VietCatholic News (05 Jan 2009 16:32)
Văn hào Nga Leo Tolstoy nói, “Đau khổ thì mỗi người mỗi khác, nhưng những kẻ hạnh phúc thường có điểm tương đồng”. Khi nghiên cứu về gia đình, các chuyên gia tâm lý nhận ra trong các gia đình lành mạnh thường có những yếu tố tương đồng sau:
• Đàm thoại cởi mở
• Niềm cảm kích, sự tôn trọng lẫn nhau
• Đời sống tinh thần, tôn giáo cao
• Khả năng thích nghi, uyển chuyển với các thay đổi
• Rõ ràng trong các quy luật gia đình
• Niềm cảm kích, sự tôn trọng lẫn nhau
• Đời sống tinh thần, tôn giáo cao
• Khả năng thích nghi, uyển chuyển với các thay đổi
• Rõ ràng trong các quy luật gia đình
Họ đều đồng ý rằng, vấn đề đàm thoại là nguyên do hàng đầu gây đổ vỡ gia đình, thứ đến là các vấn đề như tiền bạc, thân thuộc nội ngoại hai bên, tình dục, quan hệ qúa khứ và con cái.
Để nhận diện gia đình có hoà hợp hay không, người ta có thể xem cách họ trò chuyện với nhau. Khi ta hỏi người vợ, “Thế ổng ở đâu rồi?” và được trả lời, “Thằng chả ngồi ở đằng kia”, thì chúng ta biết mối liên hệ giữa hai người đang có vấn đề.
Một gia đình lành mạnh khi các thành viên trong nhà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Họ dành thì giờ cho nhau và thực sự thích thú khi gần nhau. Sự gần gũi không phải là tình cờ, nhưng họ sắp xếp thì giờ để cùng ăn uống, giải trí, làm việc chung. Các nghiên cứu còn tìm ra điểm lý thú là các gia đình lành mạnh thường thích sinh hoạt ngoài trời, vì họ không bị chi phối bởi điện thoại, truyền hình hoặc các công việc nhà.
Các phát minh hiện đại như điện thoại cầm tay, đồ chơi điện tử bỏ túi, vì vậy, là kẻ thù của các sinh hoạt gia đình. Nếu bạn muốn khỏi bị chi phối khi sinh hoạt ngoài trời, yêu cầu mọi người tắt xeo-phôn và để các máy móc điện tử ở nhà.
Một gia đình lành mạnh có xung khắc không? Thật ra, xung khắc là điều không thể tránh được, nhưng cách họ đối phó với nó ra sao mới là vấn đề. Các nhà tâm lý nhìn nhận có sự khác biệt về cách giải quyết xung đột giữa gia đình lành mạnh và gia đình bất hoà.
Khi có chuyện cãi cọ, những người trong gia đình bất hoà thường tìm cách tự vệ, không chịu lắng nghe, không có lòng thông cảm cho người khác, và dùng lối nói “lấy người đối diện làm chủ từ” (You Message). Ví dụ như người chồng nói, “Em làm anh buồn vì em đi làm về trễ”. Lối nói nầy có ý trách nên làm người nghe tìm cách chống chế bào chữa cho mình, vì vậy mối căng thẳng càng gia tăng.
Trong khi đó, khi có chuyện bất đồng, những người trong gia đình lành mạnh thường chú tâm vào vấn đề cần giải quyết, sẵn sàng nhận lỗi, biết lắng nghe, dùng lối nói “lấy tôi làm chủ từ” (I Message). Ví dụ, họ nói, “Anh cảm thấy buồn vì 7 giờ rồi mà chưa thấy em về”. Đây là lối nói bộc lộ cảm xúc, trình bày sự kiện và không cố ý chê trách nên người nghe dễ tiếp nhận hơn.
Vì sự tôn trọng là một yếu tố thiết yếu trong các quan hệ con người, nên trong đàm thoại các hình thức tấn công đặc tính người khác thường gây nên oán thù. Chúng ta không lạ gì khi vợ chồng bỏ nhau vì họ thiếu tôn trọng qua cách cư xử và đối thoại. Khi một đứa con nghịch ngợm, tình hình sẽ không tốt hơn nếu người vợ nói, “Ông dạy nó đi kìa, ông giỏi lắm mà!”; hoặc người chồng nói, “Bà hiền lành lắm, sao mà đẻ con như vậy?”
Khi có vấn đề, người trong gia đình lành mạnh không vội phản ứng mà họ biết giữ bình tĩnh để tìm lối giải quyết. Đó là một cách lấy “Time-outs”—tạm nghỉ.
Một bà mẹ đang khi làm việc nhận được điện thoại từ trường học yêu cầu tới đón con về, vì nó bị đuổi học, lý do là mang dao tới trường. Phản ứng cấp thời của bà lúc đó là không tin, làm sao chuyện đó xảy ra được bởi vì nó là một đứa học giỏi. Nhưng rồi bà cảm thấy tức giận, định bụng khi đến trường sẽ cho con một bạt tai để trừng phạt.
Thế rồi trên đường lái xe từ sở làm đến trường, đầu óc tỉnh táo hơn, bà suy nghĩ miên man về đứa con của mình. Đột nhiên, bà nhớ lại các điều nó đã nói với bà gần đây gồm cả chuyện nó và các bạn bị một nhóm học sinh người Mễ đe dọa. Lúc đó bà không để ý hỏi con vì nghĩ rằng chuyện đó rồi cũng qua, nhưng bây giờ điều đó làm cho bà suy nghĩ. Đây là phương pháp “Tự tranh luận”- đặt mình vào trường hợp của người đối diện để am hiểu họ hơn.
Khi biết manh mối của câu chuyện, bà có ý nghĩ lạc quan hơn về đứa con và vấn đề mình đang gặp phải. Bà thấy trước mắt mình có hai lựa chọn: Thứ nhất, la mắng, trừng phạt con vì nó là một đứa hư; hoặc thứ hai, ôn tồn ngồi nói chuyện với con, để tìm nguyên do, và yêu cầu nhà trường can thiệp.
Bà đã chọn giải pháp thứ hai. Kết qủa là, nó đã kể lại sự xung đột giữa hai nhóm học sinh ra làm sao, nó là đứa yếu thế nên cần có vũ khí để tự vệ nên đã mang dao tới trường. Khi nghe hết câu chuyện, tuy là nó vẫn bị đuổi học mấy ngày, bà và nhà trường đã tỏ ra thông cảm hơn và có kế hoạch giải quyết vấn đề để tránh tái phạm về sau.
Nếu bà đã không có sự điềm tĩnh thì hậu qủa xảy ra sẽ như thế nào?
Lối giải quyết đó có thể là rất thông thường với nhiều người, nhưng theo khoa tâm lý lý trí Psychology of Mind, nó dựa trên một một lý thuyết chú trọng các ưu điểm của cá nhân và gia đình, với niềm tin rằng con người ta nói chung đều có khả năng giải quyết các vấn đề của chính mình, nếu họ biết giữ bình tĩnh và xét vấn đề theo tình lý thông thường.
Khi có vấn đề, bạn đừng vội phản ứng mà hãy xét xem các ưu điểm của mình trước đã. Lấy giờ “tạm nghỉ”, tự tranh luận để hiểu người hơn, và ngồi xuống đàm thoại trong ôn hoà với lối nói “lấy tôi làm chủ từ”. Bạn sẽ ngạc nhiên vì kết qủa tốt hơn là bạn tưởng.-
Trần Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét