VietCatholic News (07 Mar 2011 19:07)
Thứ Tư Lễ Tro: Nỗi chết khôn nguôi và niềm vui sống
Năm nào cũng như năm ấy, cứ đến ngày Thứ Tư Lễ Tro, là không ai bảo ai, chẳng ai quan tâm là lễ buộc hay không, nhà thờ nào cũng đầy người là người, hết vòng trong lại đến vòng ngoài. Thật là sốt sắng đạo đức quá sức. Giáo dân còn chịu khó ‘tử thủ’ đến giây phút cuối cùng--điều ngày càng hiếm thấy--để còn được ‘chịu tro,’ cứ y như thể nếu không có dấu tro trên đầu là đi lễ tro chưa…thành.
Thì ra, trong từng mỗi con người, nỗi trăn trở khôn nguôi đã thừa cơ trồi lên, từ một góc kín khuất nào đó trong đáy sâu tâm khảm, như một niềm thao thức triền miên của kiếp làm người: đó là cơn dằn vặt về nỗi chết.
Chết là một trong những đề tài muôn thuở của con người. Chết là câu hỏi miên viễn từ bao đời nay. Chết là một trong những đề tài lớn nhất của suy tư triết học, tôn giáo, văn học, thi ca, hội họa, kể cả khoa học nữa, nghĩa là cho tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt của con người. “Ngay khi bạn vừa mới sinh ra, bạn đã bị lên án tử!” Lời tuyên bố này của một triết gia nào đó, tuy nhuốm mầu yếm thế, nhưng hoàn toàn đúng. Lý do đơn giản là đã có sinh, thì tất phải có tử. Như vậy, xét cho cùng, triết gia này chỉ nói lên một sự thật, dù là một sự thật “làm tan nát lòng nhau.” Diogène, một triết gia khác, tuyên bố khẳng khái rằng: “Tại sao bạn lại sợ chết? Chết chẳng có gì đáng sợ cả. Này nhé: khi bạn còn sống, thì chết chưa tới, nó làm gì được bạn? Còn khi nó đến rồi, thì bạn có còn sống nữa đâu để mà sợ nó?” Xem ra sư tổ gàn này nói cũng thật có lý. Dù bi quan yếm thế hay dửng dưng phớt tỉnh, hoặc lạc quan đến mấy, chết vẫn mãi mãi là một sự thật phũ phàng cho kiếp làm người. Chết lúc nào cũng gây choáng váng. Đứng trước cái chết, nhất là cái chết của một người thân, dẫu có chuẩn bị đến mấy chăng nữa, ta vẫn thấy như cả bầu trời đang sập xuống.
Không dưng hình ảnh chuyến xe đò liên tỉnh trở về trong tâm trí tôi. Đời sống quả y hết như một chuyến xe chỉ bán vé một chiều. Tới trạm của ai là người ấy xuống, có khi nhiều người một lúc, có khi ít người. Thành ra đừng đi xe mà quên…xuống. Mà cho dù có vô tình hay cố ý quên chăng nữa, thì khi tới trạm của mình, mình cũng phải xuống, nếu không thì người ta cũng sẽ… khiêng mình xuống, có khi vớ vẩn lại còn bị xô đẩy, quẳng hay đá xuống là khác. Nói thế không phải là ám chỉ riêng cho một số người trẻ quá vui sống và ham sống quá đến quên cả…chết, mà là cho hết mọi người. Bởi vì chết là định mệnh của kiếp nhân sinh. Phải, từ bụi tro sinh ra, con người cũng sẽ về với tro bụi. Bài hát “Cát Bụi” như vang vọng suốt cả ngày Thứ Tư Lễ Tro: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…” Chuyến xe liên tỉnh vẫn chuyển bánh đi tới, chẳng kể gì đến tôi, bởi có khác gì đâu lúc tôi chưa vẫy tay đón xe, và cũng chẳng thay đổi gì khi tôi đã bước xuống trạm.
Có một điều nghịch lý là càng ý thức về sự chết, thì hình như ta càng dễ vui sống. Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục lừng danh của giới trẻ, đã dậy cho các học sinh của ngài một thói quen tuyệt vời là “dọn mình chết lành” vào mỗi chiều thứ Tư đầu tháng. (Xin mở ngoặc ở đây: ngày thứ Tư hàng tuần thường được dành kính nhớ thánh cả Giuse là quan thầy của những kẻ ‘rình sinh thì,’ tức là những người ‘sắp xuống trạm’). Trong buổi dọn mình chết lành chiều hôm ấy, tất cả mọi học sinh đều phải làm y như là sáng hôm sau mình không còn thức dậy nữa, có nghĩa là sắp xếp mọi sự cho gọn gàng tươm tất, từ bàn học cho đến nơi ăn chốn ngủ, tất cả đều phải sạch sẽ, trật tự và ngăn nắp. Điều này cũng áp dụng cho phần tâm linh: đi xưng tội và ruớc lễ cho sốt sắng để chuẩn bị ra trước toà Chúa. Buổi tĩnh tâm này kết thúc bằng việc đọc kinh “Dọn Mình Chết Lành.” Đó chính là cái bí quyết lý giải cho sự nghịch lý vừa nêu: càng muốn yêu đời, càng ham vui sống, thì càng phải ý thức sâu xa về cái chết, nhất là lúc nào cũng sẵn sàng chết. Những cái chết lành của các vị thánh thời đại, như Mẹ Têrêsa Calcutta, ĐHY Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận, và Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, … là những minh chứng hùng hồn, cứ y như là, vừa ‘xuống trạm’ một cái là các ngài đã có cả phái đoàn các thiên thần đón tiếp, rồi đưa thẳng về nhà khách Thiên Đàng nghỉ ngơi cho khỏe, chờ đợi để hôm sau còn vào tiếp kiến…Thiên Chúa. Việc cuộc sống đời này của các ngài “chuyển sang” đời sau xem ra nhẹ nhàng và suông sẻ, như chẳng hề có một gián đoạn nào. Cái chết của các ngài cứ y như là một chặng dừng chân ở một phi trường trung chuyển trong khi chờ đợi một chuyến bay tiếp nối. Vì sao thế? Bởi vì, với các ngài, cái chết đã mang một ý nghĩa tích cực được chứng minh bằng cuộc đời của Chúa Kitô, Đấng đã từng sống kiếp nhân sinh, đã kinh qua nỗi sợ hãi—trong vườn Cây Dầu—đến nỗi toát cả mồ hôi hòa lẫn với máu khi đối diện với cái chết oan khiên, tủi nhục và đớn đau tột cùng trên cây thập giá.
Không có một câu trả lời nào thỏa đáng cho cái chết nếu không nhìn nó qua cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô.
Cảm tạ Chúa đã mở mắt con nhìn thấy ý nghĩa chân thực của sự chết. Cảm tạ Hội Thánh đã lập ra ngày Thứ Tư Lễ Tro để cho đoàn chiên Chúa biết ý thức và thấu hiểu ý nghĩa của cái chết qua chính sự chết, phục sinh và lên trời của Chúa Kitô. Chỉ có thế, con cái Chúa mới có được sức mạnh để vui nhận cái chết, cho dù nỗi chết vẫn còn mang y nguyên những nét kinh hoàng, bí ẩn, và hãi hùng cố hữu của nó.
Xin cho mỗi ngày Thứ Tư Lễ Tro càng có đông thêm những người đi dự lễ. Xin cho mỗi người biết tạo thêm cho riêng mình những ngày thứ Tư Lễ Tro nữa, có thể là hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hay vài ba tháng. Bởi vì càng nhiều Thứ Tư Lễ Tro thì càng thấy đời đáng sống hơn! Và cũng chính vì thế, bạn hãy cứ thoải mái vui hưởng ngày Thứ Ba Béo, chỉ ngoại trừ trường hợp bạn e ngại ảnh hưởng đến cái vụ cao mỡ đáng ghét mà thôi.
Thứ Tư Lễ Tro 2011
Nguyễn Kim Ngân
Năm nào cũng như năm ấy, cứ đến ngày Thứ Tư Lễ Tro, là không ai bảo ai, chẳng ai quan tâm là lễ buộc hay không, nhà thờ nào cũng đầy người là người, hết vòng trong lại đến vòng ngoài. Thật là sốt sắng đạo đức quá sức. Giáo dân còn chịu khó ‘tử thủ’ đến giây phút cuối cùng--điều ngày càng hiếm thấy--để còn được ‘chịu tro,’ cứ y như thể nếu không có dấu tro trên đầu là đi lễ tro chưa…thành.
Thì ra, trong từng mỗi con người, nỗi trăn trở khôn nguôi đã thừa cơ trồi lên, từ một góc kín khuất nào đó trong đáy sâu tâm khảm, như một niềm thao thức triền miên của kiếp làm người: đó là cơn dằn vặt về nỗi chết.
Chết là một trong những đề tài muôn thuở của con người. Chết là câu hỏi miên viễn từ bao đời nay. Chết là một trong những đề tài lớn nhất của suy tư triết học, tôn giáo, văn học, thi ca, hội họa, kể cả khoa học nữa, nghĩa là cho tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt của con người. “Ngay khi bạn vừa mới sinh ra, bạn đã bị lên án tử!” Lời tuyên bố này của một triết gia nào đó, tuy nhuốm mầu yếm thế, nhưng hoàn toàn đúng. Lý do đơn giản là đã có sinh, thì tất phải có tử. Như vậy, xét cho cùng, triết gia này chỉ nói lên một sự thật, dù là một sự thật “làm tan nát lòng nhau.” Diogène, một triết gia khác, tuyên bố khẳng khái rằng: “Tại sao bạn lại sợ chết? Chết chẳng có gì đáng sợ cả. Này nhé: khi bạn còn sống, thì chết chưa tới, nó làm gì được bạn? Còn khi nó đến rồi, thì bạn có còn sống nữa đâu để mà sợ nó?” Xem ra sư tổ gàn này nói cũng thật có lý. Dù bi quan yếm thế hay dửng dưng phớt tỉnh, hoặc lạc quan đến mấy, chết vẫn mãi mãi là một sự thật phũ phàng cho kiếp làm người. Chết lúc nào cũng gây choáng váng. Đứng trước cái chết, nhất là cái chết của một người thân, dẫu có chuẩn bị đến mấy chăng nữa, ta vẫn thấy như cả bầu trời đang sập xuống.
Không dưng hình ảnh chuyến xe đò liên tỉnh trở về trong tâm trí tôi. Đời sống quả y hết như một chuyến xe chỉ bán vé một chiều. Tới trạm của ai là người ấy xuống, có khi nhiều người một lúc, có khi ít người. Thành ra đừng đi xe mà quên…xuống. Mà cho dù có vô tình hay cố ý quên chăng nữa, thì khi tới trạm của mình, mình cũng phải xuống, nếu không thì người ta cũng sẽ… khiêng mình xuống, có khi vớ vẩn lại còn bị xô đẩy, quẳng hay đá xuống là khác. Nói thế không phải là ám chỉ riêng cho một số người trẻ quá vui sống và ham sống quá đến quên cả…chết, mà là cho hết mọi người. Bởi vì chết là định mệnh của kiếp nhân sinh. Phải, từ bụi tro sinh ra, con người cũng sẽ về với tro bụi. Bài hát “Cát Bụi” như vang vọng suốt cả ngày Thứ Tư Lễ Tro: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…” Chuyến xe liên tỉnh vẫn chuyển bánh đi tới, chẳng kể gì đến tôi, bởi có khác gì đâu lúc tôi chưa vẫy tay đón xe, và cũng chẳng thay đổi gì khi tôi đã bước xuống trạm.
Có một điều nghịch lý là càng ý thức về sự chết, thì hình như ta càng dễ vui sống. Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục lừng danh của giới trẻ, đã dậy cho các học sinh của ngài một thói quen tuyệt vời là “dọn mình chết lành” vào mỗi chiều thứ Tư đầu tháng. (Xin mở ngoặc ở đây: ngày thứ Tư hàng tuần thường được dành kính nhớ thánh cả Giuse là quan thầy của những kẻ ‘rình sinh thì,’ tức là những người ‘sắp xuống trạm’). Trong buổi dọn mình chết lành chiều hôm ấy, tất cả mọi học sinh đều phải làm y như là sáng hôm sau mình không còn thức dậy nữa, có nghĩa là sắp xếp mọi sự cho gọn gàng tươm tất, từ bàn học cho đến nơi ăn chốn ngủ, tất cả đều phải sạch sẽ, trật tự và ngăn nắp. Điều này cũng áp dụng cho phần tâm linh: đi xưng tội và ruớc lễ cho sốt sắng để chuẩn bị ra trước toà Chúa. Buổi tĩnh tâm này kết thúc bằng việc đọc kinh “Dọn Mình Chết Lành.” Đó chính là cái bí quyết lý giải cho sự nghịch lý vừa nêu: càng muốn yêu đời, càng ham vui sống, thì càng phải ý thức sâu xa về cái chết, nhất là lúc nào cũng sẵn sàng chết. Những cái chết lành của các vị thánh thời đại, như Mẹ Têrêsa Calcutta, ĐHY Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận, và Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, … là những minh chứng hùng hồn, cứ y như là, vừa ‘xuống trạm’ một cái là các ngài đã có cả phái đoàn các thiên thần đón tiếp, rồi đưa thẳng về nhà khách Thiên Đàng nghỉ ngơi cho khỏe, chờ đợi để hôm sau còn vào tiếp kiến…Thiên Chúa. Việc cuộc sống đời này của các ngài “chuyển sang” đời sau xem ra nhẹ nhàng và suông sẻ, như chẳng hề có một gián đoạn nào. Cái chết của các ngài cứ y như là một chặng dừng chân ở một phi trường trung chuyển trong khi chờ đợi một chuyến bay tiếp nối. Vì sao thế? Bởi vì, với các ngài, cái chết đã mang một ý nghĩa tích cực được chứng minh bằng cuộc đời của Chúa Kitô, Đấng đã từng sống kiếp nhân sinh, đã kinh qua nỗi sợ hãi—trong vườn Cây Dầu—đến nỗi toát cả mồ hôi hòa lẫn với máu khi đối diện với cái chết oan khiên, tủi nhục và đớn đau tột cùng trên cây thập giá.
Không có một câu trả lời nào thỏa đáng cho cái chết nếu không nhìn nó qua cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô.
Cảm tạ Chúa đã mở mắt con nhìn thấy ý nghĩa chân thực của sự chết. Cảm tạ Hội Thánh đã lập ra ngày Thứ Tư Lễ Tro để cho đoàn chiên Chúa biết ý thức và thấu hiểu ý nghĩa của cái chết qua chính sự chết, phục sinh và lên trời của Chúa Kitô. Chỉ có thế, con cái Chúa mới có được sức mạnh để vui nhận cái chết, cho dù nỗi chết vẫn còn mang y nguyên những nét kinh hoàng, bí ẩn, và hãi hùng cố hữu của nó.
Xin cho mỗi ngày Thứ Tư Lễ Tro càng có đông thêm những người đi dự lễ. Xin cho mỗi người biết tạo thêm cho riêng mình những ngày thứ Tư Lễ Tro nữa, có thể là hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hay vài ba tháng. Bởi vì càng nhiều Thứ Tư Lễ Tro thì càng thấy đời đáng sống hơn! Và cũng chính vì thế, bạn hãy cứ thoải mái vui hưởng ngày Thứ Ba Béo, chỉ ngoại trừ trường hợp bạn e ngại ảnh hưởng đến cái vụ cao mỡ đáng ghét mà thôi.
Thứ Tư Lễ Tro 2011
Nguyễn Kim Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét