Thứ Ba, 12 tháng 2, 2008

Quảng Trị - Diện tích tự nhiên, địa giới hành chánh



Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung Việt Nam, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam. Toạ độ địa lý trên đất liền Quảng Trị ở vào vị trí:


Cực bắc là 17o10' vĩ bắc, thuộc địa phận thôn Tây, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh
Cực nam là 16o18' vĩ bắc thuộc thôn làng Hạ, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng.
Cực đông là 107o24' kinh đông thuộc thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, Hải Lăng
Cực tây là 106o24', địa phận đồn biên phòng Cù Bai, xã Hướng Lập, Hướng Hoá.


Với toạ độ địa lý này, Quảng Trị được tạo nên bởi một không gian lãnh thổ mang sắc thái khí hậu nhiệt đới ẩm, điển hình của vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu và chịu ảnh hưởng rất lớn của biển Đông. Cách thủ đô Hà Nội 582 km về phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh 1.121 km về phía Nam. Phía bắc Quảng Trị giáp huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình), phía nam giáp hai huyện A Lưới, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), phía tây giáp tỉnh Savanakhet (Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), với chiều dài biên giới chung với Lào là 206 km, được phân chia bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 75km và được án ngữ bởi đảo Cồn Cỏ, có toạ độ địa lý 17o09'30' vĩ bắc và 107o20' kinh đông, đảo Cồn Cỏ cách bờ biển (Mũi Lay) 25 km, diện tích khoảng 4km2.


Chiều ngang trung bình của tỉnh 63,9km, (chiều ngang rộng nhất 75,4km, chiều ngang hẹp nhất 52,5km).


Đất đai


Diện tích tự nhiên 4.592km2, tuy diện tích không lớn, nhưng lịch sử phát triển địa chất phức tạp, cách đây 500 triệu năm, do các kiến tạo nâng lên, hoạt động đứt gãy, chia cắt, san bằng bề mặt... tạo ra một địa hình lãnh thổ rất đa dạng. Do sự chi phối của cấu trúc địa chất, bao gồm: núi đồi đồng bằng, cồn cát và bãi biển, chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam và trùng với phương của bờ biển. Chính vì vậy, đất đai Quảng Trị mang những đặc điểm rất riêng (xem mục tiềm năng kinh tế xã hội)


Sông ngòi - hồ đập - đầm phá


Mạng lưới sông ngòi ở Quảng Trị dày đặc, nhất là ở vùng núi. Tính trung bình mật độ sông ngòi khoảng 0,8 - 1 km/km2. Trong đó ở vùng đồng bằng ven biển có mật độ là 0,45 - 0,5 km/km2, ở vùng núi có mật độ trên 1km/km2. Một đặc trưng quan trọng là hầu hết sông ngòi ở Quảng Trị đều dốc, ngắn và chảy từ tây sang đông (độ dốc 13 - 25m/km). Tổng diện tích lưu vực khoảng 3640 km2 chiếm 79% diện tích toàn tỉnh, tổng số chiều dài các sông 1.085 km. Gồm có 3 hệ thống sông chính là:


Sông Bến Hải: Chiều dài 64,5km, thượng nguồn là dãy núi cao trên dưới 1.000m nằm ở phía tây-bắc Quảng Trị, và đổ ra biển qua Cửa Tùng. Sông Bến Hải chảy dọc theo vĩ tuyến 17. Sông Bến Hải có tất cả 14 phụ lưu, trong đó đáng chú ý là sông Bàn Xen (gọi là sông La Lung) và Rào Thanh (gọi là sông Bến Hải). Lưu lượng dòng chảy trung bình năm là 43,4 m3/giây, diện tích lưu vực khoảng 809 km2, mật độ sông suối 1,15 km/km2.


Sông Thạch Hãn: Đây là con sông lớn nhất tỉnh, có lưu lượng dòng chảy trung bình năm khoảng 130 m3/giây. Bắt nguồn từ dãy núi phía tây Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, có chiều dài 155 km. Sông Thạch Hãn hợp thành bởi 2 con sông chính là sông Quảng Trị và sông Cam Lộ và đổ ra biển qua Cửa Việt. Sông Thạch Hãn có 37 phụ lưu, diện tích lưu vực 2.600 km2, chiếm gần 50% diện tích lãnh thổ của Quảng Trị.


Sông Ô Lâu: (Ô Giang). Sông bắt nguồn từ dãy đồi cao khoảng 400 - 600 m của miền Tây Trị Thiên, hợp bởi 2 nhánh sông chính là sông Ô Lâu và sông Mỹ Chánh, dài 65 km, bao quát một diện tích lưu vực 900 km2, lưu lượng dòng chảy 44 m3/giây, mật độ 0,81 km/km2.


Ngoài các hệ thống chính trên, ở Quảng Trị còn nhiều dòng chảy đổ về phía Tây (ngòi, lạch) là những phụ lưu nằm ở Tây Trường Sơn, đổ vào sông Sê-Pôn, chảy qua Lào.


Đặc điểm của hệ thống sông ngòi ở Quảng Trị thuận lợi cho việc xây dựng các hồ chứa và thuỷ điện, với tổng lượng nước bề mặt 9 tỷ m3/năm, có thể cung cấp khoảng 3 tỷ KW/h điện năm. Trong đó hệ thống sông Bến Hải 834 triệu KW/h, sông Mỹ Chánh 376 triệu KW/h và sông Thạch Hãn 1.800 triệu KW/h.


Riêng thuỷ điện Rào Quán (trên sông Thạch Hãn) có trữ năng lý thuyết kỹ thuật hơn 60.000 KW - 120 triệu KW/h.


Nước ngầm dưới lòng đất trung bình năm trên toàn lãnh thổ mô duyn dòng chảy ngầm khoảng 9 - 12 l/giây/km2 hay 4.105m3/km2/năm, chiếm 20 - 30% tổng lưu lượng dòng chảy trên mặt đất và chất lượng nước ngầm tốt, độ PH = 7-8 và thuộc loại nước Bicacbonat canxi - BicacBonat natri, tổng độ khoáng 0,12 - 0,15 g/l. Nguồn nước ngầm đủ sức cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất bằng giếng có công suất lớn , vừa và nhỏ.


Hồ đầm - phá: Phân bổ rải rác hầu khắp các vùng và tập trung chủ yếu ở các cửa sông như: Cửa Việt, cửa Ô Giang. Ngoài ao hồ tự nhiên ra phải kể đến ao hồ nhân tạo có được nhờ xây dựng thuỷ lợi, thuỷ điện. Tổng diện tích ao hồ trên 7000 ha, các hồ chính là: Hồ Thượng Hà (250 ha); Hồ Kinh Môn (300 ha) ở huyện Gio Linh; Hồ La Ngà (350 ha) ở Vĩnh Linh; Hồ Tân Đô (500 ha) ở huyện Hướng Hoá, và còn có 10 hồ chứa khác sẽ được quy hoạch diện tích từ 100 - 600 ha.


Đồi, núi, đảo:


Quảng Trị có dãy núi Trường Sơn, những dải đồi thấp cao khác nhau, ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam đã tạo ra Tây và Đông Trường Sơn, khí hậu 2 mùa rõ rệt.


Núi: Núi trung bình cao từ 1.400 m - 2000 m, có hình thái răng cưa, độ chia cắt 500 - 750 mét, độ dốc trên 20o. Các đỉnh núi cao nhất như; Núi Voi Mẹp (1.701 m) động Sá Mùi (1.613 m) ở Hướng Hoá.


- Núi trung bình thấp độ cao từ 750 - 1.400 m, chủ yếu là trầm tích có hình thái đường sống núi răng cưa thoải đến lượn sóng, độ chia cắt trung bình 250 - 500 m. Điển hình là núi Động Châu (1.257 m); Động Vàng Vàng (1.250 m) ở thung lũng sông Bến Hải (Vĩnh Linh) và sông Cam Lộ (huyện Cam Lộ).


- Núi thấp từ 250 - 750m, thành phần chủ yếu là đá trầm tích, lượn sóng thoải, độ chia cắt trung bình 250 - 500m, độ dốc từ 30o - 12o.


Đồi: Đồi cao từ 250m, chạy dài lượn sóng chủ yếu độ chia cắt 50 - 75m. Những dãy đồi do phun trào bazan Khe Sanh - Lao Bảo (Hướng Hoá) trên bình độ 300 - 400m.


Đồi trung bình 100 - 250m thành phần chủ yếu là đá trầm tích và phun trào bazan, có dạng úp bát, lượn sóng và chạy dọc theo các thung lũng sông: Bến Hải, Cam Lộ, Thạch Hãn, độ chia cắt trung bình 25 - 50m. Tại Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ có nhiều dãy đồi bazan đỉnh bằng, sườn thoải, đất đai màu mỡ thích hợp trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.


Đèo Lao Bảo: (Hướng Hoá) là nơi thấp nhất của dãy Trường Sơn (350m) nằm ở phía Đông của đỉnh núi Voi Mẹp. Đèo Lao Bảo cùng với thung lũng Cam Lộ đã tạo ra chế độ gió mùa Tây nam khô nóng rất đặc trưng cho khí hậu Quảng Trị.


Các đỉnh núi, điểm cao của dãy đồi ở rải rác hầu hết các huyện phía Bắc Quảng Trị vừa có ý nghĩa to lớn về kinh tế, vừa là vị trí quan trọng quốc phòng.


Đảo Cồn Cỏ: Cách bờ biển 25 km về phía Đông - Đông Bắc (Mũi Lay huyện Vĩnh Linh) ở vị trí 17o9'36' vĩ độ Bắc và 107o19'57' độ kinh đông. Đảo có diện tích khoảng 4 km2, độ cao tuyệt đối là 101 mét, độ dốc 15-20o, gồm 2 đồi và bãi đá, cát bằng phẳng. Nhiệt độ trung bình năm 25,3oC, lượng mưa trung bình năm 2.278mm. Đất trên đảo là đất nâu đỏ, nâu vàng trên bazan, thuận lợi cho sự phát triển, sinh trưởng của thảm thực vật rừng nhiệt đới ẩm. Hiện nay đảo chỉ còn phủ thảm rừng thứ sinh, dừa, chuối, rau xanh.


Đảo Cồn Cỏ là ngư trường đánh bắt hải sản thuận lợi với năng suất 200 kg tôm cá/ha. Cồn Cỏ còn là nơi chắn gió bão, là trạm trung chuyển cung cấp nước ngọt cho ngư dân, tàu thuyền qua lại. Tương lai đây sẽ là trạm trung chuyển khi khai thác dầu khí thềm lục địa ở khu vực miền Trung.


Khí hậu


Quảng Trị nằm ở phía nam của Bắc Trung Bộ, trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, là vùng chuyển tiếp giữa 2 miền khí hậu. Miền khí hậu phía bắc có mùa đông lạnh và phía nam nóng ẩm quanh năm. ở vùng này khí hậu khắc nghiệt, chịu hậu quả nặng nề của gió tây nam khô nóng, bão, mưa lớn, khí hậu biến động mạnh, thời tiết diễn biến thất thường, vì vậy trong sản xuất và đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn.


Do nằm trọn vẹn trong nội chí tuyến bắc bán cầu, hàng năm có 2 lần mặt trời đi qua đỉnh (tháng 5 và tháng 8), nền bức xạ cao. (Cực đại vào tháng 5, cực tiểu vào tháng 12). Tổng lượng cán cân bức xạ cả năm ở Quảng Trị dao động trong khoảng 70 - 80 Kcalo/cm2 năm, những tháng mùa hè gấp 2 - 3 lần những tháng mùa đông.


Tổng số giờ nắng trung bình năm ở Quảng Trị dao động từ 1700 - 1800 giờ. Số giờ nắng lớn nhất vào tháng 7 (240 - 250 giờ).


Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 20 - 25oC, tháng 7 cao nhất còn tháng 1 thấp nhất. ở đồng bằng nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là tháng 7 (29oC), tháng lạnh nhất là tháng 1 (18,5 - 19,5oC). Còn ở vùng đồi núi nhiệt độ tháng cao nhất 25 - 26oC; tháng thấp nhất 15 - 17oC. Tổng tích nhiệt độ trung bình ở Quảng Trị khoảng 9.000oC ở đồng bằng và 7500 - 8000oC ở vùng đồi núi. ở đồng bằng mùa nắng nóng kéo dài 180 ngày (từ tháng 4 - 10) và mùa lạnh kéo dài 60 ngày (từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 2). ở miền núi mùa lạnh đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn gần 1 tháng. Nhiệt độ tối cao trong năm vào các tháng nóng, ở vùng đồng bằng trên 40oC và ở vùng núi thấp 34 - 35oC. Nhiệt độ thấp nhất trong năm có thể xuống tới 8 - 10oC ở vùng đồng bằng và 3 - 5oC ở vùng núi cao.


Lượng mưa: Mùa mưa diễn ra từ tháng 9 đến tháng 1, lượng mưa khoảng 75 - 85% tổng lượng mưa cả năm. Các tháng mưa kéo dài, lớn là tháng 9 - 11 (khoảng 600mm). Tháng ít mưa nhất là tháng 2 - tháng 7 (thấp nhất là 40mm/tháng). Tổng lượng mưa cả năm dao động khoảng 2000 - 2700 mm, số ngày mưa 130 - 180 ngày. Đặc biệt vùng Khe Sanh (huyện Hướng Hoá) mùa mưa diễn ra từ tháng 5 - 11 cực đại vào tháng 9, đây là vùng có lượng mưa thấp nhất (2000 mm/năm).


Độ ẩm: Độ ẩm tương đối trung bình tháng ẩm 85-90%, còn tháng khô 80%. Thị xã Đông Hà vào mùa hè bị khô hạn hơn cả, vùng Khe Sanh (Hướng Hoá) quanh năm ẩm.


Do chịu tác động mạnh của gió tây nam khô nóng nên lượng bốc hơi các tháng mùa hè gấp 2 - 3,5 lần so với lượng mưa, đây là nguyên nhân gây ra hạn hán.


Đặc trưng thời tiết đáng chú ý ở Quảng Trị


Gió tây nam khô nóng thường gọi là "gió Lào", hiện tượng thời tiết đặc biệt khô nóng thổi từ Lào qua, thường những ngày có gió Lào là ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35oC, độ ẩm tương đối thấp nhất dưới 50%. Mùa gió khô nóng vào tháng 3 - 9 và gay gắt nhất tháng 4, 5 đến tháng 8. Hàng năm có 40 - 60 ngày khô nóng.


Bão: Mùa bão ở Quảng Trị diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11, trong đó tháng 9 - 10 nhiều bão nhất. Theo số liệu thống kê trong 98 năm có 75 cơn bão đổ bộ vào khu vực Bình Trị Thiên, bình quân 0,8 cơn bão/năm ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Trị, có năm không có bão, nhưng lại có năm liên tiếp 2 - 3 cơn bão đổ bộ trực tiếp. ảnh hưởng tai hại nhất là bão gây ra gió xoáy giật kèm theo mưa to dài ngày (2 - 5 ngày) gây ra lụt lũ nghiêm trọng. Tỷ lệ mưa do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra chiếm tới 40 - 50% tổng lượng mưa trong các tháng 7 - 10. Lượng mưa do một cơn bão gây ra khoảng 300 - 400 mm, có khi 1000mm.


Nguồn: www.mpi.gov.vn

Không có nhận xét nào: