Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Một thuở mê coi "xi-nê"




    Tôi hay viết về QUẢNG TRỊ, nhắc lại thành phố cũ mà quên đi cái rạp xi-nê (cinema) hay rạp chiếu bóng thì thật thật là thiếu sót. Tưởng cũng xin nhắc lại một chút về tôi, vì thuở đó tôi là một đứa bé "ghiền xi nê" vô cùng !

    Riêng với các bạn hiện nay đang sinh sống tại thành phố QT mới xây dựng sau này  thì cái danh từ "rạp xi-nê" chắc hẳn đã vào quá khứ. Phương tiện hiện đại biết bao nhiêu thứ giải trí đến nỗi gì phải vào rạp xi- nê như tôi vừa nói. Hơn nữa QT giờ này chưa hẳn đã có ai đầu tư vào loại rạp này. Tôi vẫn mong kể lại vì tôi hi vọng các em thế hệ sau này có thể hình dung hình ảnh xa xưa - một thành phố đã thật sự xóa nhòa.

   Sau lưng tòa hành chánh cũ có nhà Đại Hội, ngó qua chênh chếch là tòa Án QT, đều nằm theo đường Trần Hưng Đạo. Nhà Đại Hội chỉ để hội họp hay các buổi ca vũ nhạc kịch do chính quyền hồi đó tổ chức. Nhưng Rạp xi-nê Đại Chúng đã đi vào "lịch sử giải trí" của người dân QT. Nó nằm ngay cuối đường Trần Cao Vân, tôi nhớ mang máng là của bà chủ cây xăng Shell tại bến xe Nguyễn Hoàng hồi đó. Truyện kể ở đây phải là lúc chưa có cái T.V trắng đen, và thiên hạ kể cả thằng bé như tôi chưa hình dung ra TV là gì!

Như thế niềm vui giải trí về hình ảnh, hay nói khác đi là “nghệ thuật thứ bảy” cho dân thành phố thuở ấy chỉ có cái rạp xi nê Đại Chúng thôi. Tôi là đứa "ghiền xi nê, mê xi nê" đến nỗi tôi còn hằn sâu trong trí nhớ cảnh 'làm nũng' với mạ tôi, và mỗi khi mạ tôi không còn cho vài ba đồng nữa là tôi “kéo mền quăng gối” làm “nư” cho được mới nghe!

   Có được ba đồng trong tay tôi “te- còng” chạy tới rạp. Tôi kể cho quý bạn nghe, ngang đây không phải là tôi "đàng hoàng chững chạc" mua một vé hạng trẻ em, có nghĩa là hạng chót- mấy dãy ghế ọp ẹp gần sát với tấm màn trắng "vĩ đại " đối với trí tưởng tượng của tôi hồi đó. Ba đồng có nghĩa là tôi phải "lấm la lấm lét" chen tới gần bác giữ cửa tức là bác Sinh, tôi còn nhớ tên , "chuồi” cho bác có chút "tiền còm bỏ túi" thế là  "a- lê -hấp" tôi chạy tọt vào trong.

   Rõ khổ! Hạng trẻ em 5 đồng ngồi trước hết, ngăn cách với các hạng người lớn, tức là hạng ba tới hạng nhất một hàng rào kẽm gai. Cũng rõ khổ cho mấy đứa nhỏ ít tiền phải ngồi trước đành chịu đựng mùi "khai nồng " từ mấy chỗ tiểu hai bên gần đó nhất. Thế mà chẳng đứa nào ca cẩm than phiền gì. Vào được trong rạp là sướng “như tiên” dù "chuồi” cho bác Sinh hay mua vé 5 đồng gì cũng là con nít, chẳng ai để ý . Đó! Cái tên bác giữ cửa tôi còn nhớ thì đủ chứng tỏ tôi là thằng ghiền xi- nê rồi còn gì nữa !
Phía sau cùng là hạng nhất, giá vé tôi còn nhớ khoảng 20 đồng (có nghĩa là bằng 4 tô bún bò thời giá lúc đó). Còn trên đầu hạng nhất là balcon tức là hạng lầu 30 đồng. Tôi quên kể rằng hạng nhất nhì và lầu có thể cho kèm theo một em nhỏ miễn vé. Em nhỏ này là con em họ nhưng nếu hảo tâm họ có thể dắt em nào sạch sẽ cho vô theo, cũng thế thôi, chẳng ai quan tâm tò mò. Khổ nỗi tôi chẳng dám xin ai bao giờ!

    Giây phút vui thú nhất là lúc đèn phụt tắt. Trước tiên lúc nào cả rạp cũng phải chào quốc kỳ, phim thời sự VN của bộ thông tin, rồi đến phim chiếu dạo để “chào hàng " các phim mà bà chủ sắp thuê từ HUẾ ra kỳ sau. Tôi thỉnh thoảng liếc nhìn những lằn sáng trắng từ 3 cái lỗ vuông sau lưng hạng lầu đang thay nhau làm việc. Chúng thi đua chiếu tới cái màn trẳng cao, rộng thênh thang trước mắt. Đừng có trở ngại kỹ thuật nghe! Vì mỗi lần có trở ngại là thiên hạ la hét chí chóe điếc cả tai tôi, tiếng huýt gió, gõ ghế, cười cợt ôi thôi đủ loại âm thanh. Tội cho chú chiếu phim! Chắc chú đang "lính qua lính quýnh" trên đó.


    Mấy anh chị lớn thì mê phim tình cảm còn gọi là phim Pháp. Nhưng những loại "siêu phẩm" thì mấy khi ra đến thành phố “địa đầu giới tuyến” này, nên mấy vị hay vô Huế coi. Còn tôi thì mê phim Hercules, Samson mạnh như thiên thần. Những tảng đá lớn Hercules, Samson bưng nhẹ như chơi. Sau này thì phim cao bồi Django, chú cao bồi vừa cỡi ngựa vừa bắn súng "đoàng đoàng" thật oai. Còn phim Ân Độ khi nào cũng "ế khách" vì vừa phim trắng đen lại khi nào cũng múa hát. Trai gái ưa nhau, phải tình nhau xong là đến màn vừa múa vừa đuổi theo nhau tán tỉnh. Chuyện mới kỳ cho phim Ân Độ - phim đóng tân thời cũng múa và hát theo nhịp trống - không có không được.

Té ra ai ai trong cái thành phố này cũng "mê xi nê " như tôi mới lạ. Tôi thưong cảm cái thành phố bé nhỏ này là vậy đó. Nhớ về những buổi phim hay, thiên hạ mua vé đứng chờ vào cửa nhưng mấy cuốn phim thì đang trên "đường thiên lý",  đang còn “bon bon” trên chiếc xe đò Huế - Quảng Trị chưa về đến bến Nguyễn Hoàng! Người này hỏi người kia,  người kia hỏi người nọ:
- Phim về chưa mi?
- Răng xe chạy chậm dữ rứa?

  Thiệt tội! Nhưng rồi cái gì đến sẽ đến thôi. Khoảng gần hai giờ chiều, chiếc xích lô đạp đổ phịch trứơc cửa rạp, trên xe chồng phim còn nằm trong cái bao bố hở miệng. Thiên hạ reo lên, mừng rỡ như đứa con đi lạc phương xa mới về. Người ta ùn ùn vô cửa. Chú chiếu phim hấp tấp bưng chồng phim hình bánh xe chạy lên lầu. Thú vui giải trí dân QT hồi đó có gì đâu, dĩ nhiên rạp phim Đại Chúng là số một.

 Gần qua đầu thầp niên 70, sau vụ nổ lựu đạn trong rạp, Đại Chúng sang lại cho một bà chủ giàu có Ấn Độ nghe đâu tên là Fatima hay gì đó. Rạp mang tên mới là KIM CHÂU. Ngoài cái tên Kim Châu ra, rạp xi nê QT chẳng có thêm cái mới ngoài trừ cái tháp nước máy khổng lồ bên cạnh.

  Đã nửa thế kỷ qua, nều giờ đây các em nhỏ đang sống trong thành phố Quảng trị hiện nay với thế giới digital, của remote, của điều khiển từ xa, với bao nhiêu thú giải trí tại nhà: TV màu, compact disc, DVD, youtube, online... ôi thôi đủ thứ ! Cho đến một thời điểm nào chúng ta không còn hứng thú hay rung động với một khúc phim hay bản nhạc nào nữa. Mọi thứ đều trong tầm tay, quá sẵn, quá dễ dàng!

  Có ai nói rằng: "nghèo có cái triết lý của nó", chuyện này tôi có thể tin khi nhớ về cái rạp xi nê mang tên ĐẠI CHÚNG. Một rạp chiếu phim âm thầm sống cùng thành phố Quảng Trị nay đã nhạt nhòa trong dĩ vãng. Lạ thay tiếng bà con QT mừng rỡ reo hò khi đón những thước phim từ Huế theo xe hàng về rạp như mơ hồ vẳng vẳng bên tai làm tôi càng nhớ thành xưa Quảng Trị biết chừng nào./.

Đinh Hoa Lư
phuchue83@gmail.com

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Ngày Chúa nhật cho Chúa

Gia đình Công giáo được mời gọi dành ngày Chủ Nhật cho Chúa
Một gia đình đang chia sẻ tại buổi gặp gỡ

Phóng viên UCA News từ TP.HCM 

Các gia đình nên phụng thờ Thiên Chúa và sum họp với nhau ngày Chủ Nhật


Hôm 16-8, khoảng 200 linh mục, tu sĩ, đại diện các đoàn thể Công giáo và giáo dân đã tham dự buổi chia sẻ cảm nghiệm về Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ , diễn ra ở Milano, Italia, từ ngày 30-5 đến mồng 3-6-2012. Buổi chia sẻ có chủ đề “Gia đình, công việc, ngày lễ” diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM.

Các tham dự viên tại một buổi gặp gỡ các gia đình được mời gọi dành ngày Chủ Nhật để nghỉ ngơi và vun đắp bầu khí sum họp gia đình.

Ông Gioan Phêrô Tạ Đình Vui, đứng đầu Hội Gia đình cùng theo Chúa, 1 trong 6 thuyết trình viên, nói rằng thời gian cuối tuần của các gia đình ngày nay trở nên náo nhiệt, làm cho ngày Chúa Nhật bị ngột ngạt. “Người ta không nghỉ ngơi để trở lại với công việc, mà để vui chơi xả láng bằng các tiệc nhậu, xem tivi, xem phim suốt ngày đêm” – ông nhận xét.

Ông Vui cho rằng điều đó ảnh hưởng xấu đến con trẻ, đặc biệt những gia đình có con ở độ tuổi thanh thiếu niên. Vì khi đó “con trẻ không cảm nghiệm được sự sum họp và gần gũi trong gia đình mình”.

“Ngày Chúa Nhật mất đi chiều kích gia đình, trở thành thời gian dành cho cá nhân, hơn là khung cảnh sống chung”.

Ông Vui đề nghị các gia đình “cần có sự dung hoà giữa công ăn việc làm với việc bảo vệ quan hệ gia đình cùng với việc phụng thờ Thiên Chúa”. Họ phải củng cố các giá trị gia đình một cách cấp bách để chống lại những thách đố đe doạ sự bền vững của gia đình như ly hôn, phá thai, hạn chế sinh sản, hôn nhân đồng tính.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP, khuyên rằng ngày Chủ Nhật các gia đình nên cùng dự Thánh lễ, cầu nguyện chung trong giờ kinh tối, chia sẻ tâm tư với nhau trong trong bữa cơm để củng cố tình gia đình. Đồng thời các thành viên cũng nên dùng thời gian trong ngày này để tham gia các sinh hoạt mục vụ giáo xứ.

Buổi gặp gỡ có sự hiện diện của vợ chồng anh Gioan Baotixita Cao Hải Đăng và chị Maria Lê Thị Vân Thảo, những người được tham dự Đại hội Gia đình Thế giới ở Ý vừa qua. Cô con gái 7 tuổi của họ được chọn đặt câu hỏi giao lưu với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bằng tiếng Ý.

Chị Thảo, 35 tuổi, mẹ của 2 người con, nói với UCA News: “Chúng tôi sống chung thuỷ, gia đình tôi luôn duy trì bữa cơm gia đình và tổ chức giờ kinh chung để làm gương cho con cái và làm chứng cho Chúa trong gia đình, khu xóm và cả nơi chúng tôi làm việc”.

Bà Annê Trần Thị Chế, một tham dự viên, nói: “Kể từ nay gia đình tôi phải thay đổi, để sống mỗi ngày Chúa Nhật cho thật ý nghĩa và xứng đáng”.

“Chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, cùng tham dự Thánh lễ và tổ chức giờ kinh tối trong gia đình”, chị Chế nói.

Người phụ nữ 57 tuổi thừa nhận vợ chồng bà vẫn bán quán cơm cả ngày Chủ Nhật vì nghĩ rằng tham dự Thánh lễ là tròn bổn phận rồi. “Vì là ngày nghỉ, nên gia đình tôi xem đây là ngày tự do, vợ chồng hay con cháu ai muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi”.

Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, người tổ chức buổi gặp gỡ, cho biết mục đích của buổi chia sẻ nhằm “tiếp nối thông điệp của Đại hội Gia đình Thế giới, góp phần củng cố các giá trị gia đình và đời sống đức tin cho giáo dân”.

Theo Cha, việc nghỉ ngơi ngày Chủ Nhật không chỉ để bảo vệ sức khoẻ, mà còn là một nghi thức phụng thờ Thiên Chúa.



Nguồn: http://ubmvgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=3177

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Giáo Dục Đức Tin Con Cái Trong Môi Trường Sống Đạo Đức


Đề Tài Gia Trưởng Tháng 8/2012 :

Giáo Dục Đức Tin Con Cái Trong Môi Trường Sống Đạo Đức


  
Kính thưa quý gia trưởng !
   
 Vào tháng 10/2011, Đức Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố Thông tư Tự sắc Năm Đức tin (Porta Fidei). Theo đó, Ngài đã ấn định bắt đầu từ tháng 10/2012 cho đến tháng 11/2013 là “Năm Đức Tin”. Bộ Giáo Lý Đức tin cũng đã được Ngài ủy thác soạn thảo một văn kiện với những hướng dẫn mục vụ cử hành Năm Đức Tin. Ở phần nhập đề, Văn kiện khẳng định: “Năm Đức Tin nhắm góp phần vào sự hoán cải được đổi mới, trở về cùng Chúa Giêsu và tái khám phá đức tin, để mọi thành phần Giáo Hội trở thành chứng nhân đáng tin cậy và hân hoan làm chứng về Chúa Phục Sinh, cũng như có khả năng chỉ dẫn cho bao nhiêu người khác đang tìm kiếm cánh cửa đức tin”.

Hưởng ứng tinh thần giáo huấn của Vị Cha Chung Giáo hội, người gia trưởng lúc này cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống đức tin của chính mình và đặc biệt chú ý tới con cái, hướng các cháu vào những hoạt động tốt lành cho đời sống tâm hồn. Chúng tôi sẽ trình bày đề tài giáo dục đức tin cho con cái qua 3 chủ điểm liên tiếp trong 3 tháng 8, 9 &10 :

-    Giáo dục đức tin con cái trong môi trường sống đạo đức.
-    Giáo dục đức tin con cái qua những nấc thang cuộc đời.
-    Gia trưởng đứng trước sự khủng hoảng niềm tin nơi con cái.

    Kính thưa quý gia trưởng !

Con cái chúng ta đã hưởng mùa hè được hai tháng, các cháu đã tìm lại sự quân bình sau cả một năm miệt mài đèn sách. Tuy vậy, tâm lý nghỉ xả hơi kéo dài sẽ dễ dẫn đưa trẻ đến với những hoạt động phù phiếm, thậm chí có hại cho hình trình phát triển nhân cách, nhất là đức tin nơi con trẻ.

1.    Những lôi kéo nguy hiểm đối với con trẻ hiện nay.

Thế giới vui chơi của con trẻ hiện nay vô cùng phong phú so với cha anh trước đây. Thời đại kỹ thuật công nghệ lên ngôi, tâm lý hưởng thụ chi phối thậm chí thống soái con người, vì lợi nhuận, xã hội lập tức đầy tràn các hình thức vui chơi giải trí, đáp ứng mọi nhu cầu, mọi thị hiếu của trẻ, hòng lôi kéo các cháu lao vào. Mùa hè, do dư giả về quỹ thời gian, nếu không có được sự can thiệp đúng lúc của phụ huynh, trẻ rất khó tránh được sự cám dỗ.

-    Lôi kéo từ internet :

Ngày nay, đi đến đâu, bất kể là một nơi thành phố đông đúc nhộn nhịp hay một vùng quê nghèo hẻo lánh, người ta đều thấy nhan nhản các dịch vụ internet. Không ai trong chúng ta phủ nhận vai trò ưu việt của internet trong việc kết nối con người với tri thức của thế giới; tuy nhiên, có thể nói nhu cầu ấy chiếm rất ít trong số những trẻ em tìm đến dịch vụ. Còn lại hầu hết, chỉ là trò chơi điện tử. Con trẻ đến đây, tất nhiên để giải trí, để tìm vui ; nhưng rất mau chóng thành con nghiện. Chúng miệt mài thâm đêm suốt sáng với những game bạo lực, giết chóc, quên ăn quên ngủ. Ban đầu, trẻ chơi bằng những đồng tiền mình có, sau chúng tìm mọi cách để có tiền : lấy trộm heo đất của em, vóc ví cha mẹ, cạy tủ gia đình, ăn trộm của láng giềng và thậm chí cá biệt còn giết người chỉ để có tiền chơi game. Báo chí đã đăng tải nhan nhản những trường hợp trẻ ngoan hiền sau một thời gian say mê cày game đã biến đổi bản chất lương thiện thành một đứa trẻ lầm lì, yếu đuối về thể xác nhưng chai sạn tình cảm với người thân. Thế giới của chúng không còn ở đời thực mà trong cõi ảo của internet kia. 

Đâu chỉ có những trò chơi nguy hại kể trên, internet còn là nơi để trẻ mới lớn tò mò vào những trang web đen, tâm hồn bị hoen ố bởi những hình ảnh xấu xa, từ đó lệch lạc trong cách nhìn về giới tính và tình yêu hôn nhân. Trẻ rối loạn hành vi, tò mò thực hiện điều mình đã tìm hiểu và gây ra biết bao những hậu quả đau lòng cho các bậc làm cha mẹ.

Rồi cả những cuộc trò chuyện trên mạng, ngôn ngữ “chat” đã thành ngôn ngữ thường ngày của trẻ. Những lời mời mọc rủ rê ngọt ngào của kẻ giấu mặt vẫn có thể hủy hoại biết bao đời con trẻ, đặc biệt các em gái mới lớn đã trở thành món mồi cho các đường dây buôn bán người qua biên giới gần đây mà báo chí đã phanh phui.

-    Lôi kéo từ những gương mù gương xấu trong đời :

Lối sống thực dụng biến một xã hội Việt Nam trọng lễ giáo, nghĩa khí của ngày xưa thành một xã hội hưởng thụ đậm chất dung tục trong lối sống. Có nhưng còn quá ít những tấm gương sáng giữa đời để con trẻ noi gương ; thay vào đó, vô tình hoặc cố ý, xã hội lăng xê những “thần tượng” không thực sự hướng đến chuẩn mực chân thiện mỹ. Có nhan nhản các cuộc thi tôn vinh sắc đẹp nhưng lại quá thiếu thốn những cuộc thi tôn vinh trí tuệ và tâm hồn người. Trẻ dễ dàng gào khóc, điêu đứng ngất xỉu, thậm chí hy sinh tất cả cho một thần tượng âm nhạc, điện ảnh mà mình yêu mến, nhưng lại dửng dưng, vô cảm trước nỗi nhọc nhằn của ông bà cha mẹ nuôi lớn một đời mình.

Chính vì thế, cho dù còn ở lứa tuổi rất hồn nhiên, trẻ đã đánh giá mọi vấn đề trong đời theo nấc thang vật chất. Trẻ tự mãn kiêu kỳ khi là con nhà giàu có quyền thế và lầm lũi tự ti mặc cảm khi trót sinh ra trong cảnh nghèo. Từ đó, trẻ có điều kiện thì sống hưởng thụ buông thả, trẻ nhà nghèo quyết tìm mọi cách có tiền để được như người ta. Các giá trị đạo đức tâm hồn bị xem nhẹ cho giá trị của kim tiền lên ngôi.

2.    Giáo dục đức tin cho con.

Đứng trước những lôi kéo  nguy hiểm cho con cái chúng ta như vậy, gia trưởng vì tình thương yêu và trách nhiệm, phải ra tay kéo con cái trở về đường ngay chính. Tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta đã nuôi dưỡng con cái mình được bình an và lớn lên qua bao năm qua. Song sự lớn lên về thể xác ấy sẽ không thể toàn diện nếu tâm hồn con trẻ không phát triển lành mạnh. Mùa hè đã sắp hết, đừng để con cái mình quá sa đà việc vui chơi, trái lại, hãy cương quyết bắt tay vào một số việc :

-    Nhắc nhở con đến với Thánh lễ mỗi ngày :

Thánh lễ, nhất là Thánh lễ Chúa Nhật, là chóp đỉnh của phụng vụ. Nhắc nhở con đến với Thánh lễ mỗi ngày, để con biết cậy dựa vào Ơn Chúa trong mọi sự của ngày sống. “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì”, Lời Chúa đã khẳng định tính chất mỏng giòn yếu đuối của thân phận người.

-    Luôn quan tâm đến con cái trong những sinh hoạt vui chơi của con :

Dù không có mặt bên cạnh những lúc con vui chơi, nhưng không vì thế mà gia trưởng hoàn toàn không biết con mình chơi gì, làm gì. Phải quan tâm đúng mức cần thiết để kịp thời điều chỉnh thói quen của con cái, không để con rơi vào tình trạng bê tha nghiện ngập, sa đọa chốn ăn chơi.

-    Đưa con vào các sinh hoạt tôn giáo theo lứa tuổi :

Cần nhắc nhở con tham gia các sinh hoạt đạo theo lứa tuổi trong xứ sở của mình. Các lớp giáo lý, Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, tổ chức Giới Trẻ… là những địa chỉ tốt đẹp mà Thiên Chúa thông qua Giáo Hội địa phương giáo dục con cái chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

-    Lắng nghe và kịp thời tư vấn con trước mọi vấn đề trong cuộc sống.

Thấy con có những biểu hiện khác thường, hãy dành thời gian bên con, chủ động gợi ý để con chia sẻ những thắc mắc. Hoặc trực tiếp định hướng giúp con, hoặc tham khảo ý kiến của các đấng bậc, các người uy tín trong gia tộc, trong xóm đạo để giúp con có được những kiến giải xác đáng mà đi đúng hướng.

    Kính thưa quý gia trưởng !

    Con cái chúng ta là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho, và Ngài đòi buộc bậc cha mẹ phải thay mặt Ngài nơi trần gian này nuôi dưỡng và giáo dục con cái theo Luật Chúa Kitô và Hội Thánh. Ước mong rằng mỗi gia trưởng chúng ta, đều biết tận dụng khoảng thời gian trong đời mà quan tâm giáo dục đời sống tâm hồn, nhất là đời sống đức tin của con cái mình nên tốt lành.

* Cùng suy tư :

     Một đời sống gia trưởng gương mẫu sẽ là một tấm gương thuyết phục nhất để con cái noi theo.

                BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
                                                 GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Xã hội sẽ thế nào nếu không có lễ?


  • 8/8/2012 06:00

 Trong văn có lễ và trong lễ có văn, bởi "văn" là người mà đã là người thì phải có "lễ"!
"Vector vô hướng"

Thời gian gần đây trên diễn đàn của báo chí, liên tục đăng tải những ý kiến khác nhau, trái chiều nhau, thậm chí đối lập nhau để chia sẻ chung quanh về câu "Tiên học lễ, hậu học văn".
Có người bàn về trật tự trước sau về khái niệm "tiên" hay "hậu". Có học giả lại trao đổi về nội hàm và ngoại diên của thuật ngữ "lễ", "văn". Người khác thì cổ xúy cho việc tiếp tục dùng khẩu "tiên học lễ, hậu học văn" nhưng không ít ý kiến lại phản đối và đi đến quan điểm là "nên bỏ" khẩu hiệu ấy đi với những lí do cả chủ quan và khách quan.
Chữ "lễ" trong tiếng Hán
Thế nhưng, bình tĩnh mà xem xét lại, chúng ta đã quá nhấn mạnh đến câu chữ mà bỏ quên đi ý nghĩa nội tại của nó. Đã lấy ý kiến chủ quan và tư biện để đánh giá và phủ quyết cái đã tồn tại như một tất yếu của cuộc sống, một triết lí sống mà, nếu không có nó chúng ta sẽ rơi vào một khoảng chân không vô định mà mỗi con người trở thành những "vector vô hướng".
Cộng đồng và xã hội sẽ mất đi hệ qui chiếu cần thiết để "soi mình".
Từ những mẩu chuyện đời thường....
Ba tôi là một nông dân thứ thiệt và tất nhiên những bạn bè "khách khứa" của ba tôi cũng là những bác nông dân chân đất. Một lần có 1 vị khách đến nhà chơi và cùng dùng cơm với gia đình. Dùng cơm xong, ba bảo tôi lấy tăm cho bác xỉa răng. Tôi (như một phản xạ tự nhiên) lấy tăm và đưa cho khách. Vừa quay đi, tôi bị ba gọi lại và bảo: Lần sau con đưa tăm thì phải đưa 2 tay.
Với một đứa bé 6 tuổi, trong "tư duy phản biện" của mình, tôi đôi co: Cây tăm đâu có nặng đến mức độ phải cầm 2 tay đâu ba! Đợi vị khách ra về, ba gọi tôi lại và chỉ bảo: Đúng là cây tăm xỉa răng không nặng đến mức phải dùng 2 tay mới nhấc nổi, nhưng con vẫn phải dùng 2 tay để đưa cho người lớn. Đó là cái "lễ phép" con ạ.
Con có thấy lúc nãy bác tỏ thái độ không vừa lòng trước cử chỉ của con không? Vì sao con biết không? Bản thân cây tăm xỉa răng không có ý nghĩa gì cả, nhưng hành vi mà con cầm cây tăm đưa cho ba và bác có cái nét văn hóa của người Việt con ạ: Lễ phép!
Nhà tôi không thờ Phật nhưng ngày rằm và mồng 1 mỗi tháng mẹ tôi đều mua ít trái cây đặt lên bàn thờ để thắp hương. Có lần mẹ mua trái cây về rửa sạch sẽ và đặt lên bàn thờ, bảo tôi đốt hương giúp mẹ. Tôi đang làm bài tập và lập tức đứng lên rút 3 cây hương định châm lửa đốt.
Chưa kịp đốt mẹ tôi đã bảo: Con lấy cái quần dài và cái áo mặc vào (vì lúc đó tôi chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc) rồi hãy đốt hương. Tôi thắc mắc thì mẹ bảo, dâng hương hoa cho tổ tiên, ông bà,  người đã khuất cũng phải thể hiện cái "lễ" con ạ.
Sau này tôi mới hiểu, đối với người Việt Nam, lễ không chỉ thể hiện đối với người còn sống mà nhiều lúc còn phải thể hiện sự "tương tác" giữa người sống với người đã mất, giữa cái thế tục với cái thiêng liêng...
Một lần đi trên chuyến xe buýt tôi chứng kiến một cảnh tượng hết sức thú vị. Xe dừng lại để đón khách thì có 1 cụ già bước lên, đang loay hoay tìm chỗ ngồi thì ngay lập tức cậu thanh niên gần đó đứng lên và nhường chỗ cho cụ.
Cậu thanh niên đứng bên cạnh, 2 người cùng trò chuyện rôm rả. Một lát sau, cụ già đột nhiên đứng lên và "nhường chỗ" cho anh thanh niên này. Hỏi ra mới biết, sau khi nói chuyện thì "cụ già" và anh "thanh niên" kia mới nhận ra rằng, họ có quan hệ thân tộc.
Nếu xét về tuổi tác thì "cụ già" đúng là cụ già, nhưng xét về "vai vế" thì "cụ già" là "thiếu niên" vì phải gọi "cậu thanh niên" bằng bác theo vai vế. Thế là một cuộc "đổi ngôi" "nhường nhịn" xảy ra, mà xét đến cùng là sự tương tác của cái mà người Việt Nam gọi là "lễ độ".
Một lần trường chúng tôi có mời 1 vị giáo sư người Mỹ đến nói chuyện. Khi giáo sư bước vào giảng đường thì ngay lập tức tất cả sinh viên có mặt trong giảng đường đều đứng lên chào vị giáo sư nọ.
Sau buổi thuyết trình, vị giáo sư có tâm sự với tôi cái điều mà giáo sư thấy "lạ": Vì sao ông ta bước vào giảng đường thì tất cả đứng lên chào ông (điều mà ông không thấy nơi chính xứ sở của ông, một đất nước được cho là có nền văn minh nhất thế giới).
Tôi cười và trả lời ông, không phải là sinh viên ấy đứng lên mà chính là cái "lễ", một nét văn hóa truyền thống của con người Việt Nam đã "đứng lên"...
"Tiên học lễ, hậu học văn"
...Đến những triết lí giáo dục
Có thể khẳng định ngay rằng, "Tiên học lễ, hậu học văn" không phải là một "khẩu hiệu" (slogan) để "cổ động" nhất thời mà nó chính là một triết lí giáo dục (Philosophy of Education).
Xác định ngay điều này để có cách tiếp cận chính xác hơn. Đã là một "khẩu hiệu" đơn thuần thì vấn đề "bỏ hay không bỏ" nó không cần đáng bàn. Bởi cái gọi là "khẩu hiện" có thể vứt đi khi 1 phong trào, 1 sự kiện nào đó gắn với nó đã qua đi.
Nhưng một khi là 1 triết lí thì cần phải nghiên cứu tỉ mỉ, khoa học, khách quan và hết sức bình tĩnh. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học, giáo dục học phương Tây đã không ít lần phản tỉnh về chính triết lí giáo dục của họ mà một điều trong đó là hiện tượng tự do quá trớn, bình đẳng thái quá, cá nhân chủ nghĩa.
Họ cũng đã nhiều lần "cúi đầu nhìn lại" với hệ thống triết lí giáo dục của họ đã tạo ra những lỗ hổng nhân văn chết người: Con người sống lạnh lùng hơn, ghẻ lạnh hơn, vị kỉ hơn.
Nhiều quốc gia đang lo ngại vì tỉ lệ li hôn đã đạt đến con số 50% và đang có chiều hướng gia tăng, mà khi nghiên cứu về nguyên nhân, người ta không ngần ngại chỉ ra rằng, ở đó có yếu tố từ triết lí giáo dục: Lòng vị tha, nhân ái, lễ nghĩa, nhường nhịn đã bị bỏ qua một cách mù quáng.
Trong nhiều bài viết, nhiều tác giả cho rằng "Tiên học lễ, hậu học văn" là "sản phẩm của Nho giáo", là "từ Hán", "là học thuyết thống trị của Khổng giáo" nên... bỏ đi.
Chữ "văn" trong tiếng Hán
Đây rõ ràng là một nhận định hết sức chủ quan và duy ý chí. Không phải cái gì của Nho giáo cũng xấu, không phải cái gì ngoại lai cũng không tốt. Một thời chúng ta mắc phải những sai lầm đáng tiếc chính từ những kiểu tư duy này: Bài ngoại.
Cần nhớ rằng, không có 1 mô hình hay triết lí giáo dục nào đó đúng trong mọi trường hợp, mọi thời đại, mọi nền văn hóa, mọi quốc gia. Như vậy, vấn đề là ở chỗ, không nên xem xét vấn đề từ yếu tố "nguồn gốc" mà cần xen xét nó trong sự "chỉnh hợp", "tích hợp" với những yếu tố nội tại để cùng nhau tồn tại.
"Tiên học lễ, hậu học văn" không phải là ngoại lệ. Mắt xích của vấn đề là, chúng ta biết loại bỏ những yếu tố bất hợp lí, bất hợp thời, bất cập trong nội hàm của mệnh đề này và giữ lại và phát huy những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất, hợp lí nhất. Bởi không ai giết con rận mà đốt cả cái áo!
Và những lời tâm sự
Lễ, xét đến cùng, là cái căn bản để ứng xử và xử lí các mối quan hệ giữa con người với con người, thậm chí giữa người sống với người đã mất, giữa cái tức thời với cái vĩnh hằng, giữa cái hữu sinh và cái vô sinh. Giữa con người với tự nhiên, giữa cộng đồng người với nhau hay giữa các dân tộc khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà trong từ điển Tiếng Việt xuất hiện hàng loạt các từ về lễ: Lễ độ, lễ phép, lễ phục, lễ giáo, lễ tiết, lễ mạo, lễ đường, lễ nghi, lễ nghĩa, lễ tân, lễ vật; lễ thành hôn, lễ tang, lễ chào cờ, lễ chùa.
Chúng ta cứ thử hình dung, nếu một ngày nào đó xã hội chúng ta không có "lễ" (hay lễ không được giáo dục, đề cao), có lẽ lúc đó người dưới không kính trọng lễ phép với người trên.
Trẻ em không đáp lễ với người lớn tuổi, trò "vô lễ" với thầy. Người sống không còn "đáp lễ" với người đã khuất. Con người sẽ sống trong một mớ hỗn độn và xô bồ và con đường dẫn đến mâu thuẫn xung đột là khó tránh khỏi!
Có thể nói con người "lớn hơn" con vật là ở chữ "lễ", cái "lễ". Bởi, về bản chất mà nói, học cái lễ chính là học làm người. Muốn làm người thì con người phải thông qua 1 quá trình học hỏi, lĩnh hội, nội tâm hóa những giá trị chuẩn mực, chuẩn tắc, qui ước và cả những niềm tin chung của cộng đồng (kể cả những niềm tin về thế giới tâm linh).
Học hỏi những kĩ năng, kĩ xảo, kiến thức, nghề nghiệp và tất cả những gì giúp cho con người có thể sinh sống, lao động, làm việc trong 1 nhóm hay 1 cộng đồng xã hội.
Như vậy, xét đến cùng, "văn" là "kĩ năng cứng" còn "lễ" là "kĩ năng mềm" giúp cho con người sống, lao động, học tập, làm việc, hưởng thụ trong 1 cộng đồng xã hội nhất định.
Do đó, chúng ta không nên quá câu nệ về câu chữ để đi đến bàn luận về cái "tiền" cái "hậu", cái nào có trước cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào. Mấu chốt của vấn đề là, chúng không thể tách rời nhau: Học để làm người và làm người cần phải học.
Trong văn có lễ và trong lễ có văn, bởi "văn" là người mà đã là người thì phải có "lễ"!
Phạm Đi

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Hôn nhân Công Giáo: các bế tắc và hướng giải quyết

Lm Nguyễn Hữu Thy7/16/2012


Các vấn đề nan giải, các vướng mắc và các bế tắc trong đời sống hôn nhân nói chung và trong đời sống hôn nhân Công Giáo nói riêng rất đa dạng: Từ các khó khăn về kinh tế, cho đến sự khác biệt về tính tình, văn hóa, quan điểm sống, tôn giáo, xã hội, khuynh hướng chính trị.

Trên thực tế xã hội ngày nay, dù ở Âu-Mỹ hay ở Á-Phi, đặc biệt các gia đình đông con thường rơi vào tình trạng thiếu thốn và nghèo đói về vật chất. Đây là một thực tại cụ thể thu hút nhiều nhất sự quan tâm của toàn xã hội, kể cả các xã hội tại các nước Âu-Mỹ giàu có. Nhưng chúng ta cũng không được phép bỏ qua một tình trạng nghèo nàn và thiếu thốn sâu rộng khác đã luôn luôn đóng vai trò không nhỏ, nếu không muốn nói là đóng vai trò chủ chốt, trong cuộc sống an vui hạnh phúc hay rời rạc và bất hạnh cho các gia đình: Vấn đề tâm linh tín ngưỡng, hay nói rõ hơn, vấn đề sống đức tin Công Giáo! Nhiều bậc cha mẹ đã không thành công trong việc gieo vãi đức tin Công Giáo và làm cho nó bén rễ sâu trong tâm hồn con cái của họ, có lẽ do phần lớn những bậc cha mẹ này hoặc vốn liếng hiểu biết về các giáo lý quá ít ỏi nông cạn hoặc không sống và không thực hành các giáo lý một cách cẩn thận. Vì người ta không thể cho người khác điều mình không có. Đó thường là nguyên nhân chính khiến con cái họ có thái độ thờ ơ lạnh nhạt đối với đời sống đức tin. Và một điều đáng buồn khác cũng không phải là nhỏ, khi một trong hai vợ chồng bỏ rơi người còn lại một mình trong cuộc sống đức tin.(1) 

Nhưng sự khủng hoảng gây đau khổ nhiều nhất cho mọi thành phần của gia đình, đó là khi các đôi vợ chồng không thể dẹp bỏ được sự tự ái cá nhân và tìm làm hòa với nhau, để cứu vãn cuộc sống hạnh phúc gia đình, nhưng sống chia rẽ nhau, sống ly thân, hay tồi tệ hơn nữa, ly hôn, tức họ tự tiện xóa bỏ giao ước hôn nhân, mà họ đã long trọng thề hứa với nhau trước bàn thờ Chúa, và qua đó, họ xóa bỏ gia đình và hạnh phúc của nó. Vâng, hiện tượng ly hôn là nguyên nhân chủ chốt gây ra bao bất hạnh cho cả gia đình, cho con cái và cho chính đôi vợ chồng. Vì thế, đây là một chủ đề hết sức quan trọng(2) mà chúng ta sẽ tringh bày trong những dòng tiếp sau đây.

Tình trạng ly hôn và những phức tạp kèm theo

Một điều quá hiển nhiên không ai phủ nhận được, đó là con số các đôi vợ chồng ly hôn hay ly dị trong mấy thập niên vừa qua đã tăng nhanh một cách đáng sợ: Ở các các nước bắc Âu vào khoảng trên 60%, còn ở tây Âu vào khoảng từ 40 đến 50%. Sự khủng hoảng gia đình này đã ảnh hưởng trực tiếp không những đến những người liên hệ, đến xã hội, mà còn đến cả Giáo Hội nữa. Chắc hẳn tất cả chúng ta cũng đã tận mắt chứng kiến cảnh đổ vỡ của các gia đình, những phức tạp và những bất hạnh kèm theo của những người sống ly thân, ly hôn và rồi lại tiếp tục lập gia đình mới với người khác. Đó quả một sự mất mát, bất an và đau khổ to lớn nhất cho toàn thể gia đình nói chung và nhất là cho các con cái nói riêng, những thành phần mà người ta không được phép quên sót. Và dĩ nhiên, trong những trường hợp phức tạp và thương tâm ấy, việc thực hành, gìn giữ và thăng tiến đức tin Kitô giáo của mình một cách đầy hân hoan và xác tín quả là một thách đố không nhỏ, nếu không muốn nói là hầu như bất khả. 

Nhưng đâu là lối thoát khả dĩ? Hay đâu là những giải quyết mà người ta có thể khám phá ra được dưới ánh sáng của tình yêu Đức Kitô? 

Trong vấn nạn này, các quan điểm và các ý kiến trong Giáo Hội phần lớn không đồng đều và rất khác biệt nhau. Một ví dụ điển hình: Nhân dịp Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI thăm mục vụ Đức Quốc vào tháng 9 năm 2011, một Tổng Giáo phận tại đây đã cho xuất bản một số tập tài liệu về các vấn đề phụng vụ và đời sống thiêng liêng. Một trong số các tập tài liệu ấy, người ta đọc thấy: „Hai vấn nạn được đặt ra cho ĐTC Bênêđictô XVI,“(3) Vấn nạn đầu tiên trong hai vấn nạn được đặt ra là: „Cho phép những người sau khi ly hôn và lại tái kết hôn được rước lễ.“ Tác giả của hai vấn nạn đó là một vị giáo sư thần học đã nghỉ hưu. Ông đã trình bày vấn đề trong hơn bảy trang giấy. Cuối bài viết, ông đã dựa theo nguyện vọng của nhiều người khác cùng đồng quan điểm, xin Đức Thánh Cha xem xét lại nguyện vọng của các Đức Giám Mục Đức thuộc miền thượng lưu sông Rhein, tức miền tây nam Đức, gồm các Tổng Giáo Phận và Giáo Phận: Freiburg, Rottenburg-Stuttgart và Mainz, là những vị vào năm 1993 đã công bố một Thư Mục Vụ chung cho cả ba giáo Phận, trong đó các vị đã bày tỏ ý kiến muốn cho phép những người đã ly hôn và lại đã tái hôn được phép rước lễ với một số điều kiện nhất định, ví dụ: những người vợ hay chồng vô tội trong vấn đề ly dị, tức những người vợ hay chồng bị chồng hay vợ mình bỏ rơi một cách bất công. Nhưng một năm sau đó, trong một Thư Chung gửi tất cả các Giám Mục Công Giáo trên khắp thế giới, Thánh bộ Đức Tin đã bác bỏ ý kiến ấy.(4)

Ví dụ chúng ta vừa dẫn chứng cho thấy rằng, trên nguyên tắc chương trình Mục Vụ cho những người ly hôn trong các vùng lãnh thổ nói tiếng Đức vẫn đang trên đường tìm kiếm một lối thoát hay một đường hướng đi khả dĩ. Còn trên thực tế, rất nhiều vị Linh Mục, mà người ta thường gọi là các Linh Mục „cấp tiến“ hay „cởi mở“, đã tỏ thái độ khoan dung đối với những người tín hữu ly hôn và đã tái kết hôn bằng cách âm thầm „làm ngơ“ để họ lên rước lễ, nếu không muốn nói là nhiều vị còn mời họ đến tham dự Bàn Tiệc Thánh như các tín hữu khác. Trong khi đó, các Linh Mục muốn tuân giữ nghiêm ngặt các chỉ thị và hướng dẫn của Tòa Thánh lại cảm thấy mình đang phải đối mặt với một tình huống mục vụ vô cùng phức tạp và „khó xử“ và phải mang một tâm trạng ray rứt: „bỏ thì thương, vương thì tội.“

Vấn đề mục vụ cho những người ly hôn và lại đã tái hôn tại một số quốc gia khác như tại Bỉ, Pháp, Áo hay Canada, v.v… cũng đã đưa ra những đường lối mới mẻ, tuy nhiên, vẫn không vượt quá xa khỏi giới hạn các chỉ dẫn của Giáo Hội.(5)

Giải quyết dưới ánh sáng tình yêu Đức Kitô, nhưng như thế nào?

Đây là một vấn đề mục vụ khó khăn, tế nhị và quan trọng của Giáo Hội, vì nó liên quan trực tiếp đến con người và hạnh phúc của họ: từng cá nhân, từng hôn nhân, từng gia đình và toàn xã hội. Do đó, vấn đề cần phải được giải quyết dưới ánh sáng của tình yêu Đức Kitô. Nhưng nếu người ta tìm cách giải quyết vấn đề ấy dưới ánh sáng tình yêu Đức Kitô, người ta không được phép loại bỏ chân lý của Người. Bởi vì, không thể gọi là tình yêu đích thực được, khi người ta không thể hiện tình yêu ấy trong chân lý. Ở đây câu nói của Đức Giêsu mang trọn vẹn ý nghĩa của nó: „Chân lý sẽ giải thoát các ngươi!“(Ga 8,32). Và thuộc về chân lý ấy là Sứ điệp Tin Mừng của Người về tính chất bất khả tháo cởi của Bí tích Hôn Nhân. Trong vấn đề này, khi Giáo Hội rao giảng và bảo vệ tính chất bất khả phân ly hay bất khả tháo cởi của Bí tích Hôn Nhân, Giáo Hội không rao giảng một giáo huấn riêng của mình, nhưng là một chân lý mặc khải về một thực tại mà Giáo Hội không có quyền thay đổi. Giáo Hội chỉ có quyền và có bổn phận rao giảng và bảo vệ mà thôi: Sự bất khả tháo cởi của Bí tích Hôn Nhân, vì „sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.“(Mt 19,6b) Đây là mệnh lệnh và nguyên tắc bất di dịch của Thiên Chúa.

Theo tinh thần Bí tích Hôn Nhân, những người sống bậc hôn nhân Công Giáo được kêu mời làm chứng cho sự trung tín vô điều kiện của Thiên Chúa đối với nhân loại trong chính sự chung thủy hôn nhân của mình. Qua Bí tích Hôn Nhân tình yêu vợ chồng mang một giá trị vô cùng thánh thiêng và cao cả, chứ không chỉ là một tình yêu thuần tuý nhân loại giữa một người nam và một người nữ mà thôi. Bởi vì, một khi tình yêu vợ chồng đã được thánh hóa bởi Bí tích Hôn Nhân, bởi ân sủng của Thiên Chúa, thì nó trở thành nhân chứng cụ thể của tình yêu Đức Kitô đối với nhân loại, Đấng đã vì yêu nhân loại và muốn cho nhân loại được hạnh phúc chân thật, nên tự hiến thân mình đến chịu chết trên thập giá.

Vì thế, cả khi những người vợ chồng sống ly thân hay ly hôn, thì sợi dây hôn nhân nối kết giữa họ vẫn tiếp tục tồn tại, vì sự nối kết hôn nhân ấy được đặt nền tảng trên hôn ước mà chính Thiên Chúa đã thiết lập và cũng đã đóng ấn niêm phong. Điều đó muốn khuyến khích tất cả những người, vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nào đó, đang phải sống trong tình trạng ly thân hay ly hôn, cần phải giữ sự chung thủy với người bạn đời mà một lần mình đã long trọng thề hứa trước bàn thờ Chúa là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống cũng sẽ giữ lòng chung thủy trọn đời, và từ chối một quan hệ mới có tính cách vợ chồng. Để thực hiện được điều đó, họ cần tới những sự nâng đỡ thiêng liêng và tinh thần của Giáo Hội, cũng như một sự thông cảm, cùng đồng hành và chia sẻ đầy nhân bản của gia đình và bạn bè.

Khi một hôn nhân bị đổ vỡ bao giờ cũng kéo theo những tổn thương sâu xa về mặt tinh thần như một hậu quả tất yếu. Vì thế, những người liên hệ cần phải được hướng dẫn với sự chia sẻ và thông cảm chân thành, trên từng bước tiến dần tới sự tha thứ cho nhau và có lẽ với thời gian cả từng bước tiến tới sự hòa giải với nhau nữa. 

Tất cả những sáng kiến mới mẻ về vấn đề mục vụ cho những người ly hôn được thực hiện trong khuôn khổ các biện pháp và các hướng dẫn của Giáo Hội sẽ mang một giá trị đặc biệt, là giúp cho các người ấy xác tín vào các kế hoạch từ muôn thủa của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình, như Giáo Hội vẫn rao giảng. Hơn nữa, như vừa nói trên, tính chất bất khả phân ly của thể chế hôn nhân và gia đình Công Giáo là chân lý do Thiên Chúa mặc khải, chứ không phải do Giáo Hội thiếp lập ra, nên Giáo Hội không có quyền thêm bớt, sửa đổi hay loại bỏ. Nhờ thế, những người ly hôn sẽ nhận ra rằng, ơn gọi sống bậc hôn nhân của họ luôn vẫn là cùng với Giáo Hội làm nhân chứng cho kế hoạch bất di dịch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình giữa lòng xã hội thế tục.

Sự tha thứ là hoa quả của lòng thương xót

Trong Phúc Âm không chỉ có tiệc cưới Ca-na, nhưng nhất là thập giá cũng phải được coi như một sự kiện nói lên một cách hùng hồn sự quan tâm của Thiên Chúa đối với hạnh phúc con người nói chung và hạnh phúc hôn nhân gia đình nói riêng. Sự thông cảm tha thứ chân thành là hoa quả của lòng từ bi nhân hậu và đại lượng bao dung mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta cuộc tử nạn trên thập giá của Đức Kitô. Chính trong sự nhắc lại và hiện tại hóa Hy Lễ thập giá của Chúa qua việc cử hành Thánh Lễ, những người ly hôn sẽ kín múc cho mình sức mạnh và sự hỗ trợ nội tâm cần thiết để bảo toàn và làm nảy nở tình nghĩa thiết với Đức Kitô trong đức tin, trong hy vọng và trong tình yêu – dĩ nhiên trong cả tình yêu đối với người bạn đời „vắng mặt“ của mình nữa. Và trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội đã từng có biết bao chứng nhân can đảm và sống động cho sự tha thứ bao dung ấy.

Tất nhiên những người sống ly thân và ly hôn rất có thể được phép rước lễ, nếu họ sống trong tình trạng ơn thánh. Nhưng nếu họ lại có những quan hệ kiểu vợ chồng, thì bấy giờ họ lại rơi vào tình trạng bất bình thường, như ĐTC Gioan Phaolô II đã trình bày minh bạch trong Tông Thư „Familiaris Consortio“ của ngài,(6) và vì thế họ không còn được phép rước lễ nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ bị kỳ thị, bị loại bỏ và không còn thuộc về Giáo Hội nữa. Vì những gì đã được đặt nền tảng trong Bí tích Thánh Tẩy thì luôn luôn vẫn tồn tại. Nói cách khác, những người qua tình trạng cuộc sống hiện tai, tuy không hội đủ điều kiện để được phép rước lễ thực tiễn, vẫn luôn là thành viên của Giáo Hội, là chi thể của Đức Kitô và là con cái của Cha trên trời, nên họ luôn có thể sống kết hiệp mật thiết cách thiêng liêng với Đức Kitô trong phép Thánh Thể qua lòng ao ước thiết tha và kinh nguyện sốt sắng, mà người ta thường gọi là „rước lễ thiêng liêng.“ Vâng, họ sống tinh thần đạo hạnh và khiêm tốn của người thu thuế được nhắc đến trong Tin Mừng thánh Luca: „Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.“ Và Đức Giêsu đã nói về anh ta: „Tôi nói thật cho các ông biết: người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được trở nên công chính rồi.“(Lc 18,13tt)

Sự thông cảm bao dung không thay đổi được thực tại tội lỗi

Nếu những người sống ly thân, ly hôn và tái kết hôn, mặc dù vẫn có chỗ đứng chính thức trong Giáo Hội, vẫn được quyền đòi hỏi nơi Giáo Hội sự săn sóc mục vụ cho những nhu cầu tâm linh cần thiết của mình như mọi người khác, thì theo quan điểm nhất quán của Giáo Hội không phải tất cả mọi lối sống đều mang đầy đủ các giá trị ngang nhau. Nói cách khác, nếu vì lòng nhân từ bao la của Người, Thiên Chúa có thể làm nên một điều thiện hảo nào đó từ sự dữ do chúng ta gây ra, thì không có nghĩa là điều đó có thể biện minh cho việc chúng ta cứ tiếp tục làm điều dữ. Tội lỗi luôn vẫn là tội lỗi. Tội lỗi chỉ được xóa bỏ, khi đương sự thật lòng sám hối ăn năn, cải thiện cuộc sống và trở về cùng Thiên Chúa. 

Cũng như Đức Giêsu, Giáo Hội không hề kết án những người sống trong tình trạng bất bình thường, trong tình trạng tội lỗi, nhưng Giáo Hội luôn kết án những tình trạng bất bình thường, những tình trạng tội lỗi, vì chúng tách rời con người ra khỏi Thiên Chúa, vì chúng trói buộc và giam cầm con người trong sự bất hạnh không lối thoát. Dĩ nhiên, Giáo Hội luôn tìm gặp và đón nhận tất cả những người sống trong những tình trạng ấy với vòng tay rộng mở, với tất cả sự kính trọng và đầy yêu thương. Nhưng đồng thời Giáo Hội cũng không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa tương đối hóa. Giáo Hội không bao giờ đánh giá tất cả mọi lối sống đều mang cùng giá trị như nhau. Bóng tối không thể hòa lẫn với ánh sáng. Tội lỗi không thể hòa lẫn với sự trọn lành được. 

Tất cả những điều ấy muốn khẳng định rằng: 

• Tốt nhất là thà cùng nhau chung sức tìm kiếm giải pháp khả dĩ cho những khủng hoảng, những vướng mắc và những bế tắc của hôn nhân và gia đình còn hơn là từ bỏ nhau để sống trong bất an và trong bất hạnh, không những cho chính mình, mà còn cho con cái và cho cả đại gia đình cũng như cho toàn xã hội nữa.

• Tốt nhất là những người sống ly thân thà cố gắng tiếp tục giữ lòng chung thủy với người bạn đời của mình, còn hơn là lại lập gia đình theo phép đời.

• Tốt nhất là nếu những người ly thân đã tái lập gia đình theo phép đời, thì cả hai người nên cố gắng sống với nhau như hai anh em, còn hơn là có những quan hệ kiểu vợ chồng.

Dĩ nhiên, trong cuộc sống cụ thể đời thường, chắc hẳn những gợi ý trên thoạt đầu khi mới đọc qua người ta sẽ có ngay cảm tưởng là một điều vô cùng khó khăn, hầu như bất khả thi, nếu không muốn nói là một điều thiếu thực tế, quá lý tưởng, đến nỗi hầu như giả tưởng vậy. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, trong số những người không may phải rơi vào hoàn cảnh sống chẳng đặng đừng như thế, chắc chắn không thiếu những người đầy thiện chí luôn muốn tìm kiếm cho cuộc sống tâm linh của mình một lối thoát, một sự an bình, thì đây hẳn là những gợi ý cần thiết giúp họ tìm cho mình một quyết định hợp với luân thường đạo lý tự nhiên, hợp với tiếng nói của lương tri và nhất là hợp với thánh ý Thiên Chúa Tạo Hóa, Đấng ngay lúc khởi đầu khi dựng nên con người gồm có nam có nữ và phối hợp họ thành vợ chồng, đã muốn họ suốt đời sống chung thủy với nhau.

Nhưng một điều chắc chắn là dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần nắm chặt lấy bàn Đức Kitô đang giơ ra chờ đón và kêu mời tất cả chúng ta, Đấng muốn hướng dẫn chúng ta vượt lên trên chính những khả năng và những điều kiện tự nhiên của chúng ta, để cùng với Người bước đi trên con đường tình yêu quảng đại, trên con đường tha thứ bao dung và trên con đường từ bỏ chính mình, mà Người đã từng một lần bước đi. Nếu chúng ta tiếp tục bước đi trên những con đường ấy với Chúa, dần dà có lẽ chúng ta sẽ khám phá được rằng, sau một thời gian dài, khi vết thương lòng đã được hàn gắn, sự tự ái cá nhân cũng đã lắng xuống và lý trí đã có thể đóng vai chủ động hơn, bấy giờ một sự hòa giải, một sự làm hòa với nhau hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở đây, có lẽ chúng ta cần ghi nhận hai điều quan trọng: 

Thứ nhất, người ta chỉ có thể tìm gặp được tương lai đích thực và hạnh phúc bền vững của mình trong cuộc sống trên Nước Trời, chứ không phải nơi các sự vật thể chất và trong cuộc sống trần thế. 

Thứ hai, nếu trên thực tế, những người ly hôn chính là những người phải gánh chịu sự tổn thương về tinh thần lẫn vật chất, gây ra bởi sự đổ vỡ của tình yêu hôn nhân, của đời sống vợ chồng, và phải trải nghiệm sự khó khăn và vất vả trong công việc một mình phải chăm sóc và giáo dục con cái, thì họ không nên để mất hết hy vọng. Thánh Phaolô đã có những lời an ủi và động viên cần thiết cho những người đang phải sống trong khó khăn và thử thách như họ: „Chúng ta tự hào khi phải gian truân, vì biết rằng: Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là người trung kiên, thì có quyền trông cậy.“(Rm 5,3-4). Chính sự trung kiên củng cố và bảo đảm cho sự chung thủy hôn nhân, và đến lượt sự chung thủy hôn nhân dẫn đưa tới niềm hy vọng.

Nói tóm lại, ở đâu lòng chung thủy hôn nhân trong khi vắng bóng người bạn đời của mình là một con đường của thách đố và của đau khổ, thì đồng thời nó cũng có thể trở thành con đường của sự thánh thiện, của sự trọn lành. Những Kitô hữu Armenien sau khi đã phải trải qua những cuộc bắt đạo tàn bạo khủng khiếp của người Hồi Giáo, đã phát biểu kinh nghiệm của họ: „Trong mỗi cây Thánh Giá đều chứa ẩn một cây sự sống.“ Chúng ta cũng đừng quên rằng, tình yêu chỉ thể hiện mình thực sự trong những quyết định can trường và đòi hỏi sự hy sinh. Vào cuối đời sống trần thế của mình, mỗi người trong chúng ta sẽ bị đoán xét theo tình yêu của mình.(7) Sự thưởng công hay án phạt của mỗi người đều dựa trên tình yêu thương đối với cận nhân mà người ấy đã thực hiện và đã thực hiện như thế nào, hay không thực hiện. 

Nếu vậy, tình yêu của những người tuy phải sống ly thân hay ly hôn nhưng vẫn luôn giữ lòng thủy chung với người vợ/chồng vắng mặt của mình, thật mạnh mẽ và nên công đức trước tòa Thiên Chúa biết chừng nào! Cũng vậy, tình yêu của những người sống ly hôn và nay vì hoàn cảnh cuộc sống thực tế đòi hỏi nên đã tái kết hôn theo phép đời, nhưng vẫn luôn ý thức được luật Chúa và biết coi tình yêu mới ấy là tình thương yêu hỗ trợ nhau, chứ không phải tình yêu lứa đôi bình thường, và cũng đã can đảm sống với nhau như thể anh em, chứ không phải như vợ chồng, thật mạnh mẽ, thật kiêu hùng và thật đáng thưởng công trước tòa Thiên Chúa biết chừng nào! 

Qua đức tin Kitô giáo chúng ta cảm nhận được chân lý này, là những điều đối với tính xác thịt yếu đuối là bất khả, nhưng với ơn Chúa đều hoàn toàn khả thi, vì „đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.“(Lc 1,37).

_________________ 

1. x. Maria Prügl, „Wenn der Partner nicht mitmacht – Allein in Ehe und Familie“, Verlag Ehe Familie Buch.

2. x. Maria Prügl/Christoph Casetti, „Getrennt,geschieden, wiederverheiratet in der Kirche“, Verlag Ehe Familie Buch, 2.Aufl. 2010.

3. x. Hansjürgen Verweyen, „Fragen aus der Kirche an der Kirche“, Freiburger Texte số. 59, 2011, trang 76-83.

4. Kongregation für die Glaubenslehre, „Schreiben an die Bischöfe der Katholischen Kirche über den Kommunionempfang von wiederverheirateten geschiedenen Gläubigen“, 1994.

5. x. Christoph Casetti, „Wege im Licht der Liebe Gottes – Initiativen zur Geschiedenenpastoral“, trong: Nguyệt San „Der Fels“ 42 (2011), trang 241tt.

6. Johannes Paul II, „Familiaris Consortio“, 1981, số 84.

7. x. Ngày phán xét chung: Mt 25,31-46.


Lm. Nguyễn Hữu Thy