Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Cửa Tùng - nét duyên vùng biển Quảng Trị

Chủ Nhật, 24/6/2012, 20:17 (GMT+7)

(TBKTSG Online) - Bờ biển tỉnh Quảng Trị với những bãi cát phẳng lì, thoai thoải kéo dài khoảng 75 cây số, có vẻ đẹp đủ sức hấp dẫn những người yêu thiên nhiên và thích khám phá sự kỳ thú của vùng biển nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á. Thuộc xóm Cửa, thôn An Đức, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, Cửa Tùng là bãi biển đẹp nhất ở tỉnh Quảng Trị từ hàng bao đời nay được ca ngợi là Nữ hoàng của các bãi tắm.


Bãi biển Cửa Tùng. Ảnh: Trần Hoài

Từ thành phố Đông Hà - trung tâm hành chính, thương mại tỉnh Quảng Trị - mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe máy theo quốc lộ 1A ra phía bắc rồi rẽ xuống biển sẽ đến bãi biển Cửa Tùng, nơi con sông Bến Hải đổ ra biển. Bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và êm ả.

Người dân sống bên bãi biển Cửa Tùng vẫn thường truyền kể với nhau rằng, xưa kia đất đai nơi đây màu mỡ, cá dưới biển dồi dào nên vùng đất có cửa biển hiền hòa, kín gió này được gọi là Thừa Lương.

Vào đầu thế kỷ XX, người Pháp phát hiện vẻ đẹp tuyệt vời cũng như các giá trị tích cực đối với sức khỏe ở Cửa Tùng nên đã xây dựng ở đây các nhà nghỉ và biệt thự theo lối kiến trúc Gotich cùng hệ thống đường nội bộ trong khuôn viên, cầu nhảy, ghế đá... phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm biển, giải trí cho những viên chức, sĩ quan Pháp đồn trú ở Đông Dương.

Ghi chép của A.Laborde, một người Pháp rất am hiểu Cửa Tùng thuở đó nhấn mạnh, đại ý: Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt bởi một cao nguyên rất xanh tươi ở độ cao 20 mét. Từ trên đồi người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời. Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát.

Đặc biệt, trong những ngày sống ở Cửa Tùng, vua Duy Tân đã ví Cửa Tùng như "Cái chậu tắm bằng ngọc bích" tuyệt mỹ. Cũng chính con người khí khái bị giam cầm với chí lớn vì nước thương dân ấy ví các mạch nước trong ngần của Cửa Tùng là linh hồn của vùng biển "bao la bát ngát một vũng tòa" này.

Chảy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, con sông Bến Hải mang nước từ nguồn đổ ra biển Cửa Tùng và dường như bàn tay của tạo hóa đã khéo bày tám mũi đất, đá bazan đỏ au kéo dài nhô lên trên bờ cát dày trắng mịn để ăn sâu ra biển khiến bãi biển Cửa Tùng như một chiếc lược kỳ vĩ, muôn đời chải mượt những đợt sóng của đại dương.

Qua những vết thương bỏng rát của lịch sử, người Quảng Trị vẫn giữ được niềm tự hào về Cửa Tùng - món quà của thiên nhiên ban tặng. Là một vịnh nhỏ ăn sâu vào chân dải đồi đất đỏ bazan chạy sát biển, bãi biển Cửa Tùng tựa lưng vào các làng biển của xã Vĩnh Quang bốn mùa rợp bóng xanh mát của hồ tiêu, chè và rừng phi lao rì rào trong gió.

Vào những ngày nắng đẹp, đứng ở mạn cát bên mép sóng Cửa Tùng, mắt người chạm lên huê dạng như một con rùa của đảo Cồn Cỏ in giữa nền trời màu xanh và mặt biển màu ngọc bích. Và ẩn hiện đây đó bên những nếp sóng miên man trong sự giao hòa của đất trời là những vuông cửa kín đáo dẫn vào làng địa đạo Vịnh Mốc huyền thoại, hư thực. Vào một khoảnh khắc nào đấy, những tấm lòng nồng nhiệt của du khách từ muôn phương nhận ra dòng Bến Hải như một cung đàn ngày đêm chuyển tải những âm ba của núi rừng Trường Sơn vào lòng biển khơi rộng mở và tạo nên chất lãng mạn của Cửa Tùng ẩn chứa trong từng hạt cát, con sóng, ngọn gió, rạn đá, tia nắng. Tại đây, con người sống trong không gian văn hóa du lịch độc đáo, nổi tiếng với sông Bến Hải vỗ về những nhịp cầu Hiền Lương lịch sử, sóng biển Cửa Tùng ru êm làng địa đạo Vịnh Mốc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh tỏa mát vĩ tuyến 17...

Với những vồng cát trắng phau, phẳng mịn và sạch nối tiếp nhau chạy dài dưới ánh mặt trời, dịu dàng đón những đợt sóng trong xanh reo vui trong gió hết ngày hè này qua tháng hạ khác, Cửa Tùng là một phần của vẻ đẹp duyên dáng kỳ lạ của quê nhà Quảng Trị. Mỗi khi ngắm làn nước biến đổi màu sắc theo thời gian trong ngày trên mặt biển, nhìn những đợt sóng mềm mại vỗ bờ cát trắng trên bãi biển Cửa Tùng, con người có thể thấy lòng mình lắng dịu với những mơ tưởng kỳ diệu và niềm yêu mến sâu xa đối với quê hương, đất nước.

Nguyễn Bội Nhiên

Không có nhận xét nào: