Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Sống “Ngày của Chúa” thời hiện đại

Tạ Ân Phúc12/6/2012

Chuyên Đề Giáo Dục: Sống “Ngày của Chúa” thời hiện đại


“Làm việc và nghỉ ngơi”: Hai phạm trù tưởng chừng đơn giản, bù trừ lẫn nhau nhằm giúp đời sống con người được cân bằng. Nhưng trong thực tế lại khác. Người ta bị cuốn hút vào công việc đến độ quên cả nghỉ ngơi, bồi dưỡng; nhất là, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chật vật. Cứ ngỡ rằng làm việc quần quật để kiếm đồng tiền bát gạo là có thể mưu cầu cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trái lại, đã có biết bao gia đình đổ vỡ, ly tán vì chứng “nghiện công việc”. Đối với người Công giáo, ngày Chúa nhật là ngày thiêng liêng, ngày được thánh hóa để nghỉ ngơi và dành thời gian cho Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng, có bao nhiêu người dám hy sinh công việc để sống đúng ý nghĩa “Ngày của Chúa”?

“Hãy trả lại cho Chúa Ngày của Chúa.” Đó là lời mời gọi khẩn thiết của Sr. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP khi chia sẻ đề tài “SỐNG ĐỨC TIN TRONG NHỮNG NGÀY LỄ NGHỈ” vào chiều thứ Bảy 24/11/2012 tại Trung tâm Mục vụ TGP. Sài Gòn do Chương trình Chuyên đề Giáo dục, thuộc Ban Mục vụ Gia đình TGP tổ chức.

Giáo huấn của Đức Thánh Cha về Đức Tin

Trong phần dẫn nhập, Sr. Maria đã trích dẫn các bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđcitô XVI trong loạt bài giáo lý các buổi triều yết chung thứ Tư hằng tuần trong Năm Đức Tin để các tham dự viên hiểu rõ hơn về khái niệm đức tin trong cuộc sống hôm nay. Trong bài giáo lý đầu tiên về Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến vấn đề phải làm sao hiện thực hóa đức tin trong đời sống: “Đức tin vào Chúa ... là một thứ thay đổi bao gồm toàn thể cuộc sống của chúng ta: các thứ tình cảm của chúng ta, tâm can của chúng ta, trí khôn của chúng ta, ý muốn của chúng ta, thân xác của chúng ta, các cảm xúc của chúng ta và những liên hệ về con người của chúng ta". Nghĩa là, nếu chúng ta thực sự sống đức tin thì đó là một đời sống tương quan với Chúa bằng chính hơi thở, bằng cuộc sống của mình, bằng cả tâm hồn và thể xác vì "Đức tin không phải là một cái gì đó xa lạ và tách biệt khỏi đời sống thực tế, trái lại, nó là chính hồn sống của đời sống".

“Gia đình - Công việc - Ngày lễ”

“Hãy trả lại cho Chúa Ngày của Chúa.” Đây không chỉ là thao thức của riêng Sr. Maria mà còn là thao thức chung của toàn thể Giáo hội, được thể hiện qua những ngày hội thảo tại Đại hội Gia đình Thế giới (Diễn ra từ ngày 29/05 đến 03/06/2012 tại Milan, Ý). Là một trong ba người đại diện cho Việt Nam tham dự suốt một tuần lễ của Đại hội, Sr. Maria muốn chia sẻ lại kinh nghiệm của một tham dự viên đã được truyền thụ những bài giáo lý gây xúc động và giúp ích rất nhiều cho đời sống đức tin của con người thời nay, những bài giáo lý vốn thấm nhuần chủ đề của Đại hội: “Gia đình - Công việc - Ngày lễ”.

Sau khi giới thiệu sơ lược về Đại hội Gia đình Thế giới, Sr. Maria đã trích lời của Đức Hồng y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội để nêu bật chủ đề của Đại hội: “Gia đình, công ăn việc làm và nghỉ ngơi là ba giá trị cơ bản cho một cuộc sống tốt. Đó là một cuộc sống mọi người cần phải có và được tận hưởng. Kinh Thánh trình bày chúng như là ba phước lành, luôn luôn đáng đề cao”; “Khi nói đến sống một cuộc sống gia đình lành mạnh, cả ba yếu tố trên đều là cần thiết. Nhưng làm sao để cân bằng những yếu tố này luôn luôn là một vấn nạn với nhiều gia đình”. 

Một trong ba yếu tố mang tầm quan trọng được Giáo hội lưu tâm qua Đại hội Gia đình chính là Ngày lễ. Sr. Maria đã đi vào đề tài của mình bằng cách đặt ra câu hỏi: Trong ngày Chúa nhật, ai được nghỉ ngơi hoàn toàn từ 8 tiếng trở lên? Ai được nghỉ ngơi hoàn toàn từ 4 tiếng trở lên? Ai được nghỉ ngơi hoàn toàn từ 2 tiếng trở lên? Những câu hỏi có thể làm ai đó giật mình nhìn lại để thấy rằng mình đã chông chênh trong cách quản lý thời gian cho cuộc sống.

Ngày nay, người ta đánh mất chỗ đứng và giá trị của gia đình, họ cướp mất nhiều thứ của gia đình, đáng kể nhất là thời gian. Ngoài những vấn nạn gây nghiện trong xã hội như ma túy, rượu bia, thuốc lá, game oline, internet, phim Hàn quốc, tám chuyện... người ta còn bị một chứng nghiện khác, đó là “nghiện công việc”. Cuộc sống xã hội đã đẩy con người lao vào công việc: những người lao động ở các khu công nghiệp bị dồn ép tăng ca mới có đủ thu nhập trang trải cuộc sống, phải đi làm ngay cả ngày Chúa nhật, thậm chí không có giờ tham dự Thánh lễ. Những người buôn bán tại Việt Nam thì rất khó để nghỉ ngơi ngày lễ và Chúa nhật. Người ta bị cám dỗ kiếm thật nhiều tiền trong những ngày này. Trước vấn nạn trên, Đại hội Gia đình khuyến cáo: “Con người sống trong xã hội hưởng thụ hôm nay đã đánh mất ý nghĩa của ngày nghỉ lễ. Cần phải khôi phục ý nghĩa của ngày lễ, và đặc biệt của ngày Chúa nhật, là “Ngày của Chúa” thời gian dành cho con người và Thiên Chúa…” (GL ĐHGĐTG 7 b.8). 

Theo Sr. Maria, để “Ngày của Chúa” mang lại ý nghĩa đích thực, chúng ta cần phải hiểu và sống ngày lễ theo 3 chiều kích như là 3 cột trụ không thể thiếu trong đời sống mỗi người: thời gian dành cho Chúa, thời gian dành cho gia đình và thời gian dành cho cộng đoàn

Ngày Lễ - Thời gian dành cho Thiên Chúa

Chúa nhật chính là ngày thứ 7 của tạo dựng vì sau sáu ngày làm việc, ngày nghỉ lễ là sự hoàn tất công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế đã minh định điều đó: “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người. Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo” (St 2,1-4a).

Chúa nhật đối với người Kitô hữu là “Ngày của Chúa”, là ngày mừng kính Đấng Phục sinh hiện diện sống động trong cộng đoàn Kitô hữu, trong gia đình và trong đời sống cá nhân. Để thánh hóa ngày nghỉ lễ, dân Chúa cần phải dành một thời gian cho Thiên Chúa và cho con người: “Ngươi hãy nhớ ngày sabat, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabat kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabat và coi đó là ngày thánh (Xh 20,8-11). 

Ngày Chúa nhật còn để mừng ngày con người được giải phóng vì ngày sabat của Thập giới có một ý nghĩa xã hội và giải phóng: “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó... Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sabat” (Đnl 5, 15). “Giữ ngày sabat” là lệnh truyền của Chúa, để kỷ niệm con người được giải phóng, vì Chúa đã giải phóng cha ông chúng ta. Nhưng lâu nay, chúng ta quên mất điều đó. Hơn nữa, ý nghĩa sâu xa của việc giữ ngày sabat chính là thực hiện một cuộc “xuất hành”, vì tự do của con người, vượt qua từ “kiếp nô lệ” đến “phục vụ”. Ngày sabat giúp con người thoát khỏi tình trạng lao dịch / nô lệ để đưa vào tình trạng phục vụ trong tự do, hân hoan và chúc tụng. 

Vào thời Chúa Giêsu, người ta giữ ngày sabat đến độ nô lệ ngày sabat. Nhưng Chúa Giêsu đến để kiện toàn ngày sabat, làm cho ngày sabat có một ý nghĩa, vì ngày sabat được lập ra cho con người, để phục vụ con người. Chính vì thế, Đức Giêsu là “Chúa” của ngày sabat. Hầu như các phép lạ Chúa Giêsu làm đều tập trung vào ngày này: bứt bông lúa trong ngày sabat (Mc 2,23-28); chữa lành người bị bại tay (Mc 3,1-6), người phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17), người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6), người mù từ khi mới sinh (Ga 9,1-41)… 

Để thực sự sống ý nghĩa “Ngày của Chúa”, mỗi người cần phải tái khám phá ý nghĩa ngày Chúa nhật nhằm dành thời gian hoàn toàn cho “sự tưởng niệm” hằng tuần việc Chúa Giêsu sống lại, để tham dự Thánh lễ nhằm cử hành “sự hiện diện”của Chúa Phục Sinh trong tâm tình mong đợi “lời hứa” trở lại của Chúa trong vinh quang. 

Ngày Lễ - Thời gian dành cho gia đình 

Thực trạng xã hội hôm nay cho thấy người ta quá bận rộn đến nỗi các bậc cha mẹ không còn thời gian dành cho con cái. Một xã hội có vẻ như giàu có không thiếu gì cả nhưng lại thiếu thời gian. Đôi khi mải mê với công việc, người ta tiếc với con cái từng phút, để rồi sau đó xảy ra những chuyện đáng tiếc. Nhiều cha mẹ hôm nay sống trong khổ đau, trong gia đình tan nát vì sự vô tâm, hờ hững, ngang bướng của con cái, chỉ biết sống cho riêng mình, coi gia đình như quán trọ. Để minh họa cho bài nói chuyện thêm sinh động, Sr. Maria đã trình chiếu những đoạn video clip diễn tả nỗi nhớ cha trong khắc khoải của một đứa trẻ hay nỗi thất vọng của một đứa bé khác khi phải ăn cơm hộp do người mẹ quá bận rộn không thể lo bữa cơm cho gia đình.

Tương tự như thế, ngày nay tu sĩ cũng “nghiện công việc”. Các tu sĩ có máy vi tính riêng, có phòng riêng và chỉ biết ở trong phòng mình và lo làm việc, không có sự tương tác với người khác, những anh chị em xung quanh mình. Một vấn đề nữa, tại Việt Nam, tu sĩ cực hơn: ngày thường đã đi làm rồi, và thứ Bảy, Chúa nhật lại làm nhiều hơn. Có lẽ những người có trách nhiệm quản lý con người phải sắp xếp làm sao để anh chị em có thời gian nghỉ ngơi, hầu lấy sức phục vụ người khác.

Trước thực trạng đó, chúng ta cần phải khôi phục ý nghĩa ngày Chúa nhật, ngày nghỉ lễ như thời gian dành cho con người, đúng hơn là thời gian dành cho gia đình của mình, cộng đoàn của mình. Gia đình cần phải sống ý nghĩa của ngày nghỉ lễ, làm sao để sống mà không chỉ như chạy theo mưu sinh nhưng là cuộc gặp gỡ. Gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân chính là trọng tâm của ngày nghỉ lễ. 

Để làm được điều đó, cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần có nhiều sáng kiến để tạo bầu khí trong ngày nghỉ cuối tuần, cần giảm những công việc nhà trong ngày nghỉ, chia sẻ bớt gánh nặng công việc cho người phụ nữ trong ngày nghỉ. Cần tập thói quen cho các thành viên trong gia đình biết quý trọng ngày Chúa nhật là “ngày thánh thiêng” dành cho Thiên Chúa và những người thân yêu trong gia đình. Vì thế, nhất quyết không làm việc, không buôn bán trong ngày này. Ngày Chúa nhật cũng là dịp để gia đình chia sẻ với nhau những hoạt động chung như cùng nhau xem phim, đọc sách đạo đức. 

Trong đời sống hôn nhân, đời sống gia đình cũng như cộng đoàn, chúng ta cần lưu tâm nhớ đến những ngày kỷ niệm để các thành viên nhớ đến nhau và có cơ hội tặng quà cho nhau, thể hiện sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau: Ngày sinh nhật, ngày lễ bổn mạng, ngày Tết, ngày phụ nữ, ngày lễ của cha, mẹ… Đôi khi những chuyện nhỏ nhặt như viết thư cho nhau, tặng cho nhau những món quà nho nhỏ trong những dịp kỷ niệm lại có sức mạnh biến đổi rất lớn trong đời sống vợ chồng, gia đình.

Trong cuộc sống hằng ngày, bữa ăn gia đình tưởng chừng như là chuyện hiển nhiên xưa nay, nhưng thực tế thật không dễ chút nào khi chúng ta đang sống với tốc độ của thời đại, luôn phải ăn cơm hộp, cơm bụi, cơm bờ, phải bận rộn với những buổi tiệc chiêu đãi… chồng ăn một nơi, vợ một nơi, con một nơi, mạnh ai nấy lo cho bữa ăn của mình. Đó là một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ đời sống gia đình, vì thế hãy giữ bếp lửa trong gia đình, hãy giữ giờ cơm trong gia đình. Mỗi ngày, chúng ta cố gắng có được ít nhất một bữa ăn chung đông đủ cả nhà quây quần bên nhau vì bữa ăn gia đình là điểm hội tụ, là chất keo gắn bó mọi thành viên trong gia đình với nhau, tạo nên khuôn mẫu cuộc sống và tính cách con người, số phận của gia đình. Bữa ăn cũng là nơi biểu hiện, gắn kết tình yêu qua việc thể hiện các hành vi, cử chỉ quan tâm tới nhau một cách rất đặc biệt: hy sinh thời gian cho nhau, biết chờ đợi khi một thành viên vắng mặt, cả nhà cùng trò chuyện, chia sẻ, thông tin cho nhau những sự kiện xảy ra trong ngày. Chính bữa ăn là nơi gặp gỡ, quy tụ mọi người đang tản mác mỗi nơi vì công việc của mình, và qua bữa ăn, cả nhà sống trong tâm tình cầu nguyện, tạ ơn.

Ngày Lễ - Thời gian dành cho cộng đoàn

Nếu chỉ dành thời gian cho gia đình hay cộng đoàn nhà tu của mình thôi vẫn chưa đủ. Giáo hội mời gọi chúng ta hãy mở rộng cánh cửa của mình đi ra với thế giới và hãy mở rộng cánh cửa để thế giới đi vào trong cung lòng gia đình của mình. Điều này thể hiện bản chất Giáo Hội của Đức Tin khi Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng: “Thiên Chúa không thánh hóa con người và cứu độ con người thuần túy theo cá nhân, không liên hệ hay dính dáng gì giữa họ với nhau. Trái lại, Ngài muốn mang con người lại với nhau thành một dân tộc duy nhất, một dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (Dogmatic Constitution, Lumen Gentium, 9) 

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong bài giáo lý số 3 về Bản chất Giáo hội của Đức tin vào ngày 31/10/2012, cũng đã hướng chúng ta về một chiều kích Giáo hội của Đức tin. Ngài đã tái khẳng định đức tin vừa là một tặng ân của Thiên Chúa vừa là một đáp ứng của con người, nhờ đó con người được biến đổi: “Đức tin là một tặng ân biến đổi đời sống của chúng ta, vì đức tin giúp chúng ta có thể trông nhìn bằng cặp mắt của Chúa Giêsu, Đấng hoạt động trong chúng ta và hướng chúng ta về tình yêu mến Thiên Chúa và những người khác.” 

Đức tin là một nhân đức đối thần do Thiên Chúa ban nhưng được Giáo hội truyền đạt qua giòng lịch sử. Chính trong cộng đồng Giáo hội mà đức tin của cá nhân mới tăng trưởng và chín mùi. 

Ngày Chúa nhật chúng ta cần phải tham dự Thánh lễ và các sinh hoạt của giáo xứ vì “Ngày của Chúa” là ngày của sự hiệp thông, ngày sống cho nhau, ngày của hiệp thông và sứ vụ. Thánh Thể liên kết chúng ta lại với nhau trong cùng một tấm bánh. Hội Thánh địa phương và giáo xứ là sự hiện diện cụ thể của Tin Mừng giữa lòng đời sống nhân loại. Trong giáo xứ, các gia đình là “Hội Thánh tại gia”, vừa làm thành cộng đoàn giáo xứ vừa là một Hội Thánh giữa các gia đình nhân loại. Cộng đoàn giáo xứ phải lưu tâm đến các gia đình, giúp gia đình thoát khỏi cám dỗ khép kín trong “căn hộ” của mình và mở ra với cuộc lữ hành đức tin.

Chúa nhật còn là ngày của đức ái vì việc bác ái là một đặc điểm của ngày Chúa nhật Kitô giáo. Việc bác ái được đề nghị như một bổn phận thiết yếu của các gia đình và cộng đoàn. Các gia đình được mời gọi một năm nên có một đến hai lần cả nhà cùng đến thăm và chia sẻ với một mái ấm của trẻ cô nhi, các cụ già neo đơn... để con trẻ có thể tận mắt chứng kiến đời sống cơ cực ở trại mồ côi, những người già neo đơn như thế nào, để chúng có thể được biến đổi và sống trong tâm tình tạ ơn vì chúng có cha, có mẹ và có một cuộc sống đầy đủ.

Chúa nhật cũng là ngày của bài sai sứ vụ khi Chúa mời gọi chúng ta hãy ra đi khỏi căn nhà của mình như Mẹ Maria ra đi lên đường đi viếng bà Êlisabeth. Gia đình được mời gọi để loan báo Tin Mừng theo cách riêng của mình và không ai thay thế được: trong nội bộ gia đình, trong môi trường của mình (hàng xóm, bạn bè, họ hàng), trong cộng đoàn Hội Thánh, trong xã hội. Cha mẹ có nhiệm vụ đào tạo cho con cái biết sống yêu thương, làm việc tông đồ, bác ái, cống hiến cho xã hội vì chúng ta không thể nào mến Chúa mà không yêu thương anh em. “Khi sống đức ái mến Chúa yêu người thì chính từng cá nhân và gia đình được kín múc hoa trái của Chúa Thánh Linh” (FC 64). 

Thay cho lời kết, Sr. Maria đã đưa ra lời cầu nguyện để mọi người ý thức được trách nhiệm của mình nhằm sống “Ngày của Chúa” cách trọn vẹn:

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết giúp cho cả gia đình/cộng đoàn sống đúng giới răn Chúa dạy, giữ ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Biết dành thời gian cho Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh lễ, giữ giờ kinh nguyện trong gia đình. Biết dành thời gian cho gia đình/cộng đoàn bằng sự quan tâm, chăm sóc từng thành viên trong gia đình. Biết góp phần xây dựng gia đình Hội Thánh qua việc tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, giáo phận. Biết yêu thương giúp đỡ người nghèo khổ trong khu xóm, xứ đạo của mình để Tin Mừng của Chúa được lan toả trong lòng xã hội hôm nay. Amen.

Tạ Ân Phúc

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101436.htm

Không có nhận xét nào: