Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Thuốc phá thai Mifeprestone (RU-486) giết người


Vũ Văn An6/28/2012

Tôi bắt đầu cảm thấy đau ở bụng dưới, một cái đau không giống bất cứ cái đau nào tôi từng trải nghiệm. Thế rồi tôi bị chẩy máu. Máu thực sự phun ra từ trong tôi… Tôi ngồi đấy hàng giờ, máu cứ chẩy, tứ tung vào thùng rác phòng tắm, chỉ biết khóc và đổ mồ hôi.

Đó là lời của Abby Johnson, nguyên giám đốc lâm sàng của tổ chức Planned Parenthood (phá thai), và hiện là một người tranh đấu phò sự sống. Bà có ý nói tới vụ phá thai của mình bằng cách sử dụng thuốc RU-486, cũng có tên là mifepristone. Bà hồi phục khỏi cơn ác mộng khủng khiếp này sau 8 tuần lễ đau đớn cùng cực, mất máu và kiệt lực. 

Điều bất hạnh là trải nghiệm của bà không phải duy nhất. Ngay Liên Đoàn Phá Thai Toàn Quốc, một tổ chức bênh vực cho phá thai, cũng phải nhìn nhận rằng những phản ứng phụ như thế là chuyện thông thường chứ không phải ngoại lệ, đối với các vụ phá thai bằng thuốcmifepristone. Người ta thường gọi loại phá thai này là phá thai dùng thuốc (medical abortion). Ói mửa, đau đớn cùng cực, chẩy máu xối xả, ỉa chẩy, nóng lạnh đều là các triệu chứng của việc sử dụng mifepristone. Phản ứng phụ nổi tiếng dù ít phổ quát là ra máu đến độ đòi phải được truyền máu, bị làm độc và ngay cả tử vong. 

Phương thức phá thai đầy tàn bạo này ở tam cá nguyệt đầu tiên đã được triển khai tại Pháp trong thập niên 1980. Nó vận hành bằng cách ngăn cản progesterone, một nội tiết tố chủ yếu để duy trì niêm mạc tử cung giúp cho việc phát triển của bào thai. Năm 2000, Cơ Quan Thực Phẩm và Thuốc Men (FDA) của Hoa Kỳ cho phép sử dụng mifepristone bằng một diễn trình chấp thuận nhanh chóng, thường chỉ dành cho các phương pháp điều trị để cứu sống. Diễn trình này cho phép việc tiếp thị mifepristone mà không cần tới các tiêu chuẩn an toàn thông thường. Thượng Nghị Sĩ của South Carolina là Jim DeMint hồi ấy đã cực lực chỉ trích diễn trình này như sau: “Định nghĩa thai nghén như một căn bệnh đe dọa tới mạng sống là một quyết định hoàn toàn có tính chính trị, chứ không khoa học chút nào. Bất cứ người hữu lý nào đã cam kết bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ đều phải kết luận rằng diễn trình chấp thuận RU-486 cần được tái duyệt một cách độc lập”. 

Bất chấp các chỉ trích ấy, người ta vẫn tiếp tục phổ biến và cho sử dụng mifepristone. Phúc trình thăm dò năm 2008 của Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC) cho hay: 14.6% các vụ phá thai được xếp vào loại phá thai dùng thuốc, nghĩa là có sử dụng mifepristone. Tỷ lệ ấy chỉ là 3.4% vào năm 2001, một năm sau khi FDA chấp thuận RU-486. Đến Tháng Tư năm 2011, FDA phúc trình 1.52 triệu phụ nữ Hoa Kỳ chọn phá thai bằng cách sử dụng mifepristone. Trên quốc tế, việc sử dụng mifepristone cũng nới rộng đáng kể. Bộ Y Tế Anh cho hay năm 2009, 40% các vụ phá thai tại Anh và Wales đã được thực hiện bằng cách sử dụng mifepristone. Tại Tô Cách Lan, 80% các vụ phá thai được thực hiện trước khi bào thai được 9 tuần lễ và 74% mọi vụ phá thai có sử dụng mifepristone. Loại thuốc này được sử dụng rộng rãi khắp các nước Âu Châu, trừ Ái Nhĩ Lan và Ba Lan. Nó cũng được sử dụng rộng rãi tại Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Trung Hoa và Đài Loan. 

Sau gần hai thập niên khắp thế giới sử dụng loại thuốc gây phá thai này, ta biết gì về sự an toàn và hiệu quả dài hạn của mifepristone? Tại Hoa Kỳ, phúc trình hậu tiếp thị của FDA về các hậu quả tai hại được liên kết với mifepristone trình bày 2,200 trường hợp bị hậu quả phụ nặng nề, trong đó, bị mất máu đến phải truyền máu, bị làm độc nặng, và chết. Điều quan trọng cần ghi chú là: việc báo cáo các phản ứng phụ tai hại này hoàn toàn là nhiệm ý, nên không đưa ra được tài liệu đầy đủ để chứng minh các hậu quả tồi tệ của mifepristone. Mười bốn cái chết tại Hoa Kỳ đã được liên kết với mifepristone. FDA cũng nhận được báo cáo về năm cái chết liên quan tới mifepristone ở ngoại quốc. Phân nửa các vụ chết chóc này là do bị làm độc nặng. Thự vậy, trong số 265 vụ làm độc do mifepristone gây ra được báo cáo cho FDA, gần 20% được coi là nặng vì kết cục của chúng là chết, là nằm bệnh viện hai ngày hay hơn, hoặc cần được chích trụ sinh dưới da ít nhất trong 24 giờ. Sự liên hệ giữa việc dùng mifepristone và việc bị nhiễm độc đã được chi tiết hóa bởi Bác Sĩ Ralph P. Miech, Giáo Sư Hưu Trí tại Đại Học Y Khoa Brown, người đã đăng kết quả trên tờ Annals of Pharmacotherapy, cho rằng các đặc tính ức chế miễn dịch (immunosuppressant) của mifepristone đã góp phần vào việc phát triển kích ngất nhiễm khuẩn (septic shock) nơi các phụ nữ phá thai y khoa. 

Một cuộc duyệt xét sâu rộng các hậu quả xấu nơi những người sử dụng mifepristone tại Phần Lan được công bố trong số tháng Mười năm 2009 của tờ Obstetrics & Gynecology. Các tác giả duyệt xét diễn biến y khoa của 22,368 phụ nữ phá thai bằng thuốc, bằng cách sử dụngmifepristone so với 20,251 phụ nữ phá thai theo kiểu mổ xẻ thông thường. Tỷ lệ biến chứng nơi phụ nữ sử dụng mifepristone cao hơn 4 lần. Trong cuộc duyệt xét này, điều đáng lưu ý là 6.7% phụ nữ phá thai y khoa cần được điều trị thêm vì họ phá thai không trọn vẹn. Điều này có nghĩa: họ không hoàn toàn trục hết được bào thai và rau thai. Không trục được hết thứ tế bào dư lại này có thể gây ra kích ngất nhiễm khuẩn và tử vong. 

Biến cố phá thai không trọn vẹn này còn đáng lưu ý hơn nữa trong một cuộc nghiên cứu việc dùng mifepristone tại Trung Hoa. Được công bố vào năm 2011 trên tờ Archives of Gynecology and Obstetrics, cuộc nghiên cứu này thấy rằng 20% các vụ phá thai bằng thuốc đòi được giải phẫu thêm vì những tế bào phôi thai còn dư lại này. 

Song song với nguy cơ chẩy máu trầm trọng, tế bào phôi thai còn dư lại, và những vụ làm độc đe dọa tới sinh mạng, các vụ phá thai dùng thuốc còn che đậy sự hiện diện của các vụ thai nghén ngoài tử cung (ectopic pregnancy). Đã có 54 vụ sử dụng mifepristone mà mang thai ngoài tử cung đã được báo cáo cho FDA, trong đó có hai vụ chết người. Có thai ngoài tử cung là một định mức chứng tỏ việc phá thai y khoa là có hại, nhưng các hướng dẫn cho việc sử dụng mifepristone lại không nói chi tới việc sử dụng thông thường siêu âm, là phương tiện duy nhất hiện nay để loại bỏ việc có thai ngoài tử cung. Điều bất hạnh là: sự co cứng (cramping) và chẩy máu rất có thể xẩy ra khi dùngmifepristone giống hệt các dấu hiệu và triệu chứng của một vụ có thai ngoài tử cung bị bể. Điều này khiến các phụ nữ sử dụng mifepristonenhưng không khám phá ra mình có thai ngoài tử cung lần lữa không chịu điều trị khẩn cấp và do đó, nguy đến tính mạng. 

Điều rõ ràng là: tiềm năng có thể có biến chứng đe dọa đến tính mạng đòi người ta phải sử dụng mifepristone dưới sự giám sát y khoa chặt chẽ và được theo dõi trọn vẹn. Nhưng tổ chức Planned Parenthood và một số cơ quan khác lại không nghĩ như thế, vì họ luôn nhằm mục tiêu biến phá thai thành phổ quát hơn. Liên Minh Phá Thai Toàn Quốc phúc trình rằng 87% các quận huyện (counties) của Hoa Kỳ không có cơ sở cung cấp phá thai. Nên, Planned Parenthood và những tổ chức cổ võ phá thai đang tìm cách đem phá thai tới các nơi đó dưới hình thức “hội chẩn phá thai từ xa” (telemed abortions). Trong thủ tục gây tranh cãi này, một y tá hay một nhân viên y tế trung cấp sẽ khám nghiệm bệnh nhân. Sau cuộc khám nghiệm sơ khởi này, một bác sĩ sẽ tiến hành cuộc phỏng vấn bằng video với bệnh nhân, rồi bấm một cái nút, cái nút này sẽ từ xa mở một ngăn kéo có chứa mifepristone và thế là bệnh nhân có thể tự sử dụng mifepristone. Hiển nhiên, vị bác sĩ cung cấp ngừa thai bằng thuốc này không muốn dính dáng gì tới các hậu quả có thể gây chết người. Các cơ sở y tế và các y sĩ địa phương không cung cấp phá thai bị chừa phần vụ phải chăm sóc bệnh nhân có biến chứng do việc phá thai bằng thuốc được một bác sĩ xa xôi vạn dặm quyết định. May mắn một điều: năm tiểu bang (Arizona, Kansas, North Dakota, Nebraska và Tennessee) đã ra lệnh cấm kiểu phá thai bằng hội chẩn từ xa này. Hy vọng sẽ có nhiều tiểu bang hơn nữa cùng tham gia với các tiểu bang này nhằm ngăn ngừa điều có thể gọi là phá thai “đánh rồi chạy” này. 

Việc mất 1.5 trẻ em ở Hoa Kỳ mà thôi vì các vụ phá thai bằng thuốc là một thảm kịch không lời nào mô tả được. Thảm kịch này sẽ tăng gấp bội khi các bà mẹ của các em đau đớn và đôi khi thiệt mạng do phương cách chữa trị mà Planned Parenthood vốn coi là tự nhiên và muốn biến phá thai ra giống như việc xẩy thai vậy. Việc làm ngơ các thử nghiệm an toàn thông thường của FDA đối với RU-486 và việc cổ vũ các vụ phá thai bằng hội chẩn từ xa bất chấp các nguy cơ thực sự bị biến chứng chết người cho người ta thấy rõ kỹ nghệ phá thai chỉ quan tâm tới lợi nhuận của nó chứ không phải sức khỏe và phúc lợi của phụ nữ. Những kẻ cổ vũ phá thai, bất kể là mổ xẻ hay dùng thuốc, đang thực sự gây chiến đối với phụ nữ vậy. 

Theo Denise Hunnell, MD, Zenit 27/6/2012. Hunnell là một chuyên viên nghiên cứu của tổ chức Human Life International. Bà thường xuyên viết trên tờ Truth and Charity Forum của tổ chức này.

V
ũ V
ăn An

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Con cái trong quan hệ con người và xã hội


CÓ THÊM CON CÁI GIÚP CẢI THIỆN CÁC MỐI QUAN HỆ CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

Kết quả của một nghiên cứu của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình

Gia đình « truyền thống » phải chăng nó là một di sản của quá khứ, hay là một yếu tố không thể thiếu cho sự sống còn của xã hội và tương lai của các thế hệ trẻ ?

Câu hỏi này là trục chính của một cuộc nghiên cứu xã hội-nhân chủng của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, đưa đến việc xuất bản cuốn sách « La famille : une ressource pour la société », do ông Pierpaolo Donati, giáo sư xã hội học ở Đại học Bologne.

Cuốn sách này được giới thiệu hôm 31/5/2012, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế thần học và mục vụ, đang diễn ra tại Milano, dịp Gặp gỡ quốc tế gia đình lần thứ VII.

Phó thư ký của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, Đức cha Simon Vazquez, đã khai mạc hội nghị, giải thích rằng có một mối liên hệ bất khả phân ly giữa gia đình và hạnh phúc mà mỗi người khao khát, và nghiên cứu được giáo sư Donati phối hợp, cho thấy rằng gia đình nằm ở trung tâm các mục tiêu và ước muốn ưu việt, bao gồm nơi các thế hệ trẻ.

Giáo sư Donati đã giải thích rằng cuộc nghiên cứu đã làm nổi bật rằng, ngày nay, gia đình vẫn còn giữ một vai trò hàng đầu trong những khát vọng sâu xa nhất của người Ý và gia đình « được cấu tạo bình thường » – một người nam và một người nữ với ít là hai con – có khả năng đáp lại ước muốn hạnh phúc hơn các hoàn cảnh gia đình khác nhau khác.

Kết quả cho thấy rằng gia đình « truyền thống » là « thỏa mãn » nhất và là sinh ích nhất xét như là « vốn nhân bản và xã hội ». Ngược lại, nếu xa rời với mô hình này, gia đình mất đi khả năng làm tăng giá trị con người và tạo nên tình liên đới.

Cuộc nghiên cứu cho thấy nhóm gia đình đầu tiên được gọi là những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ(monoparental). Vì những khó khăn trong đời thường của mình, những gia đình này giống với những người cô độc. Những người sống kiểu gia đình này thường gặp khó khăn trong những quan hệ với bên ngoài.

Rồi có những cặp vợ chồng không con đang chịu cảnh bấp bênh quan hệ : « Chính những đứa con làm cho một cặp vợ chồng cảm thấy « thực sự là vợ chồng » », giáo sư nhấn mạnh.

Hoàn cảnh của những đôi vợ chồng chỉ có một con có lẽ là tốt hơn, nhưng đứa con có khuynh hướng được « siêu bảo vệ » và gia đình có khuynh hướng khép kín trước xã hội.

Sau cùng, có những gia đình « bình thường », mở ra cho bên ngoài và « vì xã hội » nhất, và có khả năng chuyển tải các giá trị nhất. Trong kiểu gia đình này, phẩm chất cuộc sống nói chung là tốt nhất : những gia đình này là « nguồn chính yếu của vốn xã hội ».

Hai nhân tố làm cho một gia đình « đức hạnh » là hôn nhân và số con cái. « Hôn nhân cải tiến thái độ đối với xã hội, vì nó không hệ tại chỉ là một hành vi pháp lý nhưng còn là một nghi thức làm tiếp xúc phạm vi công cộng và phạm vi riêng tư ».

« Càng có nhiều con thì sự phong phú các tương quan càng lớn. Cho dầu  các tương quan giữa anh chị em không tất nhiên tuyệt hảo », nhưng vẫn tốt hơn so với các con một.

Tiếp nối bài tham luận của giáo sư Donati là bài tham luận của chủ tịch Diễn Đàn Gia Đình, ông Francesco Belletti. Ông nhấn mạnh vai trò của gia đình như là thành lũy chống lại sự lạm dụng quyền lực, « một sức mạnh của những người vô quyền lực », bắt đầu với Thánh Giuse và Đức Maria đã cứu con mình khỏi sự tàn sát của Hêrôđê.

Vả lại, rất thường, chính nhờ các gia đình mà  xã hội được củng cố và các đòi hỏi của xã hội được đề cập cách cụ thể. Chẳng hạn, với các hiệp hội gia đình có những đứa con  mang khuyết tật. Những gia đình này thường buộc phải thực thi « một sự bổ trợ ngược lại », bổ túc cho những thiếu sót của Nhà Nước.

Sau cùng, sự dung hòa  giữa gia đình và công việc đã được nêu lên bởi Giovanna Rossi, nhà xã hội học về gia đình : dựa vào một phân tích, bà Rossi nhấn mạnh rằng đòi hỏi dung hòa là rất lớn nhưng thường được giải quyết bởi một chọn lựa độc nhất cho công việc, từ bỏ gia  đình hay ngược lại.

Sự chọn lựa trọn thời gian đối với một bậc cha mẹ này hay bán thời gian đối với bậc cha mẹ khác, là được xem như là lý tưởng đối với các đôi vợ chồng có con nhỏ, nhưng dần dần khi những đứa con này lớn lên, khuynh hướng ưu tiên trọn thời gian đối với cả hai.

Bất chấp những đề nghị có tính xây dựng để đương đầu với vấn đề này, con đường phải trải qua là « lâu dài và sóng gió », một chuyên viên tuyên bố.

Tý Linh
Theo ZENIT

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Buồn thảm lễ an táng 91 hài nhi giữa Thủ đô


21/6/2012 06:00
Cứ đều đặn mỗi tuần một lần, vào lúc 9h sáng, tại một ngôi đền nằm nép mình giữa những khu nhà cao tầng của Hà Nội lại diễn ra lễ an táng cho các thai nhi được nhặt từ nhiều nơi trong thành phố về.
Những số phận bị ruồng rẫy
Gần 5 năm trôi qua nhưng bà Trần Thị Hường, trưởng một nhóm bảo vệ sự sống tại Hà Nội vẫn không quên được lần đầu tiên nhận thai nhi về mai táng.
Hôm đó gần nửa đêm, có điện thoại từ một phòng khám gọi tới thông báo có một thai nhi vừa mới nạo xong. Hai vợ chồng họ không nỡ bỏ mặc mà muốn được mai táng cho đứa con mà họ vừa rứt ruột bỏ đi, nhưng với họ thì không thể. Họ đã nhờ phòng khám giới thiệu giúp người có thể làm việc đó thay họ để đứa con đỡ tủi phận.
Các cơ sở nạo phá thai nằm san sát trên một đoạn đường Giải Phóng, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVSS
Bà Hường tức tốc nhờ người giúp việc đèo tới đó. Phòng khám đã đóng cửa, đường vắng và tối, không một bóng người. Hai bà cháu nhìn quanh rồi quyết định lục tìm trong tất cả những túi ni lon đựng rác vứt trên đoạn phố đó. Gần 20 phút trôi qua mà không có kết quả, thì bỗng có hai người dắt xe đạp tiến lại, trên tay cầm một cái bọc. Đó chính là cặp vợ chồng vừa bỏ đi giọt máu của mình. Họ đã nép vào một chỗ kín đáo để đợi bà. Hôm đó, đưa được thai nhi về cũng là lúc đồng hồ điểm 12h đêm.
Ngay trong đêm đó, hài nhi bé bỏng được tắm rửa, được đặt tên Thánh và rửa tội trước khi khâm liệm và đưa vào giữ lạnh chờ ngày mai táng.
Tắm cho một thai nhi bị phá bỏ. Ảnh: BVSS
Gần 5 năm trôi qua, hàng ngàn thai nhi bị chối bỏ đã được nhóm Bảo vệ sự sống này đưa về nơi an nghỉ. Bà Hường cho biết, hiện nay nhóm bảo vệ sự sống tại Hà Nội có hơn 100 thành viên, trong đó có hơn chục thành viên gần như thường trực. Bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ được tin báo có thai nhi bị phá bỏ cần mai táng là họ lên đường đi nhận ngay. Hiện nay nhóm phân công nhau đi lấy thai nhi ở các bệnh viện, phòng khám đều đặn 3 lần/ngày.

Cỗ quan tài chung và gần 100 số phận bị ruồng rẫy. Ảnh: BVSS

Có những em bị đưa ra khỏi cung lòng người mẹ khi chưa có nổi hình hài, mà chỉ là một nắm lầy nhầy, đỏ hỏn. Đến các tình nguyện viên lâu năm nhất cũng không thể phân biệt nổi em nào với em nào. Các em đến từ nhiều cung lòng ấm áp khác nhau nhưng cuối cùng lại chung một tấm vải liệm. Và, cũng rất nhiều em chỉ chút ít nữa thôi là được chào đời.
Nhìn những tấm ảnh tư liệu nhóm lưu lại tôi không khỏi rùng mình. Những hình hài bé trai, bé gái sáu, bảy, tám tháng, thậm chí gần đến ngày chào đời, bị cắt ra làm nhiều mảnh, đớn đau nằm trên tấm vải liệm trắng toát. Viết những dòng này bên tai tôi còn văng vẳng tiếng một thành viên trong nhóm nói với bà Hường: "Bà ơi, bà nhắc bác sĩ đừng cắt nát đầu các em ra".
Cũng có những em may mắn hơn là bị đưa ra khỏi lòng mẹ còn nguyên hình hài. Có em vẫn còn sống và với những trường hợp như thế ngay lập tức sẽ được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Lễ tiễn đưa 91 hài nhi
Có mặt tại Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) một sáng thứ 7, với tôi ngôi nhà thờ này hôm nay dường như lạnh lẽo hơn. Bên trong đang diễn ra Thánh lễ tiễn đưa 91 hài nhi. Tất cả các em được đặt chung trong một chiếc hộp xinh xắn, phủ khăn trắng toát trên một chiếc bàn cũng phủ khăn trắng và điểm những chiếc nơ màu tím. Những người có mặt dường như cũng lặng lẽ hơn, thỉnh thoảng mọi người lại đưa mắt về chiếc hộp đặt giữa nhà thờ.
Một lễ tiễn đưa các em về nơi an nghỉ. Tuần này là 91 hài nhi. Ảnh: H.Vinh
91 thai nhi trong một tuần của một số rất ít ỏi phòng khám chịu hợp tác để nhóm đem về an táng. Còn bao nhiêu em nữa sẽ đi đâu về đâu. Bà Hường cho biết, vài năm gần đây, không có tuần nào nhóm an táng dưới bảy chục thai nhi, có nhiều tuần lên tới hơn 100 em.
Đưa các em về nơi an nghỉ. Ảnh: H.Vinh
Sau lễ tiễn đưa, các em sẽ được đưa về nghĩa trang hài nhi Từ Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) để mai táng. Đó là một nghĩa trang nhỏ nằm giữa cánh đồng bao la. Người ta có thể dễ dàng nhận ra nghĩa trang bởi những tấm nắp bê tông xám xịt và nổi bật lên là cây Thánh giá trầm mặc. Ngôi mồ chung của các em là một hố lớn, hố này được phân ra mười hai ô nhỏ, sâu chừng 2m. Cứ chôn lớp nọ xếp lên lớp kia cho đến khi đầy ô. Hết ô này sẽ chuyển qua ô khác.
Nghĩa trang hài nhi Từ Châu nằm giữa cánh đồng bát ngát. Ảnh: BVSS
Vì nằm giữa cánh đồng trũng, mỗi năm 12 tháng thì có tới 5 tháng nơi đây bị ngập nước. Đưa các em về tới nơi, việc đầu tiên của các thành viên là mở tấm nắp bê tông và tát nước trong mộ ra để đặt cỗ quan tài chung của các em vào. Thứ nước nhờ nhờ đen, nhìn kỹ như có loang loáng mỡ và bốc mùi hôi thối kinh hoàng. Vậy mà có khi vừa tát xong chưa kịp trát lại đã bị dềnh nước từ các ô khác sang, lại phải dừng lại để tát.
Một năm 12 tháng thì có 5 tháng phần mộ của các bé bị ngập nước như thế này. Ảnh: BVSS
Chưa đầy 5 năm, hơn 8.000 sinh linh đã yên nghỉ nơi đây và sẽ còn nhiều nữa khi các ông bố bà mẹ cứ vô tư giết đi những đứa con của mình bất chấp đạo lý, bất chấp an toàn sức khỏe.
Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đáng báo động có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Theo số liệu của một phòng khám tại Hà Nội, có người mới 23 tuổi phá thai tới 4 lần trong năm. Độ tuổi phá thai nhiều nhất là dưới 25, trung bình mỗi người phá từ 2-3 lần trước khi kết hôn (cá biệt là 4-5 lần).

Minh Thư

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/66982/buon-tham-le-an-tang-91-hai-nhi-giua-thu-do.html

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Tìm Hiểu Tên Thánh Của Người Công Giáo Việt Nam

Nguyễn Long Thao6/7/2012


Ngoài tên họ, tên đệm, tên riêng, người Công Giáo Việt Nam còn có thêm một tên thánh được đặt khi chịu phép rửa tội. Trong khi đó, người Công Giáo Âu Mỹ không có hẳn một tên thánh. Bài viết này nhằm mục đích tìm hiểu sự khác biệt giữa tên thánh của người Công Giáo Tây Phương và Đông Phương? 


Nguồn Gốc Tên Thánh 



Tên mà người Công Giáo Việt Nam gọi là tên thánh thì đó là tên riêng, tên gọi thường nhật của người Công Giáo Tây Phương. Trong tiếng Anh, có ba danh từ để chỉ tên riêng. Một là tên rửa tội (baptismal name), hai là tên Kitô Giáo (Christian name), ba là tên thứ nhất hay tên đặt (first or given name). Cả ba danh từ này đều có nghĩa là tên chính hay tên riêng (first name hay given name) của một người.



Tên chính của người Tây Phương được đặt trong lễ rửa tội nên gọi là tên rửa tội . Và tên chính của người Tây Phương được gọi là tên Kitô Giáo vì các nước Tây Phương chịu ảnh hưởng văn minh Kitô Giáo, tuân theo lời khuyến cáo của Giáo Hội, đã lấy tên các thánh để đặt tên cho các cá nhân. Do vậy, mới có từ ngữ tên thánh. 



Tục lệ lấy tên thánh bắt nguồn từ tục lệ đặt tên trong Do Thái Giáo. Sau khi sinh con được một tuần, cha mẹ người Do Thái bế con tới giáo đường để cử hành nghi lễ đặt tên. Với con trai, nghi lễ đặt tên diễn ra trong nghi lễ cắt da quy đầu gọi là Bris. Tên được đặt gọi là tên thánh (sacred name) lấy từ các tên trong kinh thánh của Do Thái Giáo. Khi bị lưu đầy, người Do Thái bỏ tục lệ đặt tên thánh. Đến thế kỷ 12, các giáo sĩ Do Thái thấy cần duy trì căn tính dân tộc đã buộc các tín hữu đặt tên thánh như tục lệ cổ truyền. Nhờ đó mà ngày nay người Do Thái mới có một tên thứ hai là tên thánh. 



Từ điển Bách Khoa Công Giáo, cho rằng tục lệ đặt tên thánh bắt nguồn từ quan niệm tình trạng con người được thay đổi. Nhận lãnh bí tích rửa tội là biến đổi sang con người mới. Do vậy, nhận tên thánh là chứng tích biến đổi về mặt tâm linh. Trường hợp cụ thể là vị tông đồ Paul của Kitô Giáo, sống vào thế kỷ thứ I sau Công Nguyên, trước đây có tên là Saul, khi theo đạo Công Giáo đổi tên là Paul mà người Công Giáo Việt Nam gọi là thánh Phaolô. 



Tên Thánh Qua Giáo Luật



Không có tài liệu nào nói người Công Giáo bắt đầu đặt tên thánh từ bao giờ. Chỉ biết vào thời giáo hội sơ khai người Công Giáo tây phương có tục lệ lấy tên thánh làm tên riêng. Do vậy công đồng Nicaea họp năm 325 cấm người Công Giáo dùng tên các thần thánh không phải của Kitô Giáo để đặt tên. Đến thời Công Đồng Tridentino họp năm 1563, Giáo Hội Công Giáo buộc giáo dân khi đặt tên phải chọn tên thánh. Công đồng lưu ý các linh mục khi làm phép rửa tội, gặp trường hợp cha mẹ cố tình đặt tên không hợp tinh thần Kitô Giáo, thì vị linh mục đó tự động thêm vào một tên thánh, coi đó là tên thứ hai và ghi vào sổ rửa tội giáo xứ. 



Theo Bách Khoa Từ Điển Britannica, quyết định trên của công đồng Tridentino nhằm chống lại tục lệ của Giáo Hội Tin Lành, đặc biệt của Thanh Giáo. Các giáo hội Tin Lành cho phép tín hữu nhận tên các nhân vật trong Cựu Ước làm tên chính, như các nhân vật Abraham, Samuel, Jacob. Rachel. Do vậy các nhà tính danh học Âu Châu kết luận: Những người có tên riêng là nhân vật trong Cựu Ước thông thường thuộc giáo phái Tin Lành, người có tên riêng là các nhân vật thuộc Tân Ước là người Công Giáo.



Đến bộ giáo luật năm 1917, qua điều khoản số 761, Giáo Hội nhắc lại khoản luật cũ từ thời Công Đồng Tridentino buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh . Nhưng vào năm 1972, vì thấy việc đặt tên thánh không thích hợp cho tiến trình hội nhập văn hóa, nên thánh bộ Phụng tự đã bãi bỏ luật buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh. Do vậy, đến bộ giáo luật năm 1983, người ta không thấy có điều khoản nào buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh, mà chỉ quy định tên riêng của người ấy phải phù hợp với ý nghĩa Kitô Giáo. Điều 855 của bộ giáo luật 1983 quy định: Cha mẹ, người đỡ đầu và Cha Sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô Giáo. 



Lý Do Đặt Tên Thánh



Tại sao Giáo Hội Công Giáo đã quyết định lấy tên các thánh để đặt tên cho tín hữu? Giáo Hội đưa ra quyết định trên vì 2 lý do: 



Thứ nhất, giáo hội tiếp tục duy trì truyền thống của giáo dân thời sơ khai. Những giáo dân đầu tiên là dân nô lệ, không phải công dân La Mã và theo tục lệ, khi người nô lệ được giải phóng, trở thành công dân La Mã, thì họ lấy tên riêng của chủ nhân thuộc giai cấp quý tộc làm tên mình. Tuy nhiên, với tín đồ Kitô Giáo thời đó, họ không thiết tha với các tên của các ông chủ cũ vì họ là nạn nhân của giai cấp quý tộc trong các cuộc cấm đạo. Ðồng thời khi một quý tộc trả tự do cho hàng trăm người nô lệ thì hàng trăm người đó có cùng tên với chủ cũ. Kết quả là tập tục này không đáp ứng được nhu cầu phân biệt vì thời gian đó, người Âu Châu chưa biết đến tên họ. Tên họ của người Âu Châu mới xuất hiện vào thế kỷ thứ 10. Do nguyên nhân này nên các người nô lệ được giải phóngđã lấy tên những người mà giáo hội Kitô Giáo nhận là thánh để đặt tên cho mình. Ví dụ: Thimotheus, Stephanos, Laurentius là các vị thánh đầu tiên. Đang khi Kitô Giáo phát triển, lan tràn cả Âu Châu thì đế quốc La Mã bước vào giai đoạn suy tàn. Hệ thống tên của La Mã mai một đi, tên thánh trở nên phổ thông hơn. 



Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo muốn tôn trọng phẩm giá con người. Khi xưa số tên người Âu Châu còn ít, hệ thống tên họ chưa xuất hiện, thì để phân biệt, người Âu thường dùng tên mà người Anh Mỹ gọi là Nickname, người La Mã gọi là Agnomen, còn Việt Nam gọi là tên lóng, tên tục. Khi xưa tên lóng thường được đặt cho những người thuộc giai cấp nô lệ tại La Mã. Ví dụ các tên như Crassus nghĩa là người béo, Varus: người què, Baldie hay Calvin: người trọc đầu, Cecil: người mù, Claude hay Gladys: người què. Vì tên có nội dung hạ thấp phẩm giá con người nên giáo hội đã ban hành luật buộc các linh mục khi làm phép rửa tội, gặp các trường hợp tên có ý nghĩa tiêu cực, phải lấy một tên thánh đặt thêm vào. Giáo dân Việt Nam cũng như giáo dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn nhận tên thánh vì còn giữ tinh thần bộ giáo luật cũ. Ngày nay, người công giáo Tây Phương không còn giữ tập tục lấy tên thánh để đặt tên riêng mà lấy bất cứ từ ngữ nào, có nghĩa hay vô nghiã, để đặt tên riêng. 



Ý nghĩa tên thánh đối với người Công Giáo Việt Nam



Sở dĩ người Công Giáo Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa và các nước truyền giáo khác trên thế giới có thêm tên thánh mà người Tây Phương không có, là vì các giáo sĩ Tây Phương đến Việt Nam cũng như các nơi khác truyền đạo, đã áp dụng tinh thần giáo luật cũ, đặt tên thánh cho giáo dân như đã làm cho giáo dân ở Tây Phương. Trái lại, đọc tiểu sử hàng giáo phẩm Công Giáo Tây Phương, ta không thấy vị nào có hẳn một tên thánh riêng như kiểu tên người Công Giáo Việt Nam. Nếu đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có hẳn một tên thánh là Gioan Baotixita, thì đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không có tên thánh riêng. Tên ngài là Joseph Ratzinger. Joseph là tên riêng vừa là tên thánh. Một ví dụ điển hình khác là thánh Gemma. Vì bố mẹ Ngài già rồi mới sinh con nên quý hóa đặt tên ngài là Gemma, có nghiã là ngọc. Trước đó, không có vị thánh nào tên Gemma cả. Tại San Jose, California vị linh mục chính xứ của tôi là Kevin Joyce. Kevin là tên riêng, là biến thể của tên Kelvin. Kelvin là tên con sông ở Tô Cách Lan. Joyce là tên họ. Linh mục Kevin Joyce không có tên thánh. Do đó người Công Giáo Tây Phương không có tục lệ mừng lễ thánh quan thầy. 



Vậy quyết định của các giáo sĩ thừa sai đặt tên thánh cho người Công Giáo Việt Nam là đúng hay sai? Nếu đặt vào bối cảnh hiện nay thì đó là điều không chấp nhận được vì tên người Việt Nam hiện nay không hề được đặt ra để hạ phẩm giá con người như kiểu người Hy Lạp, La Mã ngày xưa, mà được lựa chọn từ những từ ngữ có ý nghiã tốt đẹp nhất để đặt tên cho con cái. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh Việt Nam trong thế kỷ 16 thì quyết định của các thừa sai có thể tạm chấp nhận vì phong tục dân gian lúc đó còn dùng những tên có nghiã xấu, gọi là tên tục, để đặt cho những đứa trẻ mới sinh ngõ hầu tránh tà ma. Ví dụ các tên như Bùn, Sẹo, Chó v.v…



Mặc dù giáo luật hiện nay không bắt buộc tín hữu phải có tên thánh, nhưng việc đặt tên thánh có mục đích rất đáng trân trọng vì 2 lý do: thứ nhất, để người đó bắt chước gương sáng thánh bổn mạng mà sống cuộc đời đạo đức; thứ hai, để tín hữu đó được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh bổn mạng. Hai mục đích trên được nói trong bộ giáo luật năm 1983, khoản 1186: 



Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu, lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Đức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Kitô đặt làm Mẹ của loài người, cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các ngài .



Hiện nay, người Công Giáo Việt Nam thường chọn tên các thánh nam giới cho phái nam và thánh nữ giới cho phái nữ. Ngoài ra, vì sự hiểu biết của giáo dân còn hạn chế về các thánh nên người ta thường chọn các thánh thời Chúa Giêsu như Phêrô, Phaolô, Gioan, Maria, Anna làm tên thánh. Ngày nay, Giáo Hội Việt Nam có cả trăm vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, giáo dân Việt vẫn chưa quen nhận các thánh Việt Nam làm tên bổn mạng. 



Nguyên Tắc Xưng Hô Tên Thánh



Trong giao tế xã hội, người Âu Mỹ không lấy tên riêng mà lấy tên họ của một người để xưng hô. Người ta gọi Tổng Thống Obama, không ai gọi là Tổng Thống Barack. Obama là tên họ, Barack là tên riêng. Khi chưa lên ngôi Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người ta dùng tên họ Ratzinger để gọi ngài, không ai gọi ngài bằng tên đẻ là ĐHY Joseph. Chỉ trường hợp thân thiết lắm, người ta mới dùng tên riêng để xưng hô. Ở Việt Nam, để tỏ lòng tôn kính, giáo dân có tục lệ dùng tên thánh để gọi một vị Giám Mục, Linh Mục. Ví dụ Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh được gọi là Đức Cha Giuse. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được gọi là Đức Hồng Y Gioan Baotixita. 



Ở Việt Nam người Công Giáo có tục lệ mừng lễ bổn mạng là ngày mà toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên thế giới tưởng nhớ tới vị thánh đó. Khi chết, người Công Giáo không dùng tên húy hay tên riêng mà dùng tên thánh để cầu nguyện cho người quá cố. Như vậy, xét về mặt hội nhập văn hóa, tên thánh cũng có chức năng như tên thụy, tên hèm hay tên cúng cơm là các tên mà các người không phải là Công Giáo đã dùng để cầu nguyện cho người đã chết.



Nguyễn Long Thao

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Gia đình trong ý định của Thiên Chúa


Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI 
trong Thánh lễ bế mạc Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VII
tại Công viên Bresso ở Milano
(03 tháng Sáu 2012)


Quý anh em Giám mục thân mến,
Kính thưa quý vị trong chính quyền,
Anh chị em thân mến,

Đây là giờ phút của niềm vui lớn lao và của tình hiệp thông mà chúng ta đang được sống sáng nay khi cử hành Hy lễ tạ ơn: một cuộc tập họp lớn, hiệp nhất với người kế vị Phêrô, quy tụ các tín hữu đến từ nhiều quốc gia. Đây là một hình ảnh hùng hồn về Giáo hội, duy nhất và phổ quát, do Đức Kitô thiết lập và là kết quả của sứ vụ Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ của Người, như chúng ta đã được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,18-19). Với lòng quý mến và biết ơn, tôi xin chào mừng Đức hồng y Angelo Scola, Tổng giám mục Milano, và Đức hồng y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình, những nhà thiết kế chính của Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VII này, cùng với các cộng sự viên của các ngài là các giám mục phụ tá Milano và các giám mục khác.

Tôi cũng vui mừng kính chào tất cả quý vị trong chính quyền có mặt hôm nay. Tôi cũng xin nồng nhiệt chào đón quý gia đình thân mến! Cám ơn quý vị đã đến tham dự Đại hội này.

Trong bài đọc thứ hai của Thánh Lễ hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Đấng kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô như anh chị em và làm chúng ta thành con cái của Cha, khiến chúng ta có thể kêu lên “Abba, lạy Cha!” (xem Rm 8, 15.17). Khi ấy, chúng ta đã được ban cho một tia sự sống mới, sự sống Thiên Chúa. Sự sống ấy sẽ lớn lên cho tới khi đạt tới tầm vóc viên mãn trong vinh quang trên trời; chúng ta trở thành những thành viên của Giáo hội, gia đình của Thiên Chúa, “sacrarium Trinitatis” như cách nói của Thánh Ambrôsiô, “một dân duy nhất do sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần tạo nên”, như Công đồng Vatican đã dạy (Lumen Gentium, 4). Lễ kính trọng thể Chúa Ba Ngôi chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm này và cũng thôi thúc chúng ta cam kết sống tình hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau theo mô hình của sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi đón nhận và đi vào trong sự thật của niềm tin với một tinh thần hòa hợp, sống tình yêu thương nhau và yêu thương mỗi người, chia sẻ vui buồn, học cách tha thứ và xin tha thứ, nhận ra giá trị của các đặc sủng khác nhau dưới sự hướng dẫn của các giám mục. Tắt một lời, chúng ta được giao nhiệm vụ xây dựng các cộng đoàn giáo hội ngày càng nên giống các gia đình, có thể phản chiếu vẻ đẹp của Chúa Ba Ngôi và loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời, mà, tôi muốn nói, bằng sự “tỏa sáng”, nhờ sức mạnh của việc sống yêu thương.

Không chỉ có Giáo hội mà cả các gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân giữa người nam và người nữ, cũng được mời gọi trở thành hình ảnh của Thiên Chúa Độc nhất trong Ba ngôi. Vào buổi đầu, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất’” (Kn 1, 27-28). Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, người nam và người nữ, bình đẳng trong phẩm giá, nhưng với những đặc điểm riêng và bổ túc cho nhau để cả hai đều có thể là quà tặng cho nhau, quý trọng nhau và làm thành một cộng đoàn của tình yêu và sự sống. Chính tình yêu khiến con người trở thành hình ảnh đích thực của Thiên Chúa.

Các đôi hôn nhân thân mến, khi sống cuộc sống hôn nhân, các bạn không trao cho nhau một cái gì hay một hoạt động nào riêng biệt, mà là toàn thể cuộc sống của các bạn. Và tình yêu của các bạn sinh hoa kết trái trước tiên và chủ yếu cho chính các bạn, bởi vì các bạn ao ước và thực hiện điều tốt lành cho nhau, các bạn trải nghiệm niềm vui đón nhận và ban tặng. Tình yêu ấy còn sinh hoa kết trái trong việc sinh sản con cái, với lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm, trong sự chăm sóc và giáo dục con cái một cách cẩn trọng và khôn ngoan. Và cuối cùng, tình yêu ấy cũng đem lại hoa trái cho xã hội bởi vì đời sống gia đình là trường học đầu tiên và không thể thay thế, dạy những đức tính xã hội, như sự tôn trọng con người, tình yêu vô vị lợi, sự tin tưởng, tinh thần trách nhiệm, tình liên đới, sự hợp tác. Các đôi hôn nhân thân mến, hãy chăm nom con cái của các bạn. Trong một thế giới bị chế ngự bởi kỹ thuật, hãy truyền đạt cho chúng, trong sự bình tâm và tin cậy, những lý do để sống và sức mạnh của niềm tin; hãy chỉ cho chúng hướng tới những mục đích cao cả và nâng đỡ chúng vì chúng thật mỏng manh. Đến đây tôi cũng muốn nói thêm một lời với con cái của các bạn: các con hãy tin rằng các con luôn được cha mẹ rất mực yêu thương chăm sóc và hãy biết rằng tương quan với các anh chị em của các con là dịp để tăng trưởng trong tình yêu.

Kế hoạch của Thiên Chúa đối với đôi vợ chồng trở nên viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Các đôi hôn nhân thân mến, nhờ ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đã cho các bạn dự phần vào tình yêu hôn ước của Ngài, biến các bạn thành một dấu chỉ tình yêu của Ngài đối với Giáo hội - một tình yêu trung tín và bảo bọc. Một khi đón nhận ân sủng này, làm mới lại lời “đồng ý” hằng ngày bởi lòng tin, nhờ sức mạnh của ân sủng bí tích, thì gia đình các bạn sẽ lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa theo mô hình của Thánh Gia Nazaret. Các gia đình thân mến, hãy thường xuyên cầu xin Đức Trinh nữ Maria và Thánh Giuse giúp đỡ, dạy anh chị em biết đón nhận tình yêu của Thiên Chúa như các ngài. Ơn gọi của anh chị em không phải dễ sống, nhất là ngày nay, nhưng ơn gọi tình yêu là một điều tuyệt diệu, đó là sức mạnh duy nhất có thể thực sự biến đổi thế giới. Anh chị em đã thấy được chứng tá của rất nhiều gia đình vạch ra những con đường để tăng trưởng trong tình yêu, qua việc duy trì mối tương quan hệ bền chặt với Thiên Chúa và tham gia vào đời sống của Giáo hội, qua việc trau dồi đối thoại, tôn trọng quan điểm của người khác, sẵn sàng phục vụ và kiên nhẫn với những lỗi lầm của người khác, qua việc có thể tha thứ và xin tha thứ, qua việc khôn ngoan và khiêm tốn khắc phục các xung khắc có thể xảy ra, qua việc chấp nhận các nguyên tắc về sự dạy dỗ, và qua sự cởi mở với các gia đình khác, quan tâm tới người nghèo và có trách nhiệm trong xã hội. Đó là tất cả các yếu tố xây dựng gia định. Anh chị em hãy sống những điều ấy một cách can đảm, và hãy tin chắc rằng một khi sống tình yêu với nhau và với mọi người nhờ ơn Chúa giúp, anh chị em sẽ trở thành một Tin Mừng sống động, một Giáo hội tại gia thực sự (xem Familiaris Consortio, 49).

Tôi cũng muốn nói đôi lời với các tín hữu đã có những kinh nghiệm đau thương về sự đổ vỡ và chia ly, mặc dù họ vẫn chấp nhận các giáo huấn của Giáo hội về gia đình. Tôi muốn anh chị em hiểu rằng Giáo hoàng và Giáo hội nâng đỡ anh chị em trong cuộc chiến đấu của anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em hãy gắn bó với cộng đoàn và tôi tha thiết hy vọng rằng giáo phận của anh chị em có những nỗ lực thích hợp để đón nhận và đồng hành với anh chị em.

Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã giao thụ tạo của Ngài cho hai người nam và nữ để họ gìn giữ, canh tác và điều hành theo kế hoạch của Ngài (x. 1, 27-28; 2,15). Trong sứ vụ này, chúng ta có thể nhận ra trách nhiệm của người nam và người nữ là cộng tác với Thiên Chúa trong tiến trình biến đổi thế giới qua lao động, khoa học và kỹ thuật. Người nam và người nữ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa trong công việc quan trọng này mà họ thực thi với chính tình yêu của Thiên Chúa. Trong các học thuyết kinh tế hiện đại, thường có một khái niệm vị lợi về lao động, sản xuất và thị trường. Nhưng kế hoạch của Thiên Chúa cũng như kinh nghiệm đã cho thấy rằng cái logic một chiều của tính hữu dụng thuần túy và lợi nhuận tối đa không dẫn tới một sự phát triển hài hòa, đem lại điều tốt lành cho gia đình hay giúp xây dựng một xã hội công bằng hơn, bởi vì nó kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt, những bất bình đẳng sâu sắc, sự hủy hoại môi trường, cuộc chạy đua về tiêu thụ, và các căng thẳng trong gia đình. Thực vậy, óc thực dụng có khuynh hướng gây thiệt hại cho những tương quan cá nhân và gia đình, làm cho những tương quan này chỉ còn là một cuộc kết hợp các lợi ích cá nhân dễ đổ vỡ và phá hủy tình liên đới của màng lưới xã hội.

Một điểm cuối cùng: con người, với tính cách là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng được mời gọi nghỉ ngơi và mừng lễ. Tường thuật về cuộc tạo dựng kết thúc như sau: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó” (St 2,2-3). Đối với các Kitô hữu chúng ta, ngày lễ là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa, ngày Phục sinh hằng tuần. Đó là ngày của Giáo hội, cuộc tập họp được Chúa quy tụ xung quanh bàn tiệc Lời Chúa và Hy lễ tạ ơn, như chúng ta đang làm lúc này, để được Người nuôi dưỡng, để đi vào trong tình yêu của Người và sống bởi tình yêu của Người. Đây là ngày của con người và những giá trị của con người: lòng hiếu khách, tình bằng hữu, tình liên đới, ngày của văn hóa, của sự gắn bó với thiên nhiên, chơi thể thao. Đây là ngày của gia đình để cùng nhau trải nghiệm một ý thức về cử hành, gặp gỡ, chia sẻ, nhất là qua việc tham dự Thánh Lễ.

Các gia đình thân mến, mặc dù nhịp sống của thế giới hiện đại không ngừng nghỉ, anh chị em đừng đánh mất ý thức về ngày của Chúa! Nó giống như một nơi thoải mái để nghỉ ngơi cũng như để nếm trải niềm vui gặp gỡ và làm dịu cơn khát Thiên Chúa của chúng ta.

Gia đình, công việc, ngày lễ: ba quà tặng của Thiên Chúa, ba chiều kích của cuộc sống chúng ta phải được diễn ra trong sự quân bình hòa điệu. Kết hợp hài hòa công việc với những đòi hỏi của gia đình, đời sống nghề nghiệp với chức năng làm mẹ, công việc với lễ lạy, là điều quan trọng để xây dựng một xã hội có dung mạo con người. Về vấn đề này, hãy luôn dành ưu tiên cho logic của cái hiện hữu trên logic của cái sở hữu: cái hiện hữu thì xây dựng còn cái sở hữu thì kết thúc trong sự phá hủy. Chúng ta cần phải học biết tin tưởng trước hết ở gia đình, ở tình yêu đích thực, thứ tình yêu từ Thiên Chúa mà đến và kết hiệp chúng ta với Người, và vì thế “biến chúng ta thành một ‘chúng tôi’ vượt lên trên mọi sự chia rẽ và làm chúng ta nên một, cho tới khi Thiên Chúa trở nên ‘mọi sự trong mọi người’ (1 C 15, 28)” (Deus Caritas Est, 18). Amen.


Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI 


(Giuse Nguyễn chuyển ngữ theo bản tiếng Anh của Libreria Editrice Vaticana)

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Bài toán rợn người


Thứ Bảy, 09/06/2012, 04:17 (GMT+7)
TT - "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay". Ví dụ rợn người này vừa được phát hiện ở tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100.
Tập sách này đã lưu hành trên thị trường 10 năm rồi.
Bài toán rợn người in tại trang 11 của sách - Ảnh: L.Điền

Bài toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên.

Nhiều phụ huynh cho rằng ví dụ trên đây rất phản cảm và phản giáo dục. Ðối với một quyển được ghi chú "dùng kèm với sách giáo khoa lớp 1" thì việc lấy ví dụ minh họa cho một phép tính trừ bằng hình ảnh "nghịch dao làm cụt hai ngón tay" là không thể chấp nhận được.

Ðiều đáng nói là sách có tên tác giả: Hoàng Long, in logo Nhà xuất bản Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép là tháng 7-2002, nộp lưu chiểu tháng 9-2003. Nhà xuất bản Trẻ khi nhận được thông tin đã lật lại hồ sơ giấy phép lưu trữ và phát hiện mã số giấy phép xuất bản ghi trên tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 thật ra là được cấp cho một bộ sách có tên khác: Học nhanh toán, gồm năm tập, thời điểm cấp cũng là tháng 7-2002. Giấy phép này thuộc loại kế hoạch B - tức được cấp cho đối tác liên kết thực hiện sách. Trong giấy phép từ mười năm trước còn ghi rõ tên đối tác liên kết là Hoàng Long - tác giả quyển sách nói trên.

Tại cuộc gặp mặt giữa NXB Trẻ và đại diện nhà sách Nguyễn Văn Cừ (thuộc Công ty Thành Nghĩa) vào sáng 8-6, thông tin về ai là người chịu trách nhiệm in ấn, lưu hành quyển sách này cũng chưa được làm rõ.

Ðặc biệt, NXB Trẻ vừa phát hiện cũng tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 này, đến năm 2011 đã được in với giấy phép của NXB Thanh Niên và có ghi tên công ty liên kết là Thành Nghĩa. Tuy nhiên, thông tin từ Công ty Thành Nghĩa vào chiều 8-6 là công ty này có mua bản quyền một số sách của ông Hoàng Long, riêng quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 sẽ kiểm tra lại để xem có phải do Thành Nghĩa sản xuất hay không.
Mặc dù bìa 1 sách in rõ tên NXB Trẻ, nhưng sách này đã sử dụng giấy phép của một quyển khác - Ảnh: L.Điền

Ông Nguyễn Trường - đại diện chi nhánh NXB Thanh Niên tại TP.HCM - cho biết giấy phép của quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 thuộc danh sách do NXB Thanh Niên (ở Hà Nội) cấp. Tuy nhiên, ông Trường nêu khả năng trường hợp này có thể là sách in lậu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - cho rằng còn một đầu mối cần phải làm rõ là bản sách năm 2002 có ghi in tại Xí nghiệp in Bến Thành. "Chúng tôi sẽ tìm hiểu cụ thể Xí nghiệp in Bến Thành đã in quyển sách này theo giấy phép nào và thông tin tiếp tục cho dư luận". Ông Nhựt cho biết việc NXB Trẻ không cấp phép cho một quyển sách có nội dung phản giáo dục, nhưng sách này khi ấn hành đã in tên, logo NXB Trẻ lên bìa sách và mạo ghi giấy phép của NXB Trẻ vào khung lưu chiểu là xâm phạm uy tín của NXB. "Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để làm rõ" - ông Nhựt khẳng định.
Tác giả không nhớ sách... của mình
Chiều 8-6, tác giả Hoàng Long có thư trả lời NXB Trẻ cho biết năm 2002 ông có "liên kết với NXB Trẻ in bộ sách toán dùng cho lớp 1... Vì lâu quá rồi tôi không còn nhớ bộ sách đó mấy cuốn và tên mỗi cuốn đó là gì... Vì tuổi tác cao không còn minh mẫn nữa".
Và trong thư ông Long có đoạn: "Ðến năm 2003-2004 gì đó tôi cũng không nhớ rõ, theo nhu cầu nhà sách Thành Nghĩa có mua lại toàn bộ bản quyền số sách mà tôi đã viết gồm có: số sách đã in và chưa in, tác giả do tôi đứng tên. Trong đó có bộ sách toán dùng cho lớp 1, do NXB Trẻ cấp giấy phép... Coi như bộ sách toán dùng cho lớp 1 này tôi không còn giữ bản quyền và cũng không còn trách nhiệm nữa".
Như vậy, "bộ sách toán dùng cho lớp 1" mà ông Hoàng Long nhắc đến trên đây rất có thể là bộ Học nhanh toán gồm năm tập mà NXB Trẻ đã cấp phép hợp pháp. Còn quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 này có phải do chính ông soạn ra hay không thì vẫn chưa xác định được.
LAM ĐIỀN