Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Gia đình Việt Nam xưa và nay

Lời ngỏ: 

Câu chuyện được bắt đầu vào cái đêm tôi tình cờ nghe giọng ai đó hát ru từ phía căn nhà đối diện, trong một dịp tôi về thăm quê. Thật lạ và thú vị được thưởng thức những bài hát ru của những ngày thơ ấu. Vì đã từ lâu, tôi không còn được nghe những tiếng hát ru khi xa quê nhà. Những đêm sau, tôi chờ, tôi chờ, … tôi chờ để lắng nghe và được trở về với thế giới tuổi thơ, về vòng tay tổ ấm của gia đình, trở về miền ký ức có vạt nắng xanh rì, có vuông sân cổ tích, có cánh diều lộng gió, có khói lam chiều bàng bạc …

Tôi đã đợi trong hồi hộp và nhớ nhung nhưng không thấy… Và tôi hiểu rằng là giấc mơ thì không bao giờ trọn vẹn.


Dù gì cũng cảm ơn ai đó đã cho tôi sự ngọt ngào của nhớ nhung và nhất là cho tôi ý tưởng, những cảm nghiệm về thực trạng gia đình Việt Nam hôm nay để viết bài luận với niềm tin rằng: Gia đình Việt Nam hôm nay thì những lời hát ru ấy sẽ chẳng thể sống mãi trong xã hội hiện đại, xô bồ. Điều này phải chăng quá bi quan?

Những ngày còn bé, Ngoại thường đưa tôi vào giấc ngủ bằng lời ru nhịp nhàng theo nhịp võng đong đưa:

“À ơi … À ơi cháu rất (ơ) thương bà
“Đi đâu bà cũng mua quà về cho
“Hôm qua có cái (ơ) bánh bò
“Bà chia cho cháu (ơ) phần to nhất nhà.”

Phải chăng hình ảnh trên chỉ là dĩ vãng của một thời đã qua (?) Ngày nay, khi xã hội đang đi đến những chân trời bao la của văn minh nhân loại, điều kiện lịch sử có những biến đổi, song gia đình vẫn đã, đang, và sẽ còn mãi giá trị của mình. Tất nhiên cuộc sống luôn biến động, kinh tế phát triển như vũ bão, nhiều vấn đề mới đang được đặt ra. Gia đình Việt Nam hôm nay cũng nằm trong vòng xoay của quỹ đạo ấy, gia đình đang trải qua những biến đổi sâu sắc, với việc dành lại vai trò và địa vị kinh tế xã hội, các gia đình phải thích ứng với những điều kiện mới trong công cuộc đổi mới của đất nước và gia đình. Đó là hệ thống quy định, ổn định, tiêu chuẩn hóa tính giao và truyền chủng của con người. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, dường như các cá nhân và gia đình đang cấu trúc lại chiến lược cuộc sống của họ, nhằm đảm bảo phúc lợi xã hội trong điều kiện mới; được biểu hiện qua sự phân công lao động trong quan hệ gia đình và cả ngoài xã hội … Rất nhiều vấn đề mà công nghiệp hoá, hiện đại hóa đã và đang tác động đến từ hình thức gia đình truyền thống bước sang hình thức gia đình hạt nhân …

Trở về ngày xưa: 

Khái niệm gia đình là một trong những khái niệm cơ bản nhất trong đời sống xã hội. trong khi đó, xây dựng một mô hình gia đình phù hợp với sự phát triển tất yếu của xã hội hiện nay lại là một vấn đề cấp bách và trên thực tế thực không dễ dàng. Ngay từ thời xa xưa, trong khi tìm hiểu về thế giới xung quanh và nỗ lực giải thích về nó, con người đã quan tâm đến gia đình. Triết gia Platon cho rằng: “Từ xưa, khi mà chữ viết và luật lệ còn chưa có thì gia đình cũng vẫn chẳng có gì khác gia đình hiện đại …”. Theo ông, gia đình là tế bào cơ sở của xã hội. Gia đình Việt Nam đã và đang biến đổi dưới sự tác động của những biến đổi xã hội và giao lưu văn hoá. Sự biến đổi đó không tách rời hoàn toàn với những đặc trưng của gia đình truyền thống Việt Nam, mà là một sự điều chỉnh, thích nghi với những hoàn cảnh và điều kiện xã hội mới.

“Con người sinh ra có tổ có tông
“Như cây có cội, như sông có nguồn.”

Chắc hẳn, khi nhắc đến mấy vần thơ trên, không ai trong chúng ta lại không thuộc nằm lòng cũng như suy nghĩ về nguồn cội, dòng tộc của mình. Bởi vì gia đình là nơi mình được sinh ra, nuôi dưỡng, hấp thụ nền giáo dục, và được lớn lên trong sự ấp ủ thương yêu của cha mẹ, ông bà, và các anh chị em. Dĩ nhiên, trong chúng ta không ai lại không được sinh ra từ một gia đình, dù gia đình ấy hạnh phúc hay bất hạnh đi nữa, thì nơi đó vẫn là cái nôi đầu tiên gìn giữ và ấp ủ ta từ thuở bé mà ta gọi đó là gia đình. Như vậy gia đình muôn thuở vẫn là nơi sinh thành, tổ ấm thân thương nhất của con người.

Xưa kia gia đình ta, với nền kinh tế thuần nông và thủ công nghiệp đơn giản, trong một mái nhà có “thể tam tứ đại đồng đường”. Cùng chung trên một khu vườn, một lối xóm, một ngõ hẻm, có các thành phần như ông bà, chú bác, cô dì … Anh em họ hàng gần, họ hàng xa sống tập trung gần gũi với nhau, hợp thành một thể chế gọi là “Phạm Vi Gia Đình”. Bởi lẽ, đứa trẻ sinh ra trong gia đình đã có ông bà, cha mẹ dạy dỗ, khi ra ngòai đường cũng chỉ quanh quẩn trong phạm vi lối xóm làm sao có thể tránh khỏi được những sự để ý quan sát của các bà con ruột thịt gần, xa góp ý khi có những thái độ khiếm khuyết, vô lễ, vô nhã … không hợp với kỷ cương cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Điều đó giúp cho chúng tránh được những thói hư tật xấu nếu tích tụ lâu ngày sẽ trở thành những nét nhân cách “phi đạo đức” của con người trong gia đình trưởng thành và cả mai sau.

Hơn nữa, xưa kia với quan niệm của Nho giáo, nhà là gốc của nước,“Tề gia trị quốc, bình thiên hạ.” nên cũng đã có biết bao luật lệ thành văn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi thành viên trong gia đình mà ngay từ tuổi thơ ấu đã được ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác dạy bảo như: “Phụ từ, tử hiếu, huynh mẫu, đệ đễ.” Tức là làm cha cần đức từ, làm con cần đức hiếu, làm anh em phải thương yêu nhau.

Từ ngàn xưa, thảo kính cha mẹ luôn được xem là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người, là một trong những yếu tố mà đạo làm con bắt buộc phải tuân giữ. Điều này càng được xem trọng hơn ở các nước Châu Á, đặc biệt ở Việt Nam - nơi mà nền luân lý đạo đức được đánh giá rất cao - bất kỳ thuộc tín ngưỡng nào, người dân Việt Nam vẫn có những nghi lễ, những hình thức biểu hiện sự tôn trọng cha mẹ, kính nhớ tổ tiên. Một truyền thống rất tốt đẹp, mang đậm tính dân tộc được gìn giữ và lưu truyền trong dân gian Việt Nam là ngày Tết Nguyên Đán. Ngày đầu năm mới được dành riêng cho cha mẹ, ông bà, và những người đã khuất. Sau đó là những lời chúc tốt lành như những lộc đầu năm dành cho cha mẹ, đơn sơ mộc mạc nhưng đậm tình yêu thương. Trong những nghi lễ ấy, có những buổi được dành riêng cho cha mẹ, “một bông hồng cài áo,” luôn đượm tình mẫu tự mà con người không khỏi bàng hoàng xúc động khi tham dự.

Hòa với dòng sữa và mối tình của cha mẹ, tiếng ru xưa gợi lên trong tâm trí của đứa trẻ những nhận thức, tình cảm đầu tiên mà sau đó cho mãi đến lúc lớn khôn, người con vẫn còn ghi nhớ mãi. Trong những tiếng ru ấy của mẹ như muốn khắc ghi vào con mình tâm tình hiếu thảo với cha mẹ, tấm lòng hiếu trung với đất nước.

Và cũng chính từ “tổ ấm” ấy, cha mẹ cũng cần phải lắng nghe tiếng lòng của con cái để hiểu và đáp ứng được những nhu cầu, những mong chờ sâu xa và chính đáng của chúng. Một trong những điều con cái ước muốn từ gia đình, đó là được sống trong bầu khí hoà thuận, yêu thương, tìm thấy nơi cha mẹ một đời sống gương mẫu, biết cư xử hợp tình hợp lý, biết dạy dỗ, chỉ bảo bằng những lời nói dịu dàng thắm đượm tình thương vô điều kiện và vô vị lợi.

Chính trong bầu khí an toàn và khung cảnh ấm cúng của gia đình mà những giá trị nhân bản, luân lý, và đạo đức được truyền đạt lại cho con cháu. Chính trong môi trường gia đình, những người con còn học được bài học cho và nhận. Một gia đình như thế sẽ là nguồn mạch tự nhiên cho việc giáo dục và phát triển toàn diện, nơi đây sự sống con người được thăng hoa, được đón nhận, và được yêu thương. Cũng chính từ đó nếp sống gia đình bao trùm lên đời sống cá nhân, mọi sinh hoạt của cá nhân đều chẳng ít thì nhiều phù hợp với nếp sống gia đình.

Người dân Việt Nam nghĩ đến gia đình nhiều hơn nghĩ đến bản thân, và mọi hành động của cá nhân đều hướng về gia đình, kể cả những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, làm lụng, nghỉ ngơi…; người ta ăn để mà sống, sống để bảo vệ gia đình, và xa hơn là bảo vệ dân tộc. Gia đình chi phối cá nhân, nhưng chi phối để bảo vệ tất cả các cá nhân của gia đình, nghĩa là bảo vệ quyền lợi chung của gia đình. Gia đình bền vững thì xã hội mới trường tồn.

Và thực trạng gia đình Việt Nam đã ra sao? 

Ngày nay, khi đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá - thì gia đình Việt Nam đứng trước nhiều thử thách. Gia đình là nơi duy trì được lực lượng lao động xã hội, sản sinh ra trẻ em và điều hoà hành vi tình dục. Con người luôn kỳ vọng rằng gia đình vẫn mãi là một tổ ấm, là chỗ dựa về mặt vật chất và tinh thần của con người, nhất là các thành viên nhỏ tuổi và những người lớn tuổi không còn tự lo lắng được cho mình. Thế nhưng khi xã hội hiện đại, thì sự thiếu quan tâm giữa các thành viên trong gia đình, sự mâu thuẫn trong gia đình, vấn đề người già không nơi nương tựa, trẻ em phải rời gia đình trong khi tuổi còn thơ, nạn bạo hành trong gia đình… đã làm cho con người không khỏi lo ngại cho tương lai của gia đình.

Song song đó, khi mà cơ chế thị trường vận hành xã hội thì khả năng thu nhập và giá trị của đồng tiền được đề cao. Thực tế đó đã tác động mạnh mẽ đến từng gia đình, thu hút các thành viên theo dòng chảy xã hội. Người ta bị hấp dẫn theo chiều hướng cực đoan, say sưa làm ăn để kiếm ra thật nhiều tiền, giá trị gia đình bị coi nhẹ, đạo đức truyền thống bị lung lay trước sức ép của cuộc sống tiêu thụ đô thị. Việc giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc giữa các thế hệ bị xao lãng và đặt xuống dưới nhu cầu kinh tế. Sự thủy chung vợ chồng, lòng hiếu thảo đã bị phủ nhận. Hậu quả là nhiều nơi đã xảy ra những xung đột trong quan niệm cũng như đụng độ trong ứng xử giữa các thành viên; không ít gia đình phải ly tán, cha mẹ con cái phải chia tay nhau. Phải chăng ở đây đã biểu hiện một nguy cơ xuống cấp của gia đình?

Bên cạnh đó, cũng không tài nào tránh khỏi được những tai họa vô cùng to lớn đang dần dần xâm phạm và kích thích một cách tiêu cực nhất vào bản tính con người. Và đặc biệt nhất vẫn là tác động làm ảnh hưởng đến sự lơi lỏng trong quan hệ “phạm vi gia đình” mà từ xưa nay vốn có truyền thống yêu thương gần gũi, đùm bọc che chở nhau, là tính chất cơ động chưa từng thấy trong đời sống hiện đại, là sự quan hệ của con người thuộc mọi lứa tuổi.

Đứa trẻ lớn lên từ một đến hai tuổi đã được gởi đến nhà trẻ chơi cùng nhóm lên sáu, bảy tuổi, đã cùng bè bạn đến lớp tách dần sự theo dõi của cha mẹ, cũng như ông bà cậu cô chú bác. Lớn lên, khi học đến cấp III thì dù đường xa hàng chục cây số đã có chiếc xe đạp, hoặc xe honda đi lại một cách dễ dàng. Bởi thế, “ xa mà hóa gần”, cũng từ đây dần dần đứa trẻ mở rộng các mối quan hệ giao lưu với bạn bè. Đồng thời cũng mở rộng tầm mắt để quan sát, tiếp thu bao nhiêu điều trong xã hội mở cửa bề bộn. Trong đó, tốt có và dĩ nhiên xấu cũng không thiếu. Từ đó, đứa trẻ tự do suy tư, tự do tiêu xài tiền bạc mua sắm đủ thứ, cũng như tự do quyết định mọi vấn đề, nhằm thỏa mãn sở thích; thay vì, trước đây chỉ một mình người cha, hoặc người mẹ hướng dẫn lo toan định đoạt cho. Bởi thế, chúng ta cũng đừng ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến những đứa con đi học xa gia đình, nên đã theo bè bạn đua đòi, quậy phá, hút xách và chẳng bao lâu trở thành những con nghiện.

Mặt khác, trẻ em được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình trong việc định hình nhân cách. Gia đình được coi là tổ ấm của mỗi thành viên, là chủ thể rất quan trọng trong việc xã hội hoá và giáo dục trẻ em. Nếu như trước đây nền giáo dục truyền thống của gia đình có ý nghĩa rất lớn đến việc định hình nhân cách, thì ngày nay những biến đổi trong gia đình và ngoài xã hội đã ảnh hưởng nhân cách trẻ em. Rất dễ nhận thấy rằng, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ và gia đình là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em và thanh thiếu niên bỏ nhà đi lang thang và phạm tội.

Bên cạnh đó giáo dục gia đình có vai trò quan trọng và càng cần thiết hơn trong xã hội đổi mới của chúng ta. Cùng với nhà trường và xã hội, gia đình là môi trường giáo dục không thể thiếu cho sự phát triển của mỗi con người. Giáo dục gia đình trên cơ sở hết sức quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ, phát triển nhân cách ở tuổi thanh niên, cũng cố giữ gìn nhân cách con người ở tuổi trưởng thành và khi về già. Do đó, nó có tính xuyên suốt và hệ thống. Cũng cần lưu ý rằng, giáo dục trong gia đình là giáo dục của nhiều chủ thể nên cần có sự hợp tác, phối hợp, và nhất trí giữa các chủ thể. Sự nhất quán trong giáo dục gia đình thực ra đã được ông cha ta quán triệt trong nề nếp gia đình đúc kết thành “gia phong”, “gia giáo”, “gia lễ” và đó là bài học không hề cũ cho các bậc cha mẹ ngày nay.

Như vậy gia đình càng thay đổi, hôn nhân không còn như trước kia, gia đình thu hẹp hơn, đồng thời dễ đổ vỡ hơn. Sự ly hôn ngày càng gia tăng kéo theo nhiều thiệt hại cho các thành viên trong gia đình, nhất là người già và trẻ em. Sự giảm sút khả năng sinh sản làm dân số già đi. Những người già có tuổi thọ cao hơn nhưng lại ít nhận được sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình nên thường sống trong những cảnh cô đơn, suy nhược. Đạo đức về tình dục giảm sút, xu hướng sống thử, quan hệ ngoài hôn nhân đang là hiện tượng phổ biến … Và khi viết về gia đình, nhà Xã hội học Nguyễn Minh Hoà nhận định: “Giữa cha mẹ và con cái hiện nay đã lập được mối quan hệ mềm dẻo hơn, bớt cứng nhắc hơn so với các thế hệ trước … trước kia giữa con cái và cha mẹ, nhất là con với cha vẫn có một khoảng cách vô hình nào đó”.

Hướng về tương lai: 

Thay cho lời kết, tôi muốn lần nữa khẳng định rằng: Sức mạnh và sự ổn định của một dân tộc phụ thuộc vào gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội gia đình và sự phát triển kinh tế xã hội có mối liên quan chặt chẽ với nhau, tác động qua lại nhau. Gia đình đã thay đổi phù hợp với điều kiện khách quan của sự phát triển xã hội để từ đó nhận thấy nhiều trách nhiệm xã hội mới đang được trao cho gia đình, làm dầy thêm gáng nặng vốn có của gia đình. Vẫn biết rằng gia đình là nơi mỗi thành viên được nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần từ tấm bé, là chỗ dựa khi cuộc sống ở ngoài xã hội gặp khó khăn, ai đi đâu, dù xa hay gần cũng đều mong quay về nhà. Nhưng thời nay, trong nhiều hoàn cảnh gia đình không còn là tổ ấm nữa. Tiến trình công nghiệp hoá sẽ làm cho xã hội đổi thay hơn trong tương lai; nền văn hoá tiêu thụ, kinh tế thị trường, lối sống đô thị với sự đề cao tự do cá nhân … làm cho mối tương quan giữa cha mẹ và con cái chẳng còn được đầm ấm khắng khít như xưa. Những màn tranh cãi, bỏ nhà, ly dị… xảy ra như cơm bữa. Giá trị đích thực của gia đình đang có chiều hướng thoái hoá trầm trọng. Trách nhiệm giáo dục gia đình càng là một thách đố lớn. Phải chăng đó là cái giá phải trả của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hay của sự đánh mất chính bản thân mình hoặc cả hai. Câu trả lời xin dành cho từng người trẻ chúng ta - những người dễ bị cuốn hút, thay đổi và tôn sùng những giá trị mới lạ nhưng cũng là những người đầy nhiệt huyết, niềm tin, bản lĩnh và là tương lai của cả dân tộc. Vâng, dù cho gia đình có biến đổi ra sao đi nữa, chúng ta vẫn hy vọng gia đình sẽ mãi là chiếc nôi, là tổ ấm, nơi ấy thoả mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của mỗi con người.
Tác giả bài viết: Đông Yên
Nguồn tin: www.binhgia.net

Không có nhận xét nào: