Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Giáo Huấn Công Giáo về Tính Dục (hết)


Vũ Văn An9/21/2012
Vatican II

Công Đồng Vatican II bàn đến hôn nhân và gia đình trong Hiến Chế Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes), các đoạn 46-52. Có nhiều ý kiến dị biệt nơi các Nghị Phụ liên quan đến các dự thảo trước đây của văn kiện này. Có nhóm muốn văn kiện theo sát các công thức của Bộ Giáo Luật và các văn kiện giáo hoàng về các vấn đề chủ chốt như các mục đích của hôn nhân. Có nhóm lại muốn vượt ra ngoài các công thức ấy một cách rõ rệt. Lại có nhóm muốn mở cuộc thảo luận về vấn đề ngừa thai nhân tạo. Đức GH Gioan XXIII lập ra một ủy ban để nghiên cứu vấn đề ngừa thai. Đức GH Phaolô VI chỉ thị cho Công Đồng không được nói gì về vấn đề này. Chính ngài sẽ tuyên bố về nó sau khi nghiên cứu phúc trình của ủy ban.

Phần nói về hôn nhân trong Gaudium et Spes chứa đựng khá nhiều tuyên bố trước đó của các vị giáo hoàng, nhưng Công Đồng cũng đã đưa ra các nhấn mạnh riêng của mình về vấn đề này. Chủ yếu trong cuộc thảo luận về hôn nhân và gia đình là điều gọi là “tình yêu kết hôn” hay “tình yêu phu phụ”. Được coi như vấn đề thuộc ý chí con người, tình yêu này có nghĩa hơn thèm muốn thể lý, dù bao gồm biểu thức thể lý. Nó khác biệt với mọi hình thức khác của tình bạn ở điểm nó được biểu lộ và được hoàn hảo bằng hành vi thể lý của vợ chồng, một hành vi vừa biểu tượng vừa phát huy việc vợ chồng hiến thân cho nhau (28). Tình yêu phu phụ này phát sinh từ nguồn suối tình yêu Thiên Chúa, và được cấu trúc theo mẫu tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội. Tình yêu phu phụ này được sáp nhập vào tình yêu Thiên Chúa và dẫn đưa vợ chồng tới Thiên Chúa. Tình yêu này dẫn tới việc giúp đỡ và phục vụ lẫn nhau.

“Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ 'không còn là hai, nhưng là một xương thịt' (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly” (29).

Công Đồng rõ ràng nói tới xu thế của hôn nhân hướng về con cái: “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân” (30). Rõ ràng các Nghị Phụ không lý luận dựa vào căn bản sinh học hẹp hòi. Vì bản chất của hôn nhân và của tình yêu vợ chồng phải được qui hướng về việc sinh sản. 

Dù không tuyên bố liệu có được phép ngừa thai nhân tạo hay không, nhưng Hiến Chế có thảo luận vấn đề này. Theo Hiến Chế, cha mẹ phải sinh sản con cái một cách có trách nhiệm, lưu tâm tới chính phúc lợi của mình và phúc lợi của con cái. Họ phải xem xét hoàn cảnh vật chất và tâm linh của thời đại, quyền lợi của gia đình, của xã hội trần thế và của Giáo Hội. Trong một số tình huống, còn có sự đối nghịch giữa các yếu tố khác nhau. Có thể có những lý do nghiêm chỉnh khiến người ta phải hạn chế số con cái. Đồng thời, việc hạn chế tính dục có thể tạo ra nhiều vấn đề. Thí dụ, nó có thể khiến cho việc duy trì lòng chung thủy trong tình yêu và sự thân mật vợ chồng trở thành khó khăn. Việc phán đoán nên có con hay không là việc của cha mẹ, nhưng họ không nên quyết định một cách võ đoán. Bổn phận luân lý không chỉ bao gồm động cơ mà thôi, mà còn đòi phải tuân giữ các tiêu chuẩn khách quan nữa. Trong phạm vi tác phong tính dục, các tiêu chuẩn này là các tiêu chuẩn biết “dựa vào bản chất con người nhân bản và các hành vi của họ, để duy trì trọn vẹn ý hướng tự hiến cho nhau và sinh sản con cái trong ngữ cảnh một tình yêu chân chính” (31). Cha mẹ có bổn phận phải khước từ phá thai. Họ phải có một lương tâm hiểu biết, một lương tâm phù hợp với thiên luật và vâng phục giáo huấn của Giáo Hội là người giải thích thiên luật ấy. 

Khi nói đến hôn nhân và gia đình, điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong bản văn của Gaudium et Spes có lẽ là điểm không được nó nói đề cập đến. Việc bỏ sót này từng được ít nhất một quan điểm tại Công Đồng coi là chiến thắng. Đó chính là việc văn kiện bỏ không nói đến thuật ngữ mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng của hôn nhân, cũng như không giải thích chi về việc sự giúp đỡ lẫn nhau của vợ chồng phải tùy thuộc việc sinh sản và giáo dục con cái.

Văn kiện của Công Đồng cũng để trống không giải quyết một số vấn đề về hôn nhân và gia đình. Trong số đó, vấn đề ngừa thai nhân tạo đã cố tình được để đó, không giải quyết. Vấn đề khác được để đó có liên quan đến việc liệu có mối tương quan nội tại nào giữa các mục đích kết hợp và sinh sản của hôn nhân hay không. Nếu không có mối tương quan nội tại nào như thế, thì, như ta đã thấy, người ta được phép bước vào loại hôn nhân cố tình không qui hướng về sinh sản.

Ủy Ban Giáo Hoàng năm 1966

Tháng 6 năm 1966, ủy ban giáo hoàng về kiểm soát sinh đẻ phúc trình lên Đức Phaolô VI. Từ đó, bốn tài liệu đã được đưa ra ánh sáng. Một tài liệu có tựa đề là “Phúc Trình Thần Học Của Ủy Ban Giáo Hoàng Về Kiểm Soát Sinh Đẻ”. Phúc trình thường được biết dưới danh xưng “Phúc Trình Đa Số” này được 19 thần học gia và một số chuyên viên khác của ủy ban ký tên. Nó đại biểu cho quan điểm của phe đại đa số trong ủy ban. Tài liệu thứ hai, “Các Phương Thức Mục Vụ”, phù hợp với phúc trình đa số. Cả hai tài liệu này cổ súy sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội nhằm cho phép ngừa thai nhân tạo trong một số trường hợp. Tài liệu thứ ba, được gọi là “phúc trình thiểu số”, chỉ được 4 thần học gia của ủy ban ký tên. Các vị này không nhất trí với phúc trình đa số và nêu ý kiến không nên thay đổi giáo huấn của Giáo Hội. Tài liệu thứ tư là tài liệu làm việc của một số thần học gia cổ súy sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội. Nó nhằm bênh vực chủ trương của các vị này chống lại các luận điểm của tài liệu thứ ba (32). 

Có thể tóm lược quan điểm của phúc trình đa số trong sáu điểm sau đây. Thứ nhất, dù cho phép ngừa thai nhân tạo trong một số trường hợp, tài liệu này vẫn nhấn mạnh rằng tính dục và hôn nhân được qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái. Không được tách biệt việc kết hợp vợ chồng ra khỏi mục đích sinh sản con cái của hôn nhân. Tình yêu vợ chồng và khả thể sinh sản không chống đối nhau mà là bổ túc cho nhau. Cộng đồng sự sống giữa vợ chồng cung cấp cái khung thích đáng cho việc sinh sản và giáo dục con cái. 

Thứ hai, phúc trình đa số tiếp cận vấn đề từ cái nhìn vào toàn diện tính của hôn nhân. Nó muốn có hướng luân lý cho mình không phải từ việc xem xét hành vi hay quan năng tính dục mà thôi, mà là sét xem điều gì tốt cho hôn nhân hiểu như một toàn bộ. Việc này cho phép phúc trình đa số thừa nhận ngừa thai nhân tạo trong một số trường hợp trong khi vẫn nhấn mạnh tới xu hướng sinh sản của mọi hành vi tính dục. Nói cách khác, phúc trình đa số không rơi vào cái bẫy tách biệt hai mục đích độc lập của hôn nhân để rồi biện minh cho ngừa thai nhân tạo như là việc theo đuổi mục đích này trong khi loại bỏ mục đích kia. Phúc trình nhấn mạnh rằng nếu được phép sử dụng, ngừa thai nhân tạo phải tôn trọng cùng đích sinh sản của hôn nhân. Làm sao tôn trọng được? Việc kết hợp vợ chồng, sự giúp đỡ nhau của họ, tình yêu và cuộc sống chung, tất cả đều có xu hướng sinh sản cả. Nghĩa là: họ hiện hữu không phải chỉ vì mình mà còn vì con cái. Cho nên, nếu việc ngừa thai nhân tạo trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó có thể giúp cho sự kết hợp vợ chồng, thì nó đã gián tiếp phục vụ mục đích sinh sản của hôn nhân. Hơn nữa, nếu ngừa thai nhân tạo giúp cha mẹ săn sóc tốt hơn những đứa con hiện có, thì nó cũng đã phục vụ mục đích sinh sản rồi vậy.

Thứ ba, phúc trình đa số quả có tính duy hoàn cảnh trong lối tiếp cận của nó. Nó không coi ngừa thai nhân tạo là điều xấu luân lý từ trong nội tại, tuy có nhắc đến sự xấu thể lý nơi ngừa thai nhân tạo. Để quyết đoán điều gì tốt về luân lý trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó, người ta phải xét tới các giá trị khác nhau có liên hệ và cố gắng hoà hợp các giá trị này bao nhiêu có thể. Phúc trình đa số ủng hộ cách tiếp cận duy hoàn cảnh này trong trường hợp ngừa thai nhân tạo, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa: nó cũng muốn áp dụng cách tiếp cận này vào mọi lãnh vực khác của đạo đức học. Việc nó thẳng thừng và phổ quát bác bỏ phá thai cho thấy phúc trình không thừa nhận cách tiếp cận duy hoàn cảnh như thế.

Thứ tư, các tác giả của phúc trình đa số tin rằng họ vẫn trung thành với truyền thống. Họ cho rằng các giá trị mà Giáo Hội trong quá khứ bênh vực qua việc phổ quát loại bỏ ngừa thai nhân tạo nay có thể được bảo vệ tốt hơn nếu cho phép nó trong một số trường hợp. Xem ra, phúc trình muốn phân biệt hai bình diện của qui luật luân lý. Một bình diện là các giá trị căn bản được coi là tồn tại mọi thời. Liên quan tới ngừa thai, một trong các giá trị ấy chính là xu hướng sinh sản của hôn nhân. Bình diện khác là các qui luật chuyên biệt qua đó các giá trị kia được áp dụng vào các thời điểm và hoàn cảnh đặc thù. Khi hoàn cảnh và tín liệu thay đổi, thì giáo huấn của Giáo Hội trên bình diện này cũng có thể thay đổi. 

Thứ năm, phúc trình đa số lên án bất cứ não trạng ngừa thai nào. Nó tuyên bố rằng các cặp vợ chồng phải luôn sẵn sàng gầy dựng một gia đình với quyết tâm hoàn toàn chấp nhận các trách nhiệm nhân bản và Kitô Giáo có liên hệ. Hôn nhân hiểu như một toàn bộ luôn luôn phải có tính sinh sản.

Thứ sáu, phúc trình đa số nhấn mạnh đến giáo dục. Nó cầu mong vợ chồng nào cũng có khả năng tự quyết định xem điều gì tốt nhất cho hoàn cảnh đặc thù của họ. Để làm được điều đó một cách thích đáng, họ cần một hiểu biết và một lượng giá sâu sắc về các giá trị có liên hệ. Điều hết sức nguy hiểm là thay vì sống theo các giá trị của Tin Mừng, họ lại sống theo ý kiến và áp lực của quần chúng.

Phúc trình thiểu số bác bỏ một số chủ trương trong phúc trình đa số. Tuy nhiên, điều rõ ràng là: đối với 4 tác giả của phúc trình thiểu số, truyền thống và thẩm quyền là điều chủ yếu. Họ chủ trương rằng không thể giải quyết vấn đề ngừa thai nhân tạo bằng lý lẽ mà thôi. Xem ra họ muốn tin rằng lý lẽ do cả hai bên đưa ra đều không giải quyết được vấn đề. Như thế, phải giải quyết nó bằng truyền thống và thẩm quyền. Theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo vốn bác bỏ mỗi một và mọi hành vi ngừa thai nhân tạo như là tội nặng. Giáo Hội không thể lầm lẫn trong một vấn đề quan trọng như thế.

Phúc trình thiểu sổ bác bỏ việc coi giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo chống lại việc ngừa thai là dựa trên luận chứng duy sinh học. Phúc trình cho rằng giáo huấn truyền thống ấy không dựa vào nguyên tắc tổng quát cho rằng con người phải sử dụng mọi cơ năng thể lý của mình phù hợp với xu hướng sinh học của cơ năng ấy. Ngừa thai nhân tạo xấu không phải vì nó đi ngược lại xu hướng sinh học của bất cứ cơ năng nào, mà vì nó đi ngược lại xu hướng của cơ năng sinh sản. Cơ năng này liên hệ tới việc sinh ra sự sống mới, mà sự sống thì không lệ thuộc sự sai khiến của con người. Ta có loại suy này: mạng sống con người một khi đã được thiết dựng trên thực tế (in facto esse) là điều bất khả xâm phạm thế nào, thì mạng sống ấy lúc đang trong diễn trình hình thành (in fieri) cũng bất khả xâm phạm như vậy.

Sự Sống Con Người (Humanae Vitae)

Tháng 8 năm 1968, hơn hai năm sau khi nhận được các phúc trình của ủy ban, Đức GH Phaolô VI công bố thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae). Ngài khởi đầu bằng cách nhận rằng tình thế mới đem tới nhiều vấn đề đòi phải duyệt lại giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về việc ngừa thai nhân tạo.

Trong phần trình bày ngắn ngủi về hôn nhân và tình yêu vợ chồng, Đức Phaolô VI tiếp nhận phần lớn tư liệu về hôn nhân và gia đình của Hiến Chế Gaudium et Spes. Ngài cho rằng phần lớn các tư liệu này phù hợp với phúc trình đa số. Theo ngài, hôn nhân là định chế khôn ngoan của Tạo Hóa để thể hiện kế sách yêu thương của Người nơi nhân loại. “Nhờ việc tự hiến cho nhau, một sự tự hiến riêng biệt và có tính độc hữu đối với họ, chồng và vợ cùng hướng về sự hiệp thông con người của họ nhằm hoàn hảo nhau, cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục sự sống mới” (33). Tình yêu vợ chồng hoàn toàn có tính nhân bản, vừa có tính giác quan vừa có tính tâm linh cùng một lúc. Không chỉ là một bản năng hay cảm xúc, nó còn là một hành vi của ý chí nhằm sinh tồn và phát triển đến chỗ chồng và vợ trở nên một tâm hồn và một linh hồn duy nhất. Tình yêu này không chỉ giới hạn trong sự hiệp thông giữa chồng và vợ, nó còn được sắp đặt để tiếp tục qua việc dưỡng dục các sự sống mới. Đức Giáo Hoàng nhận định rằng: như Vatican II từng nói, hôn nhân và tình yêu vợ chồng, từ bản chất, vốn được sắp xếp để sinh sản và giáo dục con cái.

Đức Phaolô VI, sau đó, đã bác bỏ việc sử dụng ngừa thai nhân tạo, và nhắc lại giáo huấn truyền thống là giáo huấn vốn dạy rằng mỗi một và mọi hành vi vợ chồng phải sẵn sàng cho việc truyền sinh. Ngài viết tiếp: “Giáo huấn ấy, một giáo huấn đã được huấn quyền đưa ra, được xây dựng trên mối liên kết bất khả phân do Chúa ấn định và con người không thể dùng sáng kiến riêng để phá bỏ giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng: ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản. Quả thực, do cơ cấu thâm sâu của nó, hành vi vợ chồng, trong khi mật thiết kết hợp chồng và vợ nên một với nhau, đã giúp họ có khả năng sinh ra sự sống mới, phù hợp với các định luật được khắc ghi trong chính hữu thể của họ. Nhờ bảo vệ cả hai khía cạnh chủ yếu này, tức khía cạnh kết hợp và khía cạnh sinh sản, hành vi vợ chồng duy trì trọn vẹn được ý hướng của tình yêu hỗ tương chân thực và sự xếp đặt của nó hướng tới ơn gọi cao cả nhất của con người là làm cha mẹ. Chúng tôi tin rằng con người thời nay đặc biệt có khả năng nắm được đặc điểm hết sức hợp lý và đầy nhân bản của nguyên tắc nền tảng này” (34).

Xem ra trình tự của luận điểm này như sau: trước nhất, hôn nhân và tình yêu vợ chồng có cả hai ý nghĩa kết hợp và sinh sản, hai ý nghĩa này liên kết với nhau từ trong yếu tính. Các liên hệ tính dục của vợ chồng cần phải duy trì ý nghĩa trọn vẹn của tình yêu phu phụ, và do đó, cần phải phối hợp cả hai ý nghĩa kết hợp và sinh sản. Ngừa thai nhân tạo ngăn cản việc phối hợp ấy.

Tại sao kết luận của Đức Phaolô VI liên quan đến ngừa thai nhân tạo lại khác với kết luận của phúc trình đa số? Về bản chất của hôn nhân và tình yêu phu phụ, Đức Phaolô VI xem ra nhất trí một cách tổng quát với phúc trình đa số. Sự khác nhau nằm ở chỗ: đây là hai cách đối nghịch nhau trong việc áp dụng luật tổng quát vào các trường hợp đặc thù. Nói cụ thể hơn, Đức Phaolô VI cho rằng ngừa thai nhân tạo là điều tự nó xấu và không bao giờ được phép cả. Điều này không cho ta sử dụng toàn diện tính của hôn nhân làm lý do biện minh cho việc ngừa thai nhân tạo dù là trong các trường hợp đặc thù. Nó cũng loại bỏ việc cho phép ngừa thai nhân tạo, coi nó như sự xấu ít xấu hơn trong một số trường hợp.

Thông điệp không đưa ra lý do cho việc tiếp nhận ý niệm sự xấu nội tại hay cho việc bác bỏ toàn diện tính của hôn nhân hay cho phép ngừa thai như một sự xấu ít xấu hơn. Những điểm này đem lại một phạm vi quan trọng để thần học tìm hiểu thêm, vì chúng là những lý do biểu kiến để Đức Phaolô VI không chấp nhận các kết luận của phúc trình đa số.

Tại sao Đức Phaolô VI đã nghiêng về các lý do đó để chống lại ý kiến của phúc trình đa số? Ngài tuyên bố rằng các kết luận của ủy ban không có tính quyết định, nhưng đòi có suy nghĩ thêm của bản thân ngài “… trên hết vì một số tiêu chuẩn cho giải pháp đã đi trệch ra ngoài giáo huấn luân lý về hôn nhân từng được thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội cương quyết và nhất quán đưa ra” (35). Cho nên, dù không dừng lại lâu ở vấn đề truyền thống và huấn quyền, nhưng xem ra đây là lý do quan trọng, có lẽ đứng hàng đầu, để ngài kết luận về ngừa thai. 

Đức Phaolô VI đồng ý với Hiến Chế Gaudium et Spes rằng cha mẹ phải chịu trách nhiệm về việc quyết định con số con cái “… hoặc cố ý và quảng đại quyết định gầy dựng một gia đình đông đúc hoặc vì những động lực quan trọng và với lòng tôn trọng đối với luật luân lý, họ quyết định tránh né tạm thời, hay trong một thời kỳ vô định, việc có con khác”(36). Khi có những lý do chính đáng để tránh việc có thai, tiết dục định kỳ là điều có thể sử dụng được. Đức Phaolô VI lý luận rằng tiết dục định kỳ rất khác với ngừa thai nhân tạo. Việc thứ nhất chỉ sử dụng hợp pháp một diễn trình tự nhiên, trong khi việc sau ngăn cản diễn trình tự nhiên không được khai triển. 

Tuyên Bố về Đạo Đức Tính Dục

Tháng 12 năm 1975, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cho ấn hành “Tuyên Bố về Một Số Vấn Đề Liên Quan Tới Đạo Đức Học Tính Dục”. Mục đích chính của Tuyên Bố này là cảnh cáo người ta trước một số sai lầm hiện nay.

Bản Tuyên Bố nhấn mạnh rằng có những tiêu chuẩn luân lý khách quan phù hợp với bản chất con người nhân bản. Các tiêu chuẩn này được luật tự nhiên là luật vốn được khắc ghi trong trái tim con người nhận biết. Mạc khải giúp ta biết thêm các tiêu chuẩn luân lý. Một số qui luật luân lý, trong đó, có các qui luật luân lý về tính dục, là các đòi hỏi bất di bất dịch của bản chất con người, chứ không phải chỉ là sản phẩm của văn hóa sẽ thay đổi khi văn hóa thay đổi. 

Dựa vào đoạn 51 của Gaudium et Spes, Tuyên Bố này cho rằng: các tiêu chuẩn luân lý khách quan điều hướng các hành vi tính dục là các tiêu chuẩn duy trì được trọn vẹn ý hướng của việc hiến thân cho nhau và của việc sinh sản con cái trong ngữ cảnh tình yêu đích thực. Nghĩa là, các qui luật tính dục sẽ có giá trị nếu chúng duy trì được trọn vẹn ý hướng của việc hiến thân cho nhau và của việc sinh sản con cái trong ngữ cảnh tình yêu đích thực. Một lần nữa, tính kết hợp và tính sinh sản được liên kết chặt chẽ với nhau.

Từ nền tảng ấy, Tuyên Bố tiến qua việc đánh giá một số loại tác phong tính dục. Nó lên án việc làm tình trước hôn nhân, vì chỉ trong một hôn nhân bền vững, ý hướng trọn vẹn của việc hiến thân cho nhau và việc sinh sản con cái trong ngữ cảnh tình yêu đích thực mới được duy trì. Làm tình trước hôn nhân không thể có tính sinh sản một cách thích đáng vì nó thiếu đơn vị gia đình bền vững trong đó, con cái được dưỡng dục đầy đủ. Chỉ trong cam kết bền vững của hôn nhân, mới có sự bảo đảm của thành thực và trung thành, chống lại mọi thất thường và tùy hứng. 

Cũng một nền tảng trên được sử dụng để lân án các hoạt động đồng tính. Các hoạt động này sai vì chúng không phục vụ ý hướng trọn vẹn của việc hiến thân cho nhau và của việc sinh sản con cái trong ngữ cảnh tình yêu đích thực.Thủ dâm cũng bị lên án dựa vào nền tảng này. Tuyên Bố coi nó là vô trật tự một cách nội tại và trầm trọng. 

Tuyên Bố cũng cho hay: tâm lý học cho thấy nhiều nhân tố, như sự thiếu chín chắn của tuổi thiếu niên, có thể làm giảm trách nhiệm trong trường hợp phạm tội tính dục. Tuy nhiên, người ta không nên đi quá xa đến chỗ giả thuyết một cách dễ dãi rằng người ta không chịu trách nhiệm nặng nề bao nhiêu khi phạm tội tính dục. Muốn đánh giá trách nhiệm trong các trường hợp đặc thù, ta phải lưu ý tới tác phong thông thường của con người và việc họ thành thực sử dụng các phương tiện cần thiết để thắng vượt các tội về tính dục. Nói cách khác, hình như Tuyên Bố muốn nói rằng nếu người nào thông thường vẫn cố gắng làm điều đúng và nghiêm chỉnh sử dụng việc cầu nguyện cũng như các phương thế khác, thì ta có lý để tin rằng họ không hoàn toàn chịu trách nhiệm về một sai phạm đặc thù nào đó và do đó, không nên coi sai phạm này như một tội trọng.

Tuyên Bố nhận định về ý niệm chọn lựa căn bản (fundamental option). Nó chống lại ý tưởng cho rằng tội trọng chỉ xẩy ra khi ta chính thức từ khước tình yêu của Chúa hoặc hoàn toàn và cố ý đóng cửa lòng mình trước tình yêu tha nhân. Tội trọng có thể xẩy ra vì ta mặc nhiên khước từ Thiên Chúa khi chọn lựa bất cứ điều gì vô trật tự một cách nghiêm trọng về phương diện luân lý. Do đó, tội tính dục vẫn có thể là tội nặng.

Hơn nữa, tội nặng có thể xẩy ra trong một hành vi. Mặt khác, theo nhấn mạnh của Tuyên Bố, “đúng là trong các tội thuộc phạm vi tính dục, xét theo chủng loại và nguyên nhân của chúng, nó dễ dàng xẩy ra đến độ sự tự do ưng thuận không hẳn hoàn toàn được đưa ra”.

Tuyên Bố nhấn mạnh thêm rằng đức trong sạch không hệ ở việc chỉ tránh phạm lỗi mà thôi. Nó còn bao gồm một điều gì đó tích cực hơn. Nó là một nhân đức liên hệ đến toàn bộ nhân cách, cả tác phong bên trong lẫn tác phong bên ngoài. Theo Tuyên Bố, điều quan trọng là đức trong sạch giải phóng con người để họ bước chân theo Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn.

Một số câu hỏi

Duyệt qua giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo về tính dục, hôn nhân và gia đình kể từ năm 1918 tới năm 1975, ta thấy nổi lên một số câu hỏi sau đây:

Thứ nhất, trong hôn nhân, đâu là mối tương quan giữa các khía cạnh kết hợp và sinh sản? Hay một cách tổng quát hơn, tại sao tính dục và hôn nhân, trong yếu tính, lại qui hướng về sinh sản? Vatican II, phúc trình đa số của ủy ban giáo hoàng, và thông điệp Sự Sống Con Người, tất cả đều nhất trí cho rằng tính dục và hôn nhân, trong yếu tính, được qui hướng về việc sinh sản. Tuy nhiên, giữa các nhà thần học Công Giáo ngày nay, sự nhất trí này không còn tự động nữa. Bên ngoài Giáo Hội, người ta ít hỗ trợ giáo huấn chính thức này. 

Câu hỏi thứ hai: cho rằng tính dục và hôn nhân có xu thế phổ quát hướng về việc sinh sản, nhưng tại sao ta phải kết luận rằng ngừa thai nhân tạo là sai trong mọi trường hợp? Tại sao ta phải nhận rằng ngừa thai là điều xấu từ trong nội tại? Tại sao ta không được dựa vào toàn diện tính của hôn nhân, vào các giá trị khác trong hoàn cảnh riêng, để cho phép ngừa thai nhân tạo trong các trường hợp đặc thù, ít nhất coi nó như sự xấu ít xấu hơn? Nói tổng quát hơn, há các đòi hỏi của một tình thế lại không biện minh được các luật trừ đối với qui luật của đạo đức học tính dục hay sao?

Câu hỏi thứ ba: ta phải coi trọng đến đâu giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo Rôma về nền đạo đức học tính dục và hôn nhân? Một số người cho rằng việc kết án ngừa thai nhân tạo vốn được truyền dạy một cách vô ngộ (37). Một số khác cho rằng thẩm quyền vô ngộ của giáo huấn luân lý chỉ giới hạn trong các nguyên tắc tổng quát và đối với những vấn đề chắc chắn được mạc khải trong Thánh Kinh. Phúc trình đa số xem ra muốn phân biệt hai bình diện. Trên bình diện các giá trị căn bản, giáo huấn của Giáo Hội mãi mãi bất biến. Nhưng trên bình diện khác, có thể chấp nhận thay đổi mà không bất trung với truyền thống. Chủ trương trung dung này có thể chấp nhận được chăng?

Ghi chú

(1) Casti Connubii, đoạn 5. 
(2) Đoạn 17.
(3) Đoạn 11.
(4) Đoạn 11-13.
(5) Đoạn 59.
(6) Đoạn 9.
(7) Đoạn 7.
(8) Đoạn 23.
(9) Đoạn 23.
(10) Đoạn 24.
(11) Đoạn 18.
(12) Đoạn 54.
(13) Đoạn 37.
(14) Đoạn 123.
(15) Vonn Sinn Und Zweck Der Ehe (Breslau: Osterdeutsche Verlag).
(16) Ấn hành tại New York do Nhà Sheed and Ward.
(17) The Meaning of Marriage, các tr. 87-88.
(18) Acta Apostolicae Sedis 36 (1944): 103.
(19) Bản dịch tiếng Anh các phần liên hệ của phán quyết này có thể đọc trong Love and Sexuality, do Odile M. Liebard chủ biên (Wilmington, N.C.: McGrath, 1978) các tr.71-83.
(20) Xem diễn văn của ngài trước Toà Tối Cao Rôma ngày 29 tháng 10, năm 1941, Clergy Review 22 (1942): 84-88; và bài diễn văn trước các cô đỡ , ngày 19 tháng 10, năm 1951, trong Love and Sexuality, tr.117.
(21) Xem diễn văn trước các cô đỡ, Love and Sexuality, tr.117 và diễn văn ngày 19 tháng 5, năm 1956, vừa dẫn, tr.175-176.
(22) Xem diễn văn của ngài ngày 12 tháng 11, năm 1944, trong Love and Sexuality tr.92.
(23) Xem diễn văn trước các cô đỡ, Love and Sexuality, tr. 116.
(24) Love and Sexuality, tr.113.
(25) Diễn văn ngày 29 tháng 9, năm 1949, Love and Sexuality, các tr. 96-100; diễn văn trước các cô đỡ, 19 tháng 10, năm 1951, Love and Sexuality, 117-118.
(26) Diễn văn ngày 19 tháng 5, năm 1956, Love and Sexuality, tr.177.
(27) Love and Sexuality, các tr. 240-241.
(28) Gaudium et Spes, Đoạn 49.
(29) Gaudium et Spes, Đoạn 48. 
(30) Đoạn 48. Xem thêm Đoạn 50.
(31) Vì các hạn từ này rất chủ yếu trong cuộc thảo luận của chúng ta và thường hay được trích dẫn, thiết nghĩ nên trích thẳng từ bản Latinh của văn kiện gốc.Văn kiện này, sau khi nói rằng phán đoán luân lý không nên chỉ dựa vào ý ngay hay việc đánh giá các động lực, đã viết như thế này: “… sed objectivis criteriis, ex personae ejusdemque actuum natura desumptis, determinari debet, quae integrum sensum mutuae donationis ac humanae procreationis in contextu veri amoris observant”. Người ta có thể lý luận rằng khi nhấn mạnh việc vợ chồng phải duy trì ý hướng trọn vẹn của việc hiến thân cho nhau và việc sinh sản trong ngữ cảnh tình yêu đích thực, văn kiện này đã bác bỏ ngừa thai nhân tạo. Tuy nhiên, điều đó không hẳn là cách hiểu phổ quát của các nghị phụ Công Đồng. Được Đức GH Phaolô chỉ thị không được tuyên bố gì về vấn đề ngừa thai nhân tạo, các vị này không dám đề cập đến vấn đề này cả trong nguyên tắc.
(32) Tài liệu thứ nhất, thứ ba và thứ bốn được công bố trên tờ The Tablet, 221 (1967): 449-454; 478-485; 510-513. Tài liệu thứ nhất và tài liệu thứ hai có trong Love and Sexuality, các tr. 296-320.
(33) Sự Sống Con Người, Đoạn 8.
(34) Đoạn 12.
(35) Đoạn 6.
(36) Đoạn 10.
(37) Xem “Contraception and the Infallibility of the Ordinary Magisterium” của J.C. Ford và G. Grisez, Theological Studies 39 (1978): 258-312, nhất là trang 312.

Vũ Văn An

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Giáo huấn Công Giáo về Tính dục 5

Vũ Văn An9/17/2012

IV. Giáo huấn của huấn quyền từ 1918 đến nay

Bộ Giáo Luật

Bài này giở lại lịch sử giáo huấn của huấn quyền Công Giáo từ năm 1918 đến nay. Năm 1918 vốn là năm Bộ Giáo Luật hiện đại có hiệu lực. Bộ Luật này có một số tuyên bố thần học về hôn nhân. Một trong các tuyên bố ấy đề cập tới mục đích của hôn nhân. Đoạn đầu của điều 1013 nói rằng “Mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái; mục đích đệ nhị đẳng của nó là giúp đỡ lẫn nhau và làm dịu tư dục”.

Vì cuộc tranh cãi sau này, ta nên xem xét cẩn thận hơn thực ra Bộ Giáo Luật muốn nói gì. Phần lớn người ta có cảm giác rằng theo Bộ Luật này, tình yêu hỗ tương của vợ chồng chỉ là mục đích hàng thứ hai của hôn nhân. Nhưng thực ra, Bộ Luật này không hề nói đến tình yêu hỗ tương của vợ chồng như một mục đích của hôn nhân, kể cả thuộc hàng thứ nhất lẫn thuộc hàng thứ hai.

Điều trên quả đáng lưu ý. Mục đích là đối tượng của hành vi ý chí. Ai cũng coi việc lớn mạnh của tình yêu là một trong các mục đích của hôn nhân. Như thế, tình yêu hẳn phải là một mục đích của hôn nhân. Tuy nhiên, nó là một mục đích theo nghĩa đặc biệt. Tình yêu đang bàn ở đây tự nó là một hành vi của ý chí, đáp ứng các mục đích và sự thiện khác vốn là đối tượng của tình yêu, tức những người ta yêu và phúc lợi của họ. Tình yêu trong trường hợp này là một mục đích, để đáp ứng một sự thiện hay một mục đích có tính tối hậu hơn. Chính vì lý do này, một số tư tưởng gia, tức những người vốn chủ trương rằng tình yêu có tính chủ yếu đối với hôn nhân Kitô Giáo, đã không muốn phát biểu tính chủ yếu ấy bằng cách gọi tình yêu là một mục đích của hôn nhân. 

Bộ Giáo Luật cũng không coi việc sinh sản theo sinh học mà thôi là mục đích chính của hôn nhân. Mục đích chính ấy chính là việc “sinh sản và giáo dục con cái”. Điều 1113 giải thích như sau: “Cha mẹ bị bó buộc bởi một bổn phận hết sức nghiêm trọng là phải cố gắng hết sức để cung cấp cho con cái mình một giáo dục về tôn giáo và luân lý cũng như về thể lý và công dân, đồng thời cung cấp cho chúng các phúc lợi phàm trần”. Bộ Luật này, vì thế, coi hôn nhân như một định chế mà mục đích chính là thiện ích nhân bản toàn diện của thế hệ sắp đến. 

Thế giá trong giáo huấn thần học của Bộ Luật về hôn nhân ra sao? Khi đưa ra một số nguyên tắc thần học trong Bộ Luật, Giáo Hội không có chủ ý giải quyết các tranh luận về thần học. Giáo Hội chỉ chủ ý trình bày một hậu cảnh thần học nào đó cho Bộ Luật mà thôi. Vì mục đích này, Giáo Hội đã tiếp nhận một số nguyên tắc thần học thường được chấp nhận trong Giáo Hội thời đó. Một số các nguyên tắc này từng được nhiều vị giáo hoàng và thánh công đồng truyền dạy. Một số không. Thành thử, việc bao gồm các nguyên tắc này vào Bộ Luật không nên được giải thích như là chúng được truyền dạy với một thế giá mới. 

Casti Connubii

Ngày 31 tháng 12, năm 1930, Đức GH Piô XI cho công bố thông điệp Casti Connubii về hôn nhân Kitô Giáo. Xét về một phương diện nào đó, thông điệp này là một đáp ứng đối với Hội Nghị Lambeth cùng năm. Trong Hội Nghị này, lần đầu tiên Giáo Hội Anh Giáo không còn chính thức bác bỏ việc ngừa thai nhân tạo nữa. Tuy nhiên, Casti Connubii không chỉ giới hạn vào vấn đề ngừa thai nhân tạo mà thôi. Nó bao trùm nhiều chủ đề hơn liên quan tới việc thế giới hiện đại bác bỏ hay làm ngơ giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo. 

Thông điệp này xem ra tiền giả thiết điều người ta thường gọi là quan niệm hữu cơ về hôn nhân. Một số “nhà canh tân” thích thấy định chế hôn nhân bị loại bỏ hay ít nhất cũng được tái cấu trúc một cách triệt để. Chủ trương ấy đi ngược lại những người có quan niệm hữu cơ về các định chế xã hội. Một bác sĩ y khoa không khởi đầu với ý niệm trừu tượng về cấu trúc hợp lý của cơ thể con người, rồi mới tháo tung nó ra để sau đó sắp xếp nó lại một cách hợp lý hơn. Cũng vậy, hôn nhân hiện hữu và sinh hoạt trước khi các lý thuyết gia nghiên cứu về nó. Hôn nhân sử dụng và điều hướng một số năng lực và bản năng con người, nó thoả mãn một số nhu cầu, và lên khuôn một số nguyên tắc học được do mò mẫm (trial and error), trước khi người ta nghiên cứu nó về phương diện lý thuyết. Theo quan điểm hữu cơ, nhà canh tân hôn nhân không nên cố gắng tiêu diệt định chế hiện có để xây dựng một định chế khác thay thế theo cái nhìn trừu tượng và phiến diện về điều cần làm và điều có thể làm được. Giống nhà y sĩ, nhà canh tân hôn nhân nên khiêm nhường, biết học hỏi từ những điều hiện có và tôn trọng các đòi hỏi phát sinh từ bản chất chúng. 

Casti Connubii không minh nhiên tiếp nhận quan điểm hữu cơ này, nhưng xem ra muốn ngầm nói đến nó. Đoạn 6 viết như sau: “bản chất hôn nhân hoàn toàn tùy thuộc ý chí tự do của con người, đến nỗi nếu ai đã từng kết ước hôn nhân, thì do đó, họ bị lệ thuộc vào luật lệ cũng như các đặc điểm do Thiên Chúa thiết lập” (1). Các đoạn 49 và 50 lý luận rằng hôn nhân do Thiên Chúa thiết lập, Người là tác giả của thiên nhiên. Luận chứng này hình như muốn nói: chính khi tạo nên bản chất sự vật, Thiên Chúa đã tạo nên hôn nhân. Hôn nhân không phải là điều Thiên Chúa tùy hứng tạo nên mà là một định chế phát sinh từ bản chất con người nhân bản. Từ đó, thông điệp kết luận rằng vì hôn nhân do Chúa dựng nên, nên nó có những lề luật mà con người nhân bản phải tuân theo; lề luật này không thay đổi. Điểm vừa nói được Đức Piô XI quảng diễn tại đoạn 95, trong đó, ngài có trưng dẫn Đức Lêô XIII.

“Luật lệ do Chúa thiết lập là: bất cứ sự vật nào do Chúa, tác giả của Thiên Nhiên, lập ra, ta đều thấy hết sức có ích và bổ ích; trong tình trạng tự nhiên ấy, chúng mãi mãi không suy yếu và không thay đổi; bao lâu Thiên Chúa, đấng dựng nên mọi sự, biết rõ điều gì thích hợp với việc tạo dựng và duy trì từng tạo vật, thì hẳn Người sẽ dùng ý chí và tâm trí để sắp đặt mọi loài hầu chúng đạt được mục tiêu của chúng. Nhưng nếu sự táo bạo và ác tâm của con người thay đổi và làm rối loạn trật tự do Thiên Chúa sắp đặt ấy, thì quả tình sự vật, từng được xếp đặt một cách kỳ diệu như thế, sẽ bắt đầu bị thương tổn, hay hết còn hữu ích nữa, hoặc bởi vì trong lúc thay đổi, chúng đã đánh mất khả năng gây ích của chúng hay bởi vì Thiên Chúa muốn trút trừng phạt xuống lòng kiêu ngạo và hợm hĩnh của con người”.

Điều đáng nói liên quan đến chúng ta ở đây là việc Đức Piô XI thảo luận về các mục đích của hôn nhân. Ngài trích dẫn Điều Giáo Luật 1013: “Mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái” (2). Ở chỗ khác, ngài nhấn mạnh một lần nữa tới tính ưu việt của sinh sản. “Như thế, trong các ơn phúc của hôn nhân, con cái đứng hàng đầu” (3). Con cái không những phải có cuộc sống tốt đẹp và xứng đáng ở đời mà còn có sự sống đời đời nữa. Mục đích cao cả của hôn nhân là cho ra đời những đứa con; những đứa con này sẽ trở nên chi thể của Chúa Kitô và sẽ được hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa (4).

Trong số các mục đích đệ nhị đẳng của hôn nhân, Đức Piô XI liệt kê hai mục đích được giáo luật nhắc tới, tức giúp đỡ lẫn nhau và làm dịu tư dục. Ngài thêm mục đích thứ ba, vun đắp tình yêu hỗ tương (5).

Điều rõ ràng là Đức Piô XI không coi các khía cạnh kết hợp này (yêu thương và giúp đỡ nhau) là không quan trọng. Về sự kết hợp vợ chồng, ngài nói tới việc “trao phó một cách đại lượng chính con người mình cho người khác suốt đời” (6). Ở xa hơn, ngài viết: “Bởi thế, nhờ hôn nhân, tâm trí những người kết ứơc được kết hợp và gắn bó với nhau một cách thân thiết hơn cả thân xác họ, không phải chỉ bằng sự âu yếm mau qua của giác quan hay trái tim, mà bằng hành vi hữu thức và chắc chắn của ý chí” (7).

Tình yêu hỗ tương của vợ chồng khuyến khích họ giúp đỡ nhau. Đức Piô XI khai triển thêm phạm vi của phạm trù cổ điển này, tức sự giúp đỡ lẫn nhau: “Sự biểu lộ tình yêu ra bên ngoài này trong gia đình không những đòi họ phải giúp đỡ lẫn nhau, mà họ còn phải đi xa hơn thế; người chồng và người vợ phải đặt làm mục tiêu đệ nhất đẳng việc giúp đỡ nhau hàng ngày bằng cách tự đào luyện và hoàn thiện hóa đời sống nội tâm, để nhờ việc chia sẻ cuộc sống chung, mỗi ngày họ mỗi tiến xa hơn trên đường nhân đức, và trên hết lớn mạnh về tình yêu chân thực đối với Chúa và tha nhân” (8).

Có lý để tin rằng Đức Piô XI không hoàn toàn hài lòng với việc coi các yếu tố kết hợp này chỉ như các mục đích đệ nhị đẳng của hôn nhân. Ngài nói như sau về tình yêu giữa vợ và chồng: Tình yêu này “bàng bạc trong mọi bổn phận của cuộc sống phu phụ và giữ vị trí hãnh diện trong hôn nhân Kitô Giáo” (9). Còn về tình yêu hỗ tương của vợ chồng, ngài viết: “Như sách Giáo Lý Rôma vốn dạy, việc lên khuôn lẫn nhau từ bên trong giữa vợ chồng này, cố gắng cương quyết để hoàn thiện nhau này, theo một nghĩa chân thực, quả có thể nói là lý do và mục đích chính của hôn nhân, miễn là nhìn hôn nhân không theo nghĩa hạn chế, tức nghĩa được thiết lập cho việc sinh sản và giáo dục con cái, mà theo nghĩa rộng rãi hơn như là sự hoà lẫn cuộc đời với nhau thành một và là sự trao đổi và chia sẽ lẫn cho nhau” (10). 

Xem ra, Đức Piô XI muốn nhấn mạnh tới hai điểm mà trong nền thần học lúc bấy giờ khó có thể phát biểu trong một công thức duy nhất. Điểm thứ nhất: hôn nhân có xu hướng chủ yếu là con cái. Điểm thứ hai, tình yêu và sự giúp đỡ hỗ tương giữa vợ chồng có một tầm quan trọng đến nỗi không thể diễn tả chúng một cách thích đáng nếu chỉ gọi chúng là các mục đích đệ nhị đẳng. Tuy nhiên, thêm mục đích đệ nhất đẳng thứ hai cho hôn nhân có những khó khăn của nó mà ta sẽ thấy khi đề cập tới các văn kiện khác. Vì thế, Đức Piô XI đã phải sử dụng đến một kiểu nói mập mờ “hai đệ nhất đẳng” (two primacies) theo hai cái nhìn khác nhau. 

Về các mối liên hệ bên ngoài hôn nhân, thông điệp lặp lại giáo huấn cổ truyền của Giáo Hội như sau: “Cuối cùng, đừng quên ghi nhớ rằng vì nhiệm vụ 2 mặt được trao phó cho cha mẹ để gây ích lợi cho con cái họ hết sức cao quí và rất quan trọng, nên mọi việc sử dụng hợp pháp khả năng do Chúa ban để sản sinh ra sự sống mới, do luật Chúa và do bản chất, chỉ là quyền lợi và đặc ân của bậc sống hôn nhân mà thôi, và phải được giới hạn một cách tuyệt đối trong phạm vi của bậc sống thánh thiện ấy” (11).

Thứ tự của luận chứng trên rất đáng chú ý. Đức Piô XI không chỉ đặt căn bản cho việc bác bỏ dâm dật và ngoại tình trên sự phân tích về tính dục sinh học mà thôi. Căn bản của ngài là bản chất và mục đích của định chế hôn nhân. Phải hướng tính dục về sinh sản là một chân lý được nhìn trong ngữ cảnh xu hướng sinh sản của hôn nhân. 

Trong các đoạn 53 tới 59, Đức Piô XI lên án việc ngừa thai nhân tạo là tội nặng, và chỉ thị cho các cha giải tội phải tuân theo giáo huấn này. Một số soạn giả than phiền là ở đây, Đức Piô XI sử dụng lối suy luận duy sinh học. Trong phạm vi luân lý, lối suy luận này khởi đầu bằng cách khám phá xem xu hướng của khả năng thể lý nghiêng về mục đích nào, để rồi biến mục đích ấy thành nguyên tắc luân lý. Trong đạo đức học tính dục, phương thức duy sinh học cho rằng các cơ quan tính dục và các đáp ứng tính dục đã được thiết dựng để sinh sản con cái, và họ kết luận rằng do đó, việc sinh sản con cái là mục đích chính đáng của tính dục, và sử dụng tính dục cho bất cứ mục đích nào khác đều là vô luân. Trong đạo đức học, phương thức duy sinh học mở đường cho nhiều phản bác nghiêm túc.

Khi lên án ngừa thai nhân tạo, Đức Piô XI có thực sự dựa vào phương thức duy sinh học hay không? Một vài trích đoạn có thể cho thấy quả ngài có làm như thế. Ngài từng viết rằng ngừa thai nhân tạo “chống lại thiên nhiên từ trong nội tại”, và “do đó, vì hành vi vợ chồng được thiên nhiên chủ yếu nhằm sinh sản con cái, nên những ai, khi thực hành nó, cố tình làm hỏng năng lực và mục đích tự nhiên của nó, là phạm tội chống lại tự nhiên và làm một việc đáng xấu hổ và xấu xa từ trong nội tại” (12). Tuy nhiên, xét toàn ngữ cảnh thông điệp, “phù hợp với tự nhiên” ở đây không được xác định qua việc xem xét khía cạnh thể lý mà thôi mà là xem xét toàn diện bản chất và mục đích của hôn nhân. 

Đoạn 59 quả quyết rằng người phối ngẫu nào trong cuộc hôn nhân cũng có bổn phận phải thuyết phục người phối ngẫu kia không nên dùng phương pháp ngừa thai nhân tạo. Tuy thế, không ai bị buộc phải khước từ giao hợp tính dục với người phối ngẫu cứ nằng nặc đòi dùng phương tiện ngừa thai. Đoạn này cũng viết rằng: vợ chồng cũng có thể giao hợp khi, vì các lý do tự nhiên, việc thụ thai không thể xẩy ra. Giao hợp trong các thời điểm này có thể phục vụ các mục đích khác như giúp đỡ lẫn nhau hay vun sới tình yêu hỗ tương, và người ta có thể theo đuổi các mục đích đệ nhị đẳng này miễn là chúng tùy thuộc các mục đích đệ nhất đẳng và bao lâu bản chất nội tại của hành vi giao hợp được duy trì. Như thế, Đức Piô XI quả có bác bỏ quan điểm quá cứng ngắc của một số nhà thần học trước đó, là những vị chỉ cho phép giao hợp tính dục vì mục đích sinh sản con cái mà thôi và chỉ khi nào việc sinh sản đó có thể xẩy ra. Năm 1930, các nghiên cứu của Ogino và Knaus về những thời điểm không thể có thai chưa mang lại kết quả giúp người ta có thể sử dụng việc tiết dục định kỳ như một phương thế tránh có thai. Do đó, người ta không rõ: trong Casti Connubii, Đức Piô XI có nghĩ đến việc tiết dục định kỳ như một chiến lược dài hạn để tránh thai nghén hay không.

Vì thông điệp định vị ý nghĩa tính dục trong ngữ cảnh hôn nhân, nên nó cũng định vị hôn nhân trong ngữ cảnh xã hội nói chung. Sự ổn định của hôn nhân là nguồn phong phú cho các thói quen liêm chính và việc bảo vệ phúc lợi quốc gia (13). “Sự thịnh vượng của quốc gia và hạnh phúc trần thế của người dân không thể nào an toàn và vững mạnh được khi nền tảng của chúng, vốn thuộc trật tự luân lý, suy yếu đi, và khi chính nguồn gốc mà từ đó, quốc gia rút tỉa được sự sống của mình, tức hôn nhân và gia đình, bị các thói hư của các công dân làm cho tắc nghẽn” (14).

Herbert Doms và Ý Nghĩa Hôn Nhân

Thập niên 1930 được chứng kiến cuộc tranh cãi rất linh động trong Giáo Hội Công Giáo về quan điểm được phát biểu trong Bộ Giáo Luật liên quan đến các mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng của hôn nhân. Năm 1935, Herbert Doms, một linh mục triều người Đức, cho công bố một cuốn sách (15) mà bản dịch tiếng Anh, xuất bản năm 1939, có tựa là “The Meaning of Marriage” (Ý Nghĩa Hôn Nhân). Doms cho rằng theo Bộ Giáo Luật, xem ra ý nghĩa của hôn nhân chỉ phát sinh từ điều được gọi là mục đích đệ nhất đẳng của nó mà thôi, tức việc sinh sản và giáo dục con cái. Doms không bác bỏ việc hôn nhân có mục đích ấy, nhưng ngài nhấn mạnh rằng tự nó, hôn nhân có một ý nghĩa biệt lập đối với mục đích ấy.

“Kết cấu của hôn nhân, tức việc hợp nhất của hai người, không hệ ở việc họ tùng phục một mục đích ở ngoài họ mà vì thế họ kết hôn. Nó hệ ở việc vợ chồng luôn luôn qui hướng về nhau cho tới khi họ trở nên một. Nếu như thế, thì do quan điểm này, không còn đủ lý do nữa để nói tới việc sinh sản như là mục đích đệ nhất đẳng (theo nghĩa của Thánh Tôma) và phân rẽ các mục đích khác như là đệ nhị đẳng… có lẽ trong tương lai, tốt nhất ta nên bỏ việc dùng các thuật ngữ như “đệ nhất đẳng” và “đệ nhị đẳng” để nói về mục đích của hôn nhân” (17). 

Doms phân biệt giữa ý nghĩa của hôn nhân và mục đích của nó. Ý nghĩa của hôn nhân và hoạt động tính dục bên trong hôn nhân hệ ở việc thực sự thể hiện sự nên một của hai con người. Ngoài ý nghĩa này, hôn nhân có hai mục đích. Mục đích bản thân là bổ túc và hoàn thiện lẫn nhau trên mọi bình diện. Mục đích chuyên biệt (tức mục đích đem lại cho hôn nhân bản chất khác biệt của nó) là con cái. Hai mục đích này đều nhất đẳng cả, chứ không mục đích nào phụ thuộc mục đích nào. 

Tòa Tối Cao Rôma, năm 1944

Các quan điểm của Doms làm nổi lên nhiều phản ứng đáng lưu ý. Tuy nhiên, chúng không thuyết phục được Rôma trong điểm chủ yếu. Ngày 1 tháng 4 năm 1944, một sắc lệnh của Thánh Bộ Đức Tin (18) quả quyết rằng sinh sản và giáo dục con cái phải được coi là mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân và không mục đích nào khác được coi là mục đích chính ngang hàng như thế. Các mục đích ấy phải được coi là các mục đích đệ nhị đẳng và tùy thuộc mục đích đệ nhất đẳng kia. Trong sắc lệnh này, và trong một “phán quyết” của Tòa Tối Cao Rôma trước đó cùng năm (19), tên của Doms không bị nhắc đến nhưng ai cũng rõ các quan điểm của ông bị bác bỏ.

Phán quyết của Tòa Tối Cao Rôma nại tới một nguyên tắc của Thánh Tôma cho rằng: mục đích chuyên biệt hóa thực tại. Áp dụng vào hoạt động, điều ấy có nghĩa: mục đích xác định ra bản chất của hoạt động. Nếu mục đích của bạn là cắt bỏ khối u trong óc, thì điều này buộc phải có một loại hành động nào đó. Nếu mục đích của bạn là đậu kỳ thi toán, thì điều này lại đòi phải có một loại hành động khác hẳn.

Một hoạt động có thể phục vụ hai mục đích cùng một lúc. Bạn có thể từ sở chạy bộ về nhà vừa như một mục đích giữ cho bạn được cứng cáp khỏe mạnh vừa như một phương thế để trở về nhà. Doms cho rằng hôn nhân có hai mục đích, cả hai đều nhất đẳng cả, và không mục đích nào tùy thuộc mục đích nào. Theo Tòa Tối Cao Rôma, điều đó có nghĩa trong hôn nhân, có hai khía cạnh khác biệt nhau, tức khía cạnh hôn nhân được qui hướng vào việc hai vợ chồng cùng bổ túc và hoàn thiện lẫn nhau, khía cạnh kia qui hướng về con cái; hai khía cạnh này chỉ kết hợp với nhau một cách ngẫu nhiên chứ không theo yếu tính. Nhưng nếu giữa chúng không có mối tương quan theo yếu tính nào, thì cũng sẽ không có lý do thần học nào để giữ cho chúng được kết hợp với nhau. Nếu người nào đó chỉ muốn có khía cạnh này mà không muốn có khía cạnh kia, thì chả có lý do gì để họ không được làm như thế. Nhưng hệ luận đó, Toà Tối Cao không thể chấp nhận được.

Tóm lại, xem ra Tòa Tối Cao Rôma muốn bác bỏ quan niệm cho rằng hôn nhân có hai mục đích đệ nhất đẳng, vì điều này sẽ phá hủy mối tương quan theo yếu tính giữa các mục đích, và mở cửa rộng cho việc cho phép lấy nhau mà bất cần xu thế sinh sản. Điều đáng lưu ý là ít năm sau đó, nhiều nhà thần học Công Giáo đã chấp nhận việc hôn nhân có hai mục đích đệ nhất đẳng bằng cách cho phép các cặp biết rõ là mình không thể có con được lấy nhau.

Người ta có thể đặt câu hỏi: những cuộc hôn nhân tự biết rõ mình không thể có con có gì sai? Phán quytế của Toà Tối Cao năm 1944 không đề cập đến vấn đề này, vì Doms và những người theo ngài không hề bác bỏ mục đích yếu tính của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái. 

Nếu hai mục đích của hôn nhân không độc lập với nhau, thì điều gì liên kết chúng lại? Tòa Tối Cao cho rằng mục đích đệ nhị đẳng tùy thuộc mục đích đệ nhất đẳng. Nghĩa là: việc giúp đỡ và hoàn thiện nhau của vợ chồng được qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái. Điều này nêu lên nghi vấn. Vợ chồng có được phép theo đuổi các mục đích đệ nhị đẳng này không phải chỉ vì phải tôn trọng việc sinh sản mà còn vì các ly do khác hay không? Chắc chắn họ được phép; thực vậy, chỉ triển khai tình yêu với người phối ngẫu và giúp đỡ họ vì mục đích sinh sản mà thôi xem ra vi phạm chính ý nghĩa của tình yêu dành cho người phối ngẫu. Tuy nhiên, nếu người ta có thể theo đuổi các mục đích có tính kết hợp này không phải như tùy thuộc việc sinh sản, thì các mục đích này, do đó, có trở thành các mục đích đệ nhất đẳng hay không? Ở đây, lời giải thích của Tòa Tối Cao về mối tương quan giữa các khía cạnh kết hợp và sinh sản của hôn nhân vẫn có chỗ dành cho tranh cãi. 

Đức Giáo Hoàng Piô XII

Khi Đức Giáo Hoàng Piô XII bước vào cuộc thảo luận, ngài tỏ vẻ quan tâm tới việc người ta quá chú trọng tới mục đích đệ nhị đẳng (20). Mặt khác, ngài mạnh mẽ duy trì quan niệm mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng của Bộ Giáo Luật. Ngài cũng tuyên bố rằng mục đích đệ nhị đẳng tùy thuộc mục đích đệ nhất đẳng. Do ý muốn của thiên nhiên và của Đấng Tạo Hóa, các khía cạnh kết hợp được sắp xếp để phục vụ con cái (21). 

Trong bài diễn văn với các cô đỡ, Đức Piô XII nhắc lại việc Giáo Hội bác bỏ ngừa thai nhân tạo. Ngài nói thêm rằng giáo huấn luân lý này có giá trị đối với mọi thời, một luật tự nhiên và là một thiên luật. Tại sao ngừa thai nhân tạo sai? Trong một số đoạn, Đức Piô XII dường như muốn lý luận một cách duy sinh học, dựa vào bản chất của quan năng tính dục thể lý xét ngay trong nó (22). Nhưng ở nơi khác, dường như ngài lại lý luận theo bản chất của hôn nhân (23). Ta cần nhiều nghiên cứu hơn mới có thể chứng tỏ được rằng hai lối tiếp cận này có thể đi đối với nhau.

Đức Piô XII sử lý một số vấn đề luân lý có tính thực tiễn hơn liên quan tới tính dục và hôn nhân. Trong bài diễn văn với các cô đỡ, ngài thảo luận việc tiết dục định kỳ. Khởi đầu, ngài nhắc lại giáo huấn của Đức Piô XI, là giáo huấn dạy rằng vợ chồng có thể giao hợp tính dục khi người vợ không thể thụ thai. Nhưng họ có phải hạn chế chỉ giao hợp trong các thời điểm không thể thụ thai để tránh việc thụ thai hay không? Đức Piô XII trả lời rằng vợ chồng khi giao hợp tính dục phải có nghĩa vụ tổng quát đối với việc duy trì dòng dõi loài người. Tuy nhiên, ngài bảo: “có những lý do nghiêm chỉnh, thường dựa vào cơ sở y khoa, ưu sinh học, kinh tế học hay xã hội học, khiến người ta được miễn chuẩn nghĩa vụ trên, ngay cả trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài suốt cuộc hôn nhân” (24). 

Đức Piô XII bác bỏ việc sử dụng thụ thai nhân tạo (25). Ngài xem xét 3 hoàn cảnh. Hoàn cảnh thứ nhất, người mẹ không kết hôn. Trong hoàn cảnh này, thụ thai nhân tạo đi ngược lại đòi hỏi buộc việc sinh sản phải diễn ra trong hôn nhân. Hoàn cảnh thứ hai, người mẹ có kết hôn, nhưng tinh trùng được sử dụng không phải là tinh trùng của người chồng. Điều này vô luân vì chỉ người chồng và người vợ mới có quyền trên thân xác của người kia nhằm mục đích sinh ra sự sống mới. Mối liên kết về nguồn gốc do việc làm cha thể lý tạo ra này đem lại một bổn phận phải bảo vệ và giáo dục đứa con. Điều này không thể xẩy ra trong hoàn cảnh thứ hai này. Hoàn cảnh thứ ba, tinh trùng là của chồng người đàn bà. Thụ thai nhân tạo vẫn sai, vì hôn nhân và hành vi vợ chồng không phải chỉ là các chức năng hữu cơ để truyền tinh dịch. Hành vi vợ chồng là hành vi có tính bản vị nhằm nói lên việc vợ chồng hiến thân cho nhau. Điều này biến nó thành ngữ cảnh thích đáng cho việc thụ thai. Điều lý thú ở đây, là Đức Piô XII minh nhiên nói tới một khía cạnh không hoàn toàn chỉ là thể lý trong hành vi vợ chồng. Sau cùng, theo Đức Piô XII, người ta có thể được phép dùng các phương tiện nhân tạo để làm dễ việc thụ thai sau khi giao hợp cách tự nhiên. 

Đức Piô XII bác bỏ các cuộc thí nghiệm thụ thai trong ống nghiệm, coi chúng là vô luân và tuyệt đối bất hợp pháp (26). Lý do khiến ngài bác bỏ việc thụ thai nhân tạo với tinh trùng của người chồng đương nhiên cũng loại bỏ việc thụ tinh trong ống nghiệm. 

Trong một bài diễn văn ngày 12 tháng 9 năm 1958, Đức Piô XII thảo luận một số vấn đề luân lý liên quan tới di truyền học (27). Khi các yếu tố di truyền có cơ gây cho vợ chồng sinh ra những đứa con tật nguyền, thì việc khám nghiệm trước khi kết hôn để khám phá ra nguy cơ có thể có thứ kết quả ấy là điều được phép. Nếu khả thể sinh ra những đứa con tật nguyền cao, các thẩm quyền có thể buộc người ta phải khám nghiệm việc đó. Vì các lý do di truyền, người ta có thể khuyên các cặp đừng kết hôn nhưng không được ngăn cấm họ kết hôn. “Hôn nhân là một trong các nhân quyền căn bản, không ai được ngăn cản việc sử dụng quyền ấy”. Nếu sau khi kết hôn mới khám phá ra vấn đề di truyền, thì người ta có thể khuyên vợ chồng này đừng có con nhưng cũng không được ngăn cản họ có con.

Còn 1 kỳ

Vũ Văn An