Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Ám ảnh cùng cực ở nghĩa trang hài nhi


30/5/2012 07:00
“Có em đưa về da trắng muốt, môi đỏ son, trông như một thiên thần. Có em vẫn còn nóng hổi, bế trên tay còn thoi thóp thở…”. Những câu chuyện về số phận các hài nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc có thể khiến những người mạnh mẽ nhất cũng phải rơi nước mắt.

Có em khi đưa về vẫn còn thoi thóp thở…
Là một thành viên lâu năm của nhóm Bảo vệ sự sống, cô Nguyễn Thị Lập thật thà bảo, thời gian đầu khi tham gia nhóm, cô không tránh được cảm giác e sợ, ám ảnh.
Quả thật làm công việc này phải những người “cứng vía”. Bởi không phải ai cũng “quen” được với cảnh máu me, với những hình ảnh thương tâm của các hài nhi khi bị đẩy ra khỏi bụng mẹ.
Nhưng đến giờ, khi đã quen với công việc này, bất cứ khi nào vào nghĩa trang, cô Lập cũng cảm thấy ấm áp như về nhà của mình vậy. Đây là “ngôi nhà chung” mà ngày nào cô và bà con trong thôn đều muốn lui tới thăm viếng an ủi linh hồn những hài nhi nhỏ bé.
Hình ảnh mai táng các hài nhi do dân làng ghi lại
Cô Lập xót xa kể: “Các em bốn, năm tháng là thành hình, có tay, có chân đầy đủ, thậm chí phân biệt được trai hay gái rồi. Có em bị tiêm thuốc, người tím đen lại. Có em khi ra phải làm thủ thuật, không còn lành lặn nữa.
Thậm chí có trường hợp em lớn, hôm trước mang về một nửa, hôm sau nửa kia mới được mang nốt về, chúng tôi lại phải ngồi ghép các cháu lại tay, chân, mặt… đầy đủ rồi mới đem khâm liệm, chôn cất.
Đau xót nữa là trường hợp các em bảy, tám tháng, khi về đây vẫn còn nóng hổi, bế trên tay vẫn còn thoi thóp thở, vẫn còn nấc nấc. Nhưng bệnh viện họ đã tiêm thuốc rồi, không cứu được nữa”.
Khuôn viên nghĩa trang dành cho các hài nhi rộng chừng 300 mét vuông, được chia làm hai khu: Một bên là những nấm mộ vô danh, mới được xây cất lại khang trang. Một bên là những nấm mộ có ghi tên tuổi cụ thể và dãy “huyệt chờ” – những hố chôn tập thể đợi mai táng các hài nhi.
Cô Lập cho hay, lúc nào ở đây cũng phải sẵn các huyệt chờ như vậy. Khi nào huyệt đầy các tiểu để hài nhi thì dân làng mới lấp đất, xây cất một thể.
Hầu hết các nấm mộ mộ ở đây là mộ vô danh. Ngay cả người cha, người mẹ cũng không biết con họ được an nghỉ ở đây. Chỉ có một vài trường hợp các em sinh non, hoặc trẻ chết lưu được chính bố mẹ đưa về dây chôn cất là có tên, có bia mộ riêng.
Mỗi cái tên, mỗi tấm bia mộ hiếm hoi ấy cũng đều gợi lại cho cô những kỷ niệm đau buồn: “Có bậc cha mẹ đưa con về đây xong khóc lóc thảm thiết cả ngày trời. Họ xót thương con… hằng năm trời vẫn quay trở lại.
Cũng có những người mẹ trót bỏ con, đoán được đưa về đây chôn cất, nhớ đến ngày mất của con lại tìm đến thắp hương, sám hối. Chẳng biết con mình nằm ở đâu giữa hàng chục vạn hài nhi ở đây, họ chỉ biết khóc và cầu nguyện…”.
“Cái tiếng còn hơn cái tội”
Những người gắn bó với nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc kể rằng, ở đây họ đã chứng kiến biết bao ngang trái của cuộc đời liên quan tới những hài nhi bất hạnh.
Có người chồng ép vợ bỏ thai vì cái thai là con gái. Có người mẹ quyết định bỏ con vì thai nhi dị tật… Có những cặp tình nhân yêu đương, lỡ dở để có thai, không dám có trách nhiệm với đứa trẻ, họ âm thầm đưa nhau đi nạo hút.
Cô Nguyễn Thị Lập bên những ngôi mộ rõ tên, tuổi hiếm hoi
Thậm chí, dã man hơn có trường hợp cả bố mẹ đẻ đưa con gái đi phá thai vì sợ ảnh hưởng đến danh dự của cả gia đình.
Bất cứ ai khi đi đến quyết định bỏ đi một thai nhi cũng viện dẫn rất nhiều lý do. Vì hoàn cảnh, vì cuộc sống… song dù với lý do gì đi nữa, thì việc tước đi một sinh mệnh cũng là hành động không thể nào bào chữa được.
Đó là cái “tội” mà chắc chắn, những người cha, người mẹ sẽ phải trả giá lại bằng những nỗi day dứt ân hận trong cuộc đời.
“Gần đây nhất có cháu được bố đem lên đây. Tôi nhớ mãi, chàng trai ấy hãy còn trẻ. Cậu ấy vừa khóc lóc thảm thiết, vừa đau đớn nói trong oán hận: “Chỉ vì một chút danh lợi mà họ ép chúng cháu bỏ đứa trẻ…” – cô Lập ngậm ngùi nhớ lại.
Hỏi ra mới hay, người yêu cậu quê ở Nghệ An, vốn là con một gia đình quyền thế. Hai người yêu nhau nhưng bị gia đình cấm cản vì sợ không môn đăng hộ đối. Quyết đến với nhau, cặp tình nhân trẻ chọn cách “vượt rào” để gây sức ép. Nhưng cuối cùng, bố mẹ người con gái không đồng ý, ép cô phải bỏ cái thai đến cùng…
Cô Lập tâm sự: “Tôi chôn cất cho đứa trẻ vô tội, mà cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi đến chảy nước mắt. Giá như con người ta biết tôn trọng sự sống của đứa trẻ, đừng ích kỷ, đừng vì những mục đích riêng tầm thường thì đâu đến nỗi.
Chúng tôi làm công việc này, cũng chỉ mong góp tiếng nói để những bậc làm cha, làm mẹ dù rơi phải hoàn cảnh nào thì cũng xin đừng hủy hoại con mình. Cha mẹ có trót lỡ làng thì hãy cố gắng một chút, cái tiếng còn hơn cái tội…”.
Đó không chỉ là mong mỏi của cô, mà còn là điều mà cả dân làng Đồi Cốc và nhiều người khác luôn trăn trở.
Quỳnh Anh
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/74047/am-anh-cung-cuc-o-nghia-trang-hai-nhi.html

*
**

XÓT XA NGHĨA TRANG CHÔN 5 VẠN HÀI NHI

 “Mỗi một bào thai dù chưa được sinh ra đã mang những linh hồn. Những đứa trẻ tội nghiệp chưa thành dáng, thành hình đã phải lìa trần do sự nhẫn tâm của các bậc sinh thành”… với quan niệm sống đậm tình người ấy mà gần chục năm qua, người dân làng Đồi Cốc ( xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội ) đã ngày ngày lặn lội khắp các miền đất nước để nhặt những thai nhi bị người ta bỏ đi để đem về chôn cất.
Nghĩa trang 5 vạn hài nhi
Đã ghé thăm các nơi chôn cất hài nhi như Nghĩa Trang Quần Vinh ( Nam Định ), Nghĩa Trang Anh Hài ( Thừa Thiên – Huế )… nhưng khi đến Nghĩa Trang Đồi Cốc ( Sóc Sơn – Hà Nội ), phóng viên không khỏi ngỡ ngàng và chua xót khi ngay giữa thủ đô lại có một nghĩa trang lớn với hơn 50.000 mộ sinh linh vô tội.
Nghĩa Trang Đồi Cốc trong một chiều đầu hạ, quang cảnh hiu hắt vắng lặng. Như mọi ngày, ông Nguyễn Văn Thạo ( trưởng xóm Đồi Cốc ) cặm cụi lấp đất lên những huyệt nhỏ của những sinh linh bé bỏng không có cơ hội được chào đời. Rồi ông lặng lẽ thắp nhang. “Khổ thân những đứa trẻ chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành, mong muốn duy nhất của người dân Đồi Cốc là giúp những đứa trẻ được an nghỉ bình an”, ông nói.
Nghĩa Trang Đồi Cốc được chia làm hai nửa, một nửa để an táng những người dân trong thôn, một nửa còn lại là những phần mộ dành cho những sinh linh vô tội bị bỏ rơi khi chưa kịp chào đời. Theo lời ông Thạo, mỗi một huyệt mộ tập thể chôn được 30 tiểu sành, ở nghĩa trang hiện nay có hàng trăm ngôi mộ như thế. Ước tính cũng đến hơn 5 vạn hài nhi đã được mai táng ở đây.
Trên những ngôi mộ có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, có em bé khi lìa đời có tên có tuổi được gắn trên bia, còn lại đa số là vô danh. Đặt lọ hoa cúc trắng lên ngôi mộ bé Đào Thị Đỏ mất ngày 3.4.2012, ông Thạo khẽ lau nước mắt kể, ngày người làng nhặt cháu về, cháu đã mang dáng hình của đứa trẻ, người ta bọc cháu trong tấm vải ghi rõ quê quán ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Hiện nay, chúng tôi luôn phải đào sẵn huyệt mộ để an táng những đứa trẻ mới. Trung bình mỗi ngày nghĩa trang đón 20 cháu, thật đau lòng xót xa.
Khu chôn cất dành cho hài nhi trong nghĩa trang Đồi Cốc mới được xây dựng chưa đầy 10 năm. Con số hài nhi xấu số bị bỏ rơi được người làng đưa về đây an táng luôn gia tăng sau mỗi năm, thậm chí năm 2011 gấp đôi năm 2010.
Theo người dân thôn Đồi Cốc, ở trên địa bàn huyện và địa bàn thị xã Phúc Yên ( Vĩnh Phúc ) có nhiều khu công nghiệp, một số hài nhi bị bỏ rơi có bố mẹ là công nhân tại các xí nghiệp. Họ bỏ đi máu mủ ruột rà của mình lúc chưa thành dáng thành hình thì quả là chua xót, đáng trách. Hơn 5 vạn hài chi chỉ là con số mà bà con thu nhặt được, chắc hẳn con số thực tế lớn hơn rất nhiều.
“Cuộc sống ngày càng phát triển thì con người ta sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở thị trấn Sóc Sơn, ở thị xã Phúc Yên ( Vĩnh Phúc ) để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều những nấm mộ hài nhi mọc lên. Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng. Càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà các bậc sinh thành chúng đã gây ra", một người dân trong làng xót xa.
Cả làng đi nhặt… xác hài nhi
Theo lời ông Thạo, năm 2000, một người dân trong làng đã vô tình phát hiện một hài nhi bị bỏ ở vệ đường, người đó thương cảm đã đưa về nghĩa trang thôn an táng. Thế rồi không ai bảo ai, từ đó tới nay, người dân trong làng hễ thấy hài nhi xấu số là nhặt về chôn cất, nhiều người còn lặn lội hàng chục cây số, biết có tin hài nhi bị bỏ rơi, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để xin về chôn cất. Mọi người ở đây quan niệm, đứa trẻ dù chưa được sinh ra những đã có phần hồn và thể xác, phải an táng chúng như những con người khi lìa trần thì mới an lòng.
Cuộc sống người dân làng Đồi Cốc không mấy dư dả, nhưng có tấm lòng, họ họp bàn nhau lại để xây dựng khu nghĩa trang dành cho hài nhi, khang trang sạch sẽ. Người có của, kẻ có công, sau vài năm, hàng trăm ngôi mộ đã được xây dựng bề thế. Những mộ em bé có tên tuổi còn được gắn bia đá.
Rời nghĩa trang Đồi Cốc khi mặt trời đã tắt. Những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ chìm dân vào màn sương, chúng đã có giấc ngủ yên bình bởi bàn tay chăm sóc của những người không trực tiếp sinh thành. Ở đâu đó, những người cha, người mẹ của chúng có phải trả giá bằng sự day dứt xé lòng ?
Theo NINH THANH, Infonet
Nguồn: EPHATA 512

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Gia đình, tế bào sống động của xã hội

Dựa theo cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi hân hạnh giới thiệu với độc giả các bản tóm tắt của các chương:
Tóm tắt Chương Nhập Đề (bấm vào để xem)
TÓM LƯỢC CHƯƠNG NĂM
“GIA ĐÌNH, TẾ BÀO SỐNG ĐỘNG CỦA XÃ HỘI”

I. Gia đình, xã hội tự nhiên đầu tiên (209-214)
Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng và tính trung tâm của gia đình. Hôn nhân là một sự kết hợp giữa người nam và người nữ, những con người ngang bằng về phẩm giá, khác nhau về nhiều mặt nhưng bổ sung cho nhau. Từ sự bổ sung này, phát xuất sự truyền sinh, một chức năng "làm cho [đôi vợ chồng] là người cộng sự của Đấng Tạo hóa" (Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo, 209).
Sách Sáng thế ký kể lại việc tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên. “Chính nơi gia đình, con cái học những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về sự khôn ngoan” và “các đức tính” (210). Sách Tóm lược kế đó ghi lại những lời của Đức Phaolô VI trong chuyến viếng thăm Nazarét năm 1964, nói về Đức Giêsu được sinh ra và sống trong một gia đình, "chấp nhận những đặc điểm của gia đình và đem lại cho định chế hôn nhân phẩm giá cao quý nhất" (210).
Gia đình là "xã hội tự nhiên đầu tiên", xã hội được tạo thành theo định chế của Thiên Chúa. Với tư cách là "xã hội tự nhiên đầu tiên", gia đình có "những quyền lợi tự nhiên riêng của mình” do Thiên Chúa ban (211). Việc gia đình được thiết lập trên nền tảng hôn nhân giữa người nam và người nữ quan trọng cả về mặt tự nhiên (vì là nơi chính yếu diễn ra những quan hệ liên nhân vị) lẫn về mặt siêu nhiên (vì là một định chế do Thiên Chúa đặt ra).
Tầm quan trọng của gia đình đối với con người (212)
Sách Tóm lược giải thích tầm quan trọng của gia đình đối với cá nhân. Gia đình là “chiếc nôi sự sống và tình yêu, nơi con người được sinh ra và lớn lên”. “Bầu khí thân mật nối kết gia đình” cũng là nơi ta học nhận lãnh “trách nhiệm” và học biết những điều hay lẽ phải.  
Tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội (213-214)
Gia đình là “một cộng đồng tự nhiên” nơi “con người được coi như một mục tiêu chứ không bao giờ bị coi như một phương tiện” (213). “Gia đình có những quyền lợi bất khả xâm phạm”, “không hiện hữu vì xã hội hay Nhà nước, nhưng xã hội hay Nhà nước hiện hữu vì gia đình” (214). Vì tầm quan trọng sống còn đó, gia đình có vị trí ưu tiên trên cả xã hội và Nhà nước. Xã hội hoặc Nhà nước có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc bổ trợ, nghĩa là một mặt không được lấy đi khỏi gia đình những công việc mà gia đình tự bản thân hoặc liên kết với những gia đình khác có thể thực hiện được, và mặt khác, cần phải hỗ trợ gia đình khi cần thiết.

II. Hôn nhân, nền tảng của gia đình (215-220)
a. Giá trị của hôn nhân (215-218)
"Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân", nhưng định chế gia đình là "một định chế không tùy thuộc con người mà tùy thuộc chính Thiên Chúa" (215). "Thiên Chúa chính là tác giả của cuộc hôn nhân" (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 48). "Không quyền lực nào có thể xoá bỏ quyền tự nhiên được kết hôn hoặc thay đổi các đặc tính và mục tiêu của hôn nhân" (216).
Hôn nhân có bốn đặc tính: toàn vẹn, hợp nhất, bất khả phân ly và trung tín, và sản sinh con cái. Đa thê đi ngược lại ý định Thiên Chúa. Việc sinh sản và nuôi dạy con cái là một phần quan trọng của hôn nhân; tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất của hôn nhân. Khi hai vợ chồng không thể có con thì "tính bất khả phân ly và giá trị hiệp thông của hôn nhân vẫn còn" (218).
Bí tích Hôn Nhân (219-220)
Bí tích hôn nhân phát sinh từ tình yêu phu thê của Đức Kitô đối với Giáo Hội. "Hôn nhân, với tư cách một bí tích, là giao ước trong tình yêu giữa một người nam và một người nữ" (219). Vợ chồng Kitô giáo giúp đỡ nhau trên đường nên thánh, "trở thành dấu hiệu và công cụ cho tình yêu của Đức Kitô trong thế giới" (220). Đôi vợ chồng ấy "tìm kiếm Nước Chúa bằng cách tham gia vào các việc trần thế và sắp xếp chúng theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa" (Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Gia đình Kitô giáo, 47). Nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân, gia đình Kitô giáo được nối kết mật thiết với Giáo hội và trở thành "Giáo hội tại gia" hoặc "Giáo hội thu nhỏ".

III. Chủ thể tính xã hội của gia đình (221-245)
Tình yêu và việc đào tạo một cộng đồng các nhân vị (221-229)
“Gia đình là nơi cho cộng đồng các nhân vị đích thực phát triển” (221). Trong tình yêu, mọi người được nhìn nhận, chấp nhận và kính trọng. Phải quan tâm đến những người cao tuổi trong gia đình. Sự có mặt của các vị này có thể mang lại giá trị lớn: các vị là mối dây liên lạc giữa các thế hệ, nguồn phúc lạc cho gia đình và toàn xã hội, một trường học quan trọng về cuộc đời, kho tàng các giá trị và truyền thống và tiềm năng tài bồi những người trẻ.
"Con người được tạo dựng để yêu thương và không thể sống mà không có tình yêu… Tình yêu không thể giản lược thành những cảm xúc hay tình cảm, càng không thể rút gọn thành những biểu hiện tính dục đơn thuần" (223). "Sự khác biệt và những sự bổ sung về thể lý, luân lý và tinh thần, giữa người nam và người nữ là nhằm hướng đến những ích lợi của hôn nhân và sự thăng hoa đời sống gia đình" (224).
Tình yêu vợ chồng đòi hỏi hôn nhân phải bền vững và bất khả phân ly. Việc đưa ly dị vào trong pháp luật dân sự đã “tiếp sức cho một quan niệm tương đối hóa sự ràng buộc của hôn nhân” và có thể gọi đó là “một nạn dịch thực sự cho xã hội”(225). Tuy nhiên, "Giáo hội không bỏ rơi những người tái kết hôn sau khi đã ly dị. Giáo hội cầu nguyện cho họ và khích lệ họ trong những khó khăn họ gặp phải trong đời sống thiêng liêng, nâng đỡ họ trong đức tin và đức cậy" (226).
“Hôn nhân thực tế” dựa trên một quan niệm sai lạc về tự do và những cái nhìn cá nhân chủ nghĩa. “Hôn nhân không đơn thuần chỉ là một sự đồng ý sống chung với nhau” mà còn là một công cụ xã hội và phương tiện chính yếu nhằm “giúp mỗi người trưởng thành toàn diện” (227).
Cần tôn trọng nhân phẩm của những người đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là “hợp pháp hoá một hành vi không phù hợp với luật luân lý” và “nhìn nhận quyền kết hôn giữa những người đồng giới và coi việc ấy ngang hàng với gia đình” (228).  Pháp luật không bao giờ được làm suy yếu sự nhìn nhận “hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly là hình thức đúng đắn duy nhất của gia đình” (229). Các Kitô hữu phải tái khẳng định rằng gia đình là “một cộng đồng yêu thương và liên đới”, thích hợp để “truyền đạt những giá trị văn hoá, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo” (229).
Gia đình là thánh điện của sự sống (230-237)
“Tình yêu vợ chồng tự bản chất mở ra để đón nhận sự sống” (230) và “gia đình xây dựng trên hôn nhân là thánh điện của sự sống” (231). Gia đình Kitô giáo phải “cổ vũ và xây dựng nền văn hoá sự sống” và có sứ mạng “làm chứng cho và loan báo Tin Mừng sự sống” (231).
Hai vợ chồng tham gia vào “công việc sáng tạo của Thiên Chúa” và thiện ích xã hội qua việc làm cha làm mẹ. Trách nhiệm rất nặng nề, nhưng hãy dám thực hiện quyết định đó dựa trên “việc quảng đại đón nhận sự sống” (232).
Cần loại bỏ, không chấp nhận về mặt luân lý, các phương pháp phá thai, triệt sản và ngừa thai. Tuy nhiên, các đôi vợ chồng có thể quyết định sử dụng các phương pháp dựa trên sự tiết dục định kỳ trong thời gian có thể mang thai của người phụ nữ. "Quyết định về thời gian cách quãng giữa các lần sinh con và về số con muốn có là quyền riêng của hai vợ chồng" (234).
"Ước muốn làm cha làm mẹ không có nghĩa là được “quyền có con” bằng bất cứ cách nào, vì con cái chưa sinh ra cũng có quyền của mình" (235). Đứa trẻ có quyền có những điều kiện tối ưu để sống còn, một gia đình bền vũng xây dựng trên nền tảng hôn nhân, được sự bổ sung của hai người, là cha và mẹ.
Giáo hội chống lại những kỹ thuật sinh sản vô tính thay thế cho hành vi yêu thương trong hôn nhân. Huấn quyền nhận định rằng những kỹ thuật đó trái ngược với phẩm giá của con người và gây ra những quan ngại về sự thống trị toàn diện của cá nhân tiến hành việc sinh sản vô tính trên cá nhân được sinh ra. "Các cha mẹ, với tư cách thừa tác viên của sự sống, không bao giờ được quên rằng cần phải chú ý tới chiều kích thiêng liêng của việc sinh sản hơn bất cứ khía cạnh nào khác: Vai trò làm cha làm mẹ là một trách nhiệm, tự bản chất, không đơn thuần chỉ về mặt thể lý mà còn về mặt thiêng liêng" (237). Qua vai trò này, "khai diễn ra gia phả của con người, gia phả có khởi đầu ở trong Thiên Chúa và phải dẫn dắt đưa trở lại đến Thiên Chúa" (Đức Gioan Phaolô II, Thư cho các Gia đình, 10).
Nhiệm vụ giáo dục (238-243)
Bằng cách thi hành sứ mạng giáo dục, gia đình đóng góp cho công ích: gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính xã hội, giáo dục về tự do và trách nhiệm và truyền thông một số giá trị căn bản. Gia đình có nhiệm vụ nuôi dạy con cái, “một vai trò hoàn toàn độc đáo và không thể thay thế” (239). Tình yêu của cha mẹ làm sinh động hoạt động giáo dục. Cha mẹ có quyền và có bổn phận giáo dục con cái, mà Nhà nước nên tôn trọng.
“Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên, nhưng không phải là nhà giáo dục duy nhất, đối với con cái” (240). Cha mẹ thi hành một cách có trách nhiệm hoạt động giáo dục này “bằng cách cộng tác chặt chẽ với các cơ quan xã hội và Giáo hội” (240).
“Cha mẹ có quyền thành lập và hỗ trợ các cơ sở giáo dục” (241). Cả cha và mẹ đều quan trọng ngang nhau trong việc giáo dục con cái và “có trách nhiệm cung cấp một nền giáo dục toàn diện” (242), đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục giới tính.
Phẩm giá và quyền lợi của trẻ em (244-245)
Nhu cầu tôn trọng phẩm giá của trẻ em là một đề tài thường xuyên được đề cập đến trong học thuyết xã hội của Giáo hội. Các quyền của trẻ em phải được pháp luật bảo vệ, trước hết là quyền “được sinh ra trong một gia đình thực sự” (244). Cộng đồng quốc tế cần tham gia vào việc bảo vệ trẻ em bởi vì mặc dù Công ước về Quyền Trẻ em đã có hiệu lực lực từ năm 1990, vẫn còn cảnh đông đảo các trẻ em trên thế giới sống trong tình trạng bi đát: thiếu sự chăm sóc y tế, thiếu thực phẩm, chỗ trú ngụ, giáo dục đào tạo cho các em, nạn buôn bán trẻ em, lao động trẻ em, hiện tượng “trẻ em đường phố”, trẻ em bị sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang, nạn tảo hôn và mại dâm trẻ em, vấn đề sử dụng trẻ em vào việc kinh doanh phim ảnh khiêu dâm, khai thác các em tham gia các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại và tinh vi.

IV. Gia đình là chủ thể tích cực tham gia vào đời sống xã hội (246-251)
Liên đới trong gia đình (246-247)
"Chủ thể tính xã hội của các gia đình, một cách riêng lẻ hoặc liên kết với nhau, thể hiện tình liên đới và chia sẻ không những giữa các gia đình với nhau mà cả dưới các hình thức đa dạng của việc tham gia vào đời sống xã hội và chính trị" (246). Có thể thực hiện tình liên đới này  bằng cách phục vụ và quan tâm, chú ý đếnnhững người nghèo khổ và túng thiếu, những người mồ côi, tàn tật, ốm đau, cao tuổi, những người sầu khổ vì tang chế, những người sống trong nghi ngờ, cô đơn hoặc bị bỏ rơi.
Gia đình cần ý thức mình "là 'vai chính' trong 'chính sách gia đình' và hãy đảm nhận trách nhiệm làm biến đổi xã hội" (247).
Gia đình, đời sống kinh tế và lao động (248-251)
"Ngôi nhà đã từ lâu – và ở nhiều vùng vẫn còn – là nơi sản xuất và trung tâm của đời sống. […]. Gia đình phải được xem là một tác nhân chủ yếu của đời sống kinh tế, được hướng dẫn không phải bởi  não trạng thị trường mà theo lôgic chia sẻ và liên đới giữa các thế hệ" (248).
"Gia đình và lao động được liên kết bằng một mối quan hệ rất đặc biệt […] Quan hệ này bắt nguồn từ tương quan giữa con người và quyền được hưởng thành quả lao động của mình và liên quan đến con người không chỉ với tư cách một cá thể đơn lẻ mà còn như một thành viên trong gia đình, được hiểu như một “xã hội tại gia” (249). Giá trị của lao động ở chỗ lao động tạo điều kiện để thành lập gia đình và phát triển con người.
Cần phải có "tiền lương gia đình" (250), đủ nuôi sống cả gia đình và cho phép gia đình có thể tiết kiệm để sau này mua sắm tài sản bảo đảm cho sự tự do của mình. Quyền tài sản gắn chặt với sự sống còn của gia đình, bảo vệ gia đình khỏi sự túng thiếu.
 Xã hội cần công nhận đánh giá đúng mức "vấn đề lao động của phụ nữ trong gia đình, nói rộng ra, là công việc "nội trợ”, hiện nay cũng còn là trách nhiệm của những người nam với tư cách làm chồng và làm cha" (251), đặc biệt là cần thực hiện việc bù đắp về mặt kinh tế ngang bằng với các loại hình lao động khác. Cần "loại bỏ mọi trở ngại khiến cho vợ chồng không thể đưa ra những quyết định tự do liên quan đến trách nhiệm sinh sản của họ, và đặc biệt, những quyết định không cho phép người phụ nữ thực hiện đầy đủ vai trò làm mẹ" (251).

V. Xã hội phục vụ gia đình (252-254)
Xã hội và Nhà nước cần "tôn trọng" và "thăng tiến gia đình theo nguyên tắc bổ trợ" (252), nghĩa là cần tôn trọng tính ưu tiên và “có trước” của gia đình, phát huy căn tính đích thực của đời sống gia đình, bảo vệ các giá trị gia đình bằng các chính sách và pháp luật, tôn trọng sự sống, tôn trọng quyền tự do lựa chọn trong việc giáo dục con cái.
Việc xã hội phục vụ gia đình bằng cách "nhìn nhận, tôn trọng và thăng tiến các quyền của gia đình" cần được cụ thể hóa bằng "các chính sách đúng đắn và hữu hiệu về gia đình". Cần công nhận (nghĩa là bảo vệ, trân trọng và phát huy) "căn tính của gia đình, xã hội tự nhiên được xác lập trên hôn nhân". Sự công nhận này phân biệt rạch ròi giữa "gia đình, được hiểu đúng nghĩa, với tất cả các hình thức sống chung khác, tự bản chất, không xứng đáng được hưởng danh xưng và địa vị của gia đình" (253).
"Việc xã hội và Nhà nước nhìn nhận vị thế đứng hàng đầu của gia đình so với mọi cộng đồng khác, kể cả thực thể Nhà nước, là sự vượt qua những quan niệm cá nhân chủ nghĩa đơn thuần và là sự chấp nhận lấy chiều kích gia đình làm tầm nhìn về văn hoá và chính trị không thể thiếu được trong việc xem xét những gì có liên quan đến con người" (254).
Đan Quang Tâm tóm lược

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Khủng hoảng nào đáng sợ hơn: kinh tế hay gia đình?

Sài Gòn Tiếp Thị – Thứ sáu, ngày 25 tháng năm năm 2012
Diễn đàn Khủng hoảng nào đáng sợ hơn: kinh tế hay gia đình?

Mầm mống đã có từ lâu

LTS. Cứ nhìn trên các phương tiện truyền thông, các phiên họp Quốc hội, các kỳ họp HĐND... đâu đâu cũng thấy bàn cãi về khủng hoảng kinh tế, phát sốt với GDP, đánh vật với tăng giá, thu tiền. Còn sự khủng hoảng đang diễn ra ngay trong mỗi gia đình thì sao? Liệu đó có phải là hệ luỵ của kinh tế thị trường như người ta thường nói, hay có nguồn gốc nào khác? Xin mở đầu diễn đàn bằng bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.

Theo dõi sự phát triển của tội ác và lối sống tiêu cực, hình như người ta đã quen với sự hình thành “mặt bằng mới” không còn phải ngạc nhiên nữa: đạo đức xã hội xuống cấp, chuyện gì lại chẳng có thể xảy ra. Vợ đốt chồng (mà chẳng phải một bà đốt), cháu thiếu tiền chơi game về nhà giết bà nội lấy đôi bông tai bán vài trăm ngàn. Hai thằng anh rể (cả hai nhé) cùng ngủ với em vợ là trẻ con đến mức có bầu! Trong chuyện thằng Luyện rình trong bóng tối cả đêm bình tĩnh chờ trời sáng ra tay giết gần hết một gia đình, vẫn cứ phải thắc mắc: sao một mình nó làm nổi việc trời không dung đất không tha ấy? Sau khi luật pháp tha tội đáng chết, có thêm đàn em noi gương Luyện cướp tiệm vàng! Rồi còn mấy ông bà bác sĩ quan hệ bất chính, chồng bố trí cho vợ tự quay cảnh hành lạc để làm chứng cứ cho một âm mưu, đem về cho chồng xem thì chồng bảo chưa đạt chất lượng, phải ngủ lại, quay lại cho rõ! Họ đều là cán bộ, đều có cơ quan, đoàn thể, thường xuyên kiểm điểm tổng kết bình bầu, chắc chắn có học tập đạo đức Hồ Chí Minh cả… Vậy tính cách này không phải do “kinh tế thị trường” mà ra. Nó phải có mầm mống từ lâu lắm.

Trong các vụ án được toàn xã hội quan tâm, ít thấy người ta tìm nguồn gốc tội ác ở gia đình, môi trường hình thành nhân cách. Trường học đầu tiên của con người, nơi trang bị tâm tính cho cả cuộc đời chính là gia đình. Tâm tính và đạo đức là cái bất biến cho con người ứng vạn biến của cuộc đời. Thế mà chúng ta chỉ lo sợ trước khủng hoảng kinh tế, trong khi cái đáng sợ hơn là khủng hoảng gia đình thì chẳng làm gì cả. Nói thế vì có một thực tế rất rõ: trong các quyết sách phát triển xã hội, vắng bóng hoàn toàn những giải pháp, cũng chẳng thấy nhận định đúng về mức độ khủng hoảng các giá trị trong gia đình

Việt Nam hiện nay. Không thấy được sự liên thông giữa sự phát triển lành mạnh của gia đình với sự ổn định xã hội, đến phát triển kinh tế và chi phối tất cả các vấn đề, không có sự quan tâm tới nguồn gốc sâu xa của suy thoái đạo đức xã hội, người ta chỉ đổ gọn một câu: “Do mặt trái kinh tế thị trường”. Các biện pháp tăng cường chức năng giáo dục gia đình như một chính sách lớn có hệ thống của Nhà nước không thấy đâu. Chỉ dừng lại ở các phong trào đoàn thể mà hiệu quả không rõ.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn từng bị “đánh” vì nghiên cứu những tính cách xấu của người Việt. Một lần có dịp vào TP.HCM, khi bạn bè chất vấn tại sao ông nhìn cuộc sống tuyệt vọng vậy, ông công nhận: “Tôi tuyệt vọng vì không thấy lối ra”. Ông bảo rất nên quan tâm đến vấn đề lưu manh. Sự hạ lưu len vào bộ máy công quyền. Nhiều nơi không còn là chỗ phụng sự những giá trị tốt đẹp của xã hội, mà là chỗ thực hiện những mưu đồ.

Nhưng chẳng lẽ gia đình rồi cũng đến mức ấy?

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI


CÁC Ý KIẾN (9)


Đài Trang

Nguyên nhân để tội ác man rợ với tình thân càng lúc càng trở thành “chuyện thường ngày” hơn thì có nhiều và đã có lắm chuyên gia phân tích: Do cha mẹ không quan tâm tới con cái; nhà trường chỉ nặng phần dạy chữ mà nhẹ phần dạy người; không quản lý internet để các em sống với thế giới ảo; tác động của phim ảnh bạo lực từ phương Tây... Tuy nhiên, tìm địa chỉ cụ thể thì chẳng khác nào mò kim đáy biển, rồi… đâu lại vào đấy, hầu như ngày nào cũng xảy ra chuyện con giết cha, vợ giết chồng, bạn bè hành hung nhau ngay tại lớp, tại trường và có lúc cũng sẵn sàng sử dụng “hàng nóng” không thua gì giới giang hồ cộm cán giải quyết ân oán tình thù. Riết rồi chán chẳng buồn nói. Tự mình thủ phận cho xong.

Phương Ánh

Cứ nhìn lại cuộc sống đang bày ra trước mắt hẳn sẽ có câu trả lời hoặc chí ít cũng là một phần lý giải. Tại sao giờ tan trường của các cấp, kể cả đại học, phụ huynh phải sắp xếp thời gian đưa đón con em khiến cho giao thông thường ách tắc? Thương con ư? Phụ huynh bây giờ có mấy người ngày trước được người nhà đưa đón kỹ như thế? Ngày đó và trước đó, cha mẹ thương con không bằng lớp phụ huynh bây giờ ư? Tại sao bờ tường của các cơ quan, trường học phải cơi cao hàng rào thép? Tại sao tinh thần “giữa đường dễ thấy bất bình chẳng tha” đã trở thành truyền thống của dân tộc, nay ngày một phai nhạt?... Nhân đâu để có quả ấy?.Toàn bộ cách chúng ta làm ăn, toàn bộ cách chúng ta xử sự, làm kinh tế, quản lý, luật pháp... chúng ta đang rất thiếu hụt về văn hoá. Việt Nam đã bị mất mát rất nhiều về văn hoá do chiến tranh nhưng cũng do chính chúng ta làm mất. Khi đã thiếu văn hoá, con người ta rất dễ làm điều xằng bậy. Tôi thấy bây giờ trong ứng xử với nhau, cái gì mà con người ta có thể bày tỏ thái độ là họ bày tỏ rất thô bạo. Đó là sự thiệt hại lớn, không lường được đối với sự phát triển đất nước. Cái sai trong con người, cái sai về văn hoá là cái khó điều chỉnh nhất bởi biết đằng nào mà sửa, mà thay đổi.

Song Linh

Thật sự cám ơn nhà văn đã có báo động tuy có hơi muộn nhưng thật sự cần thiết. Trong những năm qua xã hội Việt Nam đang có những thay đổi lớn lao, kèm theo những cơ hội là những thách thức không nhỏ về lối sống lệch chuẩn, về sự vô cảm của con người, về tệ nạn xã hội, sự tha hóa về đạo đức… Thách thức đó đang ập vào mỗi gia đình dẫn đến khủng hoảng trong hôn nhân như ly hôn, ly thân, ngoại tình… ngày càng nhiều; xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp; bạo lực gia đình vẫn là hiện tượng phổ biến, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, sự bất bình đẳng giới vẫn neo chắc vào mỗi gia đình… Đó là những vấn đề không dễ giải quyết đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, đồng bộ từ các cá nhân - gia đình và xã hội, đặc biệt là cách chủ trương chính sách và các chương trình hành động thiết thực từ phía Chính phủ.

Võ Trần Phương

Tôi cho rằng gia đình Việt Nam hiên nay đang có những sự thay đổi cả về cấu trúc và chức năng. Những sự thay đổi này có cả mặt tích cực và tiêu cực và cũng do rất nhiều lý do. Những sự việc như trong bài nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đề cập không nhiều nhưng vô cùng nghiêm trọng vì tước đi quyền sống, quyền tự do của con người trong xã hội. Và nó càng nghiêm trọng hơn khi xảy ra nơi mà người ta vẫn cho là chốn nương thân, nơi được cho là an toàn nhất của một con người. Nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề này, chắc chắn sẽ ảnh hướng rất lớn đến hệ thống các giá trị văn hóa gia đình, trong đó có giá trị cấu trúc - giá trị thể hiện mối quan hệ bên trong của gia đình: quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ giữa các anh chị em và quan hệ ông bà và các cháu trong gia đình. Không chỉ thế nó còn làm tê liệt các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng nuôi dưỡng và giáo dục con cái, chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm của các thành viên gia đình.

Tuyết Mai

Những vụ việc mà các nhà báo đã đưa ra trong thời gian gần đây như vụ chồng đánh vợ, cha hiếp dâm con, anh giết em… khiến cho người ta trăn trở về quan hệ giữa con người và con người trong thiết chế xã hội đặc biệt - Gia đình. Sự tha hóa của con người sống trong xã hội hiện đại khiến cho người ta kinh hoàng. Euripides- Một nhà triết gia Hy Lạp đã nói: “Duy chỉ có ở nơi gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số mệnh” nhưng với những người vợ, những người con và người em trong các câu chuyện trên họ đã gặp tai ương ngay trong chốn nương thân của mình. Thật khó đề phòng và chống đỡ khi bạo lực xảy ra với các mối quan hệ thân thuộc. Vậy gia đình có còn là chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người, là nền tảng cho sự bình ổn của mỗi xã hội khi tội ác đang rình rập sau mỗi cánh cửa của mỗi gia đình?. Những vụ án kể trên buộc chúng ta phải nhìn nhận lại các vấn đề đang tồn tại trong các gia đình Việt Nam hiện nay. Đó là sự xô lệch về hệ giá trị văn hóa gia đình, những thuần phong mỹ tục gia đình đang bị phá vỡ và bạo lực gia đình với mức độ nghiêm trọng là những vấn đề nhức nhối mà chúng ta cần giải quyết.

Lê Thái An

Loại tội ác giết người, thậm chí giết người thân trong gia đình, đâu phải bây giờ mới có và càng đâu phải chỉ có ở Việt Nam. Báo chí thế giới những năm qua và gần đây nhất chẳng đã đưa tin về các vụ giết người hàng loạt vô cùng ghê rợn ở nước này nước khác đó thôi. Nhưng đâu phải vì vậy mà sự kinh hoàng và đau đớn trước những tin tức giết chồng, giết mẹ như trên được xoa dịu trong lòng biết bao con người có lương tri. Vì sao những thủ phạm giết người ấy lại có thể ra tay độc ác đến vậy với mẹ ruột của mình, với người chồng đầu gối tay ấp của mình? Vì sao? Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô cảm”. Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”. Lời cha ông ta đã dạy: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Vấn đề vô cảm trong xã hội hiện nay đang là thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân của “bệnh vô cảm”, chúng ta sẽ thấy tác hại ghê gớm của nó hầu tìm ra phương cách để chống lại căn bệnh quái ác này.

Hoài Trang

Khi bước vào thời kinh tế thị trường, chúng ta có một cái quên rất cơ bản, đó là kinh tế thị trường này chỉ phát triển khi các yếu tố khác cũng được phát triển thì mới có thể phát triển tốt và lành mạnh. Nếu chỉ thuần tuý là thị trường, tức làm ra tiền thì nó phát triển không những không bền vững mà còn đầy thảm hoạ. Hãy nhớ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, kèm theo đó là các hệ tư tưởng quan trọng về dân chủ, nhân đạo, về quyền con người, về bảo vệ di sản truyền thống... để làm cho con người vững vàng hơn trước các giá trị đồng tiền. Còn hiện ta như đang thả hết, chỉ coi kinh tế là quan trọng. Chúng ta như một người lâu nay đói khát, bỗng dưng thấy một đống tiền trước mặt là tất cả cùng nhào vồ lấy cho thật nhiều mà quên mất các giá trị làm nên sự đứng đắn, tử tế của một con người. Đến lúc này, chúng ta rất mừng “Gia đình văn hoá” ngày càng nhiều nhưng cũng rất buồn khi thấy tội ác ngày càng man rợ. Một nghịch lý chưa có lời giải rõ ràng.

Lan Trinh

bài báo thật ý nghĩa, cám ơn vì đã nói lên đúng với những suy nghĩ của tôi.

Lương Dân

Bài báo viết rất hay và rất đúng,ủng hộ bài báo ,và cần nói rõ ràng cụ thể hơn nữa là:hiện nay đã không coi trọng việc giáo dục luân lý ,đạo đức con người cho học sinh ,kể từ mẫu giáo trờ lên ,mà giáo dục chính trị nhiều,nhưng thực tế cuộc sống trong xã hội ,trong gia đình cần giáo dục đạo đức ,luân lý nhiều hơn,tôi còn nhớ nhiều câu chuyện sinh động và nhiều câu ca dao ngày nhỏ tôi được học ,nó rất dễ nhớ và hấp ,không giáo điều,lý thuyết suông,,đã giáo dục con người thành người tốt trong xã hội.

Nguồn: http://sgtt.vn/Loi-song/164348/Mam-mong-da-co-tu-lau.html


Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Họp báo trình bày về Đại Hội Các Gia Đình Thế Giới 2012

Lã Thụ Nhân5/23/2012

Vatican City (VIS, AsiaNews) – Hôm 22/05/2012, Đức Hồng Y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình; Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Giám Mục của Milan, Ý và Giáo sư Pierpaolo Donati, giáo sư Khoa Xã hội học của Đại học Bologna, Ý đã chủ trì cuộc họp báo được tổ chức tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh để giới thiệu Đại Hội Các Gia Đình Thế Giới lần thứ bảy, sẽ diễn ra tại Milan từ ngày 30/05 đến ngày 03/06 với chủ đề: "Gia Đình: Công Việc và Mừng Lễ".


Đức Hồng y Antonelli chú trọng phần phát biểu của mình về các công tác chuẩn bị cho sự kiện sắp tới, vốn được Đức Thánh Cha công bố khi kết thúc Đại Hội Các Gia Đình Thế Giới kỳ trước được tổ chức tại Mexico City vào năm 2009. Trong suốt ba năm qua, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã họp với Tổng Giám Mục Milan và các cộng sự thân cận nhất của ngài vào những dịp khác nhau để phối hợp những nỗ lực của họ nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Milan.


Đức Hồng Y đã liệt kê một số các sáng kiến bước đầu do Hội đồng của ngài tổ chức, chúng bao gồm: phiên dịch các bài giáo lý sang các ngôn ngữ Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungary, Rumani, Ả Rập và Nga (tại Việt Nam, Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã phiên dịch sang Việt ngữ và đưa lên trang chủ http://www.ubmvgiadinh.org/); Hội thảo quốc tế với chủ đề "Gia đình Kitô giáo là Chủ thể của Loan Báo Tin Mừng" (Rôma 2009) ; Hội nghị khoáng đại lần thứ 19 của Hội Đồng về chủ đề "Quyền của Trẻ sơ sinh" (Rôma 2010); Hội thảo quốc tế với các hiệp hội phò sự sống (Rôma 2010); Đại hội quốc tế về "Gia đình Kitô giáo là Chủ thể của Loan Báo Tin Mừng" (Rôma 2010) , Hội nghị khoáng đại lần thứ 20 của Hội Đồng được tổ chức tại Rôma năm 2011, trùng với Kỷ niệm 30 năm công bố Tông huấn “Về các bổn phận của Gia đình” Familiaris Consortio (FC) và cũng là kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình.



Đức Hồng y Antonelli cũng trình bày về "Enchiridion" (Bản Tóm Tắt), một sổ tay tập hợp các giáo huấn mới nhất của Tòa Thánh về chủ đề gia đình và sự sống con người, từ những năm cuối cùng của triều giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II và từ khi bắt đầu triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI đến nay. Đức Hồng y giải thích: "Mục đích của ấn phẩm là để cung cấp một phương tiện tư vấn hữu ích cho các thừa tác viên mục vụ, các hiệp hội, các phong trào phò sự sống và phò gia đình, các học giả, các nhà giáo và các chính trị gia. Nó bao hàm một loạt các đối tượng bao gồm: thần học và nhân chủng học về gia đình... hôn nhân liên tôn, quy định về truyền sinh, nhân khẩu học, luân lý về sự sống từ lúc thụ thai đến lúc qua đời theo cách tự nhiên, y đức, các quyền của trẻ vị thành niên... gia đình là chủ thể truyền giáo... và chú ý đến giáo luật về các tình huống bất thường".



Một quyển sách khác mang tên "Gia Đình, Nguồn Lực của Xã Hội" cũng được trình bày trong cuộc họp báo. Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình cho biết: "Nó chứa đựng nghiên cứu mới, rọi ánh sáng vào những đóng góp khác nhau, tích cực và tiêu cực, các hình thức khác nhau của gia đình và chung sống trong xã hội". Cuốn sách là kết quả của cuộc nghiên cứu được tiến hành trên mẫu đại diện người dân Ý trong độ tuổi từ 30 đến 55 (3.500 cuộc phỏng vấn được thực hiện trong năm 2011) do Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Giám Mục của Milan chủ trì.



Về phần mình, Đức Hồng Y Scola lưu ý rằng chủ đề của cuộc gặp Milan là để "cùng nhau đưa ra ba khía cạnh cơ bản của đời sống hàng ngày của con người - gia đình, công việc và phần còn lại - làm nổi bật hai đặc điểm lớn... của kinh nghiệm nhân loại trên toàn thế giới: tính đơn nhất của các cá nhân và sự thật là họ luôn ở trong mối tương quan với tha nhân. Như vậy Đại Hội Các Gia Đình Thế Giới lần thứ bảy này giải thích tầm quan trọng lâu đời của những vấn đề này, và thời điểm lịch sử cụ thể hiện nay".



Đức Tổng Giám Mục của Milan cho hay thêm: "Gia đình được thành lập dựa trên hôn nhân chung thủy giữa một người nam và một người nữ, mở ra cho sự sống và vượt trên tất cả các phát triển văn hóa ảnh hưởng đến nó, gia đình vẫn tác động đến chính mình như là phương cách tốt nhất để truyền sinh và nuôi dạy con cái. Trong gia đình, con trẻ... nhìn thấy tương lai đầy hứa hẹn. Từ thời thơ ấu, tất cả chúng ta khám phá ra ý nghĩa của công việc, trước tiên là việc học ở trường và chúng như là một nghề nghiệp. Thông qua công việc... chúng ta phát triển các mối quan hệ xã hội phức tạp... Chúng ta khám phá ra hương vị để xây dựng, ... nhưng trên hết chúng ta có được một cảm giác tin tưởng lẫn nhau, đó là chất gắn kết quan trọng của sự chung sống trong nhân loại.



Ngài nói thêm: "Cuộc sống áp đặt nhịp điệu của nó. Nó đòi hỏi chúng ta thiết lập một thứ tự giữa tình cảm gia đình và công việc. Để làm điều này, chúng ta được sự giúp đỡ của phần còn lại, vốn đánh dấu nhịp điệu của cuộc sống .... Mừng lễ chính là tột đỉnh của phần còn lại, nhưng không sử dụng và chia sẻ thời gian và không gian vốn là một nguồn vui. Con người trở nên hòa giải với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các truyền thống tôn giáo đã luôn luôn sử dụng việc mừng lễ".



Cuối cùng, Đức Hồng Y Scola của Milan nói về sự quan tâm về Đại Hội Các Gia Đình Thế Giới lần thứ bảy được khơi dậy trong giới truyền thông. Ngài cho hay gia đình là trọng tâm của sự chú ý bởi vì nó là một "nguồn lực không thể thiếu, một ‘vốn xã hội’ đòi hỏi những chính sách cụ thể, có lẽ cũng là kết quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà chúng ta đang trải qua". Ngài cũng cung cấp một số thống kê về đại hội sắp tới, và lưu ý rằng dự kiến có hơn một triệu tín hữu sẽ tham dự Thánh Lễ của Đức Thánh Cha, và 300.000 người trong Lễ Hội các Chứng từ; dự kiến khoảng 50 ngàn người có mặt tại Hội chợ quốc tế gia đình, bao gồm hơn 100 gian hàng; 6.900 sinh viên ghi danh tham gia Hội nghị Quốc tế Thần học và Mục vụ, hơn một nửa đến từ ngoài nước Ý (Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi). Trong số này, 900 người trẻ đã tham gia "Đại Hội Giới Trẻ"



Các dữ liệu khác xác nhận sự mong đợi cao dành cho Đại Hội: cho đến nay có 1.023 ký giả được cấp thẻ (1/3 đến từ ngoài nước Ý), 2.200 bài báo tường thuật tính từ ngày 01/01, 633.639 lượt viếng thăm trang web chính thức của Đại Hội là www.family2012.com: 331.042 lượt khách truy cập vào các trang, 2.178.263 lượt xem trang. Và thêm nữa, có 14.148 bạn bè (friends) của trang Facebook, tổng lưu lượng người dùng đạt được mỗi tuần là 213.200 người, có 4.451.959 người hâm mộ (fans). Các quốc gia đại diện trong số các khách truy cập của trang web là: Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Brazil, Pháp, Hoa Kỳ, Mêxico, Argentina, Ba Lan. Có 1.368 người theo dõi trên twitter, 100.327 người xem trên YouTube


Lã Thụ Nhân

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Lễ Thành Hôn: Nhật Quyên - Đức Minh

Đại gia đình NGUYỄN TỘC
chúc mừng lễ thành hôn
của Nguyễn Th
ị Nhật Quyên và Nguyễn Đc Minh
(Quyên là cháu ngoại Ông Bính - Bà Có
và là chắt thuộc chi Ông Quy - Bà Nhạn)


*
Tiệc cưới tại Nha Trang
Xem Album Picasa:


*