Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

ĐGH Mời Gọi Sống Mùa Vọng


Đức Giáo Hoàng mời gọi tín hữu sống Mùa Vọng
VietCatholic News (28 Nov 2010 19:42)
VATICAN -. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 28-11-2010 với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích ý nghĩa và mời gọi các tín hữu sống tinh thần Mùa Vọng trong mọi cử chỉ của đời sống thường nhật. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, Chúa nhật thứ I Mùa vọng, Giáo Hội bắt đầu năm phụng vụ mới, một hành trình mới của đức tin, một đàng chúng ta tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu Kitô, và đàng khác chúng ta hướng về sự viên mãn chung kết; Mùa vọng sống hai viễn tượng ấy, vừa hướng nhìn về cuộc giáng lâm thứ nhất của Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Đức Trinh Mữ Maria, vừa hướng nhìn về cuộc trở lại trong vinh quang của Chúa, khi Ngài đến phán xét kẻ sống và người chết, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Bây giờ tôi muốn nói sơ về về đề tài ”chờ đợi” xúc tích như thế, vì đây là một khía cạnh rất con người, trong đó có thể nói đức tin trở thành một toàn thể cùng với thân xác và tâm hồn chúng ta. Mong đợi, chờ đợi là một chiều kích xảy ra suốt trong cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội chúng ta. Sự chờ đợi thể hiện trong muôn vàn hoàn cảnh, từ những hoàn cảnh bé nhỏ tầm thường nhất cho đến những hoàn cảnh quan trọng nhất bao trùm toàn thể chúng ta một cách sâu đậm. Trong số những hoàn cảnh đó, chúng ta nghĩ đến đôi vợ chồng mong đợi một người con; sự chờ đợi một người họ hàng hoặc bạn hữu từ xa đến thăm chúng ta, hoặc chờ mong một cuộc phỏng vấn để tìm việc làm; trong những quan hệ tình cảm, chúng ta nghĩ đến sự mong đợi được gặp người mình thương yêu, chờ đợi câu trả lời một lá thư, hoặc đón nhận một sự tha thứ... Ta có thể nói rằng con người vẫn sống bao lâu họ còn mong đợi, bao lâu trong tâm hồn họ còn hy vọng. Qua sự chờ đợi, người ta chứng tỏ mình là người thế nào: tầm vóc luân lý và tinh thần của chúng ta có thể được đo lường qua những gì chúng ta chờ đợi, những gì chúng ta hy vọng.

Vì thế, đặc biệt là trong Mùa Vọng này chuẩn bị lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: về phần tôi, tôi đang chờ đợi điều gì? Trong lúc này của đời tôi, con tim tôi đang hướng về điều gì? Và câu trả hỏi này ta có thể nêu lên trên bình diện gia đình, cộng đoàn và quốc gia. Chúng ta đang cùng nhau mong đợi điều gì? Điều gì liên kết những khát vọng của chúng ta, điều gì nối kết chúng với nhau? Trong thời gian trước cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, tại Israel người ta rất mong đợi Đức Messia, nghĩa là Đấng được Xức Dầu, dòng dõi của Vua Đavit, sẽ giải thoát dân khỏi mọi nô lệ luân lý và chính trị, đồng thời tái lập Nước Thiên Chúa. Nhưng không ai ngờ rằng Đức Messia lại có thể sinh từ một thiếu nữ khiêm hạ như Đức Maria, đã được đính hôn với Giuse người Công Chính. Cả Đức Maria cũng chẳng hề nghĩ điều đó, dù rằng trong tâm hồn của Trinh Nữ niềm mong chờ Đấng Cứu Thế của Người rất lớn, niềm tin và niềm hy vọng của Người nồng nhiệt đến độ Đấng Cứu Thế có thể tìm được nơi Người một người mẹ xứng đáng. Vả lại, chính Thiên Chúa đã chuẩn bị Mẹ từ thủa đời đời. Có một sự tương ứng huyền nhiệm giữa niềm mong chờ của Thiên Chúa và của Mẹ Maria, vốn là thụ tạo đầy ơn phúc, hoàn toàn đón nhận kế hoạch tình thương của Đấng Tối Cao. Chúng ta hãy học nơi Mẹ, Người Phụ Nữ của Mùa Vọng, cách sống những cử chỉ thường nhật với một tinh thần mới mẻ, với tâm tình chờ đợi sâu xa, mà chỉ có sự giáng lâm của Thiên Chúa mới có thể làm cho được mãn nguyện.

Trong phần chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng, ĐTC đã tóm tắt ý tưởng chính của bài huấn dụ trên đây và thêm những ý nguyện đặc biệt. Chẳng hạn với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói: ”Trong những ngày này chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho việc tôn trọng sự sống đang sinh ra, xin Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, giúp chúng ta cởi mở tâm hồn đón nhận ánh sáng của Con của Mẹ, Người đến để cứu vớt toàn thể nhân loại!

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nguyện chúc rằng nhờ ơn Chúa, ước gì kinh nguyện, sự thống hối và các việc lành của chúng ta trong Mùa Vọng này làm cho chúng ta thực sự sẵn sàng được nhìn thấy Chúa, diện đối diện.

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC nhận xét rằng đây là mùa chờ đợi thánh thiêng để được gặp Chúa Kitô Đấng Cứu Thế. Chúa muốn ban tặng ơn chữa lành, hòa bình và yêu thương trong một thế giới ngày càng bị đau khổ đè nặng. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, chuẩn bị qua việc lãnh nhận các bí tích, để Đấng Cứu Thế và là Vị Vua Hòa Bình có thể đến ngự nơi chúng ta.

Khi chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ thuộc đơn vị mục vụ ở Lesmo, gần thành phố Milano, đang chuẩn bị tuyên xưng đức tin. Ngài cầu chúc tất cả mọi người một chúa nhật khang an và một hành trình tốt đẹp trong Mùa Vọng.
LM Trần Đức Anh OP
Nguồn: vietcatholic.org

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Đi Tìm Một ý Nghĩa Cho Mùa Vọng

Chúng ta thường nghe nói: Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Giáo Hội cũng khởi đầu chu kỳ Phụng Vụ của mình bằng 4 tuần lễ Mùa Vọng. Nhưng Chúa đã đến rồi, thì chúng ta còn mong đợi cái gì? Và 4 tuần lễ Mùa Vọng đối với chúng ta có ý nghĩa gì???

Thật ra việc Giáo Hội đưa vào sinh hoạt tâm linh của con cái mình hình ảnh và các nghi thức phụng vụ của 4 tuần lễ Mùa Vọng, là muốn nhắc nhở cho mỗi Kitô hữu 4 lần mà Chúa đã, đang và sẽ đến trong cuộc đời của mình. Mùa Vọng, do đó, chỉ mang tính cách nhắc nhở và chuẩn bị để mỗi người có thể sẵn sàng mà không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào khi được Chúa đến viếng thăm. Và đó cũng là lý do tại sao trong Tin Mừng của Mátthêu khởi đầu Mùa Vọng thuộc chu kỳ Phụng Vụ năm A, đã nhắc lại biến cố Noel, con tầu Noel, nhất là lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Các ngươi hãy coi chừng vì lúc các ngươi không ngờ thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24:44)

1. Chúa đến với nhân loại qua biến cố Nhập Thể và Giáng Trần:

Ðây là biến cố rất trọng đại của Mầu Nhiệm Cứu Ðộ. Lời than van, những tiếng khóc than và nỗi niềm mong đợi của các Tổ Phụ xưa đã được Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả. Lời hứa Cứu Ðộ ở Vườn Diệu Quang năm xưa khi Tổ Phụ phạm tội đã được thực hiện. Chúa Cha sai Con mình xuống thế qua hình hài một trẻ thơ, và hạ sinh làm kiếp con người. Hơn 2000 năm, tại đồng quê Belem, Ngài đã đến với nhân loại và đã đến với con người: “Vinh danh Chúa cả trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2:14).

Trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân, chúng ta vẫn hằng ngày, hằng giờ, hằng phút và hằng giây cảm nghiệm được giá trị của lần Ngài đến này. Bởi vì, nếu không có lần xuất hiện này, thân phận lưu đầy của con người sẽ còn mãi mãi bị khống chế bởi tội lỗi. Kiếp người không thể được nâng cao và trả lại giá trị đích thực của nó. Nhưng bằng chính 33 năm trần thế của Con Thiên Chúa chúng ta đã được phục hồi giá trị và được sống như một con người tự do của Thiên Chúa. Vì mục đích Chúa đến lần này là mang Ơn Cứu Chuộc đến cho nhân loại.

Nhưng ngoài Mẹ Maria, Thánh Giuse, Gioan, Isave, một ít mục đồng, Ba Nhà Ðạo Sỹ, Simêon, Anna, và sau này có 12 Tông Ðồ và ít môn đệ nhận ra, còn lại không ai biết đến Ngài. Coi như lần đến này, Ngài rất âm thầm, chỉ trừ cái chết trên thập giá là hơn gây xôn xao, ồn ào.

2. Chúa đến với mỗi người qua các Bí Tích:

Nhưng vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc Ngài hiện hữu và xuất hiện bao trùm toàn thời gian, và không gian. Thế nên, việc Ngài đến hôm qua, hôm nay hay ngày mai vẫn chỉ là một. Do đó, đối với người Kitô hữu thì Ngài đang đến với chúng ta mọi ngày, qua mọi biến cố cuộc đời. Nhất là Ngài đến với chúng ta qua các Bí Tích.

Qua Bí tích Rửa Tội, Ngài đến thăm viếng từng người, đón nhận họ vào gia đình Thiên Chúa. Tha cho tội Nguyên Tổ, khôi phục lại quyền làm con Thiên Chúa. Ngài còn chia phần tiên tri, vương giả, và tư tế để cuộc sống mỗi Kitô hữu trọn vẹn tham dự vào mầu nhiệm Nhập Thể, Cứu Ðộ, và Phục Sinh của Ngài.

Với Bí Tích Thêm Sức, Ngài tăng thêm sức mạnh, thông ban Thần Trí, và chuẩn bị cho mỗi người để sẵn sàng tiến vào với môi trường sống, ơn gọi riêng tư để làm chứng nhân cho Ngài, và cho Tin Mừng Cứu Ðộ.

Trong cuộc đời trần thế và trên mọi ngả đường đời, không chỉ thân xác mà còn linh hồn chúng ta cũng bị đói lả, bị thương tật, và yếu đuối vì thế Ngài lại nuôi dưỡng chúng ta bằng Bí Tích Mình Máu Ngài, bằng sự tha thứ và hòa giải như người cha sẵn sàng ôm choàng đứa con yếu đuối mà biết hối lỗi qua Bí Tích Hòa Giải.

Rồi khi đã bước vào đời, bằng ơn gọi riêng của mỗi người, Chúa đã đến để chúc phúc và xác nhận con đường mà mỗi người đã được kêu mời và lựa chọn qua Bí Tích Truyền Chức hay Bí Tích Hôn Phối.

Và sau cùng, trước khi từ giã cõi đời, Ngài lại đến với mỗi người qua Bí Tích Xức Dầu hầu làm tăng thêm nghị lực, củng cố niềm tin, và chuẩn bị cho chúng ta gặp Ngài qua ngưỡng cửa sự chết.

3. Chúa đến với mỗi người trong ngày chết:

Nếu ngày Ngài đến trong đêm đông hưu quạnh tại đồng quê Belem ta không hay biết. Hoặc như nếu vì lơ là mà chúng ta không đón tiếp Ngài cách tử tế, lịch sự và tôn trọng quan những Bí Tích chúng ta đón nhận mỗi ngày, thì lần đến này là lần xuất hiện không mấy niềm nở, tốt đẹp cho nhiều người, và có thể là ngay cả đối với chính chúng ta nữa. Ðiều đặc biệt ở đây là lần đến này Ngài xuất hiện như kẻ trộm. Có nghĩa là đến bất ngờ. Ðến mà không ai biết trước. Và đây là lần đến mà mọi Kitôi hữu đạo hạnh cần phải sửa soạn.

Nếu việc đón chờ ngày kỷ niệm Ngài đến là một thời điểm nhắc nhở quan trọng. Và nếu việc đón nhận các Bí Tích thường ngày là việc ôn tập và chuẩn bị, thì lần đến này Chúa Giêsu sẽ xuất hiện như một Thiên Chúa nhân từ, như người Cha yêu thương, như người anh dễ mến. Ngài sẽ đón chúng ta vào nơi mà Ngài đã dọn sẵn.

Nhưng nếu bất hạnh, vì thiếu chuẩn bị, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối diện với một Thiên Chúa công thẳng, một quan án chí công mà chúng ta không thể trực diện mà không nhận ra là mình bất xứng.

4. Chúa đến với nhân loại trong ngày thế mạt:

Sau cùng, Chúa đến lần này là lần cuối, và là lần làm sáng tỏ mọi ý nghĩa của những lần Ngài đã đến trước đó. Nếu nói là quan trọng thì không quan trọng bằng lần Ngài đến qua cái chết riêng tư của mỗi người. Nhưng cần thiết vì lần đến này, Ngài làm nổi bật những khuôn mặt bạn hữu đã từng đón nhận và đón chờ Ngài.

Ðất trời đã đổi mùa. Ngoài kia tuyết bắt đầu rơi, và trong nhà đã phải mở sưởi. Quanh đây tiếng nhạc Giáng Sinh đang vang vọng thánh thót. Tại các khu buôn bán, những món hàng chuẩn bị cho Noel đã được bày bán. Bầu khí Noel đang về, và người ta sẽ phải tốn hằng tỷ Mỹ kim cho những chuẩn bị quà cáp.

Nhưng có mấy ái biết chuẩn bị tâm hồn mình, và liệu Chúa Giêsu có phải sinh ra một lần nữa cô đơn, âm thầm, và nghèo hàn tại một chuồng bò hôi tanh giữa một thế giới sa hoa, lộng lẫy, thơm lừng mùi nước hoa, chan hòa ánh sáng, và ngập tràn quà cáp không?
Mùa Vọng đã đến, chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa một chỗ xứng đáng trong tâm hồn mình bằng việc suy ngắm và sống Mầu Nhiệp Nhập Thể và Giáng Trần của Ngài.

Bằng hành động chia cởm, xẻ áo cho những kẻ nghèo nàn, bần cùng và bệnh tật.

Và bằng kết hợp với Chúa trong kinh nguyện để Chúa tìm thấy nơi ta một tâm hồn biết chia sẻ và cảm thông với nỗi cô đơn, hất hủi mà người đời đang dành cho Ngài. Và rồi chúng ta sẽ được nhìn xem Ðấng Cứu Thế trong tâm hồn, trong cuộc đời, và trong đêm kỷ niệm ngày Ngài Giáng Trần.


Trần Mỹ Duyệt
Nguồn: dunglac.org

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Sự Sống Lại Của Người Kitô Hữu

Có một người phương Tây đến nghĩa trang và đặt hoa trước một ngôi mộ để tưởng niệm người thân đã mất. Khi nhìn sang mộ bên cạnh, ông thấy người Trung Quốc đang đặt trước ngôi mộ, ngoài những nén hương quen thuộc, người đó lại còn để bát cơm với quả trứng. Người phương Tây mỉm cười, chế giễu người Trung Quốc rằng:
· “Chừng nào thì người ở trong mộ ra ăn bát cơm ở trên ấy?”.
Người Trung Quốc điềm tĩnh trả lời:
· “Người trong mộ này sẽ ra ăn bát cơm cúng này đồng thời với người trong mộ bên ấy ra hưởng hoa của ông cắm.”
Câu chuyện muốn cho chúng ta thấy hai quan niệm khác nhau về thân phận của người đã chết. Đối với người phương Tây “chết là hết”, đem hoa đến là để tưởng niệm người đã chết. Một khái niệm không có trong các hành vi đạo đức. Còn người Trung Quốc tin rằng, khi chết con người hóa kiếp nhưng vẫn có thể hưởng cái hương hoa mà con cháu dâng cúng, hoặc là lớn thì mâm xôi con gà, bé thì bát cơm quả trứng. Cả hai khái niệm này đối với người chết đều là khiếm khuyết. Thái độ của người phương Tây giống như phái Xa-đốc là phái không tin người chết sống lại, cho nên đã nghĩ ra một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em cùng cưới một người thiếu phụ và cuối cùng, người thiếu phụ cũng chết mà không có con nối dòng. Khi sống lại thì ai sẽ là người chồng đích thực của người vợ này? (x.Lc 20,27-33). Họ nghĩ rằng, Chúa Giêsu sẽ phải lúng túng khi phải giải quyết một vấn đề hóc búa như vậy. Nhưng thật bất ngờ, Chúa Giêsu đã trả lời với họ và cũng là hé mở cho chúng ta một mạc khải về sự sống đời sau: “Con cái đời này dựng vợ gả chồng như những người xét từ cõi chết sống lại sẽ nên như những thiên thần, họ là con cái của Thiên Chúa, con cái của sự sống lại” (Lc 20,34-36).
Quan niệm về sự sống lại là sự phục hồi thiên chức con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng từ ban đầu. Họ là con cái của Thiên Chúa, họ là những người được hưởng sự sống đời đời. Vì vậy, thái độ của người Xa-đốc không tin vào sự sống lại; thái độ của người Trung Quốc coi việc con người hóa kiếp và vẫn còn hưởng cái hương cái hoa của người sống... Tất cả những điều đó đều là những dúm dí, méo mó. Và vì những quan niệm như vậy, cho nên cuộc sống trở nên ngõ cụt bế tắc, bóng đêm dày đặc và tuyệt vọng. Khi người ta thất vọng đi đến tuyệt vọng, nhiều người quyên sinh, còn những người còn lại thì sống theo lý tưởng là “đấu tranh để sinh tồn” và “hưởng gấp” kẻo cái chết nó đến nó phá đi tất cả. Chúa Giêsu dạy chúng ta một chân lý, chân lý đó ngược lại với tất cả những gì mà chúng ta theo dõi ở trên. Con người được nâng lên tới hàng thần thánh như Thánh vịnh nói:
“So với thần linh, Chúa không để thua là mấy
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên
kiệt tác của Ngài, Ngài cho làm bá chủ
và Ngài đặt muôn vật dưới chân của con người.” (Tv 8, 6-7)
Một phẩm giá cao trọng như vậy mà con người đánh mất do tội nguyên tổ. Do đó, Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để mở ra ơn cứu độ, cứu con người từ tình trạng sa đọa trở lại làm con Thiên Chúa và được nâng lên hàng thần thánh. Chỉ có sự sống lại mới cho họ làm được điều đó, và vì thế ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô xuyên qua cõi âm u của sự chết, xuyên qua bóng đêm dày đặc của tuyệt vọng, xuyên qua tất cả những màn đen của sự dữ để trả lại cho con người Ánh Sáng, Tình Yêu và Ơn Phúc. Bởi vậy con người tin tưởng vào một sự sống cao hơn và xa hơn chứ không phải là đi xuống mồ là sự chết và là một sự hóa kiếp tầm thường. Chính vì được Chúa Giêsu dạy cho biết trước điều này nên chúng ta phải sống xứng đáng với nhân phẩm của mình ngay từ hôm nay. Con người, dẫu thân xác là bụi đất nhưng họ được tạo dựng từ hơi thở, là sự sống của chính Chúa ban cho, và vì thế, con người được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa, được trở về với Thiên Chúa là ánh sáng bởi ánh sáng, là sự sống lại và sự sống đời đời. Cho nên những bước chân của người Kitô hữu hôm nay phải là những bước chân của người đang tiến về quê trời. Họ không phải là những người mất gốc, bởi lẽ ơn cứu độ của Chúa phục hồi lại cho họ ơn nghĩa tử làm con đối với Thiên Chúa. Như vậy, quan niệm về sự sống và sự chết không chỉ đơn giản là quan niệm của người Đông phương hay là người Tây phương mà chân lý của sự thật, của sự sống là chính Thiên Chúa dạy cho chúng ta biết chúng ta phải sống làm sao, xứng đáng với ân huệ và cội người của mình, chính vì thế, bước chân lữ hành của người Kitô hữu tiến về quê trời mỗi ngày thì cần phải có thêm hành trang cần thiết.
Chúng ta hãy tự hỏi: Người phương Tây có bông hoa trước ngôi mộ. Người Trung Quốc có bát cơm trước ngôi mộ. Dẫu rằng đó là những quan niệm, những sản phẩm của khối óc thiển cận và bất toàn của con người, nhưng họ cũng đã có một cái gì để đặt trước ngôi mộ. Còn chúng ta đã có hành trang gì để đặt trước sự thật về sự sống đời đời của chúng ta?. Đức Giêsu tuyên bố trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết”(Lc 20,38). Chúng ta luôn luôn quan niệm là chúng ta đang đi về cõi chết, và vì thế tất cả mọi sự đều được gói trong một gói màu đen của màu tang chế, của màu chết chóc, không để lại một ấn tượng gì, không để lại một hành trang gì. Không! Với Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta phải đặt trước sự sống đời một hành trang. Hành trang đó phải đầy đủ: Tin, Cậy, Mến. Hành trang đó phải đầy đủ những nhân đức cần thiết như đèn phải có dầu. Đừng để cho chúng ta tiến về nhà Cha với hai bàn tay trắng. Bởi lẽ, người ta quan niệm “Chết là hết!”. Nếu bông hoa kia, bát cơm kia còn nói lên được một cái gì đó đối với người đã chết, thì tại sao, chúng ta đang tiến về quê trời mà không có hành trang gì trong tay? Tại sao trong tháng Các Linh Hồn, chúng ta không giúp ích được một cái gì cho các linh hồn tương đương với một bông hoa, tương đương với một bát cơm để cứu cho các linh hồn kia khỏi đói khát chân lý, đói khát tình thương? Đó là nghĩa vụ của chúng ta.
Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta xác định lại, trong Kinh Tin Kính, chúng ta đã mạnh mẽ tuyên xưng “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”. Đừng để niềm tin này, đừng để niềm xác tín này chỉ trong lý thuyết nhưng phải đống hành đi vào cuộc sống của chúng ta, đi vào trong thực tế của chúng ta. Và đó chính điều mà Thiên Chúa mời gọi.
Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Xin cho chúng con xác tin vững vàng
như điều Kinh Tin Kính mà Giáo Hội đã dạy
và chúng con tuyên xưng.
Xin cho chúng con đón nhận ánh sáng Phục Sinh
chiếu rọi ngay trên cuộc sống đời này
để giúp chúng con bước đi
trong vững chắc của ân sủng và bình an.
Xin cho chúng con
có được trong hành trang lữ hành tiến về Nhà Cha,
những hành trang cần thiết của đời sống: Tin, Cậy, Mến,
của Lời Chúa và những luật yêu thương
để chúng con trở về Nhà Cha
trong an bình và ơn cứu độ đời đời.
Xin đừng để ai trong chúng con
luẩn quẩn với những suy nghĩ của đời thường
như phái Xa-đốc suy nghĩ thiển cận về việc lấy vợ lấy chồng
mà quên đi sự sống thần linh
Chúa đã dành sẵn cho chúng con trên Nước Trời.
Và xin cho chúng con được cùng với các thần thánh
trong ngày chúng con được ơn sống lại ngợi khen Chúa
và hân hoan hưởng ân phúc đời đời bên Chúa. Amen.

Lm. Phêrô Hồng Phúc
Nguồn: dunglac.org

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Thắc Mắc Về Các Linh Hồn "Mồ Côi" hoặc "Khốn Nạn"

Có linh hồn nào “mồ côi” và “khốn nạn” trong nơi Luyện hình không?

VietCatholic News (16 Nov 2010 10:59)

Hỏi: nhân tháng cầu cho các linh hồn (tháng 11) xin cha giải thích rõ về những linh hồn mà người ta quen gọi là “mồ côi” và “khốn nạn” trong nơi Luyện hình.

Trả lời:

I- Trước hết về những linh hồn gọi là “mồ côi”

Giáo dân Việt-Nam thường có thói quen xin lễ cầu cho những linh hồn “mồ côi” vì cho rằng những linh hồn này không có thân nhân, bạn hữu còn sống để cầu nguyện cho.

Điều này không đúng theo giáo lý của Giáo Hội vì những lý do sau đây:

1- Các linh hồn mà Giáo Hội cầu nguyện cho là AI?

Họ là những tín hữu đã ly trần “trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, mặc dù được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời, nhưng vẫn phải chịu một sự thanh luyện cần thiết sau khi chết hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui Thiên đàng.” (SGLGHCG, số 1030).

Nói khác đi, những ai đã chết trong tình trạng đang hiệp thông với Chúa nghĩa là không có tội trọng (mortal sin) hoặc có nhưng đã ăn năn kịp thời và được tha qua bí tích hoà giải, thì được bảo đảm về ơn cứu rỗi đời đời, nhưng vẫn phải trải qua một thời gian ở nơi gọi là “Luyện tội=Purgatory” để được thanh tẩy khỏi mọi hình phạt hữu hạn (temporal punishment) của tội đã được tha, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì “sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau.” (Mt 12:32). Xin nhắc lại tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người.

Giáo Hội chỉ dạy cầu cho các linh hồn còn đang được thanh luyện trong Luyện tội mà thôi, chứ không cầu cho những linh hồn ở nơi gọi là “Hoả ngục=Hell” được vì không còn sự hiệp thông nào giữa nơi này với Thiên đàng và Giáo Hội lữ hành trên trần thế. Nghĩa là những linh hồn ở đây “đã vinh viễn xa lìa Thiên Chúa và các thánh trên trời” (x. Sđd, số 1033).

Tuy nhiên, chúng ta không biết được những ai đang bị phat trong hoả ngục. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là Cha quá nhân từ, nên “Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3: 9) để được cứu rỗi. Và chỉ một mình Ngài biết số phận đời đời của những ai đã ly trần mà thôi. Giáo Hội không biết được nên chỉ dạy cầu cho các linh hồn đã ly trần, chứ chưa hề tuyên bố ai đã sa hoả ngục rồi nên khỏi cầu xin nữa. Tuy nhiên, Giáo Hội có quyền phong thánh (canonization) cho một số tín hữu đã qua đời để long trọng tuyên bố rằng “những tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh hùng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa…” (x. Sđd, số 828) như thánh Maria Goretti, Tê-rê-xa Giê su Hài Đồng, Thánh Phanxicô Xaviê, và 117 anh hùng tử đạo Việt-Nam (ngày 19-6-1988).v.v… Dĩ nhiên, muốn được phong thánh, phải hội đủ những điều kiện theo luật của Giáo Hội đòi hỏi.

2- Có linh hồn nào gọi là “mồ côi” không?

Đối với tất cả các tín hữu đã ly trần, hàng ngày, khi cử hành Thánh lễ Tạ Ơn (The Eucharist), Giáo Hội cầu nguyện cách chung cho tất cả như sau:

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.” (Kinh nguyện Tạ Ơn II)

Các Kinh Nguyện Thánh Thể (Tạ Ơn) I, III và IV đều có những lời cầu xin tương tự như vậy cho các linh hồn đã ly trần, nghĩa là không có chỗ nào phân biệt linh hồn có thân nhân còn sống đang xin lễ cầu nguyện cho hay những linh hồn không có thân nhân còn sống để cầu nguyện cho nữa.

Người có thân nhân còn sống xin lễ cầu nguyện cho ai đã ly trần thì Giáo Hội đọc thêm lời cầu sau đây:

“Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là…(tên thánh) mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa thì cũng được sống lại như Người”.

Như vậy, nếu có ai xin lễ cầu cho một hay vài linh hồn nào, thì Giáo Hội đọc thêm lời cầu trên đây, nhưng vẫn không quên cầu cho tất cả các tín hữu đã ly trần không phân biệt người còn thân nhân hay “mồ côi” vì không có ai xin lễ cầu nguyện cho.

Nói linh hồn “mồ côi” là nói theo suy nghĩ của con người mà thôi; và điều này không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội, vì Giáo Hội không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân còn sống như người ta quen nghĩ mà chỉ cầu chung cho tất cả các tín hữu đã ly trần ngay cả trong những thánh lễ có người xin cầu riêng cho những linh hồn thân nhân của họ đã qua đời.

Như vậy, không có vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và thực hành của Giáo Hội.

Cũng xin được nói lại ở đây một lần nữa là những linh hồn đang được thanh luyện trong chốn Luyện hình đã là những linh hồn thánh (Holy souls) nhưng họ chưa thánh thiện đủ để vào Thiên Đàng hưởng nhan thánh Chúa cùng các thánh nam nữ khác. Vì thế, họ cần được “tạm trú” ở đây một thời gian dài ngắn tuỳ theo lượng khoan dung và công bằng của Chúa. Họ cần sự giúp đỡ của những tín hữu còn sống trong Giáo Hội lữ hành trên trần thế và các Thánh ở trên Thiên Đàng nguyện giúp cầu thay cho họ sớm được tha hình phạt hữu hạn để vào Thiên Quốc.

II- Có linh hồn nào bị coi là “khốn nạn” trong nơi luyện tội hay không?

Trong một kinh đọc trước thánh lễ ở một vài cộng đoàn Việt-Nam, người ta nghe thấy có những câu đại ý như sau: “Xin Chúa ban những ân xá nào có thể chỉ được cho các linh hồn, nhất là những linh hồn khốn nạn trong luyện ngục…”

Tôi không nhớ rỏ từng chữ trong kinh này nhưng chắc chắn có nghe cụm từ “những linh hồn khốn nạn trong luyện hình.”

Vậy Ai là những linh hồn “khốn nạn” trong luyện hình? Mà “khốn nạn” theo nghĩa nào?

Chắc chắn đây chỉ là tưởng tượng của ai đã đặt ra kinh “quái dị” nói trên để giáo hữu một số nơi cứ đọc mà không ai chịu sửa chữa cho phù hợp vơi giáo lý, tín lý của Giáo Hội.

Như đã giải thích ở phần trên, các linh hồn, dù đau khổ trong nơi luyện tội, đã là các linh hồn thánh (Holy Souls) rồi và có thể chuyển cầu đắc lực cho các tín hữu trên trần thế, nhưng không thể tự giúp mình được vì thời gian đả mãn, không cho phép họ làm việc lành thêm hoặc phạm tội thêm được nữa. Họ là những người có hy vọng chắc chắn được cứu rỗi, và chỉ còn chờ thời gian sớm hay muộn mà thôi. Vậy làm sao họ có thể bị coi là “khốn nạn” được? Có chăng chỉ có những linh hồn đã phải lìa xa Chúa đời đời trong nơi gọi là “hoả ngục” thì mới “khốn nạn” mà thôi, vì phải lìa xa Chúa vĩnh viễn. Và chúng ta cũng không thể làm gì để cứu họ được, vì không có sự hiệp thông nào giữa những ai ở hoả ngục với các thánh ở trên trời và các tín hữu còn trong Giáo Hội lữ hành trên trần gian. (x. SGLGHCG số 1033)

Vậy dứt khoát không có vấn đề cầu cho những linh hồn “khốn nạn” trong luyện hình vì từ ngữ này không đúng để mô tả tình trạng của các linh hồn ở nơi đó.

Họ có đau khổ bao lâu chưa được hưởng Nhan Thánh Chúa, là nguồn mọi vinh phúc, hoan lạc của các thánh và các thiên thần, nhưng họ được bảo đảm ơn cứu độ muôn đời, vì đã ra đi trong ơn nghĩa của Chúa, nghĩa là sẽ có ngày họ được hưởng Nhan Thánh Ngài. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vì chưa được thánh thiện hoàn toàn để vào ngay Thiên Đàng nên họ phải chịu thanh tẩy ở nơi thanh lọc cuối cùng này trong một thời gian dài ngắn tuỳ theo lượng khoan dung và công bình của Chúa đòi hỏi. (x Sđd, số 1030-1031)

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: vietcatholic

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Sự Chết


Tin tức đau thương dồn dập xảy ra trên quê hương Việt Nam thân yêu, tại các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình và các tỉnh lân cận. Trong tháng qua nơi những vùng nghèo khổ nhất của đất nước đã xảy ra thiên tai bão tố và trận lụt chết người, ruộng vườn nhà cửa, trầu bò súc vật bị cuốn trôi theo dòng nước. Đầu tháng mười, trận bão lụt thứ nhất đã cướp mất 64 mạng người và thiệt hại về của cải thì vô kể. Rồi tuần vừa qua từ ngày 25 tháng 10, 2010, nước lũ lại ngập tràn lần nữa, đã kéo theo cả chiếc xe đò gồm 18 người chết ngộp chìm trong xe và trong vài ngày qua tổng cộng là 59 người đã ra đi và trên 150 ngàn ngôi nhà bị ảnh hưởng tàn phá lũ lụt. Chúng ta biết mỗi một mạng người là một sự sống, họ có gia đình, họ hàng, thân tộc và có một cuộc đời. Thiên tai bão lụt đã cắt đứt sự sống và giây liên đới ràng buộc con người. Làm sao chúng ta có thể diễn tả và cảm thông được nỗi đau đớn mất mát này. Người chết ra đi trong giá lạnh, người còn thì trắng tay. Trong tháng Các Linh Hồn, chúng ta dùng đôi phút suy gẫm về sự đau khổ và sự chết.

1. Sợ Chết

Thiên Chúa cho con người được có sự sống và hiện hữu trên thế gian. Đây là một hồng ân vô cùng cao quý. Mỗi người chúng ta được mở mắt chào đời và được đồng hành với nhân loại trong một khoảng thời gian và không gian. Không một thụ tạo nào được sống mãi. Có sinh thì có tử. Có lúc bắt đầu rồi sẽ có lúc kết thúc. Chúng ta không đi ra ngoài quy luật tự nhiên này. Chúng ta không thể bám víu vào cái thế giới hay thay đổi và sẽ qua đi này. Vũ trụ chung quanh luôn thay đổi, mọi loài thụ tạo cũng thay đổi không ngừng. Muôn vật đều xuôi theo một dòng chảy. Sự sống này nối tiếp sự sống khác. Thiên Chúa đã sắp đặt thời gian cho mỗi loại thụ tạo. Con người chúng ta được chia sẻ sự sống từ chính Thiên Chúa. Ngài chính là nguồn của mọi sự sống. Sự sống truyền sinh sự sống. Sự sống của nguyên tổ được nối kết từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự sống là một dây chuyền không ngừng nghỉ. Sự sống sẽ không chết nhưng con người sẽ chết. Chúng ta đi vào đời với thân xác vật chất này, rồi sẽ có ngày chúng ta ra đi và thân xác sẽ tan biến. Chúng ta ai cũng muốn sống và sống lâu, nhưng ước muốn sống đời đó chỉ có trong cõi đời sau.

Truyện kể có một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ông ném bó củi xuống đất và than vãn: Cuộc sống cơ cực quá, tôi không chịu nổi nữa rồi. Ước gì thần chết rước tôi đi. Vừa nói xong, thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói: Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều chi? Ông già kinh sợ nói: Ngài có thể giúp tôi đặt bó củi này lên vai được không? Đôi khi chúng ta nguyền rủa cuộc đời vì sự lam lũ, khổ cực và bất công nhưng chúng ta vẫn muốn sống. Vì sự sống là một món qùa. Món qùa chỉ riêng cho chúng ta. Mỗi con người có một định mệnh và số vận riêng, không có ai giống ai. Bởi thế, đừng khi nào chúng ta so sánh hơn thiệt trong sự sống với người khác.

2. Giờ Nào Ngày Nào

Con người bắt đầu được hiện hữu là một ân huệ. Chúng ta biết không phải mọi sự sống đã bắt đầu đều được sinh ra và nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Có hàng triệu triệu thai nhi bị giết chết ngay khi còn trong trứng nước trong cung lòng của người mẹ. Sự sống mới khởi đầu nhưng đã bị tiêu diệt, thật là không may mắn. Có những người được sinh ra, lớn lên và sống một cuộc đời dài trên 100 năm. Thí dụ: Ông cụ Shigechiyo Izumi người Nhật sống tới 120 tuổi 237 ngày hay bà cụ Jeanne Calment người Pháp sống tới 122 tuổi 164 ngày. Dù con người có hiện hữu một giây một phút hay 120 năm, so với đời đời thì cũng chẳng là chi. Thiên Chúa hằng hữu đời đời, Chúa muốn chia phần sự sống với các loài thụ tạo, đặc biệt với con người. Như thế chúng ta hãy quý trọng từng giây, từng phút Chúa ban cho để sống trọn vẹn kiếp người. Không ai có quyền trên sự sống của con người, chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Con người không làm nên sự sống mà chỉ nhận lãnh và cộng tác với Thiên Chúa trong tiến trình hình thành và phát triển.Tác giả sách Xuất Hành đã ghi rõ: Ai xúc phạm đến sự sống của người khác, họ có lỗi trước mặt Thiên Chúa. Ai đánh cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết. Ai bắt cóc người, dù đã bán đi hay còn giữ trong tay, thì phải bị giết chết. Kẻ nào nguyền rủa cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết (Xh 21:15-17).

La Fontaine kể chuyện ngụ ngôn: Một ông cụ già đang cuốc đất trồng cây. Chợt có ba chàng thanh niên đi qua, các cậu nói: Cụ lẩm cẩm quá, già rồi còn trồng cây gì nữa. Thôi cụ ơi, việc đó để cho tụi cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa. Ông cụ trả lời: Chắc gì lão chết trước và chắc gì các cậu sống lâu hơn lão. Tử thần xưa rầy có phân biệt già trẻ đâu chứ! Trẻ và già không khác chi nhau về truyện sự chết. Thời gian sau, ba cậu vì công việc, kẻ đi lính, người đi kinh doanh và kẻ lái xe hàng. Cả ba đều chết cả hoặc vì ngộ nạn hoặc chết trận. Cụ già buồn và khóc thương ba người bạn trẻ.

3. Sẵn Sàng

Ông Job trong đau khổ đã thốt lên: Quả thật, con biết Ngài bắt con quay về cõi chết, về nhà hội ngộ của tất cả nhân sinh (Job 30:23). Sự chết đến thật bất ngờ, mấy ai biết chắc chắn giờ mình sẽ ra khỏi thế gian. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta nhận biết rằng mỗi người có sự chết khác nhau. Có khi chết riêng mình vì già nua, bệnh hoạn hay tai nạn hoặc bị giết. Có những cuộc chết đồng loạt qua những tai ương của thiên nhiên hoặc do chiến tranh con người gây nên. Nhìn qua vài biến cố xảy ra chung quanh chúng ta, chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự sống. Trong 20 năm qua đã có 43 cuộc động đất lớn, mỗi cuộc động đất đã chết đi nhiều người. Những trận động đất lớn đã gây thiệt hại vô kể về của cải, nhà cửa và nhân mạng: Ngày 20 tháng 6, 1990, một trận động đất, địa chấn 7.4 tại Iran có 50,000 người chết. Ngày 17 tháng 8, 1999 trận động đất tại Turkey, địa chấn 7.6 có 17,118 người chết. Ngày 26 tháng 1, 2001, động đất ở Peru có 20,023 người tử thương. Ngày 26 tháng 12, 2003 động đất tại Miền Nam Iran, số tử vong là 31,000 người. Ngày 26 tháng 12, 2004 động đất và sóng thần cướp đi 227,898 tại Sumatra. Ngày 8 tháng 10 năm 2005, cuộc động đất tại Pakistan có 80,361 người chết. Ngày 12 tháng 5, năm 2008 động đất tại Sichun, Trung Quốc, có 87,587 người chết Ngày 12 tháng 1, 2010 động đất tại Haiti có khoảng 200 ngàn người đã ra đi. Và mới đây nhất ngày 25 tháng 10, 2010, sóng thần tại Indonesia đã cướp đi gần 500 mạng sống con người.

Trên đây là một vài con số tiêu biểu của những biến cố mà con người ra đi đồng loạt không được chuẩn bị. Chúng ta nên biết rằng luật sinh tồn và chuyển động của thiên nhiên vẫn tiếp diễn. Các nhà khoa học có thể học biết được phần nào sự diễn tiến trong thiên nhiên nhưng tất cả các cuộc động đất đã xảy ra đều là những biến cố bất ngờ. Nên chúng ta luôn trong tư thế tỉnh thức Truyện kể rằng có một binh sĩ người Pháp bị trọng thương nằm điều trị trong quân y viện. Anh ta càng ngày càng kiệt sức. Một đêm kia viên y tá trực phòng anh đang mơ màng ngủ gật, bỗng nghe anh lính hét lên: Có tôi đây. Không hiểu gì, người trực ban đến bên giường người hấp hối hỏi: Anh muốn gì? Anh trả lời: Tôi không muốn chi hết. Nhưng tôi nghe trên trời có tiếng điểm danh, thiên thần kêu tới tên của tôi, tôi liền thưa: Có tôi đây. Sau đó, anh đã thở hắt ra và trút linh hồn.

4. Sinh Ký Tử Quy

Ai trong chúng ta cũng đã chứng kiến những cảnh chết chóc trong gia đình hoặc những người chung quanh. Sự chết có ý nghĩa gì đối với những người còn sống. Người chết đã chết, nhắm mắt xuôi tay, không thể làm gì được nữa. Cuộc đời tạm này kể là chấm dứt. Nhưng sự chết đó ảnh hưởng đến nhiều người khác. Đối với người sống, người đã chết càng thân, càng gần thì càng cảm thấy đau đớn như cắt da cắt thịt. Nỗi đau thứ nhất là sự chia cắt giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, ông bà, chú bác, cô dì và những người thân. Thứ đến là chia cắt sống chết giữa mối quan hệ tình cảm và tương quan mà chúng ta đã cùng sống và cùng chia xẻ trong hành trình. Thứ ba là sự mất mát đáng buồn của những người đã ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Thật vậy, có nhiều người chết nằm đó nhưng chúng ta không có những cảm thương giống nhau. Sự thương nhớ và đau buồn còn tùy thuộc vào mức độ liên hệ tình cảm và sự thân thích. Nhưng sự chết nào cũng là sự mất mát và trống vắng trong gia đình. Vợ mất chồng, chồng mất vợ, con cái mất cha mẹ, cha mẹ mất đi con cái, anh chị em mất nhau, đây là nỗi đau. Thường chúng ta thấy nơi những vòng hoa phúng điếu ghi lại những tâm tình thương nhớ và đau buồn: Vô Cùng Thương Tiếc, Thành Kính Phân Ưu hay Nhớ Thương Mãi Mãi…

Người sống khi sống muốn gần bên nhau, khi chết cũng muốn được chôn cất cạnh bên. Có biết bao nhiêu vợ chồng đã sắm sẵn cho mình những chiếc mộ đôi để được bên nhau đời này và đời sau. Bà Ruth ngày xưa cũng đã có tư tưởng ở bên nhau khi mãn phần: Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin Chúa phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết! "(Ruth 1:17).

Trong một xứ nọ, có một thiếu nữ đau bệnh nặng. Theo lời bác sĩ, bệnh tình của cô không thể chữa trị vì cô bị sưng màng óc tới kỳ cuối. Sau khi sốt sáng đón nhận các bí tích cuối cùng, cô đã trả lời một cách tuyệt diệu như sau với cha xứ khi cha hỏi cô còn ước ao gì? Cô thưa: Con muốn đau đớn nhiều hơn rồi chết. Cô thường lập đi lập lại ước muốn này. Một ngày kia người bạn của cô gợi những ý tưởng đạo đức về cái chết, cô nói: Tôi còn muốn chịu đau đớn nhiều hơn nữa để bù lại các tội lỗi tôi đã phạm và rồi chết liền để tránh khỏi phạm thêm những tội mới. Và sau những cơn đau đớn khủng khiếp, cô đã tắt thở cách nhẹ nhàng và ra đi bình an.

5. Luôn Tỉnh Thức

Chết không phải là hết mà là qua đời. Qua đời này tới đời kia. Truyện kể có một cha xứ sống với một giáo xứ đồng quê. Ngài đã giữ lại tất cả các thống kê lý lịch và chi tiết của mỗi người trong xứ đạo. Để thuyết phục có sự sống đời đời sau khi người ta chết như lời Chúa Giêsu đã hứa. Trong sổ ghi danh, mỗi khi có người trong xứ qua đời, ngài đã không xóa tên khỏi sổ. Ngài chỉ đơn giản ghi chú “đổi địa chỉ”. Đã chuyển sống một nơi khác. Những người thân ra đi, họ không biến mất nhưng là đi trước chúng ta. Chúng ta không còn phải nhìn cái chết như sự tận diệt mà là một con đường mới dẫn chúng ta về nhà Cha của chúng ta. Tổ phụ Isaác cũng không có luật trừ. Ông biết ngày giờ ông sẽ phải ra đi. Sách Sáng Thế Ký diễn tả: Ông Isaác đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa. Ông bèn gọi Êxau, con trai lớn của ông, ông nói: "Con ơi!" Cậu thưa: "Dạ, con đây." Ông nói: "Con thấy không, cha già rồi, không biết chết ngày nào (Stk 27:1-2).

Sự sẵn sàng tỉnh thức luôn là mời gọi khẩn thiết cho mọi người. Sự chết không trừ một ai, già trẻ lớn bé, khỏe mạnh hay bệnh họan. Mỗi người đều có thể đối diện với cái chết bất cứ khi nào. Truyện kể về cậu Berchman đang hăng say chơi banh với chúng bạn. Cha xứ tiến đến hỏi các cậu: Nếu một giờ nữa Chúa đến gọi chúng con ra khỏi thế gian, chúng con sẽ làm gì bây giờ. Một cậu thưa: Con sẽ chạy về nhà xin lỗi mẹ con, vì con đi đá banh mà không xin phép mẹ. Cậu khác nói rằng: Con sẽ chạy vào nhà thờ cầu nguyện và xin cha giải tội. Đến lượt Gioan Berchman nói: Con sẽ cứ tiếp tục chơi banh cho tới khi Chúa đến gọi con. Mọi việc trong ngày con đã hoàn tất và giờ này là giờ chơi banh của con.

6. Ra Đi Một Mình.

Chết là một chuyến đi xa nhất, không ai có kinh nghiệm về sự chết. Ra đi không bao giờ trở lại. Chuyến đi xa mà cũng cô đơn nhất. Ra đi một mình và để lại đàng sau tất cả gia đình, con cháu, người thân thuộc và để lại tất cả của cải mà mình đã nỗ lực gom nhặt từng ngày. Chết là một chia ly phũ phàng nhất trong các lọai chia ly. Vì thế, ít người dám nghĩ đến hay nói đến cái chết và hầu như ai cũng tìm cách tránh né về cái chết. Chấp nhận cái chết hay không, mỗi người đều phải đối diện hằng ngày. Cái chết vẫn xảy ra hằng ngày và gặp gỡ từng người. Ai có thể nói rằng tôi sẽ sống tới ngày mai. Chúng ta không biết cái gì sẽ xảy ra trong giây phút tới. Hãy phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa. Vậy chúng ta phải có thái độ nào? Chúng ta có can đảm đón nhận và chuẩn bị cái chết xứng đáng không? Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phúc Sinh, chúng ta đã chứng kiến biết bao những anh hùng dám chấp nhận cái chết để làm chứng niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Các Đấng Tử Đạo đã oai phong anh dũng chấp nhận cái chết vì Nước trời. Như thế, các Ngài đâu có sợ cái chết.

Ở Thành Strasbourg bên Nước Đức, hiện có một chiếc đồng hồ vĩ đại cổ thời đặt trên một tháp cao. Đồng hồ được kiến trúc một cách thần kỳ. Cứ 15 phút thì xuất hiện trên mặt số một cậu bé gõ chuông. 30 phút thì xuất hiện một thanh niên. 45 phút xuất hiện một cụ già ra gõ chuông và đúng 1 giờ thì thần chết xuất hiện gõ chuông. Đúng 12 giờ đêm, Chúa Giêsu và các Tông đồ lần lượt xuất hiện để phán xét. Thời gian nhắc nhở cho mỗi người chúng ta, thời gian là món qùa vô giá. Chúng ta hãy sống và sống cho có ý nghĩa từng phút giây trong đời. Chúng ta đừng hoang phí thời gian Chúa ban mà không sinh hoa quả.


7. Chuẩn Bị Hành Trình

Chúng ta được sinh ra làm người và được làm con Chúa, đây là một hạnh phúc tuyệt vời. Qua niềm tin, chúng ta được nhận biết rõ về ý nghĩa của cuộc đời. Sống ở đời là để nhận biết Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đã tạo dựng muôn loài. Sống để yêu thương anh chị em đồng loại và xây dựng một xã hội tốt đẹp để mai sau cùng chung hưởng hạnh phúc đời đời. Đây là mục đích tối quan trọng cho mỗi một thành viên trong cộng đoàn nhân lọai. Chúng ta không thể ích kỷ tìm danh lợi hay thu góp của cải cho riêng mình mà phải biết chia sẻ cho nhau. Lời lãi được cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi, thánh Luca nhắc nhở chúng ta: Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? (Lc 9:25).

Chúng ta cần có thái độ khôn ngoan thật, sự khôn ngoan trong Chúa Thánh Thần. Truyện kể một ông vua tự cho mình là người khôn ngoan. Vua thường chễ diễu những người ngu đần khờ dại. Nhà vua hay nhạo cười và diễu cợt người khác. Một ngày kia, vua trao cho anh khờ một chiếc gậy. Vua nói: Hãy cầm lấy chiếc gậy này cho tới khi anh tìm ra được một người ngu dại hơn anh. Năm tháng trôi qua, Vua chuẩn bị băng hà. Gia đình, quan quyền, chức sắc, đầy tớ và anh khờ cũng đứng xung quanh giường của vua. Vua nói: Trẫm gọi mọi người đến để chia tay, trẫm sẽ phải ra đi vĩnh viễn. Trẫm đã đi một hành trình dài và trẫm sẽ không trở lại nữa. Anh khờ bước tới và nói: Thưa Hoàng Đế, xin hỏi một câu trước khi vua ra đi. Trong quá khứ, bất cứ nơi nào vua muốn đến, vua đã sai tới các cận vệ và lính tráng để chuẩn bị cho chuyến du hành. Tôi có thể hỏi: Vua đã sẵn sàng chuẩn bị cho chuyến du hành cuối cùng này chưa. Vua trả lời: Alas, trẫm chưa chuẩn bị chi cả. Rồi anh khờ nói: Vua hãy cầm lấy cây gậy này, cuối cùng tôi đã tìm được người ngu đần và dại khờ hơn chính tôi. Ông vua cho mình là khôn ngoan một đời, nhưng thật dại khờ khi đối diện với tử thần. Thánh Matthew đã viết: Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16:26).

Tâm Niệm

Lạy Chúa, từ ngàn đời Chúa đã yêu thương chúng con. Chúa đã cho chúng con được sinh vào đời và được nhận biết Chúa là Cha yêu thương. Xin Chúa dẫn dắt chúng con trong cuộc hành trình về nhà Chúa. Đừng để chúng con bị lạc buớc trên đường đời. Chỉ có Chúa là cùng đích và ý nghĩa cuộc sống của chúng con. Chúng con chọn làm tôi tớ của Chúa, chúng con sẽ có tất cả. Dù sự sống hay sự chết, xin đừng khi nào tách biệt chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho đời sống chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

Nguồn: dunglac.org

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Bác Ái Với Người Đã Chết

(Suy niệm lễ Các Đẳng Linh Hồn)


Nhân lễ Các Đẳng, và tháng cầu cho các linh hồn, xin gửi mấy suy tư.



Có những sự thật trong cuộc đời không ai chối cãi được: Sự chết cố định, giờ chết bất ngờ, cách chết không ai giống ai, cách an táng … Nhưng từ chuyện giờ chết và cách chết, cách an táng…nẩy sinh ra bao nhầm lẫn không đáng có về sự chết lành chết dữ, có thể làm mất đức bác ái đối với người đã chết.




Giờ chết, cách chết



Sự chết lành - chết trong tình trạng ân nghĩa Chúa, và chết dữ - chết trong tình trạng mất ân nghĩa Chúa, chỉ có thế, không thể suy diễn khác hơn.



Vậy mà, cho đến hôm nay, khi nhìn thấy những cách chết thảm thương, hay đột tử, chúng ta còn ép người đã chết rồi phải nghe bao lời nguyền rủa cay đắng. Đôi khi bị chúng ta phán xét ấy là cách chết dữ. Với các tín hữu công giáo, nhất là những người theo quan niệm xưa cũ rằng đồng nghĩa việc chết dữ và cách chết bi thảm hay đột tử ăn năn tội chẳng kịp, thì thiết nghĩ, nên đổi ngay cách nhìn mới mẻ hơn: bác ái với người đã chết.



Việc bác ái ấy bắt đầu từ khi chứng kiến hoặc nghe tin người đã chết. Có lần, một giáo lý viên đến thăm tôi, vừa đến nhà, cô ta nói:



-“Ở dưới kia có tai nạn khủng khiếp. Ba bốn người chết tại chỗ”.



-“Rồi em làm gì lúc đó?”.



-“Làm gì được, sợ quá, em chạy một mạch về đây”.



-“lần sau nếu gặp trường hợp tương tự, em đọc thầm câu này ngay: chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho (các) linh hồn mới qua đời được lên chốn nghỉ ngơi” hoặc là” “Chúa ơi, xin thương xót thứ tha cho những người mới chết, nếu họ chưa kịp ăn năn tội mình”.



-“ Biết họ có đạo không mà đọc, biết linh hồn gì mà cầu”, Cô ta khó chịu.



-“Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính mà em, biết đâu, họ còn công chính hơn mình!”.



Chúa nhật, tôi đi lễ sớm, nghe GLV ấy nói với các em học viên những tâm tình tương tự…



Chắc chắn hình ảnh của những cái chết thê thảm luôn ẩn ẩn hiện hiện trong tâm trí chúng ta, và ấy là cơ hội tốt để chúng ta thi hành đức bác ái với người đã chết bằng lời cầu nguyện cho họ. Và còn là cơ hội tốt để nhắc nhớ chúng ta luôn sống trong tình trạng ân sủng, sống trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa, cụ thể là với Chúa Giêsu Thánh Thể.



Nếu việc tưởng nhớ các linh hồn của những người thân đã ra đi trước chúng ta là một bổn phận của chữ hiếu, chữ tình, chữ nghĩa thì việc tưởng nhớ các linh hồn của những người dưng, người có cách chết bi thảm hơn ai hết, lại là một bổn phận của Đức Bác ái.



Bên ngoài nghĩa trang của Giáo Xứ tôi, còn có một khoảng trời riêng dành cho những người được gọi là tội nhân công khai như rối vợ rối chồng, ngoại tình công khai, chống phá giáo hội bị chế tài…. Những năm trước, đúng là riêng một góc trời tăm tối. Những năm gần đây, tôi đã thấy có chương trình viếng nghĩa trang của anh em Phan Sinh, Giáo Lý Viên, Legio Ca đoàn… thật đẹp, thật ý nghĩa. Họ không chỉ viếng và đọc kinh bên các phần mộ trong nghĩa trang, mà còn viếng và đọc kinh sốt sắng trước những phần mộ bị kể là “ tội nhân” của Chúa, của Giáo Hội. Mỗi em học Giáo Lý được chọn cho mình một phần mộ bên ngoài để viếng và cầu nguyện suốt tháng 11.



Việc làm bác ái ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa, và động lòng thương xót của Chúa.




Cách an táng



Lòng bác ái đối với người đã chết không nhất thiết thể hiện qua cách an táng.



Cách an táng chắn chắn không phải là một bảo đảm cho phần rỗi đời đời.



Vậy mà, khi có người qua đời, chúng ta vẫn thường xem trọng cách an táng, như là, càng trọng thể, càng có giá trị ơn cứu rỗi vậy! Đôi khi chúng ta lại quên rằng, ông hàng xóm ở nhà bên, tuần trước mới chết vợ, không mua nổi cái áo quan cho vợ mình! Ông ta lại tủi phận rồi thầm thỉ bên di ảnh vợ: “ Em ơi, anh chỉ mong em về với Chúa, cầu xin cho em về với Chúa. Khi nào được về trong nước Chúa, xin em nhớ đến anh, phù hộ cho anh.”



An táng theo nghi thức của Giáo Hội là một niềm vui lớn cho gia đình, một dấu chỉ trở về với Thiên Chúa đối với người đã chết. Nhưng cũng không thiếu gì những trường hợp một Kitô hữu không được an táng theo nghi thức của giáo hội, hoặc là bị chế tài, hoặc là do một sự trói buộc của gia đình của xã hội. Cả hai đều đáng nhận được nhiều hơn nữa lòng bác ái của chúng ta. Lòng bác ái ấy không chỉ là sự cảm thông với hoàn cảnh của người đã chết, mà còn trân quí hạt giống Tin Mừng lớn lên trong phong ba bão tố.



Gia đình Ông Nồi ở xứ tôi là một gia đình Phật Giáo. Bà Nồi có thân thích với nhiều vị thượng tọa và cả thân nhân bà cũng là giới tu hành của Phật Giáo. Ông có cô con dâu công giáo. Ông muốn trở lại đạo, và đã học giáo lý với cô con dâu. Ông đã xin Cha sở FX cho ông nhập đạo trước sự phản đối kịch liệt của gia đình. Gia đình không cho ông gặp Cha sở, ông bảo cô con dâu ghi âm lại những lời ông nói và trình lên Cha sở. Ông nói: “Thưa Cha, con muốn theo đạo Chúa, vì con biết Chúa thương con, Chúa sẽ cứu con khỏi chết muôn đời, Chúa sẽ cho con sống lại. Xin Cha rửa tội cho con”. Nhận được băng cassette, cha FX đã tìm cách gặp ông và cha đã nhờ một hội viên Legio kín đáo rửa tội cho ông, tên thánh là Dominico. Ông đã nói với gia đình rằng ông đã được rửa tội. Nhưng Ông phải lén lút đi lễ vì sự cấm cản. Rồi ông bịnh. Legio kín đáo đem Mình Thánh Chúa cho ông. Mấy tháng sau, ông chết. Các Thượng Tọa và phật tử lo việc chôn cất. Legio và giáo dân tham dự lễ nghi của họ, lòng thầm nguyện cho linh hồn Dominico cách chân thành.



Cô NĐ kể chuyện của ba mình. Chuyện xảy ra tại nhà thờ Cha Tam. Sau một vụ nổ, Ba của cô bất động. Ông được đưa vào nhà xứ. Vừa tỉnh dậy, đã thấy chung quanh có các nữ tu và giáo dân. Ông nói, ông không có đạo. Trong lúc thập tử nhất sinh, một người đã gợi ý cho ông về Thiên Chúa, về ơn cứu độ. Ông đã vui vẻ tuyên xưng đức tin và lãnh bí tích rửa tội, trước khi đưa vào bệnh viện gần đó. Tên thánh là Giuse. Một linh mục đã quàng xâu chuỗi Mân Côi vào cổ ông như một dấu chứng tín hữu. May mắn, ông đã được cứu sống. Khi ra viện, ông mang xâu chuỗi ấy về trong gia đình toàn là người Phật Giáo. Sau nầy, khi được nghe chuyện của Ba, và khi lên Thành Phố Sài gòn làm việc, cô NĐ cũng một mình theo Chúa. Hai mươi mấy năm sau, ông bệnh vì già, và lại cũng đã được một Linh Mục quản xứ Nhà thờ Cha Tam ban các phép sau cùng tại bệnh viện năm xưa! Gia đình ông đã chôn cất ông theo nghi thức của Phật Giáo. Cô NĐ và các bạn trong ca đoàn đã cầu nguyện cho linh hồn Giuse và Maria nữa - một tên thánh xin đặt cho Mẹ của cô, để nhờ Đức Mẹ cầu bầu, với niềm tin “Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính”.



Vì có những cách an táng khá đặc biệt như thế, nên mới có chuyện thấy người Công Giáo viếng các nghĩa trang Phật Giáo trong tháng các linh hồn. Ban đầu, chỉ là viếng những phần mộ của những người mà mình biết là công giáo, nhưng sau nầy, được ơn cách nào đó, mà các em lại viếng luôn cả nghĩa trang Phật Giáo và cầu nguyện cho hết thảy các linh hồn được Chúa Thương Xót.




Các linh hồn cần lòng xót thương của Thiên Chúa. Lòng Thương xót của Thiên Chúa sẽ mở ra, khi Thiên Chúa thấy lòng thương xót của chúng ta dành cho các Linh Hồn một cách chân thành, với lời khẩn cầu tha thiết, với lòng bác ái bao dung không phán xét, không phân biệt, với niềm tin tưởng vào ước muốn đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu: “ Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho con, thì con muốn rằng: Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến con trước khi tạo thành thế gian”. (Jn 17, 24).



Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi.



Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng . A men.




PM. Cao Huy Hoàng
29-10-2009


Nguồn: dunglac.org

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Tám Lần Mẹ Nói Dối

Thuở nhỏ, gia đình cậu bé rất nghèo, tới bữa, chẳng mấy khi có đủ cơm ăn, mẹ liền lấy cơm ở trong chén mình chia đều cho các con. Mẹ bảo: Các con, ăn nhanh đi, mẹ không đói!——>Mẹ nói câu nói dối đầu tiên!

Khi cậu bé lớn dần lên, người mẹ tảo tần lại tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô bắt cá về cho con ăn cho đủ chất. Cá rất tươi, canh cá cũng rất ngon. Khi các con ăn thịt cá, mẹ lại ngồi một bên nhằn đầu cá. Lấy lưỡi mà liếm những mảnh thịt sót lại trên đầu cá. Cậu bé xót xa, liền gắp miếng cá trong bát mình sang bát mẹ, Mẹ không ăn, lại dùng đũa gắp trả miếng cá về bát cậu bé. Mẹ bảo: Con trai, con ăn đi, mẹ không thích ăn cá.——> Mẹ nói câu nói dối thứ hai.

Lên cấp 2, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị, Vừa làm thợ may, mẹ vừa đến Hợp tác xã nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối, để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Một buổi tối mùa đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc. Thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu. Cậu bé nói: Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ cười nhẹ: Con trai, đi ngủ đi. Mẹ không buồn ngủ!——> Mẹ lại lần thứ ba nói dối.

Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm, Ngày nào cũng đứng ở cổng trường thi, làm chỗ dựa tinh thần cho cậu bé đi thi. Đúng vào mùa hạ, trời nắng khét tóc. Người mẹ nhẫn nại đứng dưới cái nắng hè gay gắt chờ con suốt mấy tiếng đồng hồ. Tiếng chuông hết giờ đã vang lên. Mẹ nghiêng người đưa cho cậu bé bình trà đã được pha sẵn, dỗ dành cậu bé uống, bình trà nồng đượm, tình mẹ còn nồng đượm hơn. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà trong tay mời mẹ uống. Mẹ bảo: Con uống nhanh lên con. Mẹ không khát!! ——>Mẹ nói dối lần thứ tư.

Sau khi Cha lâm bệnh qua đời, Mẹ vừa làm Mẹ vừa làm Cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá. Ngậm đắng nuốt cay nuôi con ăn học, cái khổ không lời nào kể xiết. Có chú Lý ngồi sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người chứ đâu phải cây cỏ, lâu rồi cũng sinh tình cảm. Hàng xóm láng giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, việc gì phải một mình chịu khổ thế. Nhưng qua nhiều năm mẹ vẫn thủ thân như ngọc, kiên quyết ko đi bước nữa. Mọi người có khuyên mẹ kiên quyết không nghe. Mẹ bảo: Mẹ không yêu chú ấy. ——>Mẹ nói dối lần thứ 5.

Sau khi cậu bé và các anh chị cậu tốt nghiệp đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ để duy trì cuộc sống. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: Mẹ có tiền mà! ——>Mẹ nói dối lần thứ 6.

Cậu bé ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sỹ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cậu ở lại làm việc tại một công ty nghiên cứu máy móc. Sống ở Mỹ một thời gian, khi đã có chút điều kiện. Cậu bé muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng mẹ tốt hơn. Nhưng lại bị mẹ từ chối. Mẹ bảo: Mẹ không quen! ——>Mẹ nói dối lần thứ 7.

Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ già đi nhiều và yếu quá rồi. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến chết đi sống lại, thấy con trai đau đớn vì thương xót mẹ. Mẹ lại bảo: Con trai, đừng khóc, mẹ không đau đâu. ——> Đấy là lần nói dối cuối cùng của mẹ.

Diễm Trần
Nguồn: www.chuacuuthe.com

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Ý Nghĩa Của Tháng Các Linh Hồn

Ý NGHĨA CỦA THÁNG CÁC LINH HỒN
Tháng mười một vẫn được dành riêng cho các linh hồn. Người Công Giáo nói chung rất quan tâm đến những ai đã ra đi, mong rằng người thân quá cố của mình được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa tình yêu. Đây là một ước muốn rất đẹp, rất tình người.

Người Công Giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, ví dụ như xin Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức,… để “an ủi” những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Chúa. Có một vài điều cần được lưu ý khi thực hiện những việc bác ái này.

Thứ nhất, việc xin Lễ không phải để “mua phần rỗi” cho những người đã qua đời. Thiên Chúa không cần tiền của con người. Vả lại, hãy nghe Chúa Giêsu “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin người sao?” (Mt 7:11). Tấm lòng của Thiên Chúa bao la đến nỗi không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được, làm sao lại có thể chịu thua tấm lòng của con người?! Những đóng góp vẫn được gọi là “xin Lễ” là một chia sẻ thiết thực để các Thừa tác viên trong Hội Thánh có phương tiện để mục vụ. Đó là một nghĩa cử rất đẹp, rất tình người vì nó diễn tả tình liên đới trong cộng đoàn con cái Chúa và cộng đồng nhân loại.

Thứ hai, “Luyện Ngục”, như cách dịch chữ purgatorium hay purgatories từ Tiếng La Tinh, không phải để chỉ một tình trạng đau khổ bị hành hạ đau đớn như có nhiều người vẫn tưởng. “Luyện Ngục” không phải là một nơi chốn của đau khổ, mà là một tình trạng chưa trọn vẹn kết hợp trong vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. Những người trong tình trạng này đã hưởng vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa rồi, nhưng một cách nào đó vẫn chưa trọn vẹn vì một lý do bất toàn nào đó (ví dụ như: những việc làm tiêu cực của họ khi còn sống trên trần gian này đang để lại hay gây ra những hậu quả tiêu cực cho anh chị em). Họ sống trong vui mừng vì biết chắc chắn rằng họ sẽ kết hợp với Chúa trọn vẹn một lúc nào đó.

Thứ ba, về vấn đề “Hoả Ngục”, Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ khẳng định có một ai cụ thể đang ở trong Hoả ngục. Giáo Hội luôn cảnh giác và thúc giục con cái mình sống trong tinh thần tỉnh thức để lúc nào Chúa đến thì hân hoan chào đón Người để Người đem mình vào hạnh phúc viên mãn. Như vậy, luôn luôn có chỗ cho hy vọng, ngay cả đối với tội nhân xấu xa nhất. Và như thế, không ai có quyền lên án và kết luận về vận mệnh của người khác. Tiếng nói cuối cùng thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã nói một cách rất rõ ràng nơi Đức Giêsu: “Ai trong các ngươi không có tội thì hãy giơ tay ném đá trước đi.” (Ga 8:7)

Cuối cùng, những ai quan tâm đến “luyện ngục” sẽ thắc mắc không biết ý nghĩa của Tháng Các Linh Hồn là gì. Những việc mình đang làm như xin Lễ, cầu nguyện, làm việc bái ái,… sẽ có lợi gì cho những người đã qua đời? Câu trả lời rất đơn giản nếu tất cả các việc trên được đặt trong chiều kích hiệp thông và nhập thể. Tất cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa hiệp thông sâu xa trong Người. Đây chính là ý nghĩa rất đẹp, rất tuyệt vời của mối dây liên kết nhân loại mà Giáo hội vẫn gọi là “mầu nhiệm Các Thánh thông công”. Tất cả mọi người được nối kết và chia sẻ với nhau trong chính sự sống của Thiên Chúa nơi cuộc đời của mình và của anh chị em mình. Cho nên khi người này làm một việc tốt, đóng góp một hy sinh, tất cả mọi người trong cộng đồng hiệp thông ấy đều được chia sẻ. Chính Thiên Chúa đã đích thân khẳng định điều ấy qua Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu: “Mỗi lần các ngươi làm [điều tốt] cho một trong những anh chị em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy.”(Mt 25:40) Ngược lại, khi một ai đó trong cộng đồng hiệp thông ấy làm một việc gây tổn thương đến người khác, mọi người đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Cho nên, việc làm thiết thực nhất cho những ai đã qua đời là giúp họ khôi phục lại những gì họ đã làm tổn thương, và giúp họ làm những gì họ chưa làm được khi còn sống ở đời này. Làm như thế ta sẽ giúp xoa dịu nỗi dằn vặt, nỗi trăn trở họ vẫn còn đang mang vác. Làm như thế ta sẽ giúp họ đi vào hạnh phúc với bình an trọn vẹn trong Thiên Chúa, Đấng đã dùng phương thế nhập thể để dạy con người về ý nghĩa của hiệp thông.
Lm Giuse Tuấn Việt, O.Carm
Nguồn: VietCatholic News