Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Đi Tìm Một ý Nghĩa Cho Mùa Vọng

Chúng ta thường nghe nói: Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Giáo Hội cũng khởi đầu chu kỳ Phụng Vụ của mình bằng 4 tuần lễ Mùa Vọng. Nhưng Chúa đã đến rồi, thì chúng ta còn mong đợi cái gì? Và 4 tuần lễ Mùa Vọng đối với chúng ta có ý nghĩa gì???

Thật ra việc Giáo Hội đưa vào sinh hoạt tâm linh của con cái mình hình ảnh và các nghi thức phụng vụ của 4 tuần lễ Mùa Vọng, là muốn nhắc nhở cho mỗi Kitô hữu 4 lần mà Chúa đã, đang và sẽ đến trong cuộc đời của mình. Mùa Vọng, do đó, chỉ mang tính cách nhắc nhở và chuẩn bị để mỗi người có thể sẵn sàng mà không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào khi được Chúa đến viếng thăm. Và đó cũng là lý do tại sao trong Tin Mừng của Mátthêu khởi đầu Mùa Vọng thuộc chu kỳ Phụng Vụ năm A, đã nhắc lại biến cố Noel, con tầu Noel, nhất là lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Các ngươi hãy coi chừng vì lúc các ngươi không ngờ thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24:44)

1. Chúa đến với nhân loại qua biến cố Nhập Thể và Giáng Trần:

Ðây là biến cố rất trọng đại của Mầu Nhiệm Cứu Ðộ. Lời than van, những tiếng khóc than và nỗi niềm mong đợi của các Tổ Phụ xưa đã được Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả. Lời hứa Cứu Ðộ ở Vườn Diệu Quang năm xưa khi Tổ Phụ phạm tội đã được thực hiện. Chúa Cha sai Con mình xuống thế qua hình hài một trẻ thơ, và hạ sinh làm kiếp con người. Hơn 2000 năm, tại đồng quê Belem, Ngài đã đến với nhân loại và đã đến với con người: “Vinh danh Chúa cả trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2:14).

Trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân, chúng ta vẫn hằng ngày, hằng giờ, hằng phút và hằng giây cảm nghiệm được giá trị của lần Ngài đến này. Bởi vì, nếu không có lần xuất hiện này, thân phận lưu đầy của con người sẽ còn mãi mãi bị khống chế bởi tội lỗi. Kiếp người không thể được nâng cao và trả lại giá trị đích thực của nó. Nhưng bằng chính 33 năm trần thế của Con Thiên Chúa chúng ta đã được phục hồi giá trị và được sống như một con người tự do của Thiên Chúa. Vì mục đích Chúa đến lần này là mang Ơn Cứu Chuộc đến cho nhân loại.

Nhưng ngoài Mẹ Maria, Thánh Giuse, Gioan, Isave, một ít mục đồng, Ba Nhà Ðạo Sỹ, Simêon, Anna, và sau này có 12 Tông Ðồ và ít môn đệ nhận ra, còn lại không ai biết đến Ngài. Coi như lần đến này, Ngài rất âm thầm, chỉ trừ cái chết trên thập giá là hơn gây xôn xao, ồn ào.

2. Chúa đến với mỗi người qua các Bí Tích:

Nhưng vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc Ngài hiện hữu và xuất hiện bao trùm toàn thời gian, và không gian. Thế nên, việc Ngài đến hôm qua, hôm nay hay ngày mai vẫn chỉ là một. Do đó, đối với người Kitô hữu thì Ngài đang đến với chúng ta mọi ngày, qua mọi biến cố cuộc đời. Nhất là Ngài đến với chúng ta qua các Bí Tích.

Qua Bí tích Rửa Tội, Ngài đến thăm viếng từng người, đón nhận họ vào gia đình Thiên Chúa. Tha cho tội Nguyên Tổ, khôi phục lại quyền làm con Thiên Chúa. Ngài còn chia phần tiên tri, vương giả, và tư tế để cuộc sống mỗi Kitô hữu trọn vẹn tham dự vào mầu nhiệm Nhập Thể, Cứu Ðộ, và Phục Sinh của Ngài.

Với Bí Tích Thêm Sức, Ngài tăng thêm sức mạnh, thông ban Thần Trí, và chuẩn bị cho mỗi người để sẵn sàng tiến vào với môi trường sống, ơn gọi riêng tư để làm chứng nhân cho Ngài, và cho Tin Mừng Cứu Ðộ.

Trong cuộc đời trần thế và trên mọi ngả đường đời, không chỉ thân xác mà còn linh hồn chúng ta cũng bị đói lả, bị thương tật, và yếu đuối vì thế Ngài lại nuôi dưỡng chúng ta bằng Bí Tích Mình Máu Ngài, bằng sự tha thứ và hòa giải như người cha sẵn sàng ôm choàng đứa con yếu đuối mà biết hối lỗi qua Bí Tích Hòa Giải.

Rồi khi đã bước vào đời, bằng ơn gọi riêng của mỗi người, Chúa đã đến để chúc phúc và xác nhận con đường mà mỗi người đã được kêu mời và lựa chọn qua Bí Tích Truyền Chức hay Bí Tích Hôn Phối.

Và sau cùng, trước khi từ giã cõi đời, Ngài lại đến với mỗi người qua Bí Tích Xức Dầu hầu làm tăng thêm nghị lực, củng cố niềm tin, và chuẩn bị cho chúng ta gặp Ngài qua ngưỡng cửa sự chết.

3. Chúa đến với mỗi người trong ngày chết:

Nếu ngày Ngài đến trong đêm đông hưu quạnh tại đồng quê Belem ta không hay biết. Hoặc như nếu vì lơ là mà chúng ta không đón tiếp Ngài cách tử tế, lịch sự và tôn trọng quan những Bí Tích chúng ta đón nhận mỗi ngày, thì lần đến này là lần xuất hiện không mấy niềm nở, tốt đẹp cho nhiều người, và có thể là ngay cả đối với chính chúng ta nữa. Ðiều đặc biệt ở đây là lần đến này Ngài xuất hiện như kẻ trộm. Có nghĩa là đến bất ngờ. Ðến mà không ai biết trước. Và đây là lần đến mà mọi Kitôi hữu đạo hạnh cần phải sửa soạn.

Nếu việc đón chờ ngày kỷ niệm Ngài đến là một thời điểm nhắc nhở quan trọng. Và nếu việc đón nhận các Bí Tích thường ngày là việc ôn tập và chuẩn bị, thì lần đến này Chúa Giêsu sẽ xuất hiện như một Thiên Chúa nhân từ, như người Cha yêu thương, như người anh dễ mến. Ngài sẽ đón chúng ta vào nơi mà Ngài đã dọn sẵn.

Nhưng nếu bất hạnh, vì thiếu chuẩn bị, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối diện với một Thiên Chúa công thẳng, một quan án chí công mà chúng ta không thể trực diện mà không nhận ra là mình bất xứng.

4. Chúa đến với nhân loại trong ngày thế mạt:

Sau cùng, Chúa đến lần này là lần cuối, và là lần làm sáng tỏ mọi ý nghĩa của những lần Ngài đã đến trước đó. Nếu nói là quan trọng thì không quan trọng bằng lần Ngài đến qua cái chết riêng tư của mỗi người. Nhưng cần thiết vì lần đến này, Ngài làm nổi bật những khuôn mặt bạn hữu đã từng đón nhận và đón chờ Ngài.

Ðất trời đã đổi mùa. Ngoài kia tuyết bắt đầu rơi, và trong nhà đã phải mở sưởi. Quanh đây tiếng nhạc Giáng Sinh đang vang vọng thánh thót. Tại các khu buôn bán, những món hàng chuẩn bị cho Noel đã được bày bán. Bầu khí Noel đang về, và người ta sẽ phải tốn hằng tỷ Mỹ kim cho những chuẩn bị quà cáp.

Nhưng có mấy ái biết chuẩn bị tâm hồn mình, và liệu Chúa Giêsu có phải sinh ra một lần nữa cô đơn, âm thầm, và nghèo hàn tại một chuồng bò hôi tanh giữa một thế giới sa hoa, lộng lẫy, thơm lừng mùi nước hoa, chan hòa ánh sáng, và ngập tràn quà cáp không?
Mùa Vọng đã đến, chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa một chỗ xứng đáng trong tâm hồn mình bằng việc suy ngắm và sống Mầu Nhiệp Nhập Thể và Giáng Trần của Ngài.

Bằng hành động chia cởm, xẻ áo cho những kẻ nghèo nàn, bần cùng và bệnh tật.

Và bằng kết hợp với Chúa trong kinh nguyện để Chúa tìm thấy nơi ta một tâm hồn biết chia sẻ và cảm thông với nỗi cô đơn, hất hủi mà người đời đang dành cho Ngài. Và rồi chúng ta sẽ được nhìn xem Ðấng Cứu Thế trong tâm hồn, trong cuộc đời, và trong đêm kỷ niệm ngày Ngài Giáng Trần.


Trần Mỹ Duyệt
Nguồn: dunglac.org

Không có nhận xét nào: