Thứ Ba, 19 tháng 2, 2008

Bâng Khuâng Nhớ Về Cố Hương: Phủ Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị

Theo Việt sử, sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long vẫn duy trì những khu vực hành chánh lớn như Bắc thành (Bắc bộ), Gia Ðịnh thành (Nam bộ), mỗi khu vực do một Tổng trấn đứng đầu. Ðến thời vua Minh Mạng bãi bỏ các thành, cả nước chia làm 29 tỉnh. Dưới tỉnh chia ra nhiều phủ, huyện, châu, rồi tổng và xã là đơn vị hành chánh nhỏ nhất ở địa phương.

Cũng thời vua Minh Mạng, tỉnh Quảng trị được thành lập năm 1831. Theo tổ chức hành chánh thời bấy giờ, tỉnh Quảng trị có 3 phủ : Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ.

Thời Ðệ Nhất Cộng hòa, Quảng trị có 6 quận: Gio linh, Cam lộ, Ba lòng, Hải lăng, Triệu phong và Trung lương ( vùng phi quân sự nam ).

Thời Ðệ Nhị Cộng hòa, Quảng trị có 7 quận : Gio linh, Cam lộ, Hướng hóa, Ðồng hà, Hải lăng, Triệu phong và Mai lĩnh, quận này kiêm luôn các phường thuộc thị xã Quảng trị.

Dưới thời Việt nam Cộng hòa không có phủ Vĩnh linh bởi đa phần địa hạt Vĩnh linh nằm về bờ bắc sông Bến hải, bị cắt rời khỏi tỉnh mẹ Quảng trị theo hiệp định Genève 1954, được gọi là Vùng phi quân sự bắc .

Theo Việt sử, phủ Vĩnh linh nguyên là đất của Chiêm thành, mang tên châu Ma linh, được Chế Củ, vua Chiêm thành, dâng cho vua Lý thánh Tông vào năm 1069. Ðến đời vua Lý nhân Tông, năm 1075 đổi thành châu Minh linh.

Phủ Vĩnh linh ở phía bắc tỉnh Quảng trị, bên bờ Ðông hải, có đảo Cồn cỏ án ngữ như một tiền trạm hay tiền đồn quan sát tàu thuyền lưu thông trong hải phận, phía tây dựa lưng vào Trường sơn, nam giáp huyện Gio linh, bắc giáp huyện Lệ thuỷ tỉnh Quảng bình, diện tích 626 km2 với dân số hiện nay 90.000 người phân bố tương đối đều đặn trong 20 xã, phủ lỵ đóng tại Hồ xá.

Dân tâm người Vĩnh linh có vẻ cương trực. Nghe nói xưa kia có một tân khoa phó bảng được bổ Tri huyện Vĩnh linh, được thân phụ căn dặn rằng: Con phải thanh liêm, vì trước đây quan Án sát tỉnh Quảng trị chỉ lấy của dân một con gà chọi (gà đá) mà bị kiện mất chức. Người Vĩnh linh chuộng sự cần kiệm nên con phải thanh liêm .

Thời chữ nho thịnh hành, một số nhà khá giả mở lớp học chữ nho tại nhà, mời thầy đồ đến dạy cho con cháu, các con em trong làng cũng được đến học. Thời chữ quốc ngữ được truyền bá rộng rãi, các nhà thờ Công giáo trong phủ đều mở lớp khai tâm quốc ngữ miễn phí cho tất cả con em trong giáo xứ, ngày học hai buổi sáng chiều, tuần nghỉ hai ngày thứ năm và chủ nhật, do các nữ tu dòng Mến Thánh giá Di loan đến dạy. Chính phủ cũng mở tại mỗi tổng một trường sơ học từ lớp năm đến lớp ba ( lớp1 dến lớp 3 ) và bổ nhiệm các thầy đến dạy. Một số ít người Vĩnh linh có học vị tú tài, cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ cựu học hay tân học được đào tạo ở trong nước hay ngoại quốc như Pháp, Hoa kỳ, Liên xô cũ, v.v...

Vĩnh linh ruộng ít, đất đỏ bazan nhiều và tốt, cư dân có khuynh hướng dĩ nông vi bản, nông dân chiếm hơn 95%. Các vườn sắn nương khoai bạt ngàn. Nhờ vậy nên những năm mất mùa lúa, sắn khoai tiếp ứng cho đến ngày giáp hạt. Trận đói Ất Dậu 1945, quân xa Nhật bổn đã chở từ xa đâu đó đến Vĩnh linh cả trăm người và họ được cứu đói nhờ khoai sắn Vĩnh linh, cũng như củ khoai tây đã cứu sống người châu Âu thời trung cổ. Ông bà cũng đã để lại lời răn con cháu :

Ðược mùa chớ phụ môn khoai,
Ðến năm thân dậu, lấy ai bạn cùng


Sắn (manioc) có nhiều loại, Vĩnh linh trồng giống sắn Ấn độ, cây thấp, thân mập, năng suất cao, củ lớn và dài, cho nhiều tinh bột được chế biến thành bột lọc (tapioca) để xuất khẩu, nguồn lợi đáng kể của nông dân địa phương.

Vĩnh linh có sông Bến hải dài 59 km, phát xuất từ Trường sơn chảy ra biển qua cửa Tùng. Phía bắc sông nầy có một sông nhỏ cũng từ Trường sơn chảy qua Bến Quan, tới hợp lưu vào sông Bến hải tại Hiền lương. Nơi hợp lưu nầy tạo một ngã ba sông vừa rộng vừa sâu, cắt ngang quốc lộ 1A chạy suốt Bắc Nam. Nơi đây, từ xa xưa đã có đò ngang cho khách bộ hành qua lại tại bến đò Hiền lương. Thời Pháp thuộc, bến đò nầy có thêm phương tiện Phà (bac) để chở xe hơi qua sông. Phà nầy là thuyền gỗ, rộng bề ngang, lòng phẳng, không mui, chuyển vận bằng sức người kéo hai chiếc dây chằng dăng từ bờ bên nầy sang bờ kia. Ðội kéo phà gồm 5 người: 1 cai và 4 phu kéo dây. Sau khi xe hơi đã vào phà, người cai cầm sanh (sênh) gõ nhịp, 4 phu mỗi bên 2 người, ngồi nhoài về phía trước, 2 tay nắm chặt dây chằng.

Cai bắt đầu hò xướng : Ai mà nì !
Phu hò đáp:=Là hò hò khoan!
Lợp miếu thiếu tranh nì ! =Là hò hò khoan !
Lợp đình thiếu ngói nì ! =Là hò hò khoan!
Xây thành thiếu vôi nì ! =Là hò hò khoan!

Mỗi lần phu hò đáp đồng thời kéo mạnh dây, phà lướt tới mỗi lúc càng nhanh cho đến khi cập bến. Cai còn nhiều bài hò khác để trợ hứng cho phu kéo dây thêm hăng hái và nhịp nhàng.

Thời chiến tranh 1946-1954, Công binh Pháp lắp đặt các xà-lan (chaland) làm cầu nổi để đoàn xe tải (convoi) vận chuyển quân lính, quân nhu từ Huế ra Ðồng hới (Quảng bình) được nhanh chóng.

Sau ngày đình chiến 1-8-1954, theo hiệp định Genève, Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Ðình chiến thiết lập trạm gác gần cầu Hiền lương và kẻ một đường đỏ ngang giữa cầu làm ranh giới phân cầu làm hai phần nam bắc bất khả thông quan.

Phủ Vĩnh linh nguyên trước có 4 tổng. Tổng (canton) là đơn vị hành chánh gồm nhiều xã. Ðứng đầu tổng là Chánh tổng có Phó tổng phụ giúp. Chánh tổng là nhân vật trung gian giữa Tri phủ và Lý trưởng các làng, nói cách khác, Chánh tổng là viên chức hành chánh trung gian giữa cơ quan Hành chánh Phủ Huyện và ban Hành chánh Xã.

Sau đình chiến 1954, tổng Xuân hòa nằm về phía nam sông Bến hải, trong vùng phi quân sự nam được chính phủ Việt nam Cộng hòa lập thành quận Trung lương. Ba tổng nằm về phía bắc sông Bến hải là tổng Hiền lương, tổng Huỳnh công và tổng Thủy ba đều nằm trong vùng phi quân sự bắc, được chính phủ Bắc Việt gọi là khu vực Vĩnh linh.

- Tổng Xuân hòa:

Ðất ít, ruộng nhiều, mật độ dân số trung bình. Gồm các làng Xuân hòa, Xuân mị, Xuân long, Thủy bạn, Thủy khê, Cẩm phổ, Cát sơn, Cao xá, v.v... Cao xá là quê quán cụ Nguyễn hữu Bài, Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ dưới triều vua Khải định. Hai làng Xuân mị và Thủy khê cũng được truyền tụng qua ca dao: “Văn chương Xuân mị, lý sự Thủy khê”.

- Tổng Hiền lương:

Ở về phía đông phủ Vĩnh linh, gồm các làng thuộc vùng Cửa Tùng như : An du đông, An du tây, An du bắc, An du nam, An ninh, Di loan, Vĩnh an, Tùng luật, Cổ trai, Tân trại và Thạch bàn. Tổng Hiền lương được xem như một vùng trù mật, dân cư đông đúc, có chợ mai chợ chiều, trường học, có hải khẩu Cửa Tùng với bãi tắm lý tưởng, phong cảnh đẹp, có sân vận động, phi trường, trạm y tế, nhà máy phát điện. Cửa Tùng là nơi nghỉ mát của các vua cuối triều nhà Nguyễn, các quan chức Pháp, Việt, các đoàn học sinh Lào, v.v... Kinh tế vùng nầy có vẻ phát đạt, sản xuất tơ lụa, muối, tôm hùm, ruốc, mắm, nước mắm, che (trà), hạt tiêu, bột sắn, khoai khô, sắn khô, v.v... (như đã trình bày trước đây trong bài Cửa Tùng).

Cửa Tùng cũng là khu Công giáo sầm uất, có 10 giáo xứ với 10 thánh đường. Theo Việt nam Giáo sử thì Vùng nầy được truyền giáo từ năm 1623, 1624, thời chúa Nguyễn phúc Nguyên (Chúa Sãi) do Các Linh mục người Bồ đào nha, Ý, Pháp và Nhật bổn. Ðặc biệt, trong đó có Linh mục Alexandre de Rhodes (giáo sĩ Ðắc lộ) thuộc dòng Tên đến giảng đạo tại Trung Việt vào cuối năm 1624 và vĩnh biệt rời Việt nam vào năm 1645. Ngài là ân nhân của nền văn hóa Việt nam, có công lớn trong việc tu sửa chữ quốc ngữ trong thời kỳ phôi thai. Trước đó, các Linh mục Thừa sai dòng Tên người Bồ đào nha đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt viết bằng mẫu tự la-tinh rồi. Cha Ðắc lộ nói thông thạo tiếng Ý, Pháp, Tây ban nha, Ấn độ, Hy lạp, Do thái, Trung hoa và Nhật bổn. Ngài thường lấy các thứ tiếng trên để làm mẫu mực hoặc để so sánh, có mục đích giúp các nhà truyền giáo biết cách đọc các nguyên âm và phụ âm tiếng Việt. Cuốn Tự điển Việt-Bồ-La được cha Ðắc lộ cho xuất bản vào năm 1651, được xem là năm khai sinh chữ quốc ngữ, thứ chữ ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng, sau nầy nước ta đã biến nó thành quốc ngữ Chữ Nước Ta.

Thời nội thuộc Trung hoa, các Thái thú cai trị nước ta đã truyền dạy chữ nho. Ðến khi nước ta được độc lập, chữ nho vẫn được dùng trong công văn, sắc dụ của triều đình, trong thơ văn, sách vở hay trong thư từ, khế ước của tư nhân. Ðến đời vua Trần dụ Tông xuất hiện chữ nôm là thứ chữ dùng nguyên chữ nho rồi thêm bớt chấm, phết hoặc ghép hai ba chữ nho lại để đọc theo tiếng Việt, nhưng bị giới nhà nho quá sùng hán văn thời ấy coi thường. Ngay tại Trung hoa, Chủ tịch Mao trạch Ðông cũng muốn dùng mẫu tự la-tinh để viết ra chữ Tàu, nhưng cũng chưa thực hiện được.

Trung tâm Cửa Tùng cũng là trung tâm tổng Hiền lương, có Tiểu chủng viện (Petit Séminaire) tại làng An ninh, nơi đào tạo linh mục cho giáo phận Huế trong 8 năm đầu, sau đó vào học 6 năm tại Ðại chủng viện Huế rồi mới thụ phong linh mục. Tiểu chủng viện An ninh cũng giúp giáo huấn chủng sinh cho Giáo hội Công giáo Lào và đã được vua Khải Ðịnh đến thăm và ban tặng bức hoành phi bốn đại tự Phụ Thế Trưởng Nhân. Một ít chủng sinh thụ giáo nơi đây, sau nầy nổi danh như Ðức Cha Hồ ngọc Cẩn, Giám mục Giáo phận Bùi chu (Bắc Việt); Ðức Cha Ngô đình Thục, Giám mục Giáo phận Vĩnh long và Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Ðức Cha Lê hữu Từ, Giám mục Giáo phận Phát diệm (Bắc Việt); Ðức Cha Nguyễn văn Hiền, Giám mục Giáo phận Sài gòn và Giáo phận Ðà lạt; Ðức Hồng y Nguyễn văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha trang, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài gòn, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình tại tòa thánh Vatican; Ðức Cha Nguyễn như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Linh mục Nguyễn hy Thích, Giáo sư Hán văn và Triết học Ðông phương tại các Ðại học Huế, Sài gòn và Ðà lạt; Linh mục Nguyễn văn Lập, Viện trưởng viện Ðại học Ðà lạt. Một ít chủng sinh rời chủng viện, sau nầy dấn thân vào đời cũng xuất chúng, như :

* Ông Nguyễn hữu Bài, Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ, sung Cơ mật viện Ðại thần dưới triều vua Khải Ðịnh. Cụ được người đời truyền tụng: ”Ðày vua không Khả, đào mả không Bài” (Năm 1907, Thượng thư Ngô đình Khả phản đối việc lưu đày vua Thành Thái sang đảo Réunion. Năm 1908, Thượng thư Nguyễn hữu Bài đã chống đối kịch liệt Khâm sứ Mahé (Pháp) đòi khai quật mộ vua Tự Ðức để lấy vàng ngọc).
* Ông Ngô đình Nhu, chính trị gia, người đã tận trung tận nghĩa giúp bào huynh của mình (Tổng thống Ngô đình Diệm) bảo vệ chủ quyền Quốc gia và nền độc lập của Nước Nhà.
* Ông Lê quang Tung, cựu Tư lệnh Lực lượng Ðặc biệt của Quân đội Việt nam Cộng hòa, một gương trung can, đã tử trung, không chịu làm tay sai cho ngoại bang.

- Tổng Huỳnh công :

Nằm về phía bắc phủ Vĩnh linh, gồm các làng : Huỳnh công, Liêm công tây, Liêm công đông, Thủy cần, Ðơn duệ, v.v... Vùng nầy dân ít, đất rộng cu bay thẳng cánh. Toàn khu vực đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp với kinh tế vườn như mít, chè (trà), tiêu, cam, bưởi, chanh, chuối, thơm, sắn, môn, khoai, v.v...

Làng Liêm công có một khu rừng gọi là Rú Lịn nơi có nhiều cây Lịn, một loại cây giống tre nhưng thân mềm, ruột rỗng chứa nhiều nước, uống mát và ngọt, một đặc sản ít nơi có. Làng nầy là quê quán của ông Trần công Khanh, một lãnh tụ Việt nam Quốc dân đảng địa phương bị xử tử vào khoảng cuối năm 1945 đầu năm 1946.

Liêm công cũng là quê quán của thầy I-nha-xô (tên thánh, không rõ tên Việt). Theo Việt nam Giáo sử thì Thầy sinh năm 1610, học thức rộng, tinh thông sử ký, được bổ nhiệm một chức vụ tại phủ Tổng trấn, tức dinh ông Hoàng Khê. Ông Hoàng Khê là con bà Minh đức Vương Thái phi, vợ lẽ chúa Nguyễn Hoàng. Năm ba mươi tuổi, Thầy vào đạo Công giáo do cha Ðắc lộ (Alexandre de Rhodes) rửa tội. Hai năm sau, Thầy từ chức quan để nhập đoàn Thầy Giảng của cha Ðắc lộ và được cử làm trưởng đoàn. Sau đó, Thầy bị bắt và bị chém đầu Tử vì đạo, còn bảy người khác bị chặt mỗi người một ngón tay, vào năm 1645, dưới thời chúa Công Thượng Vương.

Làng Thủy cần :

Ðất Thủy cần cũng bát ngát và màu mỡ như đất Liêm công, Huỳnh công, mật độ dân số trung bình. Phía đông làng có một khu rừng ra tận bờ biển, gọi là Rú Thuỷ cần nơi đây có nhiều cu kỳ, một loại chim cu to gấp đôi cu đất, thịt ăn ngon. Khu rừng nầy có nhiều cây máu, loại cây thân gỗ, cao 5, 6 mét trái chứa nhiều dầu gọi là dầu máu, loại thần dược trị thương tích, ghẻ lác ở trâu, bò, ngựa, heo.

Xa khoảng 10 km phía biển đông, có đảo Cồn Cỏ, có lẽ từ thời xa xăm, đảo nầy là phần đất liền với rú Thuỷ cần, nhưng do sự đứt gãy vì động đất, đã tách khỏi đất liền, bởi chim cu kỳ và cây cối trên đảo nầy giống hệt ở rú Thủy cần vậy.

Sát bờ biển Thủy cần có một làng ngư dân gọi là làng Vịnh, các ngư hộ đều ở trong những ngôi nhà thấp lè-tè để tránh bão. Khoảng năm 1940, bị một trận bão lớn càn quét, ông Lý trưởng làng báo trình Tri phủ Vĩnh linh Dạ bẩm quan! làng tui tan nát, chùm-hum không kể, sát giàn bảy mươi (Xiêu không kể, nằm sát đất 70 ngôi nhà). Làng có miếu thờ một bộ xương cá voi, đường kính đốt xương sống lớn khoảng 2 tấc.

(Còn tiếp)

1 nhận xét:

TỐNG PHƯỚC TRỊ nói...

Cháu cám ơn bác về những thông tin về quê hương Vĩnh Linh ngày xưa.
Cháu xoá nhận xét cũ vì có mấy chỗ lỗi đánh máy. Kính bác!