Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Đêm Canh Thức WYD Rio De Janeiro 2013



Đã xuất bản vào 28-07-2013
Đêm Canh Thức WYD Rio De Janeiro 2013
*

Giáo huấn của ĐTC Phanxicô dành cho các bạn trẻ:

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta vừa nhắc lại câu chuyện của Thánh Phanxicô thành Assisi. Trước cây thánh giá, ngài nghe tiếng Chúa Giêsu gọi: "Phan xi cô, con hãy đi xây dựng lại ngôi nhà của ta". Anh bạn trẻ Phan xi cô lúc ấy đã mau mắn và hào phóng đáp lại tiếng gọi của Chúa để xây dựng lại ngôi nhà của Người. Nhưng mà ngôi nhà nào? Chậm nhưng chắc chắn, Phan xi cô đã nhận ra rằng đó không phải là chuyện sửa chữa một ngôi nhà bằng đá, mà là việc phải đóng góp phần mình vào đời sống của Giáo Hội. Đó là tham gia vào việc phục vụ Giáo Hội, yêu mến Giáo Hội và làm sao để dung nhan của Chúa Kitô tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết trong Giáo Hội.

Cả hôm nay, hỡi các bạn trẻ, Chúa cũng cần đến các con cho Giáo Hội của Người. Ngày nay cũng vậy, Người đang kêu gọi mỗi người trong các con hãy theo Ngài trong Giáo Hội của Người và trở thành những nhà truyền giáo. Bằng cách nào? Theo nghĩa nào? Bắt đầu với tên của địa điểm mà chúng ta đang có mặt, Campus Fidei, cánh đồng của đức tin, Cha đã nghĩ về ba hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn “môn đệ” và “nhà truyền giáo” có nghiã là gì. Trước hết, cánh đồng là nơi để gieo hạt giống, thứ hai, cánh đồng là một thao trường, và thứ ba, cánh đồng là một công trường xây dựng.

1. Cánh đồng là nơi để gieo hạt giống. Chúng ta đều biết dụ ngôn Chúa Giêsu nói về một người gieo giống ngoài cánh đồng Có những hạt giống rơi trên đường đi, một số rơi trên đá sỏi, một số rơi vào bụi gai, và không thể mọc được. Những hạt giống khác rơi vào đất tốt và trổ sinh nhiều hoa trái (x. Mt13 :1-9). Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ ngôn như sau: hạt giống là Lời Chúa gieo vào lòng ta (x. Mt13 :18-23). Các con thân mến, như thế, cánh đồng đức tin thực sự chính là trái tim của các con, là cuộc đời các con. Chúa Giêsu muốn bước vào đời các con với Lời Ngài, với sự hiện diện của Ngài. Xin hay để cho Chúa Kitô bước vào đời các con để lời Ngài đi vào cuộc sống các con, thăng hoa và triển nở. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng các hạt giống rơi trên đường đi, trên sỏi đá hoặc bụi gai sẽ không trổ sinh hoa trái. Câu hỏi đặt ra là chúng ta là loại mặt đất nào? Chúng ta muốn là loại điạ thế nào? Có lẽ đôi khi chúng ta giống như đường đi: chúng ta nghe lời Chúa nhưng lời Ngài chẳng thay đổi được bao nhiêu trong đời sống ta bởi vì chúng ta cứ để chính mình bị tê liệt bởi những tiếng nói hời hợt giành lấy sự chú ý của ta, hoặc chúng ta giống như mặt đá sỏi: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu với nhiệt tình, nhưng rồi chúng ta lại ngập ngừng, và khi đối mặt với gian truân, chúng ta không có can đảm để lội ngược dòng, hoặc chúng ta giống như mặt đất gai góc: thái độ bi quan, những cảm xúc tiêu cực đã bóp nghẹt lời Chúa trong ta (x. Mt 13:18-22) . 

Nhưng hôm nay cha chắc chắn rằng hạt giống đang rơi xuống mảnh đất tốt, và cha tin các con muốn là loại đất tốt, không phải loại Kitô hữu nửa mùa, "nhạt nhách" và hời hợt, mà là Kitô hữu thật sự. Cha chắc chắn rằng các con không muốn bị lừa bởi một thứ tự do giả tạo, luôn thần phục và đáp lại lời mời gọi của thời trang và những ý thích bồng bột nhất thời. Cha biết rằng các con đang đặt kỳ vọng vào những quyết định lâu bền có thể làm cho đời các con có ý nghĩa. Chúa Giêsu có khả năng giúp các con làm điều này: Ngài là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). Chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Chúng ta hãy đặt Ngài làm người dẫn đường cho chúng ta!

2. Cánh đồng là một thao trường. Chúa Giêsu đòi chúng ta đi theo Ngài suốt đời mình, Ngài đòi hỏi chúng ta là môn đệ của Ngài, để "chơi trong đội ngũ của Ngài ". Cha nghĩ rằng hầu hết các con đều yêu thích thể thao! Ở Brazil này, cũng như ở các nước khác, túc cầu là một niềm đam mê của cả nước. Thế thì, các cầu thủ sẽ làm gì khi họ được yêu cầu tham gia vào đội bóng? Họ phải tập luyện và tập luyện rất nhiều! Đời sống của chúng ta trong tư cách là những môn đệ của Chúa cũng phải như thế. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta: "các vận động viên tự mình từ bỏ đủ thứ; họ làm điều này để giành lấy một vương miện bằng lá chóng tàn, nhưng chúng ta được một vương miện bất diệt" (1 Cor 9:25). 

Chúa Giêsu ban cho chúng ta một cái gì đó còn lớn lao hơn World Cup! Ngài cho chúng ta khả năng có được một cuộc sống tràn đầy và sinh nhiều hoa trái, Ngài cũng cho chúng ta một tương lai bên Ngài, một tương lai bất tận, là cuộc sống đời đời. Nhưng Ngài yêu cầu chúng ta phải tập luyện"để lấy lại vóc dáng", để chúng ta có thể đối mặt với mọi tình huống trong cuộc sống mà không hề thối chí, nhưng hiên ngang làm nhân chứng cho đức tin của mình. Làm thế nào để chúng ta lấy lại vóc dáng? Thưa là bằng cách trò chuyện với Ngài: bằng lời cầu nguyện là đối thoại hàng ngày của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng luôn luôn lắng nghe chúng ta. Bằng các phép bí tích, là cách làm cho Ngài phát triển trong chúng ta và uốn nắn chúng ta cho phù hợp với Chúa Kitô. Bằng cách yêu thương nhau, học cách lắng nghe, để hiểu, để tha thứ, để chấp nhận và giúp đỡ người khác, tất cả mọi người, không một ai bị loại trừ hoặc tẩy chay. 

Các bạn trẻ thân mến, hãy là những "vận động viên thật sự của Chúa Kitô" 

3. Cánh đồng là một công trường xây dựng. Khi trái tim chúng ta là mảnh đất tốt để lãnh nhận Lời Chúa, khi "chúng ta đổ mồ hôi", cố gắng sống đời Kitô hữu, chúng ta trải nghiệm một cái gì đó thật to lớn: chúng ta không bao giờ cô độc, chúng ta là một phần của một gia đình có anh có chị có em, tất cả cùng đồng hành trên cùng một con đường: chúng ta là một phần của Giáo Hội; Quả thực, chúng ta đang xây dựng Giáo Hội và chúng ta đang làm nên lịch sử. Thánh Phêrô đã nói với chúng ta rằng chúng ta là những viên đá sống động, tạo thành một công trình thiêng liêng (x. 1 Pr 2:5). 

Khi nhìn lên sân khấu này, chúng ta thấy nó mang hình dạng của một đền thờ, được xây dựng bằng đá và gạch. Trong Đền thờ của Chúa Giêsu, chính chúng ta là những viên đá sống động. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta xây dựng Đền thờ của Ngài, nhưng không chỉ là một ngôi nhà nguyện nhỏ nhoi nơi chỉ có một nhúm người. Ngài đòi hỏi chúng ta làm cho Giáo Hội sống động của Ngài trở thành to lớn đến độ nó có thể chứa đựng tất cả nhân loại, nơi có thể thành một ngôi nhà cho tất cả mọi người! Ngài đã nói với cha, và với các con: "Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành các môn đệ ". Đêm nay, chúng ta hãy trả lời Ngài: Vâng, con cũng muốn trở thành một hòn đá sống chúng ta hãy cùng nhau xây dựng Giáo Hội của Chúa Giêsu! Tất cả chúng ta hãy cùng nói với nhau: tôi muốn ra đi và xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô!

Trong trái tim trẻ tuổi của các con có khát vọng muốn xây dựng một thế giới tốt hơn. Cha đã theo dõi chặt chẽ những tin tức của những bạn trẻ từ khắp thế giới đã xuống đường nhằm bày tỏ ước muốn của họ cho một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Nhưng câu hỏi vẫn còn tồn đọng: chúng ta bắt đầu từ nơi nào? Các tiêu chí để xây dựng một xã hội công bằng hơn là những gì? Mẹ Têrêsa thành Calcutta trước đây đã từng bị đặt câu hỏi là Giáo Hội cần thay đổi những gì. Câu trả lời của Mẹ là: bạn và tôi!

Các con thân mến, đừng bao giờ quên rằng các con cũng là cánh đồng của đức tin! Các con là vận động viên của Chúa Kitô! Các con được mời gọi để xây dựng một Giáo Hội mỹ miều hơn và một thế giới tốt hơn. Chúng ta hãy ngước lên Đức Mẹ. Mẹ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu, Mẹ cho chúng ta mẫu gương qua lời "xin vâng" với Thiên Chúa: "Vâng tôi là tôi tớ Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói" (Lc 1:38). Tất cả chúng ta hay cùng nhau hợp ý với Mẹ Maria thưa với Thiên Chúa: Xin thực hiện cho con như lời Ngài nói. Amen!

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Ca vè Cụ Sáu : Hiếu Tự Ca

CA VÈ CỤ SÁU: HIẾU TỰ CA (Trích đoạn)

1 Mấy lời hiếu tự nói qua 
Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.
Làm người sống ở thế gian,
Ai không đội đức cao san (sơn) nặng dày.
5 Nói sao cho hết cho rồi;
Biết bao khí huyết tài bồi cho ta:
Phần hồn thì Chúa sinh ra,
Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành.
Phụ tinh mẫu huyết đúc hình
10 Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người.
Nói mà rơi hai hàng giọt lệ,
Lấy lưỡi nào mà kể cho xong.
Nặng nề chín tháng cưu mang,
Mặt thì tái mét võ vàng xanh xao.
15 Nằm trong như cắt như bào,
Bởi chưng khí huyết đúc vào thân ta.
Thể hình ngày tháng nhẩn nha
Đúc dần từng thí cho ta thân này.
Tha hồ nặng nhọc đắng cay,
20 Trèo non vượt bể sao hay sánh bì.
Kiêng ăn kiêng ngủ e dè,
Mười ngày chín tháng những e sợ hoài.
Giàu ra cơm thuốc dưỡng thai,
Của ngon cơm trắng cá tươi bù chì.
25 Gian nguy bớt sợ gian nguy,
Bớt phần lo sợ những khi hiểm nghèo.
Khốn thay những cha mẹ nghèo
Kể sao cho xiết lắm chiều đắng cay!
Nhiều khi nhịn đói thâu ngày,
30 Cơm đà không có chân tay rã rời.
Phải chăng mẹ đói mà thôi,
Âu là dễ chịu lần hồi cũng xong.
Khốn thay con đói trong lòng
Rộn ràng giãy đạp bên hông rộn ràng.
35 Mỏi mê rũ liệt bàng hoàng
Nặng nề khó nhọc mẹ mang nặng nề.
Rét như cắt đi làm thuê,
Lấy ai than lửa thuốc the đỡ đần.
Đau con lòng mẹ như dần,
40 Kiêng khem nào biết đến thân là gì.
Trong lòng bào háo đôi khi,
Thèm thuồng một chút của gì muốn ăn.
Trăm tội tại sự khó khăn,
Đến điều ăn ổi ăn chanh đỡ thèm.
45 Mang con trong bụng không yên,
Bệnh sinh mẹ chịu lắm phen hiểm nghèo.
Nặng nề gánh vác leo trèo,
Kiêng thì mình đói hiểm nghèo đến con.
Xanh xao xương nát thịt mòn
50 Rồi ra chín tháng chỉ còn xác ve.
Mười ngày vong vóng trông nghe,
Những lo những sợ những e nỗi mình.
Tiêu hao khí huyết đã đành
Đến điều sống chết liều mình đắng cay.
55 Đủ kỳ hoa nở trốc tay,
Mẹ nhìn thấy mặt con đây mới mừng.
Lòng thương cân mấy cho bằng,
Giữ dè như trứng như vàng trốc tay.
Thương sao thương đã như say
60 Biết bao khó nhọc đắng cay tưởng gì.
Ướt mẹ dịch, ráo mẹ xê,
Mập mờ không nhắp đêm khuya canh tàn.
Nghe con khóc mẹ bàng hoàng,
Khi con ngủ, mẹ mới yên giấc hoè.
65 Lúc tháng hè, liền chân đưa võng,
Tiết đông ken, than nóng chẳng rời.
Kiêng khem chẳng một khí giời,
Kiêng sài kiêng đẹn kiêng người lạ hơi.
Tả tơi năm khúc tả tơi,
70 Công ơn cha mẹ đất trời sánh ngang.

Cụ Sáu Trần Lục
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/112053.htm

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Con nổi loạn trên mạng xã hội - cha mẹ bó tay

22/07/2013 01:00 GMT+7
Nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn bất ngờ khi biết con mình vốn ngoan ngoãn lại dám lên mạng để chửi bới, thóa mạ người thân, hay thường xuyên văng tục, chửi bậy và tỏ vẻ đàn anh… trên thế giới ảo.
Nữ sinh hiền lành lên facebook để khẳng định “số má”
Ngoài đời là cô bé lớp 11 có ngoại hình mộc mạc và gương mặt khá “ngô nghê”, nhưng trên mạng xã hội facebook, Hoa dường như khác hẳn. Cô bé có thể online thâu đêm, suốt sáng chỉ để lang thang trên facebook mà mẹ cha không hề hay biết.
“Facebook ạ? Ai mà chẳng có ạ?” – Hoa, cô nữ sinh 17 tuổi tỏ ra am hiểu khi nói về trang mạng xã hội này. Ngoài facebook, Hoa còn có tài khoản của hai mạng xã hội khác. Thì giờ rảnh, cô thường trốn bố mẹ để ra quán net ngồi chơi mạng xã hội.
Hoa bảo, cách đây một hai năm, “mốt” vẫn là chơi trồng rau, nuôi gà… trên một trang mạng khá phổ biến trong giới trẻ. Còn nay, sẽ là facebook.
Ngồi nói chuyện, chốc chốc Hoa lại cắm cúi sử dụng điện thoại. Không để nhắn tin, không để gọi điện, Hoa “chat” hoặc “comment” ảnh trên “phây” với bạn bè.
“Bố mẹ em đến điện thoại còn chẳng dùng thạo nữa là facebook” – Hoa trả lời khi được hỏi, bố mẹ em có tài khoản facebook hay không. Với các bậc phụ huynh ở nông thôn như bố mẹ Hoa, cụm từ “facebook”, “mạng xã hội” này vẫn còn quá xa lạ. Thế nên, nhìn con gái ngoan ngoãn ngồi học bài, hay ngồi nhà mà vẫn tí toáy nhắn tin để “hỏi bài bạn”, họ hoàn toàn yên tâm.
Hoa tâm sự, em chỉ là một học trò rất trầm trong lớp, lực học vào loại xoàng, nhưng trên facebook, em cảm thấy “có số má hơn với bạn bè”. Vào trang facebook của Hoa thì rõ: Em có thể hùa vào trêu chọc bất cứ đứa nào trong lớp, tha hồ tung hê, chửi bậy mà chẳng sợ ai, phớt đời với những câu status bậy bạ hoặc ưu tư được bạn bè like, share nhiệt tình… Đặc biệt, từ sau lần Hoa bị dính kỉ luật vì… chửi cô giáo và các bạn trong lớp thì cô bé càng “nổi tiếng”.
Theo Hoa kể, hồi ấy vì tức tối bị điểm 2 nên Hoa đã vào facebook, đăng một bài chửi dài, vạch tội các thành viên ban cán sự lớp, thậm chí mắng trực tiếp cả cô giáo bộ môn.
“Lúc ý em chỉ viết cho bõ tức, không ngờ, các bạn “share” liên tục, có người còn chụp lại, gửi cho giáo viên chủ nhiệm, thế là em và những người “like, share” trong lớp bị tóm lên viết bản kiểm điểm, cảnh cáo trước toàn trường” – Hoa ấm ức kể lại.
Bố mẹ biết cũng bó tay
“Biết cũng bó tay” – đó là lời thở than bất lực của chị Chinh (Hà Nam) khi biết chuyện cô con gái út lên mang trút giận vào cha mẹ và cô giáo chủ nhiệm.
Chị kể, con gái mình là đứa ngang ngạnh nên chị rất chú tâm dạy dỗ, vậy mà ngọt nhạt đủ đường “cá vẫn không ăn muối”.
Mới đây, chị tá hỏa khi nghe người cháu họ ở Hà Nội gọi điện thoại báo: “Cái Chi (tên con gái chị) có chuyện gì mà lên trên mạng ăn nói ghê lắm. Nó còn bảo không muốn ở nhà, còn thề tuyệt giao với ai ai nữa kia!”
Vốn chẳng biết mặt mũi mạng xã hội, facebook ra làm sao, chị đành phải nhờ người cháu hướng dẫn cho xem tận mắt. Hóa ra, chỉ vì phát hiện mẹ và cô giáo chủ nhiệm là bạn thân, thường xuyên trao đổi sau lưng mình mà con gái chị nổi giận, tuôn ra những lời trách móc, thóa mạ, xưng “tôi” đầy thách thức.
“Có lẽ, cháu nghĩ rằng bố mẹ, thầy cô không hay biết nên mới có hành động đó. Dù đây là góc riêng tư của con, nhưng biết chuyện tôi thật sự đau lòng. Nhưng tôi cũng chưa biết mở lời nói chuyện với con ra sao” – chị Chinh tâm sự.
Không riêng chị Chinh, nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn bất ngờ khi biết những đứa con ngoan ngoan ngày thường lại thường xuyên văng tục, chửi bậy, cố tình tỏ ra hầm hố, “anh chị” trên mạng xã hội.
Anh Lê Thế Sơn (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, gần đây anh rất đau đầu vì cậu con trai học lớp 8 mê mẩn “facebook”.
“Có lần tình cờ vào xem cháu làm gì, tôi nổi giận vì thấy con đăng tải toàn những hình ảnh gợi dục, tham gia những trang, nhóm thiếu lành mạnh trên facebook. Tôi hỏi thì cháu bảo bạn bè gửi hoặc vô tình “click” vào chứ không chủ động tìm kiếm… Tôi đã răn đe, nhưng chỉ e rằng con càng lớn, cha mẹ càng khó theo dõi, kiểm soát, đặc biệt là với thế giới “ảo” như thế này” – anh Sơn nói.
Theo TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, thể hiện sự nổi loạn trên thế giới ảo là một cách để trẻ giải tỏa những nỗi ức chế trong đời sống thật. Nhiều trường hợp, do bị ảnh hưởng vì tâm lý đám đông, các em cũng dễ bị lôi kéo vào những tình huống ném đá bạn bè, văng tục… Việc sử dụng mạng xã hội một cách thiếu định hướng, nhất là khi còn rất nhỏ có thể khiến các em không ý thức hết những tai hại khó lường của những việc mình làm.
Trong mọi trường hợp, cha mẹ nên gần gũi để nhận biết sớm các biểu hiện, vấn đề con gặp phải. Không nên cấm cản vì ở lứa tuổi này càng cấm, các em càng làm ngược lại để khẳng định cái tôi mà hãy tâm sự, nhẹ nhàng thuyết phuc, giúp con nhìn nhận những điều đúng đắn. Có thể lấy những câu chuyện thực tế để dẫn dắt, giúp các em hiểu được cách cư xử đúng – sai, chừng mực trên mạng xã hội.
Minh Tâm

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Gia đình Việt Nam xưa và nay

Lời ngỏ: 

Câu chuyện được bắt đầu vào cái đêm tôi tình cờ nghe giọng ai đó hát ru từ phía căn nhà đối diện, trong một dịp tôi về thăm quê. Thật lạ và thú vị được thưởng thức những bài hát ru của những ngày thơ ấu. Vì đã từ lâu, tôi không còn được nghe những tiếng hát ru khi xa quê nhà. Những đêm sau, tôi chờ, tôi chờ, … tôi chờ để lắng nghe và được trở về với thế giới tuổi thơ, về vòng tay tổ ấm của gia đình, trở về miền ký ức có vạt nắng xanh rì, có vuông sân cổ tích, có cánh diều lộng gió, có khói lam chiều bàng bạc …

Tôi đã đợi trong hồi hộp và nhớ nhung nhưng không thấy… Và tôi hiểu rằng là giấc mơ thì không bao giờ trọn vẹn.


Dù gì cũng cảm ơn ai đó đã cho tôi sự ngọt ngào của nhớ nhung và nhất là cho tôi ý tưởng, những cảm nghiệm về thực trạng gia đình Việt Nam hôm nay để viết bài luận với niềm tin rằng: Gia đình Việt Nam hôm nay thì những lời hát ru ấy sẽ chẳng thể sống mãi trong xã hội hiện đại, xô bồ. Điều này phải chăng quá bi quan?

Những ngày còn bé, Ngoại thường đưa tôi vào giấc ngủ bằng lời ru nhịp nhàng theo nhịp võng đong đưa:

“À ơi … À ơi cháu rất (ơ) thương bà
“Đi đâu bà cũng mua quà về cho
“Hôm qua có cái (ơ) bánh bò
“Bà chia cho cháu (ơ) phần to nhất nhà.”

Phải chăng hình ảnh trên chỉ là dĩ vãng của một thời đã qua (?) Ngày nay, khi xã hội đang đi đến những chân trời bao la của văn minh nhân loại, điều kiện lịch sử có những biến đổi, song gia đình vẫn đã, đang, và sẽ còn mãi giá trị của mình. Tất nhiên cuộc sống luôn biến động, kinh tế phát triển như vũ bão, nhiều vấn đề mới đang được đặt ra. Gia đình Việt Nam hôm nay cũng nằm trong vòng xoay của quỹ đạo ấy, gia đình đang trải qua những biến đổi sâu sắc, với việc dành lại vai trò và địa vị kinh tế xã hội, các gia đình phải thích ứng với những điều kiện mới trong công cuộc đổi mới của đất nước và gia đình. Đó là hệ thống quy định, ổn định, tiêu chuẩn hóa tính giao và truyền chủng của con người. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, dường như các cá nhân và gia đình đang cấu trúc lại chiến lược cuộc sống của họ, nhằm đảm bảo phúc lợi xã hội trong điều kiện mới; được biểu hiện qua sự phân công lao động trong quan hệ gia đình và cả ngoài xã hội … Rất nhiều vấn đề mà công nghiệp hoá, hiện đại hóa đã và đang tác động đến từ hình thức gia đình truyền thống bước sang hình thức gia đình hạt nhân …

Trở về ngày xưa: 

Khái niệm gia đình là một trong những khái niệm cơ bản nhất trong đời sống xã hội. trong khi đó, xây dựng một mô hình gia đình phù hợp với sự phát triển tất yếu của xã hội hiện nay lại là một vấn đề cấp bách và trên thực tế thực không dễ dàng. Ngay từ thời xa xưa, trong khi tìm hiểu về thế giới xung quanh và nỗ lực giải thích về nó, con người đã quan tâm đến gia đình. Triết gia Platon cho rằng: “Từ xưa, khi mà chữ viết và luật lệ còn chưa có thì gia đình cũng vẫn chẳng có gì khác gia đình hiện đại …”. Theo ông, gia đình là tế bào cơ sở của xã hội. Gia đình Việt Nam đã và đang biến đổi dưới sự tác động của những biến đổi xã hội và giao lưu văn hoá. Sự biến đổi đó không tách rời hoàn toàn với những đặc trưng của gia đình truyền thống Việt Nam, mà là một sự điều chỉnh, thích nghi với những hoàn cảnh và điều kiện xã hội mới.

“Con người sinh ra có tổ có tông
“Như cây có cội, như sông có nguồn.”

Chắc hẳn, khi nhắc đến mấy vần thơ trên, không ai trong chúng ta lại không thuộc nằm lòng cũng như suy nghĩ về nguồn cội, dòng tộc của mình. Bởi vì gia đình là nơi mình được sinh ra, nuôi dưỡng, hấp thụ nền giáo dục, và được lớn lên trong sự ấp ủ thương yêu của cha mẹ, ông bà, và các anh chị em. Dĩ nhiên, trong chúng ta không ai lại không được sinh ra từ một gia đình, dù gia đình ấy hạnh phúc hay bất hạnh đi nữa, thì nơi đó vẫn là cái nôi đầu tiên gìn giữ và ấp ủ ta từ thuở bé mà ta gọi đó là gia đình. Như vậy gia đình muôn thuở vẫn là nơi sinh thành, tổ ấm thân thương nhất của con người.

Xưa kia gia đình ta, với nền kinh tế thuần nông và thủ công nghiệp đơn giản, trong một mái nhà có “thể tam tứ đại đồng đường”. Cùng chung trên một khu vườn, một lối xóm, một ngõ hẻm, có các thành phần như ông bà, chú bác, cô dì … Anh em họ hàng gần, họ hàng xa sống tập trung gần gũi với nhau, hợp thành một thể chế gọi là “Phạm Vi Gia Đình”. Bởi lẽ, đứa trẻ sinh ra trong gia đình đã có ông bà, cha mẹ dạy dỗ, khi ra ngòai đường cũng chỉ quanh quẩn trong phạm vi lối xóm làm sao có thể tránh khỏi được những sự để ý quan sát của các bà con ruột thịt gần, xa góp ý khi có những thái độ khiếm khuyết, vô lễ, vô nhã … không hợp với kỷ cương cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Điều đó giúp cho chúng tránh được những thói hư tật xấu nếu tích tụ lâu ngày sẽ trở thành những nét nhân cách “phi đạo đức” của con người trong gia đình trưởng thành và cả mai sau.

Hơn nữa, xưa kia với quan niệm của Nho giáo, nhà là gốc của nước,“Tề gia trị quốc, bình thiên hạ.” nên cũng đã có biết bao luật lệ thành văn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi thành viên trong gia đình mà ngay từ tuổi thơ ấu đã được ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác dạy bảo như: “Phụ từ, tử hiếu, huynh mẫu, đệ đễ.” Tức là làm cha cần đức từ, làm con cần đức hiếu, làm anh em phải thương yêu nhau.

Từ ngàn xưa, thảo kính cha mẹ luôn được xem là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người, là một trong những yếu tố mà đạo làm con bắt buộc phải tuân giữ. Điều này càng được xem trọng hơn ở các nước Châu Á, đặc biệt ở Việt Nam - nơi mà nền luân lý đạo đức được đánh giá rất cao - bất kỳ thuộc tín ngưỡng nào, người dân Việt Nam vẫn có những nghi lễ, những hình thức biểu hiện sự tôn trọng cha mẹ, kính nhớ tổ tiên. Một truyền thống rất tốt đẹp, mang đậm tính dân tộc được gìn giữ và lưu truyền trong dân gian Việt Nam là ngày Tết Nguyên Đán. Ngày đầu năm mới được dành riêng cho cha mẹ, ông bà, và những người đã khuất. Sau đó là những lời chúc tốt lành như những lộc đầu năm dành cho cha mẹ, đơn sơ mộc mạc nhưng đậm tình yêu thương. Trong những nghi lễ ấy, có những buổi được dành riêng cho cha mẹ, “một bông hồng cài áo,” luôn đượm tình mẫu tự mà con người không khỏi bàng hoàng xúc động khi tham dự.

Hòa với dòng sữa và mối tình của cha mẹ, tiếng ru xưa gợi lên trong tâm trí của đứa trẻ những nhận thức, tình cảm đầu tiên mà sau đó cho mãi đến lúc lớn khôn, người con vẫn còn ghi nhớ mãi. Trong những tiếng ru ấy của mẹ như muốn khắc ghi vào con mình tâm tình hiếu thảo với cha mẹ, tấm lòng hiếu trung với đất nước.

Và cũng chính từ “tổ ấm” ấy, cha mẹ cũng cần phải lắng nghe tiếng lòng của con cái để hiểu và đáp ứng được những nhu cầu, những mong chờ sâu xa và chính đáng của chúng. Một trong những điều con cái ước muốn từ gia đình, đó là được sống trong bầu khí hoà thuận, yêu thương, tìm thấy nơi cha mẹ một đời sống gương mẫu, biết cư xử hợp tình hợp lý, biết dạy dỗ, chỉ bảo bằng những lời nói dịu dàng thắm đượm tình thương vô điều kiện và vô vị lợi.

Chính trong bầu khí an toàn và khung cảnh ấm cúng của gia đình mà những giá trị nhân bản, luân lý, và đạo đức được truyền đạt lại cho con cháu. Chính trong môi trường gia đình, những người con còn học được bài học cho và nhận. Một gia đình như thế sẽ là nguồn mạch tự nhiên cho việc giáo dục và phát triển toàn diện, nơi đây sự sống con người được thăng hoa, được đón nhận, và được yêu thương. Cũng chính từ đó nếp sống gia đình bao trùm lên đời sống cá nhân, mọi sinh hoạt của cá nhân đều chẳng ít thì nhiều phù hợp với nếp sống gia đình.

Người dân Việt Nam nghĩ đến gia đình nhiều hơn nghĩ đến bản thân, và mọi hành động của cá nhân đều hướng về gia đình, kể cả những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, làm lụng, nghỉ ngơi…; người ta ăn để mà sống, sống để bảo vệ gia đình, và xa hơn là bảo vệ dân tộc. Gia đình chi phối cá nhân, nhưng chi phối để bảo vệ tất cả các cá nhân của gia đình, nghĩa là bảo vệ quyền lợi chung của gia đình. Gia đình bền vững thì xã hội mới trường tồn.

Và thực trạng gia đình Việt Nam đã ra sao? 

Ngày nay, khi đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá - thì gia đình Việt Nam đứng trước nhiều thử thách. Gia đình là nơi duy trì được lực lượng lao động xã hội, sản sinh ra trẻ em và điều hoà hành vi tình dục. Con người luôn kỳ vọng rằng gia đình vẫn mãi là một tổ ấm, là chỗ dựa về mặt vật chất và tinh thần của con người, nhất là các thành viên nhỏ tuổi và những người lớn tuổi không còn tự lo lắng được cho mình. Thế nhưng khi xã hội hiện đại, thì sự thiếu quan tâm giữa các thành viên trong gia đình, sự mâu thuẫn trong gia đình, vấn đề người già không nơi nương tựa, trẻ em phải rời gia đình trong khi tuổi còn thơ, nạn bạo hành trong gia đình… đã làm cho con người không khỏi lo ngại cho tương lai của gia đình.

Song song đó, khi mà cơ chế thị trường vận hành xã hội thì khả năng thu nhập và giá trị của đồng tiền được đề cao. Thực tế đó đã tác động mạnh mẽ đến từng gia đình, thu hút các thành viên theo dòng chảy xã hội. Người ta bị hấp dẫn theo chiều hướng cực đoan, say sưa làm ăn để kiếm ra thật nhiều tiền, giá trị gia đình bị coi nhẹ, đạo đức truyền thống bị lung lay trước sức ép của cuộc sống tiêu thụ đô thị. Việc giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc giữa các thế hệ bị xao lãng và đặt xuống dưới nhu cầu kinh tế. Sự thủy chung vợ chồng, lòng hiếu thảo đã bị phủ nhận. Hậu quả là nhiều nơi đã xảy ra những xung đột trong quan niệm cũng như đụng độ trong ứng xử giữa các thành viên; không ít gia đình phải ly tán, cha mẹ con cái phải chia tay nhau. Phải chăng ở đây đã biểu hiện một nguy cơ xuống cấp của gia đình?

Bên cạnh đó, cũng không tài nào tránh khỏi được những tai họa vô cùng to lớn đang dần dần xâm phạm và kích thích một cách tiêu cực nhất vào bản tính con người. Và đặc biệt nhất vẫn là tác động làm ảnh hưởng đến sự lơi lỏng trong quan hệ “phạm vi gia đình” mà từ xưa nay vốn có truyền thống yêu thương gần gũi, đùm bọc che chở nhau, là tính chất cơ động chưa từng thấy trong đời sống hiện đại, là sự quan hệ của con người thuộc mọi lứa tuổi.

Đứa trẻ lớn lên từ một đến hai tuổi đã được gởi đến nhà trẻ chơi cùng nhóm lên sáu, bảy tuổi, đã cùng bè bạn đến lớp tách dần sự theo dõi của cha mẹ, cũng như ông bà cậu cô chú bác. Lớn lên, khi học đến cấp III thì dù đường xa hàng chục cây số đã có chiếc xe đạp, hoặc xe honda đi lại một cách dễ dàng. Bởi thế, “ xa mà hóa gần”, cũng từ đây dần dần đứa trẻ mở rộng các mối quan hệ giao lưu với bạn bè. Đồng thời cũng mở rộng tầm mắt để quan sát, tiếp thu bao nhiêu điều trong xã hội mở cửa bề bộn. Trong đó, tốt có và dĩ nhiên xấu cũng không thiếu. Từ đó, đứa trẻ tự do suy tư, tự do tiêu xài tiền bạc mua sắm đủ thứ, cũng như tự do quyết định mọi vấn đề, nhằm thỏa mãn sở thích; thay vì, trước đây chỉ một mình người cha, hoặc người mẹ hướng dẫn lo toan định đoạt cho. Bởi thế, chúng ta cũng đừng ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến những đứa con đi học xa gia đình, nên đã theo bè bạn đua đòi, quậy phá, hút xách và chẳng bao lâu trở thành những con nghiện.

Mặt khác, trẻ em được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình trong việc định hình nhân cách. Gia đình được coi là tổ ấm của mỗi thành viên, là chủ thể rất quan trọng trong việc xã hội hoá và giáo dục trẻ em. Nếu như trước đây nền giáo dục truyền thống của gia đình có ý nghĩa rất lớn đến việc định hình nhân cách, thì ngày nay những biến đổi trong gia đình và ngoài xã hội đã ảnh hưởng nhân cách trẻ em. Rất dễ nhận thấy rằng, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ và gia đình là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em và thanh thiếu niên bỏ nhà đi lang thang và phạm tội.

Bên cạnh đó giáo dục gia đình có vai trò quan trọng và càng cần thiết hơn trong xã hội đổi mới của chúng ta. Cùng với nhà trường và xã hội, gia đình là môi trường giáo dục không thể thiếu cho sự phát triển của mỗi con người. Giáo dục gia đình trên cơ sở hết sức quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ, phát triển nhân cách ở tuổi thanh niên, cũng cố giữ gìn nhân cách con người ở tuổi trưởng thành và khi về già. Do đó, nó có tính xuyên suốt và hệ thống. Cũng cần lưu ý rằng, giáo dục trong gia đình là giáo dục của nhiều chủ thể nên cần có sự hợp tác, phối hợp, và nhất trí giữa các chủ thể. Sự nhất quán trong giáo dục gia đình thực ra đã được ông cha ta quán triệt trong nề nếp gia đình đúc kết thành “gia phong”, “gia giáo”, “gia lễ” và đó là bài học không hề cũ cho các bậc cha mẹ ngày nay.

Như vậy gia đình càng thay đổi, hôn nhân không còn như trước kia, gia đình thu hẹp hơn, đồng thời dễ đổ vỡ hơn. Sự ly hôn ngày càng gia tăng kéo theo nhiều thiệt hại cho các thành viên trong gia đình, nhất là người già và trẻ em. Sự giảm sút khả năng sinh sản làm dân số già đi. Những người già có tuổi thọ cao hơn nhưng lại ít nhận được sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình nên thường sống trong những cảnh cô đơn, suy nhược. Đạo đức về tình dục giảm sút, xu hướng sống thử, quan hệ ngoài hôn nhân đang là hiện tượng phổ biến … Và khi viết về gia đình, nhà Xã hội học Nguyễn Minh Hoà nhận định: “Giữa cha mẹ và con cái hiện nay đã lập được mối quan hệ mềm dẻo hơn, bớt cứng nhắc hơn so với các thế hệ trước … trước kia giữa con cái và cha mẹ, nhất là con với cha vẫn có một khoảng cách vô hình nào đó”.

Hướng về tương lai: 

Thay cho lời kết, tôi muốn lần nữa khẳng định rằng: Sức mạnh và sự ổn định của một dân tộc phụ thuộc vào gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội gia đình và sự phát triển kinh tế xã hội có mối liên quan chặt chẽ với nhau, tác động qua lại nhau. Gia đình đã thay đổi phù hợp với điều kiện khách quan của sự phát triển xã hội để từ đó nhận thấy nhiều trách nhiệm xã hội mới đang được trao cho gia đình, làm dầy thêm gáng nặng vốn có của gia đình. Vẫn biết rằng gia đình là nơi mỗi thành viên được nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần từ tấm bé, là chỗ dựa khi cuộc sống ở ngoài xã hội gặp khó khăn, ai đi đâu, dù xa hay gần cũng đều mong quay về nhà. Nhưng thời nay, trong nhiều hoàn cảnh gia đình không còn là tổ ấm nữa. Tiến trình công nghiệp hoá sẽ làm cho xã hội đổi thay hơn trong tương lai; nền văn hoá tiêu thụ, kinh tế thị trường, lối sống đô thị với sự đề cao tự do cá nhân … làm cho mối tương quan giữa cha mẹ và con cái chẳng còn được đầm ấm khắng khít như xưa. Những màn tranh cãi, bỏ nhà, ly dị… xảy ra như cơm bữa. Giá trị đích thực của gia đình đang có chiều hướng thoái hoá trầm trọng. Trách nhiệm giáo dục gia đình càng là một thách đố lớn. Phải chăng đó là cái giá phải trả của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hay của sự đánh mất chính bản thân mình hoặc cả hai. Câu trả lời xin dành cho từng người trẻ chúng ta - những người dễ bị cuốn hút, thay đổi và tôn sùng những giá trị mới lạ nhưng cũng là những người đầy nhiệt huyết, niềm tin, bản lĩnh và là tương lai của cả dân tộc. Vâng, dù cho gia đình có biến đổi ra sao đi nữa, chúng ta vẫn hy vọng gia đình sẽ mãi là chiếc nôi, là tổ ấm, nơi ấy thoả mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của mỗi con người.
Tác giả bài viết: Đông Yên
Nguồn tin: www.binhgia.net

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Hành trình đầy cảm xúc của nhà báo Đức đi xe máy sang Việt Nam


Thứ Hai, 15/07/2013 - 11:26

Đi xe máy từ Đức sang Việt Nam để thăm một bé gái nghèo Quảng Trị, nhà báo Đức- Lothar A. Baltrusch chia sẻ, chuyến hành trình gần 2 tháng ấy đầy ắp những kỷ niệm thú vị và ông đã thực sự xúc động khi gặp bé Phạm Thị Thảo Huyền… 

“Đường đến với Huyền”- một hành trình huyền diệu

Thông qua tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision), nhà báo Đức Lothar A. Baltrusch đã nhận là người bảo trợ cho bé Phạm Thị Thảo Huyền (sống cùng gia đình tại Triệu Phong, Quảng Trị) từ 4 năm trước.

Ngày 17/5/2013, ông Baltrusch đã quyết tâm thực hiện chuyến hành trình đặc biệt của mình để đến thăm bé Phạm Thị Thảo Huyền, ông và hai người bạn đồng hành đã đi xe máy từ Đức đến Quảng Trị với hành trình dài 15.000 km. Sau 54 ngày đêm rong ruổi qua khắp các nước Ba Lan, Latvia, Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Lào… Baltrusch và hai người bạn đã đến được Quảng Trị ngày 9/7. Cuộc hành trình gần 2 tháng ấy được Baltrusch đặt tên là “Way to Huyen” (Đường đến với Huyền).

Chia sẻ về hành trình đặc biệt của mình, nhà báo Đức tâm sự: “Năm nay tôi 51 tuổi, khi 18 tuổi tôi bị ung thư. Sau quá trình điều trị, tôi đã không thể có con. Tôi luôn muốn có một đứa con. 4 năm trước, tôi liên hệ với tổ chức Tầm nhìn Thế giới, họ nói, tôi có thể nhận con gái nuôi ở Việt Nam, và có thể trở thành người bảo trợ cho cô bé. Tôi đã nghĩ đến hành trình đến thăm Huyền ngay sau khi trở thành người bảo trợ cho Huyền”.


Cuộc gặp gỡ giữa nhà báo Đức và em bé nghèo Việt Nam- Phạm Thị Thảo Huyền ngày 9/7/2013.

Quyết định đi từ Đức sang Việt Nam bằng xe máy là quyết tâm lớn của nhà báo Đức 51 tuổi. Ông cho biết, nếu đi bằng máy bay, chuyến đi sẽ trở nên quá đỗi bình thường. Ông muốn có chuyến đi đặc biệt để nhớ mãi trong đời, và còn muốn, chuyến đi được cộng đồng, dư luận quan tâm để từ đó có thể kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho bé Huyền nói riêng và những em bé nghèo khác đang sống trên suốt dọc đường từ Đức đến Việt Nam. Từ những em bé Mông Cổ, những em bé Lào đến những em bé Quảng Trị, đều có thể được nhận quà từ nhà báo Baltrusch.

Bé Phạm Thị Thảo Huyền là động lực mạnh mẽ nhất để nhà báo Đức lên kế hoạch cụ thể cho hành trình của mình. Ông đặc biệt ấn tượng với tên Huyền. “Một vài người Việt sống ở Đức đã từng nói với tôi, Huyền có nghĩa là “huyền diệu”. Đó là “sự tuyệt vời”. Có vẻ tên của cháu gái đó thật sự huyền diệu. Nếu tôi dịch sang tiếng Đức, Huyền cũng có nghĩa là tuyệt vời. Và tôi gặp Huyền, cháu thật sự là một sự huyền diệu.


Cuộc hành trình kéo dài 55 ngày đêm bằng xe máy ấy được nhà báo Đức đặt tên là "Way to Huyen" (Đường đến với Huyền)

Hành trình đến với Huyền đã trở thành một hành trình huyền diệu trong cuộc đời Baltrusch.

“Tôi đã nhìn thấy ở Việt Nam những vẻ đẹp chưa từng thấy”

“Tôi có thể kể với bạn nhiều khoảnh khắc. Tôi có thể kể với bạn một tuần hay một tháng về hành trình ấy. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người, ở nhiều đất nước và trải qua nhiều nền nhiệt độ khác nhau”- Baltrusch kể lại.

“Chúng tôi phóng xe máy tới Nga, nhiệt độ ở vùng núi đó là dưới 0 độ C và có tuyết. Rồi từ thủ đô Matxcova tới địa điểm cuối cùng của nước Nga khoảng 6.000 km. Đường ở Bakhasi chỉ là đường thẳng, không có núi, không có băng, không phải rẽ trái hay phải. Nhiệt độ thì dao động từ 0 độ, đến 10, 12, 15 rồi 17 độ. 17 độ là nhiệt độ lý tưởng cho người lái xe máy.

Sau đó, chúng tôi tới Trung Quốc. Trung Quốc là một đất nước đẹp nhưng có nhiều người quá. Chúng tôi không thể lái xe một cách thoải mái được. Trung Quốc hơi nóng một chút. Sau đó, chúng tôi tới Lào. Lào là mảnh đất của sự tự do nhưng không giống Mỹ. Và rồi chúng tôi tới Việt Nam. Tôi chưa từng trải nghiệm nhiệt độ cao thế này, 32, 33, 34, 35 và rồi 36 độ. Quá nóng cho một người từ Châu Âu. Tôi chưa thấy người nào ở Việt Nam đổ mồ hôi nhưng tôi vã mồ hôi cả ngày. Cái áo phông này suốt ngày đầm đìa mồ hôi và ướt sũng. Mặc dù vậy, cảm giác của tôi về chuyến đi là rất tốt. Tôi đã nhìn thấy nhiều thứ mà tôi sẽ không bao giờ quên trong cả cuộc đời”.


Hành trình của nhà báo Đức bằng xe máy

Cảm nhận của Baltrusch khi xe máy của ông vào đến địa phận của Việt Nam, đó là những cảm xúc đặc biệt, khó diễn đạt trọn vẹn. “Sau Lào, chúng tôi tới thành phố Điện Biên Phủ. Từ thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi đi tiếp và tôi nhìn thấy những cảnh đẹp mà tôi chưa từng biết đến, không hề có trên Internet, trên sách vở, không hề có ở bất cứ tài liệu nào. Cảm giác lái xe máy trong phong cảnh đó là không thể tin được. Tôi nhìn thấy núi non, ruộng lúa và con người. Mọi người ở Việt Nam đều cười tươi và luôn nói xin chào. Tôi biết con người Việt Nam là những người luôn nói xin chào và là những người vui vẻ. Đó thực sự cả cảm giác tuyệt vời khi lái xe”.

“Tôi sẽ kể mãi về hành trình này”

Cuộc gặp gỡ với bé Phạm Thị Thảo Huyền sẽ mãi là một kỷ niệm huyền diệu với Baltrusch. Bé Huyền 13 tuổi sống ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên gặp người bảo trợ của mình. Cô bé chia sẻ với nhà báo Đức ước mơ muốn trở thành bác sỹ của mình.

“Tôi nghĩ 2 năm trước đó, Huyền muốn trở thành một người thiết kế thời trang. Tôi đã xem tranh em ấy vẽ. Huyền vẽ rất đẹp. Nhưng 2 ngày trước, khi tôi đến thăm dự án, Huyền đã nói rằng: “Thiết kế cũng được, nhưng cháu muốn trở thành một bác sĩ”. Huyền mới 13 tuổi. Một đứa trẻ 13 tuổi trong một gia đình thuần nông đã nói rằng muốn trở thành bác sĩ. Và tôi biết Huyền đang cố gắng học tốt nhất cho những điều mà cháu mong muốn. Và tôi hy vọng đó là con đường đúng đắn cho cháu”- Baltrusch kể lại ước mơ của Huyền.



"Cuộc gặp gỡ huyền diệu"

Nhà báo Đức hoàn thành chuyến đi “Way to Huyen” của mình với những kỷ niệm, những ký ức không thể có lại lần thứ 2 trong đời. Ông cho biết, khi quay trở về Đức, ông sẽ mua tặng Huyền một chiếc máy vi tính để cô bé có thể truy cập internet và học hỏi được nhiều kiến thức cho tương lai. Nhà báo Đức thực sự mong, Huyền có thể trở thành một bác sỹ.

“Tôi có thể giúp đỡ được Huyền, và cháu sẽ có cơ hội được trở thành bác sĩ. Có lẽ là 10 năm sau, khi cháu trưởng thành, cháu có thể giúp đỡ được nhiều người khác ở Việt Nam. Đó là một cảm giác thật tuyệt”.

Trả lời về cuộc sống sau khi trở về Đức, Baltrusch mượn một câu danh ngôn của người Đức: “Hãy tĩnh lặng sau khi trèo từ ngọn cây xuống”. Baltrusch khẳng định, chuyến đi này sẽ còn lưu lại mãi trong tâm trí và trái tim ông. Baltrusch sẽ kể cho gia đình, bạn bè ông nghe về cuộc hành trình, sẽ cho họ xem những bức ảnh, và cả những đoạn video ngắn ông đã quay.

“Tôi sẽ kể hết cho họ nghe về chuyến đi mang tên “Đường đến với Huyền” của mình”- Đó cũng là câu giã từ của nhà báo Đức 51 tuổi đã đến Việt Nam bằng xe máy để thăm một bé gái nghèo Quảng Trị.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Cáo phó: Bà Maria Mađalêna Nguyễn Thị Chí

Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại,
thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu,
cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu (1Tx 4,14)

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Đại gia đình Nguyễn Tộc - An Du Bắc trân trọng báo tin:

Bà MARIA MAĐALÊNA NGUYỄN THỊ CHÍ
là hiền thê của Ông Tư

đã được Chúa gọi về tại Hoa K

Xin quý bà con trong Đại gia đình Nguyễn Tộc 
hiệp dâng lời cầu nguyện
xin Thiên Chúa đưa linh hồn Maria Mađalêna 
về hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Đức Kitô là nguồn mạch và là mẫu mực cho tương quan giữa các cặp vợ chồng

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

LXXXIX

ĐỨC KITÔ LÀ NGUỒN MẠCH VÀ LÀ MẪU MỰC

 CHO TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC CẶP VỢ CHỒNG

1. Giờ đây chúng ta bắt đầu phân tích một cách đặc biệt hơn đoạn Thư Êphêsô 5,22-33. Hướng về các cặp vợ chồng, Tác giả khuyên họ «hãy tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô» (5,21).
Vấn đề ở đây là một tương quan mang hai chiều kích hay hai cấp độ: tính hỗ tương và tính cộng đoàn. Cái này xác định và là đặc trưng cho cái kia. Tương quan giữa vợ và chồng phải xuất phát từ quan hệ chung cuả họ với Đức Kitô. Tác giả của bức Thư nói đến «lòng kính sợ Đức Kitô» theo nghĩa loại suy như khi nói đến «lòng kính sợ Chúa». Trong trường hợp này, điều chính yếu không phải là sự sợ hãi, tức thái độ tự vệ đứng trước đe doạ của cái ác, nhưng trước hết đó là lòng kính tôn đối với sự thánh, tức thực tại thánh thiêng (sacrum). Đó là lòng đạo đức (pietas), mà theo kiểu diễn tả của Cựu ước cũng  là sự «kính sợ Chúa» (x. vd. Tv103,11; Cn 1,7; 23,17; Hc 1,11-16). Thực ra, lòng mộ đạo ấy, vốn xuất phát từ ý thức thẳm sâu vềmầu nhiệm Đức Kitô, phải là nền tảng cho các mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau.
2. Như văn mạch trực tiếp của nó, bản văn chúng ta chọn cũng có đặc tính «khuyến thiện», nghĩa là dạy dỗ luân lí. Tác giả bức Thư ước muốn chỉ dẫn cho các đôi vợ chồng phải xây dựng mối tương quan của họ với nhau như thế nào và cả lối ăn cách ở của họ. Ngài rút ra những chỉ thị và hướng dẫn riêng từ mầu nhiệm Đức Kitô, trình bày từ đầu bức Thư. Mầu nhiệm này phải hiện diện cách thiêng liêng trong mối tương quan giữa vợ chồng. Đi sâu vào lòng họ, làm nảy sinh trong họ «lòng kính sợ Đức Kitô» thánh thiêng (tức là lòng đạo đức [pietas]), mầu nhiệm Đức Kitô phải dẫn họ tới chỗ «tùng phục lẫn nhau». Mầu nhiệm Đức Kitô, nghĩa là mầu nhiệm chọn lựa mỗi người, từ trước muôn đời, được «làm con cái Chúa» trong Đức Kitô [1].
3. Đoạn văn Ep 5,22-33 mà chúng ta đã phân tích văn mạch xa cũng như gần hay trực tiếp, bắt đầu với một diễn ngữ với ấn tượng rất đặc biệt. Tác giả nói đến sự kiện vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau, và từ đó giúp ta hiểu cần phải hiểu thế nào những lời được viết sau đó về sự người vợ hãy tùng phục chồng. Thật vậy, ta đọc thấy : «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa» (5,22). Nói thế tác giả không có ý hiểu rằng người làm chồng thì làm «chúa» vợ mình và giao ước liên vị của hôn nhân là một thứ hợp đồng bảo đảm quyền sở hữu (tức thống trị) của người chồng đối với người vợ. Trái lại, điều đó muốn diễn tả một khái niệm khác, đó là : người làm vợ, trong tương quan với Đức Kitô – là Đức Chúa duy nhất đối với cả hai vợ chồng – có thể và phải tìm thấy được cái lí do của mối quan hệ với người làm chồng, một quan hệ xuất phát từ chính yếu tính của hôn nhân và của gia đình. Nhưng tương quan đó không phải là sự phục tùng một chiều. Theo giáo lí của Thư Êphêsô, hôn nhân loại bỏ yếu tố vốn làm cho giao ước nên nặng trĩu và, có khi, hay nặng về thể chế pháp lí. Thật ra, người làm chồng và người làm vợ «tùng phục lẫn nhau», người này tự hạ mình phục vụ người kia. Nguồn mạchcủa sự tùng phục lẫn nhau này là ở nơi lòng đạo đức kitô giáo, và diễn tả của nó là tình yêu.
4. Tác giả của bức Thư nhấn mạnh cách đặc biệt đến tình yêu này, khi hướng về người làm chồng. Quả thật, ngài viết : «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình...», và với cách thức diễn tả này ngài tước bỏ mọi yếu tố của sự sợ hãi (là điểm nhạy cảm của con người thời đại) có thể được gợi lên từ câu nói trước đó : «Người làm vợ hãy tùng phục chồng». Tình yêu loại trừ mọi kiểu phục tùng trong đó người làm vợ trở nên như người đày tớ hay nô lệ của người chồng, đối tượng của một sự phục tùng trước thái độ độc đoán. Tình yêu thì không như thế, vì trong tình yêu cả người làm chồng cũng phục tùngvợ, và đó là vì phục tùng chính Chúa, như vợ đã đối với chồng vậy. Cộng đoàn gia đình hiệp nhất mà họ phải xây dựng vì hôn nhân, được thành hiện thực là nhờ họ dâng hiến cho nhau, cũng có nghĩa là họ tùng phục lẫn nhau. Đức Kitô là nguồn mạch và cũng là mẫu mực của sự phục tùng ấy, một sự phục tùng lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô», điều ấy làm cho sự kết hợp vợ chồng trở nên sâu sắc và chín muồi. Nhiều yếu tố mang tính tâm lí hay phong tục, trong nguồn mạch ấy và trước mẫu mực ấy, được biến đổi sâu xa đến nỗi làm xuất hiện một «tổng hợp» các hành vi và các mối quan hệ hai chiều, mới mẻ và quí giá.
5. Tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô không e ngại nhận lấy các quan niệm riêng của não trạng và tập tục thời ấy; ngài không ngại nói đến sự phục tùng của người làm vợ đối với người chồng; và rồi cũng không ngại (trong câu cuối cùng của đoạn Kinh thánh ta đang trích dẫn) khuyên người vợ «hãy kính sợ chồng mình» (5,33). Quả thật, hẳn là khi người chồng và người vợ mà cư xử trong sự phục tùng lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô», thì mọi sự sẽ bình yên ổn thỏa, hòa hợp với ơn gọi kitô hữu của họ trong mầu nhiệm Đức Kitô.
6. Thế nhưng, chắc chắn là tâm thức của con người chúng ta ngày nay thì khác, cả não trạng và tập tục hiện nay cũng khác xưa, và vị thế xã hội của người phụ nữ đối với nam giới cũng khác. Tuy nhiên, nguyên lí nền tảng vững bền ta có từ Thư Êphêsô vẫn thế và vẫn sinh hoa kết quả. Phục tùng lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô» – một sự phục tùng phát sinh trên nền tảng của lòng đạo đức – luôn tạo nên cấu trúc sâu xa và chắc chắn cho cộng đoàn hôn nhân, trong đó sự «hiệp thông» các ngôi vị đích thực được thực hiện.
7. Tác giả của bản văn gửi cho các Tín hữu Êphêsô đó, khởi đầu bức Thư đã giới thiệu một viễn ảnh về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa dành cho loài người, ngài không chỉ lưu ý hạn chế vào các khía cạnh tập tục  truyền thống hay đạo đức của hôn nhân mà thôi, nhưng vượt trên phạm vi giáo huấn luân lí. Thật vậy, trong khi viết về tương quan giữa vợ chồng với nhau ngài khám phá một chiều kích, là chính mầu nhiệm Đức Kitô, và ngài trở thành người loan báo và là tông đồ của mầu nhiệm ấy. «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh...» (5,22-25). Như thế, giáo huấn của phần khuyến thiện này của bức Thư, cách nào đó, được tháp vào trong chính thực tại mầu nhiệm được giấu kín tự muôn thuở trong Thiên Chúa và được mạc khải cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Trong Thư Êphêsô, chúng ta nhận thấy một cuộc gặp gỡ, có thể nói là, đặc biệt của mầu nhiệm ấy với chính yếu tính của ơn gọi hôn nhân. Nhưng cần phải hiểu như thế nào về sự gặp gỡ này ?
8. Trong bản văn của Thư Êphêsô, nó được trình bày trước hết như là một loại suy phóng đại. Chúng ta đọc thấy rằng : «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa...» : đó là yếu tố loại suy đầu tiên. «Vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh...» : đó là yếu tố loại suy thứ hai, yếu tố này giải thích và nêu lí do cho loại suy thứ nhất. «Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy...» : như mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh được trình bày trước đây, giờ đây mối quan hệ của Hội Thánh đối với Đức Kitô được diễn tả, và ở đây hàm chứa yếu tố tiếp nối của loại suy. Sau cùng : «Và hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như chính Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh...» : đó là yếu tố loại suy cuối cùng. Phần kế tiếp của bản văn trong bức Thư khai triển tư tưởng nền tảng của đoạn ta trích dẫn ở đây. Toàn thể bản văn chương Năm (cc. 22-23) của Thư Êphêsô tràn ngập cùng một kiểu loại suy: đó là, mối tương quan hôn phối giữa vợ và chồng các kitô hữu cần phải hiểutheo hình ảnh của mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Hàng ngàn thanh thiếu niên Kitô thờ lạy Satan ở Nagaland, Đông Bắc Ấn Độ

Đặng Tự Do7/2/2013


Thông tấn xã Bộ Truyền Giáo cảnh giác: Hàng ngàn thanh thiếu niên Kitô thờ lạy Satan ở Nagaland, Đông Bắc Ấn Độ


Các thanh thiếu niên tại bang Nagaland ở Đông Bắc Ấn Độ đang bị quyến rũ bởi một nhóm tôn thờ Satan. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc cho biết trong vài tháng qua, hơn 3.000 người trẻ "tôn thờ Satan" đã được xác định tại Kohima, thủ phủ của Nagaland, và làn sóng sùng bái Satan đang “lan như cháy rừng”. 

Điều đau lòng là Nagaland được xem là trọng điểm của Kitô giáo. 95% dân số trong vùng là các Kitô hữu.

Mục sư Zotuo Kiewhuo của Giáo Hội Báp-tít ở Kohima, nói việc thờ phượng Satan đang được thực hành rộng rãi trong các trường trung học và đại học, và trong vòng năm năm trở lại đây, hiện tượng này đang gia tăng đáng kể. Trẻ em tiếp thu và truyền bá văn hóa của Satan chủ yếu thông qua các trang web và mạng xã hội như "Facebook" và "Twitter". 

Mục sư Shan Kikon, của cộng đồng Tin Lành tại Nagaland, nói với thông tấn xã Fides rằng ông đã đích thân gặp các thiếu niên thường xuyên đi thờ phượng Satan. Có những em mới 12 tuổi. 

Thông tấn xã Fides cảnh cáo rằng "Sa-tan đã xâm nhập vào các hiệp hội và cộng đồng Kitô hữu bằng cách tạo ra những ngộ nhận, mất lòng tin, và chia rẽ".

Cha Charles Irudayam, tổng thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ nói với Fides rằng "Chúng tôi thực sự bị sốc khi biết về tin tức này vì trước đây việc thờ lạy Satan không phải là một hiện tượng phổ biến ở Ấn Độ. Những hoạt động của các nhóm Satan ở vùng Đông Bắc Ấn là tiếng chuông báo động.”

Hàng ngàn phụ nữ trong hội các bà mẹ Công Giáo đã xuống đường tuần hành tại Nagaland như một tiếng chuông cảnh tỉnh về hiện trạng nguy hiểm này. Nhiều phụ nữ khóc lóc thảm thiết khi biết con cái mình tham gia vào các nghi thức tôn thờ Satan.