Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2009

Xin Đừng Quên Công Ơn Cha Mẹ

Ngày Mồng Hai Tết: “Xin Đừng Quên Công Ơn Cha Mẹ”
VietCatholic News (22 Jan 2009 06:33)
Ngày xuân nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ là lẽ thường tình của đạo làm con. Vì

“Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ kính mẹ cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Việc nhớ về tổ tiên không dừng lại ở hành vi thắp lên nén hương để tò lòng tôn kính, mà còn nhìn nhận công ơn lớn lao tựa như cù lao chín tầng mà các ngài đã làm cho chúng ta.

Thực vậy, có ai đó nói rằng:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

Mẹ là nải chuối, buồng cau, là xôi nếp mật, là đường mía lau. Mẹ là sự ngọt ngào mà trời đã ban cho con. Mẹ là gió mát mang lại cho con niềm vui và hạnh phúc. Đó là lý do mà người ta dám khẳng định: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Không ai tốt bằng mẹ, được hiểu rằng: không ai dám cho đi cả cuộc đời vì hạnh phúc của chúng ta bằng mẹ. Không ai tốt bằng mẹ, vì tình yêu của mẹ dành cho con không so đo tính toán, không cho đi lấy lại mà luôn nhân ái và vị tha. Còn tình cha tuy không ngọt ngào như tình mẹ, nhưng lại như núi non cao vời, luôn là điểm tựa, sự nâng đỡ vững chắc cho con vào đời. Cha đã cho con những giọt mồ hôi trên cánh đồng. Cha đã cho con những lao nhọc khi kiếm tìm miếng cơm manh áo cho đàn con. Vì vậy mà “gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Cha đã gánh cả cuộc đời con. Cha đã gánh trên vai mình cả gia đình để tiến bước qua những thăng trầm của cuộc đời. Chính tình yêu mênh mông như trời bể của cha mẹ mà người ta nói rằng:

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.

Thật hạnh phúc cho những người con sinh ra trong một mái ấm gia đình có cha, có mẹ hạnh phúc yêu thương nhau và biết hy sinh vì đàn con. Chính vì tình yêu to lớn như trời bể của cha mẹ thì phận làm con phải thảo hiếu. Phận làm con phải vâng phục kính yêu cha mẹ mình. Phận làm con phải luôn làm vui lòng mẹ cha. Vì vậy,

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc.
Đừng để buồn vương lên mắt cha”

Bên cạnh niềm vui của những gia đình êm ấm có cha mẹ thuận hoà, biết hy sinh cho con cái, thì vẫn còn đó những mảng tối đang che kín trên cuộc đời những người con bất hạnh. Đó là những tuổi thơ bị đánh cắp bởi sinh ra trong một gia đình thiếu vắng tình yêu thương của cha, của mẹ.

Trong năm vừa qua, những ai quan tâm đến đạo đức các gia đình không khỏi lo lắng cho sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức làm cha, làm mẹ, về nhân cách và trách nhiệm của cha mẹ với con cái. Có bà mẹ đã đang tâm bán trinh của cả hai đứa con gái mình. Dù rằng nó đã từng van lơn mẹ, nhưng bà mẹ vẫn tìm muôn nghìn cách, kể cả đe doạ để bán đời con. Có những người cha, người mẹ thiếu trách nhiệm và lười biếng đã đẩy những đứa con tội nghiệp chưa qua tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải bươn chải vào đời để kiếm tiền phục vụ cha mẹ trong các việc: ăn xin, bán vé số, nhặt bọc.. . Có những người cha chưa một lần vỗ về con, chỉ có roi và hình phạt, bạo hành triền miên. Có những người mẹ chưa một lần dành phần ngon cho con, chỉ có sự vụng về thiếu yêu thương, chăm sóc của tình mẫu tử luôn hy sinh cho đàn con.

Năm nay với chủ để “giáo dục gia đình theo giáo huấn của thánh Phao-lô tông đồ”. Giáo hội mời gọi các thành viên trong gia đình hãy lấy đức ái mà đối xử với nhau. Đức ái luôn bao dung, nhẫn nại và tha thứ. Đức ái sẽ giúp người ta biết đặt quyền lợi gia đình lên trên lợi ích cá nhân. Đức ái sẽ giúp mỗi thành viên sống có trách nhiệm với gia đình. Đức ái là nhịp cầu cảm thông, gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Đức ái sẽ mang lại hạnh phúc và an bình cho các gia đình.

Ước mong cho những ngày xuân sẽ mang lại cho các gia đình bầu sinh khí mới ngập tràn yêu thương. Ước mong cho ngày xuân mãi ở lại trên mỗi gia đình. Ngày xuân của đoàn tụ. Ngày xuân của yêu thương, hợp nhất và chia sẻ. Nguyện xin Chúa xuân ban cho các gia đình một mùa xuân yêu thương và một năm hạnh phúc. Amen

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Tết Việt Nam: Tết Cho Mọi Người

VietCatholic News (22 Jan 2009 16:55)
Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày Tết truyền thống, những ngày lễ hội dân gian đầy ý vị và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa cho đến lễ mở rừng đi săn. Đến như lễ tết ra giêng để vào hè thì có Tết Thượng Nguyên, Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt để tiễn mùa đông người Việt đã ăn Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó còn có nhiều tết khác như Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) của Phật Giáo, Tết Trung Thu (dành cho thiếu nhi), Tết Trùng Dương, Tết Ong Táo… Tất cả đều có sự tính toán dựa theo sự chuyển đổi của thời tiết trong năm và căn cứ vào nông lịch phương Đông.

Chữ “Tết” ngày nay đã được một số quốc gia sử dụng như là một “Le” hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng chữ “Tết” bắt nguồn từ “Lễ Tiết” bên Trung Quốc. Tết do Tiết đọc chệch đi. Từ chữ Tết người ta còn ghép theo từ Nhứt nữa nghe thật thú vị, như ‘Tết Nhứt’ là do đọc chệch đi từ hai âm Hán Việt “Tiết Nhựt”, có nghĩa là ngày Tết. Còn Nguyên Đán, theo chữ Nôm: Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai, Nguyên Đán là sớm mai đầu năm. Nguyên Đán còn gọi là “Chính Đán” tức là “Chính Nguyệt Chi Đán”( buổi sớm mai tháng giêng), ngoài ra còn sử dụng từ tam chiêu, là ba cái sớm mai( sớm mai đầu năm, sớm mai đầu mùa, sớm mai đầu tháng).

Tự xưa nay, là người Việt Nam, dẫu ở bất cứ nơi đâu vẫn xem trọng ngày Tết Nguyên Đán. Một năm làm lụng vất vả mưu toan cho cuộc sống; một năm xa gia đình bôn ba mọi nơi, ba ngày Tết Nhứt vui vẻ, đoàn tụ, mọi chuyện buồn phiền lo toan đời thường tạm gác sang một bên để mọi người cùng hưởng niềm vui đón xuân về, tết đến.

Người Việt Nam vui hưởng Tết và luôn nhớ về Tổ tiên ông bà cha mẹ, nhưng không quên nghĩ đến người nghèo, thương đến những người đã khuất núi.

Tết cho người trần
“Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, câu nói ấy đủ cho thấy người Việt chú trọng đến ngày Tết như thế nào. Dù khốn dù khó thì ngày Tết cũng phải có cặp bánh chưng, khoanh giò lụa, nải chuối, hộp mứt. Nhà có điều kiện thì mua sắm đủ thứ, nào là mâm ngũ quả thật đẹp, các loại bánh mứt thật hảo hạng, cây giò thật to, gà, thịt thật nhiều, bánh chưng và nhiều loại bánh khác. Cùng với những thứ ăn, là những chậu hoa, cây cảnh, chậu quất sai qủa, gốc mai cành đào đầy đủ lộc, nụ, hoa…

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” là cái Tết truyền thống của người Việt Nam. Ý nói cái Tết có cả phần vật chất lẫn tinh thần. “Câu đối đỏ” ngày nay được cải tiến rất nhiều. Bên cạnh những đôi câu đối viết bằng mực đen trên nền giấy điều, giấy lụa là những câu đối in trên loại giấy bóng tốt, nhiều nhà còn sắm về những hoành phi câu đối bằng gỗ, khảm trai hay những đôi câu đối thêu… Quan niệm của người Việt, ngày Tết tiễn cái cũ đi, đón cái mới về. Chính vì vậy, cùng với việc mua sắm, nhiều nhà có điều kiện, những tháng cuối năm thay đổi những cái cũ trong nhà như thay đổi tivi mới to hơn, đổi cái tủ lạnh, cái máy giặt hay thay xe… nhà không có điều kiện thì cũng cố gắng làm cho căn nhà mới hơn bằng việc quét vôi lại hoặc kê dọn đồ đạc trong nhà, lau chùi đánh bóng lư hương bát đèn, dọn dẹp sân vườn sạch sẽ…

Ngày Tết, còn là dịp để người người vui chơi. Bên cạnh việc “Ăn Tết”, người ta nghĩ đến việc “Chơi Tết”. Chơi Tết có thể kéo dài từ những ngày áp Tết 27, 28, 29 Tết với những cuộc đi ngắm chợ hoa, đi chợ Tết và ngày nay còn cả việc đi vào các siêu thị. Có thể mua hoặc có thể chẳng mua gì, song việc đi chợ như là niềm vui của ngày Tết, đặc biệt đối với giới nữ. Vì vậy, chợ là nơi thu hút đông người. Chợ vốn dĩ đã ồn ào, náo nhiệt thì những ngày áp Tết chợ càng thêm tưng bừng, rộn rã hơn. Nói đến “Chơi Tết” thì không thể không nói đến chuyện đi thăm hỏi, chúc Tết nhau, con cái đi chúc Tết cha mẹ, anh em, họ hàng, thân bằng cố hữu đến chúc Tết nhau. Trong nhà, ngoài đường vui như trẩy hội. Việc “Chơi Tết” không chỉ dừng lại ở ngày Mùng Một, Mùng Hai. Nó có thể kéo dài hết tháng giêng, tháng hai và cả tháng ba với những lễ hội, đình đám. Vì thế mà người ta có câu: Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai đình đám, tháng ba hội hè. Có lẽ người người chờ đón Tết, thích Tết cũng vì lẽ đó.

Tết cho người âm

Người Việt rất trọng chữ “Lễ nghĩa – trước sau”. Ngày Tết nhà ai cũng phải có mâm ngũ quả, mâm cơm thắp hương tổ tiên. Quan niệm “Trần sao, âm vậy” nên dễ thấy những ngày trước Tết, trong các chợ, quầy bán hàng mã cũng rất đông người. Người ta mua tiền, vàng, mua quần áo, có nhà chu đáo còn mua cả tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe honda hay cả xe hơi, điện thoại di động, toà nhà nhiều tầng về đốt cho người thân ở cõi âm.

Ở nhiều làng quê, người ta còn nghĩ về người âm, lo Tết cho những người âm không có nhà cửa bằng việc nấu cháo hay cơm nát đơm từng thìa cho vào lá sung hoặc lá ổi đã được cuộn tròn như cái phễu đem để bụi tre, dọc đường vào đêm ba mươi. Và cũng trong đêm ba mươi, ngày mùng một chủ nhà nào cẩn thận còn bảo con cháu ra mở cửa, mở cả cửa trước, cửa sau, ngoài ý niệm trần thế đón Xuân vào nhà còn hàm ý mở cửa mời ông bà, tổ tiên về cùng vui đón Tết.

Tết cho người âm còn thể hiện ở việc người trần đi tảo mộ. Thường người ta đi tảo mộ vào sáng sớm mùng hai hoặc mùng ba Tết với mâm cơm nhỏ để ông bà, cụ kị chứng cho con, cho cháu, hoặc với những người trẻ xấu số thì mâm cơm tảo mộ còn để cho hương hồn họ không cảm thấy cô quạnh.

Tết cho hai phần thế giới… giao thoa

Ngày Tết, đất trời giao hòa, người người gần gũi nhau hơn. Trong cái không khí ấm áp lạ thường của ngày Tết, người đi xa lại thêm nhớ về nhà, về quê hương, nơi đó có những người thân yêu, ruột thịt. Bên mâm cơm gia đình, gợi nhớ những người ở xa, ngậm ngùi nghĩ về những người thân đã khuất. Trong cái khối đất trời hoà quyện, người người muốn tìm và gặp nhau có lẽ cũng xuất phát từ những ước nguyện ấy.

Những ngày Tết, người ta đến với cửa chùa, cửa đền nhiều hơn. Tuỳ từng điều kiện của mỗi gia đình, tuỳ vào lòng thành của mỗi người song hầu hết đến chùa ai cũng có được lễ vật để dâng. Ở nơi này, trong bảng lảng của khói hương, người người cầu ước và hy vọng những ông quan với bộ mặt hiền từ ngồi kia cùng những linh hồn quanh đó nghe được và giúp họ thực hiện những điều ước tốt đẹp trong năm mới. Trong dân gian, người ta cũng truyền miệng nhau rằng, ngày Tết, các quan trông coi các chùa cũng rất bận rộn. Họ phải cắt cử nhau ở chùa để ghi lại những điều mong ước của người trần. Sau đó báo cáo lên thiên đình, rồi căn cứ vào những việc làm thiện, ác của từng người, của từng gia đình mà thiên triều cho người đó được hưởng hạnh phúc hay khổ đau trong năm đó. Những vong hồn cũng quanh quẩn cửa chùa thường là những vong hồn phiêu dạt không cửa nhà, họ tìm đến đây để xin được ăn. Và cửa chùa chính là nơi giúp người âm và người dương gần nhau hơn.

Tết nơi xứ đạo

Những ngày giáp Tết mọi nhà tất bật bận rộn công việc bán mua, sắm sửa cho ngày Tết. Chợ búa đông vui nhộn nhịp.

Xứ đạo tôi thuộc miền quê, rộn ràng bao lo toan đón Tết. Chuẩn bị quà Tết cho người nghèo. Năm nay mất mùa, người nghèo nhiều hơn. Quà Tết cho người nghèo là lương thực cứu đói. Huy động hết mọi đoàn thể, mọi giới trong xứ đi lạc quyên giúp người nghèo được “Ăn Tết” cùng với mọi nhà, bởi lẽ “giàu thì ngày ăn ba bữa, nghèo thì cũng đỏ lửa ba lần”. Quà cho các cụ già trên 70 tuổi như tấm lòng biết ơn cùng với lời chúc thọ của con cháu trong thánh lễ Mồng Hai Tết.

Năm nào giáo xứ cũng tổ chức hội thao cho giới trẻ, thiếu nhi, bóng đá bóng chuyền. Thêm ba đêm hội chợ, văn nghệ vui xuân. Vì thế khuôn viên Nhà thờ tấp nập mọi đoàn thể ngày đêm tập luyện, chuẩn bị cho ba ngày Tết. Vui Tết lành mạnh, ở làng quê giảm đi bao tệ nạn cờ bạc rượu chè say sưa.

Đất Thánh cũng đông người đến tảo mộ, sửa soạn cho Thánh Lễ sáng Mồng Hai Tết. Những ngày cận Tết, nghĩa trang lung linh ánh sáng đèn nến, nhập nhoà hương khói.

Chuyện Tết cho người trần, Tết cho người âm, Tết cho người nghèo chính là cuộc sống mà người người đang hối hả khi cái Tết bắt đầu gõ cửa.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2009

Cầu Nguyện Trong Gia Đình

Cầu nguyện trong gia đình làm biến đổi đời sống
VietCatholic News (21 Jan 2009 16:08)
Vatican (VIS) - Vào hồi 8 giờ tối hôm 17/01/2009 (giờ Mêxicô), một đoạn video sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được trình chiếu cho các tham dự viên Cuộc Họp Mặt Thế Giới các Gia Đình thần thứ 6. Sự kiện này được tổ chức từ ngày 14 đến 18/01, là thời điểm của lễ nghi và chứng tá với sự hiện diện của các gia đình Kitô giáo trên khắp thế giới, được diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Guadalupe, Mexico với chủ đề: “Gia đình, Nhà Giáo dục các giá trị Nhân bản và Kitô giáo”

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong sứ điệp của mình cho hay rằng Chủ đề nhắc nhở chúng ta rằng: "Môi trường gia đình là trường học về đời sống nhân bản và Kitô giáo đối với tất cả các thành viên mang lại thành quả ích lợi cho con người, Giáo Hội và xã hội. Thực thế, gia đình được kêu gọi thực thi tình yêu thương lẫn nhau và lòng chân thật, tôn trọng và công lý, trung thành và hợp tác, phục vụ và sẵn sàng giúp đỡ tha nhân, nhất là người cô thế. Gia đình Kitô giáo... phải thấm nhuần sự hiện diện của Thiên Chúa, đặt các sự kiện hằng ngày vào tay Chúa và kêu cầu Ngài giúp làm trọn sứ mạng quan trọng của gia đình".

Đức Thánh Cha cho hay: "Đối với mục đích tối hậu này, thật hết sức quan trọng cho việc cầu nguyện trong gia đình vào những thời khắc thích hợp và đầy ý nghĩa nhất. Người chủ trì dứt khoát phài là bậc cha mẹ trong gia đình, vốn lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, vốn học hỏi những gì quan trọng nhất trong đời sống từ Chúa và đưa những răn dạy của Chúa vào thực hành. Bằng cách này đời sống cá nhân và gia đình dần dần được biến chuyển và cải thiện, đối thoại được làm cho phong phú, đức tin được truyền cho con cái, niềm vui được cùng nhau làm tăng thêm và ngôi nhà trở nên được hiệp nhất và củng cố thêm, giống như căn nhà được xây dựng trên đá".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh "bằng sức mạnh từ lời cầu nguyện, gia đình sẽ trở thành một cộng đoàn các môn đệ và nhà truyền giáo của Chúa Kitô... Qua những kinh nghiệm về đức vâng lời của đạo làm con đối với Thiên Chúa, lòng trung tín và quảng đại trong việc chào đón trẻ nhỏ, chăm sóc cho người yếu ớt và sẵn lòng tha thứ, gia đình sẽ trở thành một đời sống Tin Mừng mà tất cả mọi người có thể đọc được". Hơn nữa, các gia đình phải "mang chứng tá của mình về đời sống và sự tuyên bố dứt khoát của mình về đức tin cho những người xung quanh, như nhà trường và các mối quan hệ quanh mình, và phải dấn thân vào việc giáo dục giáo lý cho con cái mình cũng như các hoạt động mục vụ của cộng đồng giáo xứ mình, nhất là các hoạt động kết hợp với việc chuẩn bị hôn nhân hoặc hướng dẫn cụ thể cho đời sống gia đình".

Ngài cũng giải thích: "Do chức năng xã hội thiết yếu của nó mà gia đình có quyền được biết đến với một đặc tính riêng biệt được công nhận và không thể lẫn lộn với các hình thức khác của sự chung sống. Nó cũng phải được đảm bảo có được sự bảo vệ thích đáng về văn hoá, pháp lý, kinh tế, xã hội và sức khỏe. Nhất là gia đình phải được ban cho sự ủng hộ, vốn hằng ghi nhớ về số trẻ trong gia đình và các nguồn kinh tế có thể kiếm được, đủ để có khả năng tự do về giáo dục và lựa chọn trường học".

Cuối cùng Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết "phát triển nền văn hóa gia đình và các chính sách gia đình được định hướng bởi chính các gia đình". Trong bối cảnh này, ngài khuyến khích các cử tọa "tham gia vào các hiệp hội vốn cổ võ đặc tính và quyền lợi của gia đình trong việc gìn giữ viễn tượng nhân loại học gắn kết với Tin Mừng. Hơn nữa, tôi mời gọi những hiệp hội này cộng tác với nhau để hoạt động của mình thêm hiệu quả".

Hôm 18/01/2009, trong bài giảng qua hệ thống truyền hình cho khách hành hương tham dự Thánh Lễ Bế Mạc Cuộc Họp Mặt Thế Giới các Gia Đình thần thứ 6 tại quảng trường trước Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Guadalupe, Đức Thánh Cha đã công bố Cuộc Họp Mặt Thế Giới các Gia Đình lần tới sẽ diễn ra ở Thành phố Milan vào mùa Xuân 2012 với chủ đề: “Gia Đình trong Tác Vụ và Đại Lễ”

John Bosco Nguyễn Hoàng Thương

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2009

Tết Nguyên Đán - Sinh Nhật Của Con người

TẾT NGUYÊN ĐÁN HAY LỄ SINH NHẬT CỦA CON NGƯỜI

Từ ngàn xưa đến nay Tết Nguyên Đán luôn luôn là một lễ Tết lớn nhất trong những cái tết của dân tộc Việt, mà hầu như mọi người đều biết đó là:

Tết Nguyên Đán: ngày đầu năm (1/1).

Tết Thượng nguyên: ngày rằm tháng Giêng (15/1).

Tết Thanh minh: 60 ngày sau ngày Lập Xuân, tức là 60 ngày sau ngày mồng một tháng Chạp.

Tết Đoan Ngọ: ngày mồng 5 tháng Năm (5/5).

Tết Trung nguyên: ngày rằm tháng Bảy (15/7).

Tết Trung Thu: ngày rằm tháng Tám (15/8).

Tết Hạ nguyên: ngày rằm tháng Mười (15/10).

Nhân dịp này, tôi cũng xin nhắc lại cho mọi người Việt mình là nguồn gốc của những cái lễ Tết này phát xuất từ văn hoá nông nghiệp, tức là của Việt tộc chớ không phải là của Tàu như có nhiều người trí thức còn tưởng, hay như những bài viết phổ biến trên internet hoặc những sách vở, báo chí dựa trên tài liệu của Tàu. Vì với khoa khảo cổ hiện nay đã chứng minh có bằng cớ là văn minh của Tàu bây giờ là do văn hoá của Việt tộc, và mới đây qua tác phẩm "Việt Nam Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông" của tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa trích ra nói rõ vấn đề nguồn gốc này mà có lẽ đa số người mình đã được biết:

a)- Vào khoảng 2.000 năm trước Tây lịch, vua Nghiêu đã cử đại quan trong triều về đất Nam Giao (tức Việt Nam ngày nay) để học về thiên văn, phép làm lịch và văn tự.

b)- Trước khi đánh thắng vua Trụ để lập nên triều Chu, tổ của nhà Chu là Cổ Công (Đản Phụ) đã cử 2 thái tử con lớn sang du học tại nước Việt.

c)- Chu công Cơ Đán, trong lúc thay vua (Thành vương) điều hành triều đình nhà Chu, vào năm 1.100 trước Tây lịch, xác nhận nước Việt và nước Tàu hoàn toàn độc lập với nhau, không phải là chư hầu như các sử gia về sau xuyên tạc.

d)- Sử liệu Thượng Thư, Sử Ký Tư Mã Thiên và tài liệu Âu Mỹ ghi rõ: Người Việt đã sống định cư từ hơn 5.000 năm trước Tây lịch và là giống dân đầu tiên trồng lúa gạo trên thế giới trong khi Chu công Cơ Đán xác nhận 1.000 năm trước Tây lịch, người Tàu còn sống đời du mục.

e)- Đức thánh Khổng Tử đã lấy phong dao Việt tộc đưa vào Kinh Thi, kính cẩn xếp vào Quốc Phong. Ngài lại còn xếp phong dao Việt Nam vào "chính phong" để giáo hóa luân lý đạo đức cho người Tàu thời bấy giờ.

f)- Vạch trần chính sách tàn độc của triều Hán "nhất thống thiên hạ", bành trướng lãnh thổ, tiêu diệt các dân tộc sau khi xâm chiếm lãnh thổ của họ.

g)- Xác nhận kiến trúc sư Nguyễn An là người vẽ kiểu và chỉ huy hàng trăm ngàn nhân công xây dựng cung cấm cố đô Bắc Kinh, nổi tiếng với Tử Cấm Thành, Thiên An Môn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Hay với những tác phẩm "Bách Việt Tiên Hiền Chí" – Lĩnh Nam Di Thư, hoặc "Nguồn Gốc Việt Tộc" và "Huyền Sử Việt" của Phạm Trần Anh. Nhất là từ đầu thập niên 60, với công trình nghiên cứu của triết gia Kim-Định qua những tác phẩm như "Việt Lý Tố Nguyên" hay "Dịch Kinh Linh Thể" đã chứng minh nguồn gốc dân tộc Việt và Kinh Dịch là của Việt tộc.

Vì từ lâu không còn biết dân tộc tính là gì nên người Việt mình cũng không cần dân tộc tính mà mình vẫn sống tỉnh bơ, nghĩa là gần 3 triệu người vẫn sống phây phây ở hải ngoại để đừng nói là vinh thân phì gia, và hơn 80 triệu dân cũng vẫn sống cúi đầu chịu đựng: nghèo đói, khổ cực bệnh hoạn với mọi ác độc bất nhân (...) tại quê nhà, từ hơn 33 năm nay !

Vì đã đánh mất dân tộc tính nên mình dầu có sống vinh thân hay khổ nhục cũng đều là con người mất hồn nên hết biết mình là ai ?! Cho dù mình có mang quốc tịch Việt, Mỹ, Tây, Tàu,... từ lúc mới sinh ra, nhưng nếu vô hồn, vô tính thì mình không phải là người mà chỉ là ngợm ! Vì Tính nghĩa là Nhân, là Thiên, là Mệnh, là Đạo, là Dân, là Việt, là Tộc, là Hồn, nên mới là Dân Tộc, mới là Tổ Quốc, mới là Hồn Thiêng Sông Núi. Cho nên Dân Tộc Tính không phải là đặc tính của một dân tộc như da vàng mũi tẹt, tóc mướt, mắt đen, thông minh, cần cù, can đảm, tình cảm, lãng mạn,... hay ăn cơm với nước mắm, v.v...

Nên sự nhận biết nguồn gốc dân tộc mình là một yếu tố cần thiết cho Dân Tộc Tính. Trước hết để cho người Việt mình ý thức nghĩa Dân Tộc Tính như vừa nói trên, là biểu tượng và mẫu mực của Trời Đất là đức Nhân: "nhân giả kỳ thiên địa chi đức", chứ không phải là dân của một nước từ xưa đã bị dân du mục xâm chiếm rồi coi là nhược tiểu: man, di, mọi rợ, nghèo đói chậm tiến (...) Thứ đến, sự ý thức cao độ dân tộc tính là thiết yếu cho người Việt mình tìm lại được chủ đạo với tinh thần quật khởi, vì chỉ có con đường dân tộc là con đường duy nhất để trở về Quê Hương.

Vì vậy mà phải biết cội nguồn để mới tìm lại được dân tộc tính, mới hiểu thấu được tại sao tổ tiên đã nói: "Uống nước nhớ nguồn" không phải chỉ là nghĩa biết ơn để rồi đền đáp, hay là "cội nguồn dân tộc" như người mình vẫn hiểu, mà ở đây phải hiểu là nghĩa " nguồn suối sinh sinh bất tức" như hai câu ca dao sau đây mà mỗi người Việt mình đã thuộc nằm lòng từ thời thơ ấu:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

ý nghĩa thâm sâu của hai câu ca dao này không phải là
nghĩa công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình to lớn như núi Thái Sơn, hay lai láng như nước từ trong nguồn không ngừng chảy ra Đại Dương, mà mọi người đều hiểu với công lao ơn nghĩa; nhưng chính là nghĩa Tính của Càn Khôn là Trời Đất, là Sông Núi, là Cha Mẹ, là Tổ Tiên, là Dân Tộc,... đó mới là Công Bình Chính Nghĩa. Xin đừng hiểu ở đây "công bình" với nghĩa bằng nhau và "chính nghĩa" là đúng lý như ai cũng hiểu, nhưng phải hiểu Công nghĩa là chung (một) như Núi Thái Sơn và Bình là nghĩa "bình thiên hạ" mà cũng là ẩn nghĩa Thái Cực, và Nghĩa cũng là chung (thủy) như Nước, là nghĩa uyển chuyển thích nghi như nghĩa Nhu, nên Nhu thêm bộ Nhân thành ra chữ Nho; nên "Công cha Nghĩa mẹ" đó là Càn Khôn Nhất Thể, là Vô Cực vô thủy vô chung.Từ cội nguồn vô thủy vô chung vô thanh vô xú đó còn gọi là Vô Thường, khi mặc Thể thành Thái Cực sinh Lưỡng Nghi rồi Tứ Tượng."Tượng là cái "Thể" chưa thành Hình nên còn ở giai đoạn trừu tượng tức là còn ở thể một mà hai, là thái cực với lưỡng nghi (âm dương), để rồi từ lưỡng nghi biến hóa ra tứ tượng, để chỉ bốn mùa, bốn phương, biểu thị cho bốn khía cạnh cần thiết cho bất cứ vật nào để hiện ra trước là tượng, rồi sau là hình. Hễ đã thành hình thì trước tiên phải có góc, có biên dù chỉ là thấp thoáng. Vậy phải hiểu khi chưa có hình (mới là vòng trong) thì là Đạo thể, hay gọi vắn tắt là Thể, khi đã mặc hình (vòng ngoài) thì là khí vật thể hay Dụng." (Kim-Định)Vì vậy mà Đạo được quan niệm bởi tổ tiên là âm dương, là Trời Đất để sinh sinh hoá hoá không ngừng (bất tức) theo luật biến dịch để "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" theo luật loại tụ, và luật giá sắc (gieo gặt) có thể nói là sự đúc kết của hai luật biến động và loại tụ. Đây là một luật rất phong phú có thể tóm tắt như sau, hễ:

- Có gieo sẽ gặt

- Ai gieo nấy gặt

- Gieo gì gặt ấy

- Gieo một gặt trăm v.v..., như câu ngạn ngữ mà ai cũng biết: "gieo gió gặt bão" đã nói lên hết ý nghĩa của luật này. Đã có giá tất có sắc. Nếu đã gieo hạt tâm linh thì tất chính mình sẽ gặt tâm linh: những chất cao cả, sáng láng, an vui, thanh thoát... toàn là những chất giúp cho tiến hoá mạnh. Điều tối quan trọng cho sự tiến hoá là Hữu phu, nghĩa là tin vào khả năng tâm linh nơi mình vì có tin như vậy thì mới đủ nhẫn nại cường kiện để đạt sự sáng láng hanh thông bền vững tốt lành. Đây là điều kiện để thành công trong mọi việc lớn mà việc lớn nhất của một đời người là tiến hoá để thành Nhân.

Nên bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông còn gọi là thời tiết, theo tiết điệu của Càn Khôn: nguyên, hanh, lợi, trinh, (quẻ Càn) hay bốn giai đoạn sinh, trưởng, hủy, diệt của vạn vật đều theo luật tam tòng, là: biến dịch, loại tụ, giá sắc.

Phần đông các học giả nghiên cứu về nguồn gốc và ý nghĩa của cái Tết này chỉ giải thích với vòng ngoài: nghĩa là dân tộc (Bách) Việt từ xưa nay là xứ nông nghiệp, nên một khi mùa màng đã gặt xong và lúa đã xay thành gạo đem cất vào kho lẫm, thì lo chuẩn bị ăn Tết để cám ơn Trời Đất và để đón mừng một chu kỳ mới của thiên nhiên, với nguyện vọng mưa thuận gió hòa; và chờ thời tiết "thanh minh" hơn, tức sang Xuân hẳn, nghĩa là từ tháng 3 mới khởi công làm việc trồng trọt trở lại, như ca dao có câu :

Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng.

Cho nên từ đó mới có chữ Tết Nguyên Đán, hay đúng hơn phải nói là dựa vào 3 chữ này để cắt nghĩa theo. Vì theo từ điển Hán-Việt xưa nay, với Tết vẫn là nghĩa (thời)Tiết, và Nguyên là khởi (bắt) đầu, còn Đán là buổi sáng sớm (ngày mới). Như vậy, Nguyên Đán là buổi sáng đầu tiên trong năm và Tết là Lễ mừng Trời Đất bắt đầu một chu kỳ mới với 4 mùa, mà khởi đầu là Xuân.

Nhưng qua bài viết này tôi chỉ muốn mạo muội góp ý, với nghĩa của Tết Nguyên Đán không chỉ ở trong tự điển, vì ngôn tự (lời nói, chữ viết) không thể nào chứa được hết nghĩa của Trời Đất, đó là Thiên, là Mệnh, là Tính, vì vậy mà Kinh Lễ (sách Trung Dung) mới có câu: "Thiên Mệnh chi vị Tính, Suất Tính chi vị Đạo", nghĩa là "Mệnh Trời là Tính, Noi theo Tính là Đạo". Cho nên ở đây tôi muốn nói, Tết cũng là "Lễ Đạo", nhưng xin đừng có hiểu "đạo" theo nghĩa kiểu đi chùa hay đi nhà thờ, và "lễ" theo kiểu đốt nhan rồi lạy, hay đốt đèn rồi làm dấu thánh giá; vì đó mới chỉ là lễ lạy, lễ nghi, lễ tắc,… chứ không phải là Lễ của Đạo. Vì "Lễ" ở đây phải hiểu với nghĩa "tế tự" nghĩa là tự kính, tự trọng, tự chủ để làm cho lớn cái đức Nhân mà đem lòng thương yêu mọi người. Đó là cái đích tối cao của lễ: "Giáo dân tương ái, thượng hạ dụng tình, lễ chi chí dã" (Kinh Lễ 21.3), hay nói cách khác Lễ nghĩa là có ý cho dân biết hỗ tương yêu quý nhau, trên dưới dụng tình hơn lý.

Vì nếu nói theo nghĩa tự (chữ), thì Tết không chỉ là "tiết" với nghĩa thời tiết như mát hay lạnh, mà là với nghĩa lộ ra, phát ra. Còn "Nguyên" (chữ Nho) được viết với hai bộ thủ ghép lại là: bộ "nhị" ở trên và bộ "nhân" (viết kiểu biến dạng như đang đi) ở dưới; mà "nhị" là hai, được viết bằng 2 gạch song song (=), và đó là nghĩa "lưỡng cực" với âm dương, là "lưỡng nghi" với tượng hình, trời đất, vũ trụ, vạn vật, và nếu đem Trời Đất mà ghép với (chữ) "Nhân"(người), thì đúng là nghĩa "Nguyên"(con), tức phải hiểu là con người "bắt đầu" ló ra (thành Hình), khởi đầu phát ra "Nhân Tính"; vì chỉ khi nào mình cảm được và ý thức là Trời Đất giao hòa, kết hợp và thông dung nơi mình, thì mình mới là Người đúng như câu "nhân giả kỳ thiên địa chi đức". Còn chữ Đán được ghép bởi hai bộ thủ, với ở trên là bộ "nhật" có nghĩa là mặt trời, và ở dưới là bộ "nhất" nghĩa là Một, với nghĩa cực lớn, tức là "thái cực", cho nên mặt trời còn gọi là "thái dương". Nên Đán không chỉ là nghĩa "sáng sớm" mà phải hiểu với nghĩa "nhất thể", mà "thể" ở đây là "sáng", nghĩa là phải có "ánh sáng", con người mới "thấy" được Trời Đất và mới "biết" được mình là Nhân Tính, là Thiên Mệnh, là Thiên lý.

Cho nên theo tôi Tết Nguyên Đán là ý nghĩa con người được thành Hình với vạn vật, nên cũng có thể nói là lễ Sinh Nhật của Con Người, tức của mọi người, với nghĩa bắt đầu cho cuộc hành trình Thành Nhân theo tiết Trời và nhịp Đất, vì con người là Tượng hóa thành Hình để được thấy Ánh Sáng, để sống trong và sống với Ánh Sáng là Tâm Linh, là Tình Yêu, là Chúa, là Phật, là Đạo… thì mới cảm được Hạnh Phúc vô biên không thể tả(!), ngay bây giờ và ở đây. Nên con người chỉ có ý nghĩa để hiện hữu và chỉ là Người một khi biết sống Hoà với Trời Đất và sống ý thức mình là Một với vũ trụ vạn vật; đó là lý do mà người mình không mừng sinh nhật cá nhân như ở xứ Âu Mỹ. Bây giờ nếu có, thì cũng chỉ là bắt chước cái thuyết cá nhân chủ nghĩa (individualisme) của phương Tây, và vì vong bản nên không còn hiểu biết gì về nền tảng Đạo con người !

Vì con người là: "nhân giả kỳ thiên địa chi đức" và "thiên lý tại nhân tâm", mà tổ tiên của Việt tộc mới ăn mừng Tết tới cả tháng, và đặt ra Lễ để thích Nghi với Thiên lý mà ăn chơi với hết tâm hồn thì mới là sống với hết chiều kích vô biên của con người, thì mới vực được Đạo như tục ngữ có câu: "có thực mới vực được Đạo", cũng như ca dao có câu: "ăn được ngủ được là tiên", thì đó là triết lý sống Đạo thiết thực của Việt tộc mà không ở đâu có cho bằng.

"Vì thế phải là thứ động vô cầu và đó là chơi. Vì chơi mà muốn trung thực phải là không tìm cầu cái chi bên ngoài: không tranh thắng, không tiền tài, không danh vọng. Chơi được như vậy chỉ có hài nhi: hài nhi chơi luôn luôn, mà chơi là chơi, không đòi hỏi cái gì, không biết đòi gì. Vì thế mà ví Tạo Hóa với trẻ đang chơi gọi là “Hóa nhi đa hí lộng”. " (Kim-Định)

Vì vậy mà phải "Hoá nhi đa hí lộng" tức là sống như chơi giống như con nít nghĩa là với tâm hồn đơn sơ không âu lo tính toán, để chơi cho tài nghệ với cầm, kỳ, thi, họa, với ca, vũ, nhạc, kịch hay cả với tứ đổ tường: rượu chè, trai gái, hút sách, cờ bạc, nhưng phải biết chơi cho đúng nhịp (điệu) với Đất Trời, nghĩa là với "Chí Trung Hoà" (trung dung) thì mới cảm nhận được niềm vui với chiều kích vô biên, thì đó chính là Hạnh Phúc. Cho nên tổ tiên Việt tộc mới ẩn giấu ý nghĩa đó qua ca dao như:

Chơi cho bể hẹp bằng ao
Chơi cho trái núi lọt vào trôn kim
Chơi cho bong bóng thì chìm
Hòn đá thì nổi, gỗ lim lập lờ

"Ý nghĩa cuộc sống là ở chỗ đó, ở chỗ cuối cùng sẽ tham dự đắc lực vào cuộc chơi của Tạo Hóa. Như vậy thì đời sống phải là một cuộc chơi: nếu Thượng Đế là một Hóa Nhi đa hí lộng Cha, thì loài người cũng phải là những hóa nhi đa hí lộng con. Nói cụ thể: nếu quan niệm vũ trụ như cuộc chơi của con Tạo là ổn thỏa nhất thì cũng phải xem đời người như một cuộc chơi mới là quan niệm hay hơn hết cho con người.

Chính quan niệm nọ đặt nền móng tâm lý cho cuộc sống an nhiên tự tại. Xem đời sống là một ván cờ, hoặc một vở tuồng, hay vở kịch mà mình cũng đóng một vai: tất cả những đau khổ, những sự bất như ý, trái tai gai mắt mình thấy hằng ngày đều là dấu chỉ sự kéo xuống của bên kia, mình cần cố gắng kéo lên, để đời sống ngày thêm tươi đẹp. Những sự cố gắng đó mặc nhiều hình thức gọi là nhân đức, là trí, nhân, dũng... cần được vun bồi cho ngày thêm lớn mạnh. Vì thế mà những bê bối, bất công, lộn xộn trong đường đời không ở đâu và bao giờ có thể xóa bỏ, nên ta phải tìm cho chúng lý do tồn tại đó là để rèn luyện trí óc con người luôn luôn có dịp xoay sở, tập minh biện, tập sáng tạo những phương pháp mới tìm ra đường lối mới để làm đẹp cho cuộc sống. Cuộc sống ví như chơi cờ ván ván khác nhau, lý trí phải luôn luôn tỉnh thức, dò trước xét sau. Có vậy trí mới tiến được. Trí có tiến thì nhân và dũng cũng mới tiến theo. Đó là lý do sâu xa tại sao phải nhận vũ trụ quan động, tại sao phải quan niệm cuộc đời như cuộc chơi." (Kim-Định)

Vì vậy mà cho đến nay mọi người Việt (nếu không mất gốc) dù giàu hay nghèo, đều nôn nao đón Tết và mừng Tết để ăn chơi, để mới sống thật sự chiều kích vô biên của con người. Chứ Tết Nguyên Đán không phải là nghĩa của một lễ đoàn tụ gia đình, trước là để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ qua chuyện cúng vái, sau là để mừng tuổi chúc thọ rồi ăn uống nhậu nhẹt với bánh mứt hoa quả hay mâm cỗ với 36 món, như đa số mọi người đều tưởng.

Vì không chỉ có Tết mới là dịp nhớ đến ông bà tổ tiên hay để ăn chơi ăn uống, nhưng bất cứ lễ tế nào người mình cũng nhớ đến ông bà cha mẹ và cũng có nhậu nhẹt, vì đó là truyền thống dân tộc. Vì ý nghĩa của Lễ là tế tự, là Giao hoà với Trời Đất thì mới có an vui hoan lạc, cho nên tổ tiên mới nói: "giao lạc hồ Thiên, giao thực hồ Địa". Vì vậy phong tục của mình dù bất cứ lễ nào cũng đều có phần hương khói và ẩm thực, vì với hương khói là việc tế tự để hướng lòng mình quy tâm về để "giao" hoà thông hiệp với Thiên để cảm niềm hoan lạc. Cho nên việc tế tự chính là để tỏ lòng tôn kính, tự trọng mình vì mình là: "nhân giả kỳ thiên địa chi đức" như câu: "Tế tư kính" (LN. XIX.1). Vì "Kính" là đức đầu tiên để tha nhân tỏ lòng tôn trọng Thiên Tính qua Nhân Phẩm nơi mình, và là đầu mối hòa lạc an vui, nên đó là nền móng gây an bình trong xã hội. Và sau khi "giao lạc hồ Thiên" bằng tâm đồng hiệp ý với chiều kích đại ngã vô biên rồi, thì cũng phải "giao thực hồ Địa" nghĩa là ẩm thực với tâm hồn qua cách thưởng thức bằng ăn uống nhậu nhẹt thì mới là "sống thực" với tiểu ngã của con người hiện hữu, và cũng là cách thông giao với Đất.

Vì vậy mà mọi người đều mong cho Tết tới nên ca dao mới có câu:

Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè

vì Tết là thời điểm quan trọng như đã nói trên, nên theo phong tục truyền thống Tết đã trở thành một lễ lớn kéo dài cả tháng:

Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè

Mặc dầu là một dân tộc nghèo vì sống với nông nghiệp, nhưng trong quá khứ đã được an lạc hạnh phúc vì biết sống ăn chơi theo tiết nhịp của thiên nhiên. Đó là triết lý sống Đạo thành Nhân, quan trọng và thiết yếu hơn là giàu có và thành công. Chính vì thế mà phải sống vô tư, sống bay bổng như chim nghĩa là không dính bén hay vương vấn với cái Tâm Trống như Trời thì mới là Tiên, là Thánh, là Nhân, và đó mới là cứu cánh của con Người; chứ không phải như có nhiều trí thức giống như con "ếch ngồi đáy giếng thấy trời bằng vung" bảo là dân ta làm biếng ham chơi, không chịu làm việc, nên nghèo đói khổ cực từ xưa nay ?!

Nhưng thôi thì trăm người vạn ý như sao trên trời như cát dưới biển, không ai giống ai, không ai bắt ai phải hiểu hay nghĩ như tôi, nên tôi chỉ hy vọng bạn đừng là con ếch trí thức ngồi đáy giếng nhưng hãy là một ngôi sao để soi sáng cho văn hoá Việt dưới bầu trời dân tộc, qua ý nghĩa Tết Nguyên Đán mà cũng chính là Lễ Sinh Nhật của bạn với vạn vật.

Với ý nghĩa đó, tôi chân thành chúc bạn và gia đình một cái Tết Nguyên Đán Kỷ Sửu thật an vui hoan lạc.

Viết xong ngày 4 tháng 1 năm 2009.
(tức mồng 9 tháng chạp năm Mậu Tý)

Nguyễn Sơn Hà

Nguồn: www.dunglac.org

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2009

Thăng Tiến Gia Đình Qua Đàm Thoại

Thăng tiến các mối quan hệ gia đình qua đàm thoại
VietCatholic News (05 Jan 2009 16:32)
Văn hào Nga Leo Tolstoy nói, “Đau khổ thì mỗi người mỗi khác, nhưng những kẻ hạnh phúc thường có điểm tương đồng”. Khi nghiên cứu về gia đình, các chuyên gia tâm lý nhận ra trong các gia đình lành mạnh thường có những yếu tố tương đồng sau:

• Đàm thoại cởi mở
• Niềm cảm kích, sự tôn trọng lẫn nhau
• Đời sống tinh thần, tôn giáo cao
• Khả năng thích nghi, uyển chuyển với các thay đổi
• Rõ ràng trong các quy luật gia đình

Họ đều đồng ý rằng, vấn đề đàm thoại là nguyên do hàng đầu gây đổ vỡ gia đình, thứ đến là các vấn đề như tiền bạc, thân thuộc nội ngoại hai bên, tình dục, quan hệ qúa khứ và con cái.

Để nhận diện gia đình có hoà hợp hay không, người ta có thể xem cách họ trò chuyện với nhau. Khi ta hỏi người vợ, “Thế ổng ở đâu rồi?” và được trả lời, “Thằng chả ngồi ở đằng kia”, thì chúng ta biết mối liên hệ giữa hai người đang có vấn đề.

Một gia đình lành mạnh khi các thành viên trong nhà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Họ dành thì giờ cho nhau và thực sự thích thú khi gần nhau. Sự gần gũi không phải là tình cờ, nhưng họ sắp xếp thì giờ để cùng ăn uống, giải trí, làm việc chung. Các nghiên cứu còn tìm ra điểm lý thú là các gia đình lành mạnh thường thích sinh hoạt ngoài trời, vì họ không bị chi phối bởi điện thoại, truyền hình hoặc các công việc nhà.

Các phát minh hiện đại như điện thoại cầm tay, đồ chơi điện tử bỏ túi, vì vậy, là kẻ thù của các sinh hoạt gia đình. Nếu bạn muốn khỏi bị chi phối khi sinh hoạt ngoài trời, yêu cầu mọi người tắt xeo-phôn và để các máy móc điện tử ở nhà.

Một gia đình lành mạnh có xung khắc không? Thật ra, xung khắc là điều không thể tránh được, nhưng cách họ đối phó với nó ra sao mới là vấn đề. Các nhà tâm lý nhìn nhận có sự khác biệt về cách giải quyết xung đột giữa gia đình lành mạnh và gia đình bất hoà.

Khi có chuyện cãi cọ, những người trong gia đình bất hoà thường tìm cách tự vệ, không chịu lắng nghe, không có lòng thông cảm cho người khác, và dùng lối nói “lấy người đối diện làm chủ từ” (You Message). Ví dụ như người chồng nói, “Em làm anh buồn vì em đi làm về trễ”. Lối nói nầy có ý trách nên làm người nghe tìm cách chống chế bào chữa cho mình, vì vậy mối căng thẳng càng gia tăng.

Trong khi đó, khi có chuyện bất đồng, những người trong gia đình lành mạnh thường chú tâm vào vấn đề cần giải quyết, sẵn sàng nhận lỗi, biết lắng nghe, dùng lối nói “lấy tôi làm chủ từ” (I Message). Ví dụ, họ nói, “Anh cảm thấy buồn vì 7 giờ rồi mà chưa thấy em về”. Đây là lối nói bộc lộ cảm xúc, trình bày sự kiện và không cố ý chê trách nên người nghe dễ tiếp nhận hơn.

Vì sự tôn trọng là một yếu tố thiết yếu trong các quan hệ con người, nên trong đàm thoại các hình thức tấn công đặc tính người khác thường gây nên oán thù. Chúng ta không lạ gì khi vợ chồng bỏ nhau vì họ thiếu tôn trọng qua cách cư xử và đối thoại. Khi một đứa con nghịch ngợm, tình hình sẽ không tốt hơn nếu người vợ nói, “Ông dạy nó đi kìa, ông giỏi lắm mà!”; hoặc người chồng nói, “Bà hiền lành lắm, sao mà đẻ con như vậy?”

Khi có vấn đề, người trong gia đình lành mạnh không vội phản ứng mà họ biết giữ bình tĩnh để tìm lối giải quyết. Đó là một cách lấy “Time-outs”—tạm nghỉ.

Một bà mẹ đang khi làm việc nhận được điện thoại từ trường học yêu cầu tới đón con về, vì nó bị đuổi học, lý do là mang dao tới trường. Phản ứng cấp thời của bà lúc đó là không tin, làm sao chuyện đó xảy ra được bởi vì nó là một đứa học giỏi. Nhưng rồi bà cảm thấy tức giận, định bụng khi đến trường sẽ cho con một bạt tai để trừng phạt.

Thế rồi trên đường lái xe từ sở làm đến trường, đầu óc tỉnh táo hơn, bà suy nghĩ miên man về đứa con của mình. Đột nhiên, bà nhớ lại các điều nó đã nói với bà gần đây gồm cả chuyện nó và các bạn bị một nhóm học sinh người Mễ đe dọa. Lúc đó bà không để ý hỏi con vì nghĩ rằng chuyện đó rồi cũng qua, nhưng bây giờ điều đó làm cho bà suy nghĩ. Đây là phương pháp “Tự tranh luận”- đặt mình vào trường hợp của người đối diện để am hiểu họ hơn.

Khi biết manh mối của câu chuyện, bà có ý nghĩ lạc quan hơn về đứa con và vấn đề mình đang gặp phải. Bà thấy trước mắt mình có hai lựa chọn: Thứ nhất, la mắng, trừng phạt con vì nó là một đứa hư; hoặc thứ hai, ôn tồn ngồi nói chuyện với con, để tìm nguyên do, và yêu cầu nhà trường can thiệp.

Bà đã chọn giải pháp thứ hai. Kết qủa là, nó đã kể lại sự xung đột giữa hai nhóm học sinh ra làm sao, nó là đứa yếu thế nên cần có vũ khí để tự vệ nên đã mang dao tới trường. Khi nghe hết câu chuyện, tuy là nó vẫn bị đuổi học mấy ngày, bà và nhà trường đã tỏ ra thông cảm hơn và có kế hoạch giải quyết vấn đề để tránh tái phạm về sau.

Nếu bà đã không có sự điềm tĩnh thì hậu qủa xảy ra sẽ như thế nào?

Lối giải quyết đó có thể là rất thông thường với nhiều người, nhưng theo khoa tâm lý lý trí Psychology of Mind, nó dựa trên một một lý thuyết chú trọng các ưu điểm của cá nhân và gia đình, với niềm tin rằng con người ta nói chung đều có khả năng giải quyết các vấn đề của chính mình, nếu họ biết giữ bình tĩnh và xét vấn đề theo tình lý thông thường.

Khi có vấn đề, bạn đừng vội phản ứng mà hãy xét xem các ưu điểm của mình trước đã. Lấy giờ “tạm nghỉ”, tự tranh luận để hiểu người hơn, và ngồi xuống đàm thoại trong ôn hoà với lối nói “lấy tôi làm chủ từ”. Bạn sẽ ngạc nhiên vì kết qủa tốt hơn là bạn tưởng.-

Trần Hiếu

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2009

Cung Cách Làm Người

Tổ tiên mình có câu Tục ngữ : “ Làm Người thì khó, làm Ch. . thì dễ “ . câu nói bình dân nghe ra rất thô lỗ, được gán cho là văn chương nôm na mách qué, nhưng cũng là một lời cảnh tỉnh con cháu thật mạnh bạo, làm cho toát mồ hôi lạnh ra để lo Làm Người, vì “ Vi Nhân nan hĩ “ : làm Người khó thay! “

Trước tiên tôi xin trích một đoạn văn trong Lạc Thư Minh triết để Vào Đề:

A.- Từ Lễ Ba Vua tới Minh Triết Lạc Việt
( Lạc Thư Minh triết: Phụ trương. Kim Định )
( Đây là bài nói chuyện của triết gia Kim định nhân dịp Lễ Ba Vua năm 1970.
Đến nay đã gần 30 năm, nhưng vấn đề vẫn còn mới, còn như mới hơn.
Tôi xin trích dẫn để các anh chị em Giáo dân tham khảo. )

“ Trong khi Chúa sinh ra ở Betlem thì có 3 vua ở phương Đông lại dâng lễ vật là Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược.

Đấy là một lễ tỏ lòng suy tôn Chúa, không dè đến nay nhân loại cũng như Giáo hội gặp cơn khủng hoảng tinh thần, thì có người lại đổ thừa cho 3 Vua.

Chẳng hạn tác giả quyển Mysticism là Evelin Underhill cho rằng cơn khủng hoảng hiện nay trong Giáo hội là do đã chấp nhận những lễ vật của 3 Vua.

Trước hết là Vàng, khiến cho Giáo hội quá để tâm đến tiền bạc quyền thế, những chốn giàu sang mà bỏ nơi bần hàn, nên đánh mất giới thợ thuyền.

Thứ đến Nhũ Hương vốn liên hệ với Pháp môn dùng nhiều, khiến việc tôn sùng nghi lễ mắc vào hình thức rềnh rang bên ngoài mà xa tinh thần chân thực ở tại “ không thờ Chuá trên núi nọ, hay đền thờ kia “, nhưng trong tinh thần chân thực được thi hành có khi ngay “ trong phòng đóng cữa lại, không nói nhiểu lời kiểu quân vô đạo “ như thấy hiện nay.

Và do đó có sự khủng hoảng, nó hệ tại trước hết trong sự đứt quảng giữa Đạo và Đời, giữa đời Tu trì và Thế tục, giữa chủng viện và ngoài đời, khiến cho Đạo trở nên xa lạ với Thực tế, như người Pháp quen nói: Le christianisme est trop irréel “.

Vậy nay muốn thoát khỏi khủng hoảng thì cần trở về Nguồn để tìm ta ý nghĩa chân thực của Thánh Kinh khi vừa mới phát xuất nghĩa là còn trong bầu khí Đông phương chưa bị bẻ quặt do phạm trù Tây phương.

Chính trong tâm trạng đó mà một số người lại đưa sang Đông phương những cái nhìn tra hỏi, chờ mong hoặc thúc dục.

Chẳng hạn Monsieur Pouget, một linh mục có tiếng của Dòng Oratoire cho rằng Âu Châu chưa hiểu nổi Phúc Âm. Và cần phải chờ những nhà Bác học Đông phương giải minh mới trông nhận ra ý nghĩa chân thực của Thánh Kinh.

Hai chứng nhân vừa kể trên đây hoàn toàn trái ngược: Underwell đổ tại tặng vật của Đông phương, Pouget thì lại chờ mong ánh sáng tự Đông phương.

Chưa cần phải phân xử ai phải ai trái, nhưng ta có thể nhận định rằng, chính sự trái ngược đó nói lên tâm trạng xao xuyến trước cơn khủng hoảng, nên kẻ thì trách, người thì cứ chờ mong, nhưng tưu trung đều nói lên một cái gì như nhau, vì thế dầu nghĩ sao mặc, chúng ta vẫn có thể coi những câu trên như Dấu của thời đại, nó đã thôi thúc tôi lưu tâm đến việc tìm :“ Nguồn gốc Thánh Kinh cũng như Nguồn gốc Văn Hoá Việt Nam “. ( 1 ).

Và sau rất nhiều công phu tra hỏi tôi đã nhận thấy một sự khác biệt căn để này là Đông phương chú trọng Tâm linh, còn Tây phương chú trọng Lý trí, và đó là đầu dây mối nhợ dẫn đến việc tìm ra đáp số cho nhiều câu hỏi khác:

Chẳng hạn việc Vàng và Nhũ Hương mà Underhill đã nhăc đến trên kia. Chúng ta nhận thấy rằng, tác giả nói đúng nhưng chưa hết.

Đúng vì Vàng tức là lòng Tham Tiền Tài Thế Lực đã nhiều lần làm sa sút Giáo hội, cũng như sự quá bám vào Hình Thức Lễ Nghi, Hương khói, Kinh kệ đã là cớ làm cho Đời mất chiều Sâu.

Vậy nói Giáo hội bị khủng hoảng vì Vàng và Nhũ Hương thì đúng nhưng chưa đủ vì còn Mộc Dược chưa được nhắc tới.

Mộc Dược thường được dịch ra tiếng Pháp là Baume d’incorruption, một thứ dầu thơm có công hiệu giúp cho sự vật khỏi hư hại.

Và vì thế các nền văn hoá cổ truyền hay dùng để biểu thị Minh triết.

Chính Minh triết giữ cho xã hội khỏi hư hại, nên người ta gọi triết gia là người quạt xay vẩn của xã hội ( Le philosophe est le vanneur de la société, de la regilion ).

Nếu vậy khủng hoảng không do Ba Vua, nhưng do người dùng tặng vật chỉ chú trọng đến vàng và Nhũ Hương, còn nhảng bỏ Mộc Dược tức là sự thờ ơ với Ngôi Ba Thánh Thần như bên Chính thống ( Orthodoxe ) trách cứ Giáo hội chỉ biết tôn thờ có Đức Chúa Cha toàn năng ( bên Tin Lành thờ Ngôi Lời ), chỉ có “ Chính Thống “ mới biết tôn thờ Chúa Thánh Thần tức là chú trọng đến Huyền niệm một ngành đạo hạnh có họ với Minh triết và Tâm linh. Chính vì thế họ họ xưng mình là Chính Thống.

Đây không phải là lúc thuận lợi để chúng ta bình luận lời tố cáo của phe Chính Thống.

Nhưng ta nhận thấy có sự giống nhau giữa Ngôi Thánh Thần và đàng Minh Triết về đàng tác động, tức hoạt động bằng Thần hứng, ngẫu nhiên.

Thần Linh cũng như Minh Triết biểu lộ sự hiện diện của mình qua sự giải thoát tâm hồn khỏi những thúc phược vật chất và ban cho những phút lâng lâng bay bổng bằng những luồng song tuôn trào trong gân mạch.

Ví thế mọi sự sinh ra đều do Thánh Thần, nên chống với Thánh Thần thì tội không thể tha, vì là chống với sự sống, sự phục sinh, sự giải thoát.

Không được chống nhưng nhưng phải sẵn sàng đón nhận như đón phút Thần hứng để bất kể lúc nào, không báo tin, không theo lối luật lệ, quyền hành, hình thức như trong các nhiệm tích.

Chính vì thế mà Thần học ( Pneumatologie ) không được phát triển, đến nỗi chữ Thần học dùng để chỉ Thượng Đế học nói về Ba Ngôi, và tác động của Ba Ngôi được đồng hoá với Ân Thánh sủng, mà ân sủng được ban ra cách hệ thống theo luật lệ và nghi thức kiểm soát được của các phép nhiệm tích.

Như vậy là khác hẳn tác động Thánh Thần đến như ngọn Nam phong thích đâu thổi đó : “ Volat ubi vult “, không chịu sự ràng buộc nào cả y như kiểư Minh Triết. Có lẽ vì đó mà trong các giáo hội có lệ coi thường Triết lý, và vì thế không có Triết gia lớn.

St Thomas thì như Etienne Gilson nói là một nhà “: Thần học “.

Quả là đúng vì bộ Summa được mở đầu bằng câu hỏi : “ Có Thượng Đế hay chăng ? “, và trong sách dùng nhiều lý chứng dựa trên quyền uy kiểu Thượng Đế học. Như vậy là vẫn còn thiếu Thần học cũng như Minh Triết học.

Cho nên khi muốn tìm ta then chốt của cuộc khủng hoảng hiện tại phải đi về phía Triết và toa thuốc cho con bệnh thời đại phải tìm đến Mộc Dược tức là Triết lý Nhân sinh.

Triết lý Nhân sinh có nghĩa là thứ triết học đã vượt qua trường ốc Hàn lâm để đi sâu vào đời sống. Mà vì đời sống rất phiền toái nên không chấp nhận những nền triết học kềnh cơi sách vở, nhưng cần một cơ cấu đơn sơ rất uyển chuyển để có thể thích nghi với mọi trường hợp đời sống.

Vậy đối với nền văn hoá Viễn Đông thì có cái cơ cấu đó chăng, và nó ở đâu?

Thưa là có và nó là Thập tự nhai ( ┼ ) nằm trong Lạc Thư hay Lạc Việt tức là quyển Minh Triết của nước Việt Nam cổ đại lúc tiên Tổ chúng ta còn thiên di trên bờ sông Lạc, sông Hoài và sông Dương Tử với Động Đình Hồ.

Cơ cấu của Lạc Thư chính là cơ cấu của một nền Minh Triết, tức là kết tinh của nền Triết lý Nhân sinh, nên nó có đặc trưng của nó.

Triết học đi tìm Phi thường trong những cái Phi thường, cụ thể là những triết thuyết đồ sộ nguy nga kết cấu rất lỗng lậy, nhưng xa với thực tại, ngược lại Minh triết thì lại tìm cái Phi thường trong cái Thường thường, tìm cái Vô hạn trong cái Hữu hạn, và điều đó tương tự Nhập thể của Ngôi Lời.
Ngôi Lời là Đấng Phi thường xuống mặc lấy xác thịt phàm trần.

Mầu nhiệm nhập thể là Nhất Thể đi vào Đa Tạp, với mục tiêu là chấm dứt giai đoạn đi tìm Phi thường nơi những cái Phi thường.

Tại sao lại chấm dứt?

Thưa nếu đi tìm Phi thường trong những cái Phi thường thì chẳng bao giờ tìm được, vì Phi thường chỉ là Phi thường khi không có Thường thường, vì thế khi tìm Phi thường trong những cái Phi thường thì chỉ là đến chỗ vô tưởng. Hay nói khác chỉ có bằng tưởng tượng chứ con Người toàn diện không đi được đến Phi thường ở nơi hoàn toàn Phi thường.

Chính vì thế khi đi tìm Đạo trong những cái Phi thường là biến Đời sống trở nên vô Đạo.

Và đi tìm Đạo ở những nơi xa xăm, vào những thời kỳ xa xưa chỉ là ảo tưởng giúp nuôi dưỡng sự lười biếng, không chịu sống cuộc đời trọn vẹn của con Người, sống giữa những cái thường: Ăn, Làm, Giao tiếp và Nói năng, Suy tưởng về những cái đó. . .nghĩa là những cái xẩy ra hàng ngày, không có không xong được, ngược lại không có Phi thường con Người vẫn sống được, đời sống vẫn chạy đều đều. Vì thế lý tưởng là phải lo cho chính những cái Thường thường trở nên Phi thường nghĩa là làm tất cả những gì cần thiết đến hết mức độ có thể của mọi cơ năng con Người.

Làm một việc rất Thường nhưng với mức độ tối đa của Trí lẫn Nhân với Dũng thì đấy là đường dẫn tới cáp Phi thường nằm ngay trong những cái Thuờng thường.

Và tất cả mầu nhiệm Ngôi Lời là cốt giúp cho con Người đạt được như vậy, khỏi cần tìm đến núi nọ trước, “ Chuá là đấng tối Cao cả trong những cái tối Nhỏ : Maximus in Minimus “ hay là tới Phi thường trong những cái Thường thường.

Nhưng hỏi con Người có hiểu được Sứ điệp của Ngôi Lời chăng?

Kinh Thánh bảo không vì “ Người đã đến trong thế gian nhưng thế gian đã không nhận ra Người: Venit in mundum et mundus non cognovit eum “ , nên “ những kẻ thuộc về Người không đón nhận Người.

Không nhận ra Người là Chúa, vì không dùng Mộc Dược, vì chỉ có Minh triết mới biết nhìn ra Phi thường trong những cái Thường thường, ngoại giả không thấy nên đi tìm Phi thường trong những cái Phi thường: Đi tìm Đấng Cứu Thế như một ông vua đầy quyền uy thế lực giàu sang hoặc giữa những trang trọng của Lễ bái uy nghiêm, chứ làm sao nhìn được Đầng Cứu Thế trong hang đá máng cỏ thông thường.

Không thấy vì thiếu Mộc Dược tức thiếu Minh Triết. Mà thiếu Minh Triết là thiếu sự biết tối đa, không biết tối đa làm sao sống được tối đa, không sống tối đa làm sao tác động tối đa, mà có tác động tối đa thì mới có khả năng đưa những cái Phi thường vào những cái Thường, biến Thường thường trở nên Phi thường, ngoại giả thì có thể ăn sẵn là tìm Phi thường trong cái Phi thường, mà vì Phi thường không có, nên phải bày ra những cái Phi thường giả tạo nghĩa là bên ngoài đời sống. Vì Phi thường trung thực nằm ngay trong đời sống Thường nhật, nên hễ đã ở bên ngoài đời sống thì không phải là Phi thường trung thực, thế mà lại trút hết chú ý vào đó đến độ không còn gì lưu lại cho đời sống Thường thường, hoá cho nên Đời trở nên vô Đạo, khi không thể hiện được tinh hoa mầu nhiệm nhập thể ở tại Ngôi Lời mặc lấy xác phàm trần.

Và chính đó lá ý nghĩa tối hậu của Thánh Kinh.

Vì Cựu Ước là sửa soạn cho mầu nhiệm nhập Thể, còn Tân Ước là để hiện thực cuộc nhập Thể vào mỗi người, vào đời sống, vào xã hội.

Vậy Đạo trở nên phi thực ( irréel ) xa rời, xa Đời, xa thợ thuyền, xa trí thức, thì chính vì không biết nhìn Ngôi Lời nên cũng không nhận lấy con Người, nói bóng chỉ nhận có hai lễ dâng, còn món thứ ba là khả năng dẫn tới Ngôi Lời thì nhảng bỏ, cho nên Phi thường không thể nhập vào những cái Thường thường, mà ví thế mà có khủng hoảng.

Chính sự khủng hoảng này đã dẫn đến Công Đồng Vatican II.
Công Đồng mở lối thoát cho cơn khủng hoảng như thế nào đó không thuộc phạm vi của đề tài này.

Ở đây chỉ có ý nói đến nền Minh triết Lạc Thư có thể đóng góp như thế nào vào những cái Thường thường.

Vậy ta hảy xem sự hiện thực đó ra sao. Trong Lạc Thư Phi thường được biểu thị bằng số 5. Sở dĩ gọi số 5 là Phi thường vì nó kép bởi số 2 và số 3: Số 2 chỉ Đất hay những cái Thường thường được nhập vào số 3 chỉ Trời hay những cái Phi Thường. Chính vì thề số 5 được coi là cái nhân của nền Minh Triết Việt Nho.

Bây giờ bàn đến hững số ở chu vi ta cũng thấy diễn lại ý chính rõ rệt: Các số đất 2, 4, 6, 8 nằm xen kẽ với các số Trời chì Phi thường là 1, 3, 7, 9, xếp đặt như sau:
4 — 9 — 2

3 — 5 — 7

8 — 1 — 6


Nhìn Lạc Thư chúng ta dễ nhận ra số 5 đặt giữa chiếu thẳng ra xung quanh chỉ thị vòng Hiện tương hay là các việc Thường thường được biểu thị bằng số Đất nằm xen lẫn với những cái Phi thường được biểu thị bằng số Trời.

Cũng tinh thần Lạc Thư đó đã được diễn tả trong câu truyện của Hùng Vương trao quyền cho Lang Liêu, vì Lang Liêu biết dùng ngaynhững vật thường là Gạo nếp để làm nên món ăn ngon phi thường là cặp Bánh Dầy bánh Chưng ( Trưng ). Bánh Chưng vuông chỉ Đất là những cái Thường thường, nhưng lại được lồng lên bằng cái Phi thường là Bánh Dầy tròn chỉ Trời.

Minh Triết Lạc Thư còn được tượng trưng bằng nhiều ẩn dụ khác nhưng mới là biểu tượng. Điều quan trọng hơn là cần xem nó đã liệu sao để hiện thực vào Nhân tâm mỗi người, cũng như về Chính Trị hiện thực cơ cấu Lạc Thư vào đời sống xã hội, lúc ấy ta có Hồng Phạm. Hồng là lớn lao, Phạm là mẫu mực, cái lý tưởng lớn lao đó là Thập tự nhai được đưa vào đời sống của cả xã hội như ăn làm, binh bị, học thức. . .thế là số 9 Lạc Thư trở thành 9 ô , và mỗi ô một mục quan trọng trong đời sống như:

1.- Ngũ hành 2.- Ngũ sự 3.-Bát chính
4.-Ngũ kỷ 5.- Hoàng cực 6.-Tam đức
7.- Kê nghi 8.-Thứ trưng 9.-Ngũ phúc


Điều quan trọng nhất là tất cả 8 ô này đều xoay quanh Thập tự nhai, lúc này đã đổi tên là Ngũ hoàng cực vẫn nằm ở Trung cung với ngầm ý rằng bất cứ việc gì con Người cũng phải làm một cách thành khẩn cùng cực như số 5 của Trời với Đất, hoặc nói đơn sơ là “ quân tử vô sở bất dụng kỳ cực “

( T.D. ) : Người quân tử không làm chi mà không làm đến mức chí cực của mình có thể. Đó là đại để nền Minh Triết Lạc Việt ( ai muốn đi sâu xin đọc cuốn Lạc Thư Minh Triết ), nó đã sản ra một nền Triết lý Nhân sinh nhằm tạo ra cho mỗi người dân một đời sống vật chất đầy đủ, một bảo đảm an ninh, một xã hội công bình trật tự, một nền giao dục vững vàng, như tất cả các nhà nghiên cứu đã phải công nhận.

Vì thế trong khi khai quật nền Minh Triết Lạc Việt chúng ta có thể đáp ứng được hai nhu cầu trọng đại:

Một đàng trả lời phần nào cho sự chờ mong được Pouget phát biểu để đóng góp vào việc mở lối thoát cho sự bế tắc ở tại Lý tính, lìa xa đời sống của con Người hiện tại.

Hai là đối với nước nhà thì chúng ta cũng nên làm một cuộc về nguồn.

Cuộc trở này rất quan trọng, vì nền Minh Triết Lạc Thư đã cố kết với vận nước từ ngày khai quốc mãi cho tới tận đầu thế kỷ 20. Rồi nay vì ảnh hưởng thực dân cũng như các tư trào ngoại quốc, nên chúng ta mới từ bỏ. Sự từ bỏ này đã dẫn nước nhà tới chỗ lạc lỏng, thiếu Chủ đạo, vì tự đấy làm dân trong nước chia ra nhiều phe nhóm đối chọi, nhiều tôn giáo khác biệt, có khi đến đố kỵ gây nên cảnh Thập nhị sứ quân tinh thần rất nguy hiểm là không còn một Đạo lý chung. Nền Giáo dục cũng như Văn hoá chỉ còn là cái chợ om sòm những câu nói bâng quơ rất xa vời, và như thế chúng ta cũng rơi vào con khủng hoảng là xa lìa Thực tại. Ở các nước lớn mạnh thì tình trạng đó cũng đã chẳng ra gì, phương chi nước nhà đã yếu về mọi phương diện Kinh tế, Chính trị, còn chút Tinh thần lại tan nát nốt thì là đẩy Tổ quốc tới chỗ lâm nguy.

(...) Nay nếu chúng ta thiết lập nổi một nển Đạo lý chung thì tất cả con dân trong nước sẽ được một mẫu số chung, một mặt trận văn hoá để cùng đứng chung với nhau trong việc cứu quốc và kiến quốc.

Đó là động cơ lớn đáng cho chúng ta hiến toàn thân tâm vào việc làm sống lại nền Minh Triết của Lạc Việt.”

Chú thích về Mộc Dược.
Không hiểu Mộc Dược được Ba Vua lấy ở cây thứ nào. Bên Viễn Đông có hai tứ cây chơi vai trò tương đương :

Cây Loan nói đến trong “ Sơn Hải Kinh ‘ chương 15, thân vàng cành đỏ, là xanh ( hầu chắc chỉ Tam tài ), vua thường dúng làm thuốc.

Cây Phù tang, nói trong “ Hoài Nam tử “ chương 4, là một loại cây dâu nhiệm màu, có khả năng nâng đỡ mặt Trời lúc mới mọc lên ở Phương Đông, mặt Trời mới mọc chỉ sự loé sáng của Tâm hồn, là tác động cần thiết để con Người trở nên Thánh nhân. Vì thế các Vĩ nhân hay sinh dướigốc Phù tang. Huyền thoại kể rằng: Sau khi măt Trời mới sinh đã được tắm rửa trong ao ( Hàm Trì ) thì lên đậu trên cây dâu. Vì thế gỗ Phù tang có khả năng xua đuổi xú khí và người ta dùng làm tên để bắn 6 cái tên bằng cỏ bồng, mỗi nkhi có trẻ trai sinh ra, là cốt để dọn đường xông pha ngang dọc cho đứ bé sau này có đất vùng vẫy cái chí “ Tang bồng hồ thỉ “: “ Cố nam tử sinh tang bồng thỉ lục: dĩ xạ Thiên, Địa tứ phương : 故 南 子 生 桑 蓬 矢 六 以 射 天 地 四方 “ ( Lễ Ký XI. III. 10 ). Chính vì tính chất xua đuổi xú khí nên Phù tang cũng gọi là “ Không tang “ do lẽ các ông lớn tranh nhau sinh ra dưới gốc nó như ông Y Doãn. Cả đến Hoàng Đế xuất thân từ phía Tây cũng đòi sinh ra dưới ốc Không tang! Còn Khổng Tử thì nhất định phải sinh ra dười gốc dâu, “ sinh Khổng Tử vu Không tang chi địa “ ( Sơn Hài Kinh ) Vua Thành Thang còn đi xa hơn, không them sinh dưới gốc dâu, nhưng lên núi có rừng cây dâu mà ra đời ( Tang sơn chi lâm. Lã Bất vi 15 ). Vậy là chắc ăn : rừng dâu lớn hơn ba cây dâu đứng đơn độc!.

Chúng ta có thễ ngờ rằng sự tin tưởng vào sức huyền diệu của một hai loại cây là niềm tin chung cho các nền văn minh nông nghiệp ( Hay là thảo mộc ) chắc ba Vua cũng tham dự niềm tin này, nên trong va ly lễ vật có cẩn thận gói theo 3 ký Mộc Dược. Chữ Nho có hai lối viết: 沐 藥 và 木 藥 là cây chữa bệnh. Chắc là mẹ mặt Trời tên là Hy Hoà trong khi tắm cho con mặt Trời đã kỳ báng là dâu, xong đặt lên ngọn cây dâu để “ phơi “. Vậy là ăn chắc.

Cái tội lớn lao nhất trong nền văn hoá cổ đại Đông phương là dám nhổ đi hoặc đốn ngả cây dâu. Hoàng Đế đã đánh phạt Si Vưu lấy lý do là Si Vưu đã dám đốn cây Không tang: Đó là tội âm vang lớn như bỏ Mộc Dược vậy! “

( Lạc Thư Minh triết : Kim Định )

( 1 ) :Khi triết gia Kim Định viết bài này ( 1970 ) thì cuốn sách “Địa đàng ở phương Đông “ của Stephen Oppenheimer chưa ra đời, ( Cuốn sách này xuất bản vào năm 1999- 2000 ), sau đây là một vài cứ liệu của ông Oppenheimer kiện chứng cho lập luận của triêt gia:

“ Tôi sẽ xác định 4 kiểu truyện kể ở Âu - Á có cội nguồn từ các huyền thoại đại hồng thuỷ ở ông Nam Á. Có 3 lục địa khác không được nghiên cứu sâu ở đây, trong ssố đó có châu Phi. Châu lục này thiếu vắng trong truyền thuyết dân gian về đại hồng thuỷ bởi thềm lục địa của nó không chịu nhiều tác động bởi hồng thuỷ. Hai lục địa khác là Bắc Mỹ và Nam Mỹ có rất nhiều huyền thoại đại hồng thuỷ, trong số đó có vài huyền thoại liên quan đến kiểu truyện kể Âu- Á. Tuy nhiên, do chúng nằm ở ngoại vi của khung lập luận chính Đông – Tây nên tôi chỉ nêu tóm tắt về huyên thoại này.

Thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu các huyền thoại khác trong kho tang văn hoá Phương Tây được chứa đựng một cách ngẫu nhiên trong 10 chương đầu tiên vủa quyển Kinh Sáng Thế trong Kinh Thánh.

Để tiện cho nghiên cứu, các huyền thoại này sẽ được phân chia như sau” từ chương 11 đến chương 16, chúng ta cần tìm hiểu các nguyên mẫu huyền thoại về sự sáng tạo ra Trời và Đất, Đàn Ông và Đàn Bà, vườn Địa Đàng, và cuối cùng là Cain và Abel. Điều được hé lộ ở đây là chúng ta không chỉ tìm thấy những mối liên hệ gần gũi giữa phương Tây và phương Đông, mà còn biết rằng mỗi nguyên mẫu Phương Tây đều có nguồn gốc phương Đông và cách giải thích logic hoặc ở Malaku hoặc ở Đông Dương. Nhiều người cho rằng đặc điểm thú vị, phức tạp và không ngờ nhất của thần thoại phương Tây đã khởi phát từ tầng sâu kín nhất của Tiềm thức.

Còn phân tích của tôi lại tìm về khởi nguyên ở những đề tài đơn giản và căn bản bắt nguồn từ Đông Nam Á; sau đó chúng được kết hợp và nhào trộn để tạo nên nhũng huyền thoại rực rỡ được ghi lại trên những ấn triện và bài vị ở Lưỡng Hà vào buổi bình minh của lịch sử.

Dấu vết này có niên đại cách đây 4500 năm và nó có thể đưa chúngta trở về 3.000 trước đó nữa, khi biển lấn vào các bờ biển Đông Nam Á và Lưỡng Hà.”

( Địa đàng ở phương Đông: Phần II: Lời thì thầm từ Trung Hoa. Tr. 355 – 356.
Stephen Oppenheimer )

‘ Quan điểm xuyên suốt của tôi chính là hồng thuỷ biển là nguyên nhân sâu xa gây nên các làn sóng di cư thời kỳ hậu Băng hà. Vì thế đầu tiên tôi muốn mô tả một vài trong hàng trăm huyền thoại về đại hồng thuỷ được tìm thấy trên tất cả các châu lục của thế giới ( chương 8, 9 và 10 ).
Sự phân bố của các Huyền thoại này cho thấy chúng đã được chép thành Sử.”

(Đia đàng ở phương Đông trang 355. Stephen Oppeinheimer )

Nguyễn Quang
Nguồn: bacaytruc.com