Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

ĐTC Giải Thích Ý Nghĩa Tam Nhật Thánh




ĐỨC THÁNH CHA GIẢI THÍCH Ý NGHĨA TAM NHẬT THÁNH
Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 19-3-2008
Trong bài huấn dụ tại đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha đã đề cập đến ý nghĩa của Tam Nhật Tuần Thánh. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:
Anh chị em thân mến chúng ta đang đứng trước Tam Nhật Thánh. Ba ngày sắp tới thường được gọi là "thánh" vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ; thật thế chúng dẫn đưa chúng ta vào trong nhân tố của lòng tin Kitô: là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất: vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội. Kết thúc con đường Mùa Chay chúng ta cũng chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Giêsu đã sống khi xưa tại Giêrusalem. Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động các khổ đau mà Chúa đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang, lễ Vượt Qua trong đó Giáo Hội cử hành Lễ "nguồn gốc của mọi lễ", như khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh theo nghi thức thánh Ambrosio.
Tiếp theo đó Đức Thánh Cha trình bày ý nghĩa Tam Nhật Thánh.
Trước hết là Thứ Năm kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác. Trong đêm đó Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một điều răn mới là điều răn của tình yêu thương huynh đệ. Trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, sáng thứ năm cộng đoàn giáo phận cử hành lễ làm phép dầu, trong đó vị Giám Mục và các linh mục giáo phận canh tân các lời hứa ngày thụ phong.
Cũng có lễ nghi làm phép Dầu: Dầu tân tòng, dầu bệnh nhân và dầu thêm sức. Đó là thời điểm quan trọng đối với cuộc sống của mọi cộng đoàn giáo phận, quây quần chung quanh vị chủ chăn của mình để củng cố sự hiệp nhất và lòng trung thành với Chúa Kitô, Thượng Tế đời đời duy nhất. Vào ban chiều Giáo Hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong đó Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta như lương thực cứu độ, như thần dược của sự bất tử: đó là mầu nhiệm Thánh Thể, suối nguồn và tuyệt đỉnh của cuộc sống Kitô. Trong Bí tích cứu độ này Chúa cống hiến và hiện thực cho tất cả những ai tin nơi Người sự hiệp thông thân tình nhất có thể có giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của Người. Với cử chỉ khiêm tốn và ý nghĩa của lễ nghi rửa chân chúng ta được mời gọi nhớ lại điều Chúa đã làm cho các Tông Đồ: khi rửa chân cho các vị Người tuyên bố một cách cụ thể quyền tối thượng của tình yêu thương, tình yêu thương biến thành sự phục vụ và trao ban chính mình, qua đó Chúa diễn tả trước hy lễ tuyệt đỉnh của cuộc sống mình, hao mòn đi ngày hôm sau đó trên núi Sọ. Theo một truyền thống rất đẹp, tín hữu kết thúc Thứ Năm Thánh với một buổi canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể để sống trở lại một cách thân tình hơn cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.
Thứ Sáu Thánh là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn đóng đanh và cái chết của Chúa Giêsu. Trong ngày này phụng vụ Giáo Hội không cử hành thánh lễ, nhưng cộng đoàn Kitô tụ tập nhau để suy niệm về mầu nhiệm sự dữ và tội lỗi đàn áp nhân loại, và để bước theo các khổ đau của Chúa đền bù sự dữ đó, dưới ánh sáng Lời Chúa và các cử chỉ phụng vụ. Sau khi nghe trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cộng đoàn cầu nguyện cho tất cả mọi nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, thờ lậy Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa đã được giữ lại trong thánh lễ chiều Thứ Năm. Tiếp đến Đức Thánh Cha đề cập tới nhiều thói quen đạo đức của truyền thống Kitô trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như sau:
Như là lời mời gọi sau cùng suy tư về cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Chuộc và để diễn tả tình yêu thương và việc tham dự của tín hữu vào các nỗi khổ đau của Chúa Kitô, truyền thống Kitô đã làm nảy sinh ra nhiều hình thái đạo đức bình dân, như các cuộc rước kiệu và diễn tuồng thương khó, nhằm ngày càng ghi đậm dấu trong tâm hồn tín hữu các tâm tình tham dự thực sự vào hy tế cứu độ của Chúa Kitô. Trong số các thói quen đạo đức ấy có việc đi đàng Thánh Giá. Theo dòng thời gian thói quen này có thêm nhiều kiểu diễn tả tinh thần và nghệ thuật phong phú gắn liền với các nền văn hóa khác nhau. Vì thế tại nhiều nước nảy sinh ra các đền thánh gọi là Núi Sọ, có đường đi lên dốc dác nhắc nhớ lại con đường đớn đau của cuộc Khổ Nạn, và giúp tín hữu tham dự vào cuộc đi lên Núi Thập Giá Chúa, Núi Tình Yêu Thương cho đến tột cùng.
Ngày Thứ Bẩy Thánh ghi đậm dấu của sự thinh lặng sâu thẳm. Các nhà thờ trống trơn và không có các lễ nghi phụng vụ đặc biệt. Trong khi chờ đợi biến cố Phục Sinh, các tín hữu kiên trì cùng Mẹ Maria cầu nguyện và suy niệm. Thật thế, cần phải có một ngày thinh lặng để suy tư về thực tại cuộc sống con người, về sức mạnh của sự dữ và sức mạnh của sự thiện nảy sinh từ cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Chúa. Trong ngày này tín hữu đi lãnh nhận bí tích hòa giải để thanh tẩy tâm lòng và chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh. Ít nhất một năm một lần chúng ta cần đến sự thanh tẩy nội tâm này để canh tân chính mình.
Ngày Thứ Bẩy của thinh lặng, suy niệm, tha thứ và hòa giải này kết thúc với Buổi Canh thức vọng Phục Sinh, dẫn đưa vào Chúa Nhật quan trọng nhất của lịch sử, là Chúa Nhật Phục Sinh của Chúa Kitô. Giáo Hội canh thức bên lửa mới làm phép và suy niệm về lời hứa vĩ đại trong Cựu Ước và Tân Ước lời hứa giải phóng con người vĩnh viễn khỏi sự nô lệ tội lỗi và cái chết. Trong đêm tối nến phục sinh, biểu tượng cho Chúa Kitô sống lại khải hoàn được thắp lên từ lửa mới. Chúa Kitô ánh sáng của nhân loại đánh tan tối tăm của tâm lòng và trí khôn và soi sáng mọi người vào trần gian.
Bên cạnh nến phục sinh vang lên trong Giáo Hội lời loan báo phục sinh: Chúa Kitô đã thực sự sống lại, cái chết không còn quyền lực nào trên Người nữa. Với cái chết của mình Người đã vĩnh viễn đánh bại sự dữ và trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Do truyền thống cổ xưa trong lễ Vọng Phục Sinh các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa Tội để nêu bật sự tham dự của Kitô hữu vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Từ đêm Phục Sinh rạng ngời niềm vui ánh sáng và hòa bình của Chúa Kitô tỏa lan trong cuộc sống của tín hữu mọi cộng đoàn và đến với mọi điểm của không gian và thời gian.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Trong các ngày đặc biệt này chúng ta hãy lập lại hai tiếng xin vâng với thánh ý Chúa như Chúa Giêsu đã nói với hy lễ thập giá. Các lễ nghi của Tam Nhật Thánh và buổi Vọng Phục Sinh cống hiến cho chúng ta cơ may đào sâu ý nghĩa và giá trị của ơn gọi Kitô, nảy sinh từ Mầu Nhệm Phục Sinh và cụ thể hóa nó trong việc theo Chúa Kitô trong mọi trạng huống cuộc đời, cho đến hy sinh mạng sống chúng ta như Người đã hy sinh.
Kỷ niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng có nghĩa là sống gắn bó liên đới sâu đậm với ngày hôm nay của lịch sử, vì xác tín rằng những gì chúng ta cử hành là thực tại sống động và thời sự. Vì thế chúng ta hãy đem vào trong lời cầu nguyện của chúng ta các sự kiện và tình hình thê thảm trong các ngày này đang gây khổ đau cho biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta khắp nơi trên thế giới. Chúng ta biết rằng sự thù hận, các chia rẽ, bạo lực đã không bao giờ có tiếng nói cuối cùng trong các biến cố lịch sử. Trong những ngày này chúng ta hãy làm sống dậy nơi mình niềm hy vọng: Chúa Kitô chịu đóng đanh đã sống lại và chiến thắng trần gian. Tình yêu thương mạnh hơn thù hận. Nó đã chiến thắng và chúng ta cũng phải liên kết với tình yêu thương. Chúng ta phải tái khởi hành từ Chúa Kitô và làm việc với Người trong sự hiệp thông để tạo dựng một thế giới xây dựng trên hòa bình, công lý và tình yêu thương.
Linh Tiến Khải

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Tuần Thánh: Xét Mình

Tuần Thánh: Xét mình qua những nhân vật trong cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu
WHĐ (28.03.2010) – Hôm nay, Chúa nhật Lễ Lá, toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm những ngày cuối cùng trên trần thế và cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu.
Trong Tuần Thánh, dân Chúa sẽ có hai dịp nghe đọc trình thuật về Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, tức bài Thương khó: một vào lễ Lá, một trong Phụng vụ Tưởng niệm Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh.
Nhân Tuần Thánh năm nay, Đức ông William Shomali, chưởng ấn Toà Thượng phụ Latinh và nguyên giám đốc Chủng viện của Toà Thượng phụ Giêrusalem, đã viết bài suy niệm về Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bài viết đăng trên website của Tòa Thượng phụ.
Bản dịch của WHĐ có thay đổi nhan đề và một số tiểu đề.
* * *

Hằng năm chúng ta đều cử hành cuộc tưởng niệm tuần lễ cuối cùng sống trên trần thế của Chúa Giêsu và suy niệm về ý nghĩa của sự đau khổ và cái chết của Người.

Một trong nhiều cách tiếp cận mầu nhiệm Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu là hướng vào các nhân vật chính: Phêrô, Philatô, Giuđa, Caipha… Qua các nhân vật này, chúng ta thấy chính bản thân mình, nhìn ra vai trò của mình trong Cuộc Khổ nạn của Chúa. Họ như tấm gương phản ánh cái tôi nội tâm của chúng ta với tất cả sự diệu kỳ cũng như vẻ mặt đáng ghê sợ của nó.

Tôi muốn tập trung vào ba nhân vật lịch sử gây phản cảm nhất, trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu.

Tôi xin nêu ba câu hỏi:

– Tại sao Chúa lại phải chịu mọi đau khổ cay đắng như vậy?
– Ai chịu trách nhiệm cuối cùng về cái chết của Chúa Giêsu?
– Khi chứng kiến cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, tôi đã phản ứng như thế nào?

Philatô, con người hèn nhát và sợ mất ghế

Philatô là nhân vật lẽ ra có thể gây được thiện cảm.

Thoạt đầu, ông ta tỏ ra là người có tinh thần trách nhiệm cao. Ông biết Chúa Giêsu vô tội và cố gắng cứu Người. Lúc phải đương đầu với những kẻ thù ghét Chúa Giêsu, tâm trí ông bỗng lóe ra cách cứu Người. Ông chọn Barabbas, một tù nhân đại hình đang bị giam trong ngục dưới quyền ông, rồi đem đến trước mặt các đối thủ và hỏi họ: Nhân lễ Vượt qua, các ông muốn tôi tha người nào? Philatô quá đỗi kinh ngạc và thất vọng ê chề khi thấy họ chọn tha Barabbas. Đến đây, Philatô đã hành động theo lý trí và sự ngay thẳng. Nhưng khi dân chúng dọa sẽ tố giác đến César nếu ông phóng thích người được gọi là vua dân Do Thái, ông đã lùi bước và ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu rồi đem đi đóng đinh. Ông đã đặt lợi ích cá nhân lên trên nghĩa vụ làm đại diện tối cao của nền công lý đế quốc Rôma. Tội của Philatô là hèn nhát và ích kỷ: tại sao cuộc đấu đá nội bộ của người Do Thái lại có thể làm cho ông suy sụp, thay đổi lập trường, dù biết rõ nạn nhân là người vô tội?

Tôi nhớ lại một chuyện có thật, xảy ra vào thời vua Baudouin của vương quốc Bỉ (1951-1993). Năm 1990, Quốc hội Bỉ chấp thuận dự luật cho phép phá thai. Theo Hiến pháp, luật chỉ có hiệu lực khi được quốc vương tán thành. Như vậy nhà vua chịu một sức ép lớn phải ký thông qua đạo luật này. Ngài đã viết cho Thủ tướng: “Dự luật này đặt tôi đứng trước một vấn đề lớn thuộc lương tâm. Nếu ký, đương nhiên tôi cũng có phần trách nhiệm đối với đạo luật. Nhưng tôi không thể làm điều đó được”. Một đằng, đạo luật không thể có hiệu lực nếu chưa được nhà vua tán thành – trong khi nhà vua không hề ủng hộ đạo luật. Đằng khác, quốc vương lại không có thẩm quyền pháp lý chống lại một đạo luật đã được các dân biểu thông qua. Làm sao vượt qua bế tắc này? Người ta đã nghĩ ra một cách giải quyết rất đúng luật. Ngày 3-04-1990, theo đề nghị của chính quốc vương, chính phủ tuyên bố nhà vua không còn đủ khả năng trị vì. Cụ thể là, nhà vua đã ngưng trị vì vương quốc. Hôm sau đạo luật được ban hành. Ngay sau đó, vua phục chức. Mặc cho mọi việc vừa xảy ra, quốc vương vẫn được dân chúng yêu mến và trân trọng các nguyên tắc đạo đức của ngài.

Khi xảy ra xung đột giữa lương tâm và lợi ích riêng, mọi nhà lãnh đạo phải có can đảm theo đuổi những nguyên tắc đạo đức, dù phải chịu đau khổ.

Caipha, con người đầy thủ đoạn chính trị, chủ trương lấy mục đích biện minh cho phương tiện

Caipha là người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu, người đã từng bị ông tìm cách bêu xấu và loại trừ. Ganh tị trước những thành công của Chúa Giêsu về những điều Người giảng dạy và những phép lạ Người làm, Caipha và thuộc hạ đã nhiều lần giăng bẫy cố ý hãm hại Chúa Giêsu. Trong vụ án này, Caipha tạo áp lực đối với Philatô, buộc ông này phải đóng đinh Chúa Giêsu, dù có phải đơm điều đặt chuyện vu cáo. Ông ta cáo buộc Chúa Giêsu có tham vọng chiếm ngai vàng, và như thế, theo ông ta, Giêsu là mối hiểm họa cho Đế chế Rôma. Sự thật không phải thế. Chúa Giêsu đã từng kiên quyết bác bỏ ý định của dân chúng muốn tôn Người lên làm vua sau khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, hơn nữa Người còn dạy các môn đệ: “Của César thì trả về cho César”, Chúa nhấn mạnh đến tính hợp pháp của việc đóng thuế cho đế quốc.

Đến đây, ta thấy rõ ràng chính Caipha là người chịu trách nhiệm cá nhân trong vụ việc này. Về phương diện luật pháp, tập thể người Do Thái không chịu trách nhiệm liên đới đối với tội ác của Caipha. Mặc dù cũng có một số người từng la ó khi vụ án diễn ra: “Máu hắn cứ đổ lên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27, 25), nhưng những người Do Thái ở Giuđêa và ở những cộng đoàn tản mác, không hề có liên quan đến các hành động của người đứng đầu Thượng Hội đồng. Chỉ những người trong Thượng Hội đồng ra phán quyết kết án Chúa Giêsu mới là những kẻ phải chịu trách nhiệm.

Caipha là con người vô liêm sỉ. chúng ta thấy ông ta là điển hình của giới hữu trách chính trị và tôn giáo mọi thời, chủ trương lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Thủ đoạn chính trị không thể được coi là đồng nghĩa với sự linh hoạt chính trị được, mà phải gọi đúng tên là sự đồi bại và sự dữ.

Chính cái triết lý phi nguyên tắc này đã cướp đi sinh mạng của Chúa Giêsu.

Giuđa, kẻ ham tiền và phản trắc

Có phải Giuđa thật sự coi 30 đồng trọng hơn Chúa Giêsu không?

Nhân vật đen tối này cũng vẫn được một số người hiện nay bênh vực. Đối với họ, Giuđa là người chống đế quốc Rôma. Hắn theo Chúa Giêsu, coi Người là một lãnh tụ giải phóng. Nhưng khi nghe Người giảng về một vương quốc thiêng liêng và cánh chung, hắn liền quay lưng lại với Thầy. Tại sao? Những người bênh vực Giuđa cho rằng, khi đẩy nhanh các sự kiện, Giuđa ép Chúa Giêsu buộc phải tiết lộ sứ mệnh và vai trò cứu thế của người. Hắn tin rằng, dù bị khép tội chết, Chúa Giêsu cũng sẽ dùng quyền năng phi thường mà xoay chuyển tình thế.

Một cách giải thích khác cho rằng, Giuđa chỉ là công cụ trong tay Thiên Chúa. Chúa Giêsu trước hết phải chịu đau khổ rồi mới cứu nhân loại, nên cần phải có người nộp Chúa Giêsu cho kẻ thù, để kế hoạch của Chúa được thực hiện.

Hai kiểu giải thích này khác với điều Gioan viết trong sách Tin mừng: Giuđa là kẻ phản trắc và là đứa trộm cắp. Hắn đã đi gặp các thủ lĩnh tư tế và cò kè trả giá về cuộc phản bội.

Như vậy Giuđa tiêu biểu cho những kẻ sùng bái tiền bạc và dùng mọi cách để kiếm tiền. Thánh Phaolô viết: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6, 10). Vì thế, nếu tiền bạc chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống con người, thì sẽ gây ra những hậu quả tai hại.

Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
Về phương diện con người, những nhân vật chúng ta vừa phân tích hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về tội ác ghê tởm đã giáng xuống một nạn nhân vô tội. Đồng thời, cái chết của Người đã là một phúc lành cho nhân loại.

Chúng ta nên nhớ, cái chết của Chúa Giêsu hoàn toàn khác một cuộc ám hại thông thường. Bởi vì, Chúa Giêsu bước đến cái chết trong tâm thế của một con người tự do. Người có thể dùng quyền năng của Chúa để tự bảo vệ mình. Phải chăng Người đã không ra lệnh cho các đạo binh thiên thần đến giúp Người? Dù chính Người đã chữa lành mọi bệnh tật, nhưng phải chăng Người đã không nói một lời tiêu diệt những kẻ chống lại mình? Vâng, Người đã làm như thế. Người đã tự nguyện chấp nhận cái chết và đem lại cho nó một ý nghĩa mới. Chính trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, trao cho các môn đệ và nói: “Này là mình Thầy, bị nộp vì các con”. Sau bữa ăn, Người cầm chén rượu và nói: “Này là chén máu Thầy […] sẽ đổ ra cho các con và muôn người được tha tội”.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu không phải là âm mưu của Caipha, sự phản bội của Giuđa hay sự hèn nhát của Philatô, mà chính do Người vâng phục Chúa Cha và yêu thương chúng ta, những tội nhân khốn khổ. Tội lỗi đã đi vào thế gian vì Ađam đã không vâng phục Chúa. Trong tấn thảm kịch chúng ta cùng nhau tái hiện trong tuần này, chính Ađam thứ hai là Đức Kitô, Đấng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ.

Chúa Giêsu, Đấng đáp ứng những đòi hỏi của Công lý và Lòng thương xót

Qua cái chết, Chúa Giêsu đã đáp ứng những đòi hỏi của công lý và lòng thương xót của Chúa. Đối với chúng ta, những con người đáng thương, hai từ này khá mâu thuẫn với nhau. Hoặc chúng ta là người công minh hoặc là người hay thương xót. Duy chỉ có Thiên Chúa là Đấng rất công minh mà lại rất giàu lòng thương xót.

Trong cái chết, Chúa Giêsu đáp ứng những đòi hỏi của công lý và lòng thương xót. Công lý đòi hỏi kẻ phạm tội phải trả giá cho tội đã phạm. Chúa Giêsu, trong bản tính nhân loại, đã đại diện cho cả loài người. Khi chịu đau khổ trong xác phàm, Người tự hiến làm hy lễ đền tội theo công lý của Chúa. Nhưng đồng thời, Người đã cho thấy Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Con người chịu đau khổ, dâng hy lễ chuộc tội chúng ta, chính là Con Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian. Là Con Thiên Chúa, hy lễ của Người được chấp nhận và con người được chuộc tội.

Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một thất bại nhưng là một thành công lớn, tức khắc mang lại hiệu quả. Khi Chúa đang chịu khổ nạn, Phêrô đã khóc lóc đau đớn và được tha thứ, kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa đã được Chúa hứa ban Nước Trời, viên sĩ quan đại đội trưởng Rôma tuyên xưng đức tin.

Thánh Phaolô trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô đã giải thích rõ rệt: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5, 21). Nhờ cái chết của Người, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa. Hơn nữa, Hội Thánh nhận được tác vụ hòa giải từ chính Chúa Giêsu (x. 2 Cr 5, 18).

Cái chết không có lời cuối cùng

Sau khi nghe đọc Bài Thương khó, chúng ta có thể cảm thấy buồn bã và thất vọng. Nhưng không phải như vậy đâu. Có hai lý do khiến chúng ta được an ủi:

– Chúa Giêsu chết vì yêu thương chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để mọi người tin vào Con của Ngài sẽ không bị hư mất, nhưng sẽ giữ được sự sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đức Giáo hoàng Gioan–Phaolô II viết: “Hãy nghe Đấng bị đóng đinh, hãy nghe Người nói với trái tim của bạn. Hãy nghe Người nói với bạn: Con thật có ý nghĩa với Ta”.

– Chúa muốn bảo đảm hy lễ Con của Ngài đã được chấp nhận và loài người mãi mãi được giao hòa với Chúa. Chúng ta chỉ có thể đón nhận sự tha thứ của Chúa và phải bắt đầu cuộc sống mới. Làm thế nào chúng ta biết được Chúa đã nhận hy lễ này và ban cho chúng ta ơn giao hòa? Đây là dấu chỉ nhận biết: ngày thứ ba, ngôi mộ an táng Chúa Giêsu hoàn toàn trống rỗng. Chúa Giêsu đã từ kẻ chết sống lại và chúng ta sống lại với Người để sống cuộc đời mới.

Bây giờ chúng ta có thể đọc Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê trong cử hành phụng Lễ Lá: “Người đã tự hủy, nhận lấy thân phận nô lệ […]. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để […] mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 5-11).

Lời nguyện
“Lạy Linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con,
Lạy Mình Chúa Kitô, xin cứu vớt con,
Lạy Máu Chúa Kitô, xin cho con được say mến,
Lạy Nước từ cạnh sườn Chúa Kitô, xin lau sạch con,
Lạy Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, xin cho con nên mạnh mẽ.
Lạy Chúa Giêsu nhân từ, xin nhậm lời con,
Xin giấu con nơi thương tích của Chúa,
Xin đừng để con lìa xa Chúa,
Xin bảo vệ con trước đối phương,
Xin gọi con lúc lâm chung,
Xin truyền cho con được đến với Chúa,
Cùng với các thánh của Chúa, con chúc tụng Chúa muôn đời. Amen”.

Đọc gì trong Tuần Thánh?
Nên đọc bài Thương khó trong sách Tin Mừng theo Thánh Luca, rồi xét mình qua các nhân vật trong bản văn.

Làm gì trong Tuần Thánh?
Khao khát được giao hòa với Chúa và làm hòa với mọi người qua Bí tích Hòa giải. Bằng không, việc Chúa chịu đau khổ cũng trở nên vô ích đối với chúng ta.


William Shomali - WHĐ dịch
Nguồn: http://hdgmvietnam.org

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Lm Nguyễn Văn Giáo


Nhân dịp năm mới Canh Dần,
anh em Cựu chủng sinh Huế vùng Ninh Thuận - Nha Trang
đến thăm Cha Giáo đang hưu dưỡng tại Cam Ranh.

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Mùa Chay Nói Chuyện Ăn Chay

Khái niệm về ăn chay của tôi có từ bé, nhưng nó rất đơn giản: không được ăn thịt và phải chờ tiếng trống chay ở nhà thờ mới được ăn. Lớn lên mới thấy ăn chay còn nhiều điều đáng nói và cũng có năm bảy đường ăn chay.

Việc ăn chay luôn luôn nhắm đến mục đích nào đó chẳng hạn có người ăn chay để trị bệnh, ăn chay vì tôn giáo, ăn chay cho lạ miệng v.v. . . Trong thôn trong làng, mỗi khi vào đám cúng tế thành hoàng, thần linh, các vị kỳ mục chức sắc phải chuẩn bị trai giới tắm gội trước bảy ngày, giữ gìn ý tứ từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói, và trước 3 ngày chỉ ăn đồ chay tức là các thứ có nguồn thực vật. Cấm tuyệt đối đồ ăn thức uống nguồn động vật, kể cả những thứ chưa thành sinh vật như: nhộng, trứng, sữa v.v . . .

Trong khuôn khổ của Lửa Mến, chỉ xin được nói đến việc ăn chay trong vài tôn giáo.

Phật giáo
Phật giáo theo thuyết “luân hồi” nên cữ sát sinh, các tăng ni thì giữ chay trường, tức là suốt đời chỉ ăn những đồ ăn có nguồn thực vật như: nấm, rau, đậu, củ, quả và cữ các loại như hành, hẹ, tỏi là những thứ làm cho con người sân si mê muội. Riêng các phật tử có thể chỉ giữ chay kỳ “ Tứ trai”, là những ngày cõi âm mở cửa cho các vong hồn được tự do (ngày 1,14,15 và 30 mỗi tháng). Tuy nhiên còn có nhiều trai kỳ khác: Nhị trai (ngày 1 và 15 mỗi tháng), Lục trai ( ngày 1,8,14,15,23,29 hoặc 30 mỗi tháng), Thập trai ( 1,8,14,15,18,23,24,28,29,30), Nhất nguyệt (tháng 7), Tam nguyệt ( tháng 1, 7, 9 hay 10).

Việc ăn chay mang lại những lợi ích: Thân không bệnh tật, trí sáng , có tấm lòng từ bi nhân hậu, cuộc sống thanh nhàn, diệt trừ được oan nghiệt, oán thù tự giải, khi chết đi hồn được siêu thoát .

Hồi Giáo
Hồi giáo có tháng Ramadan tức là tháng chay ( tháng thứ 9 theo âm lịch Ả Rập). Trong tháng Ramadan , lúc ban ngày (khi còn mặt trời), các tín đồ Hồi giáo đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc, vợ chồng cũng không được gần nhau. Mọi người phải tha thứ và sám hối . Trẻ em và phụ nữ có mang không buộc phải giữ tháng Ramadan.

Người Hồi giáo chỉ được ăn thịt halal, tức là thịt đã được giết mổ theo nghi thức của đạo Hồi. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyệt đối không có gì ăn, họ được ăn mọi thứ để duy trì sự sống.

Không được ăn các loại như: thịt lợn vì lợn là con vật bẩn thỉu, thịt con vật đã chết trước khi được cắt tiết theo nghi thức; những con vật ăn thịt sống hay ăn tạp (như chó, mèo, chuột, v.v.), không uống rượu và các thức uống lên men.

Ý nghĩa của việc nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc. Ngoài ra ăn chay còn rèn luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng.

Công giáo
Phụng vụ Công giáo chia thành từng mùa trong năm: Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa thường niên, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh.

Mùa Chay còn gọi là Mùa Chay Thánh (Quadragesima) là để chuẩn bị cho tâm hồn giáo dân bước vào mùa Phục Sinh bằng việc cầu nguyện, sám hối, hy sinh, làm việc bác ái. Mùa Chay Thánh được bắt đầu từ thứ tư lễ tro đến thứ năm tuần thánh, kéo dài 40 ngày. Con số 40 gợi nhớ lại nhiều sự kiện trong Kinh Thánh. Trước hết để nhớ lại Đức Giêsu ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày trên núi trước khi ra giảng đạo cho muôn dân; Môisen cầu nguyện trên núi Sinai 40 đêm ngày khi nhận 10 điều răn của Chúa; Tiên tri Elia trong cuộc chạy trốn hoàng hậu Gezabela cũng lang thang trong sa mạc 40 đêm ngày để đến núi Oreb nhận sứ vụ mới. Xem như thế thì mỗi khi bước vào sự kiện trọng đại nào, con người đều phải chuẩn bị bằng việc ăn chay cầu nguyện.

Ngày xưa, khi mẹ tôi còn sống, cứ đến ngày thứ tư lễ tro và ngày thứ sáu tuần thánh là hai ngày ăn chay theo luật buộc thì ngay từ bữa ăn chiều hôm trước, tức là ngày thứ ba và thứ năm là mẹ tôi bắt chúng tôi phải ăn thật no, đứa nào cũng phải “nhồi” thêm một bát nữa

- Mai là ngày chay, các con phải ăn thêm mới có sức để đợi đến trống chay.

Quả thực hôm sau, đợi được đến trống chay ở nhà thờ nổi lên là một cực hình đối với đám trẻ con chúng tôi. Tôi còn bé, nên thường chơi ở sân nhà thờ với các bạn, khi thấy bóng dáng ông từ Khánh vào gian trống là chúng tôi đứa nào đứa nấy chạy như bay như biến về nhà. Tiếng trống vang lên chưa dứt hồi, là tôi đã “xà vào” mâm cơm. Chính ra bé như tôi, đáng lẽ được miễn trừ vì chưa đủ tuổi, nhưng mẹ tôi “phán một câu xanh rờn”

- Giữ đạo là phải uốn nắn từ bé, lớn lên quen thân quen nết khó bảo.

Việc ăn chay của người Công giáo có hơi khác với các tôn giáo bạn và ngay cả với xã hội Việt Nam. Sách “Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo” trang 687 : “Điều răn thứ năm: “Giữ chay và kiêng thịt như luật dạy”. Điều răn này bảo đảm những thời gian hãm mình và đền tội, chuẩn bị chúng ta cử hành các lễ phụng vụ. Hãm mình đền tội sẽ góp phần giúp chúng ta đạt được sự làm chủ các bản năng của ta, và đạt được sự tự do cho tâm hồn” Như vậy ăn chay là để rèn luyện bản thân, chống lại những ham mê xác thịt để tỏ lòng ăn năn thống hối những tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa

Theo lối hiểu thông thường, đã là ăn chay thì dứt khoát là không ăn thịt, còn người Công Giáo lại cẩn thận thêm hai chữ kiêng thịt có vẻ thừa, nhưng không phải thế. An chay là giới hạn bớt số lượng thực phẩm tiếp nạp vào cơ thể, cụ thể chỉ ăn no trong bữa chính ( trưa) còn hai bữa phụ ( sáng, chiều) chỉ ăn chút ít và không được ăn vặt dù là cái kẹo, ly nước ngọt v.v . . . ngoài các bữa ăn.

Kiêng thịt đối với người Công Giáo được hiểu là không ăn thịt những loài có lông, còn các loại khác như hải sản, tôm cá, thì không cấm, ngay cả bánh có nhân thịt cũng được ăn vì được hiểu đó là nhân bánh.

Trong bữa ăn, thịt thà đối với người Au Châu là món ăn chính nên tiết giảm khi ăn chay là phải. Với đại bộ phận người Việt Nam đang còn rất nghèo khó, thịt có đâu mà ăn, bữa nào cũng chỉ cơm rau nên mới có câu: “Cơm không rau như đánh nhau không chửi”. Nếu giáo dân Việt Nam kết hợp thêm tinh thần chay tịnh nữa thì mùa chay người Công Giáo Việt Nam kéo dài quanh năm

Giáo Hội đề cao tinh thần hy sinh của việc ăn chay nhưng không đặt ra một danh mục nào hướng dẫn mà để tùy lương tâm giáo dân tình nguyện. An chay kiêng thịt là luật Hội Thánh đặt ra nên cũng có thể thay đổi tùy mỗi đấng bản quyền. Ở vùng ngã ba Tân Vạn, Sài Gòn, giáp giới 3 giáo phận: Sài Gòn, Xuân Lộc, Phú Cường thì Giáo phận Sài Gòn và Phú Cường không buộc kiêng thịt ngày thứ sáu nhưng Giáo phận Xuân Lộc lại buộc. Có người bảo, ai muốn ăn thịt ngày này cứ việc vào các tiệm ăn thuộc hai giáo phận không cấm là được. Điều này đúng hay không người viết không dám có ý kiến.

* “Giáo luật, điều 1251: "Phải kiêng thịt, hay kiêng của ăn nào khác theo qui định của Hội đồng Giám mục, các ngày thứ sáu trong năm, trừ khi những ngày ấy trùng với một ngày nào khác trong số những ngày lễ trọng."

* Điều 1252: "Ai đã trọn 14 tuổi buộc phải giữ luật kiêng thịt; còn luật ăn chay buộc tất cả những người thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên, các vị chủ chăn và cha mẹ phải lo sao để cả những người vị thành niên không buộc ăn chay kiêng thịt cũng được thấm nhuần tinh thần sám hối đích thực."

* Điều 1253: "Hội đồng Giám mục có thể ấn định rõ hơn luật giữ chay và kiêng thịt, cũng như có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay bằng những hình thức sám hối khác, nhất là bằng những việc bác ái và việc đạo đức.”

Ngày nay Giáo Hội giảm bớt những hình thức ăn chay bề ngoài mà khuyến khích giáo dân từ bỏ mình và dấn thân phục vụ tha nhân, an ủi và giúp đỡ những người đau khổ khó nghèo.

Phương ThuNguồn: http://gdpttt.com

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3

“Mừng ngày 8/3 tới những người mẹ, người vợ, người yêu và bạn gái!”.
Ngày 8/3, đó là cả một câu chuyện lịch sử dài về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ của nhiều nhóm phụ nữ trên toàn thế giới. Chính phụ nữ là những người làm nên ngày 8/3 lịch sử. Để mỗi năm có một ngày tràn ngập hoa thì đã có không ít máu và nước mắt đổ xuống trong quá khứ. Ngày 8/3/1857, công nhân xưởng may ở New York tuần hành yêu cầu nâng cao chất lượng làm việc: giảm giờ làm và những yêu cầu về quyền lợi cho phụ nữ. Lực lượng biểu tình này đã bị cảnh sát đàn áp. 51 năm sau, 8/3/1908, để kỷ niệm cho sự kiện tháng 3/1857, một cuộc biểu tình của các nữ công nhân Mỹ đòi quyền bầu cử, chấm dứt tình trạng ngược đãi công nhân và bóc lột sức lao động trẻ em cũng bị dập tắt bởi cảnh sát New York.

Năm 1910, một nhà hoạt động xã hội người Đức, Clara Zetkin, đề nghị lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ để kỷ niệm những cuộc biểu tình và những cuộc đấu tranh của phụ nữ trên toàn thế giới vì bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.

Nhiều sự kiện đáng chú ý khác liên quan đến ngày 8/3 như cuộc đấu tranh lớn tại Nga vào ngày 23/2/1917 theo lịch Nga và là ngày 8/3 theo lịch Công giáo, những nữ công nhân đã ồ ạt tấn công khắp các đường phố của Nga. Sự kiện đó sau này được đánh giá là một trong những tác nhân châm ngòi cho Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngoài ra, còn rất nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới cũng nổ ra vào tháng 3 lịch sử.

Năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, LHQ đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày này như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới.

Ngày 8/3 ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm rất trang trọng: một ngày tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp dành cho phụ nữ. Hầu hết người ta đã không còn nhớ chính xác về ý nghĩ lịch sử của ngày này. Nam giới coi đây là cơ hội để thể hiện sự ga-lăng của mình cho những người mà họ yêu quý. Ngày 8/3 đã bị xóa nhòa ranh giới về ý nghĩa thực của nó.

Chính cái ý nghĩa “phát sinh” lại trở nên… rất ý nghĩa đối với phụ nữ. Trong 365 ngày trong năm, người phụ nữ có riêng một ngày để được cả xã hội quan tâm, ngợi ca và cả bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày “bù đắp” cho những vất vả của những người mẹ tảo tần, những người vợ đảm đang, những người vun vén dựng xây tổ ấm gia đình. Có thể không cần phải nói nhiều bạn cũng hình dung ra vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: là người nội trợ chính trong gia đình, người lao động kiếm tiền ngang bằng với nam giới, là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội. Là người gánh vác trách nhiệm sinh nở, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và xinh đẹp hơn – đó là hình dung về những phụ nữ Việt Nam của thế kỷ 21. Và người phụ nữ đang dần khẳng định rằng mình là phái đẹp chứ không còn là… phái yếu như trước nữa!

Những món quà cho ngày phụ nữ.

Ngày 8/3 là ngày dành cho phụ nữ những niềm vui bất ngờ. Nhiều năm trở lại đây các nhà sản xuất hàng tiêu dùng đã “nhắm” vào ngày này như một trong những tiêu điểm kinh doanh hằng năm. Song, nếu bạn nhìn lại sẽ thấy rằng 8/3 chủ yếu là dịp để cánh mày râu thể hiện “cử chỉ đẹp” với người yêu và bạn gái ! Những thiếu nữ luôn đầy ắp hoa và thiệp chúc mừng vào mỗi dịp 8/3, song đến khi trở thành người vợ trong gia đình thì người chồng, chàng trai ga-lăng năm xưa cũng quên mất ngày của… vợ. Không ít ông chồng cho rằng hôn nhân là chấm dứt thời của sự “màu mè”. Ở một cơ quan nọ, có một nhân viên mua quà tặng hết lượt chị em phụ nữ đồng nghiệp nhưng lại dứt khoát không mua quà cho vợ vì theo anh “đã là vợ chồng thì cần gì phải giữ kẽ như vậy!”. Người vợ hẳn sẽ cảm thấy chạnh lòng… Hoặc cũng có người quan tâm lấy lệ: nhờ người ở cửa hàng mang đến tận nhà cho vợ còn mình thì vẫn ngất ngư trong quán nhậu đến khuya !

Có câu chuyện cảm động, một chàng trai đã mua cho mẹ một chiếc áo mới, vô tình trùng vào ngày Quốc tế Phụ nữ. Đó cũng là lần đầu tiên mẹ của anh nhận được quà tặng vào ngày này. “Ồ, con mua tặng mẹ nhân dịp 8/3 à ?”. Mẹ cười rạng rỡ, mắt rưng rưng xúc động, niềm hạnh phúc khó diễn tả thành lời. Tự đáy lòng chàng trai trào lên cảm giác hối hận: năm nào anh cũng hớn hở cầm gói quà đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước để tới nhà bạn gái. Không biết những lúc ấy, người mẹ lụi cụi trong bếp, bà đã nghĩ gì ? Hẳn là không khỏi cảm thấy chạnh lòng…

Những phụ nữ Việt Nam vốn kín đáo, ít khi bộc lộ niềm mong ước của mình, cũng bình thản đón nhận sự… lãng quên này.

Còn biết bao người phụ nữ bị quên lãng trong chính ngày của họ. Nhất là những vùng nông thôn, vẫn còn có phụ nữ bị ngược đãi, bị đối xử thiên lệch trong gia đình. Nguyễn Văn Hòa, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM quê ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Hòa Bình kể rằng khái niệm nhận quà trong ngày 8/3 rất xa lạ với phụ nữ ở đây. Thậm chí có cặp vợ chồng trẻ nọ, anh chồng mua quà tặng vợ vào dịp này bị người thân trong gia đình chê trách là “nuông chiều vợ quá đáng” (!).

Người phụ nữ muốn gì ở ngày 8/3 ? Đơn giản nhất, họ cần được mọi người nhắc đến tên mình, nhớ tới họ với một tình cảm chân thành nhất. Bạn sẽ thấy họ hạnh phúc như thế nào khi được quan tâm, chia sẻ.

“Gửi em, người mẹ tuyệt vời của các con anh. Anh thật may mắn vì trên đời này đã được gặp em. Cảm ơn tình yêu và sự hy sinh của em. Cảm ơn em đã sinh ra những đứa con thật tuyệt vời. Nhân ngày 8/3, hãy nhận lấy tình yêu và sự biết ơn của anh”. Đó là tấm thiệp đã ố mờ mà chị Nguyễn Thị Khiết, một phụ nữ 43 tuổi quê ở Thanh Ba, Phú Thọ (hiện đang sống ở P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM) suốt gần 20 năm nay vẫn giữ bên mình. Đây là món quà của chồng chị, anh đã viết tặng chị vào ngày 8.3 cuối cùng trong đời khi anh nằm trên giường bệnh. Nhờ đó chị đã vượt qua mọi khó khăn vất vả, một mình nuôi con khôn lớn sau khi anh mất… Chị tâm sự: “Lời chúc ấy của anh như tấm bùa hộ mệnh, giúp tôi có nghị lực sống. Từ đó, ngày 8.3 trở nên vô cùng thiêng liêng với tôi. Tôi cảm thấy mình có sứ mệnh nuôi con và hoàn thiện mình để sống xứng đáng với tình yêu của người đã khuất”.

Bạn sẽ dành cho người phụ nữ của mình sự bất ngờ nào vào ngày đặc biệt này ? Một đóa hoa. Một món quà nho nhỏ hay chính tay mình sửa soạn một bữa cơm ngon cũng đủ đem lại niềm vui cho nữ giới. Ngày 8/3 chính là ngày mà những người chồng, người con cần mang lại niềm hạnh phúc cho phụ nữ bằng chính sự quan tâm xuất phát từ tình cảm trong trái tim mình. Và phụ nữ, những người mẹ của chúng ta rất xứng đáng được tôn vinh như thế!

(Sưu tầm)
Nguồn: http://www.cuucshuehn.net

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Chưa Một Lần

Chưa một lần về thăm quê mẹ,
Chưa một lần qua bến nước Hiền Lương,
Chưa một lần đi trên đường Đất Đỏ,
Chưa một lần dám ngỏ ý về thăm!

Vĩnh Linh quê mẹ ngày xưa ấy
Cha ông tiên tổ dựng cơ đồ.
Ngờ đâu chiến tranh rồi ly loạn,
Mỗi người một nẻo chốn tha phương.

Vĩnh Linh ngày xưa chốn thiên đường,
Vĩnh Linh ngày xưa hóa chiến trường
Đắm chìm trong cảnh chốn thê lương,
Chia đôi đất nước phải lên đường.

Thế rồi mỗi người sống một nẻo,
Người thì phố thị, kẻ hẻo lánh xa xôi
Mấy mươi năm lam lũ tấm thân tồi
Đến hôm nay cuộc đời hơi tươi sáng.

Mong ai nhớ lại những tháng ngày...
Nhớ về quê Mẹ,nhớ tổ tông,
Nhớ Ông nhớ Bà ,vùng đất ấy.
Vĩnh Linh quê Mẹ của ta ơi!

Đồng Nai,ngày 2-3-2010
Nguyễn công Thọ

Nguyễn Tộc - An Du Bắc xin hết lòng cám ơn anh Thọ, người đồng hương đã gởi tặng bài thơ này

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

ĐTC Nói Về Ma Quỷ Cám Dỗ

Đầu Mùa Chay, Đức Thánh Cha nói về Ma Quỷ cám dỗThứ tư, 24 Tháng 2 2010 22:58
Trong tiếng Việt, mùa phụng vụ chúng ta đang sống được gọi là “Mùa Chay”, tuy rằng chúng ta chỉ giữ chay có hai ngày. Danh xưng trong tiếng latinh là “Quadragesima” có nghĩa là 40 ngày, con số mang ý nghĩa tượng trưng, nhắc lại không những là thời gian 40 năm hành trình của dân Israel trên hoang điạ trước khi vào Đất hứa, mà còn là thời gian hai ông Mosê và Êlia rút lui vào nơi hoang vắng trước khi hội ngộ với Thiên Chúa trên núi Horeb, nhất là thời kỳ đức Giêsu chuẩn bị thi hành sứ vụ.

Theo gương đó, vào các thế kỷ đầu tiên, Hội thánh đã ấn định 40 ngày làm thời kỳ cho các dự tòng chuẩn bị lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng phục sinh, rồi dần dần mở rộng cho tất cả các tín hữu theo gương Chúa Giêsu đi vào nơi cô tịch để lắng nghe Lời Chúa, canh tân cuộc sống và chiến đấu với các chước cám dỗ. Đó là nội dung của bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trưa chúa nhật đầu muà Bốn Mươi.


Anh chị em thân mến

Hôm thứ tư vừa qua, với nghi thức thống hối của việc xức tro, chúng ta đã bắt đầu mùa Bốn Mươi, thời kỳ canh tân tinh thần để chuẩn bị mừng lễ Chúa Phục sinh. Thế nhưng bước vào hành trình Bốn mươi, có nghĩa là gì? Chúng ta có thể tìm thấy lời giải thích nơi bài Tin mừng của chúa nhật thứ nhất hôm nay, thuật lại những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa.

Thánh sử Luca viết rằng sau khi lãnh phép rửa của ông Gioan, Chúa Giêsu , đầy tràn Thánh Linh, đã đi xa sông Giorđanô, và được Thánh Linh dẫn vào hoang điạ trong bốn mươi ngày để chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).

Thật rõ ràng là sự cám dỗ không phải là chuyện ngẫu nhiên, nhưng do một sự lựa chọn của Chúa Giêsu muốn đi theo sứ mạng mà Chúa Cha uỷ thác, sống trọn vẹn thực trạng của Người Con yêu dấu, hoàn toàn tin tưởng vào Cha.

Đức Kitô đến trần gian để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khỏi cơn mê hoặc muốn thiết kế cuộc sống gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Đức Kitô đã thể hiện điều này không phải bằng những tuyên ngôn rầm rộ, nhưng bằng cách đich thân đối kháng với tên Cám dỗ, cho đến Thập giá. Tấm gưong này có giá trị cho tất cả mọi người: thế giới này có thể trở nên tốt đẹp hơn bắt đầu từ việc canh tân bản thân, bằng cách – nhờ ơn Chúa - thay đổi điều lệch lạc trong đời sống của mình.

Trong số ba cơn cám dỗ mà Satan đưa ra cho Chúa Giêsu, điều thứ nhất bắt nguồn từ cơn đói, nghĩa là từ nhu cầu vật chất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy nói với đá này trở thành bánh đi”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại bằng câu Kinh Thánh: “Con người sống không chỉ bằng cơm bánh mà thôi” (Lc 4,3-4; x. Đnl 8,3).

Thế rồi ma quỷ trỏ cho Chúa Giêsu các vương quốc trên thế giới và nói: “tất cả những điều này sẽ thuộc về ông, nếu ông bái phục thờ lạy ta”. Đây là cuộc lường gạt của chức quyền, và Chúa Giêsu đã lật tẩy và xua đuổi: “ Ngươi hãy thờ lạy Thiên Chúa và chỉ bái phục Ngài mà thôi” (x. Lc 4,5-8; Đnl 6,13). Không thể nào thờ lạy chức quyền nhưng chỉ có thể thờ lạy Thiên Chúa, chân lý và tình thương mà thôi.

Sau cùng, tên cám dỗ đề nghị Chúa Giêsu hãy thực hiện một phép lạ hoành tráng: nhảy từ tường thành cao của đền thờ và để cho các thiên sứ đến cứu đỡ, như vậy thiên hạ sẽ tin theo Người. Nhưng đức Giêsu đáp lại rằng không bao giờ được thử thách Thiên Chúa (xc. Đnl 6,16). Chúng ta không được phép “làm cuộc thử nghiệm” trong đó Thiên Chúa buộc phải trả lời và tỏ lộ rằng mình là Thiên Chúa. Chúng ta phải tin vào Thiên Chúa, chứ không được phép dùng Thiên Chúa như chất liệu để chúng ta làm cuộc thử nghiệm!

Luôn dựa theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu trưng dẫn tiêu chuẩn chân chính thay thế cho các tiêu chuẩn phàm nhân: đó là sự vâng phục, việc hoà hợp với ý định của Thiên Chúa là nền tảng cuộc sống chúng ta.

Đây cũng là một bài học cơ bản cho chúng ta: nếu chúng ta mang Lời Chúa trong trí và trong lòng, nếu Lời Chúa thấm vào đời ta, nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa, thì chúng ta có khả năng kháng cự hết mọi thứ lường gạt của Tên cám dỗ.

Ngoài ra, toàn thể bài trình thuật trình bày cho thấy một bức chân dung của Đức Kitô như là ông Ađam mới, người Con Thiên Chúa khiêm tốn và tùng phục Chúa Cha, khác hẳn với ông Ađam và và Eva xưa kia trong vườn Địa đàng đã chiều theo lời dụ dỗ của ma quỷ, muốn trở nên bất từ không cần đến Chúa.

Mùa Bốn Mươi như là thời kỳ “rút lui”, trong đó chúng ta trở về với chính mình và lắng nghe Lời Chúa, đế chiến thắng những cơn cám dỗ của Tà thần và tìm ra sự thật của cuộc đời. Một thời kỳ nói được là “chiến đấu” tinh thần cùng với Chúa Giêsu, không phải với kiêu ngạo và cậy sức mình, nhưng bằng cách dùng những khí giới của đức tin, đó là việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, sám hối. Nhờ thế mà chúng ta có thể tiến đến việc cử hành lễ Chúa Phục sinh cách chân thực, sẵn sàng lặp lại những lời hứa khi lãnh bí tích Rửa tội.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, biết sống cách hân hoan và hữu ích thời kỳ ân sủng này. Xin Mẹ chuyển cầu đặc biệt cho tôi và các cộng sự viên của giáo triều Rôma, chiều này bắt đầu cuộc Tĩnh tâm.

Bình Hòa(Đài Vatican - 21/02/2010)

Nguồn: http://tonggiaophanhue.net