Thứ Ba, 13 tháng 5, 2008

Chủng viện Dinh Cát - Hoà Ninh - Di Loan

Chủng viện DINH CÁT - HÒA NINH - DI LOAN (Quảng Trị, 1783-1858)
Chủng viện KẺ SEN (Quảng Bình, 1849-1856)
... Tháng 7-1782, linh mục J. Labartette được cử làm Giám mục phó để đảm nhiệm mạn Bắc Đàng Trong, đặt trú sở ở Di Loan ở Cổ Vưu, giúp Giám mục Pigneau hoạt động ở miền Nam. Vị tân Giám mục phó mới 38 tuổi, dịu dàng, nhân ái luôn quan tâm nhiệm vụ đào tạo linh mục để có thêm cán bộ truyền giáo. Ngài ủy nhiệm thừa sai Jacques Longer thành lập chủng viện ở vùng Dinh Cát. Địa điểm được chọn là xã Hòa Ninh - Di Loan.

Hòa Ninh là một xã ở huyện Bình Chính, phủ Quảng Trạch, xứ Thuận Hóa (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay). (Đinh Xuân Vịnh, sđd, tr. 243).

Di Loan (Di Luân, Di Lý) là một xã thuộc tổng Minh Lương, huyện Minh Lương, phủ Quảng Bình (Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn, sđd, tr. 82). (Xem PL 14).

Hòa Ninh - Di Loan là những họ đạo thuộc Dinh Cát. Từ thế kỷ XVII, vùng Dinh Cát có được 24 họ đạo. Nếu kể các họ đạo từ sông Gianh vào đến giáp địa giới tỉnh Thừa Thiên (ngày nay) thì vào năm 1694 đã có tất cả 61 họ đạo với khoảng 6.579 tín hữu trong 4 giáo Hạt (Lm. Nguyễn Văn Hội, Lịch sử giáo phận Huế, tlđd, tr. 70-71).

Năm 1783, thừa sai J. Longer xây dựng xong được chủng viện. Đức cha phó Labartette đứng chủ lễ khai giảng ngày 28-6-1784, bấy giờ có 13 học sinh, J. Longer làm Giám đốc.( Lm. Nguyễn Văn Hội, tlđd tr. 127-128. Và "Giáo hội Công giáo ở Việt Nam" tập 2, Ronéo, tr. 246).

Việc lập chủng viện nầy thừa sai Longer đóng góp công lao rất lớn. Đức cha Labartette chi phí cho được 200 quan tiền và 20 cây gỗ mít. Cha Longer tận lực vận động giáo dân giúp công giúp của. Ngày "thượng lương" (ngày bắt đầu dựng kèo nhà) cả đồng bào không Công giáo cũng tới dự lễ, dâng cúng lễ vật theo phong tục lâu đời trong xứ. Cha Longer điều hành Giám học, 3 năm đầu chủng viện sinh hoạt rất khả quan, đều đặn.

Chủng viện ra đời và sinh hoạt trong bối cảnh chính trị đầy biến cố chấn động đất nước. Làm chủ Phú Xuân, 1786, Tây Sơn chuẩn bị tiến quân ra Bắc Hà giương cao ngọn cờ "Phò Lê diệt Trịnh'”. Để chuẩn bị cho chiến dịch Bắc tiến có tính quan trọng nầy, chính quyền Tây Sơn ráo riết bắt lính, kiểm soát chặt chẽ lớp thanh niên bổ sung lực lượng, tích lũy lương thực... "tất cả cho chiến dịch toàn thắng". Trong tình hình đó linh mục Giám đốc Longer cho triệt hạ các cơ sở của chủng viện rồi đưa 15 chủng sinh đi trốn lên núi Trốc Voi trong vùng rừng rú Thủy Cần gần Cửa Tùng (Quảng Trị ngày nay) trong 2 tháng (Theo Lm. Nguyễn Văn Hội, slđd, tr. 127-128).

Chủng viện Di Loan thời Giám mục Labartette với linh mục Giám đốc Longer qua khỏi những long đong trốn tránh trên núi vẫn tiếp tục sinh hoạt mặc dầu không ổn định không đều đặn. Cho đến năm 1789 Cha Longer rời khỏi chủng viện ra Bắc, qua Macao để nhận lễ tấn phong Giám mục, phụ tá cho Giám mục Davoust giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Chủng viện tạm ngừng sinh hoạt, chủng sinh lui về gia đình giúp các xứ đạo, sống hy vọng và chờ đợi

Chủng viện Di Loan thời kỳ 1837:
Năm 1837 dưới triều Minh Mạng, Giám mục giáo phận Đàng Trong Cuénot (tên Việt Nam: Thể) cho mở lại chủng viện Di Loan ở một địa điểm khác với địa điểm thời linh mục Longer trước kia, thừa sai Candalh (tên Việt Nam: Kim) tổ chức điều hành. Cha Candalh vốn trước kia truyền giáo ở Xiêm, được điều động sang giáo phận Đàng Trong. Cha đi bằng đường biển từ phía Bắc Bố Chính vào cửa Tùng, vào Di Loan tháng 4-1837.
Linh mục Giám đốc Canadlh được sự cộng tác của thừa sai Jaccard, của linh mục Lê Văn Tư chánh sở An Ninh và Di Loan, chủng viện khai giảng với vỏn vẹn 6 chủng sinh.

Đến tháng 5-1838 quan huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị lùng bắt cho được thừa sai Candalh. Hai linh mục Candalh, Lê Văn Tư và 6 chủng sinh chạy ra Quảng Bình và ẩn trốn trong vùng rừng núi Kim Sen (Kẻ Sen). Đây là sở đồn điền của ông Nguyễn Hữu Quỳnh Năm khai khẩn với hậu ý làm nơi nương thân trốn ẩn cho ông, cho các giáo sĩ trong cơn bắt đạo ngặt nghèo. Cha Candalh qua đời tại đây ngày 28 tháng 7 năm 1838. Ông Quỳnh Năm tức thánh Tử đạo Quỳnh Năm, là tổ tiên ba đời của Quận công Nguyễn Hữu Bài. (1863-1935)

Chủng viện Di Loan thời Giám đốc Candalh có một bông hoa thơm ngát, Tôma Trần Văn Thiện một thiếu niên vừa đến ngưỡng cửa chủng viện đã bị bắt và bị xử giảo chết vì đức Tin Công giáo (xem "Nhân vật Chứng nhân đức Tin”, của Lê Ngọc Bích, đã phát hành).

Chủng viện Kẻ Sen (Quảng Bình, 1849-1856):
Đức cha Cuénot chỉ thị cho thừa sai Galy lập một chủng viện nữa ở làng Kẻ Sen. Đây là chốn rừng rú xa xôi ở Quảng Bình dễ trốn tránh và vẫn tổ chức sinh hoạt được trong tình huống bắt đạo. (xem PL 14).

Năm 1853 linh mục Giám đốc Galy rời chủng viện vì lý do sức khỏe quá suy yếu. Giám mục phó Sohier (Tên Việt Nam: Bình) điều khiển chủng viện. Đức cha Pellerin từ Di Loan chạy ra tỵ nạn ở đây, chủng sinh được hai vị Giám mục thay nhau giảng dạy.
Tới năm 1856, Đức cha Pellerin phải trốn ra nước ngoài, triều đình Tự Đức bắt đạo ráo riết, Đức cha Sohier phải đóng cửa chủng viện lánh vào Di Loan.

Chủng viện Di Loan thời kỳ 1849-1858:
Mặc dầu đã có chủng viện Kẻ Sen, Đức cha Cuénot chỉ thị Đức cha phó Pellerin lập một chủng viện nữa. Địa bàn được chọn vẫn là Di Loan nơi đã có chủng viện thời Đức cha Labartette (tên Việt Nam: Bê, 1799-1823), nhưng ở một địa điểm khác. Di Loan, một họ đạo nổi tiếng từ lâu là miền đất kiên cường, giáo dân thực sự kiên cường sống và bảo vệ đức Tin.

Lúc đầu chủng viện lâm thời đặt tại họ dạo An Vân (nay là giáo xứ An Vân, xã Hương An, huyện Hương Trà, Thừa Thiên, giáo phận Huế). Bấy giờ Đức cha phó Pellerin ẩn trốn tại đây từ tháng 8-1848 đến tháng 3-1849, An Vân là nơi khuất tịch, đồng bào không Công giáo hiền hòa. Địa thế có con sông An Vân (chi lưu của sông Bạch Yến), có núi Lựu Bảo thông lên Trương Sơn dễ bề trốn chạy (Đại Nam Nhất thông chí, Tập 1, NXB. Thuận Hóa, tr. 124 và 142).

Nhân lúc tình hình có phần lắng dịu, Đức cha gọi một nhóm các thầy đã mãn khóa chủng viện Pénang đang giúp các xứ tập trung về An Vân để học bổ túc chuẩn bị thụ chức. Giảng dạy Đức cha đảm nhiệm, ăn ở có giáo dân An Vân đùm bọc che chở. Ngày 23-12-1848, chắc chấn vào lúc đêm khuya, Đức cha phong chức linh mục cho thầy Xtêphan Trương Công Quang người Giáo Liêm Quảng Trị. Đây là lễ phong chức đầu tiên và duy nhất ở chủng viện lâm thời An Vân, vì sau đó Đức cha bị lính triều đình phát hiện, Ngài phải cấp tốc tạm biệt An Vân xuống thuyền đi thẳng ra Di Loan ẩn náu với thừa sai Sohier. (Lịch sử giáo xứ An Vân của Lm. St. Nguyễn Văn Ngọc, tài liệu đánh máy, tr. 6-7).

Ra Di Loan, Đức cha mua được một sở vườn rộng ngay tại trung tâm làng Di Loan, cất lên 3 căn nhà tranh, hoàn tất cơ sở khoảng tháng 12-1849. Khai giảng năm học có được 30 chủng sinh cũ và mới, học hành sinh hoạt quanh quẩn trong vườn, không được ra ngoài phạm vi, tứ phía lũy tre bao bọc. Giáo dân là hàng rào lũy tre che chở hơn cả lũy tre, họ tổ chức một hệ thống báo động rất tinh vi kịp thời bắn tin cho chủng viện biết sắp có bố ráp. Nổi bật có ông Phêsrô Thuận.

Ban lãnh đạo chủng viện có linh mục Sohier làm Giám đốc, Đức cha Pellerin, linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Thân.

Năm 1850, thành lập giáo phận Bắc Đàng Trong, giáo phận Huế sau này, Đức cha Pellerin lên Giám mục tân giáo phận, năm 1851 linh mục Sohier được cử làm Giám mục phó .

Năm học 1850-1851 có 50 chủng sinh, chia làm hai lớp La-tinh và Thần học.

Năm học 1851 -1852 chủng viện có hai Đức cha Pellerin và Sohier thay nhau giảng dạy.

Cuối năm 1852 Đức cha phó Sohier ra làm Giám đốc chủng viện Kẻ Sen, Đức cha Pellerin vẫn ở chủng viện Di Loan

Vào cuối hè năm 1854 đang chuẩn bị lễ truyền chức linh mục cho một số thầy, thình hình có báo động quan quân triều đình hành quân quy mô càn quét chủng viện. Thế là cả chủng viện lập tức chạy lánh nạn lên vùng Bái Trời (huyện Minh Linh, Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Từ những năm 1855-1858, chủng viện vẫn sinh hoạt trong tình huống luôn sẵn sàng chạy trốn, không học hành gì được.

Cuối cùng, năm 1858 chủng viện phải đóng cửa, Đức cha Sohier cùng một nhóm chủng sinh lẫn trốn lên vùng Kẻ Sen, Kẻ Bàng mạn bắc Quảng Bình.

Trích trong “Nhân Vật Công Giáo Việt Nam, tập 1”,
của GS. LÊ NGỌC BÍCH,
Nguồn:
www.dunglac.org

Không có nhận xét nào: