin Mừng (protoevangelium). Nói với con rắn, Thiên Chúa phán: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

Chúa Giêsu là Ađam Mới, con của “người đàn bà” sẽ đập tan đầu con rắn. Là cái mô hình cho Hiền thê – Giáo hội, Đức Maria biểu hiệu cho Eva Mới. [16] “Hôn nhân” mang tính cứu chuộc của Đức Kitô với Giáo hội được báo trước tại tiệc cưới Cana (Gioan 2,1-11) và hoàn hợp trên Thập giá trên đồi Canvê. [17]

Khi Đức Maria đến báo cho Chúa Giêsu biết là tiệc cưới đã cạn rượu rồi, Chúa Giêsu trả lời: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Gioan 2,4).

Nước lã biến thành rượu tại Cana báo trước hình ảnh máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Kitô trên đồi Canvê (Gioan 19,34). Là hình ảnh của bí tích Rửa tội và Thánh Thể, máu và nước biểu tượng cho chính sự sống của Thiên Chúa xuất phát từ cạnh sườn của Ađam Mới như là Eva Mới được sinh ra. (Nên nhớ rằng chữ “xương sườn” được sử dụng trong sách Sáng Thế là cách chơi chữ của từ “sự sống). Và như ông Ađam đầu tiên, Ađam Mới cũng gọi Eva là “bà” (St 2,23 và Gioan 19,26).

Chương trình sáng tạo, như các nhà thần học hay nói, được tóm lược lại – nghĩa là, lặp lại, tóm tắt – trong công việc của Đức Kitô. Người nam và người nữ đã được tái sinh. Tình yêu vĩnh viễn của họ cho nhau đã được tái tạo. (xem bảng dưới đây).



-----
[14] x. Thtx., 9/10/1980.

[15] x. Thtx., 5/3/1980.

[16] GLHTCG, số 411.

[17] Rất cần ý thức rằng hôn nhân của Ađam và Eva Mới là một hôn nhân “mầu nhiệm”. Hôn nhân này xảy ra bên ngoài lãnh vực tương quan máu huyết và hệ tộc như chúng ta thường hiểu. “Ađam-Kitô” và “ Eva-Maria” phải được hiểu như là kiểu mẫu của “người nam” và “người nữ”. Vậy thì không có lý do gì để bối rối do việc chính mẹ của Đức Kitô theo xác thịt và máu huyết lại là người, hiểu theo cách nào đó, đại diện cho hết thảy chúng ta như là Tân Nương mầu nhiệm của Đức Kitô (x. GLHTCG, số 773). Hơn nữa, khi Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu biết Maria như là Eva Mới, ở Cana cũng như ở Núi Sọ, Người không nhắc đến Bà như như là mẹ nhưng như là “người đàn bà” – một chú giải về Sách Sáng thế 3,15.

8. Sự cứu chuộc Tính dục... (tt)________________________________________
“Người nữ” đứng dưới Thánh giá đại diện cho tất cả chúng ta, cả nam lẫn nữ. Tất cả chúng ta được gọi là Hiền thê của Đức Kitô. [18] Hy sinh bản thân Ngài cho chúng ta, Đức Kitô trao lời “đính hôn”. Chúng ta chỉ cần nói tiếng xin vâng bằng cách hiến dâng bản thân chúng ta - trọn vẹn bản thân chúng ta - lại cho Ngài. Đây mới chính là sự sống đầy tính bí tích của Giáo hội.

Thật ra, Sách Giáo lý diễn tả bí tích Rửa tội là sự “tắm rửa ngày cưới”. [19] Ở đó, khi chúng ta kết hợp vào sự hy sinh của Đức Kitô, chúng ta rửa sạch tội lỗi chúng ta bằng nước qua Ngôi Lời (Ep 5,26). Hơn nữa, vì đã được hiệp nhất (hay kết hôn) với Ngài qua bí tích Rửa tội, thì khi chúng ta đón nhận thân thể Đức Kitô trong Thánh Thể là chúng ta cưu mang, như một tân nương, sự sống mới trong chúng ta - sự sống trong Chúa Thánh Thần.

Nếu như lòng ham muốn làm mờ mắt người nam và người nữ không thấy được chân tính của họ và làm méo mó những ước muốn tính dục, thì sự sống mới này trong Chúa Thánh Thần lại cho phép người nam và người nữ yêu nhau như họ được mời gọi từ lúc ban đầu. Qua các bí tích chúng ta có thể biết và cảm nhận được cái quyền năng có tính chất biến đổi của tình yêu của Đức Kitô.

Đây là tin mừng. Đây là tin vĩ đại. Vâng, chúng ta đã bơm sai xăng vào trong máy của chúng ta và đã phải gánh chịu hậu quả khốn đốn. Nhưng Thiên Chúa không nói, “Đồ dại dột. Ta đã nói rồi mà.” Không! trong lòng thương xót vô biên của Ngài, Ngài tu bổ máy lại cho chúng ta và bơm miễn phí cho chúng ta lượng xăng mà chúng ta cần. Ngài không bỏ chúng ta chìm đắm trong tội lỗi nhưng thương ban cho chúng ta ơn cứu độ. Chúng ta chỉ cần làm như một tân nương, đón nhận quà tặng lớn lao này.


-----
[18] Như Đức Gioan Phaolô II nói: “Tất cả mọi hữu thể nhân loại – cả nam lẫn nữ - đều được mời gọi qua Giáo hội, trở thành ‘Hiền thê’ của Đức Kitô. … Bằng việc ‘trở thành Hiền thê’ tức là mang tính ‘nữ giới’, trở nên một biểu tượng cho toàn thể những gì là “nhân bản” (Mulieris Dignitatem (Phẩm giá người phụ nữ), số 25). Ở chỗ khác trong cùng văn kiện ngài nói: “Từ quan điểm này, người phụ nữ là đại biểu và khuông mẫu của toàn thể nhân loại: người nữ đóng vai nhân tính thuộc về mọi hữu thể nhân bản, cả nam lẫn nữ” (số 4).

[19] GLHTCG, số 1617.

9. Một Vấn Đề Đức Tin
Đúng thật chính vì người nam và người nữ quay lưng lại với Thiên Chúa đã làm méo mó mối tương quan giữa họ, nên việc phục hồi lại sự thật và ý nghĩa của tính dục con người đòi hỏi một sự trở về tận cội nguồn với Thiên Chúa. Quỉ Satan đã thuyết phục chúng ta rằng Thiên Chúa không thương yêu chúng ta, rằng Người ẩn lánh chúng ta. Để xoá tan mọi nghi ngờ, Thiên Chúa đã trở thành một người giữa chúng ta và đã dâng hiến chính bản thân làm tặng vật muôn đời trên thập giá cho chúng ta.

Vì thế mỗi người chúng ta cần phải tự vấn: Tôi có tin vào quà tặng của Thiên Chúa không? Tôi có tin vào tình yêu vô biên của Người dành cho tôi không?

Do đó, sống sự thật về tính dục của chúng ta thực ra là một vấn đề đức tin. Chúng ta có tin vào Kinh thánh hay không? Chúng ta tuyên xưng rằng Đức Kitô đã đến để cứu rỗi và hoà giải chúng ta với Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, chúng ta tuyên xưng nhưng chẳng bao giờ suy nghĩ đến điều này.

Bạn nên tự hỏi: Tôi có thực sự tin Đức Kitô đã đến cứu tôi khỏi tội lỗi không? Tôi có thực sự tin rằng, với sự giúp đỡ của hồng ân Thiên Chúa, tôi có thể vượt qua những yếu đuối, ích kỷ và ham muốn xác thịt để yêu thương những người khác như Đức Kitô đã yêu tôi không? Nói cách khác, tôi có thực sự tin rằng Đức Kitô có thể cứu độ tôi, ngay cả cái tính dục của tôi không?

Chống cưỡng lại những dị dạng tội lỗi của dục vọng và sống theo sự thật là một cuộc đấu tranh cam go, ngay cả đối với những người có nền nếp giáo dục luân lý vững chắc. Nói cách khác, cuộc đấu tranh này dẫn chúng ta vào điểm mấu chốt của trận chiến đạo đức (xem Ep 6,12) mà chúng ta là những Kitô hữu phải xung trận nếu chúng ta muốn chống lại sự xấu – trong thế giới và trong cả chúng ta – và yêu thương người khác như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Thắng trận chiến này đòi hỏi đức tin vào Đức Kitô, đòi hỏi sự dấn thân, lòng quyết tâm, sự thành thật với chính mình và người khác, và sự sẵn sàng hy sinh và kiềm chế những tham muốn ích kỷ của chúng ta. Tình yêu không phải là sợ hãi những điều đó; tình yêu là những thứ đó.

Đúng vậy, giáo huấn của Giáo hội về tính dục mang nhiều thử thách, cái thử thách của Kinh thánh, cái thử thách tin tưởng vào Đức Kitô và vác Thánh giá theo Người. Vâng, chúng ta yếu đuối. Tự chúng ta, chúng ta không có chút hy vọng nào để đương đầu với thử thách này.

Nhưng thử thách này dành cho ai? Phải chăng dành cho những người nam và nữ đang làm nô lệ cho những yếu đuối của họ? Thưa không! [Thử thách ấy] dành cho những người nam và nữ đã được giải thoát để yêu nhờ quyền năng của cây Thập giá. [20] Chúng ta đừng nên làm mất đi quyền năng của cây Thập giá nhưng hãy tin tưởng vào tin mừng. Chúng ta hãy tin rằng trong Đức Kitô, mới có thể có được tình yêu đích thực – tình yêu đem lại ý nghĩa cho hữu thể và hiện hữu của chúng ta. Đó là điều mà Giáo hội không ngừng công bố cho mọi người.


-----
[20] Thánh Phaolô nói thật hay bằng cách nào mà thập giá đã làm cho chúng ta khỏi tội và bằng cách nào mà Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta yêu thương trong Thư gởi tín hữu Roma các chương 6, 7, và 8. Cũng nên xem thêm chương 5 trong thư gởi tín hữu Galata.(Còn tiếp)
Nguồn: Website Giáo phận Nha Tranghttp://www.gpnt.net/

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Tin Mừng Về Tính Dục Và Hôn Nhân - 3

5. Ở một mình không tốt
Đó là lý do tại sao Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Có nghĩa là Thiên Chúa nói: “Ta sẽ tạo dựng một người nào đó nó có thể yêu thương được.” Do đó, Thiên Chúa tạo dựng những thú vật từ bụi đất và đem chúng lại cho con người đặt tên.

Khi đặt tên cho những thú vật, con người nhận thức ra họ khác biệt với chúng. Những thú vật không được tự do để xác quyết những hành động của chúng như con người. Chúng không được gọi để yêu trong hình ảnh của như con người. Chúng ta có thể tưởng tượng ra câu trả lời với Thiên Chúa: “Con cám ơn, thưa Thiên Chúa, cho tất cả những thú vật này. Nhưng con không thể yêu con hươu cao cổ. Con không thể hiến dâng bản thân cho con ruồi giấm.”

Cho nên Thiên Chúa đưa con người vào một giấc ngủ mê rồi rút một cái xương sườn ra. Nếu dịch là “giấc ngủ mê”, chúng ta sẽ bỏ mất đi một ít ý nghĩa. Có thể hay hơn nên dịch “ecstasy” là “xuất thần”. “Ecstasy” theo sát nghĩa là “đi ra khỏi bản thân”, và trạng thái xuất thần của ông Ađam có nghĩa là Thiên Chúa đã rút từ chính bản thân ông ra người đàn bà. Hơn nữa trong ngôn ngữ gốc, “xương sườn” là lối chơi chữ của “sự sống”. Điều này có nghĩa là người đàn bà đến từ chính cùng một sự sống tương tự như người đàn ông.[10]

Sự sống của con người là gì? Nó là hơi thở của Thiên Chúa đã làm ông Ađam thành một hữu thể sống (St 2,7). Người nam và người nữ chia sẻ cùng một nhân tính. Cả hai đều có Thần Khí của Thiên Chúa ở trong họ, có nghĩa là cả hai được gọi để yêu thương trong hình ảnh Thiên Chúa.

Giờ đây thử tưởng tượng cái tâm trạng của ông Ađam khi ông thức dậy chợt thấy ngay người nữ của mình. Cái ước muốn sâu thẳm nhất của trái tim ông là yêu thương trao tặng chính bản thân mình cho một người khác “giống như mình”, vì ông vừa mới đặt tên xong cho hàng tỉ thú vật mà không tìm thấy một ai như vậy. Thế rồi ông nói gì?

“Cuối cùng, nàng chính là người ấy! Nàng là xương của xương tôi và thịt của thịt tôi” (St 2,23).

Làm sao ông Ađam biết cô ta chính là người mà ông có thể yêu được? Nên nhớ rằng họ đang còn trần truồng. Chính cái thân thể của họ đã bộc lộ cái sự thật tâm linh của con người họ. Trong cái trần truồng họ khám phá ra cái mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “ý nghĩa hôn nhân của thân thể,” có nghĩa là “khả năng [của thân thể] diễn đạt tình yêu: tình yêu mà trong đó con người trở thành món quà và - bằng món quà này - thành toàn cái ý nghĩa của cái hữu thể và sự hiện hữu của mình.” [11]

Ông Ađam nhìn thân mình ông; rồi nhìn bà Evà. Ông nhận thức ra cái thực tại sâu sắc này: “Chúng ta là cặp trùng đôi với nhau. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta cho nhau. Tôi có thể trao tặng bản thân tôi cho cô, và cô có thể cho trao bản thân cô cho tôi, và chúng ta có thể sống trong một sự thông hiệp tình yêu nẩy sinh sự sống” – hỉnh ảnh của Thiên Chúa, hôn nhân

Đó là cái cảm tính ham muốn tính dục như Thiên Chúa đã sáng tạo và như họ đã cảm nghiệm biến chính mình thành quà tặng cho nhau theo hình ảnh của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao họ trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ (St 2,25). Không có sự xấu hổ khi yêu như Thiên Chúa yêu, chỉ có cái cảm nghiệm của vui tươi, đầm ấm, và một kiến thức sâu xa về tình yêu thương.

-----
[10] x. Thtx, 7/11/1979

[11] x. Thtx, 16/1/1980
6. Những Hậu Quả của Tội Tổ Tông
Chúng ta hãy suy nghĩ về cái tình trạng này một chút. Nếu sự kết hợp “một xác thịt” của hôn nhân được coi như là cái mạc khải căn bản trong sự tạo dựng sự sống và tình yêu của Thiên Chúa, và nếu kẻ thù của Thiên Chúa muốn ngăn cản chúng ta cảm nghiệm sự sống và tình yêu của Thiên Chúa, thì nó sẽ làm thế bằng cách nào? Chà... Thử xem nào.

Thiên Chúa đã nói với ông Ađam rằng ông được tự do ăn bất cứ trái cây nào trong vườn ngoại trừ “cây khôn ngoan biết sự tốt và xấu”. Nếu ông ăn, ông sẽ chết (St 2,17). Theo tính biểu tượng của ngôn ngữ Kinh thánh, ở đây chúng ta thấy Thiên Chúa vạch ra một ranh giới mà nhân loại không được tự ý phạm tới. Chỉ một mình Thiên Chúa, biết cái gì là tốt cho chúng ta. Là những vật thụ tạo, chúng ta phải phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa và không nên xoi mói để xác quyết cái tốt và sấu cho chúng ta. Nếu chúng ta làm, chúng ta sẽ chết.

Đây là một loại suy. Giả thử bạn mới mua một chiếc xe hơi mới và lần đầu tiên chạy vào cây xăng để đổ xăng. Bên thùng đựng xăng thấy tấm bảng nhỏ ghi “chỉ dùng xăng không pha chì”.

Người thiết kế chiếc xe biết nó từ trong ra ngoài. Người ta biết cái gì tốt cho chiếc xe. Thật là dại khờ nếu bạn nói, “Tôi chẳng cần để ý tới điều mà hãng sản xuất chỉ dẫn. Tôi cứ bơm dầu diesel vào.” Nếu bạn làm như thế, xe bạn sẽ bị hư hỏng nặng.

Giống như chiếc xe, cách duy nhất mà cuộc sống chúng ta có thể “chạy” trơn tru như liệu định là nếu chúng ta sống theo kế hoạch của Đấng Kiến Tạo. Tấm bảng nhỏ trên chiếc xe không phải là để hạn chế cái tự do của chúng ta nhưng để tạo điều kiện dễ dàng cho sự tự do chọn lựa khôn ngoan của chúng ta. Các giới răn của Thiên Chúa cũng thế. Chúng phục vụ cho sự tự do của chúng ta.

Tự do thật sự không phải là làm bất cứ cái gì chúng ta muốn. Tự do thật sự là làm bất cứ những điều gì tốt, bất cứ điều gì xứng với sự thiện mỹ của bản tính con người (nhân bản) chúng ta. Như Chúa Giêsu nói, sự thật sẽ giải thoát chúng ta (Gioan 8,32).

Tuy nhiên, cái ý tưởng đòi tự quyết định cho lối sống của chúng ta thật là quyến rũ. “Tôi không cần để ý tới giáo huấn của Thiên Chúa. Tôi không cần biết là Người đã thiết lập Hội thánh để giảng dạy chân lý. Tôi cứ làm cái tôi muốn làm.” Nếu chúng ta thừa nhận cái khuynh hướng này trong chúng ta, là chúng ta thừa nhận rằng chúng ta đã được thừa hưởng tội tổ tông.

Nhưng tại sao chúng ta lại nghi ngờ tình yêu và sự xếp đặt của Thiên Chúa dành cho chúng ta? Tại sao chúng ta lại có thể ăn trái cây mà Thiên Chúa, vì yêu thương chúng ta, bảo chúng ta đừng ăn? Nên nhớ là: điều này cũng dại dột giống như bơm dầu diesel vào xe máy chạy xăng không pha chì.

Tại sao chúng ta lại có thể làm điều đó. Vì, như Giáo lý Công giáo dạy, “đằng sau cái lựa chọn bất tuân phục của ông bà nguyên tổ chúng ta có dấu giếm một giọng nói quyến rũ chống lại Thiên Chúa, giọng nói giọng nói này đẩy họ vào sự chết vì ghen tương”. [1]

Cái giọng nói quyến rũ này là Cha của Dối Trá, tên lừa đảo, quỉ Satan. Nó ghen vì nhân loại được tạo dựng theo chính hình ảnh và giống Thiên Chúa, và được mời gọi làm con người là nam là người nữ vào cùng hưởng sự sống thần linh. Do đó quỉ Satan giàn dựng để ngăn trở chúng ta khỏi sự sống của Thiên Chúa bằng cách thuyết phục chúng ta rằng Thiên Chúa không yêu thương chúng ta.

Gieo nghi ngờ vào đầu óc người đàn bà, con rắn nói: “Có phải Thiên Chúa dạy, ‘Ngươi không được ăn trái của bất cứ cây nào trong vườn không?’... Ngươi sẽ không chết. Vì Thiên Chúa biết là khi ngươi ăn nó con mắt ngươi sẽ được mở ra, và ngươi sẽ trở nên giống Thiên Chúa, biết điều lành điều dữ" (St 3,1,4-5). Cái ám chỉ là: Thiên Chúa không muốn ngươi trở thành giống Người; Thiên Chúa đang che giấu bản thân khỏi ngươi; Thiên Chúa không phải là tình yêu. Nếu ngươi muốn trở thành “giống Thiên Chúa”, thì ngươi phải vươn tay ra và nắm lấy.

Bây giờ, chờ xem. Thiên Chúa đã tạo dựng ông Ađam và bà Eva theo hình ảnh và giống như Người rồi (St 1,26). Thế mà quỉ Satan vẫn còn gắng mồi chài cho họ ham muốn điều mà họ đã có.

Khi người đàn bà thấy rằng trái cây thật “đẹp mắt”, bà hái và ăn. Bà đưa cho chồng và ông ta ăn. Rồi mắt họ được mở ra và họ nhận thấy rằng họ trần truồng, do đó họ che thân thể họ lại (St 3,6-7).

Việc gì đã xảy ra? Trước khi họ ăn trái cây ấy họ đang trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ. Bây giờ thì cái cảm nghiệm về sự trần truồng bị thay đổi. Tại sao?

Thiên Chúa là sự thật và không bao giờ nói dối. Người đã phán bảo rằng nếu họ ăn trái cây đó, họ sẽ chết. Lẽ dĩ nhiên, họ đã không ngã lăn đùng ra chết, nhưng họ đã chết theo chiều kích tâm linh.

Chính Thần Khí đã được ban cho họ như là ơn gọi và năng lực để yêu thương. Một khi Thần Khí “chết” nơi ông bà nguyên tổ chúng ta, thì cái khả năng sẵn có để yêu thương theo hình ảnh Thiên Chúa trong con người là nam là nữ cũng bị chết theo. Thiếu Thần Khí, sự ham muốn tính dục đã biến thành tráo trở và ích kỷ.

Ông Ađam và bà Eva không còn thấy cái mạc khải của kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa trong thân thể của nhau nữa. Bây giờ họ coi thân thể người khác như là một vật để họ thoả mãn những ham muốn ích kỷ của họ. Như vậy, cái cảm nghiệm trần truồng trước sự hiện diện của người khác – và Thiên Chúa - trở thành cái cảm nghiệm của sợ hãi, chia cách, và nhục nhã: “Tôi sợ hãi vì tôi trần truồng, nên tôi lẩn trốn” (St 3,10).

Sự xấu hổ của họ không mắc mứu gì nhiều tới chính thân thể nhưng tới cái dục vọng giờ đây ở trong lòng họ. Vì họ vẫn biết rằng bởi họ đã được tạo dựng cho chính bản thân họ cho nên họ không bao giờ được coi như là vật cho người khác sử dụng. Do đó, họ đã che đậy thân thể họ để bảo vệ phẩm giá của họ khỏi những “cặp mắt” thèm thuồng của kẻ khác. Thật ra, đây là một tác dụng tích cực của sự xấu hổ, vì nó thực sự giúp bảo vệ “ý nghĩa hôn nhân của thân thể”.


7. Sự Bổ trợ của Tính dục trở thành mối Kình địch của Tính dục
Thân thể là cái biểu tượng của cá nhân như Đức Gioan Phaolô II đã nói. [12] Đó có nghĩa là tất cả những khác biệt giữa người nam và người nữ chúng ta (tình cảm, suy nghĩ, tâm linh, cũng như thể xác) đã được Thiên Chúa tạo dựng để bổ trợ nhau và để kết hợp chúng ta trong những phương cách phát sinh sự sống. Tuy nhiên, vì tội lỗi chúng ta thường cảm nghiệm những khác biệt này như là nguyên nhân của căng thẳng, xung khắc, và chia rẽ. Thật vậy, lich sử cho chúng ta biết sự xáo trộn mà tội tổ tông đã đưa vào trong mối tương quan giữa người nam và người nữ.

Ngay từ lúc đầu, ông Ađam tiếp nhận bà Eva như là hồng ân và quà tặng từ Thiên Chúa. Nhưng sau khi phạm tội, ông đổ hết các khó khăn của ông cho bà. Ông còn đổ tội cho Thiên Chúa, ông nói: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, bà ấy đã cho con trái cây” (St 3,12). Hoàn toàn do lỗi của bà ấy. Tại sao người đàn ông, ngay cả ngày nay, thường đổ lỗi và bực bội đàn bà vì những rắc rối của chính mình.

Hơn nữa, trong suốt dòng lịch sử đàn bà đã gánh chịu biết bao nhiêu là đau khổ vì sự thống trị của đàn ông. “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16): Đây không phải là ý định của Thiên Chúa. Đây là hậu quả của tội lỗi. Tuy nhiên một số đàn ông, vì vẫn từ chối trực diện với lòng tội lỗi của họ, vẫn còn cố gắng dùng nhiều đoạn Kinh thánh khác nhau để bào chữa cho sự thống trị của họ. (xem Chương 3, câu hỏi 16).

Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng điều gì cũng có qua có lại. Cái “thèm muốn người chồng” của người đàn bà sa ngã cũng có cùng một nguồn gốc với sự lo lắng cho đàn ông. Trong khi đàn ông thường thống trị và thao túng đàn bà để thoả mãn dục vọng của họ thì đàn bà cũng thường dùng “nữ sắc” để lèo lái đàn ông – có thể là để thoả mãn cảm xúc hơn là chuyện gì khác. [13] Theo nhận xét thông thường, đàn ông dùng tình yêu để đạt đến tính dục, và đàn bà dùng tính dục để có được tình yêu.

Điều quan trọng nên nhận biết là mặc dù chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ là những thói xấu của đàn ông thường là xấu xa hơn những thói xấu của đàn bà, tuy nhiên, bất kỳ của ai, thói xấu nào cũng bóp méo trầm trọng tình yêu tính dục đích thực. Cả hai đều coi người khác không phải là con người được tạo dựng cho chính bản thân mình nhưng là một vật được sử dụng để thoả mãn ích kỷ của riêng họ. Cái thoả mãn ích kỷ có hại cho người khác như thế - như dầu diesel trong máy xe chạy xăng không pha chì - sẽ luôn gây ra “trục trặc” cho chiếc xe.


-----
[12] x. Thtx., 31/10/1979

[13] Đây là sự khái quát hoá, dĩ nhiên. Nhưng dường như rất đúng cho hầu hết các trường hợp rằng người đàn ông kinh nghiệm được tính dục sa ngã của họ như là hướng tới cái thoả mãn thể lý phải trả giá bằng người đàn bà, trong khi người đàn bà kinh nghiệm được cái tính dục sa ngã như là hướng tới cái thoả mãn cảm xúc với giá phải trả là người đàn ông. Tưởng cũng nên nhắc lại đây rằng một số người đàn ông và đàn bà kinh nghiệm tính dục đối với người đồng phái tính. Mặc dù những hấp dẫn đồng phái, bởi chúng hầu hết thường không được tự do lựa chọn, tự chúng không là tội, nhưng, phải chắc chắn rằng, chúng thuộc về sự rối loạn khoái cảm tính dục gây ra do tội nguyên tổ.
(Còn tiếp)Nguồn: Website Giáo phận Nha Trang

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Cách Giúp Con Cái Hoà Hợp Với Mẹ

(11/05/2009 06:05:06)
(aFamily) – Không phải đứa con nào cũng có thể hòa hợp với mẹ. Và cũng không phải người mẹ nào cũng đúng như mẫu những đứa con mong muốn mặc dù họ luôn hết lòng vì con cái.
Mẹ và con cái luôn có mối liên kết không thể tách dời. Tuy nhiên, không phải đứa con nào cũng có thể sống hoà hợp với mẹ, chính vì vậy một số mối quan hệ mẹ con bị rạn vỡ một cách đáng tiếc.

Tất cả chúng ta đều có mẹ, và họ hiếm khi là đúng mẫu người chúng ta thích. Chúng ta thường cảm thấy khó hòa hợp với mẹ vì những cảm xúc trái chiều, những sự khác biệt về thế hệ và những lý do khác trong cuộc sống.

Trong các thư tâm sự về mẹ thường có những bức thư với nội dung như: Tôi có thể tha thứ cho mẹ thế nào? Làm sao để không tức giận với mẹ? Những bức thư này đặc biệt có đủ loại tuổi, từ 20, 30 đến 40, 50 tuổi. Cũng dễ hiểu vì với cha mẹ, dù con cái bao nhiêu tuổi thì vẫn luôn là những đứa trẻ, chính vì cách đối xử xem con như đứa trẻ đó đã làm nhiều người con cảm thấy như bị trói buộc và muốn vùng lên.

Tuy nhiên, không phải tất cả các bà mẹ đều có vấn đề với con cái. Có nhiều bà mẹ hiểu tính cách và những sở thích cũng như những thói quen của con mình để thiết lập mối quan hệ như những người bạn của con. Có nghĩa là mẹ có thể tâm sự và chia sẻ với con cái mọi điều và ngược lại, con cái cũng thoải mái kể cho mẹ những khó khăn cũng như những buồn vui trong cuộc sống.

Để hoà hợp với mẹ, cách tốt nhất là cảm thông và tha thứ. Tha thứ ở đây bao hàm một nghĩa rộng, còn có thể hiểu là chấp nhận, nghĩa là chấp nhận một người mẹ không như khuôn mẫu của mình đặt ra, nhưng lại là người luôn hết lòng vì mình. Chúng ta cũng cần cố gắng nhìn lại bản thân, sống có trách nhiệm, xem xét cách chúng ta ứng xử với bố mẹ và những người xung quanh thế nào. Chúng ta phải cố gắng kiên trì trong việc thiết lập mối quan hệ và cần hiểu rõ hơn về người mẹ của mình.

Chúng ta có thể luôn luôn là một đứa trẻ trong mắt bố mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không thể thành một người lớn. Vì thế chúng ta còn phải biết cách nói lời xin lỗi, ngay cả khi lỗi không thực sự do chúng ta gây nên. Sự xin lỗi, giải thích và tha thứ là những thành tố quan trọng trong việc tạo lập mối quan hệ tốt đẹp giữa mẹ và con cái.

Ngoài ra, để bộc lộ những cảm xúc của bản thân trong mối quan hệ mẹ con, chúng ta còn cần cả sự chân thành. Không có luật định, nguyên tắc hay sự ép buộc nào ép chúng ta phải nói yêu mẹ, hay quý mẹ. Nhưng điều chúng ta thể hiện tình cảm đó lại xuất phát từ trái tim chân thật. Sự hoà hợp trong mối quan hệ ở đây thực sự có khi chúng ta cảm nhận được mẹ cũng cần che chở và cũng muốn sự bảo vệ của người con. Chính vì vậy, hãy dành thời gian tìm hiểu mẹ mình hơn nữa. Tất cả chúng ta đều phải quyết định chúng ta sống vì bản thân hay vì mẹ, nhưng mẹ lại là người quyết định mẹ luôn sống vì con cái và gia đình. Vậy nên, mỗi người hãy tìm cách riêng của mình để sống hoà hợp với mẹ.

Hoàng NgânTheo Women

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

Vị Thiên Thần Bản Mệnh Của Con Tên Là Mẹ

VietCatholic News (09 May 2009 15:36)
Ngày Chúa Nhật 10.05.2009 - Ngày Các Bà Mẹ - một ngày được cả thế giới chọn làm ngày để mọi người con có dịp bày tỏ lòng thương yêu, kính trọng và biết ơn một cách đặc biệt đối với hiền mẫu của mình. Vì đã làm người và được sinh ra trên cõi đời này, ai mà lại không có một người mẹ, một vị hiền mẫu đã từng chín tháng mười ngày cưu mang, đẻ đau, ấp ủ, nương niu và chở che mình trong mọi hoàn cảnh của cả chuỗi ngày thơ ấu dài dằng dặc ? Công ơn trời biển và tình mẹ tươi mát ngọt ngào như dòng nước bất tận trong nguồn chảy ra đó, mỗi người chúng ta phải ra sức đền bù cho phải đạo làm con và cho lòng mẹ được vui.

Câu chuyện sau đây là một gợi ý cho mỗi người trong chúng ta nhớ lại « lòng mẹ bao la như biển thái bình », để biết ơn và yêu mến mẹ hơn.

Người ta kể rằng: Số là ngày kia có một được đứa bé sắp được Thiên Chúa cho sinh ra làm người trên cõi đời gian trần. Nhưng trước khi sắp được sinh ra trên đời thì đứa bé lòng đầy băn khoăn lo lắng chạy đến quỳ gối trước mặt Thiên Chúa và thưa:

Lạy Chúa, con đã được người ta cho hay rằng mai mốt đây, con sẽ được sinh ra trên trần gian hạ giới. Nhưng thân con bé nhỏ mỏng dòn thế này thì làm sao con có thể sống được ở thế gian với bao bon chen cực khổ như thế được.

Bấy giờ Thiên Chúa nói: Con cứ yên tâm, trong số muôn vàn Thiên thần của Ta, Ta đã chọn riêng cho con một vị hiểu con, hợp với con và đầy lòng thương yêu con, để ngày đêm săn sóc lo lắng cho con trong mọi sự.

Nghe thế đứa bé bèn thưa với Thiên Chúa: Thế thì con còn phải làm gì khác ngoài việc cứ tiếp tục ca hát và vui sống hạnh phúc như trên Thiên đàng không ?

Thiên Chúa nói: Chính vị Thiên thần sẽ hát cho con nghe. Ngài sẽ mĩm cười mỗi ngày với con. Con sẽ nhận thấy được ngài rất thương con và rồi con sẽ cảm thấy mình thật hạnh phúc.

Ðứa bé lại thắc mắc hỏi Thiên Chúa: Nhưng thưa Chúa, sống ở thế gian, loài người có tiếng nói khác với ngôn ngữ Thiên đàng của chúng ta, thì làm sao con hiểu được ?

Thiên Chúa trả lời đứa bé: Con cứ an tâm, vị Thiên thần của con sẽ dạy cho con ngôn ngữ của loài người. Ngài luôn kiên nhẫn và đầy âu yếm dạy cho con từng tiếng, từng vần đơn sơ, mãi cho tới khi con làm chủ được thứ ngôn ngữ êm đẹp đó.

Ðứa bé lại thưa: Nhưng con nghe người ta bảo là ở chốn gian trần có rất nhiều kẻ gian ác hung dữ và các hiểm nguy hằng đe dọa khắp nơi. Vậy làm sao con sống ở đó đươc ?

Thiên Chúa quả quyết: Con đừng lo, vị Thiên thần của con luôn quả cảm. Ngài sẽ bênh vực, che chở con, dù ngài có phải nguy hiểm cả đến tính mạng mình.

Ðứa bé lại thưa tiếp với Thiên Chúa: Như vậy, một khi được sinh ra trên cõi đời, con sẽ phải xa cách Chúa. Chắc con buồn lắm !

Thiên Chúa bèn âu yếm ôm đứa bé vào lòng và an ủi: Thiên thần của con sẽ nói và nhắc nhủ con nhớ đến Ta; ngài sẽ chỉ cho con cách thức đến cùng Ta. Con hãy luôn nhớ rằng Ta luôn gần kề bên con trong mỗi giây phút cuộc đời con, dù rằng con không nhìn thấy Ta.

Giữa giây phút dạt dào an vui và hạnh phúc chốn Thiên đàng như thế, người ta vẫn nghe được tiếng kêu gọi từ cõi thế vang thấu lên.

Bấy giờ đứa bé thưa lần cuối với Thiên Chúa: Lạy Chúa, chắc đã đến giờ con phải ra đi xuống cõi thế. Vậy, xin Chúa cho con biết tên vị Thiên thần Bản mệnh đáng kính và đầy lòng thương con như thế.

Thiên Chúa bèn trả lời đứa bé: Thực ra tên của vị Thiên thần Bản mệnh của con không quan trọng. Nhưng nếu con muốn, thì con cứ gọi ngài là Mẹ ! »

LM. Nguyễn Hữu Thy

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

Tin Mừng Về Tính Dục Và Hôn Nhân - 2

2. Nam và Nữ: Hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi
Sách Sáng Thế thực ra gồm hai bài tường thuật về công trình sáng tạo. Trong bài tường thuật thứ nhất chúng ta được biết Thiên Chúa tạo dựng con người, đặc biệt là người nam và người nữ, trong hình ảnh và giống Người (St 1,27). Điều này có nghĩa là bằng cách này hay cách khác, với tính bổ trợ của hai phái tính, chúng ta biểu tỏ hình ảnh của Thiên Chúa. Là nam là nữ, chúng ta làm cho mầu nhiệm vô hình của Thiên Chúa trở nên hữu hình.

Mầu nhiệm vô hình của Thiên Chúa là gì? Thánh Gioan tóm lược lại rất hay: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4,8). Chúng ta thường suy tưởng câu kinh thánh này với chiều kích tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó mới chỉ là một phần ý nghĩa câu kinh thánh đó. Nhưng ngay cả trước khi Thiên Chúa yêu chúng ta, Người là Tình yêu tự (bản) thân, trong mối tương quan của ba Ngôi vị của Mầu nhiệm Ba Ngôi.

Tự nơi bản thân Người, Thiên Chúa là sự hiệp thông phát sinh sự sống của ba Ngôi vị. Chúa Cha, từ muôn thuở, chính Người mãi là quà tặng tình yêu cho Chúa Con. (Như chúng ta đọc trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu là “người con yêu dấu” của Chúa Cha (Mt 3,17). Và Chúa Con, mãi muôn đời nhận quà tặng của Chúa Cha, lại trao tặng chính mình làm quà cho Chúa Cha. Tình yêu giữa hai Ngôi quá chân thật, quá thâm sâu, đến nỗi tình yêu này lại là một Ngôi vị khác: Chúa Thánh Thần.

Giữa những sự vật khác, thì chính việc chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, muốn mạc khải: chúng ta được gọi để yêu như Thiên Chúa yêu, trong sự hiệp thông phát sinh sự sống của các nhân vị. Và chúng ta thực hiện việc này đặc biệt trong cương vị người nam và người nữ. Người nam tự căn là hướng về biến chính mình thành quà tặng cho người nữ. Và người nữ tự căn là hướng về nhận quà tặng của người đàn ông vào trong mình và trao tặng lại bản thân mình cho người nam. Và tình yêu của họ thật là trung thực, sâu đậm, đến nỗi, nếu đẹp lòng Chúa, có thể trở thành một con người khác.

Như vậy việc giao hợp tính dục tự nó được nhắm để tham dự vào chính sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Việc giao hợp tính dục tự nó bày tỏ (làm thành hữu hình) mầu nhiệm vô hình của Thiên Chúa. [5]

Yêu thương và được thương yêu như Thiên Chúa yêu thương - đây là cái ước vọng thầm kín nhất của trái tim con người. Thiên Chúa đã đặt nó ở đó khi Người tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người. Không gì khác có thể thoả mãn được. Không gì khác sẽ làm cho tròn vẹn.

Đây là điều mà chúng ta mang nơi thân mình là nam là nữ. Tính dục thật là đẹp, thật tuyệt vời, thật vẻ vang đến nỗi nó được nhắm để diễn tả cái tình yêu thanh thản, trọn vẹn, thuỷ chung, và sinh hoa kết quả của Thiên Chúa. Tên gọi khác cho cách biểu đạt tình yêu này là hôn nhân.

Đúng vậy - Tính dục được nhắm để diễn đạt hôn ước. Tính dục là nơi cho những lời hôn ước biến thành máu thịt. Đó là lý do tại sao giao hợp được gọi là âu yếm vợ chồng.

Trước bàn thờ, cô dâu và chú rể uỷ thác thân mình cho nhau một cách thanh thản, trọn vẹn, thuỷ chung, và sinh hoa kết quả cho lúc nhắm mắt xuôi tay - đó là những lời hứa theo giáo luật mà họ cam kết, chung thuỷ, bất phân ly, và đón nhận con cái. Rồi đêm đó, và trong suốt đời hôn nhân, họ thi diễn sự uỷ thác của họ. Họ diễn bày bằng thân mình điều mà họ biểu lộ bằng tâm trí và trái tim trước bàn thờ. Làm như vậy, họ hoàn hợp hôn nhân của họ. Nghĩa là, họ hoàn thành, hoàn mỹ, đóng ấn, và làm cho hôn nhân lại trở nên mới.


-----
[5] Chúng ta phải cẩn thận đừng hiểu sai về những gì đang nói. Giới tính của chúng ta bày tỏ điều gì đó về mầu nhiệm Ba Ngôi điều này không có nghĩa là Ba Ngôi có giới tính. Thiên Chúa không được tạo thành theo hình ảnh của con người là nam là nữ nhưng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Xem GLHTCG, số 370
3. Hôn nhân: Nhiệm tích giữa Đức Kitô và Giáo hội

Vợ chồng không những chỉ là hình ảnh của tình yêu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ba Ngôi, họ còn là hình ảnh của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại, được làm cho tỏ tường qua tình yêu của Thiên Chúa và Giáo hội. Qua bí tích Rửa tội, hôn nhân của Kitô hữu là một bí tích. Điều đó có nghĩa hôn nhân là một dấu chỉ sống thực sự thông truyền và dự phần vào sự kết hợp của Đức Kitô và Giáo hội. Hôn ước được sống trong sự kết hợp nên “một xác thịt” của đôi vợ chồng cấu tạo cái dấu chỉ sống này. [6]

Lặp lại lời của Thánh Phaolô: Vì lý do này người đàn ông sẽ từ bỏ cha mẹ mình và gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu, và ám chỉ về Đức Kitô và Giáo hội (Ep 5,31-32). Đức Kitô rời bỏ Chúa Cha trên trời. Người rời bỏ nhà của mẹ mình dưới thế - trao trọn thân mình cho Tân Nương của Người, để chúng ta có thể trở nên “một xác thịt” với Người.

Chúng ta có thể trở nên “một xác thịt” với Đức Kitô nơi nào? Đặc biệt nhất là trong phép Thánh Thể. Phép Thánh Thể là sự hoàn hợp nhiệm mầu hôn nhân giữa Đức Kitô và Giáo hội. Và một khi chúng ta tiếp nhận thân mình của Tân Lang thiên quốc vào trong thân mình chúng ta, như là hôn thê, chúng ta thai nghén một sự sống mới trong chúng ta. Như Đức Kitô đã nói, “Nếu ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, ngươi không có sự sống trong ngươi” (Ga 6,53).

Vì sự thông hiệp nên “một xác thịt” của người đàn ông và người vợ tiên báo, ngay từ thuở ban đầu, sự hiệp thông Thánh Thể của Đức Kitô và Giáo hội, nên ĐTC Gioan Phaolô II nói tới hôn nhân như là “bí tích nguyên thuỷ”. Chúng ta hãy dừng lại một chút để cái hiện thực này lắng xuống. Trong mọi cách mà Thiên Chúa chọn để biểu lộ cuộc sống và tình yêu của Người trên trần gian thụ tạo, ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng hôn nhân - đặc biệt hơn nữa, sự âu yếm vợ chồng – là cái căn bản nhất.

Thánh Phaolô đã không nói đùa khi ngài gọi đây là một “nhiệm tích thâm sâu”. Có thể nào Thiên Chúa làm cho tính dục của chúng ta quan trọng hơn thế nữa? đẹp hơn? và vinh quang hơn? Thiên Chúa ban cho chúng ta sự ham muốn tính dục làm năng lực để yêu như Người hằng yêu, bởi thế chúng ta mới có thể dự phần vào cuộc sống thần linh và chu toàn ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của chúng ta.

Nghe hay đấy, bạn có thể nói, nhưng nó hơi xa vời đối với cách tính dục đang phô diễn ra trong kinh nghiệm của con người thực tế. Vâng, đúng vậy. Sự ngược đãi phụ nữ trong lịch sử do tay người đàn ông; cái thảm kịch của hãm hiếp và các tội ác dâm dục ghê tởm khác, ngay cả đối với trẻ thơ; AIDS và nhiều chứng bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục khác; các bà mẹ chưa chồng; những đứa con không cha; phá thai; ngoại tình làm tăng vụt tỉ lệ ly dị; việc mãi dâm; kỹ nghệ khiêu dâm lớn cả tỉ đồng đô la; cái bóng mây bao quát của nhục nhã và tội lỗi đang giăng trên những vấn đề tính dục - tất cả những thứ này vẽ một bức hoạ rất khác với bức tranh Thánh Phaolô và ĐTC Gioan Phaolô II trao cho chúng ta.
Thực ra, cái bức hoạ được vẽ là cái thảm kịch của tội lỗi con người và cái suy sụp của chúng ta xa rời ý định của Thiên Chúa về tính dục cho chúng ta từ “thuở ban đầu”.


-----
[6] Xem Thtx, 5/1/1983. Đức Gioan Phaolô II mang đến một sự phát triển cho hiểu biết của Giáo hội về dấu chỉ bí tích của hôn nhân. Về mặt lịch sử, hầu hết các thần học gia đều đặt dấu chỉ bí tích của hôn nhân trong việc trao lời thề hứa kết hôn, đối lại với quan điểm khác đặt dấu chỉ bí tích trong hành vi hoàn hợp. Đức Gioan Phaolô II lấy cả hai lối nhìn ấy đặt lại chung với nhau bằng cách nhận thức rằng những lời thề hứa kết hôn “chỉ có thể nên trọn qua hành vi giao hợp vợ chồng”. Nơi hành vi giao hợp vợ chồng, Ngài nói, chúng ta bước sang cái hiện thực tương xứng với những lời cam kết này. Cả hai yếu tố này, điều này cũng như điều kia, đều quan trọng cho việc cấu thành dấu chỉ bí tích.
4. Tính dục con người “ngay từ thuở ban đầu”
Trở lại Sách Sáng Thế. Trong khi câu chuyện tạo dựng thứ nhất đưa ra một bài tường thuật khách quan về ơn gọi để yêu của chúng ta thì bài tường thuật tạo dựng thứ hai nói về kinh nghiệm chủ quan của nguyên tổ chúng ta về ơn gọi đó. Ông Ađam và bà Eva đại diện cho tất cả chúng ta. Nếu chúng ta để cho Lời linh hứng nói với chúng ta, chúng ta thấy những xu hướng bên trong tận đáy lòng chúng ta bị phơi trần trong câu truyện của họ. Chúng ta cảm nghiệm một “âm vang” của ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa nằm sâu trong chúng ta. Chúng ta cảm nhận được cái đẹp của nó, nhận thức được độ xa chúng ta đã xa lìa nó, và mong muốn phục hồi lại nó. [7]

Thiên Chúa tạo dựng ông Ađam từ bụi đất và thổi hơi thở của sự sống vào ông (St 2,7). [8] Tiếng Do Thái cho từ “hơi thở” trong ngôn ngữ kinh thánh gốc là từ chỉ thần khí. Và chúng ta nên nhớ rằng Thần Khí Thiên Chúa là tình yêu đích thực giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa đang thổi tình yêu của Người vào Con Người.

Như chúng ta đã thấy, điều muốn nói ở đây là con người là một nhân vị được mời gọi để sống trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Con người, sau khi đã nhận được tình yêu của Thiên Chúa, được mời gọi trao tặng bản thân lại cho Thiên Chúa. Họ cũng được gọi để chia sẻ tình yêu với người khác (Mt 22,37-40). Ơn gọi này được đóng ấn trong chính hữu thể của họ, và họ chỉ có thể thành toàn chính họ bằng cách thi hành theo. Như Công Đồng Vatican II đã dạy, “Con người, tạo vật duy nhất trên mặt đất do Thiên Chúa tạo nên cho chính họ, không thể nào hoàn toàn tìm thấy được chính mình nếu không chân thành tặng trao chính bản thân mình.” [9]


-----
[7] Một số người có thể phản đối: “Khoa học đâu có bác bỏ hoàn toàn việc Adong và Eva ăn ở với nhau?” Đúng. Các câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng thế không bao giờ có chủ ý tường trình khoa học về chuyện thế giới này được hình thành như thế nào. Sách Sáng thế dùng lối nói ẩn dụ để nói về những chân lý sâu xa hơn về vũ trụ, và sự hiện hữu của chúng ta trong vũ trụ ấy, mà khoa học không thể nói cho chúng ta biết.
Giả sử rằng bạn xin cả hai người, khoa học gia và thi sĩ miêu tả một cây gì đó. Họ sẽ cho bạn những bản tường trình rất khác nhau. Ai có thể nói rằng vị khoa học gia phi bác chàng thi sĩ.
Hơn nữa, các câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng thế hoàn toàn không phải là thơ ca của người nào đó. Tuy chúng mang màu sắc thần bí, nhưng các câu chuyện ấy không phải là thần thoại. Đó là Lời Thiên Chúa linh hứng. Các câu chuyện ấy nói lên sự thật – sự thật sâu xa – về ý nghĩa của sự sống, Thiên Chúa là ai, và chúng ta là ai xét như là người nam và người nữ. Giáo hội giải thích biểu tượng trong ngôn ngữ kinh thánh bằng một phương thế đáng tin cậy, dạy rằng nguyên tổ của chúng ta được dựng nên trong một tình trạng thánh thiện và công chính nhưng đã sa ngã qua một sự việc đã xảy ra ngay từ thuở ban đầu của lịch sử con người (x. GLHTCG, ss. 375 và 390).

[8] Vào thời điểm này trong lịch sử, “Ađam” (theo tự nghĩa có nghĩa là “con người”) là một ngôi vị bản tính con người và đại diện cho toàn thể nhân loại, không chỉ riêng cho đàn ông. Thật vậy, tường thuật kinh thánh không phân biệt giữa nam và nữ cho tới lúc người nữ được tạo dựng từ xương sườn Ađam.

[9] Vui mừng và Hy vọng, số 24 (từ đây sẽ viết tắt là GS). Được tạo dựng cho “chính chúng ta” nghĩa là, giữa những thứ khác, chúng ta không bao giờ bị ngang nhiên sử dụng như là phương tiện cho mục đích của một con người khác. Ngược lại, số tạo vật còn lại được tạo dựng không cho “riêng chúng” nhưng dành cho chúng ta. Bao lâu chúng ta còn là đầy tớ trung tín, chúng ta có thể sử dụng giới thụ tạo cho lợi ích của chúng ta. Nhưng chúng ta đừng bao giờ sử dụng người khác.
(Còn tiếp)
Nguồn: Website Giáo phận Nha Tranghttp://gpnt.net/

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

Tin Mừng Về Tính Dục Và Hôn Nhân

TIN MỪNG VỀ TÍNH DỤC VÀ HÔN NHÂN
Giải đáp những câu hỏi thẳng thắn về Giáo huấn của Giáo hội

CHRISTOPHER WEST
Nhóm Tâm Biển chuyển sang tiếng Việt từ cuốn
GOOD NEWS ABOUT SEX & MARRIAGE
Answers to your honest questions about Catholic Teaching
của CHRISTOPHER WEST
Freedom Publishing, Melbourne, Australia, 2003
Lời Giới Thiệu
Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người chỉ còn là một bản thể không thể hiểu nổi đối với chính mình. Cuộc sống con người sẽ vô nghĩa, nếu tình yêu không được bày tỏ, không được gặp gỡ, nếu con người không cảm nghiệm tình yêu và làm cho tình yêu trở thành của riêng mình, không thông dự một cách mật thiết vào trong tình yêu. Đây chính là lý do tại sao Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc lại “mạc khải trọn vẹn Con Người cho con người”.
Đức Gioan Phaolô II [1]

Lớn lên trong Giáo Hội Công giáo trong những thập niên 1970 và 1980, tôi có nhiều câu hỏi cũng như nhiều phản đối về những giáo huấn của Giáo hội về tính dục. Một khi những kích thích tố (hormones) của tôi bùng lên thì hầu như mọi điều tôi được dạy bảo về việc “giữ lòng trong sạch” đều bay qua cửa sổ hết. Thế nhưng, qua vài năm sau, tôi đã phải trả giá đắt cho lối sống tính dục của tôi.

Khi còn là sinh viên đại học năm thứ nhất, tôi thấy mình rất đỗi băn khoăn và đau khổ về căn tính đàn ông của mình. Tôi không thể phủ nhận là chính tôi đã chuốc lấy cho mình nhiều đau đớn và rối loạn này qua những thái độ và cư xử tính dục của mình. Lối sống lang chạ tràn lan trong cư xá đại học lại làm tăng thêm sự vô nghĩa của tất cả cái căn tính ấy.

Những mẫu chuyện “chinh phục tình dục” chúng tôi kể cho nhau nghe (và dĩ nhiên là được phóng đại) đang khi là sinh viên năm đầu đại học làm tôi càng ngày càng suy nghĩ nhiều hơn về sự bỉ ổi mà đàn ông có thể thực hiện. Vì qua mỗi “cuộc chinh phục” là có một phụ nữ bị xài xể và ruồng bỏ. Nhưng dường như chẳng có ai buồn để ý tới.

Tôi bị xúc động mạnh vào đêm tôi chứng kiến một cuộc hãm hiếp có xếp đặt trước trong một cư xá sinh viên (mà đây lại là một trường Công giáo). Cái kinh nghiệm này đã ám ảnh tôi: làm sao mà một người đàn ông có thể đối xử với một người phụ nữ chẳng ra gì cả, chỉ như một “đồ vật” cho những trò chơi tính dục của họ? Tuy nhiên, càng tự hỏi câu này liên quan đến điều tôi chứng kiến, tôi càng thấy tôi phải hướng câu hỏi này về chính bản thân tôi.

Tôi chưa bao giờ hãm hiếp ai, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi đâu có khác gì nhiều so với người nọ trong cách tôi cư xử đối với phụ nữ trong tư tưởng và thái độ của tôi? Chẳng phải là tôi cũng dùng bạn gái tôi để chơi bời sao? Rốt cuộc, khi tôi thực sự thành thật với chính mình, thì tôi phải kết luận rằng tôi cũng chẳng tốt gì hơn tên hiếp dâm kia.

Trong lúc lùng sục tận đáy sâu tâm hồn này, tôi đã tức tối với Thiên Chúa. Tôi khăng khăng: “Ngài đã cho mấy tên đàn ông những kích thích tố này! Dường như chúng đã gây hoạ cho con và mọi người khác con quen. Con phải làm gì với chúng đây? Con muốn biết sự thật! Cái tình dục này là cái quái gì? Làm thằng đàn ông có ý nghĩa gì?”

Lời thưa chuyện với Chúa ấy đã thúc giục tôi tìm kiếm để khám phá ra sự thật về tính dục. Đức Kitô đã nói, “Hãy tìm, thì sẽ gặp” (Mt 7,7). Cho nên tôi đã đi tìm.

Vắn tắt lại câu truyện dài này, cái mà tôi cuối cùng đã tìm thấy được chính là những bài viết của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đây là một người đã nhận định lại và đã trình bày lại những giáo huấn của Giáo hội về tính dục và hôn nhân với một sự hiểu biết uyên thâm và hết sức độc đáo. Công trình của Ngài giàn dựng cho một “cuộc cách mạng” tính dục mới, hứa hẹn sẽ mang lại điều mà cuộc cách mạng (tính dục) trước đã không thực hiện được: (đó là) sự thoả mãn đích thực của cái khát vọng đang lèo lái tất cả chúng ta - để yêu thương và được yêu thương.

Thực ra, đóng góp của ĐTC Gioan Phaolô II vào những giáo huấn của Giáo hội về tình dục và hôn nhân rộng lớn đến nỗi hai phần ba giáo huấn Giáo hội Công giáo nói về những đề tài này đều phát xuất từ triều đại Giáo hoàng của ngài. Tuy nhiên công trình của ĐTC hoàn toàn không được người Công giáo bình thường biết tới. Một khi những hiểu biết sâu sắc của ĐTC được nhận thức xứng đáng, thế giới chúng ta sẽ thấy được sự hồi phục của hôn nhân và gia đình, và sự dựng xây một nền văn minh sự sống đích thực. Tôi tin rằng sẽ là mùa xuân mới mà ĐTC thường nhắc tới.

Chỉ trong vòng vài tháng, tôi đã đọc ngấu nghiến hết toàn bộ cuốn Thần học Thân xác [2] của Đức Thánh Cha (ĐTC), Tông Huấn về Gia đình Kitô Giáo trong Thế Giới Mới (Familiaris Consortio) [3], và cuốn Tình Yêu và Trách Nhiệm [4]. Những điều tôi đọc được đã làm tanh bành trái tim tôi. Có thể nói, vị Giáo hoàng độc thân già nua này đã thọc sâu vào được những thổn thức sâu kín nhất của con người tôi, và giúp tôi hiểu được chúng.

ĐTC đã có thể giải thích những lý do đằng sau những ý nghĩa của những giáo huấn Công giáo bằng một cách thức mà qua đó bày tỏ được vẻ đẹp tuyệt vời của cái căn do Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã tạo dựng chúng ta, là nam là nữ. ĐTC đã biến đổi tận gốc cách tôi nhìn tôi trong cương vị một người đàn ông, cách tôi nhìn người phụ nữ, cách tôi hiểu Giáo hội và Thiên Chúa. Tóm lại, ĐTC đã thay đổi quan điểm của tôi về mọi thứ. Rồi tôi hiểu rằng tôi cần dùng hết thời gian còn lại của cuộc đời tôi để học hỏi tư tưởng của vị Giáo hoàng này và chia sẻ nó cho người khác.
Giờ đây, là một nhà giáo toàn thời gian (full-time) chú trọng vào những giáo huấn của Giáo hội về tính dục và hôn nhân, tôi thường xuyên nói chuyện với nhiều cử toạ khác nhau về những vấn đề này. Bất kỳ nơi nào tôi đến, người ta hay đặt ra những câu hỏi chân tình và sắc bén về những giáo huấn này của Giáo hội. Họ nêu lên những vấn đề và những phản đối đang đè nặng lên tâm hồn và đang ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của chính họ và của những người thân yêu. Những thắc mắc và những phản đối này đáng được lời giải đáp chân tình, không vòng vo, và thông suốt – xoáy vào lãnh vực sâu kín nhất của đời sống con người nhằm giúp họ hiểu được những giáo huấn mà người ta cho là “độc đoán” hay”cổ hủ” của Giáo hội.

Vì tôi lấy từ kinh nghiệm riêng tôi và từ điều tôi học được từ ĐTC Gioan Phaolô II để giải thích những giáo huấn của Giáo Hội, chắc không tránh khỏi là có người phản ứng: “Tôi đã học trường công giáo suốt cả đời mà sao chưa bao giờ nghe thấy điều này. Tại sao vậy?”. Những người khác nói mà nước mắt lưng tròng: “Giá mà tôi biết điều này sớm hơn một chút trong đời tôi, có lẽ tôi đã không phải đau khổ vì bao nhiêu là lỗi lầm.”

Cuốn sách này được lọt lòng từ những cuộc trao đổi trên. Đây là một cuốn sách mà những người như chính bạn đã giúp tôi biên soạn. Tôi đã thu góp lại những câu hỏi và những phản đối từ những người còn độc thân, những cặp đang đính hôn, những đôi tân hôn, và những đôi vợ chồng đã cưới nhau 10, 20, ngay cả 40 năm hay hơn nữa: từ những người Công giáo, Tin lành, và những người không cùng niềm tin; từ những cặp vợ chồng hạnh phúc lẫn những cặp không hạnh phúc và từ những người đã đau khổ vì ly dị. Tôi trình bày tất cả những điều đó ra đây và lần lượt đề cập đến từng phần một.

Theo như các bài Giáo lý của ĐTC Gioan Phaolô, chương thứ nhất trình bày những nền tảng kinh thánh cho kế hoạch về tính dục và hôn nhân của Thiên Chúa. Những chương kế tiếp được chia ra theo đề tài và được trình bày theo dạng câu hỏi và trả lời. Mục đích là trình bày sao cho dễ hiểu hết sức có thể những điều mà mọi người muốn biết. Cho dù thắc mắc của bạn không được nói đến cách trực tiếp, bạn vẫn có thể có những công cụ cần thiết để đạt được một câu trả lời của huấn giáo truyền thống Công giáo.

Rất có thể một số bạn đọc muốn tìm những câu trả lời mau lẹ cho những thắc mắc riêng biệt. Cũng tốt thôi, nhưng nên lưu ý rằng mỗi chương đều được viết dựa vào chương trước đó. Để thu thập được toàn vẹn bức dung hoạ, bạn đọc nên đọc từng chương một. Tôi cũng mạnh dạn khuyến khích bạn đọc dành thời giờ để đọc những chú giải. Ngoài những tài liệu tham khảo, những chú giải thường chứa đựng thông tin hữu ích, kể cả những tài liệu phụ thêm và cách thức đặt mua những tài liệu đó.

Nguyện ước tâm thành của tôi là dù bạn đang ở vào bất cứ tình trạng và giai đoạn nào trong đời, cuốn sách này sẽ giúp bạn trong công cuộc tìm kiếm để biết, hiểu, sống và cảm nghiệm sự thật tốt đẹp về tình yêu con người. Vì đó là nơi chúng ta tìm thấy được hình ảnh của sự linh thánh, nếm cảm trước về thiên đàng - sự thoả mãn tột cùng của tất cả những mong ước sâu xa nhất của chúng ta.

Christopher West

[1] Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người (Redemptor Hominis), số 10.
[2] Thần học Thân xác (Thtx.) là tựa đề chung được đặt cho sưu tập 129 bài giáo lý của Đức Gioan Phaolô II trong những buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hằng tuần trong khoảng thời gian từ 5/9/1979 đến 28/11/1984. Trong đó, qua nghiên cứu phân tích những đoạn văn kinh thánh nói về thân thể, tính dục, hôn nhân, và ơn gọi độc thân, Đức Gioan Phaolô trình bày một hiểu biết sâu xa về bản vị con người (nhân vị) và ý nghĩa của cái chúng ta gọi là “tình yêu hôn nhân” mà trước đây chưa bao giờ được nói đến một cách rõ ràng. Phần nhiều những hiểu biết sáng suốt này được trình bày trong chương một của tập sách này. Những chương tiếp theo cũng được rút ra khá nhiều từ công trình này.
Toàn bộ những bài giáo lý này được Nhà Xuất bản Nữ tử Thánh Phaolô cho in lần đầu hợp thành bốn cuốn mà giờ đây đã tuyệt bản (Original Unity of Man and Woman, Blessed Are the Pure of Heart, The Theology of Marriage and Celibacy, and Reflections on Humanae Vitae). Những trích dẫn trong sách này được lấy từ bản dịch trên. Một bản dịch Thần học Thân xác với chút ít khác biệt mới đây cũng đã được Nhà Xuất bản Nữ tử Thánh Phaolô xuất bản đóng thành một cuốn. Muốn đặt mua, xin xem phần Nguồn tài liệu ở cuối sách, ở đó có các số điện thoại của các đại lý. Cũng nêu thông tin về một bộ sưu tập băng dĩa có tựa đề “Naked Without Shame, (Trần Truồng mà Không Xấu Hổ)” mục đích để giúp cho những hiểu biết thông sáng có tính cách mạng này có thể tới được với khán thính giả rộng lớn hơn.
[3] Tài liệu này được viết vào năm 1981 tiếp theo sau Thượng Hội Đồng GM về Gia đình. Đó là một trình bày xuất sắc và dễ hiểu của Giáo huấn Giáo hội về tính dục, hôn nhân, và đời sống gia đình. Từ đây trở đi, trong phần chú thích chúng tôi sẽ qui chiếu về tài liệu đó với tên là Tông Huấn Gia Đình (THGĐ).
[4] Karol Wojtyla (Gioan Phaolô II), Love and Responsibility (Tình Yêu và Trách Nhiệm, TY và TN) (San Francisco: Ignatius, 1993), 43). Cuốn sách này lần đầu tiên được in ở Ba Lan vào năm 1960, mười tám năm trước khi Karol Woityla trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Dựa trên nhiều năm đối thoại và làm việc mục vụ với các thanh niên nam nữ, cũng như những cặp mới đính hôn và những đôi vợ chồng, cuốn sách đã xem xét kinh nghiệm con người bình thường để minh chứng rằng Giáo huấn luân lý Công giáo về tính dục và hôn nhân phù hợp hoàn toàn với phẩm giá của con người.
Một trường phái triết học “nhân vị”, như người ta thường gọi triết học của Đức Gioan Phaolô, nhận thức rằng con người nhân vị là chủ thể mà hướng về chúng chỉ có thái độ đích thực là tình yêu. Một con người nhân vị không bao giờ chỉ là một đối tượng để người ta sử dụng. Ngài lập luận rằng cái chủ trương không chấp nhận những đòi hỏi của đạo đức tính dục công giáo chắc chắn sẽ biến người ta thành đồ vật để sử dụng.

Chương Một
Mầu nhiệm Cao Cả
Đặt nền Tảng

“Mầu nhiệm cao cả”, là mầu nhiệm Giáo hội và nhân tính trong Đức Kitô, không hiện hữu tách biệt khỏi “mầu nhiệm cao cả” được bày tỏ trong thực tại “một xương một thịt”… của hôn nhân và gia đình.
Đức Gioan Phaolô II [1]

Giáo huấn của Giáo hội về tính dục và hôn nhân là tin mừng. Chân lý này phải được nhấn mạnh từ đầu. Là tin mừng vì đó là chân lý về tình yêu, và tình yêu chân thật là sự toàn thiện của con người.

Nhưng giáo huấn của Giáo hội về tính dục và hôn nhân cũng là tin thử thách, vì chân lý về tình yêu thì luôn có thử thách.

Khi chúng ta tìm thấy ý nghĩa thực sự của tính dục, chúng ta đụng tới cái cốt lõi của con người chúng ta trong cương vị là người nam và người nữ. Chúng ta gặp những ước muốn và khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta và, cùng lúc, những lo sợ sâu thẳm nhất, những vết thương, những ích kỷ, cũng như tội lỗi. Thử thách chính là chỗ này: chúng ta phải đối diện với sự thật của bản tính con người của chúng ta - cái tốt và cái xấu - nếu chúng ta muốn khám phá sự thật về tính dục của chúng ta. Đương nhiên việc này sẽ dẫn chúng ta tới thập giá. Vì chính Thiên Chúa, bằng cách bày tỏ chân lý tình yêu, chỉ rõ cho chúng ta ý nghĩa của sự sống.

“Yêu nhau như Thầy vẫn yêu thương các con” (Ga 15,12). Những lời của Đức Kitô này tóm tắt ý nghĩa của sự sống và ý nghĩa của tính dục con người. Ở cốt lõi của nó, luân lý tính dục là sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa qua thân thể chúng ta. Đó là lý do mà ĐTC Gioan Phaolô II có thể nói rằng nếu chúng ta sống theo sự thật về tính dục của chúng ta, chúng ta làm tròn chính cái ý nghĩa của hiện thể và sự hiện hữu của chúng ta. [2]

Tuy nhiên nói ngược lại cũng đúng. Nếu chúng ta không sống theo sự thật về tính dục thì chúng ta sẽ đánh mất hoàn toàn ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta. Chúng ta chối bỏ niềm vui và hạnh phúc thật sự.

Cho nên, những tranh luận về luân lý tính dục không chỉ là do những quan điểm đạo đức khác nhau, những chú giải khác nhau về Kinh Thánh, hay quyền của Giáo hội đối với lương tâm cá nhân. Không, chúng đi sâu hơn thế nữa. Tại gốc rễ của nó, những tranh luận về luân lý tính dục là những tranh luận về ý nghĩa của sự sống.

Giáo hội không ngừng công bố rằng Đức Kitô đến trần gian không những chỉ bày tỏ cho chúng ta ý nghĩa của sự sống, nhưng còn ban cho chúng ta ơn sủng để khắc phục những sợ hãi, đau thương, ích kỷ và tội lỗi để chúng ta sống theo ý nghĩa đó. Tình yêu chân thật có thể có được. Đó là lời hứa mà Giáo hội nêu ra cho chúng ta trong những giáo huấn về tính dục và hôn nhân. Đây là tin mừng. Đây là tin lớn lao.

Nhưng nếu là “tin lớn lao”, thì tại sao quá nhiều người lại tranh luận về giáo huấn của Giáo hội? bạn có thể hỏi. Chúng ta cần phải thành thật ở đây. Người ta tìm ra nhiều điểm trong giáo huấn của Giáo hội để tranh cãi, nhưng nếu ai đó có điều gì khó chịu với Giáo hội Công giáo, thì điều đó luôn là tính dục. Hoặc là giáo huấn của Giáo hội về ngừa thai (“Mau lên nào, hiện đại hoá theo thế giới tân thời!”), ly dị và tái hôn (“Bạn có thể vô tình tới mức độ nào?”), hay chỉ truyền chức linh mục cho đàn ông (“Bằng chứng cụ thể là Giáo hội đàn áp phụ nữ”), những tranh cãi đó thường dựa trên những bất đồng ý kiến của chúng ta về tính dục.

Đó là lý do chúng ta cần phải đi tới một sự hiểu biết sáng suốt về điều Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta về bản chất tính dục con người. Trong khi ý kiến rất được ưa chuộng cho rằng quan điểm Kitô giáo về tính dục rất là tiêu cực, thì điều chúng ta thực sự khám phá ra bằng suy niệm dựa trên Kinh thánh là tính dục trong kế hoạch của Thiên Chúa tuyệt vời hơn bất cứ ai có thể mơ tưởng đến. Điều đó thật đúng là không thể tin được, nghĩa là quá cao siêu. Chỉ có đức tin mới có thể tin được “mầu nhiệm cao cả” này.

1. Vị trí thiết yếu của Tính dục trong Kế hoạch của Thiên Chúa
Do đó tính dục không phải là chuyện bên lề. Thực vậy, ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng, ơn gọi vào “tình yêu hôn nhân” bày tỏ qua tính dục của chúng ta là “yếu tố căn bản của sự hiện hữu của con người trên thế giới”. [3] Không gì có thể quan trọng hơn điều đó. ĐTC còn quả quyết rằng chúng ta không thể hiểu Kitô giáo là gì nếu chúng ta không hiểu sự thật và ý nghĩa của tính dục của chúng ta.[4]

Từ đầu tới cuối, Kinh Thánh chính là một câu chuyện về hôn nhân. Câu chuyện bắt đầu bằng hôn nhân của ông Ađam và bà Evà trong sách Sáng Thế và kết thúc với “đám cưới của Con Chiên” - đám cưới giữa Đức Kitô và Giáo hội trong sách Mạc Khải. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người được mô tả như là tình yêu của một người chồng dành cho vợ mình. Trong Tân Ước, Đức Kitô là hiện thân của tình yêu này. Người đến như một Tân Lang từ trời xuống để kết hợp với Tân Nương của Người - với chúng ta.

Đúng vậy, kế hoạch của Thiên Chúa từ muôn đời là “kết hôn” với chúng ta – là kéo chúng ta vào trong sự hiệp thông mật thiết nhất với Người. Thiên Chúa muốn bày tỏ kế hoạch muôn đời này cho chúng ta bằng một cách mà chúng ta không thể nào quên sót được, vì thế Người đóng dấu ngay trong chính hữu thể của chúng ta là nam và nữ. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn nói cho người trần gian chúng ta biết Người là ai, chúng ta là ai, ý nghĩa của sự sống là gì, lý do Người tạo dựng chúng ta, chúng ta phải sống làm sao, và ngay cả cái vận mệnh sau hết của chúng ta tất cả những điều ấy hầu như được gói ghém trong sự thật và ý nghĩa của tính dục và hôn nhân. Đây là điều thật quan trọng.

Chúng ta cùng đào sâu hơn.
(Còn tiếp)
-----
[1] Gioan Phaolô II, Thư cho các gia đình, số 19.
[2] x. Thần học thân xác (Thtx.), 16/1/1980
[3] x. Thtx., 16/1/1980
[4] x. Gioan Phaolô II, Thư cho các Gia đình, số 19
Nguồn: Website Giáo phận Nha Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

Giáo Dục Kitô Giáo Trong Xã Hội Hôm Nay

Người Công giáo và giáo dục Kitô giáo trong môi trường xã hội hôm nayVietCatholic News (07 Apr 2009 00:49)

Lời Chủ Chăn tháng 5.2009

1. Người Công giáo và niềm tin kitô giáo

Dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh cũng như trong đời sống của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô, người công giáo tin rằng Đấng Tối Cao, Đấng Chí Thánh Chí Tôn, là Thiên Chúa nhất thể tam vị. Tin rằng Ngôi Cha là Tình Yêu. Tin rằng Thiên Chúa Cha yêu thương loài người đến độ gởi Người Con Một là Đức Giêsu Kitô, là hiện thân Tình Yêu, đến làm người sống với loài người, để những ai tin vào Người Con nầy thì được sống muôn đời. Tin rằng Chúa Cha cũng gởi Thánh Thần của Ngài, là Thần Khí sự sống và là nguồn lực Tình Yêu, đến với mọi người, để những ai đón nhận Thánh Thần thì được sống dồi dào.

Cốt lõi niềm tin kitô giáo là xác tín Thiên Chúa là Cha trên trời giàu lòng yêu thương. Và vì yêu thương, Ngài ban cho ta cả kho tàng hồng ân cứu độ. Hồng ân trọng đại nhất là Người Con Một và Thánh Thần của Ngài, cùng Lời Chúa và các Nhiệm tích. Do đó, người công giáo chân chính là người cảm nhận những gì mình có, - sự sống và đạo làm người, gia đình cùng mọi sự an lành và mọi điều thiện hảo trong cuộc sống -, là quà tặng của Người Cha đầy lòng thương yêu. Đối với người công giáo, sống niềm tin kitô giáo là đáp trả lại tình thương vô biên của Cha trên trời với tấm lòng thảo kính tuân hành ý Ngài. Tôn ý của Ngài là người người sống yêu thương chan hoà trong gia đình, coi mọi người anh em đồng bào và đồng loại là con một Cha, là anh em một nhà, và chia sẻ cho nhau mọi hồng ân Chúa ban cho, trước tiên là hồng ân đức tin, là cánh cửa mở vào kho tàng hồng ân cứu độ.

2. Người Công giáo và luật của Đạo Chúa

Luật tối thượng của Đạo Chúa là mến Chúa yêu người. Luật nầy trước tiên được ghi khắc ngay trong bản chất con người được Thiên Chúa tạo thành theo hình ảnh của Ngài là Tình Yêu. Luật thành văn đến sau, nhằm giúp con người ý thức về nguồn gốc của mình là con Cha trên trời, về bản chất của mình là yêu thương.

Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội công giáo, cách đây 20 thế kỷ, nhiều người trong xã hội bấy giờ đã nhận ra các tín hữu tiên khởi hợp thành một cộng đoàn yêu thương và cộng sinh, nhờ thế mà trong cộng đoàn không có ai thiếu thốn, đói khổ, bị bỏ rơi. Cách đây gần 500 năm, khi ông bà tổ tiên đón nhận Đạo Chúa mới đến trên đất nước Việt Nam, đồng bào chúng ta đã chứng kiến Đạo Chúa là sức sống mới, là sức mạnh của tình yêu mới nối kết các tín hữu tiên khởi trong tình huynh đệ tương thân tương trợ và đùm bọc lẫn nhau. Và vì thế, họ đặt tên cho Đạo mới là Đạo yêu thương. Ngày nay, cũng chính nhờ sức mạnh của tình yêu mới đó, có những cộng đoàn công giáo ngay trong Thành phố nầy, cùng chung sức khắc phục cách có hiệu quả tình trạng nô lệ sự dữ và tội lỗi, tình trạng suy thoái trầm trọng của đời sống luân lý và đạo đức trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nay, tại những cộng đoàn đó, mọi người sống trong tình liên đới huynh đệ, trong một hoà khí tự do và an lành hơn. Những nơi đó, trước đem lại sự sợ hãi cho cộng đồng, nay trở thành điểm tựa đáng tin cho nhiều người.

Từ đó, người ta không còn dừng lại ở định nghĩa người công giáo là người đi nhà thờ, song người công giáo là người cảm nhận được Cha trên trời yêu thương, đồng thời là người biết sống tình huynh đệ liên đới với mọi người, không phân biệt giai cấp người giàu hay nghèo, sang hay hèn, học thức hay thiếu học, bạn hay thù, lành hay dữ.

3. Người Công giáo và hai loại tình yêu trong cuộc sống gia đình và xã hội

Cách đây 2 năm, nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc, tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với một số chức sắc trong cộng đồng dân Chúa tại Trung Quốc. Các vị đó có nêu lên một vấn đề trong lịch sử truyền giáo tại Trung Quốc, và phân ra hai loại nhà truyền giáo. Loại một là những nhà truyền giáo quan tâm tìm hiểu văn hoá bản xứ, trân trọng văn hoá đó, và góp phần tạo khả năng và thuận lợi cho việc phát huy nền văn hoá đó. Loại hai là những nhà truyền giáo không quan tâm tôn trọng văn hoá bản xứ, đồng thời áp đặt trên người dân bản xứ những gì xa lạ từ thế giới bên ngoài. Loại nầy bị coi là một chướng ngại cho sự phát triển của đạo Chúa cũng như của Giáo Hội công giáo nơi bản xứ.

Tôi có chia sẻ những suy nghĩ và nhận định của tôi: lịch sử và cuộc sống xác minh rằng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, xưa cũng như nay, có hai loại tình yêu thương. Loại một là tình yêu tôn trọng và đồng cảm, mở đường và trợ lực cho sự tăng trưởng của đối tượng được yêu thương. Loại hai là tình yêu mang tính gia trưởng, chuyên chế và áp đặt đối với đối tượng được yêu thương. Loại hai nầy làm đình trệ sự phát triển của đối tượng được yêu thương, dù là con người hay gia đình hay dân tộc.

4. Người Công giáo bước theo Đức Giêsu Đấng cứu độ, để đi đến sự sống mới

Trong cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã loan Tin Mừng cứu độ và phục vụ cho sự sống con người. Vào cuối đời, Ngài đã tự nguyện đón nhận khổ nhục và cả cái chết của kiếp trần ai. Từ đó, nhờ sức mạnh vô biên của tình yêu thương, Ngài đã biến khổ nhục và cái chết của kiếp người, từ một nhục hình và một ngõ cụt, trở thành cửa ngỏ dẫn mọi người vào con đường cứu độ đưa đến sự sống mới, sự sống dồi dào trong tự do và hạnh phúc lâu dài.

Bước theo con đường cứu độ Chúa đã mở ra, người công giáo cũng cần phải tự nguyện trải qua cái chết ngay trong kiếp sống nầy, để đi đến sự sống mới. Chết ngay trong kiếp sống nầy, cốt yếu là chết đi cho lòng tham sân si là tà tâm, để mở rộng chánh tâm cho tình yêu mới được lớn lên và toả sáng. Tình yêu mới mà Chúa đổ vào lòng ta, mang tính vị tha và liên đới, quảng đại và bao dung đối với mọi người anh em đồng bào và đồng loại. Khi thoát khỏi động cơ ích kỷ hẹp hòi của lòng tham sân si, tình yêu mới sẽ là tình huynh đệ vị tha và liên đới, sẽ không còn mang tính đối kháng là tính đưa đến thái độ phân biệt đối xử và thù nghịch giữa những người anh em đồng bào và đồng loại.

5. Người Công giáo Việt Nam chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010 tại Việt Nam

Để chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010 kỷ niệm 350 năm hình thành Giáo Hội công giáo trên đất nước chúng ta, và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, người công giáo VN, thừa hưởng truyền thống đạo hiếu của dân tộc VN, đồng thời đã đón nhận niềm tin kitô giáo, vừa là quà tặng của Cha trên trời, vừa là gia sản vô giá cha ông chúng ta để lại, cần chung sức đền đáp công ơn nầy.

Đền đáp, một mặt, bằng cách dành thời gian nhìn lại, dưới ánh sáng niềm tin kitô giáo, những nếp nghĩ và thái độ ứng xử, những cách nói và lối hành văn, cả trong kinh sách từ xưa, nay không còn phù hợp với nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, đồng thời nhận ra những thiếu sót, những lệch lạc, những sai trái, đối với tôn ý của Cha trên trời, đối với luật Chúa dạy sống bác ái huynh đệ, đối với mọi người là con một Cha và anh em một nhà, để điều chỉnh và bổ sung, đền bù và đổi mới. Vả lại, con đường sám hối và đổi mới là con đường vượt qua những bất cập, những giới hạn nhân loại, để tìm đến nguồn ánh sáng và sức sống mới từ Tin Mừng cứu độ Chúa Giêsu Kitô. Đó cũng là con đường thắp sáng lên trên đất nước Việt Nam ngọn lửa tình yêu cứu độ mà Đức Giêsu đã mang vào thế giới nầy từ gần 2000 năm nay.

Đền đáp, mặt khác, bằng cách tích cực tham gia đời sống và sứ vụ mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo Hội của Ngài. Sự hiện hữu của Giáo Hội Chúa Kitô trên trái đất nầy là vì xã hội loài người, vì sự sống của mọi người, của mọi dân tộc. Do đó, sứ vụ của Giáo Hội là bước theo Chúa Kitô yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá của mọi người anh em trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay. Sứ vụ đó còn là tạo khả năng và thuận lợi cho mọi người mở rộng tâm trí và đổi mới hướng sống của mình, từ quy ngã và duy vật chất đến hướng thượng và hướng tha.

6. Người Công giáo chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ trong xã hội hôm nay

Trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ mà Chúa Kitô trao cho Giáo Hội, cơ bản là nỗ lực góp sức xây bốn viên đá nền hay bốn trụ cột cho những ngôi nhà gia đình và xã hội đang được xây lên trên trái đất còn ngổn ngang nhiều gian dối và bất công, nhiều hận thù và bạo lực, nhiều thiếu hụt và đói khổ về mặt vật chất, tinh thần cũng như tâm linh.

Bốn viên đá nền hay bốn trụ cột đó là bốn giá trị nền tảng từ Tin Mừng Chúa Kitô. Bốn giá trị nền tảng từ Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô là: một là chân lý, hai là công lý, ba là tình bác ái huynh đệ liên đới và đại đồng, bốn là sự an bình và hoà bình. Xây bốn trụ cột đó có nghĩa là chung sức thể hiện cùng chiếu toả đủ cả bốn giá trị nền tảng đó, trong đời sống gia đình, đời sống giáo hội, và đời sống xã hội hôm nay. Bốn giá trị nền tảng đó sẽ là bốn trụ cột vững chắc chống đỡ những mái nhà nhân loại.

Lịch sử loài người xác minh bốn trụ cột được xây bằng chất liệu những giá trị nền tảng từ Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô, có khả năng bảo đảm cho ngôi nhà gia đình trở nên một mái ấm vững chắc, cho ngôi nhà dân tộc cũng như ngôi nhà thế giới đượm tình huynh đệ tương thân tương trợ và trở nên vững bền trong chân lý, công lý và hoà bình. Lịch sử các chế độ trong xã hội loài người tự cổ chí kim cũng xác minh những trụ cột được xây bằng những sản phẩm do tham vọng hay trí khôn của con người sáng chế ra qua các thời đại, đều không làm cho những ngôi nhà được xây lên trên mặt đất nầy mang tính trường tồn trong tự do, an bình và hạnh phúc thật.

+ ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn