Đề Tài Gia Trưởng Tháng 5/2012 :
Gia Trưởng & Công Việc
Gia Trưởng & Công Việc
Kính thưa quý gia trưởng !
Nếu ví gia đình như một con thuyền trên biển đời thì bậc gia trưởng chính là người cầm lái. Vượt qua phong ba bão táp ra sao, đi về phương trời nào, có đến được bến bờ bình an hạnh phúc hay không, phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh của người cầm lái. Để có thể đảm đương tốt vai trò thuyền trưởng của mình, bậc gia trưởng chúng ta bên cạnh một phẩm chất đạo đức gương mẫu, còn phải có một tay nghề vững vàng mới có thể kiên cường đối mặt trước gian nan. “Tay nghề” ấy, trong một phạm vi nhất định, có thể hình dung như công việc mà người gia trưởng ngày ngày đang miệt mài thực hiện, để duy trì và phát triển cuộc sống của gia đình mình.
1. Vài ý niệm về công việc.
Tháng 5 Dương lịch mở đầu bằng ngày Quốc tế Lao động, trùng hợp với Lễ kính Thánh Giuse Thợ trong Lịch phụng vụ. Xã hội và tôn giáo đều dành một ngày để nhắc nhớ con người giá trị của công việc, qua đó đề cao phẩm giá của người lao động.
Công việc - theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt - là “Các việc phải làm nói chung”. Trong Sáng thế ký, nhân loại đã biết làm việc ngay từ buổi đầu của thời tạo dựng. Ngay sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã truyền cùng A-đam rằng : “Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” ( St 3 17-19). Rồi những trang tiếp theo của Sáng thế ký, ta thấy Ca-in và A-ben đã chăn nuôi và trồng trọt, để rồi dâng tiến lên Gia-vê Thiên Chúa những thành quả lao động của mình.
Như vậy, công việc, trước hết, là để con người tồn tại. Việc săn bắt, hái lượm của nhân loại buổi đầu, chính là để sống. Rồi sau đó, qua công việc, con người còn tạo ra những giá trị thặng dư, khi ấy công việc không chỉ giúp con người tồn tại mà còn đem lại sự sung túc và phát triển. Rồi xã hội loài người tiến bộ hơn, tính chất của công việc càng thêm phong phú, và tùy theo năng lực cá nhân, nhiều hình thức lao động được hình thành như lao động trí óc, lao động chân tay, lao động dịch vụ,… tạo ra muôn vẻ các ngành nghề khác nhau.
Kết quả của công việc không chỉ giúp con người tồn tại và phát triển, mà còn trở thành một động lực thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Một nền pháp luật tiến tiến phải luôn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Mọi biểu hiện bóc lột, chiếm đoạt thành quả lao động của người khác đều phải bị lên án.
2. Những biểu hiện sai lầm của con người trước công việc.
Lao động là bổn phận của một công dân trưởng thành. Là một gia trưởng, lao động càng trở nên ý nghĩa hơn khi nó góp phần đem lại sự thăng tiến cho các thành viên trong gia đình. Song, buồn thay, trước công việc, không ít gia trưởng đã có những ứng xử sai lầm, khiến con thuyền gia đình phải nhiều phen như mất phương hướng giữa biển đời đầy bất trắc :
- Lười biếng, chạy trốn công việc :
Chẳng có công việc nào không đòi hỏi người lao động phải bỏ công sức của mình ra. “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn”, lệnh truyền của Thiên Chúa đã “mặc định” cho công việc một tính chất khó nhọc mà người lao động phải đón nhận mới mong có được thành quả như mong muốn. Thật khó hiểu khi có những gia trưởng lười biếng, ngại khó ngại khổ trước mọi công việc, chọn cho mình sự nhàn nhã nhất theo phương châm “Nhịn đói nằm co hơn ăn no vác nặng” ; mặc kệ cho vợ con bươn chải ngược xuôi dòng đời. Người xưa từng nói “Nhàn cư vi bất thiện”, sự lười nhác rất dễ dàng làm tha hóa con người, dễ dàng lôi kéo con người vào chỗ nghiện ngập, bê tha. Hơn thế nữa, nó thể hiện sự ích kỷ, thiếu vắng sự chia sẻ đỡ nâng đối với người vợ, và tạo ra một tấm gương mù trước con cái khiến chúng mất đi phương hướng sống trong cuộc đời sau này.
- Thiên vị công việc :
Đây là biểu hiện của người lấy tiêu chí của đồng tiền để đánh giá sang-hèn cho công việc, như xem thường những công việc lao động chân tay vất vả, khinh chê những nghề nghiệp có thu nhập thấp. Một khi dùng đồng tiền làm thước đo cho giá trị công việc, con người sẽ làm mất đi nhiều vẻ đẹp trên đời. Thử hỏi trong lịch sử nhân loại, đã có mấy họa sĩ hoặc nhà khoa học có thể sống được nhờ vào thành quả lao động của mình ? Thế nhưng, cả nhân loại sau này lại có thể nghiêng mình thán phục trước sự vô giá của một tác phẩm hội họa, hoặc được thừa hưởng trong sung sướng cái phát minh của nhà khoa học kia. Nói cách khác, vẻ đẹp của nghề thuốc nằm trong tấm lòng của lương y, vẻ đẹp của nghề dạy học nằm ở sự tận tâm của người thầy,… Vẻ đẹp và giá trị của công việc hiện ra qua sự đam mê, sự tận tâm hết mình của người lao động. Như vậy, một gia trưởng lao động chân tay vẫn có thể hoàn toàn cao cả vĩ đại trong mắt con cái mình và một gia trưởng trong giới tài phiệt, “đại gia” vẫn có thể để lại cái nhìn khinh bỉ của chính những người thân trong gia đình.
- Nô lệ cho công việc :
Cần xác định rõ, đây không phải là sự đam mê, sự tận tâm hết mình cho công việc như đã nói ở trên. Trái lại, nô lệ cho công việc là một hành vi tham lam không có điểm dừng. Đó là người khi nhìn thấy giá trị tiền bạc nhiều, lợi lộc cao sinh ra từ công việc, đã lao vào công việc bất kể thời gian, công sức, thậm chí bất chấp đạo lý ; miễn sao nguồn thu nhập ấy càng tăng nhiều càng tốt. Hành vi này có thể xảy ra ở cả người giàu lẫn người nghèo, cả người trí thức lẫn người bình dân. Ở họ, công việc không còn là một phương tiện để mưu cầu hạnh phúc, mà đã trở thành một mục tiêu tối thượng của cuộc đời. Nghiệt ngã thay, đã có không ít những tấm gương đâu đó ngoài xã hội về những gia đình, cha mẹ mải mê kiếm tiền quên đi vun đắp tình yêu cho nhau, lơ là trách nhiệm giáo dục con cái. Đến khi của cải chất đầy giữa dinh thự nguy nga, cũng là lúc nhận ra tình yêu vợ chồng lạc điệu, con cái ăn chơi hư hỏng.
- Né tránh những công việc vì lợi ích chung :
Lại có người lấy câu “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” để mỉa mai những người nhiệt thành với công việc chung. Họ vẫn hưởng những thành quả chung ấy, nhưng lại không bỏ ra một chút công sức nào. Họ có thể ngồi không, tán gẫu hàng giờ, hàng ngày không chán, nhưng lại tính toán chi li mỗi khi việc chung cần đến. Thực ra, mỗi người là một phần tử trong cộng đồng. Và cuộc sống chung muốn trở nên tốt đẹp đòi hỏi phải có bàn tay chung sức của mọi người. Những công việc vì lợi ích chung là cần thiết và không thể xem đó là việc của riêng ai. Né tránh việc chung là thái độ sống ích kỷ, thiếu bác ái.
3. Thánh hóa công việc trong đời thường.
Thiên Chúa là Đấng quyền năng nhưng vô cùng yêu thương. Dù ông bà nguyên tổ bất trung mang án phạt “phải cực nhọc mọi ngày trong đời, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” ; song chỉ Thiên Chúa mới biết cách vẽ đường thẳng ngay trên đường cong. Chỉ mình Ngài mới có thể biến hành vi lao động vốn là một án phạt lại trở nên ngôn ngữ của tình yêu. Từ tấm gương Thánh Giuse Thợ, chúng ta dần nhận ra vẻ đẹp của công việc lao động thường ngày. Thánh nhân, trong một xóm nhỏ tồi tàn vùng Nazaret xưa, đã âm thầm thông qua nghề thợ mộc dưỡng nuôi Con Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Thế cho cả và nhân loại. Thành quả lao động của Thánh nhân là một giá trị thần thiêng khi từ nơi Thiên Chúa Cha, chuyển gởi cho nhân loại Đức Giêsu Kitô, mà với cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài, đã vĩnh viễn sẽ xóa mọi án phạt từ vườn địa đàng thuở xưa, mặc lại cho con người phẩm giá cao trọng làm con Thiên Chúa.
Ánh sáng của Thiên Chúa Phục Sinh đã chiếu tỏa lên vạn vật, lên chính công việc lao động của đời người. Từ đây, công việc không còn mang dánh hình cực nhọc của một án phạt mà đã khoác lên mình khuôn mặt vinh quang của tình yêu. Nghĩa là, qua công việc đời thường, không chỉ đem lại cho con người những giá trị nơi trần thế mà còn phát sinh những ơn ích thiêng liêng cho hạnh phúc đời sau.
Làm việc với niềm đam mê nghề nghiệp, với tình thương hướng tới những người thân, biết nghĩ đến ích chung và tha nhân, đặc biệt sốt sắng thực thi Luật Chúa. Có như thế, gia trưởng chúng ta mới có thể lèo lái con thuyền gia đình mình đến được bến bờ hạnh phúc.
* Cùng suy tư :
Ta đã làm gì để Danh Thiên Chúa được tỏa sáng và bóng dáng của tình yêu được hiện hữu qua chính công ăn việc làm của ta giữa đời thường ?
BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét