Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

Họp Mặt Đồng Hương Dinh Cát Tại Sàigòn




Ngày Họp Mặt Đồng Hương Dinh Cát năm 2010 tại Sàigòn

Ngày 21.02.2010, tức mồng 08 Tết, một số bà con đồng hương Dinh Cát giáo phận Huế miền Sàigòn Xuân Lộc hướng về nhà thờ Fatima Bình Triệu tham dự ngày họp mặt đồng hương được tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân, đây là lần thứ 22.

Khởi đầu NGÀY ĐỒNG HƯƠNG là nghi lễ kính nhớ tổ tiên. Đúng 9g30 một hồi chiêng trống dài nổi lên, từ cửa nhà thờ đoàn nghi lễ trong cổ trang khăn đóng áo thụng xanh đỏ tay mang lễ vật, cha Anrê Lê văn Hải và đức cha Phêrô Nguyễn văn Đệ, chủ sự, trang nghiêm tiến đến bàn thờ tổ tiên trong tiếng hát của ca đoàn “cây có cội nước có nguồn”. Bầu không khí thiêng liêng lan tỏa và những con tim bắt đầu thổn thức.

Cộng đoàn được khơi gợi lại tâm tình tưởng nhớ các tiền nhân của mình là những người tiến về phương nam mở cõi, khi vua Chàm Chế Mân dâng châu Ô, châu Rí làm lễ vật dâng vua nước Đại Việt để cưới Huyền Trân công chúa; là những người đến định cư lâp nghiệp ở vùng đất Quảng Trị khi Tiên Chúa Nguyễn Hoàng lập dinh cơ trên dãi cát Ái Tử - Trà Bát, đưa tên Dinh Cát vào lịch sử đạo đời. Tưởng nhớ tổ tiên ông bà là những người đã kiên vững đức tin sau nhưng cơn bách hại dữ dội thời các vua chúa nhà Nguyễn và cơn cuồng nộ Văn Thân. Là con cháu phải hiếu thảo với các ngài bằng cuộc sống, chứ không chỉ bằng lời nói.

Một đoạn Lời Chúa trong Sách Huấn Ca 44,1-15 được cộng đoàn lắng nghe nói về ông bà tổ tiên nhân đức thì lưu danh đời sau và lưu phúc ấm cho con cháu.
Cùng với đức cha và cha đồng tế, đoàn nghi lễ đứng trước bàn thờ tổ tiên.

“Kính thần như thần tại”. Các ngài đã khuất bóng, nhưng hiện diện thiêng liêng, hương hồn các ngài mãi tồn tại. Đoàn nghi lễ tiến dâng lên các ngài những lễ vật: bánh tét, hoa, nến, huơng, là những của lễ tượng trưng cho lòng thành kính, tâm tình tạ lỗi, lòng yêu mến của con cháu đối với tổ tiên ông bà, và hương khói tượng trưng cho lời cầu xin tổ tiên cầu bàu phù hộ cho con cháu.

Sau phần lễ vật thành kính dâng lên như là “miếng trầu khởi đầu câu chuyện”, cụ Phêrô Lê Thanh Ngọc xin thưa với tiền nhân bằng bài văn tế trang trọng, ca ngợi công đức các ngài, suy tôn các vị anh hùng tử đạo miền Dinh Cát đã nêu gương sáng lạng chói ngời. Công đức các ngài đã làm sản sinh nhiều hoa trái tốt nơi dòng dõi cháu con, lưu truyền danh thơm từ đời nọ đến đời kia.

Bàn thờ tổ tiên giờ đây hương khói nghi ngút bay, đèn nến lung linh... Một hồi chiêng trống dài kết thúc nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên. Đức cha và cha đồng tế tiến lên bàn thờ dâng lễ.

Trong bài giảng thánh lễ đức cha Phêrô đề cao đạo hiếu là giá trị truyền thống quí giá của người Việt Nam, và người công giáo nói riêng phải sống tận cùng đạo hiếu, đừng để mai một. Trong những lần đi thăm mục vụ giáo phận, ngài đã gặp nhiều cha mẹ già neo đơn, bần cùng, hỏi ra thì biết vẫn còn con cái nhưng đã quên cha mẹ từ lâu. Ngài giúp suy nghĩ về chữ Phúc trong “Phúc cho ai nghèo khó …” Xem ra thì thấy như chế diễu người nghèo, nhưng nhìn những thực tại cuộc sống mới hiểu ra. Có những cha mẹ nghèo mà vì nghèo nên con cái quyết tâm học hành đến nơi đến chốn và biết hiếu thảo với cha mẹ vì cha mẹ hy sinh quá nhiều cho con cái. Có những cha mẹ giàu mà vì ỷ lại vào sự dư đầy của cha mẹ nên con cái bê tha học hành, thậm chí còn sa vào tệ nạn xì ke ma túy. Còn phúc của người giàu là có của cải để đem chia sẻ cho người nghèo, người bệnh tật, làm từ thiện bác ái. “Cho thì phúc hơn là nhận”.

Sau thánh lễ, ông Gioan Lê Cần đại diện bà con đồng hương chúc Tết đức cha, quí cha, quí tu sĩ, quí cụ. Cám ơn đức cha đã sáng lập Ngày Đồng Hương Dinh Cát và đã đồng hành với bà con suốt 22 năm. Cám ơn cha Anrê Hải đã có mặt ”trên từng cây số”. Cám ơn các linh mục đồng hương vì bận công tác mục vụ ngày Chủ Nhật không về dự được, nhưng luôn nâng đỡ, cổ võ tinh thần và vật chất. Đặc biệt nhân dịp nầy, bà con đồng hương kính dâng đức cha bức tranh màu đá quí có hình nhà thờ chính tòa giáo phận Thái Bình và huy hiệu giám mục để mừng biến cố quan trọng đức cha nhậm chức giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình ngày 09-09-2009.

Bữa ăn liên hoan bắt đầu lúc 12g00 với những món ăn truyền thống đâm đà tính quê hương: bún bò, bánh tét dưa món, bánh nậm, bánh bèo. Với khí thế ngày xuân mọi người đồng thanh vang khúc ca LY RƯỢU MẦNG. Rồi đức cha Phêrô chúc thọ và tặng quà cho hai cụ cao niên nhất là cụ bà Lê Thị Vang người Trí Bưu đại thọ 100 tuổi và cụ ông Lê Cơ họ Thạch Hãn thượng thọ 88 tuổi. Có ý kiến được đại hội chấp thuận 100% là sang năm những người trên 70 tuổi đều được mừng thọ long trọng trong ngày Đồng Hương. Xổ số may mắn trúng thưởng là mục không thể thiếu trong chương trình liên hoan suốt 22 năm qua. Những đồ điện gia dụng có giá trị và những áo sơmi cao cấp Việt Tiến (do nguyên phó tổng giám đốc may Viêt Tiến Lê Viết Tòa đem đến) đã về tay 28 người có số may mắn.

Nhân Ngày Đồng Hương Dinh Cát và vì Đồng Hương Dinh Cát nhà nghiên cứu Anrê Lê Thiện Sĩ đã cho phát hành tập tài liệu lịch sử “Tổng Hạt Dinh Cát Quảng Trị” để thỏa mãn những ai có nhu cầu tìm hiểu nguồn cội quê hương Dinh Cát của mình. Một món quà rất giá trị!

Ngày Đồng Hương Dinh Cát năm nay qui tụ gần 300 người, con số vượt mức dự kiến của ban tổ chức, đặc biệt có sự tham dự của một số bà con việt kiều về quê ăn Tết như anh chị Quỳnh, chị Hồng (Mỹ), anh chị Hoài An (Pháp).

Ngày Đồng Hương Dinh Cát kết thúc lúc 13g30.

Lê Cần tường thuật.
Hình ảnh: Phúc Huệ
Nguồn: http://www.cuucshuehn.net

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Những Năm Dần Trong 350 Năm Giáo Hội Việt Nam

Mừng xuân Canh Dần 2010, nhớ những năm Dần trong lịch sử 350 năm của Giáo Hội tại Việt Nam

Nhân dịp Xuân về, đón tết Canh Dần 2010, trong khung cảnh Năm Thánh xin kính mời đọc mấy dòng lịch sử vắn tắt, điểm lại những năm Dần trong chặng đường lịch sử 350 năm qua của Giáo Hội tại Việt Nam. Bắt đầu từ khi Đức Thánh Cha Alexander VII ban Tông hiến thiết lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, ngày 09-09-1659 (tức ngày 23 tháng Bảy năm Kỷ Hợi) đến nay, 2010, năm Canh Dần, Giáo Hội tại Việt Nam đã phát triển với 26 giáo phận chính tòa, và vẫn tiếp tục cuộc lữ hành trong lịch sử, như đã từng bền bỉ thực hiện cuộc hành trình trong suốt hơn ba thế kỷ qua.

1662 - Nhâm Dần:

Ngày 22-08, Đức cha Lambert de la Motte rời Paris, lên đường đến Việt Nam.

1674 - Giáp Dần:

– Ngày 13.9, cha Laneau được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Tông tòa Thái Lan và được hai đức cha Lambert và Pallu tấn phong giám mục.

– Cha Baltazar Caldeira qua đời tại Goa. Ngài từng hoạt động truyền giáo ở Ðàng Ngoài từ 1639; rồi Ðàng Trong năm 1646, nhưng sau đó bị nhà cầm quyền trục xuất.

– Xây dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên tại Chợ Quán. Đây là một trong những họ đạo lâu đời nhất của Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngôi nhà nguyện này do giáo dân từ miền Bắc, Trung vào xây dựng. Sau nhiều lần xây lại nhà thờ, năm 1887, cha xứ Nicola Hamm (Tài) khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình này kéo dài suốt 4 năm, đến năm 1891 hoàn thành. Ngôi nhà thờ mới này được khánh thành vào mùng 4 Tết Bính Thân (1896) và tồn tại đến nay. Nhà thờ Chợ Quán kiến trúc theo kiểu gothique, trải qua hơn 100 năm vẫn uy nghi, đồ sộ nhất khu vực Chợ Lớn.

1686 - Bính Dần:

Thành lập chủng viện Lục Thủy (giáo phận Đàng Ngoài, nay thuộc giáo phận Bùi Chu).

1698 - Mậu Dần:
– Sài Gòn – Gia Định được thành lập. Nhiều di dân người công giáo theo các cha dòng Tên vào Nam.

– Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Raimundo Lezzoli (OP) làm giám mục Đông Đàng Ngoài.

1710 - Canh Dần:
Hội Thừa sai Paris soạn thảo bản điều lệ đầu tiên.

1722 - Nhâm Dần:
– Cha José Garcia, dòng Phanxicô, được cử vào giúp những người di dân tại Chợ Quán.

– Sắc chỉ cấm đạo thứ tư của chúa Trịnh Cương (tiếp theo ba sắc chỉ trước đó được ban hành vào các năm: 1709, 1712, 1721).

– Thánh Vinh Sơn Liêm chịu chức linh mục tại Manila ( Philippines).

1770 - Canh Dần:
– Thánh Jacinto Castaneda (Gia), linh mục, OP, đến Việt Nam ngày 23-02, hoạt động truyền giáo tại Thái Bình, được phúc tử đạo cùng ngày với Thánh Vinh Sơn Liêm (07-11-1773).

– Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), giám đốc Chủng viện Hòn Đất (Hà Tiên, Kiên Giang), phải rời khỏi Việt Nam sau khi chủng viện bị quân Khơ-me tấn công và thiêu hủy. Ngài sang Malacca lánh nạn, rồi đến Pondichéry (Ấn Độ). Tại đây ngài lập chủng viện Pondichéry và bắt tay soạn Từ điển Việt - La (Dictionarium Anamitico-Latinum). Ngày 24-09-1771, ngài được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Tông tòa Đàng Trong và được tấn phong ngày 24-02-1774 do Đức cha Bernardo de São Caetano. Ngày 12 tháng Ba 1775 ngài trở lại Việt Nam, lãnh đạo giáo phận Đàng Trong.

1782 - Nhâm Dần:

– Thành lập Chủng viện Mặc Bắc (giáo phận Đàng Trong, nay thuộc giáo phận Vĩnh Long) và Chủng viện Dinh Cát (thuộc giáo phận Đàng Trong, nay thuộc TGP Huế).

– Đức cha Bá Đa Lộc chuyển trung tâm giáo phận từ Biên Hòa về Hà Tiên (do Tây Sơn chiếm lại Gia Định, Biên Hòa, và Nguyễn Ánh phải tháo chạy ra đảo Phú Quốc).

1830 - Canh Dần:
– Năm sinh của Thánh linh mục Phaolô Lê Văn Lộc (1830-1859).

1842 - Nhâm Dần:

– Thánh linh mục Phêrô Hoàng Khanh chịu tử đạo tại Hà Tĩnh ngày 12-07.

– Các linh mục thừa sai J. C. Miche và Duclos cùng với 11 thầy giảng và 3 giáo dân bị bắt trên đường từ Phú Yên lên Tây Nguyên truyền giáo.

1854 - Giáp Dần:

– Thánh Gioan Thêôphan Vénard (Ven), linh mục, sang Việt Nam phục vụ tại giáo phận Tây Đàng Ngoài. Chịu tử đạo ngày 02-02-1861 tại Cầu Giấy (Hà Nội).

– Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, trùm họ, chịu tử đạo tại Vĩnh Long ngày 02-05.

– Ngày 18-09, vua Tự Đức ra chỉ dụ cấm đạo lần II rất gắt gao.

1866 - Bính Dần:
– Tháng Chín, Đức cha Gautier (Hậu), giám mục Nam Đàng Ngoài và Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức cử đi Pháp mời thầy dậy và mua trang thiết bị xây trường kỹ thuật.

– Thành lập Trường câm, điếc Lái Thiêu.

– Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres mở Tập viện tại Sài Gòn.

1890 - Canh Dần:

– Số tín hữu Công giáo tại Việt Nam là 708.000 người.

– Đúc quả chuông lớn ở Phương Đình (nhà thờ Phát Diệm, đang trong quá trình xây dựng quần thể kiến trúc nhà thờ, 1875 – 1899).

1902 - Nhâm Dần:

– Thành lập giáo phận Thanh (gồm Phát Diệm và Thanh Hóa), tách từ giáo phận Tây Đàng Ngoài.

– Nhà in Kẻ Sở (Hà Nam, giáo phận Tây Đàng Ngoài) bắt đầu áp dụng hai kỹ thuật in, in chữ nôm và in chữ quốc ngữ.

1914 - Giáp Dần:
Xây dựng lại nhà thờ Hội An đã bị phá hủy vào năm 1884. Đây là địa điểm truyền giáo đầu tiên, từ 1615, của các giáo sĩ Francesco Buzomi, Diego Carvallho. Hiện giáo xứ Hội An (giáo phận Đà Nẵng) còn giữ nguyên vẹn khu mộ các nhà truyền giáo phương Tây.

1926 - Bính Dần:
– Tổ chức Hướng đạo bắt đầu vào Việt Nam với đơn vị đầu tiên là Hướng đạo Công giáo, do các linh mục người Pháp thành lập tại trường trung học Albert Sarraut, Hà Nội.

– Linh Mục Jean Cassaigne (về sau làm giám mục giáo phận Sài Gòn) bắt đầu hướng hoạt động phục vụ vào việc chăm sóc các bệnh nhân phong ở Di Linh. Hai năm sau (1928) ngài thành lập trại phong Di Linh dành cho người Kơho.

1938 - Mậu Dần:

– Tòa Thánh thiết lập giáo phận Vĩnh Long với giám mục tiên khởi là Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục.

– Thành lập trại phong Dakkia ở Kontum.

1950 - Canh Dần:
Tòa Thánh bổ nhiệm ba tân giám mục: Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (Bùi Chu), Giuse Maria Trịnh Như Khuê (Hà Nội) và Đa Minh Hoàng Văn Đoàn (Bắc Ninh).

1962 - Nhâm Dần:

Ngày 13 tháng 11, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được Tòa Thánh tôn phong Vương cung Thánh đường.

1974 - Giáp Dần:
Tháng 10, Đức cha Trịnh Văn Căn, TGM phó Hà Nội, lần đầu tiên tham dự một Thượng Hội đồng tại Rôma (Thượng Hội đồng GM về Truyền giáo) và có dịp tiếp xúc với các giám mục miền Nam.

1986 - Bính Dần:

Đại Hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần III.

1998 - Mậu Dần:

– Khai mạc năm Toàn xá kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang (TGP Huế).

– 8 giám mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu.

– Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.

2010 - Canh Dần:

Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam.



Ngô Kỳ Gia

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Hiệp Thông Cầu Nguyện



TRONG NIỀM TRÔNG CẬY VÀO ƠN CỨU ĐỘ
CỦA CHÚA KITÔ PHỤC SINH

ĐẠI GIA ĐÌNH NGUYỄN TỘC - AN DU BẮC
HIỆP THÔNG CẦU NGUYỆN
XIN THIÊN CHÚA ĐÓN NHẬN LINH HỒN
CỐ LINH MỤC GIUSE DƯƠNG ĐỨC TOẠI
VÀO HƯỞNG HẠNH PHÚC VĨNH CỬU VỚI NGÀI
TRÊN THIÊN QUỐC

Xin bấm vào đường dẫn dưới đây để xem thêm hình ảnh về tang lễ:






RIP - Linh mục Giuse Dương Đức Toại (1941 - 2010)

Cáo phó của Toà Tổng Giám Mục Huế
Thứ năm, 18 Tháng 2 2010 01:26


RIP
“Thầy là Sự Sống Lại và là Sự Sống” (Ga.11,25)


AI TÍN

Tòa Tổng Giám Mục Huế trân trọng báo tin:

Cố linh mục Giuse DƯƠNG ĐỨC TOẠI



Sinh ngày 13 tháng 06 năm 1941, tại An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị.

Đã qua đời lúc 16 giờ 15 , ngày 17 tháng 02 năm 2010, tại Bệnh viện Trung Ương, Huế.

Hưởng thọ 69 tuổi.

- Nhập quan lúc 15 giờ 00 ngày 18 tháng 02 năm 2010 tại Nhà Chung, Huế.

- Di quan lên Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam lúc 5 giờ 00 sáng thứ bảy, ngày 20 tháng 02 năm 2010, sau đó Thánh lễ An táng.

- An táng tại Nghĩa trang Linh mục, Thiên Thai - Huế.

Xin mọi thành phần Dân Chúa hiệp ý cầu nguyện cho cố linh mục Giuse được hưởng Nhan Thánh Chúa.



Kính báo
Tòa Tổng Giám Mục Huế

--------------------------------------------------------------------------


TIỂU SỬ
CỐ LINH MỤC GIUSE DƯƠNG ĐỨC TOẠI
(1941 - 1968 - 2010)


- Ngày 13.06.1941: Sinh tại An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị.

- Năm 1951: Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị.

- Năm 1953 - 1956: Tiểu Chủng Viện Phú Xuân, Huế.

- Năm 1957 - 1960: Học trường Thiên Hựu, Huế.

- Năm 1961: Đại Chủng Viện Thị Nghè, Sài Gòn.

- Năm 1962: Đại Chủng Viện Huế.

- Ngày 22.08.1968: Thụ phong Linh mục.

- Năm 1968 - 1969: Phó xứ Tân Thuận.

- Năm 1969 - 1972: Giáo sư trường Thiên Hựu, Huế.

- Năm 1972 - 1975: Quản xứ Quy Lai.

- Năm 1975 - 1995: Quản xứ Thạch Bình.

- Tháng 3/1995 - 2006: Quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang.

- Tháng 4/2006 - nay: Đặc trách Ban Bác ái - Xã hội Giáo phận.

- 14 giờ 30 ngày 17.02.2010: Lâm trọng bệnh chuyển đến Bệnh viện Trung Ương, Huế.

- 16 giờ 15 cùng ngày: Tạ thế tại Bệnh viện và đưa về Nhà Chung, Huế.

Hưởng thọ 69 tuổi.

- Nhập quan lúc 15 giờ 00 ngày 18 tháng 02 năm 2010 tại Nhà Chung, Huế.

- Di quan lên Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam lúc 5 giờ 00 sáng thứ bảy, ngày 20 tháng 02 năm 2010, sau đó Thánh lễ An táng.

- An táng tại Nghĩa trang Linh mục, Thiên Thai - Huế.

Xin mọi thành phần Dân Chúa hiệp ý cầu nguyện cho cố linh mục Giuse được hưởng Nhan Thánh Chúa.


Kính báo
Tòa Tổng Giám Mục Huế

Nguồn: http://tonggiaophanhue.net

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

MỪNG XUÂN CANH DẦN

ĐẠI GIA ĐÌNH NGUYỄN TỘC - AN DU BẮC
KÍNH CHÚC QUÝ BÀ CON VÀ GIA ĐÌNH
MỘT NĂM CANH DẦN
AN KHANG HẠNH PHÚC
TRONG TAY THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
VÀ MẸ MARIA LA VANG
*

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Tâm Tình Tôn Giáo Trong Dịp Lễ Tết

GIA ĐÌNH VỚI TÂM TÌNH TÔN GIÁO TRONG DỊP LỄ TẾT
“Đối với các cử chỉ, thái độ, lễ nghi có tính cách thế sự quốc dân, Giáo Hội Công Giáo không những không cấm đoán, mà còn thật tình ước ao sử dụng chúng như những cử chỉ tiêu biểu địa phương, để bày tỏ những tâm tình xứng hợp. Vậy, các tín hữu có thể tích cực tham dự hay thực hiện các cử chỉ, thái độ và lễ nghi tự chúng hay theo hoàn cảnh, có ý nghĩa thế sự rõ rệt về lòng ái quốc, lòng hiếu thảo hay tưởng nhớ liệt vị anh hùng dân tộc (như trưng bày di ảnh, hình tượng, vái lạy, trưng hoa nến, tổ chức giỗ)” (Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam, thư chung ngày 14/6/1965).
Thế là những chiếc áo len được tìm lại để khoác lên người, khi thời tiết trở lạnh. Nhiều người Công Giáo Việt Nam, hồi còn ở quê nhà hay đã ra hải ngoại, vẫn có thói quen liên tưởng khi nói tới cái lạnh của mùa đông thì họ liền nghĩ ngay tới đại lễ Giáng Sinh, vì: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, còn với bọn trẻ chúng tôi, đã từ lâu, nói tới cái lạnh lẽo là liền nghĩ ngay tới “đã sắp tới tết rồi”.

Vì lẽ “tết” là thời gian có quá nhiều công việc và tâm tình gây ấn tượng sâu sắc. Một trong những tâm tình còn đọng lại và theo tôi suốt cuộc đời là tâm tình linh thiêng của ngày tết, một trong những lễ hội lớn nhất của truyền thống Việt Nam.

1. Đạo Việt, Đạo Trời: tâm linh người Việt

Nghe ông bà tôi kể lại rằng không biết các cụ tổ của dòng họ tôi đã vinh dự nhận Bí tích Rửa tội từ thời nào, nhưng theo các cụ thì niềm tin bình dân vào ông Trời của các cụ gặp được sự khai sáng của đức tin Kitô Giáo giống như nấm gặp mưa rào nở rộ.

Quả vậy, nếu nói tôn giáo là tin tưởng siêu hình với một hệ thống giáo thuyết và lễ nghi, với cơ cấu tổ chức hữu hình chặt chẽ, thì ngay từ đầu người Việt không có tôn giáo như thế. Nhưng chỉ căn cứ vào tín ngưỡng và lễ nghi thờ kính, thì người Việt ta có đạo, đạo Tổ Tiên, đạo Trời. Đạo Tổ Tiên đã trở thành đạo sống của người Việt, thể hiện nơi Đạo Hiếu, Đạo Từ (đạo làm con cái, đạo làm cha mẹ), đạo này chi phối mọi sinh hoạt của gia đình và xã tắc:

Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.

Nhưng đạo Trời mới thực sự là tâm linh của người Việt. Bài Đồng dao lúc thiếu thời mà nhiều người Việt vẫn còn nhớ rõ: Nhất, Ông đếm cát; Nhì, Ông tát bể; Ba, Ông kể sao; Bốn, Ông đào sông; Năm, Ông trồng cây; Sáu, Ông xây rú; bảy, Ông trụ trời, phản ánh rõ niềm tin đơn sơ, chân chất vào Ông Trời, Đấng quyền năng và sáng tạo.

Niềm tin đơn sơ này tin rằng Ông Trời, Đấng sáng tạo trời đất trong thời gian bảy ngày, là thời gian cần thiết để xây dựng nên càn khôn thiên địa. Bảy ngày tạo dựng vũ trụ của ông Trời trong bài Đồng dao làm ta liên tưởng tới quan điểm của người Do Thái về Giavê Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất được kể lại trong những chương đầu của sách Sáng Thế Ký. (Xin đọc Một cách nhìn khác về văn hóa Việt Nam, Mặc Giao, Tin Vui xuất bản, 2000).

Niềm tin đơn giản của người Việt về Trời còn quan niệm rằng Đấng toàn năng ấy là Đấng hay thương ban mọi thứ cho con người. Vì Việt Nam là xứ nông nghiệp, nên lời khẩn cầu với ông Trời cũng rất là cụ thể:

Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày,
lấy đầy bát cơm,
lấy rơm đun bếp.

Ngay cả trong đời sống hôn nhân gia đình, người Việt vẫn tin có sự can dự của ông Trời: duyên Trời định…

Ông Trời ngoảnh mặt lại trông
mày hay kén chọn ông không cho mày.

Giáo lý Công Giáo truyền dạy tin một Thiên Chúa, Đấng quyền năng và đầy yêu thương đã rất phù hợp với niềm tin tưởng đơn sơ của người Việt. Niềm tin này được phô diễn bằng nhiều cách trong đời sống hằng ngày. Các cụ tôi lại chứng thực cho chúng tôi biết rằng từ nhà bình dân tới quan quyền, từ nhà tư tới đình làng… đều có bàn thờ trong nhà ngoài ngõ, để thờ Trời. Sáng sớm mở cửa, khởi đầu một ngày mới, người cha hoặc mẹ ra sân thắp nén hương khấn vái tứ phương trời đất rồi sau đó mới bắt đầu công việc cho một ngày mới. Ngày cuối năm và đầu năm là ngày quan trọng, giao điểm của năm cũ và khởi đầu của năm mới; lễ Trừ Tịch nói lên ước vọng muốn bỏ đi những gì xấu xa để đón nhận những gì tốt lành của năm mới. Tôi không nhớ rõ thi sĩ nào đã viết các câu thơ sau đây phản ánh trung thực ước vọng này:

Tối ba mươi tết co chân đạp thằng bần ra ngõ.
Sáng mồng một, mở cửa đón ông phúc vào nhà.

Khi đã đón nhận đức tin Công Giáo, các cụ sống niềm tin này cùng với những tâm tình đạo hạnh ăn sâu từ bao đời, chỉ có khác cách thức thôi. Tối ba mươi tết, sau khi đã chùi rửa nhà cửa, giường chiếu, và hoàn tất một số việc còn lại trong năm cũ, và dặn dò con cháu những ai phải thăm viếng vào năm mới, mang gì… cũng như bọn trẻ chúng tôi chỉ được chơi đùa trong nhà, quanh sân, cho tới khi chuông nhà thờ đổ 12 giờ đêm, và những tràng pháo giao thừa phá tan sự yên tĩnh… Chúng tôi bắt đầu giờ kinh giao thừa dưới ánh sáng heo hắt của mấy ngọn bạch lạp; giọng của mẹ cất cao lời kinh quen thuộc và giọng của cha đáp lại. Các cụ nói giây phút quan trọng linh thiêng nhất phải lần cho đủ ba mùa Vui, Thương, Mừng, vị chi là một chuỗi dài 150; phải khác ngày thường chứ!

Sáng mồng một cả nhà dậy thật sớm để đi lễ đầu năm. Mừng tuổi mới của Chúa và cầu xin ơn bình an. Bao giờ cũng thế ba tôi dặn: đầu xuôi đuôi lọt con ạ. Đối với bọn trẻ chúng tôi mặc dầu thức đêm đọc kinh, nhưng không đứa nào dậy trễ cả vì biết chắc những bộ quần áo mới và đẹp đang chờ. Trước khi ra khỏi nhà, với vẻ mặt nghiêm nghị, chị tôi dặn từng đứa em, lễ xong phải về thẳng nhà ngay không được ghé vào nhà ai, và nhớ cư xử tốt với mọi người từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ đi đứng. Đầu năm không để tai tiếng, mang tiếng cho gia đình cả đời.

Sau này lớn lên nghe bạn bè theo các tôn giáo khác nói họ cũng có thói quen tốt đó. Người theo đạo Phật cũng đến chùa vào lúc giao thừa hoặc sáng mồng một tết. Dịp này người Phật Giáo cũng mừng lễ Phật Di Lặc, vị Phật của vui tươi, hoan lạc, vị Phật tương lai sẽ cứu nhân loại cuối thời mạt pháp. Người ta đi lễ cầu xin Trời Phật độ trì cho mình làm ăn phát đạt, cho người thân được may mắn, cho quốc thái dân an. Dịp này người ta cũng thường mua nhang và đốt tại chùa một phần, phần còn lại đem về nhà gọi là hương lộc, đốt trước bàn thờ, lửa đỏ của hương tượng trưng cho phần đỏ của Phật ban. Trời còn ban phước lộc qua việc hái lộc đầu năm đem về để dưới mái nhà trước bàn thờ tổ tiên (tư liệu, Năm quốc tế gia đình 1994, Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange, CA).

Nhà văn hóa Duyên Hạc Lê Thái Ất đã tóm tắt niềm tin đơn giản của ông bà ta theo truyền thống đạo Trời, đạo Việt như sau: “Người tin theo đạo Trời tin ở ông Trời là Đấng thiêng liêng tuyệt đối, có quyền năng vô hạn, sáng suốt vô cùng và có lòng hiếu sinh vô tận bao trùm cả vạn vật. Ông Trời vô hình tướng, nhưng ở đâu cũng có, từ ngọai cảnh tới nội tâm con người. Sống thuận theo đạo Trời là vâng theo thiên lý… Phần trời linh thiêng bẩm sinh này chính là thiện tính, thiên tính, thiện tâm, thiện căn.”

Với cách hiểu và sống niềm tin chân thành và truyền thống này, nhiều đứa chúng tôi, lớn lên, lập gia đình, mặc cho biển dâu thay đổi vũng nên đồi, biển dâu thành thượng hải, cũng cố gắng cử hành lại một phần nào trong các gia đình của mình tâm tình tôn giáo linh thiêng này.

2. Chiều kích tâm linh của lễ tết đầu năm
Trong truyền thống văn hóa Việt, tâm tình và các việc cử hành lễ tết đầu năm thường mang đậm hai chiều kích: chiều dọc, với tâm linh tôn giáo, thể hiện qua việc đi lễ chùa (người Công Giáo đi lễ nhà thờ), cầu khấn, xin ơn lành với Đấng linh thiêng. Và chiều ngang: hướng tới xã hội, gia tộc, gia đình, bằng hữu, thông qua việc cầu chúc, thăm viếng và quà tặng.

Trong nhịp điệu hối hả của cuộc sống xã hội công nghiệp, nhiều gia đình Việt Nam lao vào công việc làm ăn để ổn định và phát triển đời sống cho mình và cho con cái.. cuộc sống vốn đã bị trễ tràng so với các giống dân khác, làm gì có nhiều cơ hội, nhiều thời giờ để vui hưởng tết xuân như hồi ở quê nhà. Với thời gian các tâm tình hồn quê mai một dần, một số con cháu đã quên bẵng đi, thậm chí còn thay vào đó bằng những cách thức “cử hành nghi lễ đời người” rất ư là chẳng giống mình tí nào, lại càng chẳng linh thiêng gì cả.

Tình trạng “khử thiêng” không chỉ xảy ra cho người Việt Nam hải ngoại, nhưng dường như là của xu thế thời đại, khởi đầu từ Châu Âu, Châu Mỹ rồi tới Châu Á và các phần đất khác của thế giới. Người ta có cảm tưởng sự lúng túng trong bối cảnh toàn cầu hóa đã vượt qua bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và cũng làm biến động sang cả phạm vi tôn giáo và gia đình. Mới đây trong hội nghị do Viện quản lý kinh doanh Âu Châu tổ chức ở Fontainebleau, gồm một số giáo sư và chuyên viên Âu Châu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore đã có nhận xét chung về tình trạng tâm linh: “Phần lớn tin vào những quy tắc nhân tạo thay vì những giảng dạy tinh thần. Đối với họ, hệ thống y tế quốc gia, chương trình an sinh xã hội quan trọng hơn đức tin Công Giáo hay Tin lành trong cuộc sống hằng ngày” (HDN, Ngày Nay # 645, từ ngày 1-15/10/07).

Người Việt nam hải ngoại cũng hít thở môi trường thực tế đó, và không thể tránh được những hệ lụy của xu thế toàn cầu. Dầu sao, ở một số gia đình và cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn còn thấy những gia đình, những cộng đoàn, những phong trào, với rất nhiều tâm huyết muốn vực dậy các giá trị tâm linh gia đình nơi chính bản thân và gia đình mình. Thật là một khích lệ lớn lao. Trong nỗ lực đó, dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội chúng tôi mạo muội đề nghị thích nghi một số tâm tình của ngày tết theo truyền thống văn hóa Việt Nam.

a. Nói đến tết là nói tới Niềm Vui.
Vui như tết, giận đến chết tết đến cũng phải vui… Trước hết niềm vui đến từ thiên nhiên và môi trường chung quanh, một cành mai, một đóa hoa đào, một tràng pháo, việc trang hoàng và quét dọn nhà cửa, nét mặt vui tươi và cách cư xử hòa nhã, kiềm chế mọi tức giận, buồn phiền… Cái vui của ngày tết chuyển đổi từ ngoại cảnh vào tâm hồn, niềm vui đã trở thành: hòa khí, đoàn tụ, thân ái. Tất cả nói lên sự thuận hòa, yêu thương. Có thuận hòa thì mọi cuộc hội tụ trong gia đình mới đầy thân ái. Nếu không có thuận hòa tất cả chỉ là nghi lễ bên ngoài, cung cách xã giao mà thôi. Lời cầu xin hiệp nhất của Đức Giêsu Kitô trước ngày thụ nạn: “Để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21), phải khởi đi từ trong gia đình trước hết.

Hòa khí, đoàn tụ và thân ái là hoa quả của lòng trân trọng, của sự hiệp thông giữa những nhân vị, những thành viên trong cùng một gia đình, gia tộc… chứ không phải kết qủa của một hợp đồng. sự hiệp thông giữa những nhân vị phải biểu hiện một chiều sâu và một sức mạnh trong các mối liên hệ. ĐGH Gioan Phaolô II dạy: “Trong gia đình, mọi người đều quan trọng do bởi bản thân người ấy, bởi vì người ấy hiện hữu. Việc mỗi người thông ban nhân tính cho kẻ khác có thể nói được đó là tình trạng nguyên thủy của gia đình, và đây cũng là bổn phận cốt yếu của gia đình nữa… cũng là điều cơ bản của sự hiệp thông trong gia đình” (Đối thoại với Đức Gioan Phaolô II, Andrew Frossard, 163).

b. Nói đến tết là nói đến sự Đổi Mới.
Sự chuyển động trong thiên nhiên từ đông sang tây, từ lạnh sang ấm, từ tối sang sang, từ cằn cỗi tới xanh tốt là sự chuyển động đổi mới. Những nỗ lực bên ngoài của những ngày chuẩn bị lễ tết là ước vọng của sự muốn đổi mới bên trong. Quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc, trang hoàng và sửa sang trong nhà ngoài ngõ, y phục mới mẻ, nụ cười rạng rỡ, cư xử hòa nhã… phản ánh một ước vọng sâu xa: mong ước năm mới mọi sự được đổi mới, từ xấu sang tốt, từ tốt sang tốt hơn. Mọi nỗ lực đổi mới, kể cả sự mong ước đổi mới luôn gọi mời một quá trình lên đường bền bỉ và can đảm, một ý chí quyết tâm liên lỉ. Các gia đình Việt Nam hải ngoại đã có kinh nghiệm sâu xa về việc đổi đời sau những mất mát đau thương từ những năm của thập niên 50 và 80 thuộc thế kỷ 20. Đổi mới đúng là một quá trình sàng lọc và một nỗ lực tìm kiếm sự hội nhập và qúa trình này thường gây đau đớn, khó chịu giống như những cơn sốt vỡ da vỡ thịt nhưng lại rất cần thiết để đứa bé trưởng thành và hội nhập. ĐGH Gioan Phaolô II trong cuộc tiếp xúc với Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại tại vận động trường Mc Nicholls, tại Denver, tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ, đã ban huấn từ: “Hai mươi năm vừa qua, nhiều người trong anh chị em đã bỏ quê hương, cha mẹ, đương đầu với mọi thử thách đau thương trước khi tới nơi an toàn định cư. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, anh chị em cũng đã tìm ra sức mạnh can đảm trong niềm tin nơi Đức Kitô. Ngày nay mọi điều kiện đã khả quan, điều khẩn trương trước mắt là bảo tồn để luôn trong sáng và linh động cái bản lãnh người Công Giáo… Tôi biết anh chị em hăng say bảo tồn truyền thống quốc gia và cố gắng dạy con em học tiếng Việt Nam. Đây là bằng chứng anh chị em yêu mến quê hương, và tha thiết với văn hóa và lịch sử dân tộc” (Đức Gioan Phaolô II, Cuộc đời và hoạt động, NXB Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ 1996.)

c. Nói đến tết là nói đến tâm tình Tôn Giáo.
Biểu hiện rõ nét của tâm tình này qua việc tế tự, cúng lễ, đêm giao thừa và sáng mồng một đầu năm. Theo tục lệ Việt Nam, đêm trừ tịch, cúng thổ công, thần hoàng, làng xã. Sáng mồng một đi lễ chùa cầu ơn bằng an. Các tục lệ này dựa trên những truyền tụng lâu đời và truyền từ đời này sang đời khác, gia đình này tới gia đình khác, thế hệ này tới thế hệ khác…

Với người Công Giáo, đức tin cũng được nuôi dưỡng, vun trồng và lớn lên trong môi trường gia đình, và điều này là cần thiết không thể có nơi nào và không ai có thể thay thế được chức năng giáo dục niềm tin tôn giáo của gia đình nơi con cái. “Một cách hay nhất để các gia đình và con cái thắng vượt được chủ nghĩa khoái lạc đang bành trướng và biến các mối quan hệ gia đình thành tầm thường và trống rỗng, là việc loan truyền chân lý Phúc Âm trong gia đình, làm cho cảm tính và bản chất hôn nhân gia đình được củng cố vững mạnh, cũng như giúp con cái phát triển về các mặt tinh thần cũng như thể xác, thiêng liêng cũng như nhân bản” (Huấn thị ĐGH Benêdictô XVI tại đại hội thế giới gia đình, Tây Ban Nha, 8/7/06).

Để “Đức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng, và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52), xin đừng nghĩ rằng chính Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ Maria, cha mẹ của Người, chẳng làm gì cả. Trái lại, truyền thống giáo dục niềm tin trong gia đình Do Thái đòi buộc các Ngài phải nỗ lực rất nhiều, nhất là trong dịp lễ đầu năm, khởi đầu mùa xuân, mỗi gia đình Do Thái phải cử hành lại “Biến cố vượt qua” của cha ông họ năm xưa, như là một sự nhắc nhở tình thương của Giavê Thiên Chúa trong lịch sử cha ông, và trong cuộc sống hiện tại của họ.

d. Nói đến tết là nói đến tâm tình Hiếu Thảo, Biết Ơn.

Tối 30, gia đình Việt Nam có thói lệ đón rước ông bà về ăn tết với con cháu. Sáng mồng một, dọn lễ cúng gia tiên, con cháu chúc tuổi và dâng quà cho cha mẹ. Sự tích bánh chưng vuông, bánh dày tròn cho thấy cái nguyên ủy vạn vật đất trời, nhưng cũng còn nhắc nhở cho con cháu cội nguồn của mình nơi cha mẹ và ông bà.

Người Việt Nam ở quê nhà hay lưu lạc bốn phương đã thể hiện tâm tình này một cách chân tình và đáng ca ngợi, nhưng một số vấn đề về gia đình Việt Nam cũng cần phải xem xét trong bối cảnh mới như: óc tôn sùng gia trưởng, tinh thần gia tộc đóng kín, vị trí và nhân vị của con cái… (chúng ta sẽ suy tư những vấn đề này ở tháng 2).

Lối sống nặng tình cảm, mềm dẻo nhiều khi đến xuề xòa vốn là yếu tính của đời sống gia đình truyền thống, không bảo đảm được sự bền vững của gia đình trong xã hội hướng tới phát huy dân chủ, tự quyết và mọi sinh hoạt được quy định bằng pháp luật. Tổ chức gia tộc, làng xã có điều hay nhưng chắc hẳn không đủ khả năng để giúp xã hội và con người bắt kịp với nhịp sống hiện đại.

Kết Luận:

Những thập niên gần đây, những thay đổi trên nhiều lãnh vực mang tầm vóc quốc tế trong đời sống gia đình, cũng như những cuộc di dân ồ ạt xảy ra trên mọi phần đất của thế giới đã dẫn tới sự chia sẻ văn hóa và tư tưởng, cũng như áp lực một sự thích nghi để tồn tại và phát triển. Vì hoàn cảnh chính trị, nhiều gia đình Việt Nam cũng đã ra đi, chia sẻ, góp phần và ngay cả đụng chạm với các nền văn hóa khác, việc gạn lọc và chắt chiu những nét đẹp trong di sản tinh thần và cuộc sống luôn là một thách đố lớn lao, cần tĩnh tâm, tĩnh trí để không buông xuôi theo dòng đời, mang tiếng là vong bản, mất gốc; nhưng cũng cần sáng suốt để không bị đẩy lùi, tụt hậu, bị coi là hủ lậu, thoái hóa. Nhiều khi cuộc sống cố chấp, đóng cứng trong cái tập tục đồng nghĩa với sự thất bại, nghèo khổ mà hệ lụy của nó không chỉ tác động trên một người, một gia đình…

Lm. Fx. Hồ Văn Mậu, SDD

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Triết Lý Việt Lịch

Bản chất hệ thống lịch pháp bao gồm những cách tính về quãng cách thời gian của một năm, khởi điểm của một năm. Cả hai yếu tố đi liền với những thiên thể được dùng làm phương tiện để đo lường. Nếu dùng sự chuyển động biểu kiến của mặt trời là dương lịch, nếu dùng sự tuần hoàn của mặt trăng thì là âm lịch. Động cơ thúc đẩy việc làm lịch có thể thuộc tôn giáo với mục tiêu qui định các ngày lễ như ở Ai Cập hay La Mã cổ đại, nên lịch pháp thường do các tư tế điều khiển. Hoặc do những nhu cầu thực tiễn của đời sống như trồng tỉa, gieo gặt, hoặc để qui định giờ trong việc canh thức tuần phòng. Lý do thứ ba của động cơ thúc đẩy việc làm lịch có tính cách triết lý nhân sinh: Con người chiêm ngắm các hiện tượng thiên thể, sự vận hành của trăng, sao, mặt trời, rồi rung cảm sâu xa sự biến động có chu kỳ tự nhiên ấy, để rồi rút ra từ lòng mình những nguyên tắc sống còn, thâu nhập thiên nhiên làm ích dụng trong cuộc tồn sinh của vòng ngoài hiện tượng lẫn vòng trong bản thể.

Như ta đã biết, thuyết Kim Định đã đi trước các khám phá khoa học mới nhất. Ngày hôm nay thì giới nghiên cứu khảo cổ, hải dương, di truyền…đã đồng loạt tuyên dương đại tộc Bách Việt là giống dân xuất hiện đầu tiên ở miền Đông Nam Á, làm chủ hai nền văn minh lúa nước Hoà Bình và trống đồng Đông Sơn. Trước đó, Kim Định đã hùng hồn khẳng định chủ quyền văn hoá của Việt tộc, nhấn mạnh yếu tố bản địa của Việt, Việt Nho, mà Khổng Tử chỉ đóng vai trò san định .

Trên tinh thấn ấy, khi tìm hiểu về nền lịch pháp cổ, cũng chính là VIỆT LỊCH.

Khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn (gốc Việt) ngài cẩn trọng nhắc rằng: “Thiên chi lịch số tại nhĩ cung”. Cái Đạo Lý của lịch số nằm ngay trong tại trung cung của lòng, trung cung đó là TÂM. Chỉ với một ý thức Nhân Chủ cao độ của Việt Nho mới truyền đạt câu định nghĩa về lịch số sâu xa thần diệu như thế. Trong cái cảm thức về sự vận hành của các vì thiên thể, con người là chủ nhân để chiêm ngắm, sắp xếp, điều hòa cuộc sống. Cái tâm thức giao cảm cùng vũ trụ ấy là tâm thức nhân chủ. Như vậy Triết Lý của Việt Lịch là NHÂN CHỦ và NỘI TÂM, không như những ý thức ở đợt lệ thuộc, lý trí và duy vật.

Ta thấy lịch của ta thường đưa các câu ca dao, tục ngữ, châm ngôn xen vào lịch, đó chính là tinh thần đưa ý thức nhân chủ và nội tâm vào diễn hành của thời gian. Lâu ngày con người quên đi mất ý nghĩa đó, ý nghĩa quay trở về thẩm cung lòng mình, ý nghĩa triết lý của lịch. Đó là một mất mát lớn lao, khi ta quên đi rất nhiều yếu tố tâm linh trong đời sống. Đó là lý do cần có cuộc phục hoạt những nguồn năng lực tâm linh đã từ rất lâu bị mất đường về. Cho nên lịch chỉ còn là thời khóa biểu cho các công việc có tính chất vật bản: ăn uống, làm lụng...Trong khi ý nghĩa cuối cùng của lịch là Đường Về Tính Thể: Tham dự cùng vận hành của thiên nhiên, Thông giao cùng tạo vật, Hòa hợp với ánh sáng, trăng sao . . .

Bản văn cổ đại nhất về Việt Lịch là Nghiêu Điển, mở đầu Kinh Thư. Đây là một kết quả cuối cùng của một sự suy tư tìm kiếm đã kéo dài không biết bao nhiêu thế kỷ từ trước. Bản văn then chốt ấy rút gọn như sau:

Nhật trung tinh Điểu dĩ ấn Trung-Xuân.

Nhật vĩnh tinh Hỏa dĩ chính Trung-Hạ.

Dạ trung tinh Hư dĩ chính Trung-Thu.

Dạ vĩnh tinh Mão dĩ chính Trung-Đông.

Tuế tam bách lục thập lục nhật.

Dĩ Nhuận nguyệt chính tứ thời.

= “ Khi ngày dài bằng đêm thì lấy sao Điểu để ấn định Xuân –Phân.

Khi ngày dài thì lấy sao Hỏa để định Hạ Chí.

Khi đêm ngày dài bằng nhau thì lấy sao Hư để định Trung –Thu.

Khi đêm dài thì lấy sao Mão để định Đông Chí.

Như thế một năm có 366 ngày.

Dùng tháng nhuận để điểu chỉnh bốn mùa cho hợp thời tiết”.

Giai đoạn này là thời đại sáng tạo mà đã đạt độ chính xác nhất về quãng dài của một năm, đưa ra khởi điểm một năm hợp lý nhất, và biểu lộ cách nhân bản tối đa.

Sau này mỗi thời vua lên ngôi đều coi lich pháp là việc quan trọng bậc nhất, đều cải chế lịch cho sát với tự nhiên. Quách Thủ Kính đời Tống so sánh trước sau và xác định quãng năm là 365, 5 giờ 49’ 12’’.

Theo thiên văn hiện đại một năm là 365, 5 giờ 48’ 6/10. Như vậy sự cách biệt nhau giữa Việt Lịch và Dương Lịch chỉ có trong vòng một phút.

Có 3 Loại lịch đang lưu hành:

1- Âm Lịch

2- Dương Lịch

3- Âm Dương Lịch


1- Âm Lịch
Âm lịch là lịch căn cứ vào sự tuần hoàn của mặt trăng. Mặt trăng xoay quanh trái đất, cứ một chu kỳ là một tháng, dài 29 ngày, 12 giờ, 44 phút, một năm âm lịch có 354 ngày ít hơn năm theo dương lịch là 11 ngày. Cứ ba năm thì âm lịch sẽ nhanh hơn dương lịch một tháng và 36 năm của âm lịch sẽ nhanh hơn dương lịch một năm. Cho nên đầu năm của âm lịch chạy khắp các mùa trong năm của dương lịch.

Người Hồi Giáo trên thế giới đang dùng loại Âm Lịch này. Ngày của người Hồi Giáo khởi đầu từ lúc mặt trời lặn khoảng lúc 6 giờ chiều. Tháng của người Hồi Giáo là lúc bắt đầu khi họ nhìn thấy trăng lưỡi liềm lên, sau khi mặt trời lặn. Năm của Hồi Giáo như đã nói ở trên chỉ có 354 ngày.

2- Dương Lịch
Dương lịch, ngược lại với Âm lịch, căn cứ vào sự quan sát mặt trời để quy định thời gian cho năm, rồi từ năm tính ra tháng, từ tháng tính ra ngày.

Dương Lịch là y cứ vào vòng quay của địa cầu chung quanh mặt trời mà ấn định mỗi năm có 365 ngày và mỗi chu kỳ 4 năm lại có một năm 366 ngày (tháng hai 29 ngày). Dương lịch cũng căn cứ vào vị trí của trái đất với mặt trời và độ nghiêng của trục địa cầu với các tia mặt trời mà xác định mùa.

Trái đất di chuyển quanh mặt trời với vận tốc khoảng 29.77 km/giây, trên một quỹ đạo hình bầu dục chiều dài khoảng 939.500.000km, mà mặt trời là trung tâm.

Vì trục trái đất nghiêng chừng 66 độ 33’ đối với mặt phẳng quỹ đạo của nó, nên mặt phẳng này cắt mặt trời theo một đường tròn lớn nghiêng khoảng 23 độ 27’ đối với thiên xích đạo. Nếu ta đứng từ trái đất nhìn lên bầu trời, ta tưởng như mặt trời chuyển động chung quanh trái đất theo một đường cố định hàng năm. Đường này gọi là hoàng đạo.

3- Âm-Dương Lịch
Là loại lịch căn cứ vào cả vòng quay của mặt trăng lẫn mặt trời. Tây phương dùng mặt trời theo hàng ngang tức lúc mặt trời lặn, còn Đông phương dùng mặt trời hàng dọc. Phương pháp là căn cứ trên những vòm sao chung quanh bắc cực, tính từ sao Bắc Đẩu trở ra, rồi chia ra 4 cung, mỗi cung tương ứng với một vì sao làm chủ, trong Nghiêu Điển là: Điểu, Hỏa, Hư, Mão đi với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, còn ở giữa là trung cung dành cho sao Bắc Đẩu, lấy chuỗi sao Đại Hùng làm như kim đồng hồ để tính giờ. Rồi từ 4 cung đó mở rộng ra cả năm lấy 4 cung làm đích điểm cho 4 mùa. Hai mùa Đông Hạ theo mặt trời, hai mùa Xuân Thu theo hệ thống mặt trăng:

Đông Hạ chí nhật

Xuân Thu chí nguyệt

Dĩ biệt tứ thời chi tự

Vua Thuấn đã cho làm một bầu trời nhân tạo có các vòng hoàng đạo và xích đạo với các tinh tú bằng châu ngọc nạm vào các vị trí cân xứng có trục xoay bầu tròn để nhận ra sự chuyển động của các tinh tú trên vòm trời. Trong phương pháp này, từ sao Bắc Đẩu kéo dọc xuống, sẽ xác định được 28 ngôi sao cố định hàng ngày cùng vòm trời xoay quanh sao Bắc Đẩu, gọi là “ nhị thập bát tú” [1], do đó thành lập hệ thống 28 sao tinh tế và chính xác hơn hệ thống hàng ngang bị hạn cục vào những sao ở gần chỗ mặt trời lặn. Hệ thống hàng dọc này là căn bản của nhị thập bát tú, có một không hai trong thiên văn cổ đại, không những qui định được quãng năm, tháng mà còn cả quãng tuần và giờ. Đã thế lối xếp đặt còn bao hàm được ý nghĩa triết lý, mỗi mùa có 7 sao thì tháng đầu 2 sao, tháng giữa 3, và tháng cuối 2 sao. Đó là phương pháp âm-dương lịch mà độ sai chạy so với thiên văn học ngày nay chỉ chênh lệch một phút như đời Tống, Quách Thủ Kính đã so sánh.Việt Lịch điều hòa Nhật -Nguyệt -Tinh để gây sự hòa hợp qua sự biểu lộ trăng sao: làm thế nào ngày rằm thì trăng tròn, mùa thì đi đúng tiết… Nhờ Hòa hợp nên Nhật Nguyệt tinh thần (thần là một quãng của vòng trời chia 12 như hoàng đạo) đều được giữ sắc thái riêng với những chức vụ riêng: Nhật coi vòng năm, Nguyệt coi vòng tháng, Tinh thần coi vòng giờ. Dương Lịch chỉ căn cứ trên mặt trời biểu lộ tính một chiều, đàn áp ngay trên cả trăng sao. Chỉ với quan niệm đồng nhất thể của Minh Triết Việt Nho, con người mới được an hưởng với những tiết nhịp vận chuyển của cả mặt trời lẫn trăng sao với những ngày hội hè đình đám của tứ thời xuân hạ thu đông, bát tiết, lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, rồi đông chí, hạ chí, xuân phân, thu phân… tất cả là 24 tiết nhịp Giao Hòa với chữ Thời của nền Việt Lịch Đông Phương. Ta dùng từ Tết, chính là tiết, tiết nhịp hòa âm thống nhất Trời-Đất-Người thành Nhất Thể trong nền Đạo Lý của Việt Lịch.

__________________________________________________


Chú thích

[1] - Hai mươi tám sao (tú) chia ra 4 chòm, 7 sao một chòm:

Chòm Thanh Long cho mùa Xuân, phía Đông: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm,Vi, Cơ.
Chòm Chu Tước cho mùa Hạ, phía Nam: Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.
Chòm Bạch Hổ cho mùa Thu, phía Tây: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm
Chòm Huyền Võ cho mùa Đông, phía Bắc: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích .

Một điểm nền tảng khác trong Việt Lịch là giá trị của Nhân Chủ Tính trong vòng con giáp. Vòng con giáp là vòng 60 năm mà nhiều nơi xưa đã dùng để ghi niên kỷ, nó căn cứ trên đường đi của sao Mộc Tinh, cứ 60 năm thì đi hết một vòng chung quanh mặt trời. Cách tính này đã xuất hiện rất sớm bên Sumer nhưng nó đã chết dần vì bất tiện vì chỉ có 60 năm trong lúc lịch sử gồm nhiều ngàn năm. Cho đến khi sự công nhận năm đấng Christ ra đời làm kỷ nguyên trở nên phổ cập thì cách tính theo 60 năm bị chôn táng hẳn, ngoại trừ bên Viễn Đông vì ít giao thiệp với Tây Âu nên mới công nhận Công Nguyên hơn trăm năm nay. Thế là từ đó, vòng 60 năm chỉ còn là vấn đề khảo cổ.

Nhưng bên Viễn Đông, tuy công nhận công lịch, nhưng trong đời sống vẫn còn nhắc đến tên của năm theo con giáp: Năm ngoái là năm Kỷ Sửu (2009), năm nay là Canh Dần (2010). Ta thử tìm hiểu ý nghĩa triết học của cách gọi năm theo vòng con giáp này. Vòng con giáp gồm cả hai vòng:

Vòng trong là vòng thiên can, gồm:

1. Giáp
2. Ất
3. Bính
4. Đinh
5. Mậu
6. Kỷ
7. Canh
8. Tân
9. Nhâm
10. Quí

Vòng ngoài là vòng địa chi 12 con vật là:

1.Tí : Chuột
2.Sửu : Trâu
3.Dần : Hùm
4.Mão : Mèo
5.Thìn : Rồng
6.Tỵ : Rắn
7.Ngọ : Ngựa
8.Mùi : Dê
9.Thân : Khỉ
10.Dậu : Gà
11.Tuất: Chó
12. Hợi: Heo

Mời đọc tiếp ở file PFD kèm

...Xin mở file kèm: http://www.dunglac.org/upload/article/f__1265134055.pdf

Đông Lan

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

10 Đề Tài Về Gia Đình (5)

Mười đề tài giáo lý của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình cho Cuộc Hội Ngộ Quốc Tế Gia Đình lần thứ VI ở Mêxicô
Đề tài 5 : GIA ĐÌNH, ĐƯỢC MỞ RA CHO THIÊN CHÚA VÀ THA NHÂN
Eph 5, 25-33

1. Con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, và để sống và sống với Ngài. Chẳng phải chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa bất khả tri hay là sự dửng dưng tôn giáo là những hoàn cảnh tự nhiên của con người và vì thế không thể là những hoàn cảnh quyết định cho một xã hội. Là người, tự bản chất, chúng ta được liên kết với Thiên Chúa, như một ngôi nhà liên hệ với kiến trúc sư đã xây dựng nó. Những hệ quả đau buồn của tội lỗi chúng ta có thể che mờ đi chân trời này, nhưng, sớm hay muộn, chúng ta sẽ nhớ nhung về ngôi nhà và về tình yêu của Cha trên Trời. Chúng ta trải nghiệm như người con phung phí trong dụ ngôn : nó không ngừng là con khinó bỏ đi khỏi nhà cha nó và vì thế, bất chấp sự xa rời này, nó vẫn cảm thấy ước muốn không thể cưỡng lại được là quay trở về. Trên thực tế, tất cả mọi người đều luôn cảm thấy nỗi nhớ Thiên Chúa và họ có cùng cảm nghiệm như thánh Augustinô, cho dầu họ không thể diễn tả điều đó với cùng sức mạnh và vẻ đẹp như ngài : « Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa và lòng con sẽ không yên nghỉ cho đến lúc được nghỉ yên bên Chúa » (Tự Thú 1,1).

2. Ý thức về thực tại này, gia đình kitô hữu đặt Thiên Chúa ở chân trời cuộc sống của các con cái mình ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên của sự hiện hữu có ý thức của chúng. Đó là một môi trường mà chúng hít thở và sáp nhập. Điều đó giúp chúng khám phá và đón nhận Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Thánh Thần và Giáo Hội. Cách đầy đủ, từ giây phút đầu đời của nó, các bậc cha mẹ xin Giáo Hội phép rửa cho chúng và bồng ẵm chúng cách vui mừng đến lãnh nhận dòng nước thanh tẩy. Tiếp đến, cha mẹ đồng hành với chúng trong việc chuẩn bị Rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí tích Thêm Sức và ghi danh chúng vào lớp giáo lý của giáo xứ, rồi tìm kiếm cho chúng ngôi trường mà giáo dục chúng tốt nhất trong đạo Công giáo.

3. Thế nhưng, việc giáo dục kitô giáo đích thực cho con cái không được hạn chế vào việc bao hàm Thiên Chúa giữa những thứ quan trọng khác của cuộc sống này, nhưng đặt Thiên Chúa ở trung tâm cuộc sống của chúng để mọi sinh hoạt và thực tại khác : trí tuệ, tình cảm, tự do, công việc, sự nghỉ ngơi, nỗi đau buồn, bệnh tật, niềm vui, những của cải vật chất, văn hóa, tắt một lời : tất cả cần được khuôn đúc và dẫn dắt bởi tình yêu đối với Thiên Chúa. Con cái phải làm quen suy nghĩ trước mỗi hành động « Thiên Chúa muốn tôi làm gì hay không làm gì bay giờ ? » Chúa Giêsu đã xác nhận đức tin và lòng xác tín của các tín hữu thời Cựu Ước, liên quan đến những gì mà ngài gọi là « giới răn cao trọng », khi Ngài trả lời cho vị tiến sĩ luật rằng « giới răn đầu tiên là : người hãy yêu mến Chúa, là Thiên Chúa người, hết lòng , hết tâm hồn và hêt sức lực người » (Mc 12,28; Lc 10, 25; Mt 22, 36).

4. Việc giáo dục đặt trọng tâm trên tình yêu đối với Thiên Chúa này do cha mẹ mang lại, nhất là qua những thực tại của đời thường : cầu nguyện trong gia đình trước bữa ăn, dạy cho chúng lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì những ân huệ đã nhận được, chạy đến với Ngài vào những lúc đau buồn dưới mọi khía cạnh, tham dự thánh lễ Chúa nhật với chúng, đồng hành với chúng trong việc lãnh nhận bí tích Hòa giải…

5. Câu hỏi của vị tiến sĩ luật chỉ là « đầu là giới răn trọng nhất ? ». Nhưng Chúa Giêsu khi trả lời ông ta, đã thêm vào giới răn thứ hai giống với giới răn thứ nhất : « người hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi ». Do đó, tình yêu tha nhân là « giới răn của Ngài » và là « cái biệt trưng » của các môn đệ của Ngài. Như thánh Gioan đã kết luận cách tinh tế : « nếu chúng ta không yêu thương người lân cận mà chúng ta nhìn thấy, thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta không thấy ? » (1 Ga 4, 20)

6. Các cha mẹ phải giúp đỡ con cái khám phá ra tha nhân, đặc biệt là những người nghèo túng, và giúp chúng thực hiện những việc phục vụ bé nhỏ nhưng liên lỉ : chia sẻ với anh chị em của chúng những đồ chơi, món quà, giúp đỡ những người bé nhỏ nhất, bố thí cho người nghèo trên đường phố, viếng thăm các bà con đau yếu, giúp đỡ ông bà với những công việc bé nhỏ, chấp nhận người khác bằng cách quên đi và tha thứ những giới hạn và xúc phạm mỗi ngày …Những điều này, được làm cách đều đặn, sẽ hình thành nên tâm tính và những thói quen tốt, để đương đầu với cuộc sống « tổn hại » thủ đắc được bởi tình yêu đối với tha nhân, và như thế làm cho chúng có khả nằng tạo nên một xã hội mới.

(Còn tiếp)
Lm Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp

Nguồn: Website Tổng giáo phận Huế
http://tonggiaophanhue.net