Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Anh đưa em về Quảng Trị





Anh đưa em về Quảng Trị
Biền biệt bao năm chưa biết quê chồng
Đã qua rồi thời cách trở đò sông
Vất vả, lo toan, cơ cầu cuộc sống.

Anh đưa em về, mùa xuân nắng ấm
Tiếng chim gù rậm rịch bờ xa
Khói chiều lên thơm hương vị quê nhà
Gây mùi nhớ anh trong thời thơ dại.

Anh đưa em tìm con ốc gạo
Giữa bãi bờ Thạch Hãn xanh tươi
Con ốc ngọt từ mồ hôi đá
Thấm lòng ai cơ cực bao đời.

Anh lại đưa em về Mai Xá
Con chắt chắt nước lợ nước ròng
Thổi hồn anh rát trưa hè nóng bỏng
Lưng chén canh mát rượi cả lòng.

Cùng em ra ngã tư Sòng
Con bún sống đời quê thầm lặng
Con bún trắng thấm bao vị mặn
Cho ai no những buổi đói lòng.

"À ơi!...
Nỏ lo bún ế chợ Sòng
Đi ra buổi chợ mặc lòng mà ăn..."

Cùng em đi chợ Do
Tìm tuổi thơ xâu bánh vòng bánh sắn
Trưa Cửa Tùng, mát lành con sứa, nuốt
Mặn mòi chi một mùi ruốc quê mình.

Anh đưa em ăn cháo "vạc giường"
Chiều Hải Lăng mưa chừng xuống thấp
Hương gạo của đồng, cá ngọt của đất
Quán tranh nghèo níu mãi một mùi hương.

"À ơi!...
Đi mô cũng nhớ cháo "vạc giường"
Đứng nghe mùi nén, ngồi thương mùi hành..."

Không quên đưa em về Phương Lang
Dĩa bánh ướt xao lòng anh tuổi nhỏ
Ngọt bùi chi mà lọn nem chợ Sãi
Nhức nhối hoài mùi vị quê hương.

Anh đưa em ngược đất Cùa
Những đồi sim cỗi cằn nắng cháy
Trái mít non ai vừa mới hái
Đủ xé lòng với hạt tiêu cay.

Anh đưa em về quê mẹ
Lưu luyến lòng vị ngọt quê hương
Dù anh đi đâu: Bốn bể, mười phương
Vẫn da diết một mùi hương Quảng Trị.
Tác giả bài viết: Tạ Nghi Lễ

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Hình ảnh gia đình

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long7/14/2012


Việc làm và tình yêu trong đời sống con người là hai yếu tố góp phần xây dựng con ngưòi cùng xã hội. Nhưng hai hình ảnh này theo lý luận phân tích lại như đi ngược chiều nhau.

Tình yêu dẫn đến sự sinh sôi nẩy nở thêm con người; công làm việc ngăn cản vướng trở tình yêu. Hai điều căn bản trái ngược nhau trong đời sống xã hội ngày hôm nay.

Công việc làm mang đến lợi nhuận, tiền bạc. Tình yêu thì hao tốn tiền bạc. Việc làm sản xuất ra hàng hóa và mang lại tư bản sở hữu. Còn tình yêu sản xuất ra con cái và mang lại sự thua lỗ tốn kém. 

Từ việc làm nảy sinh viết ra những sách báo thực dụng chỉ dẫn phát minh. Còn từ tình yêu nảy sinh đưa đến viết sách báo tiểu thuyết.

Việc làm và tình yêu như thế phân chia đời sống xã hội ra làm đôi, trong đen và đỏ, chen lẫn vào số phận con người. 

Theo phân tích lý luận thì khô cứng như thế. Nhưng giữa việc làm và tình yêu còn có yếu tố thứ ba nữa. Yếu tố này được xây dựng thành hình, nếu hai yêu tố kia cùng chung hợp với nhau. 

Đó là gia đình. 

1. Từ khởi thủy đã có… 

Đọc trong Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế có câu: „Từ khởi nguyên Thiên Chúa sáng tạo trời đất.“. ( St 1,1). Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa có cả con người Nam và Nữ.

Rồi chính Thiên Chúa cũng đã muốn con người sống chung hợp thành gia đình với nhau: „ Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều…Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó…..Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.“ ( St 1-2).

Như thế gia đình là sự sống chung hợp của hai người Nam Nữ với nhau không chỉ dựa trên nền tảng làm việc hay chỉ tình yêu, hay chỉ trên yếu tố sinh lý vật học cùng trên tầng thần kinh cảm gíac, nhưng còn trên niềm vui hạnh phúc, sự tròn đầy đời sống họ mang lại cho nhau. 

Gia đình có thể nói là ơn Kêu Gọi của hai người Nam và Nữ cùng nhau xây dựng mái ấm căn nhà tình yêu cùng hỗ trợ nhau đưa đến sự trọn vẹn đời sống của nhau. Tình yêu của họ trao cho nhau là sứ điệp tin mừng giúp họ khám phá ra điều còn ẩn dấu nơi mỗi người, món qùa tặng của Thiên Chúa. 

Gia đình là ơn kêu gọi hướng về tình yêu và như món qùa tặng cho đời sống. 

Yếu tố gia đình giúp không chỉ xây dựng đời sống hai người mà còn cho hoa qủa là con cái của họ do 
Trời cao ban cho. Và như vậy cho cả xã hội con người nữa.

Yếu tố gia đình giúp họ vượt qua rào cản phân tích đi vào ngõ bí ích kỷ khô cứng giữa hai bên chỉ thuần túy tình yêu và chỉ thuần túy việc làm.

Phải, xưa nay có nhiều cách thế nhìn cùng suy tư về gia đình. Nhưng yếu tố gia đình theo nếp sống trong dân gian xưa nay là căn bản cho đời sống xã hội.

2. Từ căn bản

Gia đình xưa nay trong đời sống xã hội vào mọi thời đại, ở mọi đất nước nền văn hóa nhân loại có chức năng liên quan ra tới ngoài xã hội nữa. Gia đình nào cũng là một xã hội thu nhỏ có cha, có mẹ, con cái. Xã hội nhỏ này nối kết với những xã hội nhỏ khác làm thành xã hội to lớn. Trong xã hội nhỏ gia đình, em bé bạn trẻ nhận được trước hết tình yêu sự chăm sóc âu yếm đùm bọc của cha mẹ ngay từ khi em thành hình là bào thai trong cung lòng mẹ. 

Trong bầu không khí đó em bé bạn trẻ phát triển lớn lên thành người quân bình cả về thể xác lẫn tinh thần. Vì mỗi con người không phải chỉ có thân xác với đầu mình và tứ chi, nhưng còn bao gồm cả trí khôn tinh thần nữa. Tinh thần lành mạnh nơi thân xác khoẻ mạnh.

Trong bầu không khí đó em bé bạn trẻ khám phá ra thế nào là tình liên đới giữa con người với nhau, và con người cần nhau như thế nào.

Trong bầu không khí đó em bé bạn trẻ được đào tạo giáo dục từ căn bản về ăn uống, học nói, đi đứng, nằm ngồi, ngủ nghỉ, tắm rửa, mặc quần áo, giữ vệ sinh, học đọc chữ, nhất là học biết khám phá về nếp sống đạo giáo tinh thần, biết bỡ ngỡ vẻ đẹp trong thiên nhiên.

Trong bầu không khí đó em bé bạn trẻ phát triển lớn lên dần nhận ra thế nào là điều hay lẽ phải, thế nào là một nếp sống tốt đẹp có lễ phép, có tư cách, có nguồn gốc.

Những căn bản đó là hành trang cần thiết giúp em bé bạn trẻ lớn lên đi vào trường đời sống cùng học hỏi mở mang thêm ra, cùng làm việc xây dựng, và cùng yêu mến đời sống xã hội. 

Trong cuộc gặp gỡ gia đình thế giới lần thứ bảy ở Milano bên Ý hôm 01.06.2012. Đức Hồng Y Ravasi, đã có suy tư về gia đình theo ba hình ảnh„ Gia đình là một căn nhà có ba phòng: phòng đau khổ, phòng làm việc và phòng mừng lễ. „ 

Thiết nghĩ, những căn phòng này không phải là số phận phải hứng chịu, nhưng là cơ hội giúp đời sống có kinh nghiệm trưởng thành vững mạnh hơn. Và như thế đời sống gia đình khác nào là trường đào luyện cho con người trước khi ra trường đời sống. 

Nhưng dẫu vậy, con người xưa nay vẫn luôn có những thắc mắc hoài nghi, có khi chao đảo, khi nhìn thấy những thực tế về cảnh gia đình trong xã hội.

3. Từ thắc mắc hoài nghi

Không chối cãi, hình ảnh gia đình không chỉ có mặt tích cực, mà còn có cả mặt tiêu cực nữa; 

Không chỉ có phương diện theo truyền thống xưa nay, mà còn cả phương diện cách mạng đổi mới chạy theo thời đại nữa; 

Không chỉ có khía cạnh đạo đức như được thánh hóa, mà còn có cả khía cạnh bị tục hóa nữa; 

Không chỉ có mặt gía trị cao đẹp, mà còn cả mặt bị hạ gía coi nhẹ thường nữa; 

Không chỉ được ca tụng là cần thiết, mà còn bị tương đối hóa nữa; 

Không chỉ được nhìn nhận là thánh thiêng Ơn Kêu của Trời cao, mà còn bị cho là một sản phẩm nhu cầu của thời đại.

Không chỉ là một giao ước nền tảng của hai vợ chồng trung thành gắn bó với nhau suốt đời, mà còn có cảnh sống thử tìm hiểu nhau một thời gian, hay ly dị xóa bỏ giao ước chia tay nhau nữa.

Không chỉ là một hôn nhân giữa hai người Nam và Nữ theo luật thiên nhiên, mà còn có cả hôn nhân giữa hai người cùng phái tính nữa theo đòi hỏi của con người ngày hôm nay.

Không chỉ là cùng chung vui cộng khổ trong gia đình giữa cha mẹ với nhau, mà còn có cảnh người cha đẩy những gánh nặng lo âu cho người mẹ một mình gánh chịu nữa, hay ngược lại.

Không chỉ có những người con do cùng một dòng máu tế bào của một cha và của một mẹ sinh ra. Nhưng còn có những người con hoặc của riêng cha, hoặc của riêng mẹ, hoặc được nhận làm con nuôi.

Không chỉ là chiếc nôi tổ ấm như xưa nay vẫn hiểu vẫn ca tụng. Nhưng càng ngày gia đình như đang trở thành một „Garage“ chiều tối cho xe chạy vào đậu nghỉ lấy nước đổ xăng nhớt cho khoẻ tươi tỉnh trở lại, rồi sáng hôm sau lại chạy đi tiếp vào đời sống.

Không còn thuần túy là tổ ấm để trẻ con thơ bé được đùm bọc lớn lên phát triển, cảm nghiệm được tình âu yêm của cha mẹ. Nhưng đang dần dần gia đình là nơi chốn ngủ nghỉ ban đêm sau giờ làm việc của cha mẹ. Vì trẻ con ngay khi còn thơ bé từ lúc hai hay ba tuổi bị đưa gửi vào nhà trẻ, rồi lớn lên đi học ở nhà trường cả ngày, làm việc liên miên không ngừng nghỉ, và cả lúc tuổi gìa cũng còn phải bồi dưỡng đi học tiếp ở đại học, ở những lớp „Seminare“ nữa... Chiếc ghế nhà trường theo đuổi đẩy con người từ lúc tuổi thơ bé vào vườn trẻ cho tới tuổi gìa. 

Phải, những cảnh trái ngược nhau về hình ảnh đời sống gia đình không thể nào kê khai ra cho hết đầy đủ được.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những hình ảnh trái ngược đó, nhiều người sẽ không muốn tạo lập gia đình nữa. Nhưng rào cản trong đời sống không phải là không vượt qua được, lẽ dĩ nhiên là phải cố gắng mệt nhọc. Và trong đời sống làm gì mà không có thử thách, không có cám dỗ, không có khó khăn. 

Đời sống đâu chỉ gồm có những điều tiêu cực thất vọng, mà còn có mặt tích cực niềm hy vọng nữa. Chính điều này mà gia đình dù trải qua xưa nay trong cơn lốc khủng hoảng vẫn luôn còn đứng vững với gía trị của nó. 

Dẫu hình ảnh gia đình có nhiều biến đổi, có khi bị chao đảo lung lay tận gốc rễ. Vì cung cách đời sống, cung cách suy tư thời đại thay đổi nhanh lẹ. Nhưng con người vẫn luôn đi tìm kiếm một hình ảnh đúng thích hợp, một hình ảnh nền tảng vững chắc cho đời sống con người và xã hội. 

Bộ áo tô điểm bên ngoài có thể thay đổi. Nhưng nội dung hình ảnh gia đình, nhất là những gía trị cao đẹp, luôn cần phải được duy trì củng cố cho vững mạnh trong sáng. Nhờ thế, xã hội con người vẫn tiếp tục tồn tại cùng phát triển vươn lên.

*******************

Cùng trong dòng sông đời sống đó, Giáo Hội Chúa ở trần gian cũng nhờ đó mà triển nở. Và Gíao Hội có nhiệm vụ là người cùng đồng hành, là trạng sư, cổ võ khuyến khích cùng bảo vệ che chở hình ảnh gia đình như Thiên Chúa từ khởi thủy đã tạo dựng nên. 

„ Gia đình là trường học tốt nhất, nơi đó con người sống cùng học hỏi được những gía trị cao đẹp làm nên phẩm gía mỗi con người. Những gía trị cao đẹp đó góp phần xây dựng cho các dân tộc trở nên hùng cường lớn mạnh. Ngoài ra, trong bầu khí gia đình con người chia sẻ với nhau niềm vui cùng nỗi buồn đau khổ. Vì nơi đó mọi người là thành viên gia đình cảm nhận ra mình được yêu thương che chở.“ (Đức Giáo hoàng Benedictô 16., Kinh truyền tin ngày Chúa nhật 27.12.2009)

Xã hội con người cần đến Giáo Hội là „ lương tâm“ làm phương hướng đi tìm những gía trị luân lý đạo đức trong đời sống. (Mục sư Martin Luther King) 

Mùa Hè 2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Gia Trưởng & Mùa Hè Của Con

Đề tài Gia Trưởng tháng 7/2012 : Gia Trưởng & Mùa Hè Của Con
   
Kính thưa quý gia trưởng !
    Trong những ngày này, ngoại trừ những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông còn đang miệt mài cho việc ôn thi Đại học, còn lại hầu hết học sinh trong cả nước đã thực sự bước vào kỳ nghỉ hè. Nói đến quãng thời gian đi học của mỗi đời người, mùa hè trở về mỗi năm luôn để lại những hồi ức khó phai mờ. Là bậc gia trưởng, chúng ta đã có bao mùa hè vui buồn đi qua đời mình. Bằng thực tế trải nghiệm ấy, người cha trong mỗi chúng ta cần phải chuẩn bị cho con mình hưởng được một mùa hè thực sự ích lợi về thể chất cũng như tinh thần.

1.    Sự thiết thực của kỳ nghỉ hè trong đời học sinh.

Xưa nay, việc học chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Trong thời đại hôm nay, việc học càng khó khăn nhiều bề. Có môn học thế hệ cha anh không co, nhưng giờ trẻ phải học : Tin học,… Có nhiều phương tiện học tập trước đây không có, nhưng trẻ bây giờ buộc phải tiếp cận : máy tính, internet,… Rồi nội dung chương trình giáo dục hiện nay bị xã hội cho là quá nặng nề so với lứa tuổi. Trong năm qua, báo chí đăng tải  nơi này nơi khác học sinh ngất xỉu hàng loạt ngay trong lớp học trước áp lực bài vở…

Nếu để ý sẽ thấy trong suốt 9 tháng học hành, hầu như quần áo của trẻ chẳng chật ra, song chỉ qua 3 tháng hè, vào đầu năm học mới, lập tức quần áo của năm học trước trở nên chật chội. Rồi cái tâm trạng nhẹ nhõm như bước trên mây sau mỗi mùa thi qua, .... Tất cả cho thấy việc học hiện nay là vô cùng nặng nề đối với con cái chúng ta. Mùa hè, chính là khoảng thời gian quan trọng để trẻ quân bình lại tâm lý, phục hồi lại sức lực và được lớn lên về phần thân xác. Sẽ không thể tưởng tượng được, trẻ sẽ phát triển thế nào nếu như trong đời đi học của các cháu không hề có mùa hè.

Mặt khác, mùa hè cũng là dịp con trẻ được thay đổi môi trường sống. Thay vì môi trường giáo dục nghiêm túc, ngày ngày đối mặt với thầy cô bè bạn, mùa hè là dịp để con trẻ tiếp xúc với những khuôn mặt mới, đi tham quan những nơi mới, sự hiểu biết về xã hội xung quanh theo đó cũng thực tế hơn. Gần đây, các nhà nghiên cứu về giáo dục đã cảnh báo về tình trạng trẻ em nghèo nàn về kỹ năng sống. Ra khỏi môi trường học đường, trẻ lơ ngơ vụng về hoàn toàn thiếu vắng những kỹ năng sống cơ bản nhất. Như vậy, mùa hè sẽ là dịp thuận lợi để con cái chúng ta đến với các hoạt động xã hội, đến với những danh lam thắng cảnh của đất nước và tìm hiểu được bao bài học thực tế thú vị.

2.    Nhìn vào thực trạng kỳ nghỉ hè của con trẻ hiện nay.

Chưa có một công trình nghiên cứu nào đi vào tìm hiểu về thực trạng kỳ nghỉ hè của con trẻ hiện nay, ngoại trừ lác đác một vài bài báo, nêu ra một vài khía cạnh, rồi sau đó, khi mùa hè qua đi, tất cả lại đâu vào đấy. Khó mà thống kê cho hết được những gì mà con trẻ hiện nay phải trải qua trong mỗi kỳ nghỉ hè. Bên cạnh những trẻ em đặc biệt được sự quan tâm chăm sóc từ gia đình, vẫn còn có rất nhiều trẻ mà ý nghĩa thực sự của kỳ nghỉ hè chưa bao giờ bàn tay em được chạm tới. Có thể sơ bộ nhìn thấy hiện nay, kỳ nghỉ hè của con cái chúng ta hiện nay rơi vào một trong những tình huống sau :



a.    Tất cả tập trung cho việc ôn luyện kiến thức : 

Nhiều phụ huynh hiện nay đã tuyệt đối hóa vai trò của học vấn, của bằng cấp cho sự thành đạt của con cái ở tương lai. Vì thế, phụ huynh ép buộc con cái mình vào một thời gian biểu chặt chẽ, khít khao cho việc học. Cổng trường vừa khép lại trước mùa hè, thì tại một trung tâm khác, mùa chiêu sinh học hè lại mở ra. Trẻ ngoan, biết vâng lời, sẽ tiếp tục điệp khúc học hành, vùi đầu vào trong bài vở. Kiến thức trẻ có thể bén nhạy, nhưng đi theo với cặp kính mỗi năm mỗi dày thêm, con trẻ càng mơ hồ về thế giới bên ngoài, thiếu khả năng thích ứng với ngoại cảnh, mọi quyết định dẫu là đơn giản nhất vẫn lệ thuộc vào cha mẹ.

b.    Gửi con đi học hè thay vì trông giữ con.

Thoạt nhìn, những trẻ em này rất giống với những trẻ em đã nêu trên. Nhưng thực sự không phải. Các trẻ em ở diện này đa phần là con cái của những bậc cha mẹ quanh năm bận rộn. Trong năm học, theo thời khóa biểu dày đặc của trường, cha mẹ có thể yên tâm làm việc, trao phó việc dạy dỗ con mình cho trường học. Nhưng khi mùa hè đến, đối mặt với thực tế cả ngày không biết phải coi sóc con cái thế nào đã khiến nhiều cha mẹ kiên quyết bắt con đi học hè. Lịch kín cả tuần càng tốt, để cha mẹ có thể yên tâm tiếp tục cho công việc của mình. Ở trường hợp này, con trẻ đi học cho có lệ, bữa học bữa không. Mùa hè mau chóng trôi qua trong vô vị nhạt nhẽo.

c.    Để mặc con cái tự do trong kỳ nghỉ hè.

Ngược lại với hai tình trạng nêu trên, cũng có những gia đình hoàn toàn để con cái mình muốn làm gì thì làm trong kỳ nghỉ hè. Thoạt đầu cha mẹ cho rằng con cái học vất vả cả năm rồi, giờ cho chúng được thoải mái. Con có tiền, con cứ việc đi chơi, không có thời gian biểu nào bó buộc nữa. Ban đầu, con trẻ ở diện này rất thích thú, vì các cháu như được “tháo cũi sổ lồng” sau chín tháng miệt mài học tập. Nhưng, rất nguy hiểm cho sự hình thành nhân cách của con trẻ. Với bản tính tò mò hiếu động, lại thiếu vắng sự chỉ dẫn của người trách nhiệm, trẻ rất dễ lầm lạc và sa ngã vào những nơi nguy hiểm. Ban đầu mới chỉ là sự tụ tập đàn đúm vui chơi, nhưng rất có thể cuối cùng là sự nghiện ngập, sự bê tha hư hỏng và đánh mất cả cuộc đời mình.

d.    Dùng kỳ nghỉ hè để cải thiện thu nhập gia đình.


Đất nước ta hiện nay còn nghèo, đời sống nhiều gia đình còn nhọc nhằn chuyện áo cơm. Ở những gia đình này, con cái được đi học đã là một hạnh phúc lớn. Bởi vậy, khi mùa hè vừa đến, nhiều trẻ lập tức cùng gia đình gánh vác chuyện mưu sinh : bán vé số, đánh giày, phụ hồ, lao động ruộng nương, … Con trẻ phải thấm giá trị nhọc nhằn của giọt mồ hôi quá sớm. Cho dù đó là những người con thực sự hiếu thảo đi chăng nữa, thì trong cái nhìn của người có trách nhiệm, đó vẫn là một thực tế xót xa. Vì nghèo, con trẻ ở những trường hợp này đã mất đi niềm vui của tuổi thơ khi mùa hè đến.
 
3.    Cho con một mùa hè ý nghĩa.

Là những gia trưởng Công giáo, ta xác tín rằng con cái là hồng ân Thiên Chúa trao ban qua tình yêu vợ chồng, đồng thời trách nhiệm của cha mẹ là yêu thương đón nhận và chăm sóc giáo dục con cái theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh. Đứng trước mùa hè mỗi năm của đời con cái, hãy tìm cách trao cho con mình một kỳ nghỉ hè ý nghĩa :

-    Trước hết, cho con sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa qua một năm học, dạy con tìm kiến Ý Chúa qua những thành công và thất bại của việc học hành.
-    Cho con một sự nghỉ ngơi hợp lý sau một năm học căng thẳng để con phục hồi sức lực.
-    Thưởng cho con những chuyến du lịch tham quan cùng gia đình hoặc cùng bè bạn, để còn học hỏi nhiều kỹ năng sống trong thực tế cuộc đời.
-    Đưa con đi thăm ông bà, họ hàng nội ngoại, để con cái biết sống tình thân dòng họ.
-    Không ngăn cản con vui chơi, nhưng hướng con vào những trò chơi lành mạnh, khuyến khích con tham gia các hoạt động tông đồ theo lứa tuổi. Cương quyết can thiệp nếu con có biểu hiện sa đà vào những trò chơi nguy hiểm.
-    Đặt một khoảng thời gian gần cuối hè cho việc ôn tập lại kiến thức để dễ dàng hòa nhập vào năm học tiếp theo.
-    ….
Rồi mùa hè sẽ mau chóng qua đi. Nhưng, con trẻ sẽ cảm nếm được sự hạnh phúc của mái ấm gia đình khi được cha mẹ quan tâm và thương yêu dành cho một kỳ nghỉ hè tốt đẹp. Niềm hạnh phúc ấy sẽ chắp cánh cho động lực dấn thân của con trẻ ; trẻ sẽ bước vào năm học mới với cả một tình yêu và sự say mê.

* Cùng suy tư :
    Mùa hè đã về cả tháng nay rồi, ta đã và đang làm gì để con cái  được hưởng một mùa hè trọn vẹn ?

                BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
                                                 GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Tranh luận về chữ "Lễ"

19/7/2012 10:15

Độc giả tranh luận 'lễ' với Lê Đỗ Huy

Những kiến giải rất táo bạo và mới lạ về chữ “lễ” của tác giả Lê Đỗ Huy đã làm bạn đọc VietNamNet dậy sóng với hàng trăm phản hồi gửi về. Độc giả coi đây là những phân tích mới, góc nhìn mới có vẻ ít nhưng lượng người muốn “dạy” lại cho ông về chữ “lễ” thì nhiều…
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Coi “lễ” là đạo đức
Khác với những quan niệm về chữ “lễ” của tác giả Lễ Đỗ Huy, hầu hết độc giả không chỉ phản ứng gay gắt mà còn cho rằng ông hiểu không đúng về câu khẩu hiệu. Các ý kiến lý giải: “lễ” ở đây là lễ phép, lễ nghĩa, đạo đức…
Có ý kiến bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ..."
Bạn đọc Trần Văn Minh phân tích: “Theo tôi nghĩ triết lý giáo dục " Tiên học lễ, hậu học văn " là một triết lý giáo dục rất sâu sắc của cha ông để lại, nó luôn luôn phù hợp với dân tộc ta. Theo tôi học lễ là học lễ độ, lễ phép, lễ nghi, lễ nghĩa, lễ giáo ... còn học văn là học văn học, văn hóa, văn minh ...tất cả đều học để làm Người.”
Một điều tương đồng là hầu hết các ý kiến của độc giả đều phân tích về chữ “lễ” theo cách hiểu tương tự như độc giả Trần Văn Minh. Chẳng hạn, bạn đọcPhùng Thanh: “Lễ là lễ nghi, là quy tắc ứng xử tối thiểu, là chào hỏi thưa gửi, dạ, vâng, cảm ơn xin lỗi ấy” và cho rằng “ Anh hiểu sai nên đưa những luận chứng sai hết cả rồi!”.
Một bạn đọc khác nhấn mạnh: “ Chữ Lễ, cần hiểu rằng nó ở trong Ngũ Thường của một nền tảng văn hóa cơ bản tạo nên rường cột xã hội, không chỉ trong xã hội phong kiến mà trong bất kỳ xã hội nào, chỉ có cách vận dụng cho đúng mà thôi.”
Chính vì vậy, một bạn đọc đã nhận xét: “Có lẽ cả cái đất nước này chỉ duy nhất một người hiểu như thế” và cho rằng tác giả Lê Đỗ Huy quá máy móc và cổ hủ. Có độc giả nhận xét, tác giả đã “cố ý bẻ cong chữ “lễ” theo hướng tiêu cực”, “bị ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.”
Về những hệ lụy từ cách dạy chữ “lễ” mà tác giả Lê Đỗ Huy lý giải trong bài, độc giả Bùi Việt nhận định: “Chính sự đi xuống của con người làm cho câu nói bị hiểu sai lệch mà lại đi đổ thừa cho nó là không đúng đắn.”
Đến lúc phải nhìn lại?
Trong hàng loạt phản hồi thể hiện sự bức xúc gay gắt, độc giả Trần Việt Nam điềm tĩnh hơn đã nhận ra: Bài viết này có thể khó hiểu, khó nghe và gây bực bội cho nhiều người. Nhưng nếu bỏ qua những suy nghĩ cảm tính ta sẽ thấy rất nhiều ý kiến đúng đắn của tác giả. Đạo Khổng đã ảnh hưởng đến người Việt Nam quá nhiều, nó đã đem đến cho chúng ta quá nhiều khổ đau bởi những lễ giáo bắt con người phải phục tùng số phận. Đã đến lúc người Việt Nam chúng ta nên duy lí hơn để phát triển đất nước.
Tác giả Lê Đỗ Huy đã đề cập và kiến giải trong bài những nguyên nhân sâu xa của các vẫn nạn xã hội hiện nay. Cách kiến giải của ông rút ruột từ văn hóa, một sức mạnh chìm trong lòng xã hội khiến cho những cố gắng thay đổi một tệ nạn nào đó nhiều khi không có hiệu quả. Vì vậy, nhiều độc giả coi những kiến giải của ông khiến cho những “bóng đèn” trong đầu họ sáng bừng lên.
Độc giả Ngọc Phạm chia sẻ niềm vui sướng khi tìm ra câu trả lời cho bài toán của mình từ cái nhìn của tác giả Lê Đỗ Huy: “Bắt đầu hiểu ý bác Huy qua hai bài viết liên tiếp. Thật sự sâu sắc! Chắc bác phải đầu tư thời gian và nghiên cứu nghiêm túc trong một thời gian dài. Tôi cũng đã thử tìm nguyên nhân của chủ nghĩa cục bộ nhưng chưa tìm thấy nguyên nhân gốc rễ như bác” và “Hi vọng bài viết của bác được ai đó có tâm tham khảo.”
Độc giả Đào Ngọc Thái, người coi Khổng giáo là công cụ của độc tài phân tích:“Tư tưởng của Khổng Tử là tư tưởng ấu trĩ nhất và nó hoàn toàn không còn phù hợp với xã hội hiện tại. Từ việc phân tích tư tưởng này cho thấy nhiều điểu rất rất là vô lý nhưng vẫn được duy trì cho đến ngày nay khiến không biết bao nhiêu con người phải chịu khổ sở. Đặc biệt là phụ nữ. Thực tế những người thành công trong mọi xã hội đều làm việc không theo nguyên tắc của Khổng Tử và họ phải vượt qua sự chống đối từ rất nhiều người - số đông trong xã hội theo đạo Khổng Tử. Thực ra ở các nước phương đông nói chung và việt nam nói riêng. Ngay từ khi sinh ra ai ai cũng bị áp đặt bởi tư tưởng của Khổng Tử và nó cho dù bất kì ai không ít thì nhiều đều bị tư tưởng này chi phối. Chỉ những người có nhận thức cao mới có thể nhận ra được những nhược điểm của tư tưởng này và chống lại nó thôi.”
Nói về “lễ” trong giáo dục, bạn đọc Đạt cũng đồng tình với suy nghĩ của tác giả Lê Đỗ Huy: “Tiên học lễ, hậu học văn” nghe qua thấy rất là phải, nhưng nó tạo ra một khoảng cách giữa thầy và trò, thầy "người luôn ở trên" và được người ta hiểu lầm là "luôn đúng", trò "người luôn ở dưới" và được người ta hiểu lầm là "luôn phải nghe". Và khi "người luôn dúng" lạm dụng quyền để hành động ắt dẫn đến những hành động mang tính cá nhân được bảo vệ từ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, "người luôn nghe" xem đó là mặc định dù họ biết là ngoài qui định hay thậm chí không hợp pháp. Học sinh sẽ không dám khẳng định điều gì dần dà họ thụ động, thụ động là gánh nặng cho mọi công việc, kể cả việc học, làm xói mòn mơ ước, phí hoài cái đáng ra phải có.”
“Chữ “lễ” của Khổng Tử như thể lực hút mặt trời khiến các hành tinh quay quanh theo quỹ đạo. Nó tao sự ổn định nhưng cũng kìm hãm sự phát triển của xã hội. Như ai đó đã nhận xét: từ đời nhà Hán đến đời nhà Thanh hầu như Trung Quốc không có sự phát triển đáng kể nào.” Không nên quá câu nệ vào chữ “lễ", nhưng phá nó đi thì sẽ loạn hết, cũng không thể phá được vì Nho giáo ở Việt nam đang được xem như là một tôn giáo. Giữ (có mức độ) chữ “lễ” đồng thời sẵn sàng tiếp thu cái mới, điều này giống như thể một con tàu được đưa lên quỹ đạo rồi phóng tiếp vào vũ trụ. Có thể xem Nhật Bản là một mô hình như vậy.”- là ý kiến của một độc giả bổ sung thêm kiến giải của tác giả.
Kiến giải của tác giả Lê Đỗ Huy là tư tưởng mới để đánh giá lại đạo Khổng và khẩu hiệu được treo trên tất cả các trường học của Việt Nam hay chỉ là một cách mượn chữ “lễ” nói về những tiêu cực xã hội?
Hiện tại, với cách hiểu như lâu nay về câu nói này, tác giả không nhận được đồng tình của đông đảo độc giả nhưng có những độc giả đồng cảm về sự “cô đơn” của ông trong diễn đàn này và cho rằng: “Không phải ai cũng có cái nhìn như Đỗ Huy, khi nào họ phải có cơ hội tiếp xúc, chứng kiến và có thể sống và cảm nhận ở hai môi trường khác biệt thì lúc đó họ mới hiều Đỗ Huy viết gì. Những tư tưởng lớn không thể ngồi dưới gốc cây Dâm Bụt.”

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Suy tư về Bí tích Hôn Nhân Kitô giáo


Lm Nguyễn Hữu Thy6/29/2012

Để chuẩn bị cho Con Một Người nhập thể mặc lấy xác phàm hầu thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Ít-ra-en làm dân riêng Người và đã thiết lập với họ một giao ước tình yêu và chung thủy vĩnh cửu, mà Người gọi là „hôn ước vĩnh cửu“, tức giao ước hôn nhân muôn đời không đổi thay. Qua miệng sứ ngôn Hô-sê, Thiên Chúa đã phán: „Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công bình và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.“ (Hs 2,21-22).

Hôn ước tình yêu và thành tín, hay nói đúng hơn, tình yêu thương vô bờ bến và sự trung thành muôn đời trường tồn của Thiên Chúa dành cho dân riêng Người mà sứ ngôn Hô-sê đã thừa lệnh Chúa phát biểu như trên đây là hình ảnh chân thực, là nền tảng của cuộc sống hôn nhân Kitô giáo: Yêu thương chân thành và trọn đời thủy chung!

Điều đó muốn khẳng định rằng, đời sống hôn nhân không phải là một thực tại thuần túy thuộc lãnh vực thế tục, nhưng là một thực tại thiêng liêng cao cả, được gắn liền với sự tương quan của Thiên Chúa với nhân loại.

Tình yêu Thiên Chúa thôi thúc chúng ta

Lời thề hứa của Thiên Chúa với dân riêng Ít-ra-en, mà Hô-sê đã thừa lệnh Người viết ra, thật tuyệt vời: Người hứa trung thành với họ đến muôn đời, chứ không hề bỏ họ mà đi, cho dù cuộc đời có thay đổi ra sao đi nữa, dù nếu chẳng may xảy ra những xung đột, bất đồng và cả sự phản bội nữa, thì tình yêu và lòng trung tín của Người vẫn trường tồn. Rất có thể khi họ phản bội lại Người, Thiên Chúa sẽ sửa trị họ, để nhắc nhủ họ quay trở lại với Người, quay lại đường ngay lẽ phải, chứ không phải Người chủ trương trừng trị hay bỏ rơi họ, vì Người là Đấng trung tín và Người không thể tự phản lại chính mình.

Thiên Chúa nói với dân Ít-ra-en: Ngươi có thể hoàn toàn tin tưởng ở Ta, vì Ta không bao giờ bỏ ngươi. Và những gì Người dùng miệng sứ ngôn Hô-sê mà nói ra cho dân Ít-ra-en, thì Người đã thực hiện một cách rõ ràng và cụ thể trong con người Đức Giêsu Na-da-rét. Để bày tỏ tình yêu thương và lòng trung thành tuyệt đối của Người với nhân loại, qua Đức Giêsu Na-da-rét, Con Một Người, Thiên Chúa đã không chút ngần ngại bước đi trên con đường dẫn đưa Người đến khổ đau và chết thảm thương! Thực tại ấy đã quả quyết lời hứa của Chúa „Hỡi con người, Ta sẽ lập với Ngươi một hôn ước vĩnh cửu“ đã hoàn toàn được hiện thực một cách rõ ràng và cụ thể. Quả thật, đối với Thiên Chúa, „hôn ước“ giữa Người và nhân loại không phải là thời gian „trăng mật“ đầy hoan lạc, nhưng là một biểu lộ tình yêu thương vô bờ bến và sự tín trung tuyệt đối của Người đối với họ. Đối với Thiên Chúa, một lần đã thề hứa là mãi mãi trường tồn, dù cho con người luôn phản bội Người!

Cũng tương tự như thế, các người sống bậc hôn nhân Kitô giáo cũng đã long trọng thề hứa với nhau trước bàn thờ Chúa trọn đời yêu thương và trung thành với nhau cho đến chết. Vâng, chỉ sự chết mới có thể xoá bỏ được lời thề hứa hôn nhân Kitô giáo mà thôi, vì qua Bí tích hôn nhân chính Thiên Chúa đã liên kết họ lạivới nhau, mà „những gì Thiên Chúa đã liên kếtt thì loài không có quyền phân ly“. Điều đó muốn khẳng định rằng các người sống bậc vợ chồng cũng phải luôn trung thành với nhau, sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau, dù phải đối mặt với các thách đố khắc nghiệt của cuộc sống, với các khác biệt và xung đột, và dĩ nhiên cả sự phản bội nữa. Nhưng đây là một thực tế cực kỳ gai góc và phủ phàng nhất trong cuộc sống hôn nhân, và thường là nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ cho đời sống hôn nhân và phá hủy hạnh phúc các gia đình, xô đẩy tất cả những người liên hệ – vợ chồng, cha mẹ và con cái – vào một chuỗi bất hạnh không có điểm dừng. 

Tuy nhiên, cái thực tại phủ phàng và bất hạnh ấy không phải là con ngõ cụt một chiều và không lối thoát. Trái lại, một lối thoát khả dĩ vẫn còn đó, vẫn đang chờ đợi những người trong cuộc, đó là tình yêu quảng đại! Vâng, chỉ với tình yêu quảng đại và cái nhìn rộng rãi trên toàn diện cuộc sống, nhất là với đức tin sống động, người ta mới có thể thu nhỏ sự tự ái cá nhân và tìm ra được lối thoát khả dĩ cho các bế tắc trong đời sống hôn nhân và trong đời sống gia đình. Ở đây, hoàn toàn ứng nghiệm câu „không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã tự chết cho người mình yêu!“ Thật vậy, chỉ khi người ta biết can đảm giảm thiểu tối đa cái „sĩ diện“ và cái tự ái cá nhân đầy yêu sách của mình, vâng, chỉ khi người ta biết can đảm tự chết đi một chút cho người mình yêu, hay đã từng yêu, cho hạnh phúc toàn thể gia đình, thì không có gì là bất khả.

Sự hấp dẫn và lôi cuốn mạnh nhất và đặc thù nhất của tình yêu hoàn toàn xã thân và vô vị lợi của Thiên Chúa là nó tác động và gây nên trong ta sự ngưỡng mộ, sự mô phỏng hay sự thực hành theo. Bởi vì Thiên Chúa muôn đời tín trung và sự tín trung của Người là nơi nương tựa, là sự bảo đảm tuyệt đối chắc chắn cho chúng ta: không còn bao giờ sợ bị bỏ rơi nữa. Nhưng sự trung tín ấy cũng đòi chúng ta phải đưa ra áp dụng và thực hành trong cuộc sống mình, là tiếp tục trao ban nó cho người khác. Thiên Chúa đã đong cho chúng ta đấu nào, thì đến lượt mình, chúng ta cũng phải đong lại cho người khác đấu ấy. Chính Chúa đã dạy: „Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em.“(Ga 15,12b) Và thánh Phaolô cũng đã nhắc lại giới răn tình yêu của Chúa trong thư gửi Cô-lô-xê: „Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.“(Cl 3,13b) 

Thế nhưng, tình yêu Thiên Chúa thì vô bờ bến và sự tha thứ của Người thì không giới hạn. Người tha thứ luôn luôn, chứ không chỉ bảy lần mà thôi(x. Mt 18,22) và Người không chỉ tha thứ cho những kẻ phản bội Người – như Phêrô và các Môn đệ khác – nhưng Người còn tha thứ cho cả những kẻ kết án, hành hạ và giết chết Người một cách bất công và vô cớ – như các vị Thương tế, Philatô và các lý hình. Lòng quảng đại và lượng tha thứ vô bờ bến của Chúa được cô đọng lại trong câu nói cuối cùng của Người khi đang bị treo trên thập giá: „Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình làm.“(Lc 23,34) Nhưng lòng quảng đại và sự tha thứ bao dung của Chúa tựa như ánh sáng: một khi được thắp sáng lên thì tất cả mọi cảnh vật chung quanh đều được chiếu sáng, đều được hưởng chung ánh sáng của nó. Cũng vậy, tình yêu và sự tha thứ của Chúa cũng đòi buộc chúng ta phải tiếp tục trao ban cho những người khác, phải tiếp tục sống quảng đại tha thứ với những người khác. Nếu Thiên Chúa là Đấng trung tín và bền vững trong các lời Người nói và qua các việc Người làm cho chúng ta, chứ Người không hề đổi thay, dù cho hoàn cảnh có thay đổi thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng phải vậy, chúng ta cũng phải luôn giữ trọn chữ „tín“ và chữ „trung“ trong mọi tương quan với Người cũng như với đồng loại

Sự chắc chắn khả tín và bền vững trong các tương quan xã hội là một nhân đức Kitô giáo. Chính Đức Giêsu cũng đã dạy: „Có thì phải nói có, không thì phải nói không.“(Mt 5,37) Điều đó muốn khẳng định rằng, nếu người ta dễ dàng phản bội bạn bè, dễ dàng bỏ rơi cha mẹ, vợ/chồng hay con cái là một hành động đi ngược lại nhân đức này của Kitô giáo. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp hay hoàn cảnh hợp lý biện minh cho những thái độ „nới lỏng“ trong các tương quan xã hội ấy, chẳng hạn khi con cái đi kết hôn và thành lập gia đình riêng, thì tất nhiên những liên lạc chặt chẽ giữa họ và cha mẹ sẽ bị giảm thiểu hay có thể bị gián đoạn. Trong trường hợp này, cha mẹ chẳng những cần phải chấp nhận, mà còn phải nỗ lực lo lắng và giúp đỡ con cái trong bước đường tự lập và độc lập ấy. Và đối với tình bằng hữu cũng có thể bị gián đoạn hay cả bị chấm dứt, như trong trường hợp vì sinh kế hay thay đổi chỗ ở xa xôi cách trở, v.v…khiến người ta không còn điều kiện để liên lạc với nhau nữa.

Tính chất Bí tích Hôn Nhân: Luôn có Chúa cùng đồng hành

Ngoại trừ trường hợp „đốt giai đoạn“ của những „cú sét ái tình“, con đường đi tới hôn nhân thường cũng được bắt đầu tương tự như tình bằng hữu: Từ diện mạo và ngoại hình xinh đẹp cho đến thái độ cư xử và cách ăn nói lịch thiệp của một người sẽ gây nên cảm tình, sự thích gần gũi, gặp gỡ và trao đổi chuyện trò, v.v… nơi một hay nhiều người khác, và rồi dần dà dẫn tới tình yêu. Sự „mê đắm“ và lòng „xao xuyến giao động“ khi đứng trước một người khác phái là những yếu tố đóng một vai trò quan trọng trong tương quan giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Nhưng đó chỉ là những phản ứng khởi đầu thuần túy thuộc cảm tính và dễ qua đi. Người ta có thể so sánh chúng với những con bướm chỉ nhẹ nhàng bay chập chờn trên một bông hoa nào đó và rồi lại vội vàng bay sang một bông hoa khác. Cũng vậy, phút giây mê đắm và xao xuyến giao động ban đầu sẽ chóng qua đi theo dòng thời gian, chẳng hạn khi người ta phải chuyên tâm dồn trí vào những thực tại khắc nghiệt của cuộc sống cụ thể, khi người ta do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy phải sống cách biệt nhau, và „xa mặt thì cách lòng“, hay khi sự chín chắn cá nhân theo tuổi tác tăng dần lên.

Đàng khác, khi lòng mê đắm và xao xuyến giao động mãnh liệt trước một người khác phái – nghĩa là tình yêu đang ở giai đoạn đầu, giai đoàn còn thuần tuý cảm tính – rất có thể đưa đến những „cuộc tình“ phiêu lưu nguy hiểm mà điểm dừng cuối cùng rất có thể là sự thất vọng chán chường và đau khổ tuyệt vọng, nếu không được lý trí hướng dẫn và không có tình yêu chân chính đi kèm theo, tức một tình yêu hội đủ hai yếu tố cơ bản là sự thủy chung và trách nhiệm. Dĩ nhiên những người trong cuộc, tức những người đang yêu say đắm, thường lại có những cảm nhận mang tính cách chủ quan. Họ xác tín mình được sinh ra là để cho nhau và vì nhau. Họ đinh ninh rằng mỗi người trong họ thực sự là một nửa của người kia. Nhưng rồi khi phải đối mặt với những thực tại phủ phàng của cuộc sống cụ thể hằng ngày, khi tiếng nói của con tim phải nhường chỗ cho tiếng nói của lý trí, bấy giờ từng góc cạnh của mối quan hệ ấy sẽ được đem ra phân tích mổ xẻ và được loại trừ dần hết những yếu tố phụ thuộc, cho tới khi mối quan hệ thuần túy do cảm tính tạo nên cũng tan biến.

Nhưng những hiện tượng tâm lý này không được phép có mặt trong cuộc sống hôn nhân nói chung và cuộc sống hôn nhân Kitô giáo nói riêng, vì tình yêu hôn nhân Kitô giáo không chỉ đặt nền tảng trên cảm tính thuần túy, nhưng trước hết, được xây dựng trên nền tảng phán đoán và chấp thuận của lý trí sau những chuỗi dài tìm hiểu, bàn hỏi và cân nhắc kỹ càng, nhất là nó được xây dựng trên nền tảng chắc chắn của đức tin, nên chỉ có sự chết mới có thể chia cắt được. Nói cách khác, được đức tin hướng dẫn và soi sáng, các người sống bậc vợ chồng Kitô giáo cũng có thể sống tin tưởng vào nhau hoàn toàn như họ sống tín thác vào Thiên Chúa vậy.

Nhưng ở đây một câu hỏi được đặt ra: Nội dung và mục đích của hôn nhân Kitô giáo là gì để nó có thể bền vững và trường tồn cho tới chết?

Chính gương sống cụ thể của tất cả những cặp vợ chồng và những gia đình sống gắn bó mật thiết với đức tin Kitô giáo của mình là một minh chứng hùng hồn và sống động khẳng định rằng lý tưởng tồn tại vĩnh cửu và bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo hoàn toàn là một thực tại khả thi, chứ không phải là một ảo tưởng. Dĩ nhiên điều ấy không muốn phủ nhận thực trạng cụ thể là đã không thiếu các hôn nhân nói chung và các hôn nhân Kitô giáo nói riêng bị đổ vỡ. Phải chăng ngày nay đời sống hôn nhân dễ dàng bị đổ vỡ là do các cặp vợ chồng thường có một cuộc sống độc lập và ít lệ thuộc vào nhau, nhất là trong lãnh vực kinh tế, và tiếp đến, là do các phương diện thế tục đã chiếm ưu thế trong cuộc sống của họ, khiến cho đức tin Kitô giáo của họ bị sao nhãng hay bị rơi vào quên lảng?

Rất có thể những yếu tố ấy đã thực sự đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong những đổ vỡ của các gia đình. Do đó, ở đây chúng ta thử đi tìm một nguyên nhân khác đã giúp các cuộc sống hôn nhân và gia đình thành công và hạnh phúc, đó chính là sự tương quan sống động của các đương sự với Thiên Chúa. Chính cuộc sống đức tin Kitô giáo, tức cuộc sống tiếp cận với Thiên Chúa qua các kinh nguyện hằng ngày và qua sự thực hành tinh thần công bình bác ái của Tin Mừng, mới là yếu tố quyết định giúp con người biết tổ chức cho mình một cuộc sống hạnh phúc và an lành, chứ không phải các yếu tố thuần tuý xã hội và kinh tế mà thôi. Ở điểm này, chúng ta cần tìm hiểu bản chất chính của hôn nhân theo quan điểm Kitô giáo, tức tính chất Bí tích Hôn Nhân Kitô giáo. 

Tính chất Bí tích Hôn Nhân không gì khác hơn là các đôi vợ chồng và các gia đình của họ luôn có Thiên Chúa cùng đồng hành và phù trợ họ trong cuộc sống. Vâng, các hôn nhân Kitô giáo không hề lẻ loi cô độc một mình, họ luôn có Chúa bên cạnh, dĩ nhiên không phải để sống thay hay làm thay các bổn phận của họ trong bậc đôi lứa, nhưng là để trợ giúp họ chu toàn các bổn phận ấy của mình bằng các ân sủng của người.

Bởi vậy, điều kiện tất yếu ở đây là người ta cần phải luôn thực thi, gìn giữ và thăng tiến các tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa cũng như với đồng loại trong cuộc sống xã hội. Cuộc sống lứa đôi và gia đình sẽ thành công và hạnh phúc hay thất bại và bất hạnh đều tùy thuộc các tương quan ấy.

Nhưng đối với nhiều người trong thời đại tân tiến ngày nay sự thực hành và bảo tồn mối tương quan tốt đẹp với những người khác tuy khó nhưng tương đối còn khả thi hơn là đối với Thiên Chúa bội phần, vì Thiên Chúa không hiện diện cụ thể bằng xương bằng thịt trước mắt họ như một người bạn thân. Chúng ta chỉ gặp gỡ được Người trong đức tin sống động, đặc biệt trong Phép Thánh Thể, trong đó Người hiện diện một cách cụ thể. Qua Đức Giêsu Na-da-rét, Con Một yêu dấu của Người, chúng ta biết được rằng Thiên Chúa luôn hiện diện ở giữa chúng ta và chỉ vì Người yêu thương ta. Chính Đức Giêsu đã mặc khải chân lý ấy cho chúng ta, chân lý: Thiên Chúa là tình yêu, và Người yêu thương ta hơn bất cứ một người trần gian nào có thể thương yêu ta!

Một thực tại khác chúng ta cũng cần ghi nhận là đặc biệt các thế hệ trẻ ngày nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc cảm nhận được sự hiện diện cần thiết của Thiên Chúa trong đời sống của họ, vì một số lớn trong họ đã không có được một môi trường sống thuận lợi hay sự may mắn để học hỏi phải tổ chức một mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa như thế nào. Những thanh thiếu niên này thường được sinh ra và lớn lên trong một môi trường gia đình thiếu giáo dục đầy đủ về tôn giáo. Các cha mẹ của họ thường chỉ nhấn mạnh và đặt nặng vấn đề bạn bè và hôn nhân của con cái thuần tuý thuộc lãnh vực kinh tế và xã hội, còn vấn đề thuộc lãnh vực tôn giáo thì rất hạn hẹp, nếu không muốn nói là bị coi thường và đánh giá thấp. Vì thế, các thế hệ trẻ ấy thật khó lòng để cảm nhận được các thực tại thiêng liêng và vô hình, nhưng lại rất gần gũi và quan trọng mang tính cách quyết định đối với sự thành công và sự hạnh phúc của cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ, sự cảm nhận: Chúng ta có Chúa cùng đồng hành trong cuộc sống!

Tổ chức các khóa chuẩn bị hôn nhân là điều tối cần

Chính hoàn cảnh sống bất thuận lợi và khó khăn thuộc lãnh vực tôn giáo và đức tin của các thế hệ trẻ ngày nay đã đòi hỏi Giáo Hội không có giải pháp thực dụng và cần thiết nào khác ngoài việc tổ chức các khóa huấn luyện và chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ đang dọn mình bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình. Và như vừa đề cập tới ở trên, tôn giáo và đức tin luôn đóng một vai trò chủ chốt trong đời sống hạnh phúc lứa đôi và gia đình, nên trong các khóa chuẩn bị hôn nhân của Giáo Hội vấn đề tương quan tốt đẹp giữa hôn nhân và Thiên Chúa cần phải được đặt làm trọng tâm, dĩ nhiên người ta cũng không được coi thường các vấn đề thuộc các lãnh vực xã hội, bạn bè, sức khỏe hay bổn phận giáo dục con cái.

Trong phạm vi thuộc chủ đề này, chúng ta có thể trích những lời phát biểu rất chí lý của Đức TGM Wolfgang Haas, Giám Mục thủ đô Vaduz của tiểu quốc Lichtenstein nằm trong biên giới Thụy Sĩ, được phổ biết trong Thư Chung dịp Mùa Chay 2012 của ngài: „Đối với các Kitô hữu thì vấn đề tự bản chất của nó đương nhiên phải được hiểu là họ cũng cần phải liên kết sự chuẩn bị cá nhân cho đời sống hôn nhân của họ với kinh nguyện và với những trợ giúp phần thiêng liêng, nhờ đó các đôi tân hôn sẽ ý thức được một cách sâu xa sự thánh thiên và sự đẹp đẽ của cuộc sống hôn nhân tương lai của họ. Đặc biệt đối với các đôi tân hôn Công Giáo, điều ấy có nghĩa là họ cần chuẩn bị tâm hồn cho lễ Hôn Phối, một biến cố vô cùng trọng đại của đời họ, bằng việc dọn mình xưng tội và rước lễ một cách cẩn thận. Trước một sự quyết định vô cùng quan trọng như thế, tức bước vào cuộc sống hôn nhân, người ta cần phải sống đời cầu nguyện một cách mãnh liệt hơn nữa cũng như tận dụng tối đa các phương tiện thánh hóa của Giáo Hội.“

Những lời khuyên bảo quan trọng của Đức TGM Haas dành cho các đôi tân hôn như trên, không chỉ được thực hành trong thời gian chuẩn bị mà còn trong suốt cuộc sống hôn nhân của họ nữa. Cùng nhau siêng năng đọc kinh trong gia đình, tham dự Thánh Lễ và đều đặn lãnh nhận Bí tích Cáo Giải: Tất cả những thực hành đạo đức ấy sẽ gắn bó vợ chồng và cả gia đình lại với nhau, cũng như sẽ gắn bó họ lại với Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện giữa họ. Ngoài ra, các cuộc gặp gỡ và trao đổi về các vấn đề thiêng liêng với các cha Linh Hướng cũng đóng một vai trò không nhỏ trong đời sống nội tâm của mỗi người cũng như trong đời sống hôn nhân của họ. Tiếp đến, cả những giao lưu và kết bạn với những người cùng chung một đức tin, cùng đồng chí hướng cũng không kém phần quan trọng trong việc củng cố đời sống hôn nhân của chính mình, bởi vì „ai tin thì không lẻ loi một mình“ đúng như lời phát biểu của Đức Thánh Cha Bênẹđíctô XVI. Người có đức tin thì không chỉ không cô đơn lẻ loi một mình, vì luôn có Chúa ở cùng, và bên cạnh còn có rất nhiều người khác cũng đang sống đức tin Kitô giáo một cách đầy xác tín và vui vẻ nữa. Qua những tiếp xúc ấy, chúng ta chắc chắn sẽ cảm nhận được rằng cuộc sống đức tin cũng như cuộc hôn nhân của mình được củng cố thêm rất nhiều.

Dấu ấn đời tận hiến trong hôn nhân Kitô giáo

Ở đây chúng ta cũng cần ghi nhận một quan niệm khá chủ quan một chiều đã ăn sâu vào tâm thức dân gian do ảnh hưởng của câu thơ Truyện Kiều gây nên: „Tu là cội phúc tình là dây oan!“ Người ta đã đem hai lối sống „tu“ và „đời“ ấy đối lập với nhau: Một bên thì thanh cao, thiện hảo và đáng quý, còn bên kia lại trần tục, thấp kém và chỉ là món nợ đời mà định mệnh bắt phải gánh chịu mà thôi. Nhưng theo bản chất hai lối sống „tu trì“ và „hôn nhân“, thì tuy khác nhau, nhưng không chống đối hay phủ nhận nhau. Ngược lại, cả hai lối sống ấy cùng hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta đừng quên rằng, những người được kêu mời sống đời tận hiến tu trì không phải tự nhiên từ trời rơi xuống, mà xuất phát từ các gia đình, từ đời sống hôn nhân. Bởi vậy, cuộc sống hôn nhân và gia đình thánh thiện thực sự là những thửa đất mầu mỡ làm trổ sinh các ơn gọi Linh mục và tu Dòng tốt.

Và ngược lại, đời sống độc thân Linh Mục và tu Dòng là một sự động viên và sự củng cố cụ thể nhất cho cuộc sống hôn nhân và gia đình. Sự gắn bó và liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa của đời sống các Linh Mục và Tu Sĩ qua các lời khấn của họ thực sự là một sự nâng đỡ to lớn cho các người sống bậc vợ chồng và gia đình, vì các người này cũng theo đuổi cùng một mục đích là mong kiến tạo được một mối tương quan chặt chẽ và tốt đẹp với Chúa.

Một cách cụ thể, đời sống trinh khiết của các Linh Mục và các Tu Sĩ nam nữ là một sự động viên và một sự trợ lực cần thiết cho những người sống bậc vợ chồng luôn giữ trọn được sự chung thủy hôn nhân của mình, không những trong những lúc họ phải tiết dục, phải „kiêng cữ“, như trong trường hợp đau ốm bệnh tật, v.v…, nhưng cả trong cuộc sống bình thường hằng ngày nữa, khi họ phải tự chủ và phải tự kiềm chế những đòi hỏi tự nhiên quá trớn của xác thịt. Vì đời sống hôn nhân theo quan điểm Kitô giáo là một cuộc sống chung giữa một người nam và một người nữ, được chính Thiên Chúa nối kết và chúc phúc trước sự chứng giám của Giáo Hội. Nhờ thế, cả hai vợ chồng không còn là hai nữa, nhưng đã trở nên „một thân xác“ để trọn đời yêu thương nhau, cùng lo lắng cho nhau, cùng tôn trọng và trung thành với nhau, và nhất là cùng giúp nhau biết tôn thờ và kính sợ Thiên Chúa qua kinh nguyện và qua việc chu toàn các bổn phận của bậc mình, nhất là bổn phận nuôi dạy và giáo dục con cái nên những người tín hữu tốt, nên những công dân hữu ích cho xã hội, chứ không phải một lối sống nhằm tạo điều kiện cho người ta được hoàn toàn tự do thỏa mãn các đòi hỏi thuộc phái tính của mình, đến chỗ coi người bạn đời của mình hầu như là một phương tiện hợp pháp cho sự thỏa mãn ích kỷ ấy.

Qua những trình bày trên đây, chúng ta thấy rằng tinh thần lời khấn khiết tịnh của đời sống tu trì nâng đỡ cho những người sống bậc vợ chồng gìn giữ và bảo toàn được sự trung thành hôn nhân của mình, khi giúp họ biết định hướng tình yêu hôn nhân của mình theo tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, cũng như tình yêu của con người nói chung và của những bậc tu trì nói riêng đối với Thiên Chúa.

Tình yêu trung thành, bao dung và vô giới hạn của Thiên Chúa đối với con người thôi thúc con người cũng phải đáp trả lại cách tương xứng bằng chính tình yêu của mình. Đó cũng là cách thức cần được áp dụng trong tình yêu hôn nhân. Vâng, tình yêu của vợ chồng trao cho nhau luôn được củng cố bởi tình yêu của Thiên Chúa đối với họ. Mỗi người trong họ cần xác tín rằng, Thiên Chúa yêu thương người bạn đời của tôi cũng bằng chính tình yêu như khi Người yêu tôi. Người đã hết lòng yêu thương tôi và đã thực hiện cho tôi bao điều thiện hảo, cũng vậy, tôi cũng cần phải hết lòng yêu thương và làm cho người bạn đời của tôi những điều thiện hảo như thế.

Đàng khác, khi những người sống đời tu trì luôn ý thức được lý tưởng tận hiến của mình cho Thiên Chúa, cũng có thể nâng đỡ cho những người sống đời hôn nhân và gia đình ý thức được một cách rõ ràng hơn các tương quan của mình với Thiên Chúa và với người bạn đời của mình. Nhờ thế, họ sẽ luôn cảm nhận được rằng, hằng ngày khi bước đi trên con đường hôn nhân, họ luôn có Chúa cùng đồng hành. Hơn nữa, chính Người là đường, là sự thật và là sự sống. Nếu thế, con đường mà cuộc sống hôn nhân và gia đình Kitô giáo bước đi là chính lộ, nên chẳng những các người sống đời hôn nhân gia đình không cần phải lo sợ bị lạc đường nữa, nhưng còn xác tín được rằng con đường họ cùng nhau bước đi chắc chắn sẽ dẫn đưa họ tới hạnh phúc chân thật.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Cửa Tùng - nét duyên vùng biển Quảng Trị

Chủ Nhật, 24/6/2012, 20:17 (GMT+7)

(TBKTSG Online) - Bờ biển tỉnh Quảng Trị với những bãi cát phẳng lì, thoai thoải kéo dài khoảng 75 cây số, có vẻ đẹp đủ sức hấp dẫn những người yêu thiên nhiên và thích khám phá sự kỳ thú của vùng biển nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á. Thuộc xóm Cửa, thôn An Đức, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, Cửa Tùng là bãi biển đẹp nhất ở tỉnh Quảng Trị từ hàng bao đời nay được ca ngợi là Nữ hoàng của các bãi tắm.


Bãi biển Cửa Tùng. Ảnh: Trần Hoài

Từ thành phố Đông Hà - trung tâm hành chính, thương mại tỉnh Quảng Trị - mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe máy theo quốc lộ 1A ra phía bắc rồi rẽ xuống biển sẽ đến bãi biển Cửa Tùng, nơi con sông Bến Hải đổ ra biển. Bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và êm ả.

Người dân sống bên bãi biển Cửa Tùng vẫn thường truyền kể với nhau rằng, xưa kia đất đai nơi đây màu mỡ, cá dưới biển dồi dào nên vùng đất có cửa biển hiền hòa, kín gió này được gọi là Thừa Lương.

Vào đầu thế kỷ XX, người Pháp phát hiện vẻ đẹp tuyệt vời cũng như các giá trị tích cực đối với sức khỏe ở Cửa Tùng nên đã xây dựng ở đây các nhà nghỉ và biệt thự theo lối kiến trúc Gotich cùng hệ thống đường nội bộ trong khuôn viên, cầu nhảy, ghế đá... phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm biển, giải trí cho những viên chức, sĩ quan Pháp đồn trú ở Đông Dương.

Ghi chép của A.Laborde, một người Pháp rất am hiểu Cửa Tùng thuở đó nhấn mạnh, đại ý: Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt bởi một cao nguyên rất xanh tươi ở độ cao 20 mét. Từ trên đồi người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời. Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát.

Đặc biệt, trong những ngày sống ở Cửa Tùng, vua Duy Tân đã ví Cửa Tùng như "Cái chậu tắm bằng ngọc bích" tuyệt mỹ. Cũng chính con người khí khái bị giam cầm với chí lớn vì nước thương dân ấy ví các mạch nước trong ngần của Cửa Tùng là linh hồn của vùng biển "bao la bát ngát một vũng tòa" này.

Chảy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, con sông Bến Hải mang nước từ nguồn đổ ra biển Cửa Tùng và dường như bàn tay của tạo hóa đã khéo bày tám mũi đất, đá bazan đỏ au kéo dài nhô lên trên bờ cát dày trắng mịn để ăn sâu ra biển khiến bãi biển Cửa Tùng như một chiếc lược kỳ vĩ, muôn đời chải mượt những đợt sóng của đại dương.

Qua những vết thương bỏng rát của lịch sử, người Quảng Trị vẫn giữ được niềm tự hào về Cửa Tùng - món quà của thiên nhiên ban tặng. Là một vịnh nhỏ ăn sâu vào chân dải đồi đất đỏ bazan chạy sát biển, bãi biển Cửa Tùng tựa lưng vào các làng biển của xã Vĩnh Quang bốn mùa rợp bóng xanh mát của hồ tiêu, chè và rừng phi lao rì rào trong gió.

Vào những ngày nắng đẹp, đứng ở mạn cát bên mép sóng Cửa Tùng, mắt người chạm lên huê dạng như một con rùa của đảo Cồn Cỏ in giữa nền trời màu xanh và mặt biển màu ngọc bích. Và ẩn hiện đây đó bên những nếp sóng miên man trong sự giao hòa của đất trời là những vuông cửa kín đáo dẫn vào làng địa đạo Vịnh Mốc huyền thoại, hư thực. Vào một khoảnh khắc nào đấy, những tấm lòng nồng nhiệt của du khách từ muôn phương nhận ra dòng Bến Hải như một cung đàn ngày đêm chuyển tải những âm ba của núi rừng Trường Sơn vào lòng biển khơi rộng mở và tạo nên chất lãng mạn của Cửa Tùng ẩn chứa trong từng hạt cát, con sóng, ngọn gió, rạn đá, tia nắng. Tại đây, con người sống trong không gian văn hóa du lịch độc đáo, nổi tiếng với sông Bến Hải vỗ về những nhịp cầu Hiền Lương lịch sử, sóng biển Cửa Tùng ru êm làng địa đạo Vịnh Mốc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh tỏa mát vĩ tuyến 17...

Với những vồng cát trắng phau, phẳng mịn và sạch nối tiếp nhau chạy dài dưới ánh mặt trời, dịu dàng đón những đợt sóng trong xanh reo vui trong gió hết ngày hè này qua tháng hạ khác, Cửa Tùng là một phần của vẻ đẹp duyên dáng kỳ lạ của quê nhà Quảng Trị. Mỗi khi ngắm làn nước biến đổi màu sắc theo thời gian trong ngày trên mặt biển, nhìn những đợt sóng mềm mại vỗ bờ cát trắng trên bãi biển Cửa Tùng, con người có thể thấy lòng mình lắng dịu với những mơ tưởng kỳ diệu và niềm yêu mến sâu xa đối với quê hương, đất nước.

Nguyễn Bội Nhiên