Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Cuộc Đời, Cái Chết và Ơn Gọi

Ảnh chụp tại An Hạ 01.2008


(Bài của nữ tu Anna Nguyễn Thị Thanh viết dâng thân phụ là ông Phêrô Nguyễn Văn Bửu)


Người đi qua và dừng lại bên giường ba, thật-ngắn-ngủi. Nhưng thật sự thời gian dài vô kể, dài bằng cả cuộc đời 59 năm chuẩn bị của ba…


● GHI LẠI CUỘC ĐỜI VÀ CÁI CHẾT CỦA BA


Con cắn bút và gục đầu xuống. Một phút linh thiêng, dường như ba hiện diện trước mặt con. Hai năm rồi ba nhỉ, con thầm bấm đốt ngón tay. Ôi dài vô kể. Bây giờ là Mùa Chay, Mùa Chay thứ hai trong những ngày đời vắng bóng ba.

Con không biết ba trước khi con sinh ra, song ba đã vui mừng chờ đón ngày con chào đời. Ba mạ đón nhận con trong hạnh phúc tràn ngập. Khi sự sống của con bị đe dọa bởi bào thai sinh non, ba đã bằng lòng hiến dâng con để chuộc lấy sự sống thần linh. Từ đó, ba hằng ấp ủ con trong quỹ đạo yêu thương và Lời Hứa. Ba hiện diện luôn luôn bên cạnh con như linh cảm trước ba sẽ xa lìa con. Con không nhớ là tuổi thơ của con đã phải xa ba mấy bước nhỉ? Ngày con khôn lớn, ba thường nhìn con ái ngại vì Lời Hứa kia. Con thì không nghĩ thế.

Rồi cái gì sẽ đến, phải đến - cơn đau của mạ - sự ra đi của mạ. Khởi điểm ơn gọi của con. Bắt đầu bằng sự hy sinh của ba. Trong thư ba viết cho con rằng: “Từ hôm đưa con ra bến xe Quảng Trị, và sau đó mấy tuần lễ, không ăn bỏ ngủ, vì nhớ con còn thơ dại mà đành hy sinh cho con xa lìa ba!”. Ba buồn, thương nhớ con. Con, con lại chẳng nhớ đến ba, vì mối tình siêu linh đang chớm nở trong lòng con. Con như bắt gặp trúng tần số. Cuộc sống mới làm con mê say, thu hút cả sinh lực và trí nhớ của con hướng về Ngài. Ba vẫn âm thầm… không dám quậy phá cuộc tình con. Hằng năm, ba sung sướng đón con trong những ngày hè, xuân và những dịp lễ lớn. Con vẫn hững hờ, mong ngày tựu trường chóng đến. Ba tiếp tục hy sinh cho con, không dám thư nhiều, sợ phải đánh thức con trong cuộc tình Ngài.

Ngày con chợt tỉnh, Ngài gọi con bước tới ngưỡng cửa Tập viện. Ôi, bỏ ba sao đành! Con bắt đầu bỏ ngủ biếng ăn vì tiếng gọi siêu linh như thúc giục con: “Hãy quên dân tộc và nhà thân phụ để ĐỨC VUA NGƯỜI SỦNG ÁI DUNG NHAN. HÃY ĐẾN PHỤC VỤ NGÀI…”! Bây giờ đến lượt con hy sinh. Con đã thấu hiểu. Con chợt nhớ đến câu Kinh Thánh: “Ta đến không phải để mang lại hòa bình nhưng là chia rẽ. Con trai với cha, con gái với mẹ, nàng dâu với mẹ chồng…”. Vâng, Ngài đã đến chia rẽ con với ba bằng một biến cố chính trị: Ngày gia đình chạy loạn. Ngài đưa ba ra khỏi Đại-Lộ-Kinh-Hoàng. Con đành bỏ ba một mình trong cơn đại họa.

Ba nhường bước để Ngài lớn lên,
Ba chịu mục nát để sự sống Ngài tăng triển trong con...

Bằng con đường Thập Giá: Trại cải tạo! Chúa cần sự hy sinh và cộng tác của ba như ngày con tượng sinh trong tình yêu ba mạ. Cuộc sống của ba gắn liền với ơn gọi của con. Thời gian học tập của ba trên rừng vắng khai mở cho con những ngày hồng ân. Ba chịu đắng cay đển con được uống sữa linh thiêng:

“Chúa ơi ! Nhà Chúa muôn năm
Là nơi thánh đức thiên ân dồi dào”.

Con bước vào niềm hoan lạc của đời tu. Ngày con được sinh ra trong bộ áo nhà tu cũng là ngày ba bắt đầu khoác áo tù binh. Ba âm thầm bấm đốt ngón tay tính ra ngày vui của con. Một mảnh giấy nguệch ngoạc được dấu kín từ trại-tập-trung gởi về làm quà cho con trong ngày đó. Con bắt đầu khóc… Ba vẫn mãi mãi là của con, nhưng con không thuộc về ba nữa: Bởi con đã thuộc về Thiên Chúa của ba. Ba thấy đó nhưng hầu như xa cách bởi sự chia lìa kia. Con đã thấy buồn hơn trước: Những giờ kinh chiều con dành riêng cho ba và thầm mơ một lần gặp lại. Nhưng sao được Chúa nhỉ? Vì đây là thời gian giáo luật của con và cũng là những ngày tù của ba, con vẫn âm thầm khấn nguyện…

Và Chúa đã nhận lời: Xuân 1976, con mãn năm giáo luật. Và ba cũng mãn hạn tù binh. Hai cha con gặp nhau trên triền núi Thuận Hải. Ngôi nhà tuy thô sơ nhưng ấm cúng bởi sự hiện diện của ba. Ba đón con trong nụ cười khập khễnh! Con gọi ba là “Ba sún”. Lúc ấy, con dâu trưởng của ba vừa cho ra đời một cháu bé thật kháu – đứa cháu-đích-tôn của ba. Ba nghiễm nhiên làm ông nội. Trông ba thật đáng kính. Mãn phép con trở lại dòng. Chị và cháu cũng trở về Saigon. Chị Bình đi dạy ở Bình Tuy. Chỉ còn út Tịnh và anh Thông ở lại với ba. Ai hiểu được nỗi cô đơn của ba lúc nầy nhỉ? Ba vẫn thản nhiên chấp nhận cuộc sống với nhiều sự thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần. Bởi ba hằng tín thác và cậy trông nơi Chúa… Cuộc sống của con trong những năm nầy bị chi phối rất nhiều vì mối bận tâm lo lắng về ba…

Rồi một biến cố nữa lại đến, đánh dấu một khúc quanh trong đời con… Ngày xưa, Chúa đòi ba phải hy sinh cho con, bây giờ Ngài dùng chính sự đau khổ của con để ban cho ba một đặc ân trong 18 tháng trước khi thật sự xa con vĩnh viễn. Nào ai am tường được Chúa, ai thấu suốt đường lối Ngài?... Con được về với gia đình… trong cơn khủng hoảng của cộng đoàn… Con có ngờ đâu Chúa đã dùng chính những lý do không mấy tốt đẹp đó để bù đắp phần nào sự quảng đại dâng con cho Chúa của ba. Lúc nầy đây ba cũng muốn ở gần con, muốn có con bên cạnh. Chúa yêu sách với ba thật nhiều để rồi trả lại cho ba thật xứng đáng. Con hiện diện lúc nầy đây trong gia đình thật là phải lý. Với bầu không khí yêu thương, con quên hết ưu phiền đời con để đón nhận tất cả sỉ nhục đời tu… hàng xóm láng giềng xúi con ở lại đây với ba luôn. Con sắp phải ra đi ư? Con lo sợ! Không biết ba có khấn nguyện với Chúa không mà con lại trở về với ba một lần nữa qua quyết định của Mẹ bề trên. Nhưng lần nay con tạm ở lại Saigon. Cảm tạ Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho con, để khi ba lâm bệnh, con phải đảm đương hết mọi sự cho ba.

Đã gần 6 tháng trời không về thăm ba, con quyết phen nầy đưa ba lên ở với chúng con. Anh Thông cũng đồng ý như vậy. Con cố sức làm việc để có phần dư dả hầu cha con mình tiêu dùng và nhất là để làm lại bộ răng cho ba. Được tin con sắp về, ba nôn nóng. Ba mong chờ con về với mâm xôi và con gà luộc mà ba đã dọn sẵn, sợ con về bất ưng. Từ ngày vắng mạ, ba lại cẩn thận và tỉ mỉ hơn trước để vừa là cha vừa là mẹ. Chúa ơi! Con hiểu thế nào nữa về tình yêu của Chúa dành cho con? Con không thể hiểu nỗi với trí khôn hạn hẹp của mình. Song con vẫn xác tín rằng Chúa còn thương yêu con nhiều hơn ba vô cùng, vì ba chỉ đáp ứng các điều trước mắt, còn Chúa, Ngài quyền năng và thấu suốt mọi sự thì lẽ gì mà con còn sợ hãi trước viễn tượng của cuộc đời đã được Ngài xếp đặt? Cảm tạ chúa ! Cảm tạ Ngài muôn nghìn lần đã ban cho con một người cha đã dạy cho con hiểu tình-yêu-hiền-phụ của Ngài vượt quá giới hạn con người.


I. BỐN THÁNG TRƯỚC KHI BA MẤT


Con về thật đúng lúc khi sức khỏe của ba suy giảm nhiều. Em Tịnh đã lo lắng ngày đêm đến nỗi có lần em đã kể cho con rằng: mỗi chiều đi làm về, em không dám vào nhà, không biết có còn ba không? Ai xui khiến 3 hôm sau con lại quyết định đưa ba lên ngay, thay vì trước đây con có ý định ở lại chơi một tuần lễ. Con hỏi ý ba, ba bằng lòng. Thế là ba cha con thu xếp hành lý. Sáng nay ba ra xe, ba khỏe hẳn trông ba vui hơn thường. Ai biết được chỉ ngày hôm đó ba tự đi được một mình. Ra đi từ tảng sáng, lên đến Saigon đã 9 giờ đêm. Ngồi trên tàu, ba còn bảo: “Về Saigon, ba dẫn con đi ăn các món ngày xưa còn trẻ ba vẫn thích. Con hứa sẽ đưa ba đi thăm bà con. Cha-con-ông-cháu gặp nhau thật vui. Đêm hôm đó, con lại nghĩ đến em Tịnh ở nhà một mình mà thương quá. Ba cũng vậy, và lại thấy nhớ nó. Sáng hôm sau ba chỉ vào thăm nhà ông bà sui, kỷ niệm cách đây mấy năm trước, cũng ngày hôm nay, ba đi hỏi vợ cho anh Thông, con trai cả của ba, và ba nằm xuống từ đó…

Ba bắt đầu mệt. Hai chị em con lo quá. Con vừa làm việc, vừa chạy chữa thuốc men cho ba. Song không thấy chi khả quan. Sau một tháng bỏ dạy để theo ba, chị Bình được lệnh trường gọi về. Chi bịn rịn không muốn đi song ba bảo: “Thôi con về đi, mai mốt ba về sau”. Chị có ngờ đâu đó là câu nói cuối cùng ba gửi lại cho chị.

Em Tịnh lên. Hai chị em tiếp tục đưa ba đi từ bệnh viện nay sang nhà thương kia. Ban đầu, ba còn dựa vào Tịnh để đi. Sau nầy, em phải cõng ba lên xuống cầu thang. Thấy ba càng lúc càng yếu dần, con rất ái ngại. Bác sĩ Tú nói: “Phổi ba nát, gan ba khô, đường tiêu hóa của ba bị rối loạn. Thêm vào đó, ba bị kiệt sức nhiều. Cũng còn hy vọng chữa lành, song cô có đủ khả năng theo các toa thuốc của tôi trong suốt 3 năm liền, cả đến thức ăn cũng vậy không?”. Con ra về, lòng mang nặng nỗi sầu đau… Lấy tiền đâu ra để chạy thuốc cho ba khi con vẫn còn bám víu vào hồng ân của Chúa? Ngài nuôi sống con từng ngày, không phải do công lao của con, nhưng là bởi tình thương của Ngài. Chúng con đã chua xót ngậm ngùi. Anh Thông buồn nhiều hơn cả vì nỗi bất lực nầy. Chúa định cho con được lãnh phần thay anh. Chúa trả cho ba gấp trăm, vì Ngài đã cướp mất con gái của ba. Chưa chịu thua, con xoay chiều khác: đưa ba đi châm cứu. Đến nơi, thầy bảo hết châm được vì ông già quá yếu. Hai viên thuốc to bằng ngón tay ông bảo đưa về cho ba uống. Có phần hy vọng. Con liền chạy xuống cầu cứu cha Bảo Toàn. Ngài có tiếng về khoa chữa bệnh bằng đức tin. Cha bảo đưa ba xuống, con thất vọng. Làm sao ba đi được, khi ba đã quá yếu? Con đành trở lại Saigon.


II. BA MƯƠI NGÀY TRƯỚC KHI CHẾT


Sáng nay thức dậy, ba kể cho con giấc mơ hôm qua: Ba đi lạc vào rừng, ba gặp một ông lão mặt mũi phương phi, tóc và râu dài bằng nhau. Ba đến hỏi về cổ quan và thiêu xác hết bao nhiêu. Ông bảo: “Một ngàn đồng”. Ba kêu: “Mắc quá, con tôi không đủ tiền”. Ông ra chiều suy nghĩ và bảo: “Thôi già bớt cho 500 đồng, giá chót là 500 đồng, không bớt được nữa đâu”. Ba bằng lòng. Kể xong, ba tiếp: “Ba thấy chắc chẳng còn bao lâu nữa, giờ của Chúa đã gần, con đi lo cho ba đất đai, con lên cha sở hỏi trước, ba trông cậy vào con”. Và ba an ủi con nhiều. Con kêu: “Ba nói chuyện chi mô, ba sắp khỏe rồi”. Con lật mí mắt ba lên và reo to: “Ồ, gân máu ở mắt ba có nhiều, chắc ba sắp lành bệnh. Sắc mặt ba cũng hồng hơn trước. Con mừng thật mừng !”.

Nào ai có ngờ đâu, chỉ là sự bùng lên của ngọn nến sắp tắt! Nhưng tự nhiên con nghĩ đến chuyện xức dầu. Con sợ ba buồn, không dám nói… Sáng nay, cha Lộc và bác sĩ Hoa sang thăm. Bác sĩ lắc đầu, nước mắt con vòng quanh chảy. “Ba bị cancer”, bác sĩ Hoa bảo vậy.


III. TUẦN LỄ CUỐI CÙNG CỦA BA


Ba nhắc nhiều đến mạ. Lúc nào nằm mơ cũng thấy mạ con về. Đó là câu chuyện mỗi bữa sáng ba vẫn kể cho con nghe. Con thấy bồn chồn quá… chiều nay con sang nhà xứ, cha Lãm đi vắng. Con mời cha phó Đức sang cho ba lãnh phép bí tích xức dầu. Chiều hôm ấy con buồn vô kể. Từ hôm nay, ba xin đừng tập cho ba đi nữa. Con cũng muốn lắm, sợ làm ba mệt. Nhưng anh Thông không chịu vì bác sĩ bảo thế. Sau nầy, khi ba chết, anh hối hận quá, vì đã bắt ba đi mỗi ngày một vòng.

Ôi ngày xưa còn bé, ba đã bồng ẵm, tập cho chúng con đi và đút cho chúng con ăn. Bây giờ đây, đến lượt chúng con, chúng con làm các sự ấy cho ba. Mỗi lần đi, ba mệt lã người. Con còn nhớ những giọt mồ hôi từ mặt ba nhỏ xuống sàn nhà. Dẫu vậy, ba vẫn vui lòng để chúng con tập cho ba đi mỗi ngày… Bây giờ, ba đau nhiều hơn trước. Nhất là về đêm, ba trằn trọc, ba hay đổi thế nằm luôn, nên chúng con phải thay nhau ngồi cạnh ba suốt đêm.

Mấy hôm nay, ba nhắc chị Bình sao chưa thấy lên. Con nói để an ủi ba rằng: “Còn ít nữa là Phục Sinh, con nhắn chị lên cho ba kẻo ‘bi chừ’ các em đang thi học kỳ cuối năm, chị phải ở lại trường cho các em thi”. Ba làm thinh. Con cứ tưởng rằng ba nhớ chị và nhắc vậy thôi…

Ai ngờ, sáng thứ năm, con đỡ ba sang ghế nằm. Ba khó thở, ba thở dốc mãi và đầu cứ ngắc ngoải bên trái rồi qua phải, tay chân ba rũ rượi. Chúa ôi! Con cứ tưởng ba chỉ mệt như mọi lần thôi, con tiếp tục dọn dẹp. Ba gọi con. Chị Hồng đến… 19 giờ con còn xay cho ba 1 ly sinh tố. Con nhìn ba ngắc ngoải mà lòng ruột đau xót… con khóc… Chị Hồng đành đút cho ba ăn. Chị cố nài ba: “Thôi cố ăn thêm một muỗng nữa kẻo con Thanh nó khóc kìa”. Ba lại há miệng cho chị Hồng đút. Ba ơi! Con biết ba thương con thật nhiều, nhiều vô kể. Anh Hai ngồi đó… lặng nhìn ba trong cơn đau đớn. Anh làm hiệu biểu chị Hồng đừng ép ba ăn nữa. Con hỏi ba: “Ba có thấy gì không? Có khách đến thăm ba nè!”. Ba bảo ba thấy một người to và cao lắm. Ba còn bảo con lấy áo chemise mặc vào cho ba kẻo bất lịch sự. Ba thật tế nhị... Chị Hồng và con cười. Anh ở lại mãi quá trưa mới về. Con tiễn anh và chị Hồng xuống nhà. Anh dặn và an ủi con nhiều điều. Con không ngờ chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, ba mãi mãi bỏ chúng con mồ côi.

Con đỡ ba sang giường. Ba mở to hai mắt nhìn con như muốn thu lấy hình ảnh đứa con gái ba thương nhất vào lòng. Con nghĩ bụng, chiều nay đi lễ sẽ ghé qua mời cô Hai ở đường 3/4 đến xem mạch cho ba. Bốn giờ chiều, con chuẩn bị đi lễ. Thầy Huy đến hỏi thăm ba có khỏe không? Com mời lên nhà. Thầy bảo vội về cho kịp kẻo tối. Thầy còn dặn hễ ba có hề chi thì qua nhà thương tin cho thầy. Ba thấy không: Chúa vẫn sai Thiên thần đến với cha con mình. Con dặn dò em Tịnh vài điều rồi đi lễ. Ba còn cười với con một lần cuối. Tan lễ, con đi lấy hàng và ghé nhà cô Hai năn nĩ mãi, cô bảo con sáng mai 6 giờ đến đón cô… Cô có ngờ đâu giờ của Chúa đã đến!

Con về. Bây giờ là 20 giờ tối thứ năm trước tuần Chịu Nạn… Chuông bấm vừa reo, anh Thông đã vội vã hớt hơ hớt hãi từ trên nhà chạy xuống: “Thanh ơi, đi mời cha mau lên, ba hấp hối rồi”. Con chạy bay sang bên nhà xứ. Cha Đức bảo con về với ba đi, ba đã chịu đầy đủ các phép. Con lên nhà, ba nằm đó bất động… “Ba ơi”, con gào thét nhưng ba vẫn nằm im, hai mắt mở ra. Chúng con có mặt cả, thiếu chị Bình. Tịnh làm hô hấp nhân tạo cho ba. Con làm mấy tác động nhẹ: Đưa tay lên rồi bỏ xuống, cứ như thế may ra ba tỉnh lại… Nữa giờ sau, không có kết quả gì, con lo sợ: “Ba đi thật rồi ư?”. Không, ba vẫn mở mắt ra nhìn con. Con không muốn nghĩ rằng ba đã chết, dẫu cái chết thực sự đã đến với ba. Tịnh và con ngừng tay. Chúng con không khóc được, vẫn cứ hy vọng ba chỉ ngất đi thôi. Mãi đến lúc ông ngoại cháu bé Linh bảo rằng “Ba đi rồi “, con chợt hiểu. Cả mấy anh em oà lên khóc. Ba đi thật nhẹ nhàng, con cứ tưởng ba ngủ. Thật ra, ba đã ngủ giấc ngủ nghìn thu. Giấc ngủ đã đưa ba vĩnh viễn ra khỏi trần gian để bước vào vĩnh cữu, nơi không còn đau khổ nữa.

Chúng con vẫn ngồi bất động bên xác ba, không ai nói một lời. Chúng con như đang mơ… 22 giờ quá, con và em Tịnh rửa xác ba. Con còn hỏi em: “Tịnh ơi, ba chết thật rồi hả?”. Rồi hai chị em sụt sùi khóc, không biết lúc đó ba có đau đớn không nhỉ? Cơn bệnh đã cướp mất vẻ đẹp ngày ba còn sống, thân xác ba giờ đây chỉ còn là nắm xương sau làn da bọc. Con chợt nghĩ đến hình ảnh Chúa Chịu Nạn. Con nhớ lại những lời ba nói với con ban sáng về cuộc tử nạn của Chúa. “Thanh ơi ! Con có biết ba đau đớn lắm không?”. Ba hỏi con vậy, con thưa rằng: “Ba ơi, con biết, con biết ba đau lắm chứ, con muốn chia sẻ cơn đau của ba, song con bất lực quá”. “ Con thật đáng thương với sự bất lực nầy”, rồi ba tiếp: “Chắc con không hiểu thấu sự đau đớn của ba. Nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với cuộc khổ nạn của Chúa đâu con ạ!”. Ôi, từ đây, con ghi nhớ lời nầy. Đây là gia bảo thiêng liêng ba để lại cho con. Chắc hẳn tâm hồn ba lúc ấy đang cảm thông với Chúa Kitô trên thập giá, đang hướng về Ngài và dõi theo cuộc tử nạn, cơn hấp hối của Chúa ngay trên thân xác mình. Con liên tưởng đến Isaia, đoạn nói về Người tôi tớ của Đấng Gia vê: “Người không còn sắc thanh diện đẹp đẽ để người ta ưa thích.”. Quả thật, giờ đây ba cũng trở nên nghèo nàn như chính cuộc sống của ba. Ba đã trở về với cái ‘hư vô’ phận người…

Viết đến đây, con không muốn gì nữa ngoài Chúa Kitô, cùng đích của đời con. Con đã cảm nếm sự mau qua của đời tạm cục-diện-thế-giới và chính bản thân con. Sự chết đã làm cho mọi chuyện mất đi cái vẻ hấp dẫn của chúng. Chỉ có cái chết của CON NGƯỜI TRÊN THẬP GIÁ mới khiến cho mọi sự đáng yêu và đáng theo đuổi.

4 giờ 30 chiều thứ sáu trước Tuần Chịu Nạn, giờ tẩm liệm ba. Chiếc khăn tang lần thứ hai được quấn vào cổ con. Mọi người đều ngậm ngùi thương cảm ba. Con đứng đó bất động, lặng nhìn xác ba một lần cuối - chỉ có vài người trong đám quen biết đến dự - thật lặng lẽ như chính cuộc sống của ba. Chị Bình giờ này vẫn chưa thấy lên. Bây giờ con mới cảm thấy sự chết chia lìa cha con mình bởi cái cỗ quan và hương nến, tuy nắp quan vẫn mở chờ chị Bình về. Sốt ruột quá, con thẫn thờ chạy lo công chuyện lễ đám cho ba, quên cả khóc. Nhưng hình ảnh ba vẫn hiện diện trong con. Mọi chuyện đã tạm yên…

Sáng nay, thứ bảy mồng 8 tháng 4, không thể để lâu hơn nữa, chúng con đành phải đóng nắp quan lại. Thế là vĩnh viễn mất ba. Tám giờ tối hôm ấy, chị Bình mới về tới Saigon. Chị khóc quá đỗi. Con ôm lấy chị mà khóc và an ủi chị thật nhiều. Chị thức với ba suốt đêm ấy. Con còn phải lên nhà lo việc ngày mai cho ba với một vài người bạn của em Tịnh, chúng con phân công. Chị Hồng gíup con ở nhà nấu nướng cho khách ngày mai. Ôi, Chúa thật tế nhị. Con cảm tạ Chúa đã quan phòng xếp đặt cho mọi sự được vuông tròn.

Sáng chúa nhật lễ Lá. Mười giờ mới cử hành lễ an táng cho ba. Tuy là chết ở xứ người, song nhờ sự ân cần lo lắng của cha xứ họ Hòa Hưng và các đoàn thể trong xứ đạo nên đám tang ba cũng bớt phần tẻ lạnh. Con cảm được tình Cha trên trời. Vâng, chỉ có tình yêu Chúa mới làm cho những người xa lạ thành quen thuộc, chứ ở giữa cái thành phố nầy, các gia đình sống cạnh nhau mà vẫn không biết nhau.

Một thánh lễ đồng tế được cử hành do cha chánh xứ Hòa Hưng, cha Văn Quy chủ tế, quý cha Nguyễn Văn Lộc - cựu giáo sư tiểu chủng viện Hoan Thiện, Cha Đức - phó xứ Hòa Hưng, Cha Ngô Phục - bạn học của anh Thông, và cha Chu Quang Đương - Giám Tập dòng Đa Minh, người có người bà con nằm chung bệnh viện với ba, Chúa đã quan phòng xếp đặt để các vị lo lắng các việc cho ba và đưa ba ra tận nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày xưa ba vẫn thầm mơ điều đó khi cho em Tịnh đi chủng viện, thì hôm nay, dẫu chưa đạt được ước nguyện đó, Chúa cũng dành cho ba một đặc ân mà con lấy làm an ủi và cảm tạ Chúa vô cùng.

Mất ba rồi con đã mất tất cả để chỉ còn Chúa Giêsu là gia nghiệp. Con cúi lạy ba lần cuối. Nấm mồ, nơi yên nghỉ của hết mọi người… Con đã trọn tình hiếu thảo với ba nhưng con chưa trọn nghĩa với Chúa. Bây giờ, ba càng gần gũi và biết con đang nghĩ gì. Con tin chắc khi ba còn sống ba đã hết lòng thương và lo lắng cho con, thì nay ba càng có lý do để lo cho con hơn nữa. Và nhất là để Của-Lễ-Hiến-Dâng của ba được trọn vẹn thì xin ba nguyện giúp để con mãi mãi bền đỗ và trung thành với ơn gọi Chúa đã ban cho con.



Kính dâng hương hồn ba.

Anna Nguyễn Thị Thanh
Con của ba
- 1983 -

Không có nhận xét nào: