Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Bài Hát Ru Đêm Thánh - Thùy Dương.MP4





Đã xuất bản vào 25-09-2012
Bài Hát Ru Đêm Thánh - Thơ: Trầm Tĩnh Nguyện - Nhạc: Pham Trung - Ca Sĩ: Thùy Dương.


Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời - Phaolô Đạt





Đã tải lên vào 12-11-2009
Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời - Phaolô Đạt -
Liên ca đoàn CĐCGVN/GP/Orange nhóm B -
Điều Khiển: Ca trưởng Hồng Trang - Organist: Phan Đắc Khải - 

***
*

Về bản thánh ca ''Nửa đêm mừng Chúa ra đời'' và ''Đêm nay nhắc lại''

Nguyễn Đức Cung12/21/2012

Lịch sử nền tân nhạc Việt Nam tính cho đến ngày nay cũng đã trải qua gần một thế kỷ nhưng cho đến nay thời điểm xuất hiện nền tân nhạc Việt Nam vẫn còn chưa được giới nghiên cứu lịch sử âm nhạc xác định một cách rõ rệt. Có người cho rằng đầu nguồn của nền tân nhạc được đánh dấu từ bản vọng cổ nổi tiếng có tên Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu viết từ năm 1916. Theo cố nhạc sĩ Lê Thương chủ trương - năm chính thức xuất hiện của phong trào âm nhạc mới là tháng 3-1938 khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên từ Sài Gòn ra hô hào tại đất Bắc qua việc ông được Thống đốc Nam Kỳ thời đó là Rivoal trợ cấp để đi diễn thuyết về âm nhạc cải cách tại Bắc hà. Tuy nhiên vẫn có người như giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ thì “tân nhạc viết solfège đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn do một tu sĩ Công giáo người Việt Nam viết những bài hát ca ngợi Đức Mẹ từ năm 1911”. [1] 

Trong thập niên đầu của thế kỷ 20 trước đây, phong trào thánh nhạc Việt Nam ra đời với sự xuất hiện của nhiều bài thánh ca Công Giáo vốn được coi là những tư liệu để chứng minh rằng có thể đây là khởi nguyên của nền âm nhạc Việt Nam chăng? Vào thời điểm đó, một bản thánh ca bất hủ được đánh giá là một sáng tác kiệt xuất mà nhiều giáo xứ trước đây ở Trung, Nam hay Bắc mỗi khi mùa Giáng Sinh về cũng đều chọn làm bài hát chính trong thánh lễ hoặc trong các hoạt cảnh văn nghệ, đó là bài “Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời”, do hai linh mục Phaolồ Đoàn Quang Đạt (1877-1956) và Gabriel Long là cùng sáng tác. Về cuộc đời của cha Gabriel Long chúng tôi chưa có tư liệu để trình bày tiểu sử của ngài một cách chi tiết, chỉ biết ngài là một nhạc sư dạy Tiểu chủng viện Sài Gòn trong những năm đầu của thế kỷ 20 và Linh mục Phaolồ Đoàn Quang Đạt là học trò của ngài.

Nếu trong cả một rừng nhạc xuân của Miền Nam trước năm 1975, bản Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được nhà văn Trần Doãn Nho gọi là bản quốc ca trong khu vườn nghệ thuật âm nhạc [2] nghĩa là không thể thiếu nó trong tất cả các buổi văn nghệ mừng Xuân, và nếu không hát bài đó thì mất đi nửa cuộc vui thì bài “Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời” của cha Gabriel Long và cha Phaolồ Đạt là đỉnh cao của nền thánh nhạc Việt Nam mùa Giáng sinh, cũng mang một ý nghĩa từa tựa như vậy mà không thể bất cứ một bản nhạc do nhạc sĩ Công Giáo Việt Nam nào sáng tác sau này chiếm cứ hay xô ngã được chỗ đứng trọng yếu của nó trong lòng những người say mê nhạc giáng sinh. 

Tác giả bài viết này thuở nhỏ sống tại giáo xứ Tam Tòa, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) những năm trước khi có hiệp định Genève chia đôi đất nước 1954, mỗi dịp lễ Giáng Sinh vào thời tiết rất lạnh thường theo gia đình đi dự lễ nửa đêm và vẫn được nghe bản thánh nhạc tuyệt vời này...

1.- Đi tìm chân dung của vị linh mục nhạc sĩ ở đầu nguồn thánh nhạcViệt Nam.

Nói rằng hai linh mục Phaolồ Đạt và Gabriel Long là những nhạc sĩ tiên khởi của nền âm nhạc Việt Nam nói chung và thánh nhạc nói riêng là một lời nói không ngoa chút nào. Chắc chắn sáng kiến sử dụng nhạc lý và ký âm pháp của nền âm nhạcTây phương vốn được dạy trong các trường dòng, chủng viện và dòng tu Việt Nam đã ảnh hưởng không ít đến các nhạc sĩ Việt Nam và dòng nhạc mệnh danh là nhạc tiền chiến. Điều này cũng chứng minh rằng trong lãnh vực văn hóa đạo Công Giáo đã đóng góp nhiều công sức của mình vào kho tàng tinh thần quý giá của dân tộc Việt Nam trong hành trình đức tin.

Theo nhà sử học Lê Ngọc Bích (1937-2009), “Linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt sinh năm 1877 tại làng Bình Sơn (Lái Thiêu) ngày nay thuộc xã An Sơn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy sinh quán tại Bình Sơn – Lái Thiêu nhưng quê quán tổ phụ gốc từ Thừa Thiên, di dân vào Nam cuối triều Gia Long hoặc đầu triều Minh Mệnh. Dòng họ Đoàn của cha Phaolô Đạt theo đạo Công Giáo từ lâu đời và có người làm quan trong triều đình Huế. Có lẽ vào đầu triều Minh Mạng, nhà vua gay gắt với đạo Công Giáo, cho nên nhiều người dòng họ Đoàn đã theo dòng người Công Giáo chạy vào Nam trốn tránh cơn bắt đạo, tìm cuộc sống tự do để giữ đạo, cuộc sống tự do trong muôn vàn gian khổ có thể bỏ xác ở những vùng chướng khí, ác địa, những vùng gò nỗng cây cối um tùm đầy rắn dữ, cọp beo ma thiêng nước đôc...” [3] Ở Thừa Thiên, tại làng An Truyền cũng gọi làng Chuồn có dòng họ Đoàn với hai anh em nổi tiếng qua biến cố Giặc Chày Vôi ở Huế thời Tự Đức với người anh tên Đoàn Hữu Trưng và em là Đoàn Hữu Trực cũng gọi Đoàn Tư Trực. Họ Đoàn này có gốc ở tỉnh Quảng Bình gọi Chuồn gốc và họ Đoàn ở làng An Truyền gọi là Chuồn ngọn. Nếu tư liệu của Lê Ngọc Bích cho rằng dòng họ Đoàn của linh mục Đoàn Quang Đạt có người làm quan ở Huế thì biết đâu trong số những vị đó lại có bà con liên hệ với hai anh em Đoàn Hữu Trưng – Đoàn Hữu Trực. Và vì biến cố Giặc Chày Vôi mà nhiều người bị án tru di tam tộc trong đó có dòng họ Đoàn nên họ phải tìm cách trốn vào Miền Nam?

Cũng theo nhà sử học Lê Ngọc Bích, “Người họ Đoàn chạy vào Miền Nam có thể số đông, cho nên lúc đầu định cư khai khẩn ở vùng Lái Thiêu, sau đó trong thời bắt đạo quá gay gắt thì phân tán ra các vùng phía Đông phía Tây của đất Nam Kỳ Lục tỉnh. Điều này, ta có thể thấy rõ nét: Linh mục Đoàn Công Quí (Thánh Tử Đạo) sinh tại Búng (Thuận An, Sông Bé ngày nay), còn người cháu gọi bằng chú là linh mục Đoàn Công Triệu thì sinh tại Bình Sơn. Còn linh mục Đoàn Thanh Xuân thì sinh quán tại Lương Hòa (Long An). Qua vài nét về dòng họ Đoàn như trên, còn cho ta thấy gia tộc của cha Phaolô Đạt có được nhiều người làm linh mục, là một gia tộc có một nền móng đạo hạnh Công Giáo sâu xa bền vững, có được một vị hiển thánh linh mục Tử Đạo: Thánh Đoàn Công Quí.”[4] Giống tốt thì sinh cây tốt cho nên tất cả tinh hoa đạo hạnh của các bậc tiền bối đã quy tụ vào tài năng của vị linh mục tác giả bài thánh ca bất hủ “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” mà chúng ta sẽ đề cập đến sau nhưng trước tiên cần biết qua quá trình tu đức, công tác mục vụ và sáng tác thánh nhạc của cha Phaolô Đạt.

Thuở nhỏ, cậu Phaolô Đạt đã đáp lại ơn gọi khi được nhận vào Tiểu Chủng Viện Sài Gòn và đã tỏ ra có tư chất thông minh nhất là có năng khiếu về âm nhạc trong những năm theo học các lớp nhỏ. Lúc bấy giờ linh mục Phaolô Nguyễn Văn Qui là cha giáo tại Tiểu chủng viện, một vị giáo sư thông minh và có năng khiếu âm nhạc, đã lưu ý đến kỹ năng âm nhạc của cậu Đạt nên tận tình hướng dẫn nhạc lý, kỹ thuật hòa âm, cách sử dụng một số nhạc khí căn bản của Tây Phương như Harminium, Piano, Violon v.v... cho cậu. Cha Qui cũng giúp cậu dịch các bài ca vịnh Trái Tim Chúa Giêsu và ca vịnh Đức Mẹ từ tiếng La Tinh sang Việt ngữ ngắn gọn và phổ nhạc theo nhịp điệu riêng biệt, làm thành hai quyển : một quyển “Ca Vịnh Trái Tim” và một quyển “Ca Vịnh Đức Mẹ”. Năm 1913, nhà in Tân Định xuất bản cả hai quyển nói trên, có in cả nốt nhạc. Nhà in Tân Định vốn có tên Imprimerie de la Mission là cơ quan xuất bản kỳ cựu nhất Việt Nam của Địa phận Sài Gòn vốn đã in rất nhiều sách báo về tôn giáo và văn hóa, có cơ sở ấn loát tại nhà thờ Tân Định đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn.

Nghe những bài hát ca vịnh của Thầy Phaolô Đạt, linh mục Bề Trên Chủng viện Ernest vốn là một người giỏi dương cầm cũng phải khen ngợi : “Một lối nhạc vừa Đạo đức vừa Dân tộc.” Cha Gabriel Long, một nhạc sư lúc bấy giờ ở Sài Gòn cũng khen rằng: “Nhạc của Phaolô Đạt thật ngọt ngào say mến, đi sát với tinh thần của mỗi bài hát...” Có lẽ câu nói được thường xuyên nhắc tới “ Hát bằng hai lần cầu nguyện”không chỉ có tác dụng kích thích hướng sáng tác của người nhạc sĩ Công Giáo hay tinh thần sinh hoạt nhiệt thành của giới trẻ trong các ca đoàn mà cũng còn là lời khích lệ mọi người tu sĩ, giáo dân trong cuộc sống tinh thần hằng ngày.

Ngày 23-9-1911, Thầy Phaolô Đoàn Quang Đạt được Đức Giám Mục Lucien Mossard (tên VN là Mão) truyền chức linh mục tại nhà thờ Đức Bà Chính Tòa Sài Gòn. Sau khi được thụ phong chức thánh, linh mục Phaolô dạy học tại Tiểu chủng viện Sài Gòn trong gần hai thập niên, đem kiến thức truyền thụ lại cho các thế hệ đàn em, nhất là phát triển kỹ năng sáng tác thánh nhạc của mình. [5] Theo tư liệu của Trần Nhật Vy, sau khi chịu chức, linh mục Đạt làm Thư ký Tòa Tổng giám mục Sài Gòn, rồi linh mục phụ tá nhà thờ Tân Định từ năm 1920-1933 và về phụ trách nhà thờ Bà Rịa từ 1933-1949. 

Năm 1933 làm cha sở giáo xứ Đất Đỏ (Bà Rịa, 1933-1949), linh mục Phaolô đã có sáng kiến tổ chức sinh hoạt giáo xứ rất ngoạn mục và có nhiều ý nghĩa sâu xa như tổ chức hoạt cảnh giáng sinh với cuộc rước tượng Chúa Hài Đồng vòng quanh nhà thờ, hát những bài ca giáng sinh La tinh rồi sau cùng ca đoàn cử lên bài hợp xướng “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” do ngài sáng tác và tập dượt với phần thánh lễ kết thúc. Có tư liệu cho rằng khi làm cha sở Bà Rịa, cha Phaolô Đạt thường xuyên đích thân tổ chức các buổi học giáo lý vào mỗi chiều Chúa Nhật, giải thích các lễ nghi, ý nghĩa các phép bí tích và kinh đọc hằng ngày. Cha xây dựng thói quen đánh chuông “Truyền tin” – gọi là “Nhật một” mỗi ngày sáng, trưa, tối. Ngài cũng lập thói quen tốt giật chuông “báo tử” đọc kinh cầu cho linh hồn người vừa qua đời trong họ đạo. [6] . Thật ra lối đọc kinh Truyền Tin (Angelus) có từ lâu bên Âu châu nếu ta theo dõi một bức danh họa của Rembrand vẽ hai cặp vợ chồng của một nông dân đang làm việc ngoài đồng đang giữa trưa nghe tiếng chuông nhà thờ đã đứng lên kính cẩn đọc kinh nhớ về Thiên Chúa, thì sáng kiến của cha Phaolô cũng chỉ là tuân thủ theo một tập quán tôn giáo lâu đời ở Việt Nam rất đáng phục hoạt mà thôi.

Ngày 22-11-1933, khi 56 tuổi, cha Đoàn Quang Đạt được thuyên chuyển về giáo xứ Bà Rịa với cái đầu bạc trắng và bệnh hen suyễn khá nặng. Cha phải theo chế độ ăn uống kiêng cử nhiệm nhặt để tránh cơn bệnh hành hạ cha suốt ngày đêm. Tuy bệnh tình nhưng cha vẫn không bao giờ bỏ việc dâng Thánh lễ và các công tác mục vụ khác. Tháng 8 năm 1949, Đức Cha Địa phận Sài Gòn Jean Cassaigne đưa cha về Chủng viện để dưỡng bệnh. Sau đó linh mục Giuse Thiên, cha sở Chí Hòa xin bề trên cho cha Đạt về nhà hưu dưỡng các linh mục ở Chí Hòa.

Sáng ngày 21 tháng 2 năm 1956, Cha Đạt dâng thánh lễ sáng, đến trưa cơn suyễn nổi lên quá mạnh khiến ngài không chịu nổi, đã tắt thở lúc 13 giờ trưa, thọ 79 tuổi, sau 45 năm phục vụ Chúa và dâng hiến những công trình tim óc cho nền Thánh nhạc Công giáo. [7] 

2.- Bản thánh ca “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” , hồn nhạc dâng hương. 

Linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt có một nếp sống rất khắc khổ, đạo đức, bị hen suyễn thường xuyên. Vốn là người đa tài thuộc nhiều lãnh vực như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, linh mục Đạt được coi là tác giả thiết kế nhà thờ Biên Hòa hiện nay. [6] Những sáng tác của cha Phaolô Đạt để lại tuy ít nhưng đều là những bài hát có chất lượng cao, kỹ thuật phong phú, điêu luyện có lẽ đã được sáng tác trong thời gian làm giáo sư Tiểu chủng viện Sài gòn giai đoạn 1911-1933. Đó là 3 bài thánh ca:

-Nửa đêm mừng Chúa ra đời,
-Kinh nguyện Chúa Thánh Thần,
-Tôi kính lạy Chúa Giêsu.

Các bài thánh ca này hòa âm ba phần, tiết tấu dịu dàng, êm ái, không cầu kỳ, đúng tinh thần thánh nhạc. Các bài ca ngợi Chúa Giêsu và ca ngợi Đức Mẹ được khắp nơi trong các nhà thờ giáo phận Sài Gòn hát lên trong thánh lễ.

Theo ông Nguyễn Văn Quí, “sở dĩ linh mục Đoàn Quang Đạt viết nhạc là vì những tác phẩm ca hát trong nhà thờ trước đây đều là nhạc nước ngoài và bằng tiếng La tinh, số đông giáo dân hát không được. Chính vì vậy, ông Đạt liền nghĩ ra cách dịch lại những bài hát này cho giáo dân hát. Nhưng những bài hát nhạ ngoại bằng tiếng Việt này vẫn khó hát. Cuối cùng, ông nghĩ viết hẳn những bài hát bằng tiếng Việt ký âm theo nhạc lý phương Tây”. Linh mục Nguyễn Hữu Tấn – giám đốc Đại chủng viện Sài Gòn – cho biết những bài hát của linh mục Đạt rất khác với nhạc Tây, mà giống với vọng cổ của miền Nam hơn. Còn linh mục Đỗ Xuân Quế, đặc trách về thánh nhạc của giáo phận Sài Gòn, cũng thừa nhận linh mục Đạt “rất giỏi nhạc” và “bài hát Nửa đêm mừng Chúa ra đời của ông đến nay vẫn còn dùng”. Linh mục Quế còn cho biết ông được nghe kể linh mục Đạt đã nghiên cứu từng bước chân trâu bò đi trên đường để viết phần nhạc trong bài “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” và bài ca này ông đã nghe từ những năm 1930 khi còn ở miền Bắc... Thế nhưng cha Đạt viết những bài hát ấy từ lúc nào? Theo tài liệu hiện có thì ít nhất ông đã viết những bài hát bằng tiếng Việt từ trước năm 1913. Trong tập nhạc Ca ngợi rất thánh trái tim Đức Chúa Giêsu in tại nhà in Imprimerie de la Mission (nhà in trong nhà thờ Tân Định) số 289 rue Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng) năm 1942 có ghi lời bạt của linh mục Phaolô Qui vào ngày 1-5-1913. Linh mục Qui mất vào năm 1914. Một tài liệu khác là cuốn kinh Mục lục Sài Gòn in năm 1899 có chép toàn bộ phần lời của bài ca Nửa đêm mừng Chúa ra đời, nhưng không có phần nhạc...” [8] Như vậy bài thánh ca bất hủ Nửa đêm mừng Chúa ra đời chính là bản tân nhạc đầu tiên của Việt Nam, xuất hiện ít nhất cũng từ năm 1899, do một linh mục sáng tác để ca tụng Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và ở cùng chúng ta (Emmanuel).

Cũng theo nhà sử học Lê Ngọc Bích, “Anh Lê Đình Bảng, nhà thơ, nhà nghiên cứu thi ca, âm nhạc Công Giáo Việt Nam có ý kiến rằng: “(...) Theo nhận định của những nhà nghiên cứu về nhạc sử thì ngay từ năm 1910 ở Nam Bộ đã có những linh mục, thầy giảng, nữ tu và bổn đạo người Việt hát hoặc điều khiển được những bài hát 2, 3 bè khá thành thạo. Có người đã sử dụng nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ như harmonium, piano, violon (...) Chúng tôi dựa vào một chứng từ cụ thể của nhà in Tân Định (Imprimerie de la Mission) năm 1942. Đó là 2 tập sách hát mang tên “Ca ngợi Rất thánh Trái tim Đức Chúa Giêsu” và “Ca ngợi Đức Bà Maria”. Có thể xác định thời điểm xuất hiện và tác giả của những bài thánh ca VN đầu tiên ấy qua phần giới thiệu do “linh mục bổn quốc” Phaolô Qui (1855-1914) cha sở họ đạo Cầu Bông viết ngày 1-5-1913 cho cả 2 tập sách này: “... Nguyên những bài ca trong sách nàyu đã rút ra bởi những kinh (Latinh) Hội thánh quen đọc (...). Những ca ngợi ấy là của cha Tôma Đoan, cha ở Huế và cha Phaolô Đạt.”

“Nổi tiếng nhất trong đó có bài “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” của cha Phaolô Đoàn Quang Đạt (1877-1956). Đã có dư luận cho rằng bài này là bản thánh ca mang dáng dấp hợp xướng đầu tiên trong lịch sử Thánh nhạc Thánh ca Việt Nam? Chúng tôi chưa dám đoan quyết như thế, bởi chưa có đủ chứng cứ cụ thể. Chỉ trộm nghĩ, có lẽ cảm hứng từ những ca khúc về Giáng sinh như “Il est né le Divin Enfant”, “Les Anges dans nos campagnes”, “Puer natus est”, “Gloria in excelcis Deo” và đặc biệt xuất phát từ tâm tình vồn vã, sốt sắng và nhạy cảm của một người con Chúa ở quê hương miệt vườn xứ Búng, tác giả Đoàn Quang Đạt (...)”.

“Bên cạnh giá trị về giai điệu và cung bậc mang âm hưởng dân tộc, còn phải kể tới giá trị về lời ca là toàn văn của bài kinh vãn cùng tên trong Sách kinh Mục lục của địa phận Sài Gòn, một pho bách khoa toàn thư đậm đặc thứ ngôn ngữ giàu hình tượng rất riêng của những người con Chúa ở phương Nam.” [9] 

Trong đêm Thánh ca Giáng sinh tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tối 12-12-2010, ca đoàn giáo xứ Thị Nghè đã trình bày bản thánh ca Nửa đêm mừng Chúa ra đời cùng với dàn nhạc dân tộc của các nghệ sĩ Nhạc viện Thành phố với sự điều khiển của linh mục Sỹ Tùng. Bản thánh ca này với giai điệu du dương, cung bậc dịu dàng mang âm hưởng dân tộc và lời hát tuy cổ xưa nhưng được sử dụng đúng chỗ, đúng cách đã mang đến cho tác phẩm giá trị vượt cả không gian xen lẫn thời gian cũng đáng được thưởng thức và chiêm nghiệm lại nguyên tác như sau:

Nửa đêm mừng Chúa ra đời. Bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa. Nửa đêm mừng Chúa ra đời. Cỏ rơm trải lót bơ thờ. Chút cỏ rơm bơ thờ. Cỏ rơm trải lót bơ thờ. Mượn ấm bò lừa quỳ thở dâng hơi, quỳ thở dâng hơi. Kiểng tinh soi sáng thâu đêm. (Soi thâu đêm) Kiểng tinh soi sáng thâu đêm.(Soi thâu đêm). Chói lói giữa trời, nhỏ xuống Bê-Linh. Thiên thần chín đấng chầu quanh, thiên thần chính đấng chầu quanh. Tấu nhạc rập ràng, đờn hát, đờn hát xướng ca. Vậy có ca rằng, rằng ca Thiên Chúa, rằng ca Thiên Chúa. Ớ loài người ấy phúc lành bình an cho người vì cửa Thiên Đàng rộng mở, Tang tình tình tang Thiên Đàng rộng mở. Tang tình tình tang Thiên Đàng rộng mở. Chúa cả ra ơn, ơn cả chữa đời. Rằng: Hỡi chúng dân (Kìa trong hang đá nọ), tới xem điềm lạ. Kìa trong hang đá, nọ trước lều tranh. Rằng tính tình tang, Thánh Tiểu Hài sinh. Thật ngôi linh tính tang tình là tình Thiên Chúa. Nằm trong !máng cỏ bó bức khăn đơn. Rằng: Bớ chúng ngươi! tới xem điềm lạ !(Bay xem thì biết), Kìa trong hang đá, nọ trước lều tranh rằng tinh tình tinh Thánh Tiểu Hài sinh. Thật ngôi linh tính thất tinh là tình Thiên Chúa. Thiên thần vô số. Nhạc thổi rân. Thiên thần vô số. Nhạc thổi tung hô.”

Với một số danh từ cổ được sử dụng nơi đây như kiểng tinh (sao sáng, rất sáng), bơ thờ có nghĩa đơn sơ, hèn mọn, tình tang âm hưởng của những làn điệu dân ca, ớ, bớ là những tán thán từ đậm nét dân tộc cùng với những luồng nhạc khi mạnh mẽ như sóng gió để biểu lộ sự vui mừng, lúc chậm rãi kêu mời như tơ vàng óng ánh, bản thánh ca “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” với ba phần hòa âm nhịp nhàng, gắn bó, quyện khúc, nâng đỡ, tung hứng trong những tiết điệu say sưa, hấp dẫn bộc lộ cả cung lòng mến yêu diệu vợi như không thể nào nói lên hết được tâm tình của một người tín hữu mà nhà thơ Hàn Mặc Tử từng từng thống thiết say mơ:

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn giang, cả màu sắc thinh không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước...

Cách đây mấy tháng, khi ngồi nhuận sắc lại bài viết về Cha Phaolô Đoàn Quang Đạt và bài thánh ca bất hủ “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” thì một người ca đoàn trưởng vốn đã cao tuổi (một đời cống hiến cho nền thánh nhạc hiện thuộc một giáo xứ tại Sài Gòn), chị Ngọc Diếu, điện thoại liên lạc với tôi để hỏi về một số lời trong bài hát “Đêm nay” mà theo chị thì tác giả cũng là cha Phaolô Đạt. Tôi lên Internet hỏi một số anh em thân hữu và được ông Anphong Nguyen gửi cho bản nhạc này với tên tác giả là Lm. Tiến Đạt. Tôi nghĩ rằng Tiến Đạt hay Phaolô Đạt cũng là một, vì tôi biết bài “Đêm nay”, từng nghe nhiều ca đoàn hát và khẳng định giá trị của bản nhạc này không kém bản “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” tuy phần thiết trí hoà âm cho nhiều bè có ngắn hơn bài thánh ca bất hủ kia và ngôn từ của bài hát này nặng tính chất thần học mở ra một nguồn hy vọng lai láng vô bờ trong đức tin Công Giáo, đức tin cứu chuộc.

Sau đây là nguyên văn lời của bản nhạc “Đêm nay” được viết trong niềm lạc quan xuất phát từ nguồn cảm hứng chứa chan mùi đạo hạnh của Cha Phaolồ Đoàn Quang Đạt, những cụm từ hoặc giai điệu quen thuộc với bản “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” mang dáng dấp, âm hưởng hay hình ảnh của bài hát nọ so với bài hát kia.

“Đêm nay nhắc lại một đêm xưa vĩ đại vui mừng. là đêm hoan hỉ khắp bốn phương đều cất tiếng reo mừng. Thỏa bấy ước mong (Đêm nay mừng Chúa ra đời) nhịp khúc ca phỉ tâm tình tang.(Đờn nhạc ca muôn muôn năm cửa trời rộng mở) Mừng mừng mừng Chúa giáng sinh ra đời, mừng Chúa giáng sinh ra đời, mừng Chúa giáng sinh ra đời. Thiên đàng rộng mở, Chúa Trời giáng sinh Người cứu thế giới. Dẹp xiềng tội ác cứu dân lỗi lầm được sống thanh bình. (Đây mở ra rạng ngời sáng soi cho đời) A dong xưa buông chìm phước lạc, làm cho cháu con phiền lụy khóc than. Nay Ngôi Hai thương loài khốn nạn,( Chúa Trời đã hứa, Ngày nay giáng sinh, hoàn lại phước thiêng) liều thân xuống thế, hoàn sinh tất cả. Đêm giá băng lạnh lùng (dân chúng vui mừng tang tang, tình tình…) thành Bê lem ngủ yên, phía ngoài thành xa tối tăm nếp lều tranh. Từ từ nửa đêm Ngôi Thiên Chúa vừa giáng sinh ra đời, muôn tươi vui sáng tiếng Thần ca rền vang khắp tầng mây. Chúa cả trên trời vinh hiển (Chúa cả sáng). Người lành dưới thế bình an (Bởi phép Chúa), vui thay ngày Chúa giáng sinh chuộc đời khỏi tội lỗi cùng đặng sống lại hiển vinh muôn đời. Ngày phần phước chẳng hề chen lặng. Đội ơn Thiên Chúa vì đêm tối tăm kiếp kiếp điêu tàn.

1.Đêm khuya mờ thẳm xa vẳng tiếng canh tàn trong xóm xa. Hãy ngó về nơi hang đá Chúa nằm vấn khăn không nhà. Lều tranh phơi gió sương bặt bặt không lửa đèn lạnh lùng thay. Kìa vương cung thánh các hoa lệ vua trời không nhận ở đây chọn nơi cỏ rơm bạn cùng thấp hèn.

2.Ta ham quyền quý ta mến những sang giàu nơi thế gian. Hãy ngó về nơi hang đá Chúa nằm cỏ rơm cơ hàn. Làm gương cho các dân hiệu triệu kêu những người thật thành tâm. Từ đây theo gương Chúa soi rọi cho lòng xa cuộc thế gian. Được ơn Chúa chuộc được phần phước lành.

Những thể điệu diễn tả niềm vui, nguồn hy vọng thánh đức với những nét nhạc khi uy nghi, đường bệ, lúc khoan hòa, dìu dặt đã thật sự nói lên thiên tài âm nhạc của Cha Phaolo Đạt

Từ nhiều năm nay, các ca đoàn trong nước cũng như hải ngoại cũng đang đóng góp phần kỹ thuật cho các ca viên hát lại các bản thánh ca Giáng Sinh bất hủ này. Đây là một nét trổi bật trong nghệ thuật thánh về nguồn thông qua suối nhạc mà công sức của hai linh mục Gabriel Long và Phao lô Đạt cần được hậu thế ghi nhớ. 

Ước mong hằng năm vào dip lễ Giáng sinh, bài thánh ca “Nửa đêm mừng Chúa ra đời “ và bài “Đêm Nay” dù khó hát, khó tập vì đòi hỏi nhiều kỹ thuật và cố gắng của ca viên, sẽ được các ca đoàn trong mọi giáo xứ trên khắp miền đất nước Việt Nam cùng các cộng đoàn hải ngoại hát lên để nhớ về các bản thánh ca tuyệt tác của nền thánh nhạcViệt Nam tiên phong đi vào vườn hoa nghệ thuật của Dân Tộc, mở đường cho nền tân nhạc Việt Nam tiến lên, đồng thời cũng là để dâng lên Chúa Hài Nhi các tác phẩm xứng đáng là đại diện của nền thánh nhạc Việt nam có khả năng chen vai thích cánh với các bài ca bất hủ như Silent Night của Âu châu và Bắc Mỹ, Il est né le Divin Enfant của Pháp, bài Adeste Fideles của văn chương La tinh, bản Hội nhạc Thiên quốc của Thánh Alphonso, bài Feliz Navidad của các giáo hội Trung và Nam Mỹ...

Tên tuổi của hai linh mục Gabriel Long và Phaolồ Đạt sẽ mãi chói sáng trong bầu trời thánh nhạc Việt Nam.

Philadelphia 21 -12- 2012 

CHÚ THÍCH:
1.- Trần Nhật Vy, Tân nhạc Việt Nam từ năm 1911?, Tuổi Trẻ Xuân Canh Thìn, 2000, trang 30.
2.- Trần Doãn Nho, Nhạc Xuân, Tạp chí Thế Kỷ 21, số Xuân năm 2005.
3.- Lê Ngọc Bích, Nhân Vật Công Giáo Việt Nam, Thế kỷ XVIII-XIX-XX, tài liệu lưu hành nội bộ, 2006, trang 501. 
4.-Lê Ngọc Bích, Sđd, trang 502].
5.- Lê Ngọc Bích, Sđd, trang 502.
6.- Lê Ngọc Bích, Sđd, trang 503
7.-Lê Ngọc Bích, Sđd, trang 505.
8.-Trần Nhật Vy, bài đã dẫn.
9.-Lê Ngọc Bích, Sđd, trang 504.

Nguyễn Đức Cung
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101716.htm

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Cáo phó: ông Phêrô Nguyễn Phú


Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại,
thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu,
cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu (1Tx 4,14)

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh

Đại gia đình Nguyễn Tộc - An Du Bắc thương tiếc báo tin:


Ông PHÊRÔ NGUYỄN PHÚ

thuộc chi Ông TRANG - Bà TRƯỚC

đã được Chúa gọi về lúc 0g50 ngày 21.12.2012
hưởng dương 55 tuổi
Thánh lễ an táng lúc 5g sáng 24.12.2012
tại nhà thờ giáo xứ Hữu Phước, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu

Xin quý bà con trong Đại gia đình Nguyễn Tộc 
hiệp dâng lời cầu nguyện
xin Thiên Chúa đưa linh hồn Phêrô về hưởng hạnh phúc 
với Ngài trên thiên đàng.

*

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH



KÍNH CHÚC 
ĐẠI GIA ĐÌNH NGUYỄN TỘC AN DU BẮC

VÀ QUÝ THÂN HỮU
MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY ƠN CHÚA HÀI ĐỒNG
VÀ MỘT NĂM 2013 AN KHANG HẠNH PHÚC
*

Mời nghe "Bài hát ru đêm thánh":



Đã xuất bản vào 26-11-2012
Bài Hát Ru Đêm Thánh - Ngọc Phuợng trình bày
Thơ Trầm Tĩnh Nguyện - Nhạc Phạm Trung
Xmas Concert của HelpKids2School organization - November 24, 

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Lễ Giáng Sinh: nguồn hy vọng: Ý nghiã của máng cỏ

Nguyễn Trọng Đa12/18/2012

ROMA - Tại sao Kitô hữu chào mừng sự ra đời của một hài nhi cách đây hơn 2000 năm? Tại sao Kitô hữu kỷ niệm việc ra đời này bằng cách thực hiện hoặc giải thích một máng cỏ? Việc ba nhà đạo sĩ đến và sự hiện diện của con lừa và con bò có đúng với thực tế không? Và ngày nay sự ra đời như thế có ý nghĩa gì?

Linh mục Pietro Messa, Giám đốc trường Cao đẳng nghiên cứu Trung cổ và Phan sinh thuộc Đại Học Giáo Hoàng Antonianum, trả lời cho độc giả của hãng tin Zenit.

Zenit – Theo cha, đâu là các lý do mà nhờ đó truyền thống làm máng cỏ là một điều tốt lành?

Cha Messa - Đức tin trước tiên là sự nhìn nhận một sự Hiện diện trong lịch sử cá nhân và cộng đồng, và cầu nguyện là kỷ niệm, chứ không chỉ nhớ, sự hiện diện của Chúa bên cạnh chúng ta. Từ cuộc gặp gỡ này nảy sinh một cuộc sống mới, nói cách khác nảy sinh một sự đạo đức: nếu không có như vậy, hành động của con người rơi vào một luân lý èo uột. Chính vì thế cần có các dấu hiệu để giúp chú ý đến sự đồng hành của Chúa bên cạnh con người, chẳng hạn các bài hát, hoặc một hình ảnh, hoặc đọc một bản văn.

Máng có là thực sự như thế: là một phương tiện, qua nhiều thế kỷ, đã được chứng minh là hiệu quả để không làm quên Chúa Giêsu, người bạn đồng hành khiêm hạ của Thiên Chúa bên cạnh con người.

Zenit - Đâu là các lý do thúc đẩy thánh Phanxicô Átxidi suy nghĩ và thực hiện một máng cỏ? Và các lý do nào vẫn luôn là hợp thời?

Cha Messa – Tác giả Tôma thành Celano, nhân dịp lễ phong thánh cho Thánh Phanxicô Átxidi, chưa đầy hai năm sau khi thánh nhân qua đời, đã viết tiểu sử của Ngài, kể rằng tại Greccio năm 1224, thánh nhân muốn "kỷ niệm việc Hài nhi ra đời tại Bê Lem, và nhận ra một cách nào đó với con mắt thân xác các khó khăn, mà Hài nhi gặp phải, khi sinh ra mà không có các vật cần thiết cho một bé sơ sinh; làm thế nào Hài nhi đã nằm trong máng cỏ và làm thế nào Hài nhi đã nằm giữa con bò và con lừa". Do đó người ta hiểu rằng Noel năm ấy Thánh Phanxicô muốn rằng bản thân mình và các người khác kỷ niệm việc làm thế nào Chúa xuống thế trong nghèo khó; kỷ niệm một cách cụ thể riêng cho mầu nhiệm nhập thể, bằng cách cũng làm cho con mắt thân xác can thiệp vào nữa. 

Cũng cần phải nhắc lại rằng trong đêm ấy “nghi thức long trọng của Thánh lễ được cử hành trên máng cỏ". Không có sự đại diện nào của Chúa Giêsu, bởi vì Thánh Phanxicô nhận ra rằng Thánh Thể là ở nơi mà mỗi ngày Đấng Tối Cao xuống giữa chúng ta, và nơi mà Chúa Giêsu thực sự hiện diện với thịt và máu của Người.

Zenit – Trong cuốn sách mới nhất của mình, ĐTC Biển Đức XVI khẳng định rằng con bò và con lừa không được đề cập trong các sách Tin Mừng, nhưng chúng có một ý nghĩa thần học chính xác. Cha có thể giải thích rõ về điều này không?

Cha Messa – Con bò và con lừa vắng mặt trong các trình thuật Tin Mừng, nhưng các Giáo Phụ giải thích câu Kinh Thánh "Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó” (Is 1, 3), khi đồng hóa con bò và cái ách với dân Do Thái phục tùng lề luật, và đồng hóa con lừa với dân ngoại, nghĩa là với người chưa chịu cắt bì. Như thế, qua việc ra đời giữa con bò và con lừa, thì Chúa Giêsu, như lời thánh Phaolô nói, đã làm cho cả hai dân thành một dân, bằng cách chỉ hạ bức tường ngăn cách thù hận. Thánh Phanxicô, người học Tin Mừng chủ yếu qua phụng vụ và truyền thống của Giáo Hội, đã muốn rằng trong đêm Noel năm 1224 tại Greccio, cũng có con bò và con lừa.

Zenit – Việc các đạo sĩ đến và hiện diện bên máng cỏ là một sự kiện lịch sử có thật, hay chỉ là một huyền thoại?

Cha Messa - Chúa Giêsu là sự hoàn tất các lời hứa mà Thiên Chúa làm cho dân Do thái của Ngài, nhưng cũng là ước muốn và khát vọng của tất cả mọi người, và chính chuyến thăm của các nhà đạo sĩ từ phương Đông đến Bê Lem nói lên điều này. Điều quan trọng là các sách Tin Mừng, như thánh Phanxicô khẳng định, cần được đọc với đức tin, với con mắt của tâm hồn về những gì con mắt xác thịt đã thấy. Nhị thức “thấy và tin” là quan trọng đối với vị thánh thành Átxidi; do đó, đức tin ngay thẳng là không mù quáng, nhưng trái lại là "nhìn thấy" cách sâu hơn vào mầu nhiệm của các sự kiện, kể cả chuyến thăm của các đạo sĩ đến Bê Lem.

Zenit – Xin cha cho một suy tư gợi ý cho Giáng Sinh năm nay...

Cha Messa - Trong bối cảnh lịch sử hiện nay, sự cám dỗ liên tục, mà chúng ta phải chịu cho cá nhân và cộng đồng, chính là sự nản lòng, sự sầu não trước cuộc khủng hoảng, không chỉ về kinh tế, mà còn gia đình, xã hội, trong đó người ta sinh sống. Lễ Giáng sinh, là loan báo rằng trong thực tại chính xác, rất phức tạp và mâu thuẫn đến nỗi gần như phi lý, có sự hiện diện của Chúa, Vị Mục Tử Nhân Lành. Tất cả điều này sẽ trở thành một nguồn hy vọng, không phải trong một ý nghĩa lạc quan, nhưng trong sự tin chắc rằng Hài nhi ở Bê Lem là thực sự trung tâm của vũ trụ và lịch sử. Vì vậy, lễ Giáng sinh là sự loan báo niềm hy vọng cho mọi người! (ZENIT.org 17-12-2012)

Nguyễn Trọng Đa

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101644.htm

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Nhân vụ hôn nhân đồng tính tại Mỹ: Trở về với hôn nhân nguyên thủy

Nguyễn Kim Ngân12/11/2012


TRỞ VỀ VỚI HÔN NHÂN NGUYÊN THỦY

Một chút tâm tình nữa lại nhen nhúm sau khi tham dự lễ cưới cô cháu gái được tổ chức trong một ngôi thánh đường cổ kính. Cô dâu chú rể quen nhau từ hồi cùng tham gia đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT), do đó thành phần tham dự phần lớn là giới trẻ. Ca Đoàn-- cũng do các thành viên TNTT đảm trách—đã hát một bài ca thật ý nghĩa, cảm tác từ cuộc hôn nhân đầu tiên của cặp tình nhân cũng đầu tiên của loài người: Ađam và Evà. Thánh Lễ và Bí tích Hôn Phối được cử hành như thế: vui tươi, hồn nhiên, trẻ trung, đầy sức sống, nhưng không vì thế mà mất đi vẻ trang trọng, tôn nghiêm cần thiết. Một tình yêu được chúc phúc, một đôi lứa đồng thuận dấn bước trong một cam kết công khai, để rồi một gia đình mới được khai sinh. Từ một gia đình đạo hạnh, con cái hiếu thảo ngoan ngùy, tôi nhìn thấy được con đường hạnh phúc như đang trải rộng trước mặt họ. Diễn tiến lạc quan này bất giác đưa tôi về với bài báo nêu lên một giải pháp hiển nhiên nhằm bảo vệ hôn nhân truyền thống trước cơn sóng thần của chủ nghĩa duy tục đang hết sức đề cao cái gọi là “hôn nhân đồng tính.” 

“Hôn nhân phải trở về trạng thái nguyên thủy của nó là một bí tích tôn giáo,” đó là tuyên bố của Jane Adolphe, Giáo Sư phụ giảng tại Đại Học Luật Ave Maria, thành phố Naples, Florida, khi phê bình luận cứ của Anne Dohrenwend, tại Ann Arbor, Michigan, ngày 22 tháng 10 năm 2012 vừa qua. Bà nói tiếp: Giáo Hội Công Giáo luôn luôn chủ trương rằng bí tích hôn nhân sẽ kiện toàn hôn nhân tự nhiên, trong trạng thái nguyên thủy của nó. Khoản 1601 trong Giáo Lý của Hội thánh Công giáo xác định rằng: “Hôn ước—qua đó một người nam và một người nữ cùng nhau thiết lập một cuộc ăn đời ở kiếp với nhau--tự bản chất được định hướng nhằm về thiện ích của đôi hôn phối, về sự sinh sản và việc giáo dục con cái; giao ước này, khi được thiết lập giữa hai người đã chịu phép thánh tẩy, lại còn được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích nữa.”

Hôn nhân tự nhiên được hình thành vào chính thời điểm của sự đồng thuận, được biểu lộ theo truyền thống và công khai do bởi ý nghĩa độc đáo mang tính nhân bản và xã hội, liên quan đến thiện ích của đôi hôn phối, sự thiện hảo của con cái và công ích của xã hội.

Khế ước hôn nhân luôn luôn mang tính độc đáo của riêng nó—sui generis--bởi vì nó vượt lên trên đôi hôn phối. Nó không được xây dựng trên việc giao hợp hoặc sống chung ngoài hôn nhân, hay trên bản năng tình cảm.

Trái lại, nó được xây dựng trên một điều gì đó có liên quan sâu đậm hơn đến tư cách làm người, một hành vi tự do của trí năng và ý chí. Đôi hôn phối đồng thuận trong việc trao đổi hỗ tương chính bản thân mình, trong tư cách làm người với nam tính và nữ tính của mỗi bên. Sự trao đổi này tạo nên một mối dây công bình, qua đó, đôi hôn phối mắc nợ nhau một bổn phận yêu thương, một tình yêu phu phụ--chính bởi vì đây là kết quả cam kết dấn thân của một người nam, trong tư cách người nam, và một người nữ, trong tư cách người nữ. Do có một trao đổi nhân vị, hoặc nói một cách khác, do có sự trao hiến nhân vị trong toàn vẹn nam tính hoặc nữ tính, mà hôn nhân mang tính trường tồn, một vợ một chồng, và mở ngỏ cho sự sống.

Nói khác đi, tính trường tồn, sự độc chiếm, và xu hướng sinh sản là nền móng xây dựng hôn nhân tự nhiên, trong “trạng thái nguyên thủy” của nó. Đó là những thiện hảo làm cho hôn nhân hấp dẫn đối với trí hiểu con người. Nó bất khả ly tán bởi vì đối tượng đồng thuận của hai người nam nữ trong cuộc chính là sự trao hiến nam tính và nữ tính của mình, nghĩa là cho đi chính bản thân mình, một sự cho đi vĩnh viễn, chứ không hề là một vay mượn nhuốm mầu phi nhân. Nó mang cái nét độc chiếm bởi vì cùng một món quà không thể dành cho hơn một người trong cùng một lúc. Nó mở ngỏ cho sự sống do bởi hôn nhân cố hữu hàm chứa một tương quan phái tính.

Tóm lại, hôn nhân sẽ không hiện hữu nếu các mối thiện hảo này bị loại bỏ bởi một trong hai người phối ngẫu, vì điều đó đi ngược lại với món quà đôi lứa tự hiến cho nhau. (xem Jane Adolphe: Invitation to a Dialogue: Voting on "Gay Marriage” trong www.ewtn.com, ngày 11/04/12)

Trong mùa bầu cử vừa qua, những vấn đề này, vốn hiển nhiên được công nhận từ tạo thiên lập địa đến nay, lại được đem ra trưng cầu dân ý, cứ như là hễ đa số nghiêng chiều nào thì vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng đó. Vấn đề hôn nhân truyền thống, phá thai, ngừa thai, đồng tính, an tử…tất cả đều được đưa ra bỏ phiếu. Nhưng oái ăm là: mặc dù đã bỏ phiếu xong cũng chưa phải là hết, bởi vì điều được thông qua vẫn còn “trái ý tôi.” Mà vì “trái ý tôi,” nên tôi…”quậy” tiếp. Đó chính là trường hợp Dự Luật số 8, vốn định nghĩa hôn nhân—theo hiến pháp của Tiểu Bang California—là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Dự Luật này đã được cử tri California thông qua vào năm 2008, nhưng sau đó lại bị quan tòa phán quyết ngược lại là vi hiến, để rồi bây giờ được chuyển lên cho Tối Cao Pháp Viện. Còn DOMA (tức Defense of Marriage Act--Luật Bảo Vệ Hôn Nhân) đã được Quốc Hội thông qua và được TT Clinton ký thành luật vào năm 1996, cũng định nghĩa hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, theo các mục tiêu của luật liên bang.

Hôm qua, 10 tháng 12 năm 2012, Tối Cao Pháp Viện đã đồng ý nghe vụ kiện thách thức kết quả Dự Luật 8 của Tiểu Bang California, cũng như một vụ kiện khác thách thức Luật DOMA vừa nói. Chắc phải chờ đợi ít là cho tới tháng Sáu sang năm 2013, may ra mới nhận được phán quyết về vụ này.

Vì những hiệu quả khôn lường chắc chắc sẽ gây ảnh hưởng trên toàn quốc, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã vừa mở ra chiến dịch cầu nguyện cho Sự Sống, Hôn Nhân và Tự Do Tôn Giáo như lời đáp trả có tính mục vụ trong việc bảo vệ sự sống, hôn nhân cũng như tự do tôn giáo (xem www.zenit.org, ngày 12/10/12). 

12/11/12
NGUYỄN KIM NGÂN

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101518.htm

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Mùa Vọng của Thiên Chúa và con người

Lm. Thái Nguyên12/9/2012

Mùa vọng là thời gian mong chờ Chúa đến, nhưng đừng quên Chúa là Đấng đã chờ đợi ta trước khi ta chờ đợi Ngài; Đấng đã hy vọng về ta, để nhờ đó ta biết hy vọng vào Ngài. Mọi sự đều là sáng kiến và khởi đầu của Thiên Chúa, Đấng quyền năng vô biên và yêu thương ta vô bờ. Quyền năng và tình yêu Ngài là sự bảo đảm duy nhất cho niềm hy vọng của chúng ta. Ngoài Chúa ra, mọi hy vọng vào trần thế này hay bất cứ thần tượng nào cũng sẽ là vô vọng. 

I. MÙA VỌNG : THIÊN CHÚA HY VỌNG VỀ CON NGƯỜI.

1. Do hy vọng và cho hy vọng

Do hy vọng, Thiên Chúa đã tác sinh con người giống hình ảnh Ngài, cho họ bước vào vận hành sự sống của chính Ngài. 

Cho hy vọng, Thiên Chúa đã không ngừng hứa hẹn và kết ước yêu thương với loài người, dù cho họ có ngàn lần sa ngã lỗi phạm và xa bỏ Ngài. 

- Ngay từ Cựu Ước, Thiên Chúa đã phán qua tiên tri Ezekiel : “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”. 

- Qua dân Israel, Thiên Chúa không ngừng tái lập lại các Giao ước mà con người luôn phá vỡ, do sự bất trung bất tín với Thiên Chúa, và bất nhân bất nghĩa với nhau. 

Vì vậy, Mùa Vọng là mùa qua đó Giáo Hội muốn khắc họa rõ hơn dung mạo của Thiên Chúa: Đấng đã hy vọng về con người qua lịch sử dân Chúa; Đấng vẫn hy vọng về con người trong lịch sử Giáo Hội; và Đấng mãi hy vọng về con người trong chính cảnh huống cụ thể của từng đời người.

Dung mạo Thiên Chúa ấy được thể hiện nơi Đức Kitô Đấng đã đến viếng thăm nhân loại lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài đã đến cách lặng lẻ và sống âm thầm giữa mọi người, đã đảm nhận lấy thân phận con người cho đến tột cùng bằng cái chết để rồi Phục Sinh mở ra con đường cứu độ cho những kẻ tin. Và Ngài hứa sẽ đến lần thứ hai vào ngày cánh chung, để đặt mỗi người đối diện với chính Ngài như chuẩn mực phân chia đôi bờ thiện ác, và đặt mỗi người đối diện với chính mình như trách nhiệm cuối cùng đối với ơn cứu rỗi. Ngày đó là ngày thiết lập công bình tuyệt đối, nên: “Thiện ác đối đầu chung hữu báo”.

Lần thứ nhất do hy vọng, Chúa đến gieo mầm cứu rỗi. Lần thứ hai cho hy vọng, Người đến thu hoa lợi từ những gì đã gieo. Tuy nhiên, giữa hai lần đến chính thức ấy thì Đức Kitô vẫn âm thầm đến với chúng ta qua từng biến cố, từng con người, từng hoàn cảnh, từng sự việc... Nhưng bất ngờ lớn nhất giữa những cái bất ngờ vẫn là giờ và cách Chúa đến với mỗi cá nhân trong cảnh tranh sáng tranh tối của cuộc đời. Chúa đến bất ngờ không phải để bắt chợt chúng ta, nhưng muốn thấy được tình yêu của chúng ta đã triển nở và đang sinh hoa kết trái như lòng ước mong.

2. Thiên Chúa – Người Cha luôn hy vọng về con cái

Việc Thiên Chúa hy vọng vào con người được mạc khải rõ nhất qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32). Thiên Chúa qua hình ảnh người Cha chấp nhận cho con mình tự do ra đi, chấp nhận cho con mình từ bỏ mình, để rồi từ đó trông ngóng, chờ mong và hy vọng không ngừng ngày nó trở về… Khi đứa con ngông cuồng dở sống dở chết trở về thì từ ở đàng xa người Cha đã thấy, ông vô cùng vui mừng chạy ra đón con... 

Quả thực, Thiên Chúa đã tự xóa mình trước con người. Ngài là Đấng quyền năng vô biên, nhưng cũng là Đấng khiêm hạ vô ngần. Hy vọng có một danh xưng khác là sự khiêm hạ. Jean Tauler cho biết: “Sự khiêm hạ là nhân đức ẩn tàng nơi sự sâu thẳm của Thiên Chúa”. 

Mặc dù là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài không muốn chiếm giữ hay chiếm hữu tình yêu của con người nếu họ không muốn. R. Tagore đã nghiệm ra chân lý này, và ông diễn đạt lời của Đấng Toàn Năng như sau: “Ta yêu người và xin người cho lại một tấm tình. Chúng ta khao khát tình yêu, vì cả hai cùng thiếu thốn. Ta là Tạo hóa, có thể tạo ra tất cả, trừ tình yêu tự nguyện, tình yêu tận hiến”. 

Đó không phải là điều mà Chúa Giêsu nói lên trên Thập giá sao? “TA KHÁT”. Khát điều gì? Chẳng lẽ Ngài khát một chút nước trước khi chết? Cái khát tận cùng đó không gì khác hơn là khát tình yêu của con người. 

Do đâu mà chúng ta có thể nói về niềm hy vọng của Thiên Chúa về con người? Thưa do tình yêu vô hạn của Thiên Chúa là Cha. Trong tiếng Dothái, có hai từ để chỉ tình yêu của Thiên Chúa: Hesed và Rachamim. 

- Hesed nói lên một tình yêu có màu sắc nam tính, cho thấy một Thiên Chúa uy dũng và tín thành, là sự bảo đảm cho ta. 

- Rachamim được Cựu Ước sử dụng, có nghĩa đen là “lòng dạ người mẹ”, nói lên một tình yêu có màu sắc nữ tính: tình yêu của một người mẹ, không phải vì công trạng nào của con, nhưng chỉ vì nó là con mình (x. Is 49,14-16 ; 63,16 ; Gr 31,20 ; Tv 131). Tình yêu phát xuất từ lòng dạ người mẹ là một tình yêu đầy lòng trắc ẩn (compassion). Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn nên hằng chờ mong và hy vọng nơi con cái mình. Ngài yêu thương như một người mẹ, bằng một tình yêu nhưng không, một tình yêu trung tín dù con người bất tín bất trung. 

Dù mọi người đã hoàn toàn thất vọng về ta, và dù chính ta cũng đã thất vọng về mình, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hy vọng vào ta. Chính tình yêu vô biên của Thiên Chúa làm cho Ngài hy vọng về chúng ta, và rồi cũng chính tình yêu đó mà Ngài cho chúng ta hy vọng vào Ngài. Chính vì lạ lùng trước một Thiên Chúa hy vọng về con người, khiến con người hy vọng vào Thiên Chúa.

II. MÙA VỌNG : CON NGƯỜI HY VỌNG VÀO THIÊN CHÚA

1. Tỉnh thức trong hy vọng

Tỉnh thức trong hy vọng là nhận thức rằng đời mình có một Thiên Chúa là Cha yêu thương chí tình, nên đời mình có một vận mệnh tương lai sáng ngời. Nếu dụ ngôn người Cha nhân lành cho thấy Thiên Chúa hy vọng về con người, thì cũng chính dụ ngôn ấy cho thấy con người hy vọng vào Thiên Chúa. Tiếc thay, đứa con quay về trước tiên không phải vì yêu thương Cha nó, mà chỉ vì đói rách, khốn cùng, nhục nhã, tuyệt vọng trước thế thái nhân tình, và nhất là đứng trước một tương lai bế tắc không lối thoát. Dù vậy người Cha vẫn vui mừng khôn tả để đón nhận con mình, vì nó là con, thế thôi. 

Ngạo nghễ thay khi đứng trước ngưỡng cửa của văn minh tiến bộ của thế kỷ 19, với nhiều thành tựu khoa học và kỹ thuật lớn lao, người ta đã trương ra khẩu hiệu: “Con người là tương lai của con người’’. Điều này có nghĩa là con người bất cần đến Thiên Chúa, hay chẳng có Thiên Chúa nào khác ngoài chính con người là chủ vận mệnh tương lai của mình. Nhưng tương lai ngay sau đó là gì? Thưa là hai cuộc thế chiến đẩm máu, đem lại tang thương khốn cùng và để lại những hậu quả thảm khốc trên đời sống con người. 

Chỉ hy vọng vào con người thôi là sự hão huyền trên mọi hão huyền. Nói như thế không phải ta thất vọng về con người, nhưng phải nhận ra sự giới hạn của khả năng con người và lòng người, để đừng rơi vào ảo tưởng. Chẳng ai và chẳng có cơ cấu hay chế độ nào có thể bảo đảm tương lai cho loài người ngoài một mình Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm của nhân loại trong nhiều sự kiện lịch sử của xã hội cũng như cá nhân. Thánh Kinh cũng cho thấy: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” (Gr 17, 9).

Trong Thánh Kinh, sự kiện sụp đổ tháp Babel cũng chính là biểu tượng sụp đổ niềm hy vọng của con người vào con người mà không cần đến Thiên Chúa. Đó cũng là kinh nghiệm sống chết của người con hoang đàng trước tình cảnh bi đát bị đồng loại bỏ rơi, đến nỗi muốn ăn chút cám heo thừa thãi mà người khác cũng không cho. 

Kết cục chỉ có một mình “Thiên Chúa là tương lai của con người”. Theo nghĩa này, đúng là những ai không biết đến Thiên Chúa, cho dù người ấy có bao thứ hy vọng, thì cuối cùng cũng chỉ là vô vọng (x. Eph 2,12). Niềm hy vọng vững vàng, bất chấp mọi thất vọng chỉ có thể là Thiên Chúa – Đấng đã yêu thương chúng ta và yêu thương “đến cùng” (x Ga 13:1; 19, 30). Chỉ tình yêu Ngài mới ban cho chúng ta khả năng kiên vững ngày qua ngày, mà không đánh mất đi nhiệt tình của niềm hy vọng trong một thế giới không hoàn thiện tự bản chất. 

Chỉ tình yêu của Thiên Chúa mới bảo đảm cho sự hiện hữu đích thực, là sự sống “viên mãn” mà ta vẫn trông đợi. Dù con đường chúng ta đi hôm nay phải ù qua bao thung lũng âm u, thì vẫn là con đường hy vọng. Niềm hy vọng vào Thiên Chúa cho ta vượt vượt qua mọi biên giới của sự thất vọng. 

2. Ba tiêu chí để sống niềm hy vọng

“Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm gọi họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài” (ĐHV 964). Để sống niềm hy vọng vững vàng vào Thiên Chúa, trong Thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđictô đưa ra ba tiêu chí: Cầu nguyện; dám dấn thân và chịu đau khổ; hướng đến cuộc phán xét.

- Cầu nguyện như trường học của niềm hy vọng. Con người đã được dựng nên cho Thiên Chúa, nhưng tâm hồn con người lại quá hẹp hòi, nhỏ bé để đón nhận Ngài. Vì thế, cầu nguyện là tập mở rộng lòng mình ra với Thiên Chúa, và nhờ đó cũng mở rộng lòng ra với đồng loại. Nhờ cầu nguyện, ta biết thanh luyện ước muốn và hy vọng của mình. Cầu nguyện làm thức tỉnh lương tâm ta, cho ta khả năng xóa mờ cái “tôi” ảo tưởng của mình, để có thể lắng nghe chính Chúa và vững tâm hy vọng vào Ngài.

- Đau khổ như những môi trường học hỏi hy vọng. Thánh Phêrô đã nói với chúng ta: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4, 13). Nhờ kết hợp với Đức Kitô trong đau khổ mà ta được tinh luyện để sống đức tin trưởng thành hơn, góp phần làm cho thế giới này được tươi sáng và nhân bản hơn. Đau khổ vì lòng yêu mến đem lại cho ta niềm hy vọng mạnh mẽ hơn.

- Hướng đến cuộc phán xét như phương cách sống hy vọng. Từ thời xa xưa, viễn ảnh cuộc phán xét đã ảnh hưởng đến các Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày. Họ coi cuộc phán xét như là tiêu chuẩn để tổ chức lại đời sống hiện tại của mình; như một sự mời gọi hoán cải tâm hồn; và như niềm hy vọng vào sự công bình của Thiên Chúa. 

Như vậy hy vọng vào Thiên Chúa là cách sống rất hiện sinh và cụ thể để làm đẹp cuộc sống mỗi người hôm nay. 

3. Mẹ Maria - Ngôi sao hy vọng

Bằng một thánh thi được viết vào khoảng Thế kỷ IX, Giáo Hội đã chào mừng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa như “Ngôi sao biển”: Ave maris stella. 

Cuộc đời như hành trình trên đại dương lịch sử, lắm khi u tối và đầy bão táp, cần có những ngôi sao đích thực dẫn đường cho cuộc đời ta. Chắc hẳn Đức Kitô là ánh sáng chính danh, là mặt trời chính ngọ bừng sáng trên mọi bóng tối của lịch sử. Nhưng để đi tới Ngài, chúng ta cần đến những điểm sáng gần gũi, là những người đang phản ảnh ánh sáng của Đức Kitô, để giúp ta dễ định hướng cho lộ trình của mình. Vậy ai có thể hơn Đức Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta. 

Đức Maria là con người tuyệt vời, vì đã sống niềm hy vọng tuyệt hảo. Mẹ tuyệt trần vì đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa tuyệt đối. Mẹ tuyệt mỹ vì đã được cưu mang và sinh hạ Đấng là niềm hy vọng tuyệt luân của Israel và nhân loại. 

Đẹp thay hình ảnh một Từ Mẫu đã vững vàng đứng dưới chân thập giá của con mình, và đã trở thành Mẹ của những kẻ tin. Lưỡi gươm đâm thâu qua trái tim Chúa Giêsu cũng là đâm thâu qua lòng Mẹ để niềm hy vọng cứu độ lan tràn tới mọi tâm hồn. Niềm hy vọng đó đã đạt tới đích điểm là niềm vui Phục Sinh của ngày thứ nhất trong tuần, để Mẹ thành Mẹ Thiên Chúa. 

Đức Maria quả thật là Ngôi sao hy vọng, là Mẹ của hy vọng, là mẫu mực của chúng ta, những người gieo hy vọng vào đời sống nhân loại. 

III. SỐNG MÙA VỌNG, CHÚNG TA TRỞ NÊN NHỮNG NGƯỜI GIEO HY VỌNG

Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận đã xác định như sau: “Người Kitô hữu là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát, và là một hy vọng giữa một nhân loại thất vọng”. (954). Chắc chắn câu này ngài họa lại lời Chúa Giêsu: “Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5, 13). “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14). 

Thánh Phaolô cũng đã kêu gọi: “Giữa một thế hệ gian tà và sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2, 15). Bởi vậy, “Không thể quan niệm được một Kitô hữu mà không say mê đem niềm hy vọng ngập tràn thế giới.” (ĐHV 972). 

Chị Chiara Lubich với kinh nghiệm nội tâm, cũng nói với chúng ta rằng: “Với hy vọng, các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc, và các bạn sẽ làm cho mọi người hạnh phúc”. Nên nhớ đây là kinh nghiệm sống niềm hy vọng và rắc gieo niềm hy vọng, chứ không phải là hiểu biết suông về niềm hy vọng. Chúng ta có thể hiểu biết rất nhiều khi nói về niềm hy vọng, nhưng hiểu biết đó sẽ trở thành hư không, nếu nó không được kinh nghiệm, cảm nghiệm, chứng nghiệm, để trở thành sức sống cho tâm hồn mình và cho mọi người chung quanh.

Gieo hy vọng không chỉ là gieo tư tưởng hay ý thức cho người khác, mà chính yếu là gieo hạt mầm sự sống cho một tâm hồn, nên đòi hỏi hy sinh, quên mình. Câu chuyện ngắn sau đây của O Henry cho ta thấy được tâm tình cao thượng và hy sinh cao cả của người gieo niềm hy vọng: 

Có một nữ bệnh nhân chỉ còn biết đếm ngày sống thoi thóp của mình bằng những chiếc lá rụng dần từ một cành cây nhìn thấy qua khung cửa sổ. Đến khi trên cành chỉ còn chiếc lá duy nhất, thì cô nói với người thân rằng: “Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng không còn nữa, em sẽ chết”. Niềm hy vọng của cô gái đang tắt dần, chỉ còn lại những giây phút tuyệt vọng. Ở phòng trọ bên dưới có một họa sĩ tình cờ nghe được. Thế là nữa đêm, giữa trời tuyết lạnh, người họa sĩ bắc thang leo lên vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây khô khi chiếc lá thật đã rụng xuống. Sáng hôm sau, người bệnh thức giấc, vội nhìn ra ngoài, thấy chiếc lá vàng vẫn còn đó. Thế là cô an tâm và bảo: “Em vẫn còn có thể sống thêm ngày nữa”. 

Chiếc lá vàng được vẽ đã cứu mạng sống người con gái đang thoi thóp chờ chết. Không biết cô còn sống thêm được bao lâu, nhưng cô có ngờ đâu mạng sống của cô đã được đánh đổi bằng mạng sống của người họa sĩ, vì anh ta đã bị lạnh cóng giữa trời đêm băng giá, và đã âm thầm từ giã cõi đời. 

Kitô hữu không phải là người vẽ lên cho đời chiếc lá hy vọng sao? Vì chúng ta là hiện thân của Đấng là niềm hy vọng cho sự sống bất diệt của nhân loại. Do đó, người gieo hy vọng không thể mang tính cách nào khác ngoài tính cách của Đức Kitô: là con người dấn thân phục vụ và hy sinh chính mình vì tha nhân. 

Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, chúng ta hãy làm sáng lên niềm hy vọng cho thế giới hôm nay, một thế giới còn đang bị bao phủ bởi bóng đêm sự chết. 

Kìa! Đức Kitô đang đến, hãy ra đón Người. (x. Mt 25, 6)


Lm. Thái Nguyên
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101483.htm