Đề Tài Gia Trưởng Tháng 8/2012 :
Giáo Dục Đức Tin Con Cái Trong Môi Trường Sống Đạo Đức
Kính thưa quý gia trưởng !
Vào tháng 10/2011, Đức Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố Thông tư Tự sắc Năm Đức tin (Porta Fidei). Theo đó, Ngài đã ấn định bắt đầu từ tháng 10/2012 cho đến tháng 11/2013 là “Năm Đức Tin”. Bộ Giáo Lý Đức tin cũng đã được Ngài ủy thác soạn thảo một văn kiện với những hướng dẫn mục vụ cử hành Năm Đức Tin. Ở phần nhập đề, Văn kiện khẳng định: “Năm Đức Tin nhắm góp phần vào sự hoán cải được đổi mới, trở về cùng Chúa Giêsu và tái khám phá đức tin, để mọi thành phần Giáo Hội trở thành chứng nhân đáng tin cậy và hân hoan làm chứng về Chúa Phục Sinh, cũng như có khả năng chỉ dẫn cho bao nhiêu người khác đang tìm kiếm cánh cửa đức tin”.
Hưởng ứng tinh thần giáo huấn của Vị Cha Chung Giáo hội, người gia trưởng lúc này cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống đức tin của chính mình và đặc biệt chú ý tới con cái, hướng các cháu vào những hoạt động tốt lành cho đời sống tâm hồn. Chúng tôi sẽ trình bày đề tài giáo dục đức tin cho con cái qua 3 chủ điểm liên tiếp trong 3 tháng 8, 9 &10 :
- Giáo dục đức tin con cái trong môi trường sống đạo đức.
- Giáo dục đức tin con cái qua những nấc thang cuộc đời.
- Gia trưởng đứng trước sự khủng hoảng niềm tin nơi con cái.
Kính thưa quý gia trưởng !
Con cái chúng ta đã hưởng mùa hè được hai tháng, các cháu đã tìm lại sự quân bình sau cả một năm miệt mài đèn sách. Tuy vậy, tâm lý nghỉ xả hơi kéo dài sẽ dễ dẫn đưa trẻ đến với những hoạt động phù phiếm, thậm chí có hại cho hình trình phát triển nhân cách, nhất là đức tin nơi con trẻ.
1. Những lôi kéo nguy hiểm đối với con trẻ hiện nay.
Thế giới vui chơi của con trẻ hiện nay vô cùng phong phú so với cha anh trước đây. Thời đại kỹ thuật công nghệ lên ngôi, tâm lý hưởng thụ chi phối thậm chí thống soái con người, vì lợi nhuận, xã hội lập tức đầy tràn các hình thức vui chơi giải trí, đáp ứng mọi nhu cầu, mọi thị hiếu của trẻ, hòng lôi kéo các cháu lao vào. Mùa hè, do dư giả về quỹ thời gian, nếu không có được sự can thiệp đúng lúc của phụ huynh, trẻ rất khó tránh được sự cám dỗ.
- Lôi kéo từ internet :
Ngày nay, đi đến đâu, bất kể là một nơi thành phố đông đúc nhộn nhịp hay một vùng quê nghèo hẻo lánh, người ta đều thấy nhan nhản các dịch vụ internet. Không ai trong chúng ta phủ nhận vai trò ưu việt của internet trong việc kết nối con người với tri thức của thế giới; tuy nhiên, có thể nói nhu cầu ấy chiếm rất ít trong số những trẻ em tìm đến dịch vụ. Còn lại hầu hết, chỉ là trò chơi điện tử. Con trẻ đến đây, tất nhiên để giải trí, để tìm vui ; nhưng rất mau chóng thành con nghiện. Chúng miệt mài thâm đêm suốt sáng với những game bạo lực, giết chóc, quên ăn quên ngủ. Ban đầu, trẻ chơi bằng những đồng tiền mình có, sau chúng tìm mọi cách để có tiền : lấy trộm heo đất của em, vóc ví cha mẹ, cạy tủ gia đình, ăn trộm của láng giềng và thậm chí cá biệt còn giết người chỉ để có tiền chơi game. Báo chí đã đăng tải nhan nhản những trường hợp trẻ ngoan hiền sau một thời gian say mê cày game đã biến đổi bản chất lương thiện thành một đứa trẻ lầm lì, yếu đuối về thể xác nhưng chai sạn tình cảm với người thân. Thế giới của chúng không còn ở đời thực mà trong cõi ảo của internet kia.
Đâu chỉ có những trò chơi nguy hại kể trên, internet còn là nơi để trẻ mới lớn tò mò vào những trang web đen, tâm hồn bị hoen ố bởi những hình ảnh xấu xa, từ đó lệch lạc trong cách nhìn về giới tính và tình yêu hôn nhân. Trẻ rối loạn hành vi, tò mò thực hiện điều mình đã tìm hiểu và gây ra biết bao những hậu quả đau lòng cho các bậc làm cha mẹ.
Rồi cả những cuộc trò chuyện trên mạng, ngôn ngữ “chat” đã thành ngôn ngữ thường ngày của trẻ. Những lời mời mọc rủ rê ngọt ngào của kẻ giấu mặt vẫn có thể hủy hoại biết bao đời con trẻ, đặc biệt các em gái mới lớn đã trở thành món mồi cho các đường dây buôn bán người qua biên giới gần đây mà báo chí đã phanh phui.
- Lôi kéo từ những gương mù gương xấu trong đời :
Lối sống thực dụng biến một xã hội Việt Nam trọng lễ giáo, nghĩa khí của ngày xưa thành một xã hội hưởng thụ đậm chất dung tục trong lối sống. Có nhưng còn quá ít những tấm gương sáng giữa đời để con trẻ noi gương ; thay vào đó, vô tình hoặc cố ý, xã hội lăng xê những “thần tượng” không thực sự hướng đến chuẩn mực chân thiện mỹ. Có nhan nhản các cuộc thi tôn vinh sắc đẹp nhưng lại quá thiếu thốn những cuộc thi tôn vinh trí tuệ và tâm hồn người. Trẻ dễ dàng gào khóc, điêu đứng ngất xỉu, thậm chí hy sinh tất cả cho một thần tượng âm nhạc, điện ảnh mà mình yêu mến, nhưng lại dửng dưng, vô cảm trước nỗi nhọc nhằn của ông bà cha mẹ nuôi lớn một đời mình.
Chính vì thế, cho dù còn ở lứa tuổi rất hồn nhiên, trẻ đã đánh giá mọi vấn đề trong đời theo nấc thang vật chất. Trẻ tự mãn kiêu kỳ khi là con nhà giàu có quyền thế và lầm lũi tự ti mặc cảm khi trót sinh ra trong cảnh nghèo. Từ đó, trẻ có điều kiện thì sống hưởng thụ buông thả, trẻ nhà nghèo quyết tìm mọi cách có tiền để được như người ta. Các giá trị đạo đức tâm hồn bị xem nhẹ cho giá trị của kim tiền lên ngôi.
2. Giáo dục đức tin cho con.
Đứng trước những lôi kéo nguy hiểm cho con cái chúng ta như vậy, gia trưởng vì tình thương yêu và trách nhiệm, phải ra tay kéo con cái trở về đường ngay chính. Tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta đã nuôi dưỡng con cái mình được bình an và lớn lên qua bao năm qua. Song sự lớn lên về thể xác ấy sẽ không thể toàn diện nếu tâm hồn con trẻ không phát triển lành mạnh. Mùa hè đã sắp hết, đừng để con cái mình quá sa đà việc vui chơi, trái lại, hãy cương quyết bắt tay vào một số việc :
- Nhắc nhở con đến với Thánh lễ mỗi ngày :
Thánh lễ, nhất là Thánh lễ Chúa Nhật, là chóp đỉnh của phụng vụ. Nhắc nhở con đến với Thánh lễ mỗi ngày, để con biết cậy dựa vào Ơn Chúa trong mọi sự của ngày sống. “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì”, Lời Chúa đã khẳng định tính chất mỏng giòn yếu đuối của thân phận người.
- Luôn quan tâm đến con cái trong những sinh hoạt vui chơi của con :
Dù không có mặt bên cạnh những lúc con vui chơi, nhưng không vì thế mà gia trưởng hoàn toàn không biết con mình chơi gì, làm gì. Phải quan tâm đúng mức cần thiết để kịp thời điều chỉnh thói quen của con cái, không để con rơi vào tình trạng bê tha nghiện ngập, sa đọa chốn ăn chơi.
- Đưa con vào các sinh hoạt tôn giáo theo lứa tuổi :
Cần nhắc nhở con tham gia các sinh hoạt đạo theo lứa tuổi trong xứ sở của mình. Các lớp giáo lý, Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, tổ chức Giới Trẻ… là những địa chỉ tốt đẹp mà Thiên Chúa thông qua Giáo Hội địa phương giáo dục con cái chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
- Lắng nghe và kịp thời tư vấn con trước mọi vấn đề trong cuộc sống.
Thấy con có những biểu hiện khác thường, hãy dành thời gian bên con, chủ động gợi ý để con chia sẻ những thắc mắc. Hoặc trực tiếp định hướng giúp con, hoặc tham khảo ý kiến của các đấng bậc, các người uy tín trong gia tộc, trong xóm đạo để giúp con có được những kiến giải xác đáng mà đi đúng hướng.
Kính thưa quý gia trưởng !
Con cái chúng ta là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho, và Ngài đòi buộc bậc cha mẹ phải thay mặt Ngài nơi trần gian này nuôi dưỡng và giáo dục con cái theo Luật Chúa Kitô và Hội Thánh. Ước mong rằng mỗi gia trưởng chúng ta, đều biết tận dụng khoảng thời gian trong đời mà quan tâm giáo dục đời sống tâm hồn, nhất là đời sống đức tin của con cái mình nên tốt lành.
* Cùng suy tư :
Một đời sống gia trưởng gương mẫu sẽ là một tấm gương thuyết phục nhất để con cái noi theo.
BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét