Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Tình Nghĩa Vợ Chồng qua lăng kính người Phụ Nữ Huế


Một người bạn cũ điện thoại nhờ tôi tư vấn về bệnh tình của vợ anh ấy , anh. Sau khi nghe tư vấn xong , anh ấy than thở : ” Sao dạo này tính tình của bà xã mình thay đổi quá . Bẳn gắt ghê lắm nên không khí gia đình rất nặng nề T ạ ” Tôi khuyên bạn : “ Bởi vậy , vợ chồng người ta mới gọi là duyên nợ đó . Lúc trước yêu nhau , rồi lấy nhau , sống những tháng ngày thanh tân hạnh phúc thì gọi là chữ DUYÊN , đến bây giờ già cả , đau yếu , rồi thay đổi cả thể xác lẫn tâm hồn thì gọi là chữ NỢ . Cho nên anh phải cố gắng chịu đựng , chiều chuộng chị ấy cho trọn nghĩa tào khang chứ “

Bạn tôi cười : T định lên lớp cho mình đó à ??

Tôi cười xòa …..

Đúng như tôi đã nói , tình nghĩa vợ chồng gắn liền với hai chữ DUYÊN NỢ . Có DUYÊN NỢ thì mới sống với nhau đến răng long đầu bạc được . Nhất là đối với phụ nữ HUẾ , ý thức “ xuất giá tòng phu “ , “ phu xướng phụ tùy “ đã ăn sâu vào tiềm thức như một định luật toán học bất di bất dịch trong cuộc sống .

Tôi lớn lên trong chiếc nôi gia đình HUẾ như vậy đó . Mẹ tôi là người ảnh hưởng Nho giáo , nên ý thức TAM TÒNG TỨ ĐỨC được bà áp dụng triệt để trong cuộc sống . Từ khi xuất giá , bà đã toàn tâm toàn ý lo cho chồng và gia đình nhà chồng . Trong gia đình , tôi chẳng khi nào thấy cha mẹ to tiếng với nhau . Ba tôi ảnh hưởng Tây học , đi xuất ngoại châu ÂU nhiều lần , nên cách đối xử không hoàn toàn gia trưởng , nhưng mẹ tôi là một phụ nữ HUẾ , nên ý thức hệ “ Tòng phu “ được mẹ tôi thể hiện rất vẹn toàn . Bà thương chồng , thương con , lo lắng mọi việc trong gia đình chu đáo , nhưng tất cả mọi quyết định trong nhà đều phải thông qua ý kiến của ba tôi , và tiếng nói của ông là quyết định sau cùng cho mọi việc .

Tôi là con gái đầu lòng . Ba tôi là người rất hiếu học , nên tất cả chị em chúng tôi đều phải học , và phải học thật giỏi . Chúng tôi có lỗi gì trong học tập là đều bị ba tôi nghiêm khắc phạt đòn roi . Mẹ tôi tuy rất thương chúng tôi nhưng chưa lần nào dám can thiệp .

Những khi trái gió trở trời , ba tôi bệnh là tôi lại thấy mẹ tôi toàn tâm toàn ý săn sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ . Còn trái lại , khi mẹ bệnh là cố gắng chịu đựng , không một lời than thở , vì sợ ảnh hưởng đến công việc của chồng .

Cho đến một ngày ……. Căn bệnh nan y ác tính đến với mẹ tôi nhanh như bão táp , quật ngã bà chỉ trong vòng nửa tháng . Những ngày cuối cuộc đời , trước khi đi vào hôn mê sâu , bà luôn trăng trối dặn dò tôi nhiều điều . Điều bà lo lắng nhất không phải là cuộc sống của chị em chúng tôi , vì tất cả anh chị em chúng tôi đều may mắn thành danh và thành nhân , mà là lo cho ba tôi cô đơn chiếc bóng , không ai chăm sóc khi bà đã khuất núi . Tôi phải hứa với mẹ tôi rằng , tôi sẽ thay mẹ chăm sóc ba chu đáo , mẹ tôi mới yên lòng nhắm mắt .

Ảnh hưởng từ cuộc sống êm đềm của cha mẹ , tôi lớn lên , được ăn học như bao thiếu nữ khác .

Ý thức Tam Tòng cũng ăn sâu trong ý thức hệ của tôi . Tôi răm rắp nghe lời ba , chọn ngành Y Khoa , vì ba tôi ước ao có con gái làm Bác sĩ , mặc dù ước mơ của tôi là học Luật và trở thành một Luật sư tài giỏi . Tôi chọn ngành học theo ý muốn của cha như một định mệnh của cuộc sống .

Rồi khi tốt nghiệp đại học , tôi lập gia đình . Cuộc sống hôn nhân không phải là hoa mộng , cũng không phải là con đường trải thảm nhung đỏ cho đôi lứa yêu nhau .

Về làm dâu xứ TRUỒI trong hoàn cảnh đất nước của buổi giao thời . Biết bao nhiêu khó khăn , nặng nhọc đè nặng lên đôi vai gầy guộc của một cô tiểu thư chỉ biết học tập đèn sách trong sự ấp ủ của bàn tay cha , của đôi vai mẹ .

Tôi ngỡ ngàng về làm dâu xứ TRUỒI , quê hương nổi tiếng của vùng THỪA THIÊN HUẾ , chè Truồi , mít Truồi , dâu Truồi …. ôi chao , biết bao nhiêu thứ làm nên một quê hương Truồi thơ mộng , nhưng cũng quá nhiều khó khăn trong cuộc sống .

Đôi vai chưa từng biết đến chiếc quang gánh như thế nào , nhưng về nhà anh , tôi phải đi cùng mẹ chồng và trên “ đôi vai gầy guộc nhỏ “ như Nhạc sĩ TRỊNH CÔNG SƠN đã viết là chiếc quang gánh , gánh theo những trái mít và những bó chè ra chợ bán . Tôi đi liêu xiêu không vững , và đau rát cả hai vai , nhưng không dám một lời than thở . Bởi những gì tôi đang gánh trên vai , đã từng theo mẹ chồng tôi suốt cả đời người , để nuôi anh ăn học , nên người hữu dụng cho xã hội ngày nay . Đôi vai mẹ cũng gánh vác giang san nhà chồng , cùng ba chồng tôi dạy dỗ , tạo nên một con người nhân cách , mà con người nhân cách ấy đã cùng tôi đi gần trọn con đường đời .

Còn tôi , chỉ gánh một đôi lần , vào những ngày chủ nhật , hay ngày nghỉ lễ , vì bình thường tôi phải làm việc ở Bệnh Viện Phú Lộc để khám và chữa bệnh cho những người Phú lộc , và dĩ nhiên trong đó cũng có những người ở Truồi , là bà con , bạn bè , gia đình của chồng tôi .

Cuộc sống hôn nhân không phải là hai người trong cuộc cùng song hành trên một con đường bằng phẳng . Có những đoạn đường thác ghềnh , khúc khuỷu , quanh co , cũng có lúc phong ba bão táp . Tôi theo gương mẹ tôi , sống với châm ngôn : “ cơm sôi bớt lửa “ . Những lúc cơm không lành , canh không ngọt , tôi chọn giải pháp im lặng . Khi tĩnh tâm suy nghĩ , nhận ra điều đúng sai , những lúc vợ chồng êm đềm bên nhau , tôi nhẹ nhàng giải thích .

Chồng tôi không thích những hình thức phù phiếm bề ngoài . Sinh nhật tôi , hay những ngày kỷ niệm quan trọng trong cuộc sống lứa đôi , anh không bao giờ tặng hoa hay tặng quà . Anh thường nói , anh đã trao cho tôi cả cuộc đời . Cứ như vậy , chúng tôi sống yên ấm trong hạnh phúc lứa đôi , càng ngày càng bền chặt .

Rồi cũng đến ngày tôi gả con gái . Xuất giá tòng phu . Con gái tôi lại theo chồng . Và người bạn đời của cháu là một người nước ngoài . Trước ngày cưới , gia đình nhà trai có trao đổi với chúng tôi về những lễ vật cần thiết phải có để họ lo cho chu toàn lễ cưới . Tôi trả lời thành thật rằng chúng tôi không đòi hỏi gì cả , mà chỉ mong muốn nhà trai làm đủ thủ tục , lễ nghi theo đúng phong tục Việt Nam . Thế là ngày cưới diễn ra trong không khí ấm áp của một lễ cưới thuần Việt . Đoàn nhà trai gần ba mươi người từ Tokyo và Hokkaido bay qua , bưng đầy đủ các mâm lễ vật để xin rước dâu theo phong tục Việt Nam . Lúc dặn dò con gái trong khi hành lễ , tôi đã rất xúc động : “ Mẹ nuôi dạy con khôn lớn , cho con ăn học nên người , dạy con đủ Tam tòng tứ đức . Nay con theo chồng về xứ xa , mẹ mong muốn con sống như ba mẹ đã sống , yêu thương , kính trọng cha mẹ chồng , anh em , họ hàng nhà chồng . Con phải yêu thương chồng , kề vai sát cánh bên nhau cho đến cuối cuộc đời , dù rằng trong cuộc sống có thể sẽ gặp nhiều khó khăn ….. “ Tôi nhận thấy ánh mắt đồng cảm và thán phục của gia đình họ nhà trai . Họ như nuốt những lời tôi dặn dò con gái , khi người phiên dịch nói hết những gì tôi nhắn nhủ con gái trong ngày trọng đại nhất cuộc đời .

Và cứ như vậy , tôi mong muốn sống trọn đời với người mình đã chọn và trao gửi , cũng như mong con gái mình hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân , dù ở thế kỷ 21 này , nam nữ đã nâng lên tầm bình đẳng , nhưng trong sâu thẳm của trái tim , tôi vẫn biết rằng , cuộc sống lứa đôi vẫn dựa trên nguyên tắc : Đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn .


BS Mai Băng Thanh
(viết vào tháng 6 năm 2010)

Nguồn: http://tiengsonghuong.wordpress.com/2011/02/18/tinh-nghia-v%E1%BB%A3-ch%E1%BB%93ng-qua-lang-kinh-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-hu%E1%BA%BF/

Không có nhận xét nào: