Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH



KÍNH CHÚC ĐẠI GIA ĐÌNH NGUYỄN TỘC
MỘT MÙA GIÁNG SINH 2013 VÀ MỘT NĂM MỚI 2014
TRÀN ĐẦY BÌNH AN VÀ THÁNH ĐỨC

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Hát Xẩm "Hiếu Tự Ca"

Ban Truyền Thông Giáo Phận Phát Diệm | 07:35 | 09/12/2013
    Tại đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 11 được tổ chức tại giáo phận Thái Bình ngày 27 - 28 tháng 11 năm 2013, đoàn giới trẻ giáo phận Phát Diệm đã đóng góp một tiết mục hát Xẩm. Những người con của quê hương nghệ nhân hát Xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu đã trình bày bài "Hiếu Tự Ca". Đây là bài hát được chuyển thể từ tác phẩm "Hiếu Tự Ca" của cha Phêrô Trần Lục (Cụ Sáu) nói về việc răn dạy đạo hiếu cho con người theo cái nhìn Kitô giáo. Dưới đây là video tiết mục nói trên.


    Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

    Đại Hội Gia Đình Sống Năm Đức Tin Cùng Mẹ La Vang Năm 2013

    Đăng lúc: Thứ năm - 15/08/2013 08:44 - Người đăng bài viết: ccshue

    Lúc 14 giờ 30 phút ngày 14-8-2013, tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang đã khai mạc Đại hội “Gia Đình Sống Năm Đức Tin Cùng Mẹ La Vang Năm 2013”.

    Tham dự buổi khai mạc, có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam; Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Huế; Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; Linh mục Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế, và một số Linh mục tham dự.

    Mở đầu buổi khai mạc, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri chào mừng sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, quý Đức Cha, quý Cha và toàn thể các gia đình đang hiện diện trong đại hội hôm nay, Đức Cha Giuse nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các gia đình trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội, với ước muốn các đôi vợ chồng sẽ xây dựng gia đình mình, trên đức tin sống động mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người và lan tỏa niềm tin ấy ra xung quanh bằng việc làm của mình.
     

    Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo Phận Đà Nẵng,
    Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc HĐGMVN.

    Nói chuyện với các gia đình, Đức TGM Leopoldo Girelli nhấn mạnh rằng:

    Chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương đức tin tuyệt vời của Tổ Phụ Apraham, chính nhờ Đức Tin mà Thiên Chúa đã ban tặng cho Apraham và Sara một người con, đó là Isaac, cho dù hai người đã lớn tuổi, vì thế, Cánh Cửa Đức Tin sẽ mở ra cho những cặp vợ chồng nào đặt tin tưởng hoàn toàn, phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời. Như vậy, Cánh Cửa Đức tin tiếp tục mở ra cho những người cha, những người mẹ biết thông truyền đức tin cho con cái mình. Do đó, là những Kitô hữu chúng ta hãy làm chứng cho đức tin của mình trong xã hội hôm nay, bằng cách sống yêu thương, sống tha thứ, phục vụ lẫn nhau, tôn trọng và sống đạo đức”.
     

    Đức TGM Leopoldo Girell, Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam.

    Đại hội quy tụ 120 đôi vợ chồng, là đại biểu chính thức đến từ 22/26 Giáo phận khác nhau của Việt Nam. Bên cạnh đó, có sự tham dự của 700 thành viên và thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách hành hương, là các đôi vợ chồng trẻ, các gia đình, những người đang tiến tới đời sống hôn nhân… về tham dự kỳ Hành hương thường niên Đức Mẹ La Vang lần này.

    Thư Mục Vụ Năm Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa (11.10.2012) đã nhấn mạnh rằng: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi truyền thống đức tin cho con cái, là trường dạy Giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức”.

    Bên cạnh đó, Thư Mục Vụ cũng ngỏ lời với các Linh mục: “Giáo dục đức tin là trách nhiệm gắn liền với thừa tác vụ Linh mục, đến nỗi các Linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý phúc âm mà các ngài đã nhận được từ Chúa”.

     

    Năm Đức Tin mời gọi các Kitô hữu nhìn lại gia đình mình trong ánh sáng đức tin, gia đình Kitô hữu cũng là một cánh cửa đức tin, nghĩa là một chứng từ sống động để giới thiệu Chúa, đưa người khác đến gần hơn với Đức Giêsu Kitô. Ai sẽ là người làm nhiệm vụ đó, chính là mỗi cặp vợ chồng, con cái của họ, những người thân thuộc.

    Với ước mong góp phần vào việc xây dựng và nuôi dưỡng ý thức cho các gia đình, giúp các gia đình thực sự trở nên những khí cụ sắc bén của Chúa và Giáo hội trong việc lưu giữ và làm chứng Đức tin, loan báo Chúa Kitô cho khắp muôn người, Đại hội đã cùng nhau tìm hiểu, trao đổi và cùng nhau suy tư qua ba đề tài chính, do các Linh mục phụ trách thuyết trình, hướng dẫn:

    - Đề tài 1: Gia đình Kitô: Cánh cửa cho đôi vợ chồng
    - Đề tài 2: Gia đình Kitô: Cánh cửa đức tin cho con cái
    - Đề tài 3: Gia đình Kitô: Cánh cửa đức tin cho xã hội

    Lúc 14 giờ 45, Cha Lu-y Nguyễn Anh Tuấn đã giúp cho mọi người hiểu về đề tài đầu tiên: Gia đình Kitô: Cánh cửa cho đôi vợ chồng.
     

    Linh mục Lu-y Nguyễn Anh Tuấn, Thư ký Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc HĐGMVN.

    Với đề tài này, Cha đã giúp cho các đôi vợ chồng một lần nữa, xác quyết lại rằng: chúng tôi sống đời hôn nhân trong niềm tin vào Thiên Chúa, giúp cho họ nhớ lại ngày hạnh phúc khi được cầm tay nhau đến nhà thờ và những ân huệ Chúa đã ban cho gia đình; Hôn nhân là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho con người trong cuộc sống trần gian, không chỉ đôi vợ chồng kết ước với nhau, mà còn kết ước với chính Thiên Chúa; mời gọi mỗi gia đình làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa, phản ánh tình yêu nơi Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Đề tài giúp cho mỗi đôi vợ chồng xây dựng quyết tâm trong đời sống hôn nhân bằng cách kết hiệp với Chúa qua việc: cầu nguyện, đọc Lời Chúa, ôn lại những kỷ niệm trong những ngày đầu sống đời hôn nhân, những biến cố lớn trong cuộc đời của hai người, cùng nhau lắng nghe và luôn luôn hiểu nhau một cách tích cực…

     

    Sau đó, mọi lắng nghe một chứng từ về gia đình của một  tham dự viên. Anh kể lại rằng: Tám năm đầu đời hôn nhân là một khoảng thời gian bình thản, lặng lẽ trôi không sóng gió; từ đó trở đi, là những mâu thuẫn, những khó khăn bắt đầu xuất hiện trong gia đình của anh. Mỗi lần vợ chồng gặp trục trặc, cản trở, những cãi vả, anh đều lặng im không lên tiếng, anh chỉ biết im lặng và im lặng. Sau nhiều lần như vậy, vợ của anh mới lên tiếng hỏi: Tại sao anh lại im lặng mỗi lần như thế? Anh im lặng là để cầu nguyện với Chúa, cầu nguyện cho gia đình mình được êm ấm, bình an, vợ chồng hiểu nhau và yêu thương nhau hơn, anh trả lời. Và nhờ đó gia đình anh được êm ấm và hạnh phúc nhờ vào việc cầu nguyện, kết hiệp cùng Chúa.

    Lúc 15 giờ 30, đề tài thứ hai: Gia đình Kitô: Cánh cửa đức tin cho con cái do Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ trình bày, giúp cho mọi người hướng về gia đình Nadarét, một gia đình thánh thiện kiểu mẫu của mọi gia đình, đã được Thiên Chúa chọn làm gia đình cho Con mình; đề tài cũng nhấn mạnh đến việc cha mẹ là sứ giả đầu tiên của đức tin cho con cái, đưa con cái đến niềm tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa; đồng thời, đặt ra câu hỏi cho những người làm cha mẹ phải thông truyền đức tin cho con cái như thế nào, bằng cách nào? Với những đề nghị cụ thể như: sử dụng các dấu chỉ biểu lộ lòng tin (bàn thờ, ảnh tượng, dấu thánh giá…), dạy giáo lý giúp hiểu biết về các mầu nhiệm trong đạo, giúp hiểu biết về tình yêu Thiên Chúa, nêu gương sáng yêu thương và phục vụ.
     

    Linh mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ.

    Và đề tài cuối cùng do Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến trình bày: Gia đình Kitô: Cánh cửa đức tin cho xã hội. Đề tài nói rõ tầm quan trọng của gia đình: gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, những giá trị mang tính vĩnh cửu được hình thành từ mái ấm gia đình: tình yêu, sự chung thủy, lòng hiếu thảo, tính gia tộc…và gia đình là con đường của Giáo hội (Đức Gioan Phaolô II); bên cạnh đó, đề tài cũng đề cập đến vấn đề khủng hoảng luân lý đạo đức xã hội xuất phát từ khủng hoảng Đức Tin: hơn bao giờ hết, Giáo Hội ý thức rằng, sống trong một thế giới ngày càng tiến bộ và đang đạt tới những khả năng mới mẻ, cần phải kỹ càng hướng dẫn và đào tạo người Kitô hữu sâu xa hơn về mặt đức tin, để có thể gánh vác những trách nhiệm mới, cũng như để tránh những nguy cơ mới trong xã hội mới.
     

    Linh mục Antôn Nguyễn Văn Tuyến.

    Với những chia sẻ, gợi ý, trao đổi qua 3 đề tài nói trên, ước gì mỗi tham dự viên nói riêng, và các gia đình Công giáo Việt Nam nói chung, sẽ khát khao xây dựng mái ấm gia đình của mình trên nền tảng Đức Tin đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa và mau mắn lên đường đem niềm vui Đức Tin đó ra đi làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô bằng đới sống chứng tá trong gia đình và xã hội hôm nay.

    Nhờ Mẹ và cùng với Mẹ, xin Mẹ La Vang hằng gìn giữ và chúc lành cho mỗi gia đình Việt Nam, xin Mẹ dạy cho mỗi cặp vợ chồng, biết xây dựng gia đình của mình trên khuôn mẫu gia đình Thánh Gia Thất xưa của Mẹ.

    Ban Truyền Thông TGP Huế

    Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

    Tình yêu hay phá thai, điều nào cần nói hơn?


    Vũ Văn An8/11/2013

    Trong đại hội quốc tế hàng năm của Các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, họp tại San Antonio, Texas, từ ngày 4 tới ngày 8 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston đã được mời đọc bài diễn văn chính với chủ đề Tân Phúc Âm Hoá Dưới Triều Giáo Hoàng Phanxicô

    Ngài ca ngợi hội Hiệp Sĩ Kha Luân Bố trong các cố gắng “truyền bá đức tin, cổ vũ Tin Mừng Sự Sống và xây dựng nền văn minh tình yêu” và nhắc lại kinh nghiệm Rio de Janeiro với “vị Giáo Hoàng đầu tiên phát xuất từ Mỹ Châu, mà tinh thần cảm thông và yêu thương đang đánh động lòng người khắp thế giới”. 

    Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng theo chân hai vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô đang thách thức ta dấn thân vào cuộc Tân Phúc Âm Hóa với một lòng hăng say mới, một bạo dạn mới và một tình yêu vĩ đại đối với tất cả những ai Thiên Chúa đặt vào nẻo đường ta đi”. 

    Với một mở đầu như trên, không lạ gì các ký giả đã cho chạy những hàng tít lớn về bài diễn văn trên như sau: “Boston’s O’Malley: Pope prefers to talk love, not abortion” (O’Malley của Boston: Đức Giáo Hoàng Thích Nói Về Tình Yêu, Chứ Không Nói Về Phá Thai) hay “Cardinal: Pope talks about love more than abortion” (Đức Hồng Y: Đức Giáo Hoàng Nói Về Tình Yêu Hơn Là Nói Về Phá Thai). 

    Những hàng tít trên quả gây hiểu lầm không những đối với những gì Đức HY O’Malley nói mà còn vì bức thư do Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi tới Hội nhân danh Đức Phanxicô. Bức thư được đọc to ngay ở phiên họp toàn thể đầu tiên của đại hội này có đoạn viết như sau:

    “Ý thức được trách nhiệm chuyên biệt mà tín hữu giáo dân vốn có đối với sứ vụ của Giáo Hội, Đức Thánh Cha mời gọi từng Hiệp Sĩ, và mọi Hội Đồng, làm chứng nhân cho bản chất chân chính của hôn nhân và gia đình, sự thánh thiêng và phẩm giá bất khả xâm phạm của sự sống con người, và vẻ đẹp cũng như sự thật của tính dục nhân bản. Trong thời buổi có nhiều thay đổi nhanh chóng về xã hội và văn hóa, việc bảo vệ các ân huệ của Thiên Chúa không thể không bao gồm việc xác quyết và bảo vệ gia tài vĩ đại các sự thật luân lý, được Tin Mừng giảng dậy và được lý trí chính trực xác nhận; các sự thật này có mục đích làm nền tảng cho một xã hội công lý và có trật tự cao”. 

    Vị giáo hoàng nói điều trên không phải là người rụt rè đối với các vấn đề xã hội hiện đang gây ra nhiều tranh cãi và mâu thuẫn. 

    Phần đức HY O’Malley, ngài cho thấy “lối sống Công Giáo... càng ngày càng ra xa lạ đối với thế giới duy tục, nơi, các quan tâm của ta đối với các trẻ chưa sinh hay tính thánh thiêng của hôn nhân khiến ta ra kỳ quái và thậm chí quấy nhiễu nữa”.

    Lối sống ấy vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đức Phanxicô nhưng hiện đang được ngài trình bày dưới một phương thức khác, đầy tính “cảm nghiệm, bản vị, mời gọi và đem lại sự sống”. Đức Hồng Y O’Malley cho rằng nhấn mạnh của đức tân giáo hoàng là sự dịu dàng âu yếm,tenerezza, tenderness, điển hình tìm thấy nơi Thánh Giuse, đấng thánh mà ngài lấy ngày lễ làm ngày đăng quang. Ngày đó, Đức Phanxicô nói đến việc “bảo vệ con người, tỏ lòng quan tâm đầy yêu thương đối với mỗi người và đối với mọi người, nhất là trẻ em, người già, những người thiếu thốn, những người ta thường ít nghĩ đến nhất”. Ngài “kêu gọi ta tiếp nhận lối nhìn thực tại vốn là đức tin của Giáo Hội và vốn trân quí từng mỗi và mọi con người nhân bản, và nhấn mạnh tới trách nhiệm của ta phải yêu thương và phục vụ người khác, nhất là những người dễ bị thương tổn nhất trong chúng ta”. 

    Những người dễ bị thương tổn ấy luôn được Đức Phanxicô nhắc đến khi đề cập tới yêu thương. Nhưng yêu thương có gì liên hệ tới phá thai? Đức HY O’Malley nói về khía cạnh này như sau:

    “Một số người hiện nay nghĩ rằng Đức Thánh Cha nên nói nhiều hơn về phá thai. Theo suy nghĩ của tôi, ngài nói tới yêu thương và nhân từ là để đem lại cho người ta một ngữ cảnh để hiểu giáo huấn của Giáo Hội về phá thai. Chúng ta chống phá thai, không phải vì nhỏ mọn hay lỗi thời, mà vì chúng ta là những con người yêu thương. Và đó là điều ta phải chỉ cho thế giới thấy. Gần đây, tôi có đọc một bài về một nhân viên cứu trợ người Mỹ tại Phi Châu; người này thuật lại việc anh có mặt tại một trại di cư để phân phối thực phẩm cho một hàng người đứng chờ, khung cảnh khá hỗn độn, thậm chí đáng sợ nữa. Anh thấy thực phẩm đã gần hết và những người đói khổ thì hết sức khốn cùng. Ở cuối hàng, người cuối cùng là một bé gái 9 tuổi. Và còn lại chỉ là một trái chuối đơn độc. Họ trao cho em. Em bèn bóc vỏ và trao cho hai đứa em, một trai một gái, mỗi đứa một nửa. Còn em thì liếm chiếc vỏ. Nhân viên này cho hay chính lúc ấy anh bắt đầu tin có Thiên Chúa thật”. 

    Đức HY O’Malley nhấn mạnh “ta phải là những người tốt hơn; ta phải yêu thương mọi người, cả những người cổ vũ phá thai. Chỉ khi nào chịu yêu họ ta mới có khả năng giúp họ khám phá ra tính thánh thiêng của sự sống nơi trẻ chưa sinh. Chỉ có tình yêu và lòng thương xót mới mở được những trái tim đã ra chai cứng vì chủ nghĩa cá nhân của thời đại”. 

    Như thế, điều được Đạo Công Giáo ngày nay đề xuất là lối sống hoàn toàn triệt để, lối sống yêu thương. Chống phá thai là một mảnh của lối sống này, vì qua đó, ta tôn qúi và bảo vệ hồng ân sự sống nhân bản. 

    Sứ điệp hiện nay của Đức Phanxicô là thế và ngài muốn mọi người lưu ý đến sứ điệp này. Ngài giúp ta nhìn thấy phẩm giá của ta và phẩm giá của mỗi anh chị em ta, của mọi con người nhân bản. Ngài không hề muốn tránh né việc nói tới phá thai. Ngài chỉ muốn ta thấy trọn bức tranh, và thúc đẩy người Công Giáo sống trọn bức tranh ấy, yêu nó và lôi cuốn người khác tới nó. 

    Bức thư nhân danh ngài gửi cho các Hiệp Sĩ không hề là dịp đầu tiên để Đức Phanxicô đề cập đến vấn đề phá thai. Khi dân chúng Rôma diễn hành bảo vệ sự sống vào tháng Năm, ngài đã đột nhiên dừng xe lại để chào thăm người diễn hành, khuyến khích “mọi người tập chú vào vấn đề quan trọng là tôn trọng sự sống con người, ngay từ lúc mới tượng thai”. 

    Rồi hồi tháng Sáu, trong bài giảng lễ kết thúc một biến cố lớn tại Vatican được Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Động Tân Phúc Âm Hóa yểm trợ để kỷ niệm Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống (Evangelium Vitae) của Đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô quả quyết: 

    “Anh chị em thân mến, ta hãy nhìn lên Thiên Chúa, Thiên Chúa của Sự Sống, hãy nhìn lên lề luật của Người, lên sứ điệp Tin Mừng của Người làm đường dẫn tới tự do và sự sống. Thiên Chúa hằng sống giải phóng ta! Ta hãy nói “vâng” với tình yêu chứ đừng nói thế với sự chết. Ta hãy nói “vâng” với tự do, đừng nói thế với ách nô lệ cho đủ thứ ngẫu thần của thời đại. Tóm lại, hãy nói “vâng” với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là sự sống và là tự do, và là Đấng không bao giờ làm ta thất vọng (Xem 1Ga 5:8; Ga 11:2; 8:32); hãy nói “vâng” với Thiên Chúa, Đấng là Đấng Hằng Sống và là Đấng Từ Bi Hay Thương Xót. Chỉ duy đức tin vào Thiên Chúa Hằng Sống mới cứu thoát ta: vào Thiên Chúa, Đấng, trong Chúa Giêsu Kitô, từng ban cho ta chính sự sống của Người qua ơn Chúa Thánh Thần và đã làm ta có khả năng sống như con cái Thiên Chúa nhờ lòng từ bi của Người. Đức tin này đem tới cho ta tự do và hạnh phúc.Ta hãy xin Đức Maria, Mẹ Sự Sống, giúp ta tiếp nhận được và làm chứng cho ‘Tin Mừng Sự Sống’. Amen”. 

    Hôm đó, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, nhắc tới Odardo Focherini, người đã chết trong một trại tập trung của Đức Quốc Xã, ngài nói “Ta hãy chạy tới với Đức Mẹ, phó thác mọi sự sống nhân bản, nhất là các người mỏng dòn nhất, vô vọng nhất và bị đe dọa hơn cả cho sự che chở mẫu thân của ngài”. 

    Qua tháng Bẩy, Ngài gửi cho tín hữu Anh một sứ điệp, nhân Ngày Phò Sự Sống, với nội dung như sau: “Nhân nhắc tới giáo huấn của Thánh Irênê, một giáo huấn dạy rằng vinh quang Thiên Chúa phản ảnh rõ nơi con người nhân bản đang sống, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người anh chị em hãy để ánh sáng vinh quang đó chiếu rọi rực rỡ giúp cho ai nấy đều có thể nhận ra giá trị khôn sánh của sự sống con người. Ngay những người yếu đuối nhất và dễ bị thương tổn nhất, người bệnh, người già, trẻ chưa sinh và người nghèo, đều là tuyệt tác của Thiên Chúa sáng tạo, được dựng nên theo hình ảnh Người, để sống muôn đời, và đáng được tôn kính và tôn trọng triệt để. Đức Thánh Cha cầu xin cho Ngày Phò Sự Sống giúp đảm bảo rằng sự sống con người luôn nhận được sự che chở xứng đáng, để ‘mọi hơi thở đều ca ngợi Chúa’”.

    Đức HY O’Malley cũng mượn nhiều dịp để nói tới việc bảo vệ sự sống. Trong Thánh Lễ vọng Ngày Diễn Hành Phò Sự Sống, ngài nói: “Ta không bao giờ được bỏ cam kết đối với trẻ chưa sinh, một con người nhân bản quí giá được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Nhưng ta phải học biết tập chú nhiều hơn vào người đàn bà đang lâm khủng hoảng. Ta phải lắng nghe một cách tương cảm để có thể thông truyền Tin Mừng Sự Sống. Phải nâng lên hàng quan trọng cao các trung tâm thai nghén trong khủng hoảng, Dự Án Rachel, và các chiến dịch quảng cáo mạnh dạn để truyền đạt cái hiểu lớn hơn về hoàn cảnh những người đàn bà đang đương đầu với việc thai nghén mà chính họ không muốn. Có thể dùng các phương tiện truyền thông làm phương thế mạnh mẽ để truyền đạt sứ điệp phò sự sống”.

    Ta không bao giờ quên sự kiện này là phải vận động để thay đổi luật lệ, phải lật ngược phán quyết Roe vs. Wade, nhưng phải vận dụng hơn nữa để thay đổi tâm hồn con người, giúp người Hoa Kỳ hiểu rằng phá thai là một tội ác và không cần thiết. Sự thay đổi này luôn luôn khó khăn. Tổng thống Lincoln hết sức tranh đấu chống nạn nô lệ, nhưng nạn này kéo dài cả một thế kỷ sau... Cuộc chiến của ta cần kiên nhẫn đã đành, mà còn cần được diễn tiến trong “lịch thiệp, tương cảm và rõ ràng”, thẩy đều là thành phần của nền văn minh tình yêu, một chủ đề hết sức “ruột” của các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, với cuốn A Civilization of Love: What Every Catholic Can Do to Transform the World của Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson, xuất bản năm 2008. Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney, trả lời cuộc phỏng vấn của Kathryn Lopez, giám đốc Catholic Voices, Anderson cho hay: văn minh tình yêu là một xã hội trong đó, tình yêu làm động lực cho mọi hành động, trong đó, dĩ nhiên, có hành động chống phá thai.

    Tình yêu không đứng nhìn đứa con vấp ngã, trái lại, đỡ con lên để con tiếp tục tập đi, trong hân hoan và tiến bộ. Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin nhấn mạnh đến khía cạnh đó của tình yêu. Nó không phải là một xúc cảm phù phiếm, nhưng đẩy ta ra ngoài chính ta để thiết lập mối liên hệ với người khác, cùng nhìn cái nhìn của họ, cùng có chung một cái nhìn. Con người bao giờ cũng mưu tìm điều tốt, không mưu tìm điều xấu cho mình và cho xã hội. Phá thai không tốt cho ai, nhưng chỉ với tình yêu, ta mới làm nạn nhân thấm điều ấy

    Vũ Văn An

    Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

    Chữ Hiếu ...

     
    “Tài ơi! đem Mạ đi Bác sĩ“

    Tôi nghe loáng thoáng trong điện thoại, khi tôi và người bạn đang nói chuyện với nhau.Tiếng một người đàn bà tuy lớn tuổi, nhưng phát âm nghe thật rõ ràng, nhất là cái âm điệu Miền Trung làm tôi nhớ quá.

    Tuy tôi biết nhạc mẫu của bạn tôi là một người Thái Lan, gốc Việt Nam như bạn tôi thường kể; Bà và gia đình từ miền Trung Việt Nam đã sang định cư ở Thái khi Bà còn nhỏ, vậy mà cho đến bây giờ Bà vẫn còn giữ lại tiếng Việt. Nếu như gặp và nói chuyện với Bà, không ai nghĩ Bà đã có một thời mang quốc tịch Thái Lan.

    Tôi biết đó là bà mẹ vợ bạn tôi, mấy tháng trước đây, anh ta vừa về VN đem qua.

    Có lẽ tuổi đã già, con cái ở Việt Nam không có điều kiện tốt để săn sóc cho Bà cụ, vấn đề ăn uống của người già không quan trọng bằng thuốc men, nên vợ chồng bạn tôi bàn nhau nên đem Bà cụ sang, nhất là nền y tế Hoa kỳ chắc chắn sẽ tốt hơn.

    Cũng như câu chuyện tình cờ tôi đọc báo Người Việt sáng hôm nay có tựa đề: “Chàng rể và Nhạc Mẫu trong Nursing Home“. Câu chuyện tuy đơn giản, nhưng thấm thía và cảm động, kể về một người con rể đến săn sóc, thăm viếng nhạc mẫu mỗi ngày trong Nursing Home.

    Và không biết quý ông bà khi đọc câu chuyện nầy, có mang chút tâm tâm trạng ray rứt, hối hận, làm sao tránh khỏi? Một đôi lần trong cuộc sống, đã vô tình làm buồn lòng những đấng đã mang vào đời cho mình một nửa mình tìm và đang có?

    Hai câu chuyện xảy ra, có một không gian riêng của từng câu chuyện, nhưng sao lại quá gần gũi. Thì ra ở bất cứ lúc nào và nơi đâu, người ta thường trân quý nhau ở tấm lòng trong cư xử. Tuy sự đối xử thật tốt của những chàng rể và những con dâu với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ cũng thật hiếm hoi trong đời thường, nhưng xưa nay những gì hiếm thường được người đời trân quý.

    Như bạn tôi hôm nay, đang thay vợ (bận đi làm), săn sóc cho nhạc mẫu, lo ăn, lo uống, lo thuốc men và ngay cả phải kiên nhẫn dỗ dành cho bà có một giấc ngủ.

    Nếu như bạn tôi không có một tấm lòng? Và nhất là đã thay cho điều muốn nói với người bạn đường: "Tất cả, vì yêu em".

    Hay: “Em đã thể hiện tình cảm hiếu đạo với ba, mẹ của anh, một phần lớn là vì yêu anh”.

    Không ai nỡ từ chối niềm hạnh phúc quá đong đầy, khi người khác mang đến cho Ba Mẹ mình.

    Dù hoàn cảnh trong cuộc sống, sang hèn, mỗi gia đình đều có sự khác nhau bên ngoài, nhưng chắc chắn họ giống nhau ở trái tim. Vẫn chưa muộn khi thể hiện sự hiếu đạo làm con, làm dâu hay rể. Và thật hạnh phúc cho các đấng sinh thành biết bao!

    Nguồn: An Nguyen Facebook
    Tác giả bài viết: Nguyễn An

    Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

    Tuyên bố của Đức Giám Mục Portsmouth về định nghĩa hôn nhân mới của Anh

    “Trong tôi vẫn còn hy vọng và cầu nguyện rằng nhờ ân sủng của Thiên Chúa và bằng tình yêu cao quý và chứng tá của chúng ta, chúng ta sẽ nhắc nhở xã hội đi vào con đường nhân bản đích thực”
    London (zenit.org) – Dưới đây là tuyên bố của Đức Giám mục Phillip Egan của Giáo phận Portsmouth, Anh quốc, liên quan đến việc công nhận hợp pháp hôn nhân đồng tính. Bản tuyên bố được đưa ra hôm thứ Hai, lễ kính Thánh Marta.
    ***
    Cách đây hai tuần, Hoàng gia đã phê chuẩn chấp thuận Đạo luật Hôn nhân (dành cho các cặp đồng tính) 2013 gây tranh cãi, trong nỗ lực tái định nghĩa định chế hôn nhân và nới rộng hôn nhân đối với các cặp đồng tính (cả đồng tính nam và nữ). Đức Tổng Giám Mục Nichols và Đức Tổng Giám Mục Smith đã bày tỏ những lo ngại, trong đó các hiền huynh Giám Mục đã đưa ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng mà nó mang lại (http://www.catholic-ew.org.uk).
    Việc thông qua dự luật này là hậu quả tất yếu của một quá trình gấp rút kể từ cuộc cách mạng tính dục trong những năm 1960. Cho đến thời điểm đó, nhận thức truyền thống (kể cả tự nhiên và Kitô giáo) về hôn nhân, quan hệ tính dục và đời sống gia đình vẫn chiếm ưu thế. Quan hệ tính dục vốn được xem là có vị thế độc quyền trong đời sống hôn nhân gia đình và có kết cuộc hay mục đích kép: sự diễn đạt của tình yêu và sinh sản con cái. Tuy nhiên, kể từ thập niên 1960, các biện pháp tránh thai nhân tạo được biết đến một cách rộng rãi, nó phân chia hai mục đích tối hậu này của quan hệ tính dục, chia rẽ sự hiệp nhất và ngăn chặn khía cạnh sinh sản. Loại bỏ bối cảnh tự nhiên trong tình yêu và dấn thân hôn nhân, kết đôi nhau chỉ để thỏa mãn mà không có trách nhiệm, giờ đây quan hệ tính dục có thể được trải nghiệm ngoài hôn nhân, và vì thế, lúc này nó mang lấy một ý nghĩa mới trong quan hệ con người. Điều này dẫn đến “tâm lý tránh thai” mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói một cách rất tiên tri trong Tông huấn Sự sống Con người năm 1968 về sự suy yếu của hôn nhân và giờ đây là tái định nghĩa nó. Đối với việc duyệt xét lại nhận thức về quan hệ tính dục và đời sống gia đình, các nhóm vận động hành lang đầy quyền lực đã làm cho các mối quan hệ đồng tính có thể được xã hội chấp nhận, và vì thế những nỗ lực của Chính phủ nhằm nới rộng hôn nhân cho các cặp đồng tính – và đồng thời, có thể đoán, đối với các loại kết hợp và chung sống khác – là một phát triển tất yếu.
    Đối với người Công giáo, như dân Do thái ở Ai cập, giờ chúng ta thấy mình như đang ở một vùng đất xa lạ, vốn nói bằng ngôn ngữ khác lạ với những phong tục không thân thiện. Với những gì chúng ta hiểu về hôn nhân, ngày nay quan hệ tính dục và đời sống gia đình không còn tồn tại trong thế giới mà chính phủ, mạng lưới y tế, các nhà xây dựng chính sách nhận thức về hôn nhân, giới tính và gia đình. Những nỗ lực của Quốc hội nhằm tái định nghĩa hôn nhân làm thay đổi bối cảnh xã hội và điều này làm nảy sinh hàng loạt những thách đố đối với Giáo hội tại Anh và xứ Wales trong hiện tại: đối với những người muốn được kết hôn trong nhà thờ, các bậc cha mẹ Công giáo nuôi dạy con cái, những giáo viên trong các trường Công giáo, và các giáo sĩ làm việc mục vụ. Nó cũng có thể là một bãi mìn pháp lý, mặc dù chúng ta sẽ phải đợi những tác động đầy đủ khi luật mới có hiệu lực. Chúng ta chắc chắn phải rà soát lại những giáo huấn, cách giáo dục và chương trình giảng dạy của các trường, để từ đó mọi người phải nhận ra rằng hệ thống ý nghĩa và giá trị của Công giáo chúng ta nổi bật khác xa với nền văn hóa thế tục hiện đang tưởng rằng là bình thường hay có thể chấp nhận được.
    Thật là quan trọng để nhắc lại rằng Giáo hội yêu thương những người đồng tính, ngay cả khi chúng ta kiên định đức tin Kitô giáo rằng quan hệ tính dục chỉ có tìm thấy ý nghĩa đích thực trong hôn nhân. Chẳng cần phải nói thì những hỗ trợ đặc biệt cũng cần được mang đến cho những người bị đồng tính lôi cuốn nhằm giúp họ tìm được sự tự do nội tâm, đời sống khiết tịnh và dần tiến đến sự hoàn thiện mà Đức Kitô trao ban (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2359). Hơn thế nữa, chúng ta cũng cần nhắc lại rằng, Đức Kitô đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi ăn năn thống hối (Mt 9, 13), Sống với lý tưởng khiết tịnh Kitô giáo luôn là một đòi buộc, ngay cả khi bối cảnh văn hóa ủng hộ các giá trị Kitô giáo và theo đuổi sự thánh thiện. Các Kitô hữu dấn thân theo lối sống tự nhiên, nhưng do tội nguyên tổ mà lối sống tự nhiên luôn cần có những phương thế siêu nhiên Đức Kitô ban tặng, nếu chúng ta biết đón nhận nó. Tuy vậy, mặc cho những đòi buộc, con đường của Đức Kitô thực sự là con đường dẫn đến hạnh phúc. Là những người môn đệ của Chúa, chúng ta phải sống chứng tá cho điều này. Các vị mục tử luôn sẵn sàng và sẵn lòng, nhân danh Chúa Kitô, trao tặng lòng thương xót, sự tha thứ và giúp đỡ những người đang đấu tranh và phấn đấu sống xứng đáng với lý tưởng mà Đức Kitô mời gọi chúng ta. Sau hết, chúng là những lý tưởng đã được khắc sâu trong tâm hồn con người, vốn sẽ tìm thấy được sự viên mãn đời đời và hoa trái đích thật trên Thiên Đàng.
    Là người Công giáo, chúng ta hãy luôn thức tỉnh, tiếp tục đồng cảm để cảnh tỉnh xã hội đang bước vào ngã rẽ sai lầm. Mặc dù ngã rẽ sai lầm của Luật Hôn nhân (dành cho những cặp đồng tính) 2013, trong tôi vẫn còn hy vọng và cầu nguyện rằng nhờ ân sủng của Thiên Chúa và bằng tình yêu cao quý và chứng tá của chúng ta, chúng ta sẽ nhắc nhở xã hội đi vào con đường nhân bản đích thực, và vì thế, giúp mọi người nghe được lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn họ để hướng đến hạnh phúc đích thực.
    Trong Thánh Tâm của Chúa Giêsu,
    +Phillip
    Giám Mục Portsmouth
    Vũ Văn Kích chuyển ngữ

    Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

    Đêm Canh Thức WYD Rio De Janeiro 2013



    Đã xuất bản vào 28-07-2013
    Đêm Canh Thức WYD Rio De Janeiro 2013
    *

    Giáo huấn của ĐTC Phanxicô dành cho các bạn trẻ:

    Các bạn trẻ thân mến,

    Chúng ta vừa nhắc lại câu chuyện của Thánh Phanxicô thành Assisi. Trước cây thánh giá, ngài nghe tiếng Chúa Giêsu gọi: "Phan xi cô, con hãy đi xây dựng lại ngôi nhà của ta". Anh bạn trẻ Phan xi cô lúc ấy đã mau mắn và hào phóng đáp lại tiếng gọi của Chúa để xây dựng lại ngôi nhà của Người. Nhưng mà ngôi nhà nào? Chậm nhưng chắc chắn, Phan xi cô đã nhận ra rằng đó không phải là chuyện sửa chữa một ngôi nhà bằng đá, mà là việc phải đóng góp phần mình vào đời sống của Giáo Hội. Đó là tham gia vào việc phục vụ Giáo Hội, yêu mến Giáo Hội và làm sao để dung nhan của Chúa Kitô tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết trong Giáo Hội.

    Cả hôm nay, hỡi các bạn trẻ, Chúa cũng cần đến các con cho Giáo Hội của Người. Ngày nay cũng vậy, Người đang kêu gọi mỗi người trong các con hãy theo Ngài trong Giáo Hội của Người và trở thành những nhà truyền giáo. Bằng cách nào? Theo nghĩa nào? Bắt đầu với tên của địa điểm mà chúng ta đang có mặt, Campus Fidei, cánh đồng của đức tin, Cha đã nghĩ về ba hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn “môn đệ” và “nhà truyền giáo” có nghiã là gì. Trước hết, cánh đồng là nơi để gieo hạt giống, thứ hai, cánh đồng là một thao trường, và thứ ba, cánh đồng là một công trường xây dựng.

    1. Cánh đồng là nơi để gieo hạt giống. Chúng ta đều biết dụ ngôn Chúa Giêsu nói về một người gieo giống ngoài cánh đồng Có những hạt giống rơi trên đường đi, một số rơi trên đá sỏi, một số rơi vào bụi gai, và không thể mọc được. Những hạt giống khác rơi vào đất tốt và trổ sinh nhiều hoa trái (x. Mt13 :1-9). Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ ngôn như sau: hạt giống là Lời Chúa gieo vào lòng ta (x. Mt13 :18-23). Các con thân mến, như thế, cánh đồng đức tin thực sự chính là trái tim của các con, là cuộc đời các con. Chúa Giêsu muốn bước vào đời các con với Lời Ngài, với sự hiện diện của Ngài. Xin hay để cho Chúa Kitô bước vào đời các con để lời Ngài đi vào cuộc sống các con, thăng hoa và triển nở. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng các hạt giống rơi trên đường đi, trên sỏi đá hoặc bụi gai sẽ không trổ sinh hoa trái. Câu hỏi đặt ra là chúng ta là loại mặt đất nào? Chúng ta muốn là loại điạ thế nào? Có lẽ đôi khi chúng ta giống như đường đi: chúng ta nghe lời Chúa nhưng lời Ngài chẳng thay đổi được bao nhiêu trong đời sống ta bởi vì chúng ta cứ để chính mình bị tê liệt bởi những tiếng nói hời hợt giành lấy sự chú ý của ta, hoặc chúng ta giống như mặt đá sỏi: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu với nhiệt tình, nhưng rồi chúng ta lại ngập ngừng, và khi đối mặt với gian truân, chúng ta không có can đảm để lội ngược dòng, hoặc chúng ta giống như mặt đất gai góc: thái độ bi quan, những cảm xúc tiêu cực đã bóp nghẹt lời Chúa trong ta (x. Mt 13:18-22) . 

    Nhưng hôm nay cha chắc chắn rằng hạt giống đang rơi xuống mảnh đất tốt, và cha tin các con muốn là loại đất tốt, không phải loại Kitô hữu nửa mùa, "nhạt nhách" và hời hợt, mà là Kitô hữu thật sự. Cha chắc chắn rằng các con không muốn bị lừa bởi một thứ tự do giả tạo, luôn thần phục và đáp lại lời mời gọi của thời trang và những ý thích bồng bột nhất thời. Cha biết rằng các con đang đặt kỳ vọng vào những quyết định lâu bền có thể làm cho đời các con có ý nghĩa. Chúa Giêsu có khả năng giúp các con làm điều này: Ngài là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). Chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Chúng ta hãy đặt Ngài làm người dẫn đường cho chúng ta!

    2. Cánh đồng là một thao trường. Chúa Giêsu đòi chúng ta đi theo Ngài suốt đời mình, Ngài đòi hỏi chúng ta là môn đệ của Ngài, để "chơi trong đội ngũ của Ngài ". Cha nghĩ rằng hầu hết các con đều yêu thích thể thao! Ở Brazil này, cũng như ở các nước khác, túc cầu là một niềm đam mê của cả nước. Thế thì, các cầu thủ sẽ làm gì khi họ được yêu cầu tham gia vào đội bóng? Họ phải tập luyện và tập luyện rất nhiều! Đời sống của chúng ta trong tư cách là những môn đệ của Chúa cũng phải như thế. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta: "các vận động viên tự mình từ bỏ đủ thứ; họ làm điều này để giành lấy một vương miện bằng lá chóng tàn, nhưng chúng ta được một vương miện bất diệt" (1 Cor 9:25). 

    Chúa Giêsu ban cho chúng ta một cái gì đó còn lớn lao hơn World Cup! Ngài cho chúng ta khả năng có được một cuộc sống tràn đầy và sinh nhiều hoa trái, Ngài cũng cho chúng ta một tương lai bên Ngài, một tương lai bất tận, là cuộc sống đời đời. Nhưng Ngài yêu cầu chúng ta phải tập luyện"để lấy lại vóc dáng", để chúng ta có thể đối mặt với mọi tình huống trong cuộc sống mà không hề thối chí, nhưng hiên ngang làm nhân chứng cho đức tin của mình. Làm thế nào để chúng ta lấy lại vóc dáng? Thưa là bằng cách trò chuyện với Ngài: bằng lời cầu nguyện là đối thoại hàng ngày của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng luôn luôn lắng nghe chúng ta. Bằng các phép bí tích, là cách làm cho Ngài phát triển trong chúng ta và uốn nắn chúng ta cho phù hợp với Chúa Kitô. Bằng cách yêu thương nhau, học cách lắng nghe, để hiểu, để tha thứ, để chấp nhận và giúp đỡ người khác, tất cả mọi người, không một ai bị loại trừ hoặc tẩy chay. 

    Các bạn trẻ thân mến, hãy là những "vận động viên thật sự của Chúa Kitô" 

    3. Cánh đồng là một công trường xây dựng. Khi trái tim chúng ta là mảnh đất tốt để lãnh nhận Lời Chúa, khi "chúng ta đổ mồ hôi", cố gắng sống đời Kitô hữu, chúng ta trải nghiệm một cái gì đó thật to lớn: chúng ta không bao giờ cô độc, chúng ta là một phần của một gia đình có anh có chị có em, tất cả cùng đồng hành trên cùng một con đường: chúng ta là một phần của Giáo Hội; Quả thực, chúng ta đang xây dựng Giáo Hội và chúng ta đang làm nên lịch sử. Thánh Phêrô đã nói với chúng ta rằng chúng ta là những viên đá sống động, tạo thành một công trình thiêng liêng (x. 1 Pr 2:5). 

    Khi nhìn lên sân khấu này, chúng ta thấy nó mang hình dạng của một đền thờ, được xây dựng bằng đá và gạch. Trong Đền thờ của Chúa Giêsu, chính chúng ta là những viên đá sống động. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta xây dựng Đền thờ của Ngài, nhưng không chỉ là một ngôi nhà nguyện nhỏ nhoi nơi chỉ có một nhúm người. Ngài đòi hỏi chúng ta làm cho Giáo Hội sống động của Ngài trở thành to lớn đến độ nó có thể chứa đựng tất cả nhân loại, nơi có thể thành một ngôi nhà cho tất cả mọi người! Ngài đã nói với cha, và với các con: "Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành các môn đệ ". Đêm nay, chúng ta hãy trả lời Ngài: Vâng, con cũng muốn trở thành một hòn đá sống chúng ta hãy cùng nhau xây dựng Giáo Hội của Chúa Giêsu! Tất cả chúng ta hãy cùng nói với nhau: tôi muốn ra đi và xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô!

    Trong trái tim trẻ tuổi của các con có khát vọng muốn xây dựng một thế giới tốt hơn. Cha đã theo dõi chặt chẽ những tin tức của những bạn trẻ từ khắp thế giới đã xuống đường nhằm bày tỏ ước muốn của họ cho một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Nhưng câu hỏi vẫn còn tồn đọng: chúng ta bắt đầu từ nơi nào? Các tiêu chí để xây dựng một xã hội công bằng hơn là những gì? Mẹ Têrêsa thành Calcutta trước đây đã từng bị đặt câu hỏi là Giáo Hội cần thay đổi những gì. Câu trả lời của Mẹ là: bạn và tôi!

    Các con thân mến, đừng bao giờ quên rằng các con cũng là cánh đồng của đức tin! Các con là vận động viên của Chúa Kitô! Các con được mời gọi để xây dựng một Giáo Hội mỹ miều hơn và một thế giới tốt hơn. Chúng ta hãy ngước lên Đức Mẹ. Mẹ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu, Mẹ cho chúng ta mẫu gương qua lời "xin vâng" với Thiên Chúa: "Vâng tôi là tôi tớ Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói" (Lc 1:38). Tất cả chúng ta hay cùng nhau hợp ý với Mẹ Maria thưa với Thiên Chúa: Xin thực hiện cho con như lời Ngài nói. Amen!

    Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

    Ca vè Cụ Sáu : Hiếu Tự Ca

    CA VÈ CỤ SÁU: HIẾU TỰ CA (Trích đoạn)

    1 Mấy lời hiếu tự nói qua 
    Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.
    Làm người sống ở thế gian,
    Ai không đội đức cao san (sơn) nặng dày.
    5 Nói sao cho hết cho rồi;
    Biết bao khí huyết tài bồi cho ta:
    Phần hồn thì Chúa sinh ra,
    Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành.
    Phụ tinh mẫu huyết đúc hình
    10 Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người.
    Nói mà rơi hai hàng giọt lệ,
    Lấy lưỡi nào mà kể cho xong.
    Nặng nề chín tháng cưu mang,
    Mặt thì tái mét võ vàng xanh xao.
    15 Nằm trong như cắt như bào,
    Bởi chưng khí huyết đúc vào thân ta.
    Thể hình ngày tháng nhẩn nha
    Đúc dần từng thí cho ta thân này.
    Tha hồ nặng nhọc đắng cay,
    20 Trèo non vượt bể sao hay sánh bì.
    Kiêng ăn kiêng ngủ e dè,
    Mười ngày chín tháng những e sợ hoài.
    Giàu ra cơm thuốc dưỡng thai,
    Của ngon cơm trắng cá tươi bù chì.
    25 Gian nguy bớt sợ gian nguy,
    Bớt phần lo sợ những khi hiểm nghèo.
    Khốn thay những cha mẹ nghèo
    Kể sao cho xiết lắm chiều đắng cay!
    Nhiều khi nhịn đói thâu ngày,
    30 Cơm đà không có chân tay rã rời.
    Phải chăng mẹ đói mà thôi,
    Âu là dễ chịu lần hồi cũng xong.
    Khốn thay con đói trong lòng
    Rộn ràng giãy đạp bên hông rộn ràng.
    35 Mỏi mê rũ liệt bàng hoàng
    Nặng nề khó nhọc mẹ mang nặng nề.
    Rét như cắt đi làm thuê,
    Lấy ai than lửa thuốc the đỡ đần.
    Đau con lòng mẹ như dần,
    40 Kiêng khem nào biết đến thân là gì.
    Trong lòng bào háo đôi khi,
    Thèm thuồng một chút của gì muốn ăn.
    Trăm tội tại sự khó khăn,
    Đến điều ăn ổi ăn chanh đỡ thèm.
    45 Mang con trong bụng không yên,
    Bệnh sinh mẹ chịu lắm phen hiểm nghèo.
    Nặng nề gánh vác leo trèo,
    Kiêng thì mình đói hiểm nghèo đến con.
    Xanh xao xương nát thịt mòn
    50 Rồi ra chín tháng chỉ còn xác ve.
    Mười ngày vong vóng trông nghe,
    Những lo những sợ những e nỗi mình.
    Tiêu hao khí huyết đã đành
    Đến điều sống chết liều mình đắng cay.
    55 Đủ kỳ hoa nở trốc tay,
    Mẹ nhìn thấy mặt con đây mới mừng.
    Lòng thương cân mấy cho bằng,
    Giữ dè như trứng như vàng trốc tay.
    Thương sao thương đã như say
    60 Biết bao khó nhọc đắng cay tưởng gì.
    Ướt mẹ dịch, ráo mẹ xê,
    Mập mờ không nhắp đêm khuya canh tàn.
    Nghe con khóc mẹ bàng hoàng,
    Khi con ngủ, mẹ mới yên giấc hoè.
    65 Lúc tháng hè, liền chân đưa võng,
    Tiết đông ken, than nóng chẳng rời.
    Kiêng khem chẳng một khí giời,
    Kiêng sài kiêng đẹn kiêng người lạ hơi.
    Tả tơi năm khúc tả tơi,
    70 Công ơn cha mẹ đất trời sánh ngang.

    Cụ Sáu Trần Lục
    Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/112053.htm

    Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

    Con nổi loạn trên mạng xã hội - cha mẹ bó tay

    22/07/2013 01:00 GMT+7
    Nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn bất ngờ khi biết con mình vốn ngoan ngoãn lại dám lên mạng để chửi bới, thóa mạ người thân, hay thường xuyên văng tục, chửi bậy và tỏ vẻ đàn anh… trên thế giới ảo.
    Nữ sinh hiền lành lên facebook để khẳng định “số má”
    Ngoài đời là cô bé lớp 11 có ngoại hình mộc mạc và gương mặt khá “ngô nghê”, nhưng trên mạng xã hội facebook, Hoa dường như khác hẳn. Cô bé có thể online thâu đêm, suốt sáng chỉ để lang thang trên facebook mà mẹ cha không hề hay biết.
    “Facebook ạ? Ai mà chẳng có ạ?” – Hoa, cô nữ sinh 17 tuổi tỏ ra am hiểu khi nói về trang mạng xã hội này. Ngoài facebook, Hoa còn có tài khoản của hai mạng xã hội khác. Thì giờ rảnh, cô thường trốn bố mẹ để ra quán net ngồi chơi mạng xã hội.
    Hoa bảo, cách đây một hai năm, “mốt” vẫn là chơi trồng rau, nuôi gà… trên một trang mạng khá phổ biến trong giới trẻ. Còn nay, sẽ là facebook.
    Ngồi nói chuyện, chốc chốc Hoa lại cắm cúi sử dụng điện thoại. Không để nhắn tin, không để gọi điện, Hoa “chat” hoặc “comment” ảnh trên “phây” với bạn bè.
    “Bố mẹ em đến điện thoại còn chẳng dùng thạo nữa là facebook” – Hoa trả lời khi được hỏi, bố mẹ em có tài khoản facebook hay không. Với các bậc phụ huynh ở nông thôn như bố mẹ Hoa, cụm từ “facebook”, “mạng xã hội” này vẫn còn quá xa lạ. Thế nên, nhìn con gái ngoan ngoãn ngồi học bài, hay ngồi nhà mà vẫn tí toáy nhắn tin để “hỏi bài bạn”, họ hoàn toàn yên tâm.
    Hoa tâm sự, em chỉ là một học trò rất trầm trong lớp, lực học vào loại xoàng, nhưng trên facebook, em cảm thấy “có số má hơn với bạn bè”. Vào trang facebook của Hoa thì rõ: Em có thể hùa vào trêu chọc bất cứ đứa nào trong lớp, tha hồ tung hê, chửi bậy mà chẳng sợ ai, phớt đời với những câu status bậy bạ hoặc ưu tư được bạn bè like, share nhiệt tình… Đặc biệt, từ sau lần Hoa bị dính kỉ luật vì… chửi cô giáo và các bạn trong lớp thì cô bé càng “nổi tiếng”.
    Theo Hoa kể, hồi ấy vì tức tối bị điểm 2 nên Hoa đã vào facebook, đăng một bài chửi dài, vạch tội các thành viên ban cán sự lớp, thậm chí mắng trực tiếp cả cô giáo bộ môn.
    “Lúc ý em chỉ viết cho bõ tức, không ngờ, các bạn “share” liên tục, có người còn chụp lại, gửi cho giáo viên chủ nhiệm, thế là em và những người “like, share” trong lớp bị tóm lên viết bản kiểm điểm, cảnh cáo trước toàn trường” – Hoa ấm ức kể lại.
    Bố mẹ biết cũng bó tay
    “Biết cũng bó tay” – đó là lời thở than bất lực của chị Chinh (Hà Nam) khi biết chuyện cô con gái út lên mang trút giận vào cha mẹ và cô giáo chủ nhiệm.
    Chị kể, con gái mình là đứa ngang ngạnh nên chị rất chú tâm dạy dỗ, vậy mà ngọt nhạt đủ đường “cá vẫn không ăn muối”.
    Mới đây, chị tá hỏa khi nghe người cháu họ ở Hà Nội gọi điện thoại báo: “Cái Chi (tên con gái chị) có chuyện gì mà lên trên mạng ăn nói ghê lắm. Nó còn bảo không muốn ở nhà, còn thề tuyệt giao với ai ai nữa kia!”
    Vốn chẳng biết mặt mũi mạng xã hội, facebook ra làm sao, chị đành phải nhờ người cháu hướng dẫn cho xem tận mắt. Hóa ra, chỉ vì phát hiện mẹ và cô giáo chủ nhiệm là bạn thân, thường xuyên trao đổi sau lưng mình mà con gái chị nổi giận, tuôn ra những lời trách móc, thóa mạ, xưng “tôi” đầy thách thức.
    “Có lẽ, cháu nghĩ rằng bố mẹ, thầy cô không hay biết nên mới có hành động đó. Dù đây là góc riêng tư của con, nhưng biết chuyện tôi thật sự đau lòng. Nhưng tôi cũng chưa biết mở lời nói chuyện với con ra sao” – chị Chinh tâm sự.
    Không riêng chị Chinh, nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn bất ngờ khi biết những đứa con ngoan ngoan ngày thường lại thường xuyên văng tục, chửi bậy, cố tình tỏ ra hầm hố, “anh chị” trên mạng xã hội.
    Anh Lê Thế Sơn (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, gần đây anh rất đau đầu vì cậu con trai học lớp 8 mê mẩn “facebook”.
    “Có lần tình cờ vào xem cháu làm gì, tôi nổi giận vì thấy con đăng tải toàn những hình ảnh gợi dục, tham gia những trang, nhóm thiếu lành mạnh trên facebook. Tôi hỏi thì cháu bảo bạn bè gửi hoặc vô tình “click” vào chứ không chủ động tìm kiếm… Tôi đã răn đe, nhưng chỉ e rằng con càng lớn, cha mẹ càng khó theo dõi, kiểm soát, đặc biệt là với thế giới “ảo” như thế này” – anh Sơn nói.
    Theo TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, thể hiện sự nổi loạn trên thế giới ảo là một cách để trẻ giải tỏa những nỗi ức chế trong đời sống thật. Nhiều trường hợp, do bị ảnh hưởng vì tâm lý đám đông, các em cũng dễ bị lôi kéo vào những tình huống ném đá bạn bè, văng tục… Việc sử dụng mạng xã hội một cách thiếu định hướng, nhất là khi còn rất nhỏ có thể khiến các em không ý thức hết những tai hại khó lường của những việc mình làm.
    Trong mọi trường hợp, cha mẹ nên gần gũi để nhận biết sớm các biểu hiện, vấn đề con gặp phải. Không nên cấm cản vì ở lứa tuổi này càng cấm, các em càng làm ngược lại để khẳng định cái tôi mà hãy tâm sự, nhẹ nhàng thuyết phuc, giúp con nhìn nhận những điều đúng đắn. Có thể lấy những câu chuyện thực tế để dẫn dắt, giúp các em hiểu được cách cư xử đúng – sai, chừng mực trên mạng xã hội.
    Minh Tâm