Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Tâm Tình Tôn Giáo Trong Dịp Lễ Tết

GIA ĐÌNH VỚI TÂM TÌNH TÔN GIÁO TRONG DỊP LỄ TẾT
“Đối với các cử chỉ, thái độ, lễ nghi có tính cách thế sự quốc dân, Giáo Hội Công Giáo không những không cấm đoán, mà còn thật tình ước ao sử dụng chúng như những cử chỉ tiêu biểu địa phương, để bày tỏ những tâm tình xứng hợp. Vậy, các tín hữu có thể tích cực tham dự hay thực hiện các cử chỉ, thái độ và lễ nghi tự chúng hay theo hoàn cảnh, có ý nghĩa thế sự rõ rệt về lòng ái quốc, lòng hiếu thảo hay tưởng nhớ liệt vị anh hùng dân tộc (như trưng bày di ảnh, hình tượng, vái lạy, trưng hoa nến, tổ chức giỗ)” (Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam, thư chung ngày 14/6/1965).
Thế là những chiếc áo len được tìm lại để khoác lên người, khi thời tiết trở lạnh. Nhiều người Công Giáo Việt Nam, hồi còn ở quê nhà hay đã ra hải ngoại, vẫn có thói quen liên tưởng khi nói tới cái lạnh của mùa đông thì họ liền nghĩ ngay tới đại lễ Giáng Sinh, vì: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, còn với bọn trẻ chúng tôi, đã từ lâu, nói tới cái lạnh lẽo là liền nghĩ ngay tới “đã sắp tới tết rồi”.

Vì lẽ “tết” là thời gian có quá nhiều công việc và tâm tình gây ấn tượng sâu sắc. Một trong những tâm tình còn đọng lại và theo tôi suốt cuộc đời là tâm tình linh thiêng của ngày tết, một trong những lễ hội lớn nhất của truyền thống Việt Nam.

1. Đạo Việt, Đạo Trời: tâm linh người Việt

Nghe ông bà tôi kể lại rằng không biết các cụ tổ của dòng họ tôi đã vinh dự nhận Bí tích Rửa tội từ thời nào, nhưng theo các cụ thì niềm tin bình dân vào ông Trời của các cụ gặp được sự khai sáng của đức tin Kitô Giáo giống như nấm gặp mưa rào nở rộ.

Quả vậy, nếu nói tôn giáo là tin tưởng siêu hình với một hệ thống giáo thuyết và lễ nghi, với cơ cấu tổ chức hữu hình chặt chẽ, thì ngay từ đầu người Việt không có tôn giáo như thế. Nhưng chỉ căn cứ vào tín ngưỡng và lễ nghi thờ kính, thì người Việt ta có đạo, đạo Tổ Tiên, đạo Trời. Đạo Tổ Tiên đã trở thành đạo sống của người Việt, thể hiện nơi Đạo Hiếu, Đạo Từ (đạo làm con cái, đạo làm cha mẹ), đạo này chi phối mọi sinh hoạt của gia đình và xã tắc:

Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.

Nhưng đạo Trời mới thực sự là tâm linh của người Việt. Bài Đồng dao lúc thiếu thời mà nhiều người Việt vẫn còn nhớ rõ: Nhất, Ông đếm cát; Nhì, Ông tát bể; Ba, Ông kể sao; Bốn, Ông đào sông; Năm, Ông trồng cây; Sáu, Ông xây rú; bảy, Ông trụ trời, phản ánh rõ niềm tin đơn sơ, chân chất vào Ông Trời, Đấng quyền năng và sáng tạo.

Niềm tin đơn sơ này tin rằng Ông Trời, Đấng sáng tạo trời đất trong thời gian bảy ngày, là thời gian cần thiết để xây dựng nên càn khôn thiên địa. Bảy ngày tạo dựng vũ trụ của ông Trời trong bài Đồng dao làm ta liên tưởng tới quan điểm của người Do Thái về Giavê Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất được kể lại trong những chương đầu của sách Sáng Thế Ký. (Xin đọc Một cách nhìn khác về văn hóa Việt Nam, Mặc Giao, Tin Vui xuất bản, 2000).

Niềm tin đơn giản của người Việt về Trời còn quan niệm rằng Đấng toàn năng ấy là Đấng hay thương ban mọi thứ cho con người. Vì Việt Nam là xứ nông nghiệp, nên lời khẩn cầu với ông Trời cũng rất là cụ thể:

Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày,
lấy đầy bát cơm,
lấy rơm đun bếp.

Ngay cả trong đời sống hôn nhân gia đình, người Việt vẫn tin có sự can dự của ông Trời: duyên Trời định…

Ông Trời ngoảnh mặt lại trông
mày hay kén chọn ông không cho mày.

Giáo lý Công Giáo truyền dạy tin một Thiên Chúa, Đấng quyền năng và đầy yêu thương đã rất phù hợp với niềm tin tưởng đơn sơ của người Việt. Niềm tin này được phô diễn bằng nhiều cách trong đời sống hằng ngày. Các cụ tôi lại chứng thực cho chúng tôi biết rằng từ nhà bình dân tới quan quyền, từ nhà tư tới đình làng… đều có bàn thờ trong nhà ngoài ngõ, để thờ Trời. Sáng sớm mở cửa, khởi đầu một ngày mới, người cha hoặc mẹ ra sân thắp nén hương khấn vái tứ phương trời đất rồi sau đó mới bắt đầu công việc cho một ngày mới. Ngày cuối năm và đầu năm là ngày quan trọng, giao điểm của năm cũ và khởi đầu của năm mới; lễ Trừ Tịch nói lên ước vọng muốn bỏ đi những gì xấu xa để đón nhận những gì tốt lành của năm mới. Tôi không nhớ rõ thi sĩ nào đã viết các câu thơ sau đây phản ánh trung thực ước vọng này:

Tối ba mươi tết co chân đạp thằng bần ra ngõ.
Sáng mồng một, mở cửa đón ông phúc vào nhà.

Khi đã đón nhận đức tin Công Giáo, các cụ sống niềm tin này cùng với những tâm tình đạo hạnh ăn sâu từ bao đời, chỉ có khác cách thức thôi. Tối ba mươi tết, sau khi đã chùi rửa nhà cửa, giường chiếu, và hoàn tất một số việc còn lại trong năm cũ, và dặn dò con cháu những ai phải thăm viếng vào năm mới, mang gì… cũng như bọn trẻ chúng tôi chỉ được chơi đùa trong nhà, quanh sân, cho tới khi chuông nhà thờ đổ 12 giờ đêm, và những tràng pháo giao thừa phá tan sự yên tĩnh… Chúng tôi bắt đầu giờ kinh giao thừa dưới ánh sáng heo hắt của mấy ngọn bạch lạp; giọng của mẹ cất cao lời kinh quen thuộc và giọng của cha đáp lại. Các cụ nói giây phút quan trọng linh thiêng nhất phải lần cho đủ ba mùa Vui, Thương, Mừng, vị chi là một chuỗi dài 150; phải khác ngày thường chứ!

Sáng mồng một cả nhà dậy thật sớm để đi lễ đầu năm. Mừng tuổi mới của Chúa và cầu xin ơn bình an. Bao giờ cũng thế ba tôi dặn: đầu xuôi đuôi lọt con ạ. Đối với bọn trẻ chúng tôi mặc dầu thức đêm đọc kinh, nhưng không đứa nào dậy trễ cả vì biết chắc những bộ quần áo mới và đẹp đang chờ. Trước khi ra khỏi nhà, với vẻ mặt nghiêm nghị, chị tôi dặn từng đứa em, lễ xong phải về thẳng nhà ngay không được ghé vào nhà ai, và nhớ cư xử tốt với mọi người từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ đi đứng. Đầu năm không để tai tiếng, mang tiếng cho gia đình cả đời.

Sau này lớn lên nghe bạn bè theo các tôn giáo khác nói họ cũng có thói quen tốt đó. Người theo đạo Phật cũng đến chùa vào lúc giao thừa hoặc sáng mồng một tết. Dịp này người Phật Giáo cũng mừng lễ Phật Di Lặc, vị Phật của vui tươi, hoan lạc, vị Phật tương lai sẽ cứu nhân loại cuối thời mạt pháp. Người ta đi lễ cầu xin Trời Phật độ trì cho mình làm ăn phát đạt, cho người thân được may mắn, cho quốc thái dân an. Dịp này người ta cũng thường mua nhang và đốt tại chùa một phần, phần còn lại đem về nhà gọi là hương lộc, đốt trước bàn thờ, lửa đỏ của hương tượng trưng cho phần đỏ của Phật ban. Trời còn ban phước lộc qua việc hái lộc đầu năm đem về để dưới mái nhà trước bàn thờ tổ tiên (tư liệu, Năm quốc tế gia đình 1994, Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange, CA).

Nhà văn hóa Duyên Hạc Lê Thái Ất đã tóm tắt niềm tin đơn giản của ông bà ta theo truyền thống đạo Trời, đạo Việt như sau: “Người tin theo đạo Trời tin ở ông Trời là Đấng thiêng liêng tuyệt đối, có quyền năng vô hạn, sáng suốt vô cùng và có lòng hiếu sinh vô tận bao trùm cả vạn vật. Ông Trời vô hình tướng, nhưng ở đâu cũng có, từ ngọai cảnh tới nội tâm con người. Sống thuận theo đạo Trời là vâng theo thiên lý… Phần trời linh thiêng bẩm sinh này chính là thiện tính, thiên tính, thiện tâm, thiện căn.”

Với cách hiểu và sống niềm tin chân thành và truyền thống này, nhiều đứa chúng tôi, lớn lên, lập gia đình, mặc cho biển dâu thay đổi vũng nên đồi, biển dâu thành thượng hải, cũng cố gắng cử hành lại một phần nào trong các gia đình của mình tâm tình tôn giáo linh thiêng này.

2. Chiều kích tâm linh của lễ tết đầu năm
Trong truyền thống văn hóa Việt, tâm tình và các việc cử hành lễ tết đầu năm thường mang đậm hai chiều kích: chiều dọc, với tâm linh tôn giáo, thể hiện qua việc đi lễ chùa (người Công Giáo đi lễ nhà thờ), cầu khấn, xin ơn lành với Đấng linh thiêng. Và chiều ngang: hướng tới xã hội, gia tộc, gia đình, bằng hữu, thông qua việc cầu chúc, thăm viếng và quà tặng.

Trong nhịp điệu hối hả của cuộc sống xã hội công nghiệp, nhiều gia đình Việt Nam lao vào công việc làm ăn để ổn định và phát triển đời sống cho mình và cho con cái.. cuộc sống vốn đã bị trễ tràng so với các giống dân khác, làm gì có nhiều cơ hội, nhiều thời giờ để vui hưởng tết xuân như hồi ở quê nhà. Với thời gian các tâm tình hồn quê mai một dần, một số con cháu đã quên bẵng đi, thậm chí còn thay vào đó bằng những cách thức “cử hành nghi lễ đời người” rất ư là chẳng giống mình tí nào, lại càng chẳng linh thiêng gì cả.

Tình trạng “khử thiêng” không chỉ xảy ra cho người Việt Nam hải ngoại, nhưng dường như là của xu thế thời đại, khởi đầu từ Châu Âu, Châu Mỹ rồi tới Châu Á và các phần đất khác của thế giới. Người ta có cảm tưởng sự lúng túng trong bối cảnh toàn cầu hóa đã vượt qua bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và cũng làm biến động sang cả phạm vi tôn giáo và gia đình. Mới đây trong hội nghị do Viện quản lý kinh doanh Âu Châu tổ chức ở Fontainebleau, gồm một số giáo sư và chuyên viên Âu Châu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore đã có nhận xét chung về tình trạng tâm linh: “Phần lớn tin vào những quy tắc nhân tạo thay vì những giảng dạy tinh thần. Đối với họ, hệ thống y tế quốc gia, chương trình an sinh xã hội quan trọng hơn đức tin Công Giáo hay Tin lành trong cuộc sống hằng ngày” (HDN, Ngày Nay # 645, từ ngày 1-15/10/07).

Người Việt nam hải ngoại cũng hít thở môi trường thực tế đó, và không thể tránh được những hệ lụy của xu thế toàn cầu. Dầu sao, ở một số gia đình và cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn còn thấy những gia đình, những cộng đoàn, những phong trào, với rất nhiều tâm huyết muốn vực dậy các giá trị tâm linh gia đình nơi chính bản thân và gia đình mình. Thật là một khích lệ lớn lao. Trong nỗ lực đó, dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội chúng tôi mạo muội đề nghị thích nghi một số tâm tình của ngày tết theo truyền thống văn hóa Việt Nam.

a. Nói đến tết là nói tới Niềm Vui.
Vui như tết, giận đến chết tết đến cũng phải vui… Trước hết niềm vui đến từ thiên nhiên và môi trường chung quanh, một cành mai, một đóa hoa đào, một tràng pháo, việc trang hoàng và quét dọn nhà cửa, nét mặt vui tươi và cách cư xử hòa nhã, kiềm chế mọi tức giận, buồn phiền… Cái vui của ngày tết chuyển đổi từ ngoại cảnh vào tâm hồn, niềm vui đã trở thành: hòa khí, đoàn tụ, thân ái. Tất cả nói lên sự thuận hòa, yêu thương. Có thuận hòa thì mọi cuộc hội tụ trong gia đình mới đầy thân ái. Nếu không có thuận hòa tất cả chỉ là nghi lễ bên ngoài, cung cách xã giao mà thôi. Lời cầu xin hiệp nhất của Đức Giêsu Kitô trước ngày thụ nạn: “Để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21), phải khởi đi từ trong gia đình trước hết.

Hòa khí, đoàn tụ và thân ái là hoa quả của lòng trân trọng, của sự hiệp thông giữa những nhân vị, những thành viên trong cùng một gia đình, gia tộc… chứ không phải kết qủa của một hợp đồng. sự hiệp thông giữa những nhân vị phải biểu hiện một chiều sâu và một sức mạnh trong các mối liên hệ. ĐGH Gioan Phaolô II dạy: “Trong gia đình, mọi người đều quan trọng do bởi bản thân người ấy, bởi vì người ấy hiện hữu. Việc mỗi người thông ban nhân tính cho kẻ khác có thể nói được đó là tình trạng nguyên thủy của gia đình, và đây cũng là bổn phận cốt yếu của gia đình nữa… cũng là điều cơ bản của sự hiệp thông trong gia đình” (Đối thoại với Đức Gioan Phaolô II, Andrew Frossard, 163).

b. Nói đến tết là nói đến sự Đổi Mới.
Sự chuyển động trong thiên nhiên từ đông sang tây, từ lạnh sang ấm, từ tối sang sang, từ cằn cỗi tới xanh tốt là sự chuyển động đổi mới. Những nỗ lực bên ngoài của những ngày chuẩn bị lễ tết là ước vọng của sự muốn đổi mới bên trong. Quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc, trang hoàng và sửa sang trong nhà ngoài ngõ, y phục mới mẻ, nụ cười rạng rỡ, cư xử hòa nhã… phản ánh một ước vọng sâu xa: mong ước năm mới mọi sự được đổi mới, từ xấu sang tốt, từ tốt sang tốt hơn. Mọi nỗ lực đổi mới, kể cả sự mong ước đổi mới luôn gọi mời một quá trình lên đường bền bỉ và can đảm, một ý chí quyết tâm liên lỉ. Các gia đình Việt Nam hải ngoại đã có kinh nghiệm sâu xa về việc đổi đời sau những mất mát đau thương từ những năm của thập niên 50 và 80 thuộc thế kỷ 20. Đổi mới đúng là một quá trình sàng lọc và một nỗ lực tìm kiếm sự hội nhập và qúa trình này thường gây đau đớn, khó chịu giống như những cơn sốt vỡ da vỡ thịt nhưng lại rất cần thiết để đứa bé trưởng thành và hội nhập. ĐGH Gioan Phaolô II trong cuộc tiếp xúc với Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại tại vận động trường Mc Nicholls, tại Denver, tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ, đã ban huấn từ: “Hai mươi năm vừa qua, nhiều người trong anh chị em đã bỏ quê hương, cha mẹ, đương đầu với mọi thử thách đau thương trước khi tới nơi an toàn định cư. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, anh chị em cũng đã tìm ra sức mạnh can đảm trong niềm tin nơi Đức Kitô. Ngày nay mọi điều kiện đã khả quan, điều khẩn trương trước mắt là bảo tồn để luôn trong sáng và linh động cái bản lãnh người Công Giáo… Tôi biết anh chị em hăng say bảo tồn truyền thống quốc gia và cố gắng dạy con em học tiếng Việt Nam. Đây là bằng chứng anh chị em yêu mến quê hương, và tha thiết với văn hóa và lịch sử dân tộc” (Đức Gioan Phaolô II, Cuộc đời và hoạt động, NXB Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ 1996.)

c. Nói đến tết là nói đến tâm tình Tôn Giáo.
Biểu hiện rõ nét của tâm tình này qua việc tế tự, cúng lễ, đêm giao thừa và sáng mồng một đầu năm. Theo tục lệ Việt Nam, đêm trừ tịch, cúng thổ công, thần hoàng, làng xã. Sáng mồng một đi lễ chùa cầu ơn bằng an. Các tục lệ này dựa trên những truyền tụng lâu đời và truyền từ đời này sang đời khác, gia đình này tới gia đình khác, thế hệ này tới thế hệ khác…

Với người Công Giáo, đức tin cũng được nuôi dưỡng, vun trồng và lớn lên trong môi trường gia đình, và điều này là cần thiết không thể có nơi nào và không ai có thể thay thế được chức năng giáo dục niềm tin tôn giáo của gia đình nơi con cái. “Một cách hay nhất để các gia đình và con cái thắng vượt được chủ nghĩa khoái lạc đang bành trướng và biến các mối quan hệ gia đình thành tầm thường và trống rỗng, là việc loan truyền chân lý Phúc Âm trong gia đình, làm cho cảm tính và bản chất hôn nhân gia đình được củng cố vững mạnh, cũng như giúp con cái phát triển về các mặt tinh thần cũng như thể xác, thiêng liêng cũng như nhân bản” (Huấn thị ĐGH Benêdictô XVI tại đại hội thế giới gia đình, Tây Ban Nha, 8/7/06).

Để “Đức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng, và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52), xin đừng nghĩ rằng chính Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ Maria, cha mẹ của Người, chẳng làm gì cả. Trái lại, truyền thống giáo dục niềm tin trong gia đình Do Thái đòi buộc các Ngài phải nỗ lực rất nhiều, nhất là trong dịp lễ đầu năm, khởi đầu mùa xuân, mỗi gia đình Do Thái phải cử hành lại “Biến cố vượt qua” của cha ông họ năm xưa, như là một sự nhắc nhở tình thương của Giavê Thiên Chúa trong lịch sử cha ông, và trong cuộc sống hiện tại của họ.

d. Nói đến tết là nói đến tâm tình Hiếu Thảo, Biết Ơn.

Tối 30, gia đình Việt Nam có thói lệ đón rước ông bà về ăn tết với con cháu. Sáng mồng một, dọn lễ cúng gia tiên, con cháu chúc tuổi và dâng quà cho cha mẹ. Sự tích bánh chưng vuông, bánh dày tròn cho thấy cái nguyên ủy vạn vật đất trời, nhưng cũng còn nhắc nhở cho con cháu cội nguồn của mình nơi cha mẹ và ông bà.

Người Việt Nam ở quê nhà hay lưu lạc bốn phương đã thể hiện tâm tình này một cách chân tình và đáng ca ngợi, nhưng một số vấn đề về gia đình Việt Nam cũng cần phải xem xét trong bối cảnh mới như: óc tôn sùng gia trưởng, tinh thần gia tộc đóng kín, vị trí và nhân vị của con cái… (chúng ta sẽ suy tư những vấn đề này ở tháng 2).

Lối sống nặng tình cảm, mềm dẻo nhiều khi đến xuề xòa vốn là yếu tính của đời sống gia đình truyền thống, không bảo đảm được sự bền vững của gia đình trong xã hội hướng tới phát huy dân chủ, tự quyết và mọi sinh hoạt được quy định bằng pháp luật. Tổ chức gia tộc, làng xã có điều hay nhưng chắc hẳn không đủ khả năng để giúp xã hội và con người bắt kịp với nhịp sống hiện đại.

Kết Luận:

Những thập niên gần đây, những thay đổi trên nhiều lãnh vực mang tầm vóc quốc tế trong đời sống gia đình, cũng như những cuộc di dân ồ ạt xảy ra trên mọi phần đất của thế giới đã dẫn tới sự chia sẻ văn hóa và tư tưởng, cũng như áp lực một sự thích nghi để tồn tại và phát triển. Vì hoàn cảnh chính trị, nhiều gia đình Việt Nam cũng đã ra đi, chia sẻ, góp phần và ngay cả đụng chạm với các nền văn hóa khác, việc gạn lọc và chắt chiu những nét đẹp trong di sản tinh thần và cuộc sống luôn là một thách đố lớn lao, cần tĩnh tâm, tĩnh trí để không buông xuôi theo dòng đời, mang tiếng là vong bản, mất gốc; nhưng cũng cần sáng suốt để không bị đẩy lùi, tụt hậu, bị coi là hủ lậu, thoái hóa. Nhiều khi cuộc sống cố chấp, đóng cứng trong cái tập tục đồng nghĩa với sự thất bại, nghèo khổ mà hệ lụy của nó không chỉ tác động trên một người, một gia đình…

Lm. Fx. Hồ Văn Mậu, SDD

Không có nhận xét nào: