Nguyễn Kim Ngân12/11/2012
TRỞ VỀ VỚI HÔN NHÂN NGUYÊN THỦY
Một chút tâm tình nữa lại nhen nhúm sau khi tham dự lễ cưới cô cháu gái được tổ chức trong một ngôi thánh đường cổ kính. Cô dâu chú rể quen nhau từ hồi cùng tham gia đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT), do đó thành phần tham dự phần lớn là giới trẻ. Ca Đoàn-- cũng do các thành viên TNTT đảm trách—đã hát một bài ca thật ý nghĩa, cảm tác từ cuộc hôn nhân đầu tiên của cặp tình nhân cũng đầu tiên của loài người: Ađam và Evà. Thánh Lễ và Bí tích Hôn Phối được cử hành như thế: vui tươi, hồn nhiên, trẻ trung, đầy sức sống, nhưng không vì thế mà mất đi vẻ trang trọng, tôn nghiêm cần thiết. Một tình yêu được chúc phúc, một đôi lứa đồng thuận dấn bước trong một cam kết công khai, để rồi một gia đình mới được khai sinh. Từ một gia đình đạo hạnh, con cái hiếu thảo ngoan ngùy, tôi nhìn thấy được con đường hạnh phúc như đang trải rộng trước mặt họ. Diễn tiến lạc quan này bất giác đưa tôi về với bài báo nêu lên một giải pháp hiển nhiên nhằm bảo vệ hôn nhân truyền thống trước cơn sóng thần của chủ nghĩa duy tục đang hết sức đề cao cái gọi là “hôn nhân đồng tính.”
“Hôn nhân phải trở về trạng thái nguyên thủy của nó là một bí tích tôn giáo,” đó là tuyên bố của Jane Adolphe, Giáo Sư phụ giảng tại Đại Học Luật Ave Maria, thành phố Naples, Florida, khi phê bình luận cứ của Anne Dohrenwend, tại Ann Arbor, Michigan, ngày 22 tháng 10 năm 2012 vừa qua. Bà nói tiếp: Giáo Hội Công Giáo luôn luôn chủ trương rằng bí tích hôn nhân sẽ kiện toàn hôn nhân tự nhiên, trong trạng thái nguyên thủy của nó. Khoản 1601 trong Giáo Lý của Hội thánh Công giáo xác định rằng: “Hôn ước—qua đó một người nam và một người nữ cùng nhau thiết lập một cuộc ăn đời ở kiếp với nhau--tự bản chất được định hướng nhằm về thiện ích của đôi hôn phối, về sự sinh sản và việc giáo dục con cái; giao ước này, khi được thiết lập giữa hai người đã chịu phép thánh tẩy, lại còn được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích nữa.”
Hôn nhân tự nhiên được hình thành vào chính thời điểm của sự đồng thuận, được biểu lộ theo truyền thống và công khai do bởi ý nghĩa độc đáo mang tính nhân bản và xã hội, liên quan đến thiện ích của đôi hôn phối, sự thiện hảo của con cái và công ích của xã hội.
Khế ước hôn nhân luôn luôn mang tính độc đáo của riêng nó—sui generis--bởi vì nó vượt lên trên đôi hôn phối. Nó không được xây dựng trên việc giao hợp hoặc sống chung ngoài hôn nhân, hay trên bản năng tình cảm.
Trái lại, nó được xây dựng trên một điều gì đó có liên quan sâu đậm hơn đến tư cách làm người, một hành vi tự do của trí năng và ý chí. Đôi hôn phối đồng thuận trong việc trao đổi hỗ tương chính bản thân mình, trong tư cách làm người với nam tính và nữ tính của mỗi bên. Sự trao đổi này tạo nên một mối dây công bình, qua đó, đôi hôn phối mắc nợ nhau một bổn phận yêu thương, một tình yêu phu phụ--chính bởi vì đây là kết quả cam kết dấn thân của một người nam, trong tư cách người nam, và một người nữ, trong tư cách người nữ. Do có một trao đổi nhân vị, hoặc nói một cách khác, do có sự trao hiến nhân vị trong toàn vẹn nam tính hoặc nữ tính, mà hôn nhân mang tính trường tồn, một vợ một chồng, và mở ngỏ cho sự sống.
Nói khác đi, tính trường tồn, sự độc chiếm, và xu hướng sinh sản là nền móng xây dựng hôn nhân tự nhiên, trong “trạng thái nguyên thủy” của nó. Đó là những thiện hảo làm cho hôn nhân hấp dẫn đối với trí hiểu con người. Nó bất khả ly tán bởi vì đối tượng đồng thuận của hai người nam nữ trong cuộc chính là sự trao hiến nam tính và nữ tính của mình, nghĩa là cho đi chính bản thân mình, một sự cho đi vĩnh viễn, chứ không hề là một vay mượn nhuốm mầu phi nhân. Nó mang cái nét độc chiếm bởi vì cùng một món quà không thể dành cho hơn một người trong cùng một lúc. Nó mở ngỏ cho sự sống do bởi hôn nhân cố hữu hàm chứa một tương quan phái tính.
Tóm lại, hôn nhân sẽ không hiện hữu nếu các mối thiện hảo này bị loại bỏ bởi một trong hai người phối ngẫu, vì điều đó đi ngược lại với món quà đôi lứa tự hiến cho nhau. (xem Jane Adolphe: Invitation to a Dialogue: Voting on "Gay Marriage” trong www.ewtn.com, ngày 11/04/12)
Trong mùa bầu cử vừa qua, những vấn đề này, vốn hiển nhiên được công nhận từ tạo thiên lập địa đến nay, lại được đem ra trưng cầu dân ý, cứ như là hễ đa số nghiêng chiều nào thì vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng đó. Vấn đề hôn nhân truyền thống, phá thai, ngừa thai, đồng tính, an tử…tất cả đều được đưa ra bỏ phiếu. Nhưng oái ăm là: mặc dù đã bỏ phiếu xong cũng chưa phải là hết, bởi vì điều được thông qua vẫn còn “trái ý tôi.” Mà vì “trái ý tôi,” nên tôi…”quậy” tiếp. Đó chính là trường hợp Dự Luật số 8, vốn định nghĩa hôn nhân—theo hiến pháp của Tiểu Bang California—là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Dự Luật này đã được cử tri California thông qua vào năm 2008, nhưng sau đó lại bị quan tòa phán quyết ngược lại là vi hiến, để rồi bây giờ được chuyển lên cho Tối Cao Pháp Viện. Còn DOMA (tức Defense of Marriage Act--Luật Bảo Vệ Hôn Nhân) đã được Quốc Hội thông qua và được TT Clinton ký thành luật vào năm 1996, cũng định nghĩa hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, theo các mục tiêu của luật liên bang.
Hôm qua, 10 tháng 12 năm 2012, Tối Cao Pháp Viện đã đồng ý nghe vụ kiện thách thức kết quả Dự Luật 8 của Tiểu Bang California, cũng như một vụ kiện khác thách thức Luật DOMA vừa nói. Chắc phải chờ đợi ít là cho tới tháng Sáu sang năm 2013, may ra mới nhận được phán quyết về vụ này.
Vì những hiệu quả khôn lường chắc chắc sẽ gây ảnh hưởng trên toàn quốc, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã vừa mở ra chiến dịch cầu nguyện cho Sự Sống, Hôn Nhân và Tự Do Tôn Giáo như lời đáp trả có tính mục vụ trong việc bảo vệ sự sống, hôn nhân cũng như tự do tôn giáo (xem www.zenit.org, ngày 12/10/12).
12/11/12
NGUYỄN KIM NGÂN
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101518.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét