(Suy niệm nhân Ngày Truyền giáo 2011)
Thượng tuần tháng 10 năm nay, tại Ðại Thính đường Phaolô VI nội thành Vatican, Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng đã tổ chức Hội nghị với sự tham dự của hơn 8.000 người và với chủ đề “Những người mới rao giảng Tin Mừng cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng - Lời Chúa tăng trưởng và toả lan” (Cv 12,24). Cuối Hội nghị, ngày 15-10-2011, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi các tín hữu Kitô hãy để cho Lời Chúa nhào nặn cuộc sống để trở thành những người tái truyền giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay. (Bản tin Radio Vatican, Lm. G. Trần Đức Anh OP)
Cũng theo bản tin, trong phần huấn dụ của Đức Thánh Cha, danh hiệu “nhà truyền giáo mới” như một quà tặng với nhiều ý nghĩa dành cho mỗi tín hữu hôm nay. “Nhà truyền giáo mới” là người biết nói “với” Thiên Chúa, để có thể nói “về” Thiên Chúa.
Có thể có nhiều người cho rằng ý tưởng mang tính thần học này không có gì mới mẻ, nhưng với tôi, thiết nghĩ, lại rất thời sự với chúng ta hôm nay.
Không dám nói những chuyện cao xa, to lớn, tôi chỉ mượn ý tưởng nầy để đưa vào một mảng nhỏ trong công cuộc truyền giáo của giáo hội là việc tái truyền giáo trong các gia đình hôm nay.
Cha mẹ phải là người truyền giáo cho con cái. Cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên, những thầy giáo đầu tiên trong chủng viện gia đình. Nội lực của việc truyền giáo ấy không chỉ là những vốn liếng kiến thức Giáo lý mà cha mẹ đã học được mà còn là chính đời sống kết hiệp với Chúa Giêsu.
“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 14,5).
Đời sống kết hiệp với Chúa Giêsu được thể hiện ngay trong đời sống 3 nhân đức Tin, Cậy, Mến: yêu mến Chúa, tin tưởng và ký thác đường đời cho Chúa. Cả 3 nhân đức phải được bắt đầu và tiến đến chỗ hoàn hảo ngay trong các gia đình. Cha Mẹ không thể dạy cho con chỉ bằng lời, mà còn phải bằng cả đời sống gương sáng đạo đức.
Đừng trách con cái thời nay ít vốn liếng giáo lý, ít đọc kinh cầu nguyện, không siêng năng xưng tội rước lễ, thờ ơ với việc giữ đạo, vô cảm trước những buồn vui nhân thế, sống buông tuồng như không có đời sau… nhưng các cha mẹ hãy nhìn lại chính đời sống đức Tin, Cậy, Mến của mình để thấy rằng: quả thực, chúng ta chỉ sinh con ra, lo cho có cái ăn cái mặc, cái chữ, mà chúng ta chưa chu toàn trách nhiệm truyền giáo cho con cái.
Nếu Thánh Don Bosco cùng anh em Salêdiêng tha thiết nguyện xin: “Xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác, xin Ngài lấy đi”, thì cũng đến một lúc mà người làm cha mẹ không còn tha thiết gì với những di sản tạm bợ mà mình để lại cho con cháu, nhưng ngược lại, rất tha thiết với tấm linh hồn con cái mà Chúa đã trao phó và luôn khát khao cho linh hồn con cái được cứu rỗi. Điều làm đau lòng cha mẹ nhất là đời sống vô đạo của con cái mình, là tín hiệu hư thân đời này mất linh hồn đời sau của con cái mình.
Ngày truyền giáo năm nay, cùng với lời huấn dụ của Đức Thánh Cha, mỗi người làm cha mẹ được tặng danh hiệu “nhà truyền giáo mới” trong một thời đại rất mới, một hoàn cảnh rất mới và có thể nói là “rất mới”, “rất khẩn cấp” đối với các gia đình tín hữu Kitô giáo Việt Nam.
- Rất mới bởi vì những luồng tư tưởng mới không Thiên Chúa, đến nỗi bất cần Thiên Chúa, và chống lại Thiên Chúa nếu có đã và đang thấm nhập tâm hồn các bạn trẻ, con cái của các gia đình.
- Rất khẩn cấp bởi chúng ta không thể trì hoãn nữa trước những âm mưu càng lúc càng rõ của satan chủ trương một lối sống vô luân thường đạo lý, vô nhân đạo, vô cảm đến mức chai đá lạnh lùng… lối sống dẫn các bạn trẻ con cái chúng ta từ chỗ mất Đức Tin, Cậy, Mến, đến chỗ mất linh hồn, mất sự sống đời sau, mất sự đoàn viên gia đình hạnh phúc vĩnh hằng trong Nước Thiên Chúa.
Thiết tưởng chúng ta, những người làm cha mẹ hôm nay, theo huấn dụ của Đức Thánh Cha, phải khẩn cấp tái truyền giáo trong gia đình bằng việc tái lập ngay một cuộc sống “với” Thiên Chúa không chỉ bằng những giờ kinh nguyện chung, những chuỗi Mân Côi chung, những việc siêng năng sốt sắng đời sống các bí tích… mà còn phải cụ thể hoá, như lời ĐTC, “để cho Lời Chúa thấm nhiễm trọn vẹn cuộc sống của họ, trong một quan hệ nồng nhiệt với Chúa, trong đời sống cầu nguyện khẩn cấp”.
Mỗi tín hữu đang là cha mẹ, chắc chắn gặp không ít khó khăn vì thái độ ươn bướng của con cái mình, nhất là những đứa con được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong mấy chục năm gần đây: một phần vì ảnh hưởng xã hội mới, phần khác vì cha mẹ ưu tiên dành cho việc kiếm cái ăn qua ngày hơn là việc giáo dục đức tin cho con cái.
Đã đến lúc, “những nhà truyền giáo mới” không ai khác hơn là chính những người làm cha mẹ: cha truyền giáo cho con, mẹ truyền giáo cho con… để thực sự có một Hội thánh thu nhỏ: một Hội thánh sống với Chúa để có thể nói về Chúa cho những gia đình khác, cho làng xóm, cho xã hội.
Các cha mẹ không thể thoái thác vì những khó khăn xã hội, nhưng hãy tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa, và nội lực của việc kết hiệp với Thiên Chúa, như lời Đức Thánh Cha khẳng định:
“Lời Chúa tiếp tục tăng trưởng và phổ biến, vì 3 lý do:
- Trước tiên, sức mạnh của Lời Chúa không lệ thuộc hoạt động và các phương tiện của chúng ta, Thiên Chúa thường giấu quyền năng của Ngài dưới những dấu hiệu yếu đuối.
- Tiếp đến, như dụ ngôn người gieo giống cho thấy, có những hạt giống rơi vào thửa đất tốt, các nhà truyền giáo mới xuất phát từ những cánh đồng tốt tiếp tục gia tăng làm cho Tin Mừng tương trưởng dồi dào, biến đổi cuộc sống của họ và tha nhân.
- Thứ ba là Tin Mừng thực sự đã được truyền đến tận bờ cõi trái đất, kể cả giữa những sự dửng dưng, bách hại và thiếu cảm thông, nhiều người ngày nay tiếp tục can đảm cởi mở tâm trí đón nhận lời mời của Chúa Kitô, gặp gỡ Chúa và trở thành môn đệ của Người”. (Bản tin Radio Vatican, Lm. G. Trần Đức Anh OP).
Lạy Chúa, nhân Ngày Truyền giáo, xin cho mỗi người làm cha mẹ biết Tin Cậy Mến nhiều hơn bằng đời sống cầu nguyện và bí tích. Xin cho Lời Chúa thấm nhuần biến đổi đời sống chúng con nên đời sống truyền giáo mới cho con cái trong thời đại mới này.
Lạy Chúa, chúng con tin tưởng vì Lời Chúa hứa: “Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin thì sẽ được” (Ga 15,7).
Amen.
20-10-2011
PM. Cao Huy Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét