SGTT – 16:40 Thứ ba, ngày 22 tháng ba năm 2011
SGTT.VN - Theo TS Lê Huy Y (Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch), chưa nên kết luận về sự nguy hiểm hay không của hiện tượng này.
Theo ông Lê Ngọc Thạch, phó giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, ban đầu từ một ụ bùn nhỏ trào lên, đến nay đã có 5 điểm bùn phun trào phân bố trên khu vực khoảng 2.000 m2 .
Điểm phun trào lớn nhất đường kính 2 m, nhỏ nhất khoảng 1 m, chủ yếu nằm trên ruộng lúa của người dân thuộc thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Xung quanh các điểm phun trào, đất có hiện tượng nhão, sụt lún tạo thành các hố.
Bùn phun lên có màu xám tro, không có mùi gì đặc biệt, nhiệt độ bình thường.
Hiện tượng những ụ đất này đang có hiện tượng lan rộng.
Dựa vào kinh nghiệm thực địa ở Ninh Thuận và nhiều nơi trong nước, chúng tôi xin giải thích địa chất hiện tượng đặc biệt này ở Ninh Thuận như sau: thứ nhất, bùn nhão là sản phẩm phong hóa tại chỗ của dung nham núi lửa cổ ( trẻ hơn mọi đá vây quanh) trong điều kiện giàu nước ngầm.
Thành phần của khối bùn này là sét – kaolin chứa cát, dăm, cuội nhiều thành phần. Phân tích mẫu đãi sẽ gặp nhiều khoáng vật sắt, titan, khoáng vật nặng, sulfua đa kim, v.v.
Nham thạch này lấp đầy khe nứt, đới dập vỡ của đứt gẫy sâu. Bản thân khu vực này phải là nơi giao điểm của nhiều đứt gẫy và đã bị núi lửa phun lên lấp đầy.
Thứ hai, nguồn gốc của bùn nhão (dăm cuội dung nham núi lửa bị phong hóa tại chỗ trong môi trường giàu nước) là các tia mạch của một khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ.
Trước đây khối này đã phun trào núi lửa ở Lợi Hải và nhiều nơi khác (Tác giả đã quan sát thấy nham thạch của chúng ở Nam xã Phước Dinh, Phước Dân, Ninh Sơn, Bác Ái).
Hiện nay có thể do sự tái hoạt động, các khối này cựa mình dẫn đến việc các vật chất (khí, nước rồi có thể sẽ đến dung nham) đẩy lớp bùn trên lên mặt đất.
Nếu may mắn hơn, hiện tượng này có thể chỉ do các mảng nham thạch bên vách các đứt gẫy chứa đầy bùn nêu trên, dưới tác động của các rung động nhẹ trong lòng đất, bị rụng xuống, chúng đã, đang và sẽ đẩy bùn trào lên mặt đất.
Do đó, người viết bài này cho rằng, nên tổ chức nghiên cứu toàn diện và lâu dài khu vực độc nhất này của Việt Nam bằng các phương pháp địa chất ( xác định mọi đứt gẫy có trong khu vực, phân tích toàn diện hóa và trọng sa), địa vật lý (đo từ chính xác cao, trọng lực và xạ mặt đất), theo dõi địa chấn tại chỗ và địa nhiệt.
Theo chúng tôi, chưa nên kết luận về sự nguy hiểm hay không của hiện tượng này, vì nó xảy ra không xa địa điểm sẽ xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam ở xã Phước Dinh.
TS Lê Huy Y
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét