Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Một thuở mê coi "xi-nê"




    Tôi hay viết về QUẢNG TRỊ, nhắc lại thành phố cũ mà quên đi cái rạp xi-nê (cinema) hay rạp chiếu bóng thì thật thật là thiếu sót. Tưởng cũng xin nhắc lại một chút về tôi, vì thuở đó tôi là một đứa bé "ghiền xi nê" vô cùng !

    Riêng với các bạn hiện nay đang sinh sống tại thành phố QT mới xây dựng sau này  thì cái danh từ "rạp xi-nê" chắc hẳn đã vào quá khứ. Phương tiện hiện đại biết bao nhiêu thứ giải trí đến nỗi gì phải vào rạp xi- nê như tôi vừa nói. Hơn nữa QT giờ này chưa hẳn đã có ai đầu tư vào loại rạp này. Tôi vẫn mong kể lại vì tôi hi vọng các em thế hệ sau này có thể hình dung hình ảnh xa xưa - một thành phố đã thật sự xóa nhòa.

   Sau lưng tòa hành chánh cũ có nhà Đại Hội, ngó qua chênh chếch là tòa Án QT, đều nằm theo đường Trần Hưng Đạo. Nhà Đại Hội chỉ để hội họp hay các buổi ca vũ nhạc kịch do chính quyền hồi đó tổ chức. Nhưng Rạp xi-nê Đại Chúng đã đi vào "lịch sử giải trí" của người dân QT. Nó nằm ngay cuối đường Trần Cao Vân, tôi nhớ mang máng là của bà chủ cây xăng Shell tại bến xe Nguyễn Hoàng hồi đó. Truyện kể ở đây phải là lúc chưa có cái T.V trắng đen, và thiên hạ kể cả thằng bé như tôi chưa hình dung ra TV là gì!

Như thế niềm vui giải trí về hình ảnh, hay nói khác đi là “nghệ thuật thứ bảy” cho dân thành phố thuở ấy chỉ có cái rạp xi nê Đại Chúng thôi. Tôi là đứa "ghiền xi nê, mê xi nê" đến nỗi tôi còn hằn sâu trong trí nhớ cảnh 'làm nũng' với mạ tôi, và mỗi khi mạ tôi không còn cho vài ba đồng nữa là tôi “kéo mền quăng gối” làm “nư” cho được mới nghe!

   Có được ba đồng trong tay tôi “te- còng” chạy tới rạp. Tôi kể cho quý bạn nghe, ngang đây không phải là tôi "đàng hoàng chững chạc" mua một vé hạng trẻ em, có nghĩa là hạng chót- mấy dãy ghế ọp ẹp gần sát với tấm màn trắng "vĩ đại " đối với trí tưởng tượng của tôi hồi đó. Ba đồng có nghĩa là tôi phải "lấm la lấm lét" chen tới gần bác giữ cửa tức là bác Sinh, tôi còn nhớ tên , "chuồi” cho bác có chút "tiền còm bỏ túi" thế là  "a- lê -hấp" tôi chạy tọt vào trong.

   Rõ khổ! Hạng trẻ em 5 đồng ngồi trước hết, ngăn cách với các hạng người lớn, tức là hạng ba tới hạng nhất một hàng rào kẽm gai. Cũng rõ khổ cho mấy đứa nhỏ ít tiền phải ngồi trước đành chịu đựng mùi "khai nồng " từ mấy chỗ tiểu hai bên gần đó nhất. Thế mà chẳng đứa nào ca cẩm than phiền gì. Vào được trong rạp là sướng “như tiên” dù "chuồi” cho bác Sinh hay mua vé 5 đồng gì cũng là con nít, chẳng ai để ý . Đó! Cái tên bác giữ cửa tôi còn nhớ thì đủ chứng tỏ tôi là thằng ghiền xi- nê rồi còn gì nữa !
Phía sau cùng là hạng nhất, giá vé tôi còn nhớ khoảng 20 đồng (có nghĩa là bằng 4 tô bún bò thời giá lúc đó). Còn trên đầu hạng nhất là balcon tức là hạng lầu 30 đồng. Tôi quên kể rằng hạng nhất nhì và lầu có thể cho kèm theo một em nhỏ miễn vé. Em nhỏ này là con em họ nhưng nếu hảo tâm họ có thể dắt em nào sạch sẽ cho vô theo, cũng thế thôi, chẳng ai quan tâm tò mò. Khổ nỗi tôi chẳng dám xin ai bao giờ!

    Giây phút vui thú nhất là lúc đèn phụt tắt. Trước tiên lúc nào cả rạp cũng phải chào quốc kỳ, phim thời sự VN của bộ thông tin, rồi đến phim chiếu dạo để “chào hàng " các phim mà bà chủ sắp thuê từ HUẾ ra kỳ sau. Tôi thỉnh thoảng liếc nhìn những lằn sáng trắng từ 3 cái lỗ vuông sau lưng hạng lầu đang thay nhau làm việc. Chúng thi đua chiếu tới cái màn trẳng cao, rộng thênh thang trước mắt. Đừng có trở ngại kỹ thuật nghe! Vì mỗi lần có trở ngại là thiên hạ la hét chí chóe điếc cả tai tôi, tiếng huýt gió, gõ ghế, cười cợt ôi thôi đủ loại âm thanh. Tội cho chú chiếu phim! Chắc chú đang "lính qua lính quýnh" trên đó.


    Mấy anh chị lớn thì mê phim tình cảm còn gọi là phim Pháp. Nhưng những loại "siêu phẩm" thì mấy khi ra đến thành phố “địa đầu giới tuyến” này, nên mấy vị hay vô Huế coi. Còn tôi thì mê phim Hercules, Samson mạnh như thiên thần. Những tảng đá lớn Hercules, Samson bưng nhẹ như chơi. Sau này thì phim cao bồi Django, chú cao bồi vừa cỡi ngựa vừa bắn súng "đoàng đoàng" thật oai. Còn phim Ân Độ khi nào cũng "ế khách" vì vừa phim trắng đen lại khi nào cũng múa hát. Trai gái ưa nhau, phải tình nhau xong là đến màn vừa múa vừa đuổi theo nhau tán tỉnh. Chuyện mới kỳ cho phim Ân Độ - phim đóng tân thời cũng múa và hát theo nhịp trống - không có không được.

Té ra ai ai trong cái thành phố này cũng "mê xi nê " như tôi mới lạ. Tôi thưong cảm cái thành phố bé nhỏ này là vậy đó. Nhớ về những buổi phim hay, thiên hạ mua vé đứng chờ vào cửa nhưng mấy cuốn phim thì đang trên "đường thiên lý",  đang còn “bon bon” trên chiếc xe đò Huế - Quảng Trị chưa về đến bến Nguyễn Hoàng! Người này hỏi người kia,  người kia hỏi người nọ:
- Phim về chưa mi?
- Răng xe chạy chậm dữ rứa?

  Thiệt tội! Nhưng rồi cái gì đến sẽ đến thôi. Khoảng gần hai giờ chiều, chiếc xích lô đạp đổ phịch trứơc cửa rạp, trên xe chồng phim còn nằm trong cái bao bố hở miệng. Thiên hạ reo lên, mừng rỡ như đứa con đi lạc phương xa mới về. Người ta ùn ùn vô cửa. Chú chiếu phim hấp tấp bưng chồng phim hình bánh xe chạy lên lầu. Thú vui giải trí dân QT hồi đó có gì đâu, dĩ nhiên rạp phim Đại Chúng là số một.

 Gần qua đầu thầp niên 70, sau vụ nổ lựu đạn trong rạp, Đại Chúng sang lại cho một bà chủ giàu có Ấn Độ nghe đâu tên là Fatima hay gì đó. Rạp mang tên mới là KIM CHÂU. Ngoài cái tên Kim Châu ra, rạp xi nê QT chẳng có thêm cái mới ngoài trừ cái tháp nước máy khổng lồ bên cạnh.

  Đã nửa thế kỷ qua, nều giờ đây các em nhỏ đang sống trong thành phố Quảng trị hiện nay với thế giới digital, của remote, của điều khiển từ xa, với bao nhiêu thú giải trí tại nhà: TV màu, compact disc, DVD, youtube, online... ôi thôi đủ thứ ! Cho đến một thời điểm nào chúng ta không còn hứng thú hay rung động với một khúc phim hay bản nhạc nào nữa. Mọi thứ đều trong tầm tay, quá sẵn, quá dễ dàng!

  Có ai nói rằng: "nghèo có cái triết lý của nó", chuyện này tôi có thể tin khi nhớ về cái rạp xi nê mang tên ĐẠI CHÚNG. Một rạp chiếu phim âm thầm sống cùng thành phố Quảng Trị nay đã nhạt nhòa trong dĩ vãng. Lạ thay tiếng bà con QT mừng rỡ reo hò khi đón những thước phim từ Huế theo xe hàng về rạp như mơ hồ vẳng vẳng bên tai làm tôi càng nhớ thành xưa Quảng Trị biết chừng nào./.

Đinh Hoa Lư
phuchue83@gmail.com

Không có nhận xét nào: