Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Tiểu Chủng Viện An Ninh (2)

THỜI KỲ THỨ HAI: Tiểu Chủng Viện An Ninh (1864)
Sau hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), năm 1864, Tự Đức ra sắc dụ tha bắt đạo. LM Dangelzer (cố chính Đăng) được cử mở lại chủng viện An Ninh. Đức Cha Sohier Bình đặt Tòa GM ở Kim Long, đồng thời thành lập Đại Chủng Viện Huế tại Kim Long từ 1866. Về sau, cơ sở này, vào thời Đức GM Caspar Louis Lộc (1880-1907), trở thành đại chủng viện phôi thai do Cha Allys (cố Lý) làm Giám đốc vào những tháng cuối 1881 (xin xem Đại Chủng Viện Huế từ 1881 của LM GB. Roux cố Ngôn). Chủng viện An Ninh đổi tên là tiểu chủng viện An Ninh do cha chính Đăng làm bề trên (1864-70) kiêm giáo sư, thỉnh thoảng có cả ĐC Sohier Bình từ Huế ra giúp. Chủng viện có lũy tre bao bọc, có cổng ra vào; nhà cửa chỉ bằng tranh tre thô sơ. Về sau thêm cha Bonin (cố Ninh) và Girard (cố Hòa) giúp giảng huấn. Khi cha Đăng làm cha sở Di Loan kiêm cha chính Địa Phận thì cha Ninh làm bề trên tiểu chủng viện (1870-75). Ngài làm thêm hai nhà ngủ, một nhà cơm, một phòng học và một nhà cho các cha, tất cả bằng tranh, tre. Mỗi năm có 2 kỳ tựu trường: 1 vào tháng Giêng và 1 vào tháng 8. Trong thời gian làm GM (1851-76), ĐC Sohier đã phong chức 46 LM. Ngài qua đời tại Kẻ Sen, Quảng Bình, ngày 3-9-1876.
Từ 1877 cha Girard (cố Hòa) làm bề trên cho đến khi được cử làm giám đốc đại chủng viện Phú Xuân vào 1891. Sau khi Đức Cha Gaspar Lộc nhậm chức Giám Mục Địa Phận Huế - tấn phong ngày 24-8-1880, ngài chỉ thị chỉnh trang Tiểu CV An Ninh. Từ 1883, cha Girard khởi xây nhà nguyện Trái Tim Chúa Giêsu bằng gạch, lợp ngói, với ngọn tháp cao, và, ở phía trước từ cổng chính đi vào, có một nhà nguyện nhỏ hơn kính Đức Mẹ Lộ Đức.

Tháng 9 đen (1885)
Theo LM. Nguyễn Văn Hội sao ghi, biến cố này vào thời Phong Trào Văn Thân đánh TCV An Ninh. Tháng 9-1885, Văn Thân, từ Quảng Trị kéo ra Cửa Tùng, đóng quân tại Tân Trại, cách An Ninh chừng 3-4 cây số phía Tây Bắc và tiến đánh hai làng Công Giáo Di Loan và An Ninh. Di Loan, giáo xứ đẹp nhất và lớn nhất vùng Đất Đỏ, với hai họ nhánh Hòa Ninh và Loan Lý, có tổng cộng trên 1.500 giáo hữu trên tổng số 5.000 ở Đất Đỏ, cầm cự với Văn Thân một đội quân rất hùng mạnh và hết sức tàn bạo. Cha Dangelzer (cố chính Đăng) chánh xứ Di Loan, vừa là Bề Trên địa phận, dâng Thánh Lễ đầu tiên tại nhà thờ mới ngày 8-9-1885, rồi huy động mọi người đương đầu với giặc. Từ 10 giờ sáng 8-9, với quân từ Da Môn ra, Văn Thân đông tới 2.000 người, có vũ khí đầy đủ, do tướng Thông Kham chỉ huy. Nhưng giáo dân không sợ, đã cầm cự, có lúc đuổi được bọn chúng, cướp khí giới và bắn trả lại chúng. Văn Thân đánh liên tiếp ba ngày 8, 9 và 10-9. Trưa 10-9, chúng kéo đến vây tiểu chủng viện An Ninh do cha Girard (cố Hòa) làm Bề Trên và cha Closset (cố Lương) làm giáo sư. Cố chính Đăng huy động giáo hữu vào tiểu chủng viện An Ninh, nơi phía trước có cổng chắc chắn và có lũy tre kiên cố bao bọc với giao thông hào chạy quanh. Ngày 12-9-1885, địch quân đông trên 2.000, vì có dân làng Tùng Luật trợ chiến. Trong tiểu chủng viện chỉ có một khẩu súng bắn chim. Giáo dân phải vót tre nhọn làm chông, và đào hào đắp lủy chung quanh để chống lại địch quân. Dù bao nhiêu tin tức dồn dập về việc quân Văn Thân đốt phá nhà thờ và các làng Cao Xá, Da Môn, An Lộc, nhưng giáo dân không sờn lòng. Quân giặc đốt phá làng Di Loan, nhưng cha chính Dangelzer Đăng đều động giáo dân cố thủ để phân tán lực lượng tấn công của địch. Quân Văn Thân có kế hoạch phóng hỏa cả tiểu chủng viện, nhưng nhờ một trận mưa giông lớn làm tắt đuốc không phóng hỏa vào bên trong lũy tre được.

Ngày 13-9, dân Công Giáo rút cả vào tiểu chủng viện An Ninh. Ngoài ba vị Thừa sai - cha Dangelzer, Girard, Closset, còn có các cha Việt Nam, như LM. P. Võ Viết Liên, họ An Do, LM Tôma Nguyễn Ngọc Huệ, họ An Bằng, và LM Đôminicô Nguyễn Văn Cửu, phó xứ Di Loan, cùng 7 chủng sinh, 60 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Di Loan và 4.000 giáo dân. Lương thực dự trữ có thể dùng từ 6 đến 20 ngày. Từ ngày 14 đến 17-9, quân Văn Thân bao vây chặt chẽ. Vậy mà ban đêm cũng có người lén trốn ra khỏi tiểu chủng viện để vào Huế, hoặc ra Quảng Bình, liên lạc xin cứu viện. Ngày 18, 19-9 quân Văn Thân nã đại bác vào nhà thờ. Giáo dân đã treo ảnh lớn hình Đức Mẹ trên tháp để khấn xin Mẹ phù hộ. Theo mật lệnh, lúc 4 giờ chiều 19-9, khi nghe trống lệnh, giáo dân tuôn ra, vừa la hét vừa tấn công. Quân Văn Thân khiếp vía bỏ chạy, để lại một khẩu thần công, một khẩu súng phá lũy, hai khẩu súng trường, nhiều đạn dược, hóa chất, thuốc súng, thuốc nổ. Các chiến lợi phẩm đều được giữ tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, cho đến năm 1953, khi Tiểu Chủng Viện dời vào Huế.

Đến ngày 21-9, giáo dân thiệt mất 10 người và một số bị thương; quân Văn Thân để lại trên 80 xác. Ngày 22-9, một số 200 giáo dân thoát xuống Cửa Tùng, nhưng bị chận lại. Ngày 23-9, có trận đánh xáp là cà ác liệt giữa giáo dân Công Giáo và Văn Thân. Lúc bốn giờ chiều, quân giặc tháo chạy để lại 3 khẩu thần công, l khẩu phá lủy và 6 súng trường cùng vô số dạn dược và 30 xác chết. Ngày 24, 25-9, có tin quân Văn Thân tăng viện, dùng cả voi để tấn công, nhưng trận đánh xảy ra không có gì đặc biệt.

Ngày 26-9, LM Héry (cố Y), từ Đồng Hới đi ghe vào Cửa Tùng, chở khí giới đến tiếp viện, và cẩn thận trao cho những người liên lạc, rồi ngài lên ghe ra đi. Ngày 27 và 28-9, suốt đêm quân Văn Thân bao vây tiểu chủng viện và đến 6 giờ sáng thì tổng tấn công, nhưng nhờ lòng can đảm và có súng ống cha Héry tiếp viện, giáo dân đã chống lại hết sức oanh liệt. Văn Thân không ngờ trong chủng viện có súng đạn, nên khi nghe súng thần công bắn liên thanh thì hốt hoảng bỏ chạy tán loạn.

Từ 29-9 trở đi, trong tiểu chủng viện lương thực đã hết. May sao, vào đầu tháng 10-1838, những lính canh trên tháp nhà thờ cho biết quân Văn Thân bao vây tiểu chủng viện đang tháo chạy, và có quân lạ đến đánh vào bộ chỉ huy của chúng ở Tân Trại. Về sau mới rõ đó là quân của LM. Mathey (cố Thiện), từ Huế ra tiếp viện. Trận đánh tại TCV An Ninh chống quân Văn Thân kéo dài gần cả tháng trời.

Ngày 4-10-1885, Đức Cha Caspar Louis Lộc phúc trình:

“Số giáo dân bị thảm sát tại họ Di Loan là 1.200 đến 1.500, trong số có khoảng 200-300 chết tại tiểu chủng viện; một số bị thiêu sống tại các tư gia và nhà thờ. Theo những người còn sống kể lại, thì sau khi đã thiêu sát giáo xứ, quân Văn Thân đi tìm các ống cống, ao, hồ, bụi tre, lùm cây, gặp ai là chúng giết sạch.” (Tài liệu Jabouille, tr. 47-66, do LM Nguyễn Văn Hội và Stanislaô NV. Ngọc trích dẫn.)

THỜI KỲ THỨ BA: Tái kiến thiết (1885) cho đến ngày giải tán (1953)
Sau giặc Văn Thân 1885, cha bề trên Girard Hòa tiếp tục kiến thiết: ngài cải táng các ngôi mộ của các vị tiền nhiệm ra sau nhà thờ và xây một nhà lầu 2 tầng. Về sau lại xây thêm một nhà lầu 2 tầng khác: Tầng trên có 2 phòng ngủ lớn cho chủng sinh; 2 đầu có hai phòng nhỏ cho các cha giáo sư; tầng dưới cũng có 2 phòng lớn, một làm phòng học, một làm phòng ngủ, phía cuối có phòng nhỏ cho cha giáo.

Đi ra phía trước, đối diện nhà nguyện Đức Mẹ Lộ Đức là nhà nguyện nhỏ kính Thánh Antôn. Cổng ra vào xây bằng gạch kiên cố. Lễ khánh thành long trọng vào 21-11-1905. Cha Girard cũng cho làm thêm nhà cơm, nhà chơi, nhà kẻ liệt, bằng gạch, lợp ngói. Nhà bếp, nhà nữ tu, nhà ở cho người giúp việc và kho lẫm, bằng tranh, tre. Khoảng 1925, thời cha Roux (cố Ngôn), nhà cửa làm lại bằng gạch, lợp ngói. Qua bao năm thăng trầm, Tiểu Chủng Viện An Ninh đào tạo nhiều LM cho GP Huế và cả Lào, Vinh, và tiếp tục hoạt động ngay cả vào thời chiến tranh (1945-53). Nhưng, từ đầu 1953, giặc giã gia tăng, nên vào 8-5-1953, tiểu chủng viện phải giải tán, và di tản vào Huế. Chủng sinh tạm thời theo học tại Trường Thiên Hựu cho đến khi Tổng Giáo Phận Huế mở Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, vào 1962, và LM. Ph.X. Nguyễn Văn Thuận (Hồng Y 22-1-2001) được cử làm Giám Đốc.

Năm 2000, cuối thế kỷ 20, tất cả đã bình địa, nhìn lại thấy thê thảm, đau lòng, nhưng hình ảnh Tiểu Chủng Viện An Ninh vẫn sống mãi trong lòng người giáo hữu Việt Nam!


PHẦN II: DẤU TÍCH CHỦNG VIỆN AN NINH
Nhìn lại 200 năm (1802-2002)
Tuy gặp biết bao bách hại, thăng trầm, gián đoạn, giải tán và bình địa, TCV An Ninh đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Tổng Giáo Phận Huế. Trong các kết quả còn lưu lại, chúng tôi xin nói đến chủng sinh/ cựu chủng sinh, linh mục, giám mục và các Thánh tử đạo.

1. Chủng sinh. Trước tiên, với số được kêu thì nhiều mà chọn thì ít, có cả ngàn cựu chủng sinh, trong đó cụ thể có anh em chúng tôi, luôn luôn nhắc bảo nhau, nhất là dịp đại hội hằng năm Cựu Chủng Sinh Huế, hãy làm sao sống đạo giữa đời xứng đáng với niềm hãnh diện mang dấu ấn Chủng Viện An Ninh.

2. Linh mục. Tuy thống kê không dồi dào, người viết cũng cố gắng ghi lại: Thời Đức Cha Gioan Labartette An (1782-1823) có 30 LM được phong chức. Thời ĐC Taberd (1827-33) và ĐC Cuénot Stêphanô Thể (1835-61), có thêm khoảng 40 LM trong đó có một số được kín đáo cho qua tu học ở Pinăng, Mã lai. ĐC Pellerin Phan (1850-61) nhậm chức GM đầu tiên của Địa Phận Huế (27-8-1850) trong hoàn cảnh bắt đạo khủng khiếp, nhưng thời ĐC Sohier Bình (1851-76), nhờ lệnh tha bắt đạo (1864), việc mở Đại Chủng Viện Huế 1866-81, cùng hòa ước Giáp Tuất (15-3-1874) công nhận và cho phép Công Giáo hoạt động, nhiều năm có lễ phong chức, với số tân LM là 46. Thời ĐC Gaspar Lộc (1880-1907), dù bị giặc Văn Thân 9-1885, nhưng sau đó có nhiều công trình phát triển và từ 1881 đến 1907 có thêm 52 LM. Chủng viện thịnh đạt thời ĐC Eugène Allys Lý (1908-31): có 68 LM qua 17 kỳ phong chức. (Tài liệu LM Roux, (cố Ngôn), Đại Chủng Viện Huế, tr. 6). Từ thời ĐC Phaolô Chabanon Giáo (1931-36), đến Lemasle Lễ (1937-46), và ĐC GB. Urritia Thi (1948-60) thêm khoảng 50 LM. Thời Đức TGM Phil. Nguyễn Kim Điền (1963-88) có lễ phong chức hằng năm, cho đến 30-4-75.

Vào 1953, tình hình chiến sự trở nên nguy hiểm, nên Tiểu Chủng Viện An Ninh di tản vào Huế.

Xuất thân từ TCV An Ninh hiện còn 18 LM, trong số có các vị trên 80 t., như cha P. Hoàng Kính (89t) P. Lê Văn Ngọc, Pl. Nguyễn Thanh Tiếp; trên 70, như Ph. X. Lê Văn Cao, Emm. Nguyễn Vinh Gioang, và trẻ nhất, chịu chức năm 1967-68, có LM. G. Nguyễn Văn Hội (66 t.) và GB Lê Thanh Hoàng (68 t.)

3. Giám Mục: Một số giám đốc, cựu giáo sư TCV An Ninh được phong GM hoặc Bề trên Dòng, ĐP, như ĐC Taberd Từ, Pellerin Phan, Sohier Bình, Pontvianne Phong, Chabanon Giáo, Urritia Thi. Các LM gốc An Ninh được phong GM/Đan viện có GM Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1935), Stanislaô Trương Đình Vang, Dòng Phước Sơn 1924 (LM 1936), Đan viện Phước Lý; TGM Phêrô Ngô Đình Thục (1938), Tađêô Lê Hữu Từ (1945), LM Nguyễn Văn Thích, bề trên GP Huế (1946-48), Ximong Hòa Nguyễn Văn Hiền (1955), Ph.X. Nguyễn Văn Thuận (GM 24-6-1967, Hồng Y 22-2-2001), Alexis Phạm Văn Lộc (27-3-1975) và Stêphanô Nguyễn Như Thể (7-9-75), đương kim TGM TGP Huế.

4. Tử đạo. Hồng ân lớn lao là có những vị được phúc tử đạo, như LM Gagelin Kính (17-10-1833); Phanxicô Phan (21-9-1838), Gioan Đoạn Trinh Hoan (26-5-1861), GM Stêphanô Cuénot Thể (14-11-1861), và đặc biệt là Thánh chủng sinh Tôma Thiện, tử đạo ngày 21-9-1838, mà Hội Cựu Chủng Sinh Huế hân hoan mừng kính trong đại hội hằng năm, cách riêng năm 2002, vào ngày 22-9-02, cũng là dịp kỷ niệm 200 năm thành lập Chủng Viện An Ninh (1802-2002).

Ghi Nhớ Công Đức
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập Chủng Viện An Ninh (1802-2002), TGP Huế và Giáo Hội Việt Nam nhớ ơn các vị Giám mục và Linh mục đã có công xây dựng, kiến thiết và phát triển TCV An Ninh.

Về các Giám Mục, xin đặc biệt nhắc đến Đức Cha Labartette An (1792-1823); Taberd Từ (1827-33); Cuénot Stêphanô Thể (1835-61); Pellerin Phan (1850-61); Sohier Bình (1851-76); Caspar Lộc (1880-1907); Allys Lý (1908-31); Chabanon Giáo (1931-36).

Xin có đôi lời cách riêng về vị sáng lập chủng viện: Đức GM Gioan Labartette An. Sinh năm 1744 tại Pháp, ngài chịu chức LM năm 1772, qua Việt Nam và làm cha sở họ Thợ Đúc 1776. Được cử làm giám mục năm 1782, nhưng vì nhiều khó khăn loạn lạc, 10 năm sau, vào 1792 ngài mới được tấn phong và gặp ngay thời vua Cảnh Thịnh (1792-1801) bắt đạo kịch liệt, nhất là trong những năm 1798-1801.

Trong số các LM đóng góp vào xây dựng và phát triển TCV An Ninh, có LM Doussain vào 1802-04; LM Jaccard Phan vào 1827-28; Cha chính Dangelzer Đăng (1864-70) và Cha Bonin Ninh (1870-75).

Vị bề trên được nhiều người nhắc đến là LM Girard Hòa. Sinh tại địa phận Lucon, Pháp, năm 1851 Girard Ernest Émile chịu chức LM năm 1776, và đến truyền giáo tại Huế, Trung Việt, lấy tên cố Hòa. Trong 48 năm linh mục, cha Girard Hòa đã trải qua 47 năm phục vụ tại chủng viện: 45 năm ở TCV An Ninh và 2 năm ở ĐCV Huế. Ngài làm bề trên TCV An Ninh từ 1877 đến 1891; bề trên ĐCV Huế (1891-93); rồi trở lại TCV An Ninh từ T. 9-1893 và lưu lại đó cho đến khi qua đời vào tháng 2-1924. Các công trình kiến thiết TCV An Ninh trước và sau giặc Văn Thân (T.10-1885) cũng như phát triển qui mô dưới thời Đức Cha Caspar Lộc (1880-1907) và Allys Lý (1908-31), phần lớn do ngài đảm trách.

Sau khi ngài qua đời, thời Cha Roux (cố Ngôn) làm bề trên từ 1925 đến khi vào làm bề trên ĐCV Huế 23-9-1931, nhà cửa được xây lại bằng gạch, lợp ngói, thêm phần khang trang, đẹp đẽ và tiện nghi. Cũng xin nhắc đến Bề trên Urritia Thi (GM 1948-79) và LM Anrê Bùi Quang Tịch.

Các bạn cựu chủng sinh An Ninh từ khóa 1943 đến 1953 đều nhớ đến gương mẫu của vị LM Anrê Tịch sốt sắng nguyện gẫm sáng sớm và nhiệt thành yêu mến Thánh Thể trong những buổi chầu Mình Thánh hằng ngày. Cha Anrê Tịch là vị LM khó nghèo, thánh thiện. Từ 1968, ngài nhập Dòng khổ tu Phước Sơn; bị bắt cầm tù tại Rạch giá (1976) và qua đời ngày 10-1-1977 tại Dòng Phước Sơn Sàigòn, thọ 82 t. Xin LM Anrê cầu cho chúng con.

Trần Văn Trí (Th.9-2002)

Tài Liệu Tham Khảo:
- Nguyễn Ngọc Lan, Tiểu Sử 117 Thánh Tử đạo Việt Nam – California 1993
- LM. Nguyễn Văn Hội, Lịch Sử Giáo Phận Huế, Q. 2, tr. 24-25; Q. 3, tr. 40-46 (1994)
- LM. Bùi Đức Sinh O.P., M.A., Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Quyển Ba (Thế kỷ XX) và Quyển Bốn 1975-2000
- LM. J.B. Roux (Cố Ngôn). Đại Chủng Viện Huế (từ 1881-1933). Huế – 1933
- NIÊN GIÁM TGP T.P. H.C.M. – 1998.
- Danh Sách các Giám Mục và Linh Mục Giáo Phận Huế Xưa và Nay (150 Năm GP Huế, 1850-2000)

Không có nhận xét nào: