Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2008

Bâng Khuâng Nhớ Về Cố Hương - Phủ Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị (2)

- Tổng Thủy ba :

Ở về phía tây phủ Vĩnh linh, gồm các làng Thủy ba, Ba bình, Bình đức, Hòa lạc, Chấp lễ, Cổ hiền, Phan xá, Quảng xá, Lê xá, Lệ xá, Tiên lai, v.v...

Làng Thủy ba khá rộng, phía tây tiếp giáp Trường sơn, có truyền thống ải cọp (vây bắt cọp). Cọp thường ở vùng rừng còi (cằn cỗi) mép rìa Trường sơn thỉnh thoảng vào làng bắt heo, trâu nghé, bò con và ngay cả người nữa. Cư dân nơi đây tìm cách diệt trừ loài ác thú với kế hoạch ải cọp .

Ban đêm, khi cọp đột nhập vào làng bắt trâu, bò hay heo, người nhà chỉ ở trong nhà đánh mõ, thanh-la, khua nồi niêu và hò hét cho cọp đi, đến sáng, dân làng mới lần theo dấu con mồi bị cọp kéo. Khi phát giác được địa điểm dính máu, nơi con mồi bị ăn, làng cho đánh mõ tập trung đinh tráng gánh lưới đến vây bốn phía, căng cao lên hai ba mét với chu vi khá rộng. Ðinh tráng gồm hai thành phần, một loại chuyên sử dụng giáo mác, phòng cọp nhảy lưới thì đâm cho cọp thối lui; loại nữa chuyên dùng dao rựa chặt cây, chặt tới đâu đẩy lưới tới đó, vòng vây thu hẹp dần, cọp hết chỗ ẩn trốn, khát và đói sau nhiều ngày bị vây hãm. Lúc nầy, làng cho đẩy vào trong vòng vây một cái cũi làm bẫy sập có chừa cửa, trong có đặt một chậu nước và một miếng thịt. Cọp vừa đói vừa khát, với dáng rụt rè sợ sệt, bước vào cửa cũi đạp nhằm tấm bẫy, cửa cũi lập tức sập xuống nhốt cọp lại. Ðến đây, chức sắc làng và đinh tráng nghỉ ngơi, nhắp rượu và ra giá. Sau khi giá cả xong, làng cho lệnh giết và kéo cọp ra khỏi cũi. Một vị hào lão trong làng cầm đuốc tới nung cháy toàn bộ râu cọp, sau đó làng mới cho người mua mang đi. Sở dĩ phải đốt râu vì có truyền thuyết: râu cọp được dùng làm thuốc độc giết người.

Làng Bình đức :

Bình đức đất rộng, người thưa, dân tình hiền hòa. Làng nầy có giáo xứ Ba ngoạt, quê quán Linh mục Nguyễn văn Lý, một người khí phách anh hùng tranh đấu cho Nhân quyền Việt nam. Nghe các cụ nói giáo xứ Ba ngoạt đã có từ lâu đời. Năm 1885 khoảng 100 giáo dân đã bị Văn thân chôn sống. Hố chôn tập thể đó gần phi trường Chấp lễ, gọi là Lăng Tử Vì Ðạo hay Mả Thánh .

Làng Phước sơn :

Phước sơn là làng tân lập. Năm 1918, Linh mục người Pháp Henri Denis (tên Việt là Cố Thuận) được chính phủ chấp thuận cho khẩn hoang một khu rừng hoang vắng phía tây phủ Vĩnh linh, bên rìa Trường sơn và thành lập dòng khổ tu Ðan viện Xi-tô đầu tiên tại Việt nam. Vùng đất nầy được đặt tên là Phước sơn và dòng khổ tu nầy cũng được gọi là dòng Phước sơn. Khoảng 20 năm sau, dòng nầy phát triển thêm dòng Châu sơn ở Phát diệm (Bắc Việt).

Năm 1949, vùng Phước sơn mất an ninh, Cha Bề Trên (người Việt) bị bắt mất tích, nhà dòng bị Việt minh chiếm, các đan sĩ di tản vào Sài gòn và lập các đan viện mới như Phước lý ở Thủ đức, Phước sơn ở Phúc lộc Bà rịa, Thiên phước ở Vũng tàu và Phước vĩnh ở Trà vinh. Năm 1978, một số đan viện bị giải thể, khoảng 100 đan sĩ tản mác đi xây dựng các cộng đoàn bí mật. Nay đang phục hồi và vị Ðan viện phụ là Linh mục Phạm văn Hiền, người làng Quảng xá, tổng Thủy ba, phủ Vĩnh linh, đã qua 7 năm tù và 4 năm quản thúc tại gia.

Làng Hồ xá :

Làng nầy khá lớn, nằm dọc quốc lộ 1, trung tâm làng là một thị trấn, phủ lỵ Vĩnh linh đóng tại đây, có trường tiểu học, sân vận động (sau nầy Bắc Việt dùng làm phi trường trực thăng trong cuộc chiến mùa hè 1972 ở Quảng trị), bến xe, quán xá và chợ buôn bán nhộn nhịp. Thời chiến 1946-1954, một đại đội lính Pháp đóng tại đây yểm trợ các đồn Cửa Tùng, Hiền lương, Tân trại, Thủy cần và Chấp lễ.

Phía tây làng Hồ xá, dọc quốc lộ 1, có Truông Nhà Hồ , đây là một vùng đất hoang vắng khá rộng, cây cối lụp xụp, địa thế hiểm trở. Xưa kia, nơi đây hay xảy ra các vụ cướp bóc. Bọn khấu tặc nầy từng là nỗi khiếp sợ của lữ khách trên đường thiên lý :

Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam giang. (Ca dao)


Theo sách Chín Chúa Nhà Nguyễn thì :

Năm Nhâm Thân (1572), Lập Bạo một bộ tướng của nhà Mạc đem 60 chiến thuyền có trang bị đầy đủ, theo đường biển tiến vào đánh Thuận hoá, Lập Bạo định dùng thế gọng kềm, diệt xong chúa Tiên sẽ tiến ra bắc tấn công nhà Lê Trung Hưng. Quân Lập Bạo vào cửa Việt tiến vào sông Vĩnh định và chiếm toàn bộ vùng Hồ xá thuộc huyện Vĩnh linh, tấn công quân chúa Tiên. Ðây là trận đánh đầu tiên sau mười mấy năm trấn nhậm Thuận hóa. Quân hai bên đánh nhau rất ác liệt, quân của chúa tuy ít nhưng chiến đấu rất dũng cảm. Vì thế sau nhiều lần ác chiến vẫn bất phân thắng bại. Hai bên đóng đồn đắp lũy đối diện trù tính chiến đấu lâu dài.

Tương truyền rằng một bữa nọ chúa Tiên đi thị sát mặt trận dàn trên phòng tuyến sông Vĩnh định, thì nghe có tiếng Trảo trảo rất lớn rồi sóng to gió lớn nổi lên ầm ầm. Nguyễn Hoàng mới quỳ xuống mà khấn rằng: Nếu trời giúp cho tôi làm nên nghiệp lớn thì xin hãy sai thần sông theo giúp. Ðêm đó, Nguyễn Hoàng nằm mộng thấy một nữ thần mặt đẹp như hoa, mắt sáng như sao, vẫy chúa mà bảo rằng: Ta là thần sông Vĩnh định đây, cảm tấm lòng thành của nhà ngươi nên đến giúp. Ngươi muốn thắng Lập Bạo thì chỉ dùng mỹ nhân kế mà thôi. Nói xong thì vẫy tay áo biến mất. Chúa định hỏi nhưng vừa bước theo thì vấp ngã và giật mình tỉnh dậy mới biết là chiêm bao. Rạng ngày, Chúa họp các mưu sĩ và cho biết giấc mộng. Một mưu sĩ của chúa đứng dậy vái chúa một vái rồi nói rằng: Chúa đã được thần nhân báo mộng chắc là thắng được giặc. Vả lại mấy lâu nay tôi cho người dò thám trại giặc thì biết Lập Bạo vốn là đứa háo sắc. Vậy nếu ta dùng mỹ nhân kế chắc là thành công. Nhưng chỉ hiếm một nỗi nơi trại quân nầy lấy đâu ra người đẹp để thực hiện kế ấy ?

Trong khi mọi người đang bàn bạc thì có thị tỳ họ Ngô đem nước vào dâng cho Chúa. Nhan sắc Ngô Thị quả thật đẹp, hoa nhường nguyệt thẹn, ai cũng tấm tắc khen. Chúa rất mừng, truyền Ngô Thị ở lại rồi dặn dò các việc. Về phần Lập Bạo, ỷ mình binh nhiều, nghĩ rằng trước sau gì cũng thắng nên suốt ngày chè chén ca hát. Ðã thế, lại có sứ giả của Nguyễn Hoàng xin vào yết kiến với đề nghị giảng hòa để giữ hòa hiếu. Lập Bạo thấy thế càng kiêu căng nên không đề phòng gì cả. Vài hôm sau Chúa lại sai một phái đoàn đến, mang theo nhiều lễ vật quý hiếm, lại sai Ngô Thị trang điểm thật đẹp bưng lễ vật cùng đi với đoàn sứ giả đến ra mắt Lập Bạo. Lập Bạo thấy lễ vật quá hậu ngỡ rằng Nguyễn Hoàng sợ mình, liếc mắt nhìn thấy Ngô Thị là một trang tuyệt thế giai nhân nên trong lòng rất sảng khoái. Ngô Thị biết ý lại càng liếc mắt đưa tình, Lập Bạo miệng thì ừ hử nhưng mắt không rời Ngô Thị. Khi phái đoàn cáo từ ra về, Lập Bạo bị sắc đẹp của Ngô Thị chinh phục, như một cái máy đứng dậy đi theo để tiễn. Lúc nầy Lập Bạo chẳng còn biết gì ngoài Ngô Thị nên cứ như người bị bùa mà theo chân Ngô Thị rời xa doanh trại của mình. Trên đường về, Chúa đã bí mật cho quân mai phục. Lập Bạo lọt vào ổ phục kích, biết mình trúng kế, nhanh như cắt hắn lao mình xuống sông Vĩnh định lặn một hơi tẩu thoát. Lập Bạo vốn là một thủy tướng nên bơi lội và lặn rất giỏi. Thuyền của chúa đuổi theo sát nút, tuy thế vẫn không làm thế nào để bắt được Lập Bạo. Nhiều lần Lập Bạo thoát chết nhưng có lẽ số Lập Bạo đã hết nên mỗi lần Lập Bạo ngóc lên chỗ nào để lấy hơi thì y như trên đầu y có con chim bói cá bay đến, nhờ thế quan quân chúa Nguyễn mới theo sát được. Túng thế, Lập Bạo lặn một hơi thật sâu đến cuối sông Vĩnh định mới nổi lên, nhưng khi quân chúa Nguyễn tới thì thấy y đã chết rồi. Doanh trại của Lập Bạo thấy chủ tướng bị chết, kẻ chạy thoát thân, kẻ xin hàng. Trừ xong Lập Bạo, thanh thế của chúa Tiên ngày càng lẫy lừng. Ðể nhớ ơn vị nữ thần sông Vĩnh định đã giúp mình, Chúa cho lập một ngôi miếu sát bên sông Vĩnh định để thờ bà, gọi là miếu Trảo Trảo Phu Nhân, quanh năm hương khói thờ phụng. (Sách Chín Chúa Nhà Nguyển)

Theo tương truyền, sau khi Lập Bạo chết, phần đông quan quân đầu hàng, được chúa Nguyễn Hoàng cho đến khai hoang lập nghiệp ở phía tây huyện Gio linh. Họ đã biến nơi sơn lam chướng khí nầy thành vùng đất phì nhiêu, sau nầy gọi là Bát Phường. Một số hậu duệ của họ trở nên giàu có và có chức vị trong các cơ quan Chính quyền Quốc gia.

Số quan quân không đầu hàng đã trốn tránh ở truông Nhà Hồ thuộc làng Hồ xá, sống nghề cướp bóc người đi đường. Ðịa danh Truông Nhà Hồ trở thành nơi kinh hoàng của lữ khách. Ðể trừ hại cho dân, chúa Nguyễn phúc Chu (1691-1725) đã sai quan Nội tán Nguyễn khoa Ðăng đem quân quét tan lũ cướp nầy. Từ đó dân chúng mới an tâm đi lại và truyền tụng qua ca dao :

Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam giang.
Phá Tam giang ngày rày đã cạn,
Truông Nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm .

* Vĩnh linh tan nát :

Chiến tranh 1946-1954 kết thúc với hiệp định Genève chia đôi nước Việt ở vĩ tuyến 17, lấy sông Bến hải làm ranh giới. Miền Trung đình chiến kể từ 01-08-1954. Vùng đất hai bên bờ bắc, nam sông Bến hải gọi là Vùng Phi Quân Sự. Phủ Vĩnh linh bị phân cắt cũng như nước mẹ Việt nam bị chia đôi, Bắc Nam phân ly bất cố lai vãng bởi cái hiệp định oan nghiệt ấy.

Khu phi quân sự nam được Chính phủ Việt nam Cộng hòa thành lập quận Trung lương gồm các làng thuộc tổng Xuân hoà.

Khu phi quân sự bắc gồm các làng thuộc ba tổng Hiền lương, Huỳnh công và Thủy ba, được chính quyền miền Bắc gọi là Khu vực Vĩnh linh.

Trong những ngày đầu đình chiến 01-08-1954, đa số dân chúng ở các làng thuộc các tổng Hiền lương, Thuỷ ba, Hồ xá và một số ít thuộc tổng Huỳnh công di cư vào Nam, để lại một vùng rộng lớn vườn không nhà trống, cảnh tượng như phủ xuống một màn ảm đạm thê lương. Phần đông di dân bắc Vĩnh linh đến định cư ở các địa điểm gần thị xã Quảng trị như La vang chính, La vang trung, La vang tả, La vang hữu, La vang thượng. Một số ít định cư tại An đôn và Mỹ chánh thuộc quận Hải lăng, tỉnh Quảng trị. Riêng Loan lý (Luân lý) định cư tại Lăng cô, cuối chân đèo Hải vân thuộc tỉnh Thừa thiên.

Sau khi đất nước bị chia đôi như vậy, miền Nam chỉ hưởng được cảnh thái bình thịnh trị trong ít năm rồi chiến tranh tái diễn. Từ các vụ khủng bố nhỏ như bắt cóc, ám sát viên chức xã ấp của chính quyền Việt nam Cộng hòa, đốt máy cày, đào đường, phá cầu đến các cuộc gây chiến lớn như đồn Trảng sụp của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 Bộ binh bị tấn công vào một đêm gần cuối tháng 1 năm 1960, làm thiệt mạng một số quân đồn trú và thất thoát một số vũ khí.

Kể từ đây chiến tranh bộc phát qui mô lớn với việc Bắc Việt xâm nhập khu phi quân sự để chuyển quân và vũ khí vào đánh phá miền Nam Việt nam.

Ðể ngăn chặn nguồn tiếp vận của Bắc Việt vào miền Nam, các phi cơ của Không lực Việt nam Cộng hòa và Hoa kỳ vượt sông Bến hải, oanh kích triệt hạ các căn cứ quân sự Bắc Việt ở bắc vĩ tuyến 17, trong những ngày đầu tháng 2 năm 1965, các cuộc dội bom nhằm vào các căn cứ ở vùng Vĩnh linh, Cửa Tùng, Hồ xá, Chấp lễ và đảo Cồn cỏ, v.v... rồi dần dần tới Quảng khê, Ðồng hới, xóm Bàng thuộc tỉnh Quảng bình.

Ðồng bào ở phía bờ bắc Bến hải thuộc vùng phi quân sự bắc (khu vực Vĩnh linh) được sơ tán ra các tỉnh phía bắc.

Ðồng bào ở phía bờ nam Bến hải thuộc vùng phi quân sự nam (quận Trung lương) phải di tản đến tạm cư ở Hà thanh (Gio linh) và Cam lộ thuộc tỉnh Quảng trị. Rồi còn phải chịu thảm hoạ tan xương nát thịt, những tiếng rên la thảm thiết vọng lên nơi Ðại lộ Kinh hoàng vào mùa hè đỏ lửa 1972.

Toàn phủ Vĩnh linh đã như hoang địa, tang thương như một bãi tha ma mênh mông, rải rác những hố bom sâu như ao nước.

Tháng 5 năm 1975, hòa bình trở lại trên toàn lãnh thồ Việt nam, đồng bào di tản và sơ tán, sau nhiều năm chạy tan tác tả tơi, nay lần lượt trở về làng cũ và bắt đầu dựng lại cơ nghiệp với nhiều gian nan tân khổ.

Nước Việt có hàng trăm phủ huyện, nhưng chỉ phủ Vĩnh linh chịu tai ương khủng khiếp nhất. Nước nhà trải bao nhiêu năm chinh chiến, Vĩnh linh cũng bấy nhiêu năm chiến chinh. Ðất nước bị qua phân hai miền, Vĩnh linh cũng bị chia cắt đôi bờ.

Sau bài Cửa Tùng được đăng trên vài tờ báo, một ít đồng hương ở hải ngoại “Bấy lâu cách trở, nhớ miền cố hương” (T.Hanh) đã muốn biết thêm Vĩnh linh.

Phần sử địa Vĩnh linh được trình bày trong bài nầy chắc có nhiều thiếu sót, bởi lúc thiếu thời tôi chưa có cơ hội tìm biết toàn phủ Vĩnh linh. Sau di cư 1954, nỗi hoài hương canh cánh bên lòng, mong ngày về hưu được rảnh rỗi sẽ đến Văn khố tòa Hành chánh tỉnh Quảng trị truy lục các văn kiện để ghi lại lai lịch phủ Vĩnh linh, các tổng và làng xã qua các thời kỳ, nhưng văn khố tỉnh đã tiêu tan vào mùa hè đỏ lửa 1972, toàn thị xã Quảng trị đã bị san bằng.

Xa Vĩnh linh lúc còn non trẻ, đã qua 53 năm, nay ghi lại ký vãng, Nhớ chi viết nấy.

Montréal, Thu 2007
Nhân kỷ niệm 53 năm Ðất Nước chia đôi.

Không có nhận xét nào: