Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Mùa Chay Nói Chuyện Ăn Chay

Khái niệm về ăn chay của tôi có từ bé, nhưng nó rất đơn giản: không được ăn thịt và phải chờ tiếng trống chay ở nhà thờ mới được ăn. Lớn lên mới thấy ăn chay còn nhiều điều đáng nói và cũng có năm bảy đường ăn chay.

Việc ăn chay luôn luôn nhắm đến mục đích nào đó chẳng hạn có người ăn chay để trị bệnh, ăn chay vì tôn giáo, ăn chay cho lạ miệng v.v. . . Trong thôn trong làng, mỗi khi vào đám cúng tế thành hoàng, thần linh, các vị kỳ mục chức sắc phải chuẩn bị trai giới tắm gội trước bảy ngày, giữ gìn ý tứ từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói, và trước 3 ngày chỉ ăn đồ chay tức là các thứ có nguồn thực vật. Cấm tuyệt đối đồ ăn thức uống nguồn động vật, kể cả những thứ chưa thành sinh vật như: nhộng, trứng, sữa v.v . . .

Trong khuôn khổ của Lửa Mến, chỉ xin được nói đến việc ăn chay trong vài tôn giáo.

Phật giáo
Phật giáo theo thuyết “luân hồi” nên cữ sát sinh, các tăng ni thì giữ chay trường, tức là suốt đời chỉ ăn những đồ ăn có nguồn thực vật như: nấm, rau, đậu, củ, quả và cữ các loại như hành, hẹ, tỏi là những thứ làm cho con người sân si mê muội. Riêng các phật tử có thể chỉ giữ chay kỳ “ Tứ trai”, là những ngày cõi âm mở cửa cho các vong hồn được tự do (ngày 1,14,15 và 30 mỗi tháng). Tuy nhiên còn có nhiều trai kỳ khác: Nhị trai (ngày 1 và 15 mỗi tháng), Lục trai ( ngày 1,8,14,15,23,29 hoặc 30 mỗi tháng), Thập trai ( 1,8,14,15,18,23,24,28,29,30), Nhất nguyệt (tháng 7), Tam nguyệt ( tháng 1, 7, 9 hay 10).

Việc ăn chay mang lại những lợi ích: Thân không bệnh tật, trí sáng , có tấm lòng từ bi nhân hậu, cuộc sống thanh nhàn, diệt trừ được oan nghiệt, oán thù tự giải, khi chết đi hồn được siêu thoát .

Hồi Giáo
Hồi giáo có tháng Ramadan tức là tháng chay ( tháng thứ 9 theo âm lịch Ả Rập). Trong tháng Ramadan , lúc ban ngày (khi còn mặt trời), các tín đồ Hồi giáo đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc, vợ chồng cũng không được gần nhau. Mọi người phải tha thứ và sám hối . Trẻ em và phụ nữ có mang không buộc phải giữ tháng Ramadan.

Người Hồi giáo chỉ được ăn thịt halal, tức là thịt đã được giết mổ theo nghi thức của đạo Hồi. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyệt đối không có gì ăn, họ được ăn mọi thứ để duy trì sự sống.

Không được ăn các loại như: thịt lợn vì lợn là con vật bẩn thỉu, thịt con vật đã chết trước khi được cắt tiết theo nghi thức; những con vật ăn thịt sống hay ăn tạp (như chó, mèo, chuột, v.v.), không uống rượu và các thức uống lên men.

Ý nghĩa của việc nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc. Ngoài ra ăn chay còn rèn luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng.

Công giáo
Phụng vụ Công giáo chia thành từng mùa trong năm: Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa thường niên, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh.

Mùa Chay còn gọi là Mùa Chay Thánh (Quadragesima) là để chuẩn bị cho tâm hồn giáo dân bước vào mùa Phục Sinh bằng việc cầu nguyện, sám hối, hy sinh, làm việc bác ái. Mùa Chay Thánh được bắt đầu từ thứ tư lễ tro đến thứ năm tuần thánh, kéo dài 40 ngày. Con số 40 gợi nhớ lại nhiều sự kiện trong Kinh Thánh. Trước hết để nhớ lại Đức Giêsu ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày trên núi trước khi ra giảng đạo cho muôn dân; Môisen cầu nguyện trên núi Sinai 40 đêm ngày khi nhận 10 điều răn của Chúa; Tiên tri Elia trong cuộc chạy trốn hoàng hậu Gezabela cũng lang thang trong sa mạc 40 đêm ngày để đến núi Oreb nhận sứ vụ mới. Xem như thế thì mỗi khi bước vào sự kiện trọng đại nào, con người đều phải chuẩn bị bằng việc ăn chay cầu nguyện.

Ngày xưa, khi mẹ tôi còn sống, cứ đến ngày thứ tư lễ tro và ngày thứ sáu tuần thánh là hai ngày ăn chay theo luật buộc thì ngay từ bữa ăn chiều hôm trước, tức là ngày thứ ba và thứ năm là mẹ tôi bắt chúng tôi phải ăn thật no, đứa nào cũng phải “nhồi” thêm một bát nữa

- Mai là ngày chay, các con phải ăn thêm mới có sức để đợi đến trống chay.

Quả thực hôm sau, đợi được đến trống chay ở nhà thờ nổi lên là một cực hình đối với đám trẻ con chúng tôi. Tôi còn bé, nên thường chơi ở sân nhà thờ với các bạn, khi thấy bóng dáng ông từ Khánh vào gian trống là chúng tôi đứa nào đứa nấy chạy như bay như biến về nhà. Tiếng trống vang lên chưa dứt hồi, là tôi đã “xà vào” mâm cơm. Chính ra bé như tôi, đáng lẽ được miễn trừ vì chưa đủ tuổi, nhưng mẹ tôi “phán một câu xanh rờn”

- Giữ đạo là phải uốn nắn từ bé, lớn lên quen thân quen nết khó bảo.

Việc ăn chay của người Công giáo có hơi khác với các tôn giáo bạn và ngay cả với xã hội Việt Nam. Sách “Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo” trang 687 : “Điều răn thứ năm: “Giữ chay và kiêng thịt như luật dạy”. Điều răn này bảo đảm những thời gian hãm mình và đền tội, chuẩn bị chúng ta cử hành các lễ phụng vụ. Hãm mình đền tội sẽ góp phần giúp chúng ta đạt được sự làm chủ các bản năng của ta, và đạt được sự tự do cho tâm hồn” Như vậy ăn chay là để rèn luyện bản thân, chống lại những ham mê xác thịt để tỏ lòng ăn năn thống hối những tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa

Theo lối hiểu thông thường, đã là ăn chay thì dứt khoát là không ăn thịt, còn người Công Giáo lại cẩn thận thêm hai chữ kiêng thịt có vẻ thừa, nhưng không phải thế. An chay là giới hạn bớt số lượng thực phẩm tiếp nạp vào cơ thể, cụ thể chỉ ăn no trong bữa chính ( trưa) còn hai bữa phụ ( sáng, chiều) chỉ ăn chút ít và không được ăn vặt dù là cái kẹo, ly nước ngọt v.v . . . ngoài các bữa ăn.

Kiêng thịt đối với người Công Giáo được hiểu là không ăn thịt những loài có lông, còn các loại khác như hải sản, tôm cá, thì không cấm, ngay cả bánh có nhân thịt cũng được ăn vì được hiểu đó là nhân bánh.

Trong bữa ăn, thịt thà đối với người Au Châu là món ăn chính nên tiết giảm khi ăn chay là phải. Với đại bộ phận người Việt Nam đang còn rất nghèo khó, thịt có đâu mà ăn, bữa nào cũng chỉ cơm rau nên mới có câu: “Cơm không rau như đánh nhau không chửi”. Nếu giáo dân Việt Nam kết hợp thêm tinh thần chay tịnh nữa thì mùa chay người Công Giáo Việt Nam kéo dài quanh năm

Giáo Hội đề cao tinh thần hy sinh của việc ăn chay nhưng không đặt ra một danh mục nào hướng dẫn mà để tùy lương tâm giáo dân tình nguyện. An chay kiêng thịt là luật Hội Thánh đặt ra nên cũng có thể thay đổi tùy mỗi đấng bản quyền. Ở vùng ngã ba Tân Vạn, Sài Gòn, giáp giới 3 giáo phận: Sài Gòn, Xuân Lộc, Phú Cường thì Giáo phận Sài Gòn và Phú Cường không buộc kiêng thịt ngày thứ sáu nhưng Giáo phận Xuân Lộc lại buộc. Có người bảo, ai muốn ăn thịt ngày này cứ việc vào các tiệm ăn thuộc hai giáo phận không cấm là được. Điều này đúng hay không người viết không dám có ý kiến.

* “Giáo luật, điều 1251: "Phải kiêng thịt, hay kiêng của ăn nào khác theo qui định của Hội đồng Giám mục, các ngày thứ sáu trong năm, trừ khi những ngày ấy trùng với một ngày nào khác trong số những ngày lễ trọng."

* Điều 1252: "Ai đã trọn 14 tuổi buộc phải giữ luật kiêng thịt; còn luật ăn chay buộc tất cả những người thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên, các vị chủ chăn và cha mẹ phải lo sao để cả những người vị thành niên không buộc ăn chay kiêng thịt cũng được thấm nhuần tinh thần sám hối đích thực."

* Điều 1253: "Hội đồng Giám mục có thể ấn định rõ hơn luật giữ chay và kiêng thịt, cũng như có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay bằng những hình thức sám hối khác, nhất là bằng những việc bác ái và việc đạo đức.”

Ngày nay Giáo Hội giảm bớt những hình thức ăn chay bề ngoài mà khuyến khích giáo dân từ bỏ mình và dấn thân phục vụ tha nhân, an ủi và giúp đỡ những người đau khổ khó nghèo.

Phương ThuNguồn: http://gdpttt.com

Không có nhận xét nào: