Diễn đàn Khủng hoảng nào đáng sợ hơn: kinh tế hay gia đình?
Mầm mống đã có từ lâu
LTS. Cứ nhìn trên các phương tiện truyền thông, các phiên họp Quốc hội, các kỳ họp HĐND... đâu đâu cũng thấy bàn cãi về khủng hoảng kinh tế, phát sốt với GDP, đánh vật với tăng giá, thu tiền. Còn sự khủng hoảng đang diễn ra ngay trong mỗi gia đình thì sao? Liệu đó có phải là hệ luỵ của kinh tế thị trường như người ta thường nói, hay có nguồn gốc nào khác? Xin mở đầu diễn đàn bằng bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.
Theo dõi sự phát triển của tội ác và lối sống tiêu cực, hình như người ta đã quen với sự hình thành “mặt bằng mới” không còn phải ngạc nhiên nữa: đạo đức xã hội xuống cấp, chuyện gì lại chẳng có thể xảy ra. Vợ đốt chồng (mà chẳng phải một bà đốt), cháu thiếu tiền chơi game về nhà giết bà nội lấy đôi bông tai bán vài trăm ngàn. Hai thằng anh rể (cả hai nhé) cùng ngủ với em vợ là trẻ con đến mức có bầu! Trong chuyện thằng Luyện rình trong bóng tối cả đêm bình tĩnh chờ trời sáng ra tay giết gần hết một gia đình, vẫn cứ phải thắc mắc: sao một mình nó làm nổi việc trời không dung đất không tha ấy? Sau khi luật pháp tha tội đáng chết, có thêm đàn em noi gương Luyện cướp tiệm vàng! Rồi còn mấy ông bà bác sĩ quan hệ bất chính, chồng bố trí cho vợ tự quay cảnh hành lạc để làm chứng cứ cho một âm mưu, đem về cho chồng xem thì chồng bảo chưa đạt chất lượng, phải ngủ lại, quay lại cho rõ! Họ đều là cán bộ, đều có cơ quan, đoàn thể, thường xuyên kiểm điểm tổng kết bình bầu, chắc chắn có học tập đạo đức Hồ Chí Minh cả… Vậy tính cách này không phải do “kinh tế thị trường” mà ra. Nó phải có mầm mống từ lâu lắm.
Trong các vụ án được toàn xã hội quan tâm, ít thấy người ta tìm nguồn gốc tội ác ở gia đình, môi trường hình thành nhân cách. Trường học đầu tiên của con người, nơi trang bị tâm tính cho cả cuộc đời chính là gia đình. Tâm tính và đạo đức là cái bất biến cho con người ứng vạn biến của cuộc đời. Thế mà chúng ta chỉ lo sợ trước khủng hoảng kinh tế, trong khi cái đáng sợ hơn là khủng hoảng gia đình thì chẳng làm gì cả. Nói thế vì có một thực tế rất rõ: trong các quyết sách phát triển xã hội, vắng bóng hoàn toàn những giải pháp, cũng chẳng thấy nhận định đúng về mức độ khủng hoảng các giá trị trong gia đình
Việt Nam hiện nay. Không thấy được sự liên thông giữa sự phát triển lành mạnh của gia đình với sự ổn định xã hội, đến phát triển kinh tế và chi phối tất cả các vấn đề, không có sự quan tâm tới nguồn gốc sâu xa của suy thoái đạo đức xã hội, người ta chỉ đổ gọn một câu: “Do mặt trái kinh tế thị trường”. Các biện pháp tăng cường chức năng giáo dục gia đình như một chính sách lớn có hệ thống của Nhà nước không thấy đâu. Chỉ dừng lại ở các phong trào đoàn thể mà hiệu quả không rõ.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn từng bị “đánh” vì nghiên cứu những tính cách xấu của người Việt. Một lần có dịp vào TP.HCM, khi bạn bè chất vấn tại sao ông nhìn cuộc sống tuyệt vọng vậy, ông công nhận: “Tôi tuyệt vọng vì không thấy lối ra”. Ông bảo rất nên quan tâm đến vấn đề lưu manh. Sự hạ lưu len vào bộ máy công quyền. Nhiều nơi không còn là chỗ phụng sự những giá trị tốt đẹp của xã hội, mà là chỗ thực hiện những mưu đồ.
Nhưng chẳng lẽ gia đình rồi cũng đến mức ấy?
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
CÁC Ý KIẾN (9)
Đài Trang
Nguyên nhân để tội ác man rợ với tình thân càng lúc càng trở thành “chuyện thường ngày” hơn thì có nhiều và đã có lắm chuyên gia phân tích: Do cha mẹ không quan tâm tới con cái; nhà trường chỉ nặng phần dạy chữ mà nhẹ phần dạy người; không quản lý internet để các em sống với thế giới ảo; tác động của phim ảnh bạo lực từ phương Tây... Tuy nhiên, tìm địa chỉ cụ thể thì chẳng khác nào mò kim đáy biển, rồi… đâu lại vào đấy, hầu như ngày nào cũng xảy ra chuyện con giết cha, vợ giết chồng, bạn bè hành hung nhau ngay tại lớp, tại trường và có lúc cũng sẵn sàng sử dụng “hàng nóng” không thua gì giới giang hồ cộm cán giải quyết ân oán tình thù. Riết rồi chán chẳng buồn nói. Tự mình thủ phận cho xong.
Phương Ánh
Cứ nhìn lại cuộc sống đang bày ra trước mắt hẳn sẽ có câu trả lời hoặc chí ít cũng là một phần lý giải. Tại sao giờ tan trường của các cấp, kể cả đại học, phụ huynh phải sắp xếp thời gian đưa đón con em khiến cho giao thông thường ách tắc? Thương con ư? Phụ huynh bây giờ có mấy người ngày trước được người nhà đưa đón kỹ như thế? Ngày đó và trước đó, cha mẹ thương con không bằng lớp phụ huynh bây giờ ư? Tại sao bờ tường của các cơ quan, trường học phải cơi cao hàng rào thép? Tại sao tinh thần “giữa đường dễ thấy bất bình chẳng tha” đã trở thành truyền thống của dân tộc, nay ngày một phai nhạt?... Nhân đâu để có quả ấy?.Toàn bộ cách chúng ta làm ăn, toàn bộ cách chúng ta xử sự, làm kinh tế, quản lý, luật pháp... chúng ta đang rất thiếu hụt về văn hoá. Việt Nam đã bị mất mát rất nhiều về văn hoá do chiến tranh nhưng cũng do chính chúng ta làm mất. Khi đã thiếu văn hoá, con người ta rất dễ làm điều xằng bậy. Tôi thấy bây giờ trong ứng xử với nhau, cái gì mà con người ta có thể bày tỏ thái độ là họ bày tỏ rất thô bạo. Đó là sự thiệt hại lớn, không lường được đối với sự phát triển đất nước. Cái sai trong con người, cái sai về văn hoá là cái khó điều chỉnh nhất bởi biết đằng nào mà sửa, mà thay đổi.
Song Linh
Thật sự cám ơn nhà văn đã có báo động tuy có hơi muộn nhưng thật sự cần thiết. Trong những năm qua xã hội Việt Nam đang có những thay đổi lớn lao, kèm theo những cơ hội là những thách thức không nhỏ về lối sống lệch chuẩn, về sự vô cảm của con người, về tệ nạn xã hội, sự tha hóa về đạo đức… Thách thức đó đang ập vào mỗi gia đình dẫn đến khủng hoảng trong hôn nhân như ly hôn, ly thân, ngoại tình… ngày càng nhiều; xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp; bạo lực gia đình vẫn là hiện tượng phổ biến, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, sự bất bình đẳng giới vẫn neo chắc vào mỗi gia đình… Đó là những vấn đề không dễ giải quyết đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, đồng bộ từ các cá nhân - gia đình và xã hội, đặc biệt là cách chủ trương chính sách và các chương trình hành động thiết thực từ phía Chính phủ.
Võ Trần Phương
Tôi cho rằng gia đình Việt Nam hiên nay đang có những sự thay đổi cả về cấu trúc và chức năng. Những sự thay đổi này có cả mặt tích cực và tiêu cực và cũng do rất nhiều lý do. Những sự việc như trong bài nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đề cập không nhiều nhưng vô cùng nghiêm trọng vì tước đi quyền sống, quyền tự do của con người trong xã hội. Và nó càng nghiêm trọng hơn khi xảy ra nơi mà người ta vẫn cho là chốn nương thân, nơi được cho là an toàn nhất của một con người. Nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề này, chắc chắn sẽ ảnh hướng rất lớn đến hệ thống các giá trị văn hóa gia đình, trong đó có giá trị cấu trúc - giá trị thể hiện mối quan hệ bên trong của gia đình: quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ giữa các anh chị em và quan hệ ông bà và các cháu trong gia đình. Không chỉ thế nó còn làm tê liệt các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng nuôi dưỡng và giáo dục con cái, chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm của các thành viên gia đình.
Tuyết Mai
Những vụ việc mà các nhà báo đã đưa ra trong thời gian gần đây như vụ chồng đánh vợ, cha hiếp dâm con, anh giết em… khiến cho người ta trăn trở về quan hệ giữa con người và con người trong thiết chế xã hội đặc biệt - Gia đình. Sự tha hóa của con người sống trong xã hội hiện đại khiến cho người ta kinh hoàng. Euripides- Một nhà triết gia Hy Lạp đã nói: “Duy chỉ có ở nơi gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số mệnh” nhưng với những người vợ, những người con và người em trong các câu chuyện trên họ đã gặp tai ương ngay trong chốn nương thân của mình. Thật khó đề phòng và chống đỡ khi bạo lực xảy ra với các mối quan hệ thân thuộc. Vậy gia đình có còn là chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người, là nền tảng cho sự bình ổn của mỗi xã hội khi tội ác đang rình rập sau mỗi cánh cửa của mỗi gia đình?. Những vụ án kể trên buộc chúng ta phải nhìn nhận lại các vấn đề đang tồn tại trong các gia đình Việt Nam hiện nay. Đó là sự xô lệch về hệ giá trị văn hóa gia đình, những thuần phong mỹ tục gia đình đang bị phá vỡ và bạo lực gia đình với mức độ nghiêm trọng là những vấn đề nhức nhối mà chúng ta cần giải quyết.
Lê Thái An
Loại tội ác giết người, thậm chí giết người thân trong gia đình, đâu phải bây giờ mới có và càng đâu phải chỉ có ở Việt Nam. Báo chí thế giới những năm qua và gần đây nhất chẳng đã đưa tin về các vụ giết người hàng loạt vô cùng ghê rợn ở nước này nước khác đó thôi. Nhưng đâu phải vì vậy mà sự kinh hoàng và đau đớn trước những tin tức giết chồng, giết mẹ như trên được xoa dịu trong lòng biết bao con người có lương tri. Vì sao những thủ phạm giết người ấy lại có thể ra tay độc ác đến vậy với mẹ ruột của mình, với người chồng đầu gối tay ấp của mình? Vì sao? Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô cảm”. Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”. Lời cha ông ta đã dạy: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Vấn đề vô cảm trong xã hội hiện nay đang là thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân của “bệnh vô cảm”, chúng ta sẽ thấy tác hại ghê gớm của nó hầu tìm ra phương cách để chống lại căn bệnh quái ác này.
Hoài Trang
Khi bước vào thời kinh tế thị trường, chúng ta có một cái quên rất cơ bản, đó là kinh tế thị trường này chỉ phát triển khi các yếu tố khác cũng được phát triển thì mới có thể phát triển tốt và lành mạnh. Nếu chỉ thuần tuý là thị trường, tức làm ra tiền thì nó phát triển không những không bền vững mà còn đầy thảm hoạ. Hãy nhớ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, kèm theo đó là các hệ tư tưởng quan trọng về dân chủ, nhân đạo, về quyền con người, về bảo vệ di sản truyền thống... để làm cho con người vững vàng hơn trước các giá trị đồng tiền. Còn hiện ta như đang thả hết, chỉ coi kinh tế là quan trọng. Chúng ta như một người lâu nay đói khát, bỗng dưng thấy một đống tiền trước mặt là tất cả cùng nhào vồ lấy cho thật nhiều mà quên mất các giá trị làm nên sự đứng đắn, tử tế của một con người. Đến lúc này, chúng ta rất mừng “Gia đình văn hoá” ngày càng nhiều nhưng cũng rất buồn khi thấy tội ác ngày càng man rợ. Một nghịch lý chưa có lời giải rõ ràng.
Lan Trinh
bài báo thật ý nghĩa, cám ơn vì đã nói lên đúng với những suy nghĩ của tôi.
Lương Dân
Bài báo viết rất hay và rất đúng,ủng hộ bài báo ,và cần nói rõ ràng cụ thể hơn nữa là:hiện nay đã không coi trọng việc giáo dục luân lý ,đạo đức con người cho học sinh ,kể từ mẫu giáo trờ lên ,mà giáo dục chính trị nhiều,nhưng thực tế cuộc sống trong xã hội ,trong gia đình cần giáo dục đạo đức ,luân lý nhiều hơn,tôi còn nhớ nhiều câu chuyện sinh động và nhiều câu ca dao ngày nhỏ tôi được học ,nó rất dễ nhớ và hấp ,không giáo điều,lý thuyết suông,,đã giáo dục con người thành người tốt trong xã hội.
Nguồn: http://sgtt.vn/Loi-song/164348/Mam-mong-da-co-tu-lau.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét