Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Giải Mã Quan Hệ Giữa Cha Mẹ Và Con Cái

Một sự thực là càng ngày mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng có khoảng cách. Mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái không phải bao giờ cũng đơn giản. Jacques Salome, tác giả nổi tiếng viết về hôn nhân - gia đình sẽ giải đáp ba vấn đề lớn mà chúng ta quan tâm.
1. Ngày nay các bậc cha mẹ và con cái có thật sự chia sẻ tình cảm với nhau?
Có trẻ đã đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để giúp cha mẹ cháu giao tiếp tốt hơn với cháu?”, “Cháu muốn học tập từ cha mẹ để giao tiếp tốt hơn vì cha mẹ là người gần gũi với cháu nhất ?”, “Cháu phải làm gì để khoảng cách giữa cha mẹ và cháu được rút ngắn ?”. Không nên để trẻ đinh ninh rằng giao tiếp, chia sẻ là đồng ý những ý muốn hay sự chờ đợi của chúng. Giao tiếp, chia sẻ không là “đồng tình với nhau” theo nghĩa đồng ý, ưng thuận, mà theo nghĩa “cha mẹ lắng nghe ý muốn của con, và có thái độ đáp lại đúng đắn”. Thế nhưng tỏ thái độ đối với con cái không có nghĩa là nghiêm khắc, cứng nhắc, hay từ chối mọi sự đối thoại, mà cũng đừng rơi vào thái cực ngược lại.

2. Các bậc cha mẹ có biết giải mã mọi sắc thái ngôn ngữ của con cái ?

Ngược với những gì mà người lớn thường nghĩ, trẻ con ít sử dụng các từ ngữ để “bộc lộ ý muốn”. Chúng hay dùng đến dạng ngôn ngữ khác, như ngôn ngữ diễn đạt qua cơ thể. Ví dụ khi trẻ có sự thay đổi về cơ thể, bản thân, thì cha mẹ phải hiểu là chúng đang cần gì. Ngoài ngôn ngữ bằng chính cơ thể thì còn một ngôn ngữ khác, đó là “những bước chuyển sang hành động”, tức là những dạng bạo lực mà một đứa trẻ gây ra cho người khác: tát, đánh đấm, ăn cắp, hoặc thậm chí cho bản thân nó, như nó tự gây tai nạn cho mình v.v. Tình trạng bạo lực trong các trường học các vùng ngoại ô là biểu hiện của những thiếu niên không được cha mẹ lẫn xã hội quan tâm, lắng nghe.

Trẻ cũng bộc lộ qua sự sợ hãi. Một đứa trẻ thú nhận sự sợ hãi tức là nó muốn nói điều gì đó. Nếu ta cố gắng dập tắt sự sợ hãi đó, ta sẽ không nghe được những gì mà đứa bé định nói. Một điều ngược đời mà chúng ta hay làm là tìm cách trấn an chúng mà không chịu lắng nghe trẻ đang cần gì. Ví dụ, một đứa bé sợ bóng đêm, điều đó có thể là nó sợ cha nó bỏ đi, hay mẹ bỏ đi,…. Những lúc này các bậc cha mẹ thường cố gắng xoa dịu bằng cách bật đèn lên hay ôm nó để vỗ về. Thế là nỗi sợ hãi của con trẻ có nguy cơ phát triển thành hướng khác, gây nên những sự sợ hãi về sau này.

Trẻ cũng bộc lộ lời nói qua sự tượng trưng hóa. Chúng trình bày ý muốn của mình bằng các trò chơi mang tính tượng trưng. Ví dụ qua hiện trạng bừa bộn của căn phòng chúng đang chơi, đứa bé muốn nói với các bậc cha mẹ rằng: “Con cho cha mẹ thấy sự hỗn loạn trong quan hệ giao tiếp còn tồn tại giữa cha mẹ và con”.

3. Cha mẹ có dám nói chuyện với con cái không?
Trẻ con luôn đòi hỏi quan hệ rõ ràng, sống động. Nhưng nhiều bậc cha mẹ có ý muốn thoát ra, giải quyết mọi vấn đề bằng cách: “Con nên biết là cha mẹ rất yêu con chứ ?’. Nhưng điều đó chưa đủ, ngược lại đứa bé cần cha mẹ xác định rõ vai trò của mình trong mối quan hệ. Nó cần người lớn như là người đối thoại, người chịu lắng nghe.

Nhiều bậc cha mẹ tưởng rằng yêu quý con tức là phải làm vừa lòng nó. Một quy tắc cần được tôn trọng là không nên nhầm lẫn giữa nhu cầu và ước muốn. Nhiều cha mẹ khổ sở khi thấy đứa con thất vọng, đau buồn vì ước muốn của chúng không đạt được. Họ cảm thấy mình có tội và muốn xoa dịu cơn đau của đứa con. Với tư cách cha mẹ, chúng ta không nên vì thế mà nói: Con chờ chút đã, mẹ sẽ chuộc lỗi với con. Thay vào đó chúng ta nên nói: Con buồn vì bạn con không muốn chơi với con, con đau khổ vì con chó yêu của con bị bệnh,…phải không? Đó là nỗi buồn của con, đó là những tình cảm riêng của con, nhưng cha mẹ sẽ luôn bên cạnh con.

Tình yêu cha mẹ là tình yêu duy nhất có được để giúp con cái trưởng thành, để một ngày nào đó chúng có thể xa rời chúng ta mà kiến tạo cuộc sống riêng không bị vấp ngã.

Theo Thanh Minh(Tạp chí Gia đình & Trẻ em)
Nguồn: http://giadinh.net.vn

Không có nhận xét nào: