Dựa theo cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi hân hạnh giới thiệu với độc giả các bản tóm tắt của các chương:
Tóm tắt Chương Nhập Đề (bấm vào để xem)
TÓM LƯỢC CHƯƠNG NĂM
“GIA ĐÌNH, TẾ BÀO SỐNG ĐỘNG CỦA XÃ HỘI”
I. Gia đình, xã hội tự nhiên đầu tiên (209-214)
Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng và tính trung tâm của gia đình. Hôn nhân là một sự kết hợp giữa người nam và người nữ, những con người ngang bằng về phẩm giá, khác nhau về nhiều mặt nhưng bổ sung cho nhau. Từ sự bổ sung này, phát xuất sự truyền sinh, một chức năng "làm cho [đôi vợ chồng] là người cộng sự của Đấng Tạo hóa" (Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo, 209).
Sách Sáng thế ký kể lại việc tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên. “Chính nơi gia đình, con cái học những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về sự khôn ngoan” và “các đức tính” (210). Sách Tóm lược kế đó ghi lại những lời của Đức Phaolô VI trong chuyến viếng thăm Nazarét năm 1964, nói về Đức Giêsu được sinh ra và sống trong một gia đình, "chấp nhận những đặc điểm của gia đình và đem lại cho định chế hôn nhân phẩm giá cao quý nhất" (210).
Gia đình là "xã hội tự nhiên đầu tiên", xã hội được tạo thành theo định chế của Thiên Chúa. Với tư cách là "xã hội tự nhiên đầu tiên", gia đình có "những quyền lợi tự nhiên riêng của mình” do Thiên Chúa ban (211). Việc gia đình được thiết lập trên nền tảng hôn nhân giữa người nam và người nữ quan trọng cả về mặt tự nhiên (vì là nơi chính yếu diễn ra những quan hệ liên nhân vị) lẫn về mặt siêu nhiên (vì là một định chế do Thiên Chúa đặt ra).
Tầm quan trọng của gia đình đối với con người (212)
Sách Tóm lược giải thích tầm quan trọng của gia đình đối với cá nhân. Gia đình là “chiếc nôi sự sống và tình yêu, nơi con người được sinh ra và lớn lên”. “Bầu khí thân mật nối kết gia đình” cũng là nơi ta học nhận lãnh “trách nhiệm” và học biết những điều hay lẽ phải.
Tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội (213-214)
Gia đình là “một cộng đồng tự nhiên” nơi “con người được coi như một mục tiêu chứ không bao giờ bị coi như một phương tiện” (213). “Gia đình có những quyền lợi bất khả xâm phạm”, “không hiện hữu vì xã hội hay Nhà nước, nhưng xã hội hay Nhà nước hiện hữu vì gia đình” (214). Vì tầm quan trọng sống còn đó, gia đình có vị trí ưu tiên trên cả xã hội và Nhà nước. Xã hội hoặc Nhà nước có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc bổ trợ, nghĩa là một mặt không được lấy đi khỏi gia đình những công việc mà gia đình tự bản thân hoặc liên kết với những gia đình khác có thể thực hiện được, và mặt khác, cần phải hỗ trợ gia đình khi cần thiết.
a. Giá trị của hôn nhân (215-218)
"Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân", nhưng định chế gia đình là "một định chế không tùy thuộc con người mà tùy thuộc chính Thiên Chúa" (215). "Thiên Chúa chính là tác giả của cuộc hôn nhân" (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 48). "Không quyền lực nào có thể xoá bỏ quyền tự nhiên được kết hôn hoặc thay đổi các đặc tính và mục tiêu của hôn nhân" (216).
Hôn nhân có bốn đặc tính: toàn vẹn, hợp nhất, bất khả phân ly và trung tín, và sản sinh con cái. Đa thê đi ngược lại ý định Thiên Chúa. Việc sinh sản và nuôi dạy con cái là một phần quan trọng của hôn nhân; tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất của hôn nhân. Khi hai vợ chồng không thể có con thì "tính bất khả phân ly và giá trị hiệp thông của hôn nhân vẫn còn" (218).
Bí tích Hôn Nhân (219-220)
Bí tích hôn nhân phát sinh từ tình yêu phu thê của Đức Kitô đối với Giáo Hội. "Hôn nhân, với tư cách một bí tích, là giao ước trong tình yêu giữa một người nam và một người nữ" (219). Vợ chồng Kitô giáo giúp đỡ nhau trên đường nên thánh, "trở thành dấu hiệu và công cụ cho tình yêu của Đức Kitô trong thế giới" (220). Đôi vợ chồng ấy "tìm kiếm Nước Chúa bằng cách tham gia vào các việc trần thế và sắp xếp chúng theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa" (Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Gia đình Kitô giáo, 47). Nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân, gia đình Kitô giáo được nối kết mật thiết với Giáo hội và trở thành "Giáo hội tại gia" hoặc "Giáo hội thu nhỏ".
Tình yêu và việc đào tạo một cộng đồng các nhân vị (221-229)
“Gia đình là nơi cho cộng đồng các nhân vị đích thực phát triển” (221). Trong tình yêu, mọi người được nhìn nhận, chấp nhận và kính trọng. Phải quan tâm đến những người cao tuổi trong gia đình. Sự có mặt của các vị này có thể mang lại giá trị lớn: các vị là mối dây liên lạc giữa các thế hệ, nguồn phúc lạc cho gia đình và toàn xã hội, một trường học quan trọng về cuộc đời, kho tàng các giá trị và truyền thống và tiềm năng tài bồi những người trẻ.
"Con người được tạo dựng để yêu thương và không thể sống mà không có tình yêu… Tình yêu không thể giản lược thành những cảm xúc hay tình cảm, càng không thể rút gọn thành những biểu hiện tính dục đơn thuần" (223). "Sự khác biệt và những sự bổ sung về thể lý, luân lý và tinh thần, giữa người nam và người nữ là nhằm hướng đến những ích lợi của hôn nhân và sự thăng hoa đời sống gia đình" (224).
Tình yêu vợ chồng đòi hỏi hôn nhân phải bền vững và bất khả phân ly. Việc đưa ly dị vào trong pháp luật dân sự đã “tiếp sức cho một quan niệm tương đối hóa sự ràng buộc của hôn nhân” và có thể gọi đó là “một nạn dịch thực sự cho xã hội”(225). Tuy nhiên, "Giáo hội không bỏ rơi những người tái kết hôn sau khi đã ly dị. Giáo hội cầu nguyện cho họ và khích lệ họ trong những khó khăn họ gặp phải trong đời sống thiêng liêng, nâng đỡ họ trong đức tin và đức cậy" (226).
“Hôn nhân thực tế” dựa trên một quan niệm sai lạc về tự do và những cái nhìn cá nhân chủ nghĩa. “Hôn nhân không đơn thuần chỉ là một sự đồng ý sống chung với nhau” mà còn là một công cụ xã hội và phương tiện chính yếu nhằm “giúp mỗi người trưởng thành toàn diện” (227).
Cần tôn trọng nhân phẩm của những người đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là “hợp pháp hoá một hành vi không phù hợp với luật luân lý” và “nhìn nhận quyền kết hôn giữa những người đồng giới và coi việc ấy ngang hàng với gia đình” (228). Pháp luật không bao giờ được làm suy yếu sự nhìn nhận “hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly là hình thức đúng đắn duy nhất của gia đình” (229). Các Kitô hữu phải tái khẳng định rằng gia đình là “một cộng đồng yêu thương và liên đới”, thích hợp để “truyền đạt những giá trị văn hoá, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo” (229).
Gia đình là thánh điện của sự sống (230-237)
“Tình yêu vợ chồng tự bản chất mở ra để đón nhận sự sống” (230) và “gia đình xây dựng trên hôn nhân là thánh điện của sự sống” (231). Gia đình Kitô giáo phải “cổ vũ và xây dựng nền văn hoá sự sống” và có sứ mạng “làm chứng cho và loan báo Tin Mừng sự sống” (231).
Hai vợ chồng tham gia vào “công việc sáng tạo của Thiên Chúa” và thiện ích xã hội qua việc làm cha làm mẹ. Trách nhiệm rất nặng nề, nhưng hãy dám thực hiện quyết định đó dựa trên “việc quảng đại đón nhận sự sống” (232).
Cần loại bỏ, không chấp nhận về mặt luân lý, các phương pháp phá thai, triệt sản và ngừa thai. Tuy nhiên, các đôi vợ chồng có thể quyết định sử dụng các phương pháp dựa trên sự tiết dục định kỳ trong thời gian có thể mang thai của người phụ nữ. "Quyết định về thời gian cách quãng giữa các lần sinh con và về số con muốn có là quyền riêng của hai vợ chồng" (234).
"Ước muốn làm cha làm mẹ không có nghĩa là được “quyền có con” bằng bất cứ cách nào, vì con cái chưa sinh ra cũng có quyền của mình" (235). Đứa trẻ có quyền có những điều kiện tối ưu để sống còn, một gia đình bền vũng xây dựng trên nền tảng hôn nhân, được sự bổ sung của hai người, là cha và mẹ.
Giáo hội chống lại những kỹ thuật sinh sản vô tính thay thế cho hành vi yêu thương trong hôn nhân. Huấn quyền nhận định rằng những kỹ thuật đó trái ngược với phẩm giá của con người và gây ra những quan ngại về sự thống trị toàn diện của cá nhân tiến hành việc sinh sản vô tính trên cá nhân được sinh ra. "Các cha mẹ, với tư cách thừa tác viên của sự sống, không bao giờ được quên rằng cần phải chú ý tới chiều kích thiêng liêng của việc sinh sản hơn bất cứ khía cạnh nào khác: Vai trò làm cha làm mẹ là một trách nhiệm, tự bản chất, không đơn thuần chỉ về mặt thể lý mà còn về mặt thiêng liêng" (237). Qua vai trò này, "khai diễn ra gia phả của con người, gia phả có khởi đầu ở trong Thiên Chúa và phải dẫn dắt đưa trở lại đến Thiên Chúa" (Đức Gioan Phaolô II, Thư cho các Gia đình, 10).
Nhiệm vụ giáo dục (238-243)
Bằng cách thi hành sứ mạng giáo dục, gia đình đóng góp cho công ích: gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính xã hội, giáo dục về tự do và trách nhiệm và truyền thông một số giá trị căn bản. Gia đình có nhiệm vụ nuôi dạy con cái, “một vai trò hoàn toàn độc đáo và không thể thay thế” (239). Tình yêu của cha mẹ làm sinh động hoạt động giáo dục. Cha mẹ có quyền và có bổn phận giáo dục con cái, mà Nhà nước nên tôn trọng.
“Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên, nhưng không phải là nhà giáo dục duy nhất, đối với con cái” (240). Cha mẹ thi hành một cách có trách nhiệm hoạt động giáo dục này “bằng cách cộng tác chặt chẽ với các cơ quan xã hội và Giáo hội” (240).
“Cha mẹ có quyền thành lập và hỗ trợ các cơ sở giáo dục” (241). Cả cha và mẹ đều quan trọng ngang nhau trong việc giáo dục con cái và “có trách nhiệm cung cấp một nền giáo dục toàn diện” (242), đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục giới tính.
Phẩm giá và quyền lợi của trẻ em (244-245)
Nhu cầu tôn trọng phẩm giá của trẻ em là một đề tài thường xuyên được đề cập đến trong học thuyết xã hội của Giáo hội. Các quyền của trẻ em phải được pháp luật bảo vệ, trước hết là quyền “được sinh ra trong một gia đình thực sự” (244). Cộng đồng quốc tế cần tham gia vào việc bảo vệ trẻ em bởi vì mặc dù Công ước về Quyền Trẻ em đã có hiệu lực lực từ năm 1990, vẫn còn cảnh đông đảo các trẻ em trên thế giới sống trong tình trạng bi đát: thiếu sự chăm sóc y tế, thiếu thực phẩm, chỗ trú ngụ, giáo dục đào tạo cho các em, nạn buôn bán trẻ em, lao động trẻ em, hiện tượng “trẻ em đường phố”, trẻ em bị sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang, nạn tảo hôn và mại dâm trẻ em, vấn đề sử dụng trẻ em vào việc kinh doanh phim ảnh khiêu dâm, khai thác các em tham gia các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại và tinh vi.
Liên đới trong gia đình (246-247)
"Chủ thể tính xã hội của các gia đình, một cách riêng lẻ hoặc liên kết với nhau, thể hiện tình liên đới và chia sẻ không những giữa các gia đình với nhau mà cả dưới các hình thức đa dạng của việc tham gia vào đời sống xã hội và chính trị" (246). Có thể thực hiện tình liên đới này bằng cách phục vụ và quan tâm, chú ý đếnnhững người nghèo khổ và túng thiếu, những người mồ côi, tàn tật, ốm đau, cao tuổi, những người sầu khổ vì tang chế, những người sống trong nghi ngờ, cô đơn hoặc bị bỏ rơi.
Gia đình cần ý thức mình "là 'vai chính' trong 'chính sách gia đình' và hãy đảm nhận trách nhiệm làm biến đổi xã hội" (247).
Gia đình, đời sống kinh tế và lao động (248-251)
"Ngôi nhà đã từ lâu – và ở nhiều vùng vẫn còn – là nơi sản xuất và trung tâm của đời sống. […]. Gia đình phải được xem là một tác nhân chủ yếu của đời sống kinh tế, được hướng dẫn không phải bởi não trạng thị trường mà theo lôgic chia sẻ và liên đới giữa các thế hệ" (248).
"Gia đình và lao động được liên kết bằng một mối quan hệ rất đặc biệt […] Quan hệ này bắt nguồn từ tương quan giữa con người và quyền được hưởng thành quả lao động của mình và liên quan đến con người không chỉ với tư cách một cá thể đơn lẻ mà còn như một thành viên trong gia đình, được hiểu như một “xã hội tại gia” (249). Giá trị của lao động ở chỗ lao động tạo điều kiện để thành lập gia đình và phát triển con người.
Cần phải có "tiền lương gia đình" (250), đủ nuôi sống cả gia đình và cho phép gia đình có thể tiết kiệm để sau này mua sắm tài sản bảo đảm cho sự tự do của mình. Quyền tài sản gắn chặt với sự sống còn của gia đình, bảo vệ gia đình khỏi sự túng thiếu.
Xã hội cần công nhận đánh giá đúng mức "vấn đề lao động của phụ nữ trong gia đình, nói rộng ra, là công việc "nội trợ”, hiện nay cũng còn là trách nhiệm của những người nam với tư cách làm chồng và làm cha" (251), đặc biệt là cần thực hiện việc bù đắp về mặt kinh tế ngang bằng với các loại hình lao động khác. Cần "loại bỏ mọi trở ngại khiến cho vợ chồng không thể đưa ra những quyết định tự do liên quan đến trách nhiệm sinh sản của họ, và đặc biệt, những quyết định không cho phép người phụ nữ thực hiện đầy đủ vai trò làm mẹ" (251).
Xã hội và Nhà nước cần "tôn trọng" và "thăng tiến gia đình theo nguyên tắc bổ trợ" (252), nghĩa là cần tôn trọng tính ưu tiên và “có trước” của gia đình, phát huy căn tính đích thực của đời sống gia đình, bảo vệ các giá trị gia đình bằng các chính sách và pháp luật, tôn trọng sự sống, tôn trọng quyền tự do lựa chọn trong việc giáo dục con cái.
Việc xã hội phục vụ gia đình bằng cách "nhìn nhận, tôn trọng và thăng tiến các quyền của gia đình" cần được cụ thể hóa bằng "các chính sách đúng đắn và hữu hiệu về gia đình". Cần công nhận (nghĩa là bảo vệ, trân trọng và phát huy) "căn tính của gia đình, xã hội tự nhiên được xác lập trên hôn nhân". Sự công nhận này phân biệt rạch ròi giữa "gia đình, được hiểu đúng nghĩa, với tất cả các hình thức sống chung khác, tự bản chất, không xứng đáng được hưởng danh xưng và địa vị của gia đình" (253).
"Việc xã hội và Nhà nước nhìn nhận vị thế đứng hàng đầu của gia đình so với mọi cộng đồng khác, kể cả thực thể Nhà nước, là sự vượt qua những quan niệm cá nhân chủ nghĩa đơn thuần và là sự chấp nhận lấy chiều kích gia đình làm tầm nhìn về văn hoá và chính trị không thể thiếu được trong việc xem xét những gì có liên quan đến con người" (254).
Đan Quang Tâm tóm lược
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét