Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Cuộc Đời, Cái Chết và Ơn Gọi

Ảnh chụp tại An Hạ 01.2008


(Bài của nữ tu Anna Nguyễn Thị Thanh viết dâng thân phụ là ông Phêrô Nguyễn Văn Bửu)


Người đi qua và dừng lại bên giường ba, thật-ngắn-ngủi. Nhưng thật sự thời gian dài vô kể, dài bằng cả cuộc đời 59 năm chuẩn bị của ba…


● GHI LẠI CUỘC ĐỜI VÀ CÁI CHẾT CỦA BA


Con cắn bút và gục đầu xuống. Một phút linh thiêng, dường như ba hiện diện trước mặt con. Hai năm rồi ba nhỉ, con thầm bấm đốt ngón tay. Ôi dài vô kể. Bây giờ là Mùa Chay, Mùa Chay thứ hai trong những ngày đời vắng bóng ba.

Con không biết ba trước khi con sinh ra, song ba đã vui mừng chờ đón ngày con chào đời. Ba mạ đón nhận con trong hạnh phúc tràn ngập. Khi sự sống của con bị đe dọa bởi bào thai sinh non, ba đã bằng lòng hiến dâng con để chuộc lấy sự sống thần linh. Từ đó, ba hằng ấp ủ con trong quỹ đạo yêu thương và Lời Hứa. Ba hiện diện luôn luôn bên cạnh con như linh cảm trước ba sẽ xa lìa con. Con không nhớ là tuổi thơ của con đã phải xa ba mấy bước nhỉ? Ngày con khôn lớn, ba thường nhìn con ái ngại vì Lời Hứa kia. Con thì không nghĩ thế.

Rồi cái gì sẽ đến, phải đến - cơn đau của mạ - sự ra đi của mạ. Khởi điểm ơn gọi của con. Bắt đầu bằng sự hy sinh của ba. Trong thư ba viết cho con rằng: “Từ hôm đưa con ra bến xe Quảng Trị, và sau đó mấy tuần lễ, không ăn bỏ ngủ, vì nhớ con còn thơ dại mà đành hy sinh cho con xa lìa ba!”. Ba buồn, thương nhớ con. Con, con lại chẳng nhớ đến ba, vì mối tình siêu linh đang chớm nở trong lòng con. Con như bắt gặp trúng tần số. Cuộc sống mới làm con mê say, thu hút cả sinh lực và trí nhớ của con hướng về Ngài. Ba vẫn âm thầm… không dám quậy phá cuộc tình con. Hằng năm, ba sung sướng đón con trong những ngày hè, xuân và những dịp lễ lớn. Con vẫn hững hờ, mong ngày tựu trường chóng đến. Ba tiếp tục hy sinh cho con, không dám thư nhiều, sợ phải đánh thức con trong cuộc tình Ngài.

Ngày con chợt tỉnh, Ngài gọi con bước tới ngưỡng cửa Tập viện. Ôi, bỏ ba sao đành! Con bắt đầu bỏ ngủ biếng ăn vì tiếng gọi siêu linh như thúc giục con: “Hãy quên dân tộc và nhà thân phụ để ĐỨC VUA NGƯỜI SỦNG ÁI DUNG NHAN. HÃY ĐẾN PHỤC VỤ NGÀI…”! Bây giờ đến lượt con hy sinh. Con đã thấu hiểu. Con chợt nhớ đến câu Kinh Thánh: “Ta đến không phải để mang lại hòa bình nhưng là chia rẽ. Con trai với cha, con gái với mẹ, nàng dâu với mẹ chồng…”. Vâng, Ngài đã đến chia rẽ con với ba bằng một biến cố chính trị: Ngày gia đình chạy loạn. Ngài đưa ba ra khỏi Đại-Lộ-Kinh-Hoàng. Con đành bỏ ba một mình trong cơn đại họa.

Ba nhường bước để Ngài lớn lên,
Ba chịu mục nát để sự sống Ngài tăng triển trong con...

Bằng con đường Thập Giá: Trại cải tạo! Chúa cần sự hy sinh và cộng tác của ba như ngày con tượng sinh trong tình yêu ba mạ. Cuộc sống của ba gắn liền với ơn gọi của con. Thời gian học tập của ba trên rừng vắng khai mở cho con những ngày hồng ân. Ba chịu đắng cay đển con được uống sữa linh thiêng:

“Chúa ơi ! Nhà Chúa muôn năm
Là nơi thánh đức thiên ân dồi dào”.

Con bước vào niềm hoan lạc của đời tu. Ngày con được sinh ra trong bộ áo nhà tu cũng là ngày ba bắt đầu khoác áo tù binh. Ba âm thầm bấm đốt ngón tay tính ra ngày vui của con. Một mảnh giấy nguệch ngoạc được dấu kín từ trại-tập-trung gởi về làm quà cho con trong ngày đó. Con bắt đầu khóc… Ba vẫn mãi mãi là của con, nhưng con không thuộc về ba nữa: Bởi con đã thuộc về Thiên Chúa của ba. Ba thấy đó nhưng hầu như xa cách bởi sự chia lìa kia. Con đã thấy buồn hơn trước: Những giờ kinh chiều con dành riêng cho ba và thầm mơ một lần gặp lại. Nhưng sao được Chúa nhỉ? Vì đây là thời gian giáo luật của con và cũng là những ngày tù của ba, con vẫn âm thầm khấn nguyện…

Và Chúa đã nhận lời: Xuân 1976, con mãn năm giáo luật. Và ba cũng mãn hạn tù binh. Hai cha con gặp nhau trên triền núi Thuận Hải. Ngôi nhà tuy thô sơ nhưng ấm cúng bởi sự hiện diện của ba. Ba đón con trong nụ cười khập khễnh! Con gọi ba là “Ba sún”. Lúc ấy, con dâu trưởng của ba vừa cho ra đời một cháu bé thật kháu – đứa cháu-đích-tôn của ba. Ba nghiễm nhiên làm ông nội. Trông ba thật đáng kính. Mãn phép con trở lại dòng. Chị và cháu cũng trở về Saigon. Chị Bình đi dạy ở Bình Tuy. Chỉ còn út Tịnh và anh Thông ở lại với ba. Ai hiểu được nỗi cô đơn của ba lúc nầy nhỉ? Ba vẫn thản nhiên chấp nhận cuộc sống với nhiều sự thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần. Bởi ba hằng tín thác và cậy trông nơi Chúa… Cuộc sống của con trong những năm nầy bị chi phối rất nhiều vì mối bận tâm lo lắng về ba…

Rồi một biến cố nữa lại đến, đánh dấu một khúc quanh trong đời con… Ngày xưa, Chúa đòi ba phải hy sinh cho con, bây giờ Ngài dùng chính sự đau khổ của con để ban cho ba một đặc ân trong 18 tháng trước khi thật sự xa con vĩnh viễn. Nào ai am tường được Chúa, ai thấu suốt đường lối Ngài?... Con được về với gia đình… trong cơn khủng hoảng của cộng đoàn… Con có ngờ đâu Chúa đã dùng chính những lý do không mấy tốt đẹp đó để bù đắp phần nào sự quảng đại dâng con cho Chúa của ba. Lúc nầy đây ba cũng muốn ở gần con, muốn có con bên cạnh. Chúa yêu sách với ba thật nhiều để rồi trả lại cho ba thật xứng đáng. Con hiện diện lúc nầy đây trong gia đình thật là phải lý. Với bầu không khí yêu thương, con quên hết ưu phiền đời con để đón nhận tất cả sỉ nhục đời tu… hàng xóm láng giềng xúi con ở lại đây với ba luôn. Con sắp phải ra đi ư? Con lo sợ! Không biết ba có khấn nguyện với Chúa không mà con lại trở về với ba một lần nữa qua quyết định của Mẹ bề trên. Nhưng lần nay con tạm ở lại Saigon. Cảm tạ Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho con, để khi ba lâm bệnh, con phải đảm đương hết mọi sự cho ba.

Đã gần 6 tháng trời không về thăm ba, con quyết phen nầy đưa ba lên ở với chúng con. Anh Thông cũng đồng ý như vậy. Con cố sức làm việc để có phần dư dả hầu cha con mình tiêu dùng và nhất là để làm lại bộ răng cho ba. Được tin con sắp về, ba nôn nóng. Ba mong chờ con về với mâm xôi và con gà luộc mà ba đã dọn sẵn, sợ con về bất ưng. Từ ngày vắng mạ, ba lại cẩn thận và tỉ mỉ hơn trước để vừa là cha vừa là mẹ. Chúa ơi! Con hiểu thế nào nữa về tình yêu của Chúa dành cho con? Con không thể hiểu nỗi với trí khôn hạn hẹp của mình. Song con vẫn xác tín rằng Chúa còn thương yêu con nhiều hơn ba vô cùng, vì ba chỉ đáp ứng các điều trước mắt, còn Chúa, Ngài quyền năng và thấu suốt mọi sự thì lẽ gì mà con còn sợ hãi trước viễn tượng của cuộc đời đã được Ngài xếp đặt? Cảm tạ chúa ! Cảm tạ Ngài muôn nghìn lần đã ban cho con một người cha đã dạy cho con hiểu tình-yêu-hiền-phụ của Ngài vượt quá giới hạn con người.


I. BỐN THÁNG TRƯỚC KHI BA MẤT


Con về thật đúng lúc khi sức khỏe của ba suy giảm nhiều. Em Tịnh đã lo lắng ngày đêm đến nỗi có lần em đã kể cho con rằng: mỗi chiều đi làm về, em không dám vào nhà, không biết có còn ba không? Ai xui khiến 3 hôm sau con lại quyết định đưa ba lên ngay, thay vì trước đây con có ý định ở lại chơi một tuần lễ. Con hỏi ý ba, ba bằng lòng. Thế là ba cha con thu xếp hành lý. Sáng nay ba ra xe, ba khỏe hẳn trông ba vui hơn thường. Ai biết được chỉ ngày hôm đó ba tự đi được một mình. Ra đi từ tảng sáng, lên đến Saigon đã 9 giờ đêm. Ngồi trên tàu, ba còn bảo: “Về Saigon, ba dẫn con đi ăn các món ngày xưa còn trẻ ba vẫn thích. Con hứa sẽ đưa ba đi thăm bà con. Cha-con-ông-cháu gặp nhau thật vui. Đêm hôm đó, con lại nghĩ đến em Tịnh ở nhà một mình mà thương quá. Ba cũng vậy, và lại thấy nhớ nó. Sáng hôm sau ba chỉ vào thăm nhà ông bà sui, kỷ niệm cách đây mấy năm trước, cũng ngày hôm nay, ba đi hỏi vợ cho anh Thông, con trai cả của ba, và ba nằm xuống từ đó…

Ba bắt đầu mệt. Hai chị em con lo quá. Con vừa làm việc, vừa chạy chữa thuốc men cho ba. Song không thấy chi khả quan. Sau một tháng bỏ dạy để theo ba, chị Bình được lệnh trường gọi về. Chi bịn rịn không muốn đi song ba bảo: “Thôi con về đi, mai mốt ba về sau”. Chị có ngờ đâu đó là câu nói cuối cùng ba gửi lại cho chị.

Em Tịnh lên. Hai chị em tiếp tục đưa ba đi từ bệnh viện nay sang nhà thương kia. Ban đầu, ba còn dựa vào Tịnh để đi. Sau nầy, em phải cõng ba lên xuống cầu thang. Thấy ba càng lúc càng yếu dần, con rất ái ngại. Bác sĩ Tú nói: “Phổi ba nát, gan ba khô, đường tiêu hóa của ba bị rối loạn. Thêm vào đó, ba bị kiệt sức nhiều. Cũng còn hy vọng chữa lành, song cô có đủ khả năng theo các toa thuốc của tôi trong suốt 3 năm liền, cả đến thức ăn cũng vậy không?”. Con ra về, lòng mang nặng nỗi sầu đau… Lấy tiền đâu ra để chạy thuốc cho ba khi con vẫn còn bám víu vào hồng ân của Chúa? Ngài nuôi sống con từng ngày, không phải do công lao của con, nhưng là bởi tình thương của Ngài. Chúng con đã chua xót ngậm ngùi. Anh Thông buồn nhiều hơn cả vì nỗi bất lực nầy. Chúa định cho con được lãnh phần thay anh. Chúa trả cho ba gấp trăm, vì Ngài đã cướp mất con gái của ba. Chưa chịu thua, con xoay chiều khác: đưa ba đi châm cứu. Đến nơi, thầy bảo hết châm được vì ông già quá yếu. Hai viên thuốc to bằng ngón tay ông bảo đưa về cho ba uống. Có phần hy vọng. Con liền chạy xuống cầu cứu cha Bảo Toàn. Ngài có tiếng về khoa chữa bệnh bằng đức tin. Cha bảo đưa ba xuống, con thất vọng. Làm sao ba đi được, khi ba đã quá yếu? Con đành trở lại Saigon.


II. BA MƯƠI NGÀY TRƯỚC KHI CHẾT


Sáng nay thức dậy, ba kể cho con giấc mơ hôm qua: Ba đi lạc vào rừng, ba gặp một ông lão mặt mũi phương phi, tóc và râu dài bằng nhau. Ba đến hỏi về cổ quan và thiêu xác hết bao nhiêu. Ông bảo: “Một ngàn đồng”. Ba kêu: “Mắc quá, con tôi không đủ tiền”. Ông ra chiều suy nghĩ và bảo: “Thôi già bớt cho 500 đồng, giá chót là 500 đồng, không bớt được nữa đâu”. Ba bằng lòng. Kể xong, ba tiếp: “Ba thấy chắc chẳng còn bao lâu nữa, giờ của Chúa đã gần, con đi lo cho ba đất đai, con lên cha sở hỏi trước, ba trông cậy vào con”. Và ba an ủi con nhiều. Con kêu: “Ba nói chuyện chi mô, ba sắp khỏe rồi”. Con lật mí mắt ba lên và reo to: “Ồ, gân máu ở mắt ba có nhiều, chắc ba sắp lành bệnh. Sắc mặt ba cũng hồng hơn trước. Con mừng thật mừng !”.

Nào ai có ngờ đâu, chỉ là sự bùng lên của ngọn nến sắp tắt! Nhưng tự nhiên con nghĩ đến chuyện xức dầu. Con sợ ba buồn, không dám nói… Sáng nay, cha Lộc và bác sĩ Hoa sang thăm. Bác sĩ lắc đầu, nước mắt con vòng quanh chảy. “Ba bị cancer”, bác sĩ Hoa bảo vậy.


III. TUẦN LỄ CUỐI CÙNG CỦA BA


Ba nhắc nhiều đến mạ. Lúc nào nằm mơ cũng thấy mạ con về. Đó là câu chuyện mỗi bữa sáng ba vẫn kể cho con nghe. Con thấy bồn chồn quá… chiều nay con sang nhà xứ, cha Lãm đi vắng. Con mời cha phó Đức sang cho ba lãnh phép bí tích xức dầu. Chiều hôm ấy con buồn vô kể. Từ hôm nay, ba xin đừng tập cho ba đi nữa. Con cũng muốn lắm, sợ làm ba mệt. Nhưng anh Thông không chịu vì bác sĩ bảo thế. Sau nầy, khi ba chết, anh hối hận quá, vì đã bắt ba đi mỗi ngày một vòng.

Ôi ngày xưa còn bé, ba đã bồng ẵm, tập cho chúng con đi và đút cho chúng con ăn. Bây giờ đây, đến lượt chúng con, chúng con làm các sự ấy cho ba. Mỗi lần đi, ba mệt lã người. Con còn nhớ những giọt mồ hôi từ mặt ba nhỏ xuống sàn nhà. Dẫu vậy, ba vẫn vui lòng để chúng con tập cho ba đi mỗi ngày… Bây giờ, ba đau nhiều hơn trước. Nhất là về đêm, ba trằn trọc, ba hay đổi thế nằm luôn, nên chúng con phải thay nhau ngồi cạnh ba suốt đêm.

Mấy hôm nay, ba nhắc chị Bình sao chưa thấy lên. Con nói để an ủi ba rằng: “Còn ít nữa là Phục Sinh, con nhắn chị lên cho ba kẻo ‘bi chừ’ các em đang thi học kỳ cuối năm, chị phải ở lại trường cho các em thi”. Ba làm thinh. Con cứ tưởng rằng ba nhớ chị và nhắc vậy thôi…

Ai ngờ, sáng thứ năm, con đỡ ba sang ghế nằm. Ba khó thở, ba thở dốc mãi và đầu cứ ngắc ngoải bên trái rồi qua phải, tay chân ba rũ rượi. Chúa ôi! Con cứ tưởng ba chỉ mệt như mọi lần thôi, con tiếp tục dọn dẹp. Ba gọi con. Chị Hồng đến… 19 giờ con còn xay cho ba 1 ly sinh tố. Con nhìn ba ngắc ngoải mà lòng ruột đau xót… con khóc… Chị Hồng đành đút cho ba ăn. Chị cố nài ba: “Thôi cố ăn thêm một muỗng nữa kẻo con Thanh nó khóc kìa”. Ba lại há miệng cho chị Hồng đút. Ba ơi! Con biết ba thương con thật nhiều, nhiều vô kể. Anh Hai ngồi đó… lặng nhìn ba trong cơn đau đớn. Anh làm hiệu biểu chị Hồng đừng ép ba ăn nữa. Con hỏi ba: “Ba có thấy gì không? Có khách đến thăm ba nè!”. Ba bảo ba thấy một người to và cao lắm. Ba còn bảo con lấy áo chemise mặc vào cho ba kẻo bất lịch sự. Ba thật tế nhị... Chị Hồng và con cười. Anh ở lại mãi quá trưa mới về. Con tiễn anh và chị Hồng xuống nhà. Anh dặn và an ủi con nhiều điều. Con không ngờ chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, ba mãi mãi bỏ chúng con mồ côi.

Con đỡ ba sang giường. Ba mở to hai mắt nhìn con như muốn thu lấy hình ảnh đứa con gái ba thương nhất vào lòng. Con nghĩ bụng, chiều nay đi lễ sẽ ghé qua mời cô Hai ở đường 3/4 đến xem mạch cho ba. Bốn giờ chiều, con chuẩn bị đi lễ. Thầy Huy đến hỏi thăm ba có khỏe không? Com mời lên nhà. Thầy bảo vội về cho kịp kẻo tối. Thầy còn dặn hễ ba có hề chi thì qua nhà thương tin cho thầy. Ba thấy không: Chúa vẫn sai Thiên thần đến với cha con mình. Con dặn dò em Tịnh vài điều rồi đi lễ. Ba còn cười với con một lần cuối. Tan lễ, con đi lấy hàng và ghé nhà cô Hai năn nĩ mãi, cô bảo con sáng mai 6 giờ đến đón cô… Cô có ngờ đâu giờ của Chúa đã đến!

Con về. Bây giờ là 20 giờ tối thứ năm trước tuần Chịu Nạn… Chuông bấm vừa reo, anh Thông đã vội vã hớt hơ hớt hãi từ trên nhà chạy xuống: “Thanh ơi, đi mời cha mau lên, ba hấp hối rồi”. Con chạy bay sang bên nhà xứ. Cha Đức bảo con về với ba đi, ba đã chịu đầy đủ các phép. Con lên nhà, ba nằm đó bất động… “Ba ơi”, con gào thét nhưng ba vẫn nằm im, hai mắt mở ra. Chúng con có mặt cả, thiếu chị Bình. Tịnh làm hô hấp nhân tạo cho ba. Con làm mấy tác động nhẹ: Đưa tay lên rồi bỏ xuống, cứ như thế may ra ba tỉnh lại… Nữa giờ sau, không có kết quả gì, con lo sợ: “Ba đi thật rồi ư?”. Không, ba vẫn mở mắt ra nhìn con. Con không muốn nghĩ rằng ba đã chết, dẫu cái chết thực sự đã đến với ba. Tịnh và con ngừng tay. Chúng con không khóc được, vẫn cứ hy vọng ba chỉ ngất đi thôi. Mãi đến lúc ông ngoại cháu bé Linh bảo rằng “Ba đi rồi “, con chợt hiểu. Cả mấy anh em oà lên khóc. Ba đi thật nhẹ nhàng, con cứ tưởng ba ngủ. Thật ra, ba đã ngủ giấc ngủ nghìn thu. Giấc ngủ đã đưa ba vĩnh viễn ra khỏi trần gian để bước vào vĩnh cữu, nơi không còn đau khổ nữa.

Chúng con vẫn ngồi bất động bên xác ba, không ai nói một lời. Chúng con như đang mơ… 22 giờ quá, con và em Tịnh rửa xác ba. Con còn hỏi em: “Tịnh ơi, ba chết thật rồi hả?”. Rồi hai chị em sụt sùi khóc, không biết lúc đó ba có đau đớn không nhỉ? Cơn bệnh đã cướp mất vẻ đẹp ngày ba còn sống, thân xác ba giờ đây chỉ còn là nắm xương sau làn da bọc. Con chợt nghĩ đến hình ảnh Chúa Chịu Nạn. Con nhớ lại những lời ba nói với con ban sáng về cuộc tử nạn của Chúa. “Thanh ơi ! Con có biết ba đau đớn lắm không?”. Ba hỏi con vậy, con thưa rằng: “Ba ơi, con biết, con biết ba đau lắm chứ, con muốn chia sẻ cơn đau của ba, song con bất lực quá”. “ Con thật đáng thương với sự bất lực nầy”, rồi ba tiếp: “Chắc con không hiểu thấu sự đau đớn của ba. Nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với cuộc khổ nạn của Chúa đâu con ạ!”. Ôi, từ đây, con ghi nhớ lời nầy. Đây là gia bảo thiêng liêng ba để lại cho con. Chắc hẳn tâm hồn ba lúc ấy đang cảm thông với Chúa Kitô trên thập giá, đang hướng về Ngài và dõi theo cuộc tử nạn, cơn hấp hối của Chúa ngay trên thân xác mình. Con liên tưởng đến Isaia, đoạn nói về Người tôi tớ của Đấng Gia vê: “Người không còn sắc thanh diện đẹp đẽ để người ta ưa thích.”. Quả thật, giờ đây ba cũng trở nên nghèo nàn như chính cuộc sống của ba. Ba đã trở về với cái ‘hư vô’ phận người…

Viết đến đây, con không muốn gì nữa ngoài Chúa Kitô, cùng đích của đời con. Con đã cảm nếm sự mau qua của đời tạm cục-diện-thế-giới và chính bản thân con. Sự chết đã làm cho mọi chuyện mất đi cái vẻ hấp dẫn của chúng. Chỉ có cái chết của CON NGƯỜI TRÊN THẬP GIÁ mới khiến cho mọi sự đáng yêu và đáng theo đuổi.

4 giờ 30 chiều thứ sáu trước Tuần Chịu Nạn, giờ tẩm liệm ba. Chiếc khăn tang lần thứ hai được quấn vào cổ con. Mọi người đều ngậm ngùi thương cảm ba. Con đứng đó bất động, lặng nhìn xác ba một lần cuối - chỉ có vài người trong đám quen biết đến dự - thật lặng lẽ như chính cuộc sống của ba. Chị Bình giờ này vẫn chưa thấy lên. Bây giờ con mới cảm thấy sự chết chia lìa cha con mình bởi cái cỗ quan và hương nến, tuy nắp quan vẫn mở chờ chị Bình về. Sốt ruột quá, con thẫn thờ chạy lo công chuyện lễ đám cho ba, quên cả khóc. Nhưng hình ảnh ba vẫn hiện diện trong con. Mọi chuyện đã tạm yên…

Sáng nay, thứ bảy mồng 8 tháng 4, không thể để lâu hơn nữa, chúng con đành phải đóng nắp quan lại. Thế là vĩnh viễn mất ba. Tám giờ tối hôm ấy, chị Bình mới về tới Saigon. Chị khóc quá đỗi. Con ôm lấy chị mà khóc và an ủi chị thật nhiều. Chị thức với ba suốt đêm ấy. Con còn phải lên nhà lo việc ngày mai cho ba với một vài người bạn của em Tịnh, chúng con phân công. Chị Hồng gíup con ở nhà nấu nướng cho khách ngày mai. Ôi, Chúa thật tế nhị. Con cảm tạ Chúa đã quan phòng xếp đặt cho mọi sự được vuông tròn.

Sáng chúa nhật lễ Lá. Mười giờ mới cử hành lễ an táng cho ba. Tuy là chết ở xứ người, song nhờ sự ân cần lo lắng của cha xứ họ Hòa Hưng và các đoàn thể trong xứ đạo nên đám tang ba cũng bớt phần tẻ lạnh. Con cảm được tình Cha trên trời. Vâng, chỉ có tình yêu Chúa mới làm cho những người xa lạ thành quen thuộc, chứ ở giữa cái thành phố nầy, các gia đình sống cạnh nhau mà vẫn không biết nhau.

Một thánh lễ đồng tế được cử hành do cha chánh xứ Hòa Hưng, cha Văn Quy chủ tế, quý cha Nguyễn Văn Lộc - cựu giáo sư tiểu chủng viện Hoan Thiện, Cha Đức - phó xứ Hòa Hưng, Cha Ngô Phục - bạn học của anh Thông, và cha Chu Quang Đương - Giám Tập dòng Đa Minh, người có người bà con nằm chung bệnh viện với ba, Chúa đã quan phòng xếp đặt để các vị lo lắng các việc cho ba và đưa ba ra tận nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày xưa ba vẫn thầm mơ điều đó khi cho em Tịnh đi chủng viện, thì hôm nay, dẫu chưa đạt được ước nguyện đó, Chúa cũng dành cho ba một đặc ân mà con lấy làm an ủi và cảm tạ Chúa vô cùng.

Mất ba rồi con đã mất tất cả để chỉ còn Chúa Giêsu là gia nghiệp. Con cúi lạy ba lần cuối. Nấm mồ, nơi yên nghỉ của hết mọi người… Con đã trọn tình hiếu thảo với ba nhưng con chưa trọn nghĩa với Chúa. Bây giờ, ba càng gần gũi và biết con đang nghĩ gì. Con tin chắc khi ba còn sống ba đã hết lòng thương và lo lắng cho con, thì nay ba càng có lý do để lo cho con hơn nữa. Và nhất là để Của-Lễ-Hiến-Dâng của ba được trọn vẹn thì xin ba nguyện giúp để con mãi mãi bền đỗ và trung thành với ơn gọi Chúa đã ban cho con.



Kính dâng hương hồn ba.

Anna Nguyễn Thị Thanh
Con của ba
- 1983 -

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2008

Thư Cho Con





(Thư của ông Phêrô Nguyễn Văn Bửu gởi cho con là nữ tu Anna Nguyễn Thị Thanh)

I. Thời tao loạn





● Láng Gòn, ngày 15-4-74

Con yêu thương,

Vào đến Bình Tuy hôm nay đã là ngày thứ 13, mới rãnh rỗi để biên thư cho con, chắc con đã sốt ruột rồi hay là hơn nữa đã khóc rồi đó.

Bây giờ ba kể lại cuộc hành trình đến đất hứa cho con hay :

Sáng ngày 30-3 xe đến chở ra Hòa Khánh, nhà mình được đi chiếc thứ 2, lên đồ đạc xong là 10 giờ, chạy ra đó và đổ xuống là 12 giờ 30. Dọc đường ba có gặp ông Tốn và nhờ ông tin cho con hay ba đã rời trại 4. Ở lại Hòa Khánh cho tới chiều 2-4 mới có được 8 xe tải chở đồ, mình cũng nhờ phúc đức ai không biết, được lên xe thứ 4 và sáng 3-4 xe tải chạy lúc 9giờ, có Tịnh làm áp tải viên. Qua 9 giờ 50 có đoàn xe car tới 40 chiếc, song đồng bào làm reo không lên xe vì đa số chưa có xe lên đồ đạc. Sau 3 tiếng đồng hồ cãi vã, nhà chức trách phải mời ủy ban liên bộ tại Đà Nẵng đến hòa giải. Cuối cùng gần 12 giờ đồng bào mới chịu lên xe và xe bắt đầu rời Hòa Khánh lúc đó. Chạy từ đó vào Quy Nhơn thì xe car ba đi đuổi kịp xe tải. Trời ngày đó mưa tầm tả từ Hòa Khánh vào Quy Nhơn. Sau xe car vượt qua, đến gần Vạn Giả tức là quận hành chánh của tỉnh Khánh Hòa ở mé đèo Cả, cách Nha Trang 55km, xe định vào Nha trang nghỉ đêm nhưng vì đã 19 giờ hơn nên họ không mở cổng, đành nghỉ đêm tại Vạn Giả, nơi có nhiều thắng cảnh và núi non biển cả thật là đẹp. Xe tải chậm hơn nên phải ở lại Tuy Hòa.

Qua ngày hôm sau, lúc 5 giờ xe bắt đầu lăn bánh, mãi cho tới 11 giờ 30 xe tới Bình Tuy. Lẽ ra xe ba đi ăn giải 1 nhưng vì cậu tài xế lạ đường nên xe chạy tuốt về Cam Lộ đến Gio Linh sau mới de lại về địa điểm Đông Hà lúc 12giờ 30 ăn nhì. Xuống khỏi xe là có cán bộ hướng dẫn vào túp lều lý tưởng ngay. Túp lều dài độ 25x5m, nhà lợp lá, che lá, toàn là lá nhưng cao ráo mát mẻ, mỗi lều ở 8 gia đình. Gia đình mình với gia đình anh Sinh ở thì cũng rộng rãi như ở trại 4.

Nhận lều xong, mọi người lo dọn dẹp xong trải chiếu ra đánh một giấc thật là thần tiên vì đã 2 ngày ngồi cứng trên xe. Ngủ dậy ba lang thang bách bộ dọc theo các lều tìm Thông và anh Sinh, thì ra cả 2 đã về đó 4, 5 ngày nay và đã được thiếu tá quận trưởng Đông Hà ưu tiên cho một lều ngay cạnh đường Quốc lộ 1. Hai chàng đã dọn dẹp đàng hoàng, làm thêm nhà bếp, nhà tắm. Thế là lại 1 lần ôm gói đi nhà khác cách nhà kia 5 lô. Như vậy vấn đề nhà ở đã được hoàn toàn toại nguyện.

Đến thể lệ nhập trại, kê khai gia đình, kiểm kê thì sau khi các gia đình đã vào đầy đủ cả người lẫn vật dụng, qua ngày thứ 6 có 1 cuộc họp toàn toán 4 do nhà chức trách Bình Tuy triệu tập để lập tờ khai, thông qua các thể lệ và khởi sự kiểm kê dân số. Việc kiểm kê sơ khởi tại đây không như ở Đà Nẵng mà chỉ làm sơ sơ căn cứ theo sổ gia đình và đơn xin khẩn hoang lập ấp. Hy vọng một vài ngày nữa sẽ phát thực phẩm, cũng 0,5kg gạo cho mỗi đầu người, phát 15 ngày 1 đợt còn tiền thì 20$ mỗi người, tháng phát 1 kỳ.

Ở đây vấn đề nước có hơi khan vì chỉ có 30 giếng không đủ cung cấp cho 20.000 người, trong nay mai 2 giếng máy làm xong thì sẽ có đầy đủ hơn.

Về giá sinh hoạt tuy không được rẻ như trước vì người vào quá đông nhưng cũng dễ thở hơn Đà Nẵng nhiều: 1 con vịt ăn thịt giá 400$, gà giò 500$, khoai từ 60 đến 80$/1kg, sắn 45-60$/kg, gạo ngon 1.000$ được 23 loon sữa bò hơi toộng đáy, còn các đồ gia dụng khác thì chỉ bằng 1/2 hay 2/3 giá Đà Nẵng.

Khí hậu nước non xem ra hiền lành vì vào đây ai ai cũng công nhận là ngủ ngon, ăn được nhiều. Từ 12 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau có gió biển thổi riu riu dễ chịu lắm, còn ban trưa tuy trời nắng nhưng đi đầu dầu vẫn thấy khoái, chắc khỏi phải tốn mũ, nón, ô hằng năm rồi đó.

Về tinh thần, có đôi chút trở ngại vì giữa cha Etcharren và cha Viên có một vài điểm bất đồng về cách tổ chức giáo quyền nhưng hy vọng 1 vài ngày Chúa Thánh Linh sẽ dung hòa 2 vị.

Anh Thông con cứ thứ 7 ra nhưng ba bảo từ nay 1 tháng ra 1 hay 2 lần kẻo tốn kém, vì mỗi đợt vào ra gần 2.000$. Còn Bình thì ba đã xin giấy chứng nhận để xin thuyên chuyển, lâu mau chưa biết. Bác có biên thư bảo Thông nói với ba là ý ông muốn ba lên trên đó gấp nhưng ba chưa trả lời. Bác mở thêm đại lý đại bài gạo cho toàn tỉnh Pleiku. Vào đây bà con hay tin đã tấp nập tìm về thăm và cho ăn trái cây u ê.

Ba khoẻ hơn ở Đà Nẵng nhiều, e 1/2kg gạo ăn không đủ, hy vọng sẽ lên cân liền.

Thôi đã khá dài lời, còn sót gì thư sau ba sẽ nói thêm. Con cầu nguyện cho gia đình và cho công cuộc của các vị lãnh đạo tinh thần đem đến kết quả tốt. Lúc nào nhớ nhà con chạy ngay đến trái tim Chúa sẽ gặp lại gia đình liền.

Ba của con



● Láng Gòn ngày 2-5-74

Thăm con,

Đây là lá thư thứ 2 ba biên cho con từ khu Khẩn hoang lập ấp Bình Tuy. Chắc thư trước đã đến tay con và con cũng tạm tưởng tượng được cảnh Bình Tuy rồi. Mới đó mà đã giáp 1 tháng ngày đoàn di dân rời Hòa Khánh đi Bình Tuy (2-4-74). Ba từ hôm đó tới nay vẫn thường, ăn ngủ đều đều và ngày ngày cũng làm đôi công việc lai rai thôi, chứ vào rừng đốn cây chặt lá thì chưa làm nổi.

Nay đến giai đoạn mọi người lo ráp nhà chuẩn bị cho ngày ra khu gia cư. Riêng mình thì anh Sinh đã làm cho 1 liếp nhà, đợi vài bữa nữa anh Khuyên bỏ giống xong trong rẫy ảnh sẽ ra ráp nhà cho. Như vậy là vấn đề nhà ở tạm giải quyết xong. Việc quan trọng sắp tới là nhận đất và canh tác, trồng hoa màu. Trong này lúc này là chính lúc làm mùa vì bắt đầu mùa mưa và chỉ có 2 mùa phân biệt, mỗi mùa 6 tháng nắng và 6 tháng mưa. Sáu tháng mưa mà không làm được hoa màu là năm đó ngồi bó tay chịu đói. Cá mú, rau quả cây trái từ mấy hôm nay ở các vùng phụ cận như Phan Thiết, Long Khánh, Bình Tuy đổ xô về đây bán nên rẻ lắm. Một nải chuối mốc ở Đà Nẵng 120$, ở đây chỉ có 60-65$ mà thôi. Có hôm cá quá rẻ và tuy Đông Hà có 23.000 người ăn mà cũng không sao mua hết cá, thịt heo, bò có phần đắt hơn nghĩa là 1.400$/kg bò, 1.100$/kg heo so với Đà Nẵng 2.000$/kg bò và 1.800$/kg heo.

Đây chỉ kẹt nước vì tuy đã có 30 cái giếng mới đào mà cũng không đủ cung cấp nước dùng nên thỉnh thoảng phải mua thêm nước uống với giá 200$ mỗi phuy.

Tịnh đã về hè, cha giám đốc cho nghỉ trước 15 ngày vì tình hình Huế bị xao động. Em đã vào tới nơi yên hàn. Ba cũng đã nhận thư Bình nói 30-5 là bãi trường và chưa biết sẽ quyết định khi nào vào Bình Tuy. Bình cũng báo tin ngày con mặc áo, nhưng không biết ngày đó ba có ra được không ? Vì lẽ lúc nay là lúc ăn chực nằm chờ, cứ đủ thứ chờ đợi: đợi nhận gạo, đợi nhận tiền, đợi kiểm kê, đợi cấp đất, cấp nhà, đợi thông cáo nầy thông cáo nọ của quận Đông Hà, của Bình Tuy, ôi thì lung tung xèng vậy. Hơn nữa tình hình mấy hôm nay ở ngoài đó nghe hơi khó khăn nên phần chắc hơn là ba không ra được, con chớ buồn nhé. Còn chị Bình nếu bãi trường ngày 30-5 mà ở lại đến 30-6 cũng kẹt lắm nên ba bảo cứ vào đây rồi lúc đó sẽ tính, hoặc anh Thông con sẽ xin máy bay cho ra cũng tiện.

Nếu vì sự bất đắc dĩ mà ngày đó không có ai ra thì con cũng chớ nên buồn mà phải trọn dâng cho Chúa vì cuộc đời tu hành là một cuộc tận hiến.

Ngày kia ba đi Phan Thiết lãnh hưu, cũng gặp một vài người bà con ở đó. Tỉnh lỵ Phan Thiết rộng rãi, cảnh đẹp, cũng có con sông bò ngang thị trấn và ở đây vật giá cũng rẻ, nhứt là hải sản. Từ Bình Tuy tới Phan Thiết khoảng 45-50km, tiền xe chỉ 300$, có thể đi về trong buổi mai.

Ba vẫn ở chung với anh chị Sinh và ăn uống chung. Chị Sinh ở đây với 3 đứa nhỏ, còn mấy ả choai choai ở Saigon học, có mấy ả làm rẫy tại Biên hòa. Anh thì cứ 1 cảnh 2 quê, về Bình Tuy ít bữa rồi lại lên rẫy Biên hòa, nhưng điểm chính là Bình Tuy vì ở đây mới có trợ cấp và chính thức nhập thôn xã.

Ba đang cố kiếm người giúp việc để nay mai ra khu gia cư mà kiếm chưa có người vì ở đây ai ai cũng có công việc nhà của họ, lớn nhỏ đều có công việc cả nên hơi khó kiếm. Nếu Bình thuyên chuyển vào đây được thì đỡ mà không thì kẹt đó. Nói vậy chớ con đừng lo vì mọi việc Chúa sẽ an bài hết không sao mà lo.

Bác có biên thư bảo ba lên kẻo ông hơi yếu ba đã trả lời vì lúc này bận chưa thể lên được.

Thôi đã dài thư, con hằng chạy đến với Mẹ Maria xin Ngài lo mọi việc cho.

Cầu nguyện cho gia đình.

Ba của con.



II. Niềm vui tận hiến





● Láng Gòn ngày 3-6-74

Thanh của ba,

Chị Bình con đã tới Saigon và ra Bình Tuy chiều nay 3-6. Đọc thư và nghe Bình thuật lại mới hay ngày nhận áo dòng của con, chứ từ hôm nhận thư cuối của con cho tới nay, ba không biết tin tức gì về con và cứ ngóng thư con hoài. Thôi thì mọi việc cũng đã xong và sự vui mừng của ba không tả nên lời. Ba chỉ biết chấp đôi tay dơ bẩn mà thờ lạy thánh ý Chúa và cám ơn Người đã khấng nhận của lễ mà ba và mạ con đã hiến tế cho Người, dầu là hèn mạt.

Ba cũng dạy bảo con thêm một đều nhân ngày con nhận áo, đó là con phải giữ áo ấy cho tinh tuyền và đẹp đẽ mới mẻ luôn. Phải giặt và hồ cho cứng vì mặc áo trắng, làm một tu sĩ chưa đủ vào đâu mà phải nên một tu sĩ thánh mới đủ. Mà muốn nên tu sĩ thánh con phải cố gắng hằng ngày sống thánh, mà sống thánh dễ dàng hơn cả là theo đường hướng của chị cả Thérèse. Con hãy tránh phương cách tu hành mà có vẻ băn hăn tự cột lấy cho mình một lối sống khó chịu, gay gắt với mình. Đã khó khăn với mình đương nhiên gây phiền lòng cho những người quanh mình nữa.

Ba còn nhớ hồi ba đang ở tiểu chủng viện có vị giáo sư triết người Pháp hay nói với chủng sinh là anh em nay mai sẽ là vị thánh sống rằng : “Un saint triste est un triste saint “. Ba chỉ nói sơ qua cho con một đường hướng chứ ở dòng con sẽ có bao nhiêu vị đàn chị sẽ là hướng dẫn viên, huấn luyện viên của con, con cố nghe và noi theo. Thứ đến là con hãy gạt bỏ xa những gì của thế tục, của thế tục để người thế tục lo, con chỉ biết có Chúa là gia nghiệp của đời con, dù ba hay anh em cũng chỉ biết thương nhớ bằng lời cầu nguyện mà thôi. Ví dụ con nghe tin giờ đây ba phải đi hành khất đó đây con cũng chỉ biết cúi đầu cám ơn Chúa và xin người lo cho ba mà thôi chứ không còn băn khoăn lo lắng như ngày trước nữa, đó mới là tận hiến cho Chúa.

Thôi e dài lời rồi, con đọc thư mất cả thì giờ, ba vẫn khỏe luôn. Cầu xin Đức Mẹ cho con được bền đỗ theo ơn gọi và cố gắng bước tới bậc trọn lành. Cầu nguyện cho gia đình.

Ba của con.



● Láng gòn ngày 31-7-74

Thanh của ba,

Vừa từ Pleiku về hôm 27-7, sáng hôm sau ba nhận được thư và ảnh của con ba. Ba thật sung sướng ngắm cái hình xinh xinh của con ba mà không muốn bỏ vào album nữa, vì đó là kết quả đầu tiên mà ba mơ ước từ hôm đưa con ra bến xe Quảng Trị cách đây mấy năm trời và sau đó mấy tuần lễ không ăn bỏ ngủ vì nhớ con còn thơ dại mà đành hy sinh cho con xa lìa ba. Rày ba hằng cầu nguyện xin cho con được giữ tấm áo ấy trong trắng và còn phải trang hoàng nó cho ngày một thêm tốt đẹp hơn, cho đến cuối cuộc đời của con. Đó là nguyện vọng duy nhất của ba và của mạ con thủa trước. Con cố cầu khẩn và rán vượt mọi thử thách, mọi quyến rũ sẽ đến với đời tu hành của con. Ba sẽ biên cho con mỗi tháng 1 thư thôi vì ba cũng tập giữ luật dòng như con vậy.

Dài lời quá sợ mẹ quở, ba nghỉ viết và cầu chúc con sống theo ý Chúa. Cầu cho gia đình.

Ba của con.


III. Cuộc sống mới





● Láng Gòn ngày 1-5-1975

Con của ba,

Gặp dịp may hiếm có, mấy sư và ni cô ra Huế, Quảng Trị thăm nên ba biên thư nầy hy vọng nó sẽ đến tay con, đánh tan bao âu lo của con cũng như trăm ngàn người khác trong hoàn cảnh xa gia đình và bặt tin tức.

Đọc thư con hãy yên tâm và cám ơn Chúa đã giữ gìn gia đình mình hoàn toàn yên ổn.
Gia đình vẫn ở Láng Gòn trong lúc một số đông hơn phân nửa ở khu khẩn hoang lập ấp đã đi tán loạn, kẻ chạy vào, người chạy ra, nhưng hiện mấy ngày nay họ cũng đã lần lượt trở về lại. Đây hoàn toàn yên tịnh, mọi sinh hoạt đều không bị gián đoạn chi hết. Chỉ trong một ngày đêm bộ đội đã đến giải phóng Bình Tuy một cách tốt đẹp, không gây đổ máu và hư hại gì hết nên đồng bào vui mừng lắm. Gia đình mình nhờ ở lại nên khỏi bị hao thất đồ đạc cũng như hoa màu ngoài vườn. Hiện sức khỏe của bác, ba và Bình vẫn khoẻ, con hãy mừng và yên tâm đi.

Thông và Tịnh từ hôm kẹt đường Saigon thì không có tin tức gì cả, nhưng ba được biết các trường học đều đóng cửa và sinh viên học sinh đều phải đi công tác cứu trợ, chắc nay mai xe Saigon chạy thì cũng về thôi. Bội đội tiếp thu Saigon cũng rất là tốt đẹp không can hại chi cả. Không biết số phận của gia đình bác và anh Diệp ra sao và ở đâu, cũng như tất cả bà con nội ngoại ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang nữa?

Thư đã dài, ba ngưng lại đây, cầu xin cho con được ở xứng đáng, trọn hiến và bền đỗ trong ơn gọi cho đến giờ cuối cùng.

Con cầu nguyện cho gia đình, bà con, đồng bào và tổ quốc chóng thanh bình, phồn thịnh.

Ba của con.



● Đông Hà ngày 23-6-75

Con của ba,

Bữa thượng tuần tháng 5 ba có gửi cho con một thư tin cho con hay tình trạng của gia đình, chắc con đã nhận rồi. Đến nay cũng đã gần 2 tháng ba lại thư cho con đây. Ba và gia đình đoán chắc là vào ngày 29-6 này dòng cũng tổ chức lễ khấn hứa cho các tập viện như thường lệ hay nếu không tổ chức lễ khấn hứa thì ít nhất cũng là ngày kỷ niệm một năm ngày trọng đại của cuộc đời tu hành của con.

Tuy xa xôi song trong ngày đó, gia đình sẽ dành riêng để hiệp ý cầu xin cho con được vững tâm bền đỗ trong hướng đi của con và được nhiều ân sủng.

Gia đình vẫn bằng an vui vẻ. Thông, Tịnh đã về nhà hôm cuối tháng. Bữa nay có gia đình bác và anh Diệp cũng về đây mua nhà ở, cũng gần nhà mình, 3 gia đình hợp lực canh tác sản xuất nên đến nay đã làm được 2 mẫu lúa, bắp, đậu. Cầu trời cho được mùa thì đỡ lắm, hiện còn tiếp tục canh tác nữa để trồng khoai, sắn và các hoa màu phụ. Thông, Tịnh, Hạnh, Hoa đều là các tay canh tác đắc lực cả : “Lao động là vinh quang”.
Trong này bắt đầu vào mùa mưa, mùa trồng trọt, thường mưa trộ vào buổi chiều hay vào đêm nên khí hậu dễ chịu lắm.

Bưu điện nay đã làm việc lại bình thường, con xin phép biên thư trả lời kẻo ba trông tin.

Cầu xin ơn trên cho con luôn yên hàn, mạnh khỏe và bền đỗ trong ơn gọi.

Ba của con.



● Đông Hòa 14-2-77

Con thương yêu của ba ,

Bấm tay mà tính thì vừa trọn 18 tháng chẵn ba không hề hay biết gì về con và con cũng không nhận thư từ gì của ba. Mười tám tháng lâu quá và lâu quá Thanh nhỉ ?

Ba về tới nhà lúc 11 giờ 15 ngày 10-2-77. Thế là qua 1 tháng học tập đợt 1 tại địa phương và 16 tháng tại trại Bình Minh, trung tâm cải tạo của tỉnh.

Thật quá cảm động lúc vừa bước chân xuống xe vào nhà. Con đoán thử vì sao? Tất cả anh em, bà con xóm giềng đều đã đợi sẵn ở mé đường, không tài nào trả lời kịp những câu thăm hỏi của mọi người.

Đến giờ phút nầy ba chưa gặp Thông vì đang đi đón mẹ con cu tý trên Saigon chưa về, còn gia đình đều được an vui cả. “Deo gratias”.

Tối hôm sắp lên xe ba đã có chương trình biên thư hỏa tốc cho con khi về tới nhà nhưng về đây nghe Tịnh nói chị sẽ vào, có lẽ trong dịp Tết nguyên đán, nên ba lại đổi chương trình vì ước đoán con sẽ vào, sợ lạc thư. May hôm nay có anh Tâm, người cầm thư này là bạn thân của nhà ta ra thăm bà con, ba mới biên thư cho con đây. Anh sẽ tường thuật cho con, sau Tết anh sẽ trở lại Đông Hoà. Nếu con có vào thì đó là dịp may hiếm có, còn nếu không vào thì biên thư hồi âm, anh hứa sẽ trở lại gặp con trước lúc trở vào, con chuẩn bị sẵn nhé.

Trong suốt thời gian học tập ba vẫn mạnh khỏe, chỉ có đau sơ sơ thôi. Nếp sống ở đó hầu như ở Phước Sơn, không có gì lạ lắm, chỉ có điều không được tin tức gia đình là nỗi lo âu thôi. Đối với ai biết sống ký thác thì cũng cứ vui vẻ, khỏe khoắn vì “Ai tin tưởng và trông cậy vào Ta thì sẽ có Ta luôn luôn bên cạnh”. Như vậy thì con có gì mà phải áy náy âu lo nữa phải không con thương? Nhưng ngày con vào thấy ba chắc con cũng bật cười và tặng thêm cho ba tên ba sóm nữa đa. Về đây mấy ngày nay ba đang bận rộn lập thủ tục giấy tờ suốt ngày mà cũng chưa xong, còn phải ít hôm nữa mới yên.

Sơ qua cho con, mong ngày hội ngộ cha con mình sẽ tâm sự dài hơn. Con hãy tạ ơn đi nhé.

Ba ngưng lại đây, chúc con khỏe, can đảm và chóng trở thành đứa bé lao động tốt.

Ba của con thương nhớ con nhiều lắm.



● Tân Hà ngày 9-4-78

Con thương của ba,

Ba vừa nhận được thư con hôm qua. Chiều nay 9-4 khi ba biên thư này cho con thì cả nhà cũng đang bận rộn dọn dẹp đồ đạc để ngày thứ tư hoặc thứ 5 sẽ lên đường đến vùng kinh tế mới xây dựng tương lai. Khu đất nầy ở cách con đường Saigon - Lâm Đồng - Đà Lạt khoảng 20-25km, từ Tân Hà tới đó khoảng 70-75km, xe đi suốt buổi mai vì đường mới làm, trong nay mai đường sá sửa sang đàng hoàng thì sẽ mau hơn và hy vọng tới lúc con được vào thăm nhà thì càng mau hơn nữa.

Vùng nầy ngày trước họ đã lập khu trù mật, đất đai rất màu mỡ và đã quy tụ dân Trị-Thiên-Nam-Ngãi vào lập nghiệp tại đó. Hiện bây giờ còn một ít gia đình người làng mình còn ở đó như anh dượng Tam, anh dượng Tám… và đời sống khá giả.

Vì vậy nên nhà nước đã quyết định đưa 2 thôn Đông Thiện và Đông Hòa lên đó lập nghiệp. Thôn Đông Thiện đã đi hết nay tới thôn Đông Hòa. Nhà o Lới, con Vui đã tới nơi ngày kia còn nhà bác Bính xin trở lại Pleiku, đang lập thủ tục và sẽ lên đường nay mai, đến Nha Trang anh Đức sẽ biên thư cho con hay.

Đó, con thấy cuộc đời là một cuộc hành trình vĩ đại, đi và đi mãi cho tới khi nào tới đích mới thôi.

Ba từ 1 tháng nay uống thuốc ngoại khoa cũng hơi đỡ, nghĩa là nhúc nhắc trong nhà được.

Thôi ba ngưng tại đây và xin ơn trên cho con đầy đủ sức khỏe để làm tôi Chúa cho trọn. Con cầu cho gia đình đến xứ lạ được mọi sự bằng an.

Ba của con






Viễn cảnh trù phú của vùng đất mới không phải là hiện thực. Rừng thiêng nước độc và bệnh tật đã cướp đi sức khỏe vốn đã mòn mỏi của ba, người đã ngã qụy và ra đi vĩnh viễn vào lúc 21giờ ngày 9-4-1981, bỏ lại đàn con côi cút giữa rừng núi thâm u.

Bây giờ ba đã có cuộc sống mới vĩnh hằng bên Đấng Chí Tôn. Xin ba hộ phù đàn con đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống để chúng con đứng vững, nuôi dạy con cháu sống xứng đáng theo gương ba, phát huy truyền thống gia tộc làm rạng rỡ tông môn.

Chúng con kính lạy.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2008

Chủng viện Dinh Cát - Hoà Ninh - Di Loan

Chủng viện DINH CÁT - HÒA NINH - DI LOAN (Quảng Trị, 1783-1858)
Chủng viện KẺ SEN (Quảng Bình, 1849-1856)
... Tháng 7-1782, linh mục J. Labartette được cử làm Giám mục phó để đảm nhiệm mạn Bắc Đàng Trong, đặt trú sở ở Di Loan ở Cổ Vưu, giúp Giám mục Pigneau hoạt động ở miền Nam. Vị tân Giám mục phó mới 38 tuổi, dịu dàng, nhân ái luôn quan tâm nhiệm vụ đào tạo linh mục để có thêm cán bộ truyền giáo. Ngài ủy nhiệm thừa sai Jacques Longer thành lập chủng viện ở vùng Dinh Cát. Địa điểm được chọn là xã Hòa Ninh - Di Loan.

Hòa Ninh là một xã ở huyện Bình Chính, phủ Quảng Trạch, xứ Thuận Hóa (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay). (Đinh Xuân Vịnh, sđd, tr. 243).

Di Loan (Di Luân, Di Lý) là một xã thuộc tổng Minh Lương, huyện Minh Lương, phủ Quảng Bình (Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn, sđd, tr. 82). (Xem PL 14).

Hòa Ninh - Di Loan là những họ đạo thuộc Dinh Cát. Từ thế kỷ XVII, vùng Dinh Cát có được 24 họ đạo. Nếu kể các họ đạo từ sông Gianh vào đến giáp địa giới tỉnh Thừa Thiên (ngày nay) thì vào năm 1694 đã có tất cả 61 họ đạo với khoảng 6.579 tín hữu trong 4 giáo Hạt (Lm. Nguyễn Văn Hội, Lịch sử giáo phận Huế, tlđd, tr. 70-71).

Năm 1783, thừa sai J. Longer xây dựng xong được chủng viện. Đức cha phó Labartette đứng chủ lễ khai giảng ngày 28-6-1784, bấy giờ có 13 học sinh, J. Longer làm Giám đốc.( Lm. Nguyễn Văn Hội, tlđd tr. 127-128. Và "Giáo hội Công giáo ở Việt Nam" tập 2, Ronéo, tr. 246).

Việc lập chủng viện nầy thừa sai Longer đóng góp công lao rất lớn. Đức cha Labartette chi phí cho được 200 quan tiền và 20 cây gỗ mít. Cha Longer tận lực vận động giáo dân giúp công giúp của. Ngày "thượng lương" (ngày bắt đầu dựng kèo nhà) cả đồng bào không Công giáo cũng tới dự lễ, dâng cúng lễ vật theo phong tục lâu đời trong xứ. Cha Longer điều hành Giám học, 3 năm đầu chủng viện sinh hoạt rất khả quan, đều đặn.

Chủng viện ra đời và sinh hoạt trong bối cảnh chính trị đầy biến cố chấn động đất nước. Làm chủ Phú Xuân, 1786, Tây Sơn chuẩn bị tiến quân ra Bắc Hà giương cao ngọn cờ "Phò Lê diệt Trịnh'”. Để chuẩn bị cho chiến dịch Bắc tiến có tính quan trọng nầy, chính quyền Tây Sơn ráo riết bắt lính, kiểm soát chặt chẽ lớp thanh niên bổ sung lực lượng, tích lũy lương thực... "tất cả cho chiến dịch toàn thắng". Trong tình hình đó linh mục Giám đốc Longer cho triệt hạ các cơ sở của chủng viện rồi đưa 15 chủng sinh đi trốn lên núi Trốc Voi trong vùng rừng rú Thủy Cần gần Cửa Tùng (Quảng Trị ngày nay) trong 2 tháng (Theo Lm. Nguyễn Văn Hội, slđd, tr. 127-128).

Chủng viện Di Loan thời Giám mục Labartette với linh mục Giám đốc Longer qua khỏi những long đong trốn tránh trên núi vẫn tiếp tục sinh hoạt mặc dầu không ổn định không đều đặn. Cho đến năm 1789 Cha Longer rời khỏi chủng viện ra Bắc, qua Macao để nhận lễ tấn phong Giám mục, phụ tá cho Giám mục Davoust giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Chủng viện tạm ngừng sinh hoạt, chủng sinh lui về gia đình giúp các xứ đạo, sống hy vọng và chờ đợi

Chủng viện Di Loan thời kỳ 1837:
Năm 1837 dưới triều Minh Mạng, Giám mục giáo phận Đàng Trong Cuénot (tên Việt Nam: Thể) cho mở lại chủng viện Di Loan ở một địa điểm khác với địa điểm thời linh mục Longer trước kia, thừa sai Candalh (tên Việt Nam: Kim) tổ chức điều hành. Cha Candalh vốn trước kia truyền giáo ở Xiêm, được điều động sang giáo phận Đàng Trong. Cha đi bằng đường biển từ phía Bắc Bố Chính vào cửa Tùng, vào Di Loan tháng 4-1837.
Linh mục Giám đốc Canadlh được sự cộng tác của thừa sai Jaccard, của linh mục Lê Văn Tư chánh sở An Ninh và Di Loan, chủng viện khai giảng với vỏn vẹn 6 chủng sinh.

Đến tháng 5-1838 quan huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị lùng bắt cho được thừa sai Candalh. Hai linh mục Candalh, Lê Văn Tư và 6 chủng sinh chạy ra Quảng Bình và ẩn trốn trong vùng rừng núi Kim Sen (Kẻ Sen). Đây là sở đồn điền của ông Nguyễn Hữu Quỳnh Năm khai khẩn với hậu ý làm nơi nương thân trốn ẩn cho ông, cho các giáo sĩ trong cơn bắt đạo ngặt nghèo. Cha Candalh qua đời tại đây ngày 28 tháng 7 năm 1838. Ông Quỳnh Năm tức thánh Tử đạo Quỳnh Năm, là tổ tiên ba đời của Quận công Nguyễn Hữu Bài. (1863-1935)

Chủng viện Di Loan thời Giám đốc Candalh có một bông hoa thơm ngát, Tôma Trần Văn Thiện một thiếu niên vừa đến ngưỡng cửa chủng viện đã bị bắt và bị xử giảo chết vì đức Tin Công giáo (xem "Nhân vật Chứng nhân đức Tin”, của Lê Ngọc Bích, đã phát hành).

Chủng viện Kẻ Sen (Quảng Bình, 1849-1856):
Đức cha Cuénot chỉ thị cho thừa sai Galy lập một chủng viện nữa ở làng Kẻ Sen. Đây là chốn rừng rú xa xôi ở Quảng Bình dễ trốn tránh và vẫn tổ chức sinh hoạt được trong tình huống bắt đạo. (xem PL 14).

Năm 1853 linh mục Giám đốc Galy rời chủng viện vì lý do sức khỏe quá suy yếu. Giám mục phó Sohier (Tên Việt Nam: Bình) điều khiển chủng viện. Đức cha Pellerin từ Di Loan chạy ra tỵ nạn ở đây, chủng sinh được hai vị Giám mục thay nhau giảng dạy.
Tới năm 1856, Đức cha Pellerin phải trốn ra nước ngoài, triều đình Tự Đức bắt đạo ráo riết, Đức cha Sohier phải đóng cửa chủng viện lánh vào Di Loan.

Chủng viện Di Loan thời kỳ 1849-1858:
Mặc dầu đã có chủng viện Kẻ Sen, Đức cha Cuénot chỉ thị Đức cha phó Pellerin lập một chủng viện nữa. Địa bàn được chọn vẫn là Di Loan nơi đã có chủng viện thời Đức cha Labartette (tên Việt Nam: Bê, 1799-1823), nhưng ở một địa điểm khác. Di Loan, một họ đạo nổi tiếng từ lâu là miền đất kiên cường, giáo dân thực sự kiên cường sống và bảo vệ đức Tin.

Lúc đầu chủng viện lâm thời đặt tại họ dạo An Vân (nay là giáo xứ An Vân, xã Hương An, huyện Hương Trà, Thừa Thiên, giáo phận Huế). Bấy giờ Đức cha phó Pellerin ẩn trốn tại đây từ tháng 8-1848 đến tháng 3-1849, An Vân là nơi khuất tịch, đồng bào không Công giáo hiền hòa. Địa thế có con sông An Vân (chi lưu của sông Bạch Yến), có núi Lựu Bảo thông lên Trương Sơn dễ bề trốn chạy (Đại Nam Nhất thông chí, Tập 1, NXB. Thuận Hóa, tr. 124 và 142).

Nhân lúc tình hình có phần lắng dịu, Đức cha gọi một nhóm các thầy đã mãn khóa chủng viện Pénang đang giúp các xứ tập trung về An Vân để học bổ túc chuẩn bị thụ chức. Giảng dạy Đức cha đảm nhiệm, ăn ở có giáo dân An Vân đùm bọc che chở. Ngày 23-12-1848, chắc chấn vào lúc đêm khuya, Đức cha phong chức linh mục cho thầy Xtêphan Trương Công Quang người Giáo Liêm Quảng Trị. Đây là lễ phong chức đầu tiên và duy nhất ở chủng viện lâm thời An Vân, vì sau đó Đức cha bị lính triều đình phát hiện, Ngài phải cấp tốc tạm biệt An Vân xuống thuyền đi thẳng ra Di Loan ẩn náu với thừa sai Sohier. (Lịch sử giáo xứ An Vân của Lm. St. Nguyễn Văn Ngọc, tài liệu đánh máy, tr. 6-7).

Ra Di Loan, Đức cha mua được một sở vườn rộng ngay tại trung tâm làng Di Loan, cất lên 3 căn nhà tranh, hoàn tất cơ sở khoảng tháng 12-1849. Khai giảng năm học có được 30 chủng sinh cũ và mới, học hành sinh hoạt quanh quẩn trong vườn, không được ra ngoài phạm vi, tứ phía lũy tre bao bọc. Giáo dân là hàng rào lũy tre che chở hơn cả lũy tre, họ tổ chức một hệ thống báo động rất tinh vi kịp thời bắn tin cho chủng viện biết sắp có bố ráp. Nổi bật có ông Phêsrô Thuận.

Ban lãnh đạo chủng viện có linh mục Sohier làm Giám đốc, Đức cha Pellerin, linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Thân.

Năm 1850, thành lập giáo phận Bắc Đàng Trong, giáo phận Huế sau này, Đức cha Pellerin lên Giám mục tân giáo phận, năm 1851 linh mục Sohier được cử làm Giám mục phó .

Năm học 1850-1851 có 50 chủng sinh, chia làm hai lớp La-tinh và Thần học.

Năm học 1851 -1852 chủng viện có hai Đức cha Pellerin và Sohier thay nhau giảng dạy.

Cuối năm 1852 Đức cha phó Sohier ra làm Giám đốc chủng viện Kẻ Sen, Đức cha Pellerin vẫn ở chủng viện Di Loan

Vào cuối hè năm 1854 đang chuẩn bị lễ truyền chức linh mục cho một số thầy, thình hình có báo động quan quân triều đình hành quân quy mô càn quét chủng viện. Thế là cả chủng viện lập tức chạy lánh nạn lên vùng Bái Trời (huyện Minh Linh, Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Từ những năm 1855-1858, chủng viện vẫn sinh hoạt trong tình huống luôn sẵn sàng chạy trốn, không học hành gì được.

Cuối cùng, năm 1858 chủng viện phải đóng cửa, Đức cha Sohier cùng một nhóm chủng sinh lẫn trốn lên vùng Kẻ Sen, Kẻ Bàng mạn bắc Quảng Bình.

Trích trong “Nhân Vật Công Giáo Việt Nam, tập 1”,
của GS. LÊ NGỌC BÍCH,
Nguồn:
www.dunglac.org