Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
LXXXIX
ĐỨC KITÔ LÀ NGUỒN MẠCH VÀ LÀ MẪU MỰC
CHO TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC CẶP VỢ CHỒNG
1. Giờ đây chúng ta bắt đầu phân tích một cách đặc biệt hơn đoạn Thư Êphêsô 5,22-33. Hướng về các cặp vợ chồng, Tác giả khuyên họ «hãy tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô» (5,21).
Vấn đề ở đây là một tương quan mang hai chiều kích hay hai cấp độ: tính hỗ tương và tính cộng đoàn. Cái này xác định và là đặc trưng cho cái kia. Tương quan giữa vợ và chồng phải xuất phát từ quan hệ chung cuả họ với Đức Kitô. Tác giả của bức Thư nói đến «lòng kính sợ Đức Kitô» theo nghĩa loại suy như khi nói đến «lòng kính sợ Chúa». Trong trường hợp này, điều chính yếu không phải là sự sợ hãi, tức thái độ tự vệ đứng trước đe doạ của cái ác, nhưng trước hết đó là lòng kính tôn đối với sự thánh, tức thực tại thánh thiêng (sacrum). Đó là lòng đạo đức (pietas), mà theo kiểu diễn tả của Cựu ước cũng là sự «kính sợ Chúa» (x. vd. Tv103,11; Cn 1,7; 23,17; Hc 1,11-16). Thực ra, lòng mộ đạo ấy, vốn xuất phát từ ý thức thẳm sâu vềmầu nhiệm Đức Kitô, phải là nền tảng cho các mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau.
2. Như văn mạch trực tiếp của nó, bản văn chúng ta chọn cũng có đặc tính «khuyến thiện», nghĩa là dạy dỗ luân lí. Tác giả bức Thư ước muốn chỉ dẫn cho các đôi vợ chồng phải xây dựng mối tương quan của họ với nhau như thế nào và cả lối ăn cách ở của họ. Ngài rút ra những chỉ thị và hướng dẫn riêng từ mầu nhiệm Đức Kitô, trình bày từ đầu bức Thư. Mầu nhiệm này phải hiện diện cách thiêng liêng trong mối tương quan giữa vợ chồng. Đi sâu vào lòng họ, làm nảy sinh trong họ «lòng kính sợ Đức Kitô» thánh thiêng (tức là lòng đạo đức [pietas]), mầu nhiệm Đức Kitô phải dẫn họ tới chỗ «tùng phục lẫn nhau». Mầu nhiệm Đức Kitô, nghĩa là mầu nhiệm chọn lựa mỗi người, từ trước muôn đời, được «làm con cái Chúa» trong Đức Kitô [1].
3. Đoạn văn Ep 5,22-33 mà chúng ta đã phân tích văn mạch xa cũng như gần hay trực tiếp, bắt đầu với một diễn ngữ với ấn tượng rất đặc biệt. Tác giả nói đến sự kiện vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau, và từ đó giúp ta hiểu cần phải hiểu thế nào những lời được viết sau đó về sự người vợ hãy tùng phục chồng. Thật vậy, ta đọc thấy : «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa» (5,22). Nói thế tác giả không có ý hiểu rằng người làm chồng thì làm «chúa» vợ mình và giao ước liên vị của hôn nhân là một thứ hợp đồng bảo đảm quyền sở hữu (tức thống trị) của người chồng đối với người vợ. Trái lại, điều đó muốn diễn tả một khái niệm khác, đó là : người làm vợ, trong tương quan với Đức Kitô – là Đức Chúa duy nhất đối với cả hai vợ chồng – có thể và phải tìm thấy được cái lí do của mối quan hệ với người làm chồng, một quan hệ xuất phát từ chính yếu tính của hôn nhân và của gia đình. Nhưng tương quan đó không phải là sự phục tùng một chiều. Theo giáo lí của Thư Êphêsô, hôn nhân loại bỏ yếu tố vốn làm cho giao ước nên nặng trĩu và, có khi, hay nặng về thể chế pháp lí. Thật ra, người làm chồng và người làm vợ «tùng phục lẫn nhau», người này tự hạ mình phục vụ người kia. Nguồn mạchcủa sự tùng phục lẫn nhau này là ở nơi lòng đạo đức kitô giáo, và diễn tả của nó là tình yêu.
4. Tác giả của bức Thư nhấn mạnh cách đặc biệt đến tình yêu này, khi hướng về người làm chồng. Quả thật, ngài viết : «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình...», và với cách thức diễn tả này ngài tước bỏ mọi yếu tố của sự sợ hãi (là điểm nhạy cảm của con người thời đại) có thể được gợi lên từ câu nói trước đó : «Người làm vợ hãy tùng phục chồng». Tình yêu loại trừ mọi kiểu phục tùng trong đó người làm vợ trở nên như người đày tớ hay nô lệ của người chồng, đối tượng của một sự phục tùng trước thái độ độc đoán. Tình yêu thì không như thế, vì trong tình yêu cả người làm chồng cũng phục tùngvợ, và đó là vì phục tùng chính Chúa, như vợ đã đối với chồng vậy. Cộng đoàn gia đình hiệp nhất mà họ phải xây dựng vì hôn nhân, được thành hiện thực là nhờ họ dâng hiến cho nhau, cũng có nghĩa là họ tùng phục lẫn nhau. Đức Kitô là nguồn mạch và cũng là mẫu mực của sự phục tùng ấy, một sự phục tùng lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô», điều ấy làm cho sự kết hợp vợ chồng trở nên sâu sắc và chín muồi. Nhiều yếu tố mang tính tâm lí hay phong tục, trong nguồn mạch ấy và trước mẫu mực ấy, được biến đổi sâu xa đến nỗi làm xuất hiện một «tổng hợp» các hành vi và các mối quan hệ hai chiều, mới mẻ và quí giá.
5. Tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô không e ngại nhận lấy các quan niệm riêng của não trạng và tập tục thời ấy; ngài không ngại nói đến sự phục tùng của người làm vợ đối với người chồng; và rồi cũng không ngại (trong câu cuối cùng của đoạn Kinh thánh ta đang trích dẫn) khuyên người vợ «hãy kính sợ chồng mình» (5,33). Quả thật, hẳn là khi người chồng và người vợ mà cư xử trong sự phục tùng lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô», thì mọi sự sẽ bình yên ổn thỏa, hòa hợp với ơn gọi kitô hữu của họ trong mầu nhiệm Đức Kitô.
6. Thế nhưng, chắc chắn là tâm thức của con người chúng ta ngày nay thì khác, cả não trạng và tập tục hiện nay cũng khác xưa, và vị thế xã hội của người phụ nữ đối với nam giới cũng khác. Tuy nhiên, nguyên lí nền tảng vững bền ta có từ Thư Êphêsô vẫn thế và vẫn sinh hoa kết quả. Phục tùng lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô» – một sự phục tùng phát sinh trên nền tảng của lòng đạo đức – luôn tạo nên cấu trúc sâu xa và chắc chắn cho cộng đoàn hôn nhân, trong đó sự «hiệp thông» các ngôi vị đích thực được thực hiện.
7. Tác giả của bản văn gửi cho các Tín hữu Êphêsô đó, khởi đầu bức Thư đã giới thiệu một viễn ảnh về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa dành cho loài người, ngài không chỉ lưu ý hạn chế vào các khía cạnh tập tục truyền thống hay đạo đức của hôn nhân mà thôi, nhưng vượt trên phạm vi giáo huấn luân lí. Thật vậy, trong khi viết về tương quan giữa vợ chồng với nhau ngài khám phá một chiều kích, là chính mầu nhiệm Đức Kitô, và ngài trở thành người loan báo và là tông đồ của mầu nhiệm ấy. «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh...» (5,22-25). Như thế, giáo huấn của phần khuyến thiện này của bức Thư, cách nào đó, được tháp vào trong chính thực tại mầu nhiệm được giấu kín tự muôn thuở trong Thiên Chúa và được mạc khải cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Trong Thư Êphêsô, chúng ta nhận thấy một cuộc gặp gỡ, có thể nói là, đặc biệt của mầu nhiệm ấy với chính yếu tính của ơn gọi hôn nhân. Nhưng cần phải hiểu như thế nào về sự gặp gỡ này ?
8. Trong bản văn của Thư Êphêsô, nó được trình bày trước hết như là một loại suy phóng đại. Chúng ta đọc thấy rằng : «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa...» : đó là yếu tố loại suy đầu tiên. «Vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh...» : đó là yếu tố loại suy thứ hai, yếu tố này giải thích và nêu lí do cho loại suy thứ nhất. «Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy...» : như mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh được trình bày trước đây, giờ đây mối quan hệ của Hội Thánh đối với Đức Kitô được diễn tả, và ở đây hàm chứa yếu tố tiếp nối của loại suy. Sau cùng : «Và hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như chính Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh...» : đó là yếu tố loại suy cuối cùng. Phần kế tiếp của bản văn trong bức Thư khai triển tư tưởng nền tảng của đoạn ta trích dẫn ở đây. Toàn thể bản văn chương Năm (cc. 22-23) của Thư Êphêsô tràn ngập cùng một kiểu loại suy: đó là, mối tương quan hôn phối giữa vợ và chồng các kitô hữu cần phải hiểutheo hình ảnh của mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét