Thứ Năm, 17 tháng 7, 2008

Tiểu Chủng Viện An Ninh

Sơ Lược Về Quá Trình Lịch Sử
TIỂU CHỦNG VIỆN AN NINH


Ngày 22-9-2002, Hội Cựu Chủng Sinh Huế tổ chức Đại Hội mừng kính Thánh Tôma Thiện, Bổn Mạng của Hội và kỷ niệm 200 năm thành lập Chủng Viện An Ninh (1802-2002), thuộc Tổng Giáo Phận Huế. Nhân dịp này, dựa vào một số tài liệu về “Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam” (của LM. Bùi Đức Sinh, O.P., M.A.), về “Lịch Sử Giáo Phận Huế”(1596-1945, của LM. G. Nguyễn Văn Hội) và đặc biệt “Quá Trình Lịch Sử Đại Chủng Viện Huế” (từ 1881-1933, của LM. GB. Roux-cố Ngôn) cũng như ấn phẩm “Danh Sách các Giám Mục và Linh Mục Giáo Phận Huế Xưa và Nay” (của TGP Huế, 1850-2000), người viết xin sơ lược về quá trình lịch sử liên quan đến hình thành, hoạt động, phát triển và kết quả của Tiểu Chủng Viện An Ninh, nơi đào tạo cả ngàn chủng sinh / cựu chủng sinh, và trên dưới ba trăm linh mục tại Địa Phận Huế, góp phần vào việc mở mang Nước Chúa trong hai mươi thập niên qua.

Theo giáo sử, đạo Công Giáo đến Trung Việt, Huế-Quảng Trị-Quảng Bình, vào cuối thế kỷ 16, (khoảng 1596), thì từ thế kỷ 18 các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã nghĩ đến việc đào tạo linh mục bản xứ và tìm cách vượt thắng biết bao trở ngại gian khó, gởi tu sinh vào chủng viện ở Nam Việt Nam, hoặc qua chủng viện Juthia, Thái Lan, hay thông thường nhất là qua Tổng Học Viện của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại hay đại chủng viện Pénang (Pi-năng), Ma-lai-xi-a. Gần giữa thế kỷ 18, lại có những cố gắng tìm cách lập chủng viện ngay tại địa phương Huế và chủng viện đầu tiên do Đức Khâm sai Tòa Thánh De La Baume mở ngày 30-5-1740 là chủng viện Thánh Carôlô tại Thợ Đúc do LM De La Court (cố Chính) làm bề trên, và LM J.B. Tchang làm giáo sư. Năm 1744, ĐC Lefèvre lập Tòa GM tại họ Thợ Đúc và làm bề trên chủng viện. Nhưng vì vào tháng 7-1750, chúa Võ Vương ra lệnh trục xuất tất cả các Thừa sai ra khỏi Việt Nam, và nạn bắt đạo nổi lên, nên chủng viện bị giải tán, chủng sinh phải vào CV Hòn Đất, Hà Tiên. Sau đó, vì nhu cầu địa phương, việc đào tạo LM lại được thực hiện, tùy hoàn cảnh và điều kiện, tại Pi-năng, Ma-lai-xi-a, hoặc ngay ở Miền Trung, lắm lúc rày đây mai đó. Cha Gioan Labartette, cha sở họ Thợ Đúc từ 1776, được cử làm GM vào 1782, giao cho LM Giacôbê Longer mở chủng viện Di Loan; nhưng đến 1787, thời Tây Sơn, CV Di Loan bị giải tán.

Sau lễ tấn phong giám mục năm 1792, ĐC Gioan Labartette An gặp thời Cảnh Thịnh (1792-1801) bắt đạo ghê gớm, nhất là thời gian từ 1798 đến 1801, ngài phải lẩn trốn, khi ở Huế, khi ở Quảng Trị. Ngài luôn luôn nghĩ đến việc đào tạo linh mục bản xứ, tiến đến việc mở Chủng Viện An Ninh là cơ sở đào tạo chủng sinh có qui củ và tổ chức tiêu biểu nhất từ trước tới nay tại Giáo Hội Việt Nam.

Bài viết này xin khiêm tốn chia sẻ cùng quý vị, quý bạn về sơ lược quá trình lịch sử và những dấu tích của Chủng Viện An Ninh trong 200 năm qua (1802-2002).

PHẦN I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ CHỦNG VIỆN AN NINH
Có thể tóm lược quá trình lịch sử Chủng Viện An Ninh qua ba thời kỳ:

- Thời kỳ thành lập và hoạt động (1802-63)
- Thời kỳ lấy tên Tiểu Chủng Viện An Ninh (1864) đến giặc Văn Thân (1885)
- Thời kỳ Tái kiến thiết và phát triển (1885-1953) đến chấm dứt (từ 1954)

Thời kỳ thứ nhất: Thành Lập và Hoạt Động (1802-63)
Thời Gia Long (1802-1819). Sau nhiều năm bị bách hại, Giáo Hội tại Miền Trung rất thiếu chủ chăn. Khi vua Gia Long lên ngôi vào 1802, tình hình chính trị và tôn giáo lắng dịu, ĐC Gioan Labartette An cho mở chủng viện tại làng An Ninh, Đất Đỏ, Cửa Tùng, một họ đạo có đông giáo hữu và gần Di Loan.

Thời kỳ thứ nhất gồm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ 1802 đến 1828
Trong hai năm đầu (1802-04), cha Doussain được Đức GM cử làm bề trên chủng viện. Cơ sở nằm trong một khu vườn, có 4-5 căn nhà tranh, vách đất, làm nhà nguyện, nhà ở, lớp học, nhà cơm, nhà bếp, nhà người giúp việc và kho chứa lương thực. Những năm đầu có khoảng 20 đến 50 chủng sinh với 2 lớp La tinh và Thần học. Chi phí gồm 1.200 quan Pháp mỗi năm và lúa gạo nuôi chủng sinh, mà một phần đóng góp do các linh mục tại giáo phận đảm trách. Ngoài cha Doussain, còn có các giáo sư khác như LM. Girard (Francois Joseph), Audemar, Jarot, Taberd và thầy Sáu Gagelin (chịu chức LM năm 1822 và tử đạo vào 1861). Năm 1807, cha Doussain được cử làm GM Phó, và qua đời vào 1809. Đến cha Audemar làm GM năm 1817, nhưng không bao lâu cũng qua đời.

Thời Minh Mạng (1820-40). Đức Cha Gioan Labartette An qua đời ngày 6-8-1823. Cha Taberd Từ làm cha chính năm 1824, kiêm bề trên chủng viện, có thầy Gioan Đoạn Trinh Hoan từ Pi-năng, Ma-lai-xi-a, về giúp (được ĐC Cuénot Stêphanô Thể truyền chức LM năm 1836 và tử đạo 1861). Từ 1825, vua Minh Mạng và triều đình Huế khắt khe với Công Giáo. Tuy vậy, vào 1826, có thêm cha Jaccard (cố Phan) trốn thoát từ Miền Bắc vào giúp chủng viện An Ninh. Ngài tổ chức phòng đọc sách, dùng bảng đá hay thạch bản để in Sách Thánh, kinh nghĩa, kinh nguyện và các môn học tại chủng viện. Tháng 7-1826 vì có tin lùng soát, nên chủng sinh được giải tán và cha Jaccard Phan trốn vào Nhu Lý. Sau đó tình hình khả quan hơn, chủng viện mở cửa hoạt động lại. Nhưng, vào đầu 1827, cha Taberd Từ bị vua Minh Mạng triệu vào Huế và cha Jaccard Phan cũng ra Phủ Cam 3 tháng giúp ngài, rồi lại trở ra giúp chủng viện vào 1827-28. Năm 1827, Cha Taberd Từ làm GM thay Đức Cha Labartette. Tháng 8-1828, vua Minh Mạng đòi cha Jaccard Phan ra Huế và buộc ngài ở lại Dương Sơn, nên T. 10-1828, CV An Ninh phải đóng cửa, kết thúc giai đoạn I từ 1802 đến 1828, với khoảng 30 Linh mục được phong chức.

Giai đoạn 2: Thời gian đóng cửa (1829-63)
Năm 1829, cha chính Jaccard Phan đưa CV An Ninh vào Dương Sơn. Đến tháng 5-1832, ngài lại ra Đất Đỏ gặp LM Delamotte đang học tiếng Việt tại An Ninh. Ngày 6-1-1833, có dụ cấm đạo toàn quốc, nên cha Delamotte (cố Y) bỏ An Ninh, chạy vào Nhu Lý. Chủng Viện Dương Sơn cũng phải đóng cửa.

Cha Jaccard Phan bị đày lên Lao Bảo vào 1-12-1833 và bị điệu về Cam Lộ (9-1835); sau đó, vào 1838, bị giam tại Quảng Trị cho đến khi tử đạo cùng ngày 21-9-1838 với Thánh chủng sinh Tôma Thiện.

Chủng Viện Di Loan kỳ 2 (1837-38).

Năm 1837, cha Candale (cố Kim) lập chủng viện tại Di Loan kỳ 2 (so với kỳ 1, thời cha Longer 1782-87). Di Loan là họ đạo lớn vùng Đất Đỏ. CV chỉ có 6 chủng sinh. Đến tháng 5-1838, bị quan huyện Vĩnh Linh lùng soát, cha Candale và 6 chủng sinh trốn ra Kẻ Sen.

Thánh chủng sinh Tôma Thiện
Tháng 4-1837, theo chỉ thị của Đức Cha Cuénot Stêphanô Thể (1840-61), cha Candale Kim, từ Bắc Việt, mạo hiểm theo đường biển đến Cửa Tùng, rồi vào làng Di Loan. Ngài mua đất, mua nhà, lập chủng viện (kỳ 2) tại họ Di Loan, và được Đức Cha cử làm giám đốc (1837-38). Tháng 5-1838, quan huyện Vĩnh Linh ra lệnh lùng soát các Linh mục Thừa sai, chủng viện phải đóng cửa. Cha Candale Kim chạy ra họ Kẻ Sen, Quảng Bình và qua đời ngày 28-7-1838.

Tháng 6, 1838, cha Vialle (cố Vị) ở Bố Chính, Quảng Bình, không biết chủng viện Di Loan bị đóng cửa nên đưa học trò của ngài là chú Tôma Trần Văn Thiện, một thanh niên đạo đức, sinh năm 1820 tại Trung Quán, Quảng Bình, nhập chủng viện, mà thời đó quen gọi là “đi tựu trường”. Người dẫn đường là ông Trùm cả Quỳnh Năm, tức Nguyễn Hữu Năm. Ông này về sau tử đạo gọi là Th. Antôn Quỳnh Năm (10-7-1840). Quân binh huyện Vĩnh Linh bao vây và lùng soát 2 làng Di Loan, An Ninh; họ bắt được Tôma Thiện cùng một số giáo dân, rồi giải về tỉnh Quảng Trị. Chú Tôma Thiện là chủng sinh An Ninh vì trong thời gian bị giam giữ, chú được cha Jaccard Phanxicô Phan, bề trên CV An Ninh, hướng dẫn và huấn luyện tu đức, rồi cả hai bị xử giảo đời Minh Mạng, tử đạo ngày 21-9-1838 tại Bãi cát Nhan Biều.

Năm 1846, Cha Chính Sohier, sau này là Đức Cha Sohier Bình, gởi hài cốt Thánh chủng sinh về Pháp. Tôma Thiện được Đức GH. Lêô phong Chân Phước năm 1900 và cha Guichard (cố Ngãi) đã xây lăng Tôma Thiện tử đạo tại làng Nhan Biều. Năm 1938, cha Phaolô Úy xây đài kỷ niệm Tôma Thiện tại làng Trung Quán, Quảng Bình, đồng thời toàn Giáo Phận Huế tổ chức mừng 100 năm hai vị tử đạo.

Ngày 19-6-1988, Đức GH. Gioan Phaolô II phong thánh Tôma Thiện trong số 117 vị tử đạo Việt Nam.

Cuối thời Thiệu Trị (1841-47), năm 1847, ĐC Cuénot Thể cử cha Galy mở lại CV Kẻ Sen, Quảng Bình.

Thời Tự Đức (1847-83), đến giữa 1854, CV Kẻ Sen lại bị triệt hạ và đến năm 1856 thì đóng cửa luôn.

Chủng viện Di Loan kỳ 3 (1849-58)
Ngày 4-10-1846, Cha Pellerin Phan được chọn làm GM Phó, Bắc Đàng Trong. Năm 1849, ngài mua đất tại Di Loan và mở lại chủng viện kỳ 3, với 3 nhà tranh, 1 làm nhà thờ, 2 làm nhà chủng sinh.

Địa phận Huế được thành lập theo Sắc lệnh “Pastulat Apostolici”, ngày 27-8-1850, do Đức Cha Pellerin Phan cai quản, một vị chủ chăn rất quan tâm đến chủng viện. Ngài cử Cha Chính Sohier làm giám đốc CV Di Loan; cha Đaminh Nguyễn Văn Thân làm giáo sư, và chính Đức Cha cũng giúp việc giảng dạy. Về sau có thêm cha Choulex. Vào 1850-51, chủng viện Di Loan có 50 chủng sinh; họ chỉ ở trong nhà kín đáo, không ai ra vào. Cũng trong năm 1851, cha Sohier được chọn làm Giám Mục Phó ĐP Huế, tấn phong GM ngày 17-8-1851. Qua bao cơn cấm đạo, chủng viện bị đóng cửa nhiều lần, nhưng cho đến 1856, ĐC Pellerin vẫn luôn ở tại chủng viện. Năm 1856-58, Đức Cha Sohier từ Kẻ Sen vào làm giám đốc CV Di Loan; nhưng từ 1858-62, vì bắt đạo, ngài và các chủng sinh lại phải trốn ra Quảng Bình. Trong số chủng sinh Di Loan, sau này có 12 người làm linh mục. Thời Tự Đức bắt đạo dữ dội, có nhiều người Công Giáo tử đạo, trong số có LM Gioan Đoạn Trinh Hoan hy sinh ngày 26-5-1861 và Đức GM Stêphanô Cuénot Thể hy sinh ngày 14-11-1861.Đức GM Pellerin qua đời tại Pi-năng, Ma-lai-xi-a, ngày 23-9-1862.
(Còn tiếp)
Trần Văn Trí

(Bài do anh Nguyễn Văn Danh họ tộc Nguyễn Thanh sưu tầm và gởi tặng)

1 nhận xét:

Unknown nói...

Cám ơn tác giả bài viết
đã giúp cho việc nghiên cứu của tôi rất nhiều
nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
M. Phạm Ngọc Thiên Kim