Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Thánh lễ nhập đạo của An Phong Nguyễn Phước Luật


Thánh lễ ban các bí tích Khai Tâm Kitô Giáo 
được hiệp dâng tại nhà thờ Cầu Lớn, Hốc Môn, Saigon
chiều 27.10.2011







Xem Album Picasa:

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Cha Truyền Giáo Cho Con



CHA TRUYỀN GIÁO CHO CON

(Suy niệm nhân Ngày Truyền giáo 2011)

Thượng tuần tháng 10 năm nay, tại Ðại Thính đường Phaolô VI nội thành Vatican, Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng đã tổ chức Hội nghị với sự tham dự của hơn 8.000 người và với chủ đề “Những người mới rao giảng Tin Mừng cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng - Lời Chúa tăng trưởng và toả lan” (Cv 12,24). Cuối Hội nghị, ngày 15-10-2011, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi các tín hữu Kitô hãy để cho Lời Chúa nhào nặn cuộc sống để trở thành những người tái truyền giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay. (Bản tin Radio Vatican, Lm. G. Trần Đức Anh OP)
Cũng theo bản tin, trong phần huấn dụ của Đức Thánh Cha, danh hiệu “nhà truyền giáo mới” như một quà tặng với nhiều ý nghĩa dành cho mỗi tín hữu hôm nay. “Nhà truyền giáo mới” là người biết nói “với” Thiên Chúa, để có thể nói “về” Thiên Chúa.

Có thể có nhiều người cho rằng ý tưởng mang tính thần học này không có gì mới mẻ, nhưng với tôi, thiết nghĩ, lại rất thời sự với chúng ta hôm nay.
Không dám nói những chuyện cao xa, to lớn, tôi chỉ mượn ý tưởng nầy để đưa vào một mảng nhỏ trong công cuộc truyền giáo của giáo hội là việc tái truyền giáo trong các gia đình hôm nay.

Cha mẹ phải là người truyền giáo cho con cái. Cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên, những thầy giáo đầu tiên trong chủng viện gia đình. Nội lực của việc truyền giáo ấy không chỉ là những vốn liếng kiến thức Giáo lý mà cha mẹ đã học được mà còn là chính đời sống kết hiệp với Chúa Giêsu.
Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 14,5).

Đời sống kết hiệp với Chúa Giêsu được thể hiện ngay trong đời sống 3 nhân đức Tin, Cậy, Mến: yêu mến Chúa, tin tưởng và ký thác đường đời cho Chúa. Cả 3 nhân đức phải được bắt đầu và tiến đến chỗ hoàn hảo ngay trong các gia đình. Cha Mẹ không thể dạy cho con chỉ bằng lời, mà còn phải bằng cả đời sống gương sáng đạo đức.
Đừng trách con cái thời nay ít vốn liếng giáo lý, ít đọc kinh cầu nguyện, không siêng năng xưng tội rước lễ, thờ ơ với việc giữ đạo, vô cảm trước những buồn vui nhân thế, sống buông tuồng như không có đời sau… nhưng các cha mẹ hãy nhìn lại chính đời sống đức Tin, Cậy, Mến của mình để thấy rằng: quả thực, chúng ta chỉ sinh con ra, lo cho có cái ăn cái mặc, cái chữ, mà chúng ta chưa chu toàn trách nhiệm truyền giáo cho con cái.

Nếu Thánh Don Bosco cùng anh em Salêdiêng tha thiết nguyện xin: “Xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác, xin Ngài lấy đi”, thì cũng đến một lúc mà người làm cha mẹ không còn tha thiết gì với những di sản tạm bợ mà mình để lại cho con cháu, nhưng ngược lại, rất tha thiết với tấm linh hồn con cái mà Chúa đã trao phó và luôn khát khao cho linh hồn con cái được cứu rỗi. Điều làm đau lòng cha mẹ nhất là đời sống vô đạo của con cái mình, là tín hiệu hư thân đời này mất linh hồn đời sau của con cái mình.
Ngày truyền giáo năm nay, cùng với lời huấn dụ của Đức Thánh Cha, mỗi người làm cha mẹ được tặng danh hiệu “nhà truyền giáo mới” trong một thời đại rất mới, một hoàn cảnh rất mới  và có thể nói là “rất mới”, “rất khẩn cấp” đối với các gia đình tín hữu Kitô giáo Việt Nam.

- Rất mới bởi vì những luồng tư tưởng mới không Thiên Chúa, đến nỗi bất cần Thiên Chúa, và chống lại Thiên Chúa nếu có đã và đang thấm nhập tâm hồn các bạn trẻ, con cái của các gia đình.
- Rất khẩn cấp bởi chúng ta không thể trì hoãn nữa trước những âm mưu càng lúc càng rõ của satan chủ trương một lối sống vô luân thường đạo lý, vô nhân đạo, vô cảm đến mức chai đá lạnh lùng… lối sống dẫn các bạn trẻ con cái chúng ta từ chỗ mất Đức Tin, Cậy, Mến, đến chỗ mất linh hồn, mất sự sống đời sau, mất sự đoàn viên gia đình hạnh phúc vĩnh hằng trong Nước Thiên Chúa.

Thiết tưởng chúng ta, những người làm cha mẹ hôm nay, theo huấn dụ của Đức Thánh Cha, phải khẩn cấp tái truyền giáo trong gia đình bằng việc tái lập ngay một cuộc sống “với” Thiên Chúa không chỉ bằng những giờ kinh nguyện chung, những chuỗi Mân Côi chung, những việc siêng năng sốt sắng đời sống các bí tích… mà còn phải cụ thể hoá, như lời ĐTC, “để cho Lời Chúa thấm nhiễm trọn vẹn cuộc sống của họ, trong một quan hệ nồng nhiệt với Chúa, trong đời sống cầu nguyện khẩn cấp”.
Mỗi tín hữu đang là cha mẹ, chắc chắn gặp không ít khó khăn vì thái độ ươn bướng của con cái mình, nhất là những đứa con được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong mấy chục năm gần đây: một phần vì ảnh hưởng xã hội mới, phần khác vì cha mẹ ưu tiên dành cho việc kiếm cái ăn qua ngày hơn là việc giáo dục đức tin cho con cái.

Đã đến lúc, “những nhà truyền giáo mới” không ai khác hơn là chính những người làm cha mẹ: cha truyền giáo cho con, mẹ truyền giáo cho con… để thực sự có một Hội thánh thu nhỏ: một Hội thánh sống với Chúa để có thể nói về Chúa cho những gia đình khác, cho làng xóm, cho xã hội.
Các cha mẹ không thể thoái thác vì những khó khăn xã hội, nhưng hãy tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa, và nội lực của việc kết hiệp với Thiên Chúa, như lời Đức Thánh Cha khẳng định:

“Lời Chúa tiếp tục tăng trưởng và phổ biến, vì 3 lý do:
- Trước tiên, sức mạnh của Lời Chúa không lệ thuộc hoạt động và các phương tiện của chúng ta, Thiên Chúa thường giấu quyền năng của Ngài dưới những dấu hiệu yếu đuối.

- Tiếp đến, như dụ ngôn người gieo giống cho thấy, có những hạt giống rơi vào thửa đất tốt, các nhà truyền giáo mới xuất phát từ những cánh đồng tốt tiếp tục gia tăng làm cho Tin Mừng tương trưởng dồi dào, biến đổi cuộc sống của họ và tha nhân.
- Thứ ba là Tin Mừng thực sự đã được truyền đến tận bờ cõi trái đất, kể cả giữa những sự dửng dưng, bách hại và thiếu cảm thông, nhiều người ngày nay tiếp tục can đảm cởi mở tâm trí đón nhận lời mời của Chúa Kitô, gặp gỡ Chúa và trở thành môn đệ của Người”. (Bản tin Radio Vatican, Lm. G. Trần Đức Anh OP).

Lạy Chúa, nhân Ngày Truyền giáo, xin cho mỗi người làm cha mẹ biết Tin Cậy Mến nhiều hơn bằng đời sống cầu nguyện và bí tích. Xin cho Lời Chúa thấm nhuần biến đổi đời sống chúng con nên đời sống truyền giáo mới cho con cái trong thời đại mới này.
Lạy Chúa, chúng con tin tưởng vì Lời Chúa hứa: Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin thì sẽ được” (Ga 15,7). 

Amen.
20-10-2011
PM. Cao Huy Hoàng

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Nhân tính!

Tuần Việt Nam – Thứ sáu, ngày 21 tháng mười năm 2011
LTS: Thưa quý bạn đọc VietNamNet. Bắt đầu từ hôm nay, Tuần Việt Nam ra mắt chuyên mục mới: Phát ngôn Tuần Việt Nam.Mỗi tuần chúng tôi sẽ chọn một sự kiện nổi bật trong tuần và bình luận qua góc nhìn của nhà báo Kỳ Duyên. Mong quý bạn đọc gần xa ủng hộ và góp ý để chuyên mục ngày càng có chất lượng hơn.
>> TQ: Bé 2 tuổi chết oan vì sự thờ ơ của đồng loại
Tại Hải Phòng, vừa có hai vụ việc được báo điện tử VnMedia và VietNamNet đưa tin (ngày 18/10 và 20/10) mà khi đọc xong, người đọc thấy kinh hoàng, chỉ có thể thốt nên hai từ: Thú dữ và thú tính!
Vụ thứ nhất: Cháu bé Bùi Xuân Thuận (11 tuổi, học sinh lớp 5A - Trường Tiểu học Đồng Thái) bị cha là Bùi Xuân Phong đánh đập dã man nhiều lần. "Đỉnh cao" của năng lực kẻ gọi là cha này- là bắt con ăn... phân người.
Vụ việc chỉ bị phát hiện vào ngày 11/10 mới đây khi cô giáo chủ nhiệm của Thuận phát hiện ra những vết thương nặng trên tay em nên đã tìm hiểu sự việc và cùng với bà nội của bé đến báo công an xã. Từ đây, tài năng dạy con của Bùi Xuân Phong mới được đưa ra ánh sáng.
Thực ra, từ lâu nỗi bất hạnh của bé Thuận đã được làng xóm và gia đình Phong, ở đây là mẹ ruột hắn- tức bà nội bé biết đến.
Mồ côi mẹ từ lúc lên 6, cùng đứa em trai mới 8 tháng tuổi, tuổi thơ của Thuận, thay cho sự được yêu thương chăm sóc là liên miên được cha cho... ăn đòn, bất kể lý do gì. Kể cả khi được bà nội vì quá thương cháu côi cút, đón về nuôi.
Ngón đòn quen thuộc và ưa thích của Phong là "bắt con trai trần truồng, dùng dây điện có lõi bằng đồng, chập hai, chập ba làm hung khí thẳng tay quật vào người con. Đến mức khắp người cháu bé chi chit những vết bầm tím, sưng tấy".
Vụ thứ hai: "Cha ruột giở trò đồi bại với con gái". Nạn nhân- cháu X, mới 10 tuổi, và gã cha đốn mạt là Bùi Ngọc Thắng, sinh 1977, ở Chợ Hàng (Quận Lê Chân). Những lúc "rượu say, Thắng thường mở phim sex ngồi xem, sau đó bắt đứa con gái thơ dại "diễn" lại những gì vừa xem với hắn".
Nhưng bất hạnh cho bé X, là vụ việc này chỉ vỡ lở khi người hàng xóm phát hiện tên Nguyễn Văn Sức, sinh 1975, ở xã Hồng Phong (huyện An Dương), cũng là bạn của Thắng, quen mui giở trò thú tính với bé X, sau khi rượu ngà ngà say tại nhà Thắng, khiến bé X kêu khóc chống lại. Vụ phát hiện đó, không phải lần đầu tiên của Sức với bé X.
Không biết người cha đốn mạt nghĩ gì khi biết rằng thằng bạn rượu cũng thường giở trò khuyển mã với đứa con gái tội nghiệp của hắn? Hay đó là tình bạn cùng hội cùng thuyền?
Nhưng hiện tượng cha cưỡng bức con gái, kinh hoàng thay trong thế giới phẳng, ở xã hội ta không hiếm.
Một gã Trần Đình Báo (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cưỡng bức con gái suốt gần hai năm trời, với lý do để gã ...khỏi bệnh hen suyễn. Một Nguyễn Văn Tài (Phú Hòa, Phú Yên) cưỡng bức đứa con gái mới 10 tuổi đầu, do có hơi men. Sự loạn luân ấy kéo dài suốt gần ba năm mới được chính mẹ bé gái phát hiện, lôi ra ánh sáng. Kinh khủng hơn nữa, một Lê Văn Đấu (Long Phú, Sóc Trăng) cưỡng bức con gái đến có thai, và còn ra tay sát hại chính con mình để bịt đầu mối.
Hiện tượng cha cưỡng bức con gái, kinh hoàng thay trong thế giới phẳng, ở xã hội ta không hiếm. Ảnh minh họa
Và đúng hôm qua, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 , VTCnews đưa tin Nguyễn Xuân Hậu (xã Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) gần hai năm liền cưỡng bức đứa con gái ruột của mình, cũng bắt nguồn từ sở thích chuyên xem phim sex. Vv...và...vv..
Người đọc, sau phút căm phẫn là nỗi cay đắng xót xa.
Báo chí xử lý những thông tin kiểu này như thế nào đây? Hay giấu biến trong bóng tối để khỏi phải nhìn thấy sự thật đắng nghét và tủi hổ đó?
Vì sao, Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, mà số phận trẻ em lại mong manh đến vậy? Những đứa trẻ nít dại khờ luôn là nạn nhân của tính thú tăm tối nhân danh...cha, chú, bác, ông, cụ.... Nhân danh người lớn, ông chủ, bà chủ.... Nhân danh thầy hiệu trưởng, thầy giáo, cô giáo, người thi hành luật... Nghĩa là toàn nhân danh con người, các bậc đạo cao đức trọng?
Vì sao hệ thống giáo dục, hệ thống của Ủy ban Bảo vệ thanh- thiếu niên- nhi đồng chạy xuống tận ngõ ngách làng quê, mà những đứa trẻ tội nghiệp chỉ được bảo vệ, hay bênh vực sau khi đã bị bạo hành, xâm hại dã man?
Khi mà dấu vết bạo hành còn in đậm trong da thịt các bé. Hay tiếng kêu khóc cầu cứu của bé gái chỉ tình cờ lọt đến tai của một người hàng xóm có lương tâm. Hoặc sự khốn khổ của đứa con gái chỉ tình cờ được người mẹ ruột phát hiện. Nỗi đau xé ruột của sinh nở và nỗi đau xé ruột của sự loạn luân ngay trong chính ngôi nhà mình.
Vết thương da thịt rồi sẽ lành. Nhưng vết thương tâm hồn hẳn đi theo các em suốt cuộc đời. Liệu các em sẽ nhìn người lớn, nhìn cuộc đời với con mắt tôn trọng, thiện chí hay sẽ nhìn với sự tổn thương, khinh bạc và đau đớn, phá phách?
Có gì đó rất bất ổn trong quan niệm giáo dục của xã hội chúng ta- một xã hội Á Đông, kiểu đèn nhà ai nấy rạng. Mà không thấy rằng, một xã hội muốn phát triển lành mạnh, cần sự lành mạnh từ môi trường giáo dục gia đình, trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Không thể một mình Bùi Xuân Phong dạy con một kiểu, cấm xã hội can thiệp.
Trong khi, chính cơ quan công quyền giải quyết vụ việc lại rất "duy tình" kiểu: " ..." (Lời của ông Bùi Xuân Lá - Trưởng công an xã Đồng Thái, An Dương)
Và để ngăn chặn hành vi Bùi Xuân Phong, bảo vệ các nạn nhân, ông Trưởng công an xã Đồng Thái trả lời: "Tình tiết ngăn chặn chúng tôi phải có chứ, nhưng bằng văn bản thôi". Thú thật, người viết bài nghĩ mãi mà không hiểu hiệu quả sự ngăn chặn một hành vi tàn bạo bằng văn bản đến mức nào?
Có gì đó rất bất ổn và bất an trong đời sống văn hóa xã hội hiện nay. Cho dù mức sống vật chất nâng cao hơn trước, nhưng nền tảng văn hóa, nền tảng đạo lý xã hội, gia đình và nhân văn lại rạn vỡ và thụt lùi. Thậm chí là băng hoại, khi phần con đang lấn át phần người.
Bùi Xuân Phong, Bùi Ngọc Thắng, Nguyễn Văn Sức, Nguyễn Xuân Hậu...những gã bố độc ác, đồi bại "dạy trẻ" theo cách của họ, cần được pháp luật "dạy lại" một cách nghiêm khắc hơn nữa, để cảnh báo, và ngăn ngừa những kẻ manh tâm, bẩn thỉu khác.
Và nếu nhìn ra xã hội, có gì đó xuyên suốt như mối quan hệ nhân- quả nhãn tiền, lo ngại và xót xa: Tham nhũng trở thành quốc nạn. Những thang bậc giá trị đạo lý đảo lộn. Sự vô cảm nhân danh đồng loại ngự trị ngang nhiên...
Thì những vụ việc bắt con ăn phân, hay lạm dụng, hãm hiếp ngay con ruột của mình, chỉ là những tiếng chuông kinh hoàng đau đớn tiếp theo những tiếng chuông dài báo động- nhân tính!
Kỳ Duyên

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Hát Xẩm - Thập Ân


Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

*

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Lũ miền Trung: 5 người chết, 10 ngàn nhà ngập

Cập nhật 17/10/2011 09:39:40 AM (GMT+7)
Tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, mưa lũ trong những ngày qua đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, hiện đã có 4 người chết, 1 người mất tích và nhiều người bị thương trong quá trình chạy lũ. Hơn 10.000 nhà dân chìm trong lũ.
Bị lũ cuốn khi đi kêu gọi dân tránh lũ

Theo thông tin mới nhất, đến sáng nay, 17/10, mưa lũ tại Quảng Bình đã làm 2 người  chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương, hơn 10.000 ngôi nhà ngập trong lũ.
Nạn nhân đầu tiên là cháu Dương Ngọc Quân (3 tuổi, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch).
Trong sáng 16/10, khi bố cháu là anh Dương Ngọc Nhàn trong lúc dẫn con đi chơi qua khu vực nước lũ, đứa bé bị trượt chân, bị chìm xuống nước. Đến chiều cùng ngày mới tìm được thi thể của cháu bé xấu số.
Huyện Bố Trạch (Quảng Bình) chìm trong mưa lũ. Ảnh Trần Văn

Một nạn nhân khác là anh Trương Thanh Tâm (SN 1983, trú thôn 4, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa). Anh Tâm là Phó trưởng thôn 4, trong lúc đi vận động, chỉ đạo bà con chuyển đồ đạc tránh lũ, khi đi qua cột điện rò rỉ đã bị điện giật chết lúc 20h ngày 16/10.
1 người mất tích là ông Hà Văn Hảo (45 tuổi, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh). Ông Hảo lúc đi chơi bị dòng nước lũ cuốn trôi, hiện chưa tìm được thi thể.
Mưa lũ cũng làm bà Trần Thị Điểm 70 tuổi, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch bị thương, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Việt Nam – Cu Ba ở Đồng Hới.
Bà Nguyễn Thị Nhung 52 tuổi xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch cũng bị thương nặng khi chạy lũ. Tại xã Tân Hóa có 1 người bị thương là ông Trần Trống 62 tuổi. Ông Trống bị gãy tay khi chuyển đồ lên gác tránh lũ
Theo  báo cáo mới nhất của Ban PCLB tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã làm hơn 10.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó, huyện Lệ Thủy có 3.000 nhà, huyện Quảng Ninh có 5.300 nhà, huyện Minh Hóa có 676 nhà, huyện Quảng Trạch 500 nhà, huyện Bố Trạch 811 nhà, huyện Tuyên Hóa có 285 nhà…
Để đảm bảo giao thông được thông suốt, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Bình huy động hơn 50 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Công ty Quản lý đường bộ 494 thành lập các tổ kiểm soát phân luồng và hướng dẫn giao thông tại các điểm bị ngập lụt, đồng thời  bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên 24/24 giờ.
TT-Huế: Gần 4.000 ngôi nhà bị ngập trong lũ
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế phát đi lúc 7h ngày 17/10: mực nước tại các trạm trên các triền sông đang lên rất nhanh, công Hương tại Kim Long đạt 2,44m trên mức báo động II; sông Bồ tại Phú Ốc 4,54m vượt mức báo động III; sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,98m vượt mức báo động III gần 1m.
Lũ các triền sông tại Thừa Thiên – Huế đang lên nhanh. Ảnh: Đ.K

Các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn đã qua tràn từ 1,5 – 2,4 m. Trong đó, hồ thủy điện Hương Điền vận hành hai van xã lũ về hạ du lưu lượng 729m/s. 
Kể từ 8g, 17/10, hồ thủy điện này tiếp tục diến hành mở ba cửa van khống chế lưu lượng xả lũ bình quân 1.030m3/s.
Nước lũ tràn về sông Như Ý. Ảnh: Đ.K
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có 1 người bị thương do lũ. Đó là bà Nguyễn Thị Sớm, 56 tuổi, xã Phong Thu, huyện Phong Điền bị té ngã gãy xương bả vai khi đang vận chuyển tài sản di dời trong lũ.
Tình đến sáng nay, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có 3.946 ngôi nhà bị ngập trong lũ. Trong đó, huyện Phong Điền có 1.240 nhà, Hương Trà: 850, Quảng Điền 756 nhà và TP Huế có 1.100 nhà.
Mưa với cường độ lớn,đặc biệt ở khu vực đồng bằng đã gây ngập úng cục bộ hầu hết các tuyến đường từ 0,1 – 0,3m, tập trung ở các đường nội thành thành phố Huế.
Các đường liên xã dọc triền sông Ô Lâu như: Phong Chương, Phong Bình, huyện Phong Điền ngập 0,4 -,05m.
Các đường liên xã dọc triền sông Bồ thuộc hai huyện Quảng Điền và Hương Trà ngập sâu từ 0,5-0,7 m khiến cho việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.


Mưa rất to khiến cho các tuyến đường tại TP Huế ngập sâu. Ảnh: Đ.K.

Các tỉnh lộ đi các huyện ngập từ 0,3 đến 1 mét. Đường sắt Bắc  - Nam tại km 656+ 400 đến 657+100 Mỹ Chánh – Phò Trạch bị ngập 0,5m, hiện đang cấm tàu không lưu thông. Tại Ga Huế, hai đoàn tàu SE2 và SE4 với tổng số 491 hành khách đang kẹt tại ga.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tổ chức di dời 507 hộ dân với 1.036 hộ đến nơi an toàn. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tích cực chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với tình hình lũ lụt diễn biến hết sức phức tạp.
Quảng Trị: 2 người chết, ngập lụt trên diện rộng
Mưa lũ tại Quảng Trị trong những ngày qua cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều địa phương. Đã có 2 người dân bị lũ cuốn trôi tại Tân Lập và Hướng Phùng thuộc huyện Hướng Hóa.
Trong sáng 16/10, người dân sinh sống trên tuyến đường Nguyễn Du (TP Đông Hà) đã cứu nạn an toàn cho chiếc Taxi bị nước lũ cuốn trôi gần 200 mét.
 
Quốc lộ 12A, đoạn qua xã Hồng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) bị sạt lở, phải huy động máy xúc dọn đường. Ảnh Trần Văn

Nguyên nhân được xác định là do tài xế chủ quan, cố tình băng qua dòng nước xiết.
Ông Lê Chí Công, Phó Chánh Văn phòng Ban BCH PCLB và TKCN tỉnh cho biết, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị hiện đã ngập sâu trong nước như: Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông…
Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì Thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà là hai địa phương ngập nặng nhất do nằm gần sông Thạch Hãn và sông Hiếu.
Tại huyện Hải Lăng, mưa lớn đã chia cắt tuyến đường đi các xã Hải Thành, Hải Thiện, Hải Thọ, trong khi đó tại xã Hải Lâm rất nhiều người dân đã tổ chức sơ tán vì mực nước đã lên đến gần 2 mét.
Tại huyện Đakrông, mưa lớn đã làm ngập cầu tràn chia cắt đường vào hai xã Ba Lòng và Hải Phúc. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đakrông nối với xã Hồng Thủy huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) tiếp tục sạt lở tà-luy do mưa lớn.
Đi hái cà phê, một phụ nữ bị lũ cuốn trôi
Một người phụ nữ trong lúc hái cà phê thuê, đi qua khe suối gặp nước lũ về cuốn trôi mất tích.

Theo những người cùng đi hái với nạn nhân cho biết, vào khoảng 10 giờ ngày 16/10/2011, chị Nguyễn Thị Hương 40 tuổi quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, trú tại thôn Cợp xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) trong lúc đi hái cà phê cho một trang trại trên địa bàn, khi cả nhóm người làm qua suối gặp nước lũ tràn về, chảy xiết nên chị Hương cuốn trôi mất tích.
Những người cùng làm việc với chị Hương đã đi dọc suối để tìm kiếm nhưng do nước lũ quá cao, chảy mạnh nên mãi đến 14 giờ cùng ngày các lực lượng chức năng xã Hướng Phùng và gia đình đã tìm thấy thi thể của chị cách đó không xa.
Chị Hương có hoàn cảnh khó khăn, thường đi làm thuê cho các hộ dân trong vùng.
Ngay sau khi phát hiện, lãnh đạo huyện Hướng Hóa đã đến động viên và trao số tiền 5 triệu đồng cho gia đình nạn nhân xấu số.

Sê Pôn

Duy Tuấn - Đăng Khoa - Trần Văn

Nguồn: http://www.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/43932/lu-mien-trung--5-nguoi-chet--10-ngan-nha-ngap.html